1
Sao ta cứ mãi bận lòng về chuyện nhân gian,
Gió sớm mưa chiều là sự đổi thay của thời tiết.
Đêm bên hè phố vắng,
mưa bụi lay phay xuân khởi đầy trời.
Cây bàng năm trước nở hoa,
Quả rụng, năm nay lại sắp trổ hoa.
Bàn định muôn lẽ cõi người,
Nhưng những ham muốn chen lấn trong lòng phó mặc cho ngọn lửa thiêu đốt.
Ôi, trời sinh thân ta tất có chỗ dùng – lẽ giản dị ấy không mấy người biết.
Đêm đêm miệt mài bên trang sách cũ, ngẩng lên nhìn trời,
Đã hết một năm.
Loài bướm ẩn mình trong vỏ kén ba tháng mùa đông,
Xuân đến rộn rịp cùng cỏ cây hoa lá.
Con người mấy chục năm tự nhốt trong chiếc vỏ của mình,
Chẳng một lần cắn vỏ bay vọt lên cùng trời đất.
Ôi, giấc mộng Trang Chu mãi mãi là giấc mộng – một cánh bướm mỏng tang thách thức cả kiếp người.
2
Nửa đêm nhắn tin cho bạn,
Lời nói xuyên qua mưa gió và đêm tối chuyển dịch thành những ký hiệu – những ẩn ngữ.
Ôi, đời sống là những ẩn ngữ, chúng ta không bao giờ đọc hết ý nghĩa của nó.
Mưa bụi lay phay càng về khuya càng đậm.
Cái vị rét ngọt gợi mùi lửa từ những ngôi nhà mờ lạnh xa xa phía bên kia cánh đồng.
Ta chậm rãi theo những đường phố trong đêm mưa có cảm giác như đang ở một xứ sở nào đó,
Mặc những cây bàng và ngọn đèn đường với những giọt nước lấp lánh trên vòm lá đen thẫm,lạ lẫm và vắng lặng.
3
Ôi, Người cho con chẳng được bao nhiêu – thể xác con bị dày vò kiệt sức.
Cái khô lạnh nhọn sắc của sương muối khía vào da thịt con nhức buốt mắt con nhắm nghiền, răng con nghiến chặt.
Ôi gió đông, ngươi thảm khắc những cánh đồng nứt nẻ, những hàng cây táp lá.
Nước và nhựa hiếm hoi ẩn giữ sau những làn vỏ cứng, những hoa trái se cằn trong giá lạnh.
Những cánh đồng ven đồi khô kiệt, những cái cây phủ đầy bụi trắng, những thảm cỏ úa vàng chỉ một tàn lửa là bùng cháy.
Ôi! Lạy Người – sức chịu đựng của con đã cùng kiệt .
Con mơ thấy những cánh đồng trồng Sả kéo suốt những chân đồi, mùi hương sâu đằm toả đầy bầu trời trong đêm. Con mơ thấy những lối mòn vắng ngắt phơ phất hoa mận trắng – tuổi thanh xuân đơn độc, mê mải, mơ mộng, trôi mãi trôi mãi vào sâu ký ức.
Còn gì ngoài ký ức, môt ký ức khô lạnh và buồn tẻ – Thanh xuân mãi mãi đi tìm một làn hơi ấm, đi mãi đi mãi những đống lửa cuộc đời cứ lùi xa lùi xa phía đường viền của chân trời.
Ôi, mùa đông – sương muối và hoa mận trắng. Những cánh đồng trồng Sả chạy suốt những chân đồi…
4
Chiều xuống rồi
Tôi tỉnh dậy sau giấc mơ đổ nát của thế giới đồ vật, như một xô đẩy truyền kiếp con người tất bật bươn bả trên thế gian không bao giờ dứt.
Cái thân xác của chúng ta chưa bao giờ ngơi nghỉ
Chiều xuống rồi
Những con đường sôi réo như dòng sông chảy xiết
sự vô nghĩa đã chờm qua cả giấc mơ
vắng bóng những con đò và tiếng người hú gọi từ bờ bên kia
Chiều xuống rồi
Trào dâng âm nhạc của Bach – những âm thanh sinh ra rồi mất đi rồi sinh ra mãi mãi – mỏng manh vô cùng vô tận – sự mỏng manh đã cứu rỗi nhân loại. Tôi nhắm mắt thả mình tự do theo những vệt sáng trong suốt và mãnh liệt. Tôi cảm ơn người
Chiều xuống rồi
Màu tối dịu mơ hồ cứ pha dần chầm chậm từng chút một vào trong ánh sáng, đến đỗi bóng tối sập xuống lúc nào ta không nhận ra.
Bóng đêm, hình tượng duy nhất còn lại giúp con người hồi cố về thời thơ ấu của loài người – chúng ta bơi mãi bơi mãi trong thế giới mơ hồ quyến rũ của ảo giác
Dương Kiều Minh cất kỷ niệm vào rương, như giữ gìn báu vật. Mà rương thì có chắt lọc và luôn mang theo được, chứ kho thì không, cũng là cách nói. Giấc mơ mới là cái hiện thực được khắc lại thành cái chân. Luyện hóa kỷ niệm là tinh luyện văn - tư tuệ để ngộ thức. Kỷ niệm thời thơ ấu là bệ phóng phát xuất tiềm năng. Cái vô hình, dù không nằm trong hiện diện cảm giác, vẫn hiện tồn. Bài thơ muốn tiệm cận tầng sâu xa của nhận thức luận, theo kiểu “to be or not to be” – (Tồn tại hay không tồn tại – Shakespeare).
Trong chiếc rương đơn sơ
1
Tôi xếp vào chiếc rương đơn sơ từng mảnh kỷ niệm
Những gì ta cất đi tự chuyển sang một đời sống khác
Như những cánh chim di cư từng luồng ký ức vỗ cánh rời khỏi ta bay vào cõi xa xăm
Những gì ta lãng quên, chúng vẫn hiển hiện đâu đó trong trời đất
2
Trong chiếc rương đơn sơ của tôi từng mảnh kỷ niệm đêm đêm vẫn bay trở ngược vào giấc ngủ,
những bờ cỏ đầm sương xuyên qua những cánh đồng ngập nước.
Tôi như một chấm nhỏ giữa nền hoàng hôn không biết mình đang trở về hay đang theo những cánh chim như những chấm nhỏ xíu thổi tới một chân trời xa tít.
Làn khói lẫn vào sương chiều lạnh giá cô quạnh.
Gần cuối đời tôi vẫn tự hỏi mình: Đời người hư hay thực?
Thơ ấu tự do và lãng mạn như những ngọn gió đồng rong ruổi theo những đám mây xếp bồng bềnh giờ vẫn tiếp tục tham gia vào những cuộc phiêu du không dứt,
Chúng vẫn chở theo những ao ước viển vông thời thơ ấu, những ao ước viển vông không ai hay biết chúng theo tôi suốt cả cuộc đời
3
Tôi lật trang sau của bản viết nháp,
Những gì cuộc đời va đập vào ta đều để lại những dấu vết mang những ký hiệu của một bức mật tự,
Hình bóng mà ta nhìn thấy là một sự đảo ngược,
Chỉ trong giấc mơ chúng trở ngược về là mang hình ảnh thật có.
Ôi, mọi sự ức đoán dẫn con người vào những mê lộ của những mê lộ.
Hình như loài người giờ đang luẩn quẩn trong mê lộ của mình.
Trong chiếc rương đơn sơ từng mảnh kỷ niệm được xếp khiêm nhường sẽ chở ta tới những chân trời xa rộng.
Những ao ước viển vông thời thơ dại sẽ tấu lên bản giao hưởng hùng vĩ của khát vọng con người.
Trong Củi lửa, là day dứt hoài niệm. Thơ nào nói về mẹ cũng cảm động. Nhưng chỉ có Dương Kiều Minh mới “Mẹ già nua như những buổi chiều” lấy danh từ cân với trạng từ là cách khác về ngôn ngữ. Thường hay lấy danh từ, tính từ để so sánh với mẹ. Thi nhân lấy trạng từ thì nó cụ thể không nói chung.Cả bài thơ như một khúc hát. Kinh Thi là những câu có vần được hát ở nhân gian. Còn san nhuận lại là chuyện khác. Về bên mẹ, nơi bắt đầu của mình, là điểm xuất phát chân thực nhất. Cũng mượn trạng ngữ “một sớm vắng” mà suy mộng. Bài thơ tự nó chân cảm.
Củi lửa
Đời con dần thưa màu khói
Mẹ già nua như những buổi chiều
Lăng lắc tuổi xuân
Lăng lắc niềm thôn dã
Bếp lửa ngày đông...
Mơ được về bên mẹ
Ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa
Bậc thềm dàn dụa trăng mỗi tối
Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi
Mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ
Con về yêu mái rạ cuộc đời
Một sớm vắng
Ùa lên khói bếp
Về đây củi lửa ngày xưa
Ta cũng gặp ở Hy vọng hình tượng mẹ, nhưng là buổi trưa. Cảm động thay là “Điều gì dào lên trong những hạt li ti”. Lúc này, cái nhỏ nhất đã thay cái lớn lao. Là một lát cắt. (Những bài này nằm ở tập Củi lửa - 1989).
Trong thơ Dương Kiều Minh, hình ảnh mẹ thường hay gặp. Trong Cánh đồng thơ ấu, màu trời xanh hiện trong giấc mơ không không không - cố định thuở ban đầu. Đấy là huyễn mộng. Ta vẫn thấy thực. Chỉ có cánh đồng của mẹ mới là địa chỉ tin cậy nhất để ta mơ!
Ngoài không gian của mẹ, Dương Kiều Minh có những bài thơ hay về tình bạn văn chương. Bấy giờ là buổi bắt đầu kinh tế thị trường với “Tiền là tiên là phật là sức bật của muôn người là nụ cười của tuổi trẻ là sức khỏe của người già là cái đà của danh vọng là cái lọng để che thân là các cân công lý ôi đồng tiền sao mà hết ý!”. Tôi không chấm phảy đoạn phàm ngữ này trừ dấu than cố định. Thoát ra đi hỡi con người! (Tôi xem nghệ sĩ Dương Quảng diễn câu “làm sao mà tôi có thể tin vào con người được” – kịch Molie với bộ điệu giễu nhại – không hiểu sao thấy nhớ).
Tôi biết là lúc Dương Kiều Minh nhớ về Nguyễn Lương Ngọc bạn thân của ông, nhóm các nhà thơ trẻ xứ Đoài ngày ấy. Cái dứt day tự nó về câu hỏi Tồn tại và Hợp lý không thể lấy định đề Hegel (cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại) mà vận được, khi mà “Nỗi buồn lớn quá thiền không nổi” (thơ Ngô Văn Phú).
Gửi bạn khi chiều xuống
1.
Bạn trồng trúc trước cửa
Lòng bời bời tục luỵ.
Ôi, hạc vàng bay mất, mây trắng không dừng lại
Nỗi sầu nhân gian treo lơ lửng, chưa có câu trả lời.
Tự hỏi: Cuộc đời nhiễu sự hay lòng người nhiễu sự?
Làn gió buổi tối xô mạnh cánh cửa
2.
Những khóm trúc lặng lẽ phủ làn hơi ẩm đêm xuân
Giờ này bạn đang xóm vắng hay con đường đổ đầy bóng núi
Cuộc đời là tấn kịch còn chưa đủ? Người ta vẫn mải mê ngụp lặn bày đặt các chiêu thức này nọ
Ôi, danh lợi, ngươi dìm chết cả sao?
Các số phận tự hoá giải bùa chú do chính mình tàng yểm
3.
Bạn trồng trúc trước cửa, mùa xuân tươi tốt
Đọt măng sớm đâm lên trời cao, lẽ nào lòng lụt lội mãi bởi ham muốn?
Ôi, hạc vàng từ xưa bay mất, mây trắng không dừng lại
Sầu ai lơ lửng vách thiên thu!
Và Dương Kiều Minh lại đơn độc, như nhiều người trẻ tuổi ở lúc giao thời. Bây giờ, đã 25 năm thế kỷ 21, Việt Nam mình đã vị thế bền vững rồi. Đã qua thời cái thường kém sang cái được tốt, thậm chí tốt hơn. Nhưng lùi lại hơn 40 năm trước, trong thơ ngập tràn khói thuốc để mà triết lý, ngập tràn chén rượu để mà đắm mê, ngập tràn mộng mơ để mà thoát tục.
Nhân gian, không ai dù có người. Đơn. Đơn đến không lời tả. Lại nhớ “Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi” – (thơ Trần Lê Văn – cao niên làm báo ở xứ Đoài cùng nhiều giai thoại). Trước là chiều muộn, sau là cuối thu. Thơ một người buồn lẽ nhân sinh huyễn thực. Nhưng đấy là một sự tự nó tự ý thức, chứ nếu ngoài đời tục, thì cái kỷ luật thời gian biểu chắc không phải vậy.
Không ai gọi tôi trở dậy vào buổi cuối thu
Không ai gọi tôi trở dậy vào buổi cuối thu
Mây trắng ngổn ngang bầu trời mấy chục năm về trước
Những cậu bé quàng khăn đỏ rảo bước nhanh
con đường mới đắp.
Rất nhiều người trong căn phòng rộng
qua ô cửa khuyết
tôi gọi hoài không ai nghe thấy
Bên dòng sông khói sóng dâng mù mịt
trên con đường gió bụi xa xăm
số phận giống câu thơ vừa viết xong, bị xoá
bản nháp bài thơ gió nhấc lên tựa một lá bùa
Trên cánh đồng mẹ nằm cô quạnh
mẹ hằng mong tôi khôn lớn một ngày.
Đâu đó bên hàng song thụ
trên lớp lá thu còn một chiếc giày...
Tôi hứa rằng không nói với ai
câu chuyện sẽ mang theo mãi.
Không ai gọi tôi trở dậy vào buổi cuối thu
tôi nằm viên mãn - chiếc lá vàng dưới hàng song thụ
Nếu mẹ tôi mà biết
Liệu mẹ tôi trách cứ các người...
Là người nghệ sĩ, chắc rằng Dương Kiều Minh đọc và thấm S. Freud. Trong thơ ông, giấc ngủ, giấc mơ đưa ông vào thế giới huyền huyễn để ông truyền tải suy lý. Ở đấy ông tin tưởng quan cảm của mình. Tiểu thời không của ông là Hư (tức là một tiểu thế giới khác – là khác với thế giới thực, cảm giác khách quan). Cái Hư ấy do Dương Kiều Minh tạo ra để mà cấu tứ, thành thơ.
Hiện thực vào Hư thế giới thành hiện thể hình tượng. Nó được hình dung bởi con mắt luận thức. Thực ra do ảnh hưởng của Vô thần học, mà một thời chúng ta xếp một bên, để phương Tây đi sâu thành tựu. Khi Dương Kiều Minh tiến vào mảng này, tâm hồn ông đã mặc định duy linh. Duy linh cũng là “vật chất đặc biệt”, tất nhiên không phải óc tiết ra tư duy, như gan tiết ra mật. Linh hồn, tinh thần, tư duy, ý thức, cách gọi khác nhau, đều là thế giới ý thức, là cả một quá trình.
Trong thơ Dương Kiều Minh, hình ảnh hồi ký, nói như nhà thơ Cao Ngọc Thắng, nó cứ “khắc khoải”. Lời ngọc. Giọng buồn. Hoài niệm. Và thơ huyền huyễn.
Núi đồi và hoa mận trắng
1
Trong giấc ngủ chập chờn các mùa lần lượt trở về.
Nắng, gió và đêm tối.
Giấc mơ trườn theo những con đường dốc.
Chỉ có quả đồi và những quả đồi.
Tháng giêng hoa mận nở trắng lạnh thấm vào da thịt.
Những sườn đồi xơ xác cây dại.
Những bông lau mang hình bóng những người quen cũ.
Giờ họ đang ở đâu theo làn gió phất về xa xăm
Kỷ niệm, vâng, kỷ niệm. Những ngôi nhà dựng lên đơn độc.
Cánh đồng qua đông nứt nẻ mặt trời bầm tím
Quãng đời thật nằm lại sau thời gian.
Một tiếng thở dài – hơi thở dĩ vãng thổi lại
Những cánh đồng đầy gió
Những quả đồi đầy gió
Và những cánh rừng bạt ngàn gió
Những vì sao xa xăm, tóc sương đêm thấm ướt,
những con đường rét mướt,
những con đường nghèo khó,
những con đường băng qua kỷ niệm, chất đầy kỷ niệm.
2
Những bông hoa mận nở giữa bạt ngàn gió lạnh,
Những cánh hoa trắng mỏng nhắc nhở điều gì đó nằm quên nơi núi đồi hoang vắng.
Câu chuyện đã 25 năm mang theo hai thế kỷ,
Những gì đã nhớ rồi quên, những gì từng quên đến một lúc sẽ bừng nhớ.
Tôi nào đoán định mình là người trong cuộc.
Cuộc chơi miên man, ngoảnh lại tựa vừa qua cơn mộng mị.
Những bông hoa trắng điểm xuyết vào nền trời xám lạnh,
Núi đồi dựng những bức tường của một đấu trường khổng lồ thời cổ. Chẳng nghĩ rồi tóc mình sẽ điểm bạc.
Có lẽ sự già nua là phẩm vật của tạo hoá,
Ta từ từ quỳ xuống đón nhận. Có lẽ câu chuyện đã 25 năm từng được đọc từ trang sách thời thơ ấu.
Những bông mận trắng vẫn nở tung giữa bạt ngàn giá lạnh nhắc nhở điều gì đó đã ngủ quên nơi núi rừng hoang vắng.
Ôi, thời thanh xuân!
Nhân vật trữ tình thứ hai, sau mẹ, là em. Là em , thế là đẹp rồi, thế là đủ rồi. Thơ tả cảnh tình nó dịu dàng. Nó đôi nét bâng khuâng.
Thôn quê
I
Bông hoa cỏ dịu dàng thiếu nữ
thôn quê ăm ắp nước và gió
thôn quê khát khát chân trời
Cánh đồng bao la rập rờn tiếng hát
hồ nước
đụn rơm
cây cầu gỗ
hội hè thôn quê sênh sáo nhặt khoan
Bông hoa cỏ dịu dàng thiếu nữ
các nàng tiên thiên giới tụ về
II
Ánh sáng tắt dần. Mùa hè sắp hết
hoa sam đất khu vườn cổ tích
Tuổi thơ nồng nàn lam lũ
bông súng thần tiên ngạo nghễ mặt đầm
Nở hoang tàn bụi thục lan rực màu huyết dụ
tôi bị hất bên lề ngày tháng
may chăng còn kỷ niệm thôn quê?
May chăng không hất ngoài niềm thương nỗi nhớ
mẹ giờ này dờ dẫm dậu thưa
lá mồng tơi thấm hơi sương đồng đất
Tha thứ chăng?
Hiển hiện miền quên lãng
bông súng thần tiên ngạo nghễ mặt đầm
suốt đời ngụp lặn
hoà - ánh - sáng nồng nàn trong trẻo bao la…
Tự ý thức trữ tình như là sự song hành của trí tuệ trữ tình. Trí tuệ trữ tình lấy suy lý thông minh tự sự làm góc độ. Như là các nhà thơ Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khoa Điềm, …mỗi người mỗi vẻ, làm thơ minh luận. Còn Tự ý thức trữ tình thuần thơ tự nó. Tư tưởng bài thơ không theo khuôn chuẩn cũ, mà suy lý độc thoại. Ngôn ngữ tạo ra quan cảm duy linh (là một vài thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận, nhưng không biệt một loại nào – cách nhìn biểu cảm tinh thần). Thơ Dương Kiều Minh, vì vậy, có giọng điệu bộc lộ cảm xúc kiểu tự sự nội tâm hồi ức. Dạng hồi ức này không theo kiểu ký, tản văn, mà là cảm hứng hình tượng đồng thoại tồn tại. Thơ ông, dọc như là một dạng chia sẻ khoảng thời gian nào đó trong Hư tiểu thế giới trong ta. Dù đã qua đi, nhưng ta vẫn cảm. Buồn hay vui, mà thường là buồn, dẫu sao mỹ học.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn