Lục bát tình của hồn thơ nữ Việt nơi xa xứ

Thứ tư - 16/02/2022 11:45
Nguyễn văn Ngọc:
Nhân đọc tập thơ “ Lục bát tình” của Nguyễn Hồng Linh
Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh
Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh
   80 bài thơ trong tập thơ “ Lục bát tình”, một năng lượng trữ tình dồi dào  của Nguyễn Hồng Linh. Sau mỗi bài thơ có ghi thời gian cụ thể, gối liên tiếp nhau. Từ năm 2017 đến 2021, trong 4 năm , những bài thơ lục bát lần lượt được sinh thành. Nỗi niềm thi sĩ phủ lên từng con chữ, hình ảnh. Ở đó, lưu giữ một hồn thơ giàu sức sống nội sinh thấm đượm hồn Việt. Hồng Linh , người phụ nữ đang ở  xứ người, gửi lòng mình thăm thẳm vào những bài thơ lục bát viết về  miền  ký ức tình yêu đôi lứa .
     Thơ  viết về tình yêu của Hồng Linh là những hoài niệm về dĩ vãng tình yêu khi tâm hồn thi sĩ có lẽ đã về bên bến đỗ bình yên của cuộc đời. Tuổi đời bước đến độ chín chắn của đời người từng trải trong cuộc sống mưu sinh ở xứ người.Tiếng thơ Hồng Linh là sự ngoảnh lại của thế giới nội tâm đa chiều về một tình yêu của miền quá khứ. Ngoảnh lại da diết,  nâng niu niềm hạnh phúc thưở ban đầu đến với tình yêu đôi lứa, nâng niu những nỗi buồn trong trẻo của tình yêu không về được bến bờ. Ngoảnh lại dằng dặc những bóng hình tình yêu trong ký ức với biết bao bề bộn tâm lý tình yêu đôi lứa.
      Nhiều bài thơ có sự nối kết tên các bài thơ đã viết trước với những nỗi niềm gối vào nhau: (Chiều tím bâng khuâng, Dấu son buồn, Chạm giấc mơ xưa…) làm cho  mạch nguồn nội tâm phong phú, đa chiều. Quá khứ , hiện tại, tương lai đan cài nhau trong những miền không gian tâm tưởng của người đàn bà xa xứ. Những đối cực tình yêu lại về hội tụ trong những khoẳng khắc đặc biệt. Không gian “ Đêm ” được lặp lại nhiều lần trong nhiều bài thơ. Đêm của người đàn bà xa xứ là miền không gian tâm tưởng.
 Ở đó, thế giới tâm tình về miền yêu xưa được bộc lộ một cách cô đọng nhất thế giới tình yêu sâu thẳm của riêng mình. Bóng dáng một người phụ nữ trải qua miền yêu tha thiết,  mặn nồng cứ hướng về khắc khoải những ưu tư,  hồn neo về tựa vào bờ vai người đàn ông đã bước vào cuộc tình nồng thắm với chính mình. Bài thơ “Thật thà đêm” là một trong những bài thơ hay trong tập thơ. Thơ viết về tình yêu  của người phụ nữ thường hấp dẫn bởi thế giới riêng tư được biểu lộ trong trạng thái tâm lý đầy nữ tính với những khát vọng tự nhiên: Tìm em giữa thật thà đêm / Thắp mùa rạo rực môi mềm vuốt ve/ Thiên đường lạc bước kết se/ Gió run xao xuyến sương che bềng bồng/ Bật tung cúc áo đêm nồng/ Trải miền khao khát mưa giông sóng cời/ Hoa rưng rức chạm chơi vơi/ Phút trinh nguyên ấy lạc trời nõn xuân. Ở xứ người, trải nghiệm nhiều trên các miền không gian khác nhau nhưng trên mỗi bước đi ấy, người đàn bà xa xứ luôn mang tình yêu đôi lứa đi về trong hoài niệm, gìn giữ những giá trị của tình yêu. Miền thực, miền mơ, miền đợi chờ, khát vọng, tiếc nuối,  đớn đau, thất vọng, dang dở cứ trở đi trở lại trong thế giới tâm hồn người phụ nữ : Quán buồn cây lá nghiêng chiều/ Hạ về lối cũ trăm điều ngẩn ngơ/Chiêm bao khắc khoải dại khờ/ Đường trần hai lối bơ vơ ngõ sầu ( Hương xưa).
   Thơ Hồng Linh thấm đậm chất trữ tình trong những hình ảnh thơ; Thi sĩ chú trọng tạo lập hình ảnh và cấu tứ bài thơ. Cấu tứ bài thơ thường được khơi thông,  mở ra trong không gian tâm tưởng. Cấu tứ hình hài cho bài thơ nằm trong sự giao thoa của các đối cực trong thế giới nội cảm : Giao thoa hướng nội, hướng ngoại. Men theo những hình ảnh thơ là nét tâm trạng của người phụ nữ xa xứ gửi nỗi niềm cho miền yêu  của dĩ vãng:  Dấu đầy nỗi nhớ vào anh/Giấu vào sương khói trên cành ban mai/ Giấu tình đọng chốn thiên thai/ Dáng gầy liễu rủ trang đài đắm say ( Giấu nỗi nhớ vào anh). Chân dung người phụ nữ bước ra trong không gian văn hóa của thể thơ lục bát. Trên cái nền lục bát, Nguyễn Hồng Linh đã có sự chuyển dịch sáng tạo về mặt hình thức câu thơ lục bát trong một số bài thơ lục bát. Cách tổ chức, sắp xếp ngôn từ trong dòng thơ có dụng ý về  giọng điệu. Thơ Hồng Linh đổi dáng cho câu thơ lục bát trong những tình huống tinh thần khác nhau:
                         Tháp buồn
                         Từng cánh hoa rơi
                          Hắt hiu chiếc lá
                          Vàng phơi phiến sầu
                          Giăng giăng
                          Đếm giọt mưa ngâu
                          Nhặt mùa Hạ nhớ
                          Giang đầu người hay?
                                                           ( Nhặt)
       Thơ trước hết là cuộc đời. Thơ là tiếng lòng của cõi mình và được sẻ chia với cõi người. Nỗi niềm riêng tư được tỏa ra và đi về  với thế giới nội tâm của tình yêu đôi lứa khác nhau. Ở đó, có sự đón nhận tâm trạng,  đồng điệu của những niềm hạnh phúc lúc tình yêu thăng hoa, niềm đau khi mối tình tan vỡ và khát khao dâng tràn về một tình yêu trọn vẹn. Ở đó, thu về năng lượng trữ tình dồi dào của tình yêu. Ở đó là nơi tâm tình người phụ nữ giao thoa để có sự cân bằng trạng thái. Sự gặp gỡ ấy là giá trị nhân văn  của thơ viết về tình yêu đôi lứa. Hồng Linh gánh những niềm đau, lưu trữ tinh khôi hạnh phúc tình yêu của thưở ban đầu, đi về những miền không gian . Có không gian gần như mỗi đêm về thao thức “ Đêm yêu thương khát môi cười/ Em trong như đóa hoa đời riêng anh”; Có không gian xa như hành trình về Pa-ri nước Pháp : “Ghé Pa-ris thu vàng trút lá/ Mời anh dạo bước phố lạ cùng em/ Rừng Thu vincennes gió êm/ Môi ngoan mắt biếc ngọt mềm trao anh…/ Ngàn hoa tím nụ cánh tươi / Bồi hồi ghi dấu một trời nhớ thương (Pari nhớ thương). Trên cái nền ấy, cảnh và tình đan cài, giao thoa làm nên những bức tranh trữ tình về nội tâm của tình yêu. Tiếng lòng tự tình đơn chiếc lẻ loi của một thân phận tình yêu dang dở, Hồng Linh neo về ngọn gió, vầng trăng, chiếc lá, giọt mưa rơi, tiếng đàn …. Giao thoa giữa cảnh và tình mang dấu ấn hoài cổ, neo đậu vào đó là không gian trữ tình của con người ở thời hiện đại. Thơ Hồng Linh hướng về miền ký ức tình yêu và gói vào ngôn từ nghiêng về biểu đạt hoài cổ, ít đi  sự dung nạp trữ lượng từ ngữ Việt mang màu sắc hiện đại. Bước ra từ dư vị của thơ ca dân gian, thơ ca truyền thống, tiếng thơ Hồng Linh cần được phù sa lượng từ mới bình dị, gần gũi, giàu hình tượng. Thế giới thơ tình yêu hiện đại được mở ra trên nhiều bình diện. Không gian tâm tình của cái tôi được khơi thông trong hệ thống ngôn từ mới thấm đượm hồn Việt, giàu sắc thái biểu cảm, không bị ràng buộc trong lớp từ khuôn mẫu của vốn từ cổ. Trở về với hồn thơ Nguyễn Bính trong những năm 1936-1942, những câu thơ viết về nỗi đơn côi trong tình yêu được  bọc lấy ngôn từ  cô đọng biết nhường nào: Người có đôi/ Ta rất một mình/ Phong trần đâu dám mắt ai xanh/ Đêm nay giăng rụng về bên ấy/ Gác trọ còn nguyên  gió thất tình. Thi sĩ Xuân Quỳnh đằm thắm trong nỗi niềm chân chân chất của tình yêu, là lời thầm thì bên nhau của tiếng nói tình yêu : Anh thân yêu/ người vĩ đại của em/ Anh là mặt trời/ Em chỉ là hạt muối/ Loài rong rêu chưa ai biết bao giờ.
    Vẻ đẹp trong thơ Hồng Linh là  nằm trong sự vận động của hình ảnh thơ hướng tâm thức con người về miền sáng  của khát khao. Ở bến đỗ bình yên cuộc đời, biết nhìn dĩ vãng tình yêu ở những góc nhìn  văn hóa tình yêu đôi lứa của người Việt. Biết hướng con người đến những khát vọng nhân văn. Người đọc thơ Hồng Linh không đắm chìm trong đau thương mất mát mà hướng con người  đến sự bao dung, độ lượng trước số phận tình yêu, trước mỗi cuộc đời. Không gian thơ Hồng Linh đang được dồn nén và mở rộng ra phía chân trời có mặt trời lên, bình minh sẽ đến với thơ Hồng Linh, đến với một tâm hồn thơ dạt dào cảm xúc về tình quê hương, tình yêu đôi lứa . Trong thời gian 4 năm( 2017-2021), Hồng Linh dâng  cho tình yêu 80 khúc tình dạt dào. Năng lượng trữ tình ấy gối vào tiếng thơ trong 2 tập thơ trước ,tiếng lòng tự tình đơn chiếc lẻ loi của một thân phận tình yêu dang dở của thi sĩ Hồng linh để ta thấy sức bền  của một hồn thơ người Việt  nơi xứ người. Bạn đọc hy vọng sẽ được đón nhận những mùa trăng thơ của cây bút Hồng Linh còn đầy sức trẻ của tâm hồn Người phụ nữ Việt đang sống và làm việc tại nước Đức xa xôi.
Bài của Th. sĩ Nguyễn Văn Ngọc
           ............................
Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh
Sinh năm 1961
Nguyên quán : Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Tốt nghiệp học phổ thông và học chuyên ngành kế toán – Tài vụ. 1979
Vào thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai sinh sống và làm việc.
Năm 1989, sang Đức và định cư tại thành phố Stuttgart. Hiện đang làm việc tại trường Đại học Nông nghiệp thành phố Stuttgart. Tác phẩm của Hồng Linh được đăng trên các báo, tạp chí, trang văn trong và ngoài nước.
   Các tập thơ đã xuất bản :
- Tóc rơi phiến ngọc - NXB Hội nhà văn 2019.
- Cành xanh giọt sầu - NXB Hội nhà văn 2020.

 

 

Nguồn tin: HNV:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây