Phan Đình Giám
Cảm nhận về Nguyễn Mạnh Thắng và tiểu thuyết Trăn trở một đời
TS. Đỗ Khánh Tặng
Nhà văn Nguyễn Mạnh Thắng, hội viên Hội nhà văn Hà Nội, gây đợc nhiều chú ý cho bạn đọc. Bởi vì anh bén duyên với thơ văn khá nhanh và có những bước ngoặt ngoạn mục trên con đường say mê sáng tác cho đời, mà đỉnh cao là tiểu thuyết "Trăn trở một đời", Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành Quý II - 2018.
Nguyễn Mạnh Thắng đến với thơ trước hết, có lẽ bởi thơ có thể đưa anh vào “Làng văn chương” nhanh hơn. Tuy điều cơ bản của văn chương đâu phải là nhanh chậm, mà thong thả lắng đọng mới là phong thái văn thơ. Thực tế là Nguyễn Mạnh Thắng vừa thong thả vừa khẩn trương cầm hút. Hơn thế, tôi có cảm nhận, hàng chục năm nay anh sống thật sự và thật nhiều với văn thơ như cái nghiệp của đời mình, anh vừa viết vừa đọc, tự học, tự rèn. Anh đọc thơ bạn, đọc sách lý luận văn học, đọc sách kinh nghiệm viết văn, đọc sách tham khảo lý luận phê bình, trò chuyện văn chương với bạn bè. Nhiều lần tôi đến chơi thăm, đều thấy anh đang đọc một cuốn nào đấy hoặc anh đang viết chăm chú. Điều tôi quý hơn là nhiều lần tôi đến đã thấy anh đang tiếp bạn văn.
Nguyễn Mạnh Thắng viết khá đều: các tập thơ “Nắng chiều” -2007, “Lục bát áo cũ”- 2008, “Hai nửa lời ru” -2010, “Viết trong đêm” -2012, “Ngày trở về” -2014, “Cõi người” -2014, “Vệt nắng cuối thu” -2015, “Một thoáng quê xưa”- 2017,tiểu thuyết Một Đời Trăn Trở và Chuyện ngắn Ngủ với Kẻ Thù 2018, được Nxb Hội nhà văn duyệt in. Tập thơ “Ghép lại những mảnh tình” được Nxb Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2012.
Bạn đọc nhiều năm theo dõi và thưởng thức thơ anh như một nẻo đường thơ đã định hình nét riêng về thi pháp, đó là nguồn chủ yếu dẫn Nguyễn Mạnh Thắng trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội như một dấu mốc đáng ghi nhận.
Điều ngạc nhiên thú vị đối với tôi và nhiều bạn đọc là, sau một thời gian ngắn miệt mài, anh cho ra mắt hai tập truyện ngắn: “Ngoại tình”-2014 và “9X”-2015, Ngủ với kẻ Thù 2018. Nxb Hội Nhà văn. Ngạc nhiên vì bút pháp truyện ngắn của anh thật sáng tạo, hợp với cuộc sống tự nhiên, với luật đời truyền thống, đang chuyển động mạnh mẽ sang thời kỳ đổi mới toàn diện cả đất nước và con ngời.
Thơ Nguyễn Mạnh Thắng khám phá tác giả và ngoại cảnh là chính. Truyện ngắn của anh lại khám phá một cách tài tình nhiều số phận, nhiều cảnh đời của con người Việt Nam từ cuộc kháng chiến chống Pháp, qua chống Mỹ đến sự nghiệp đổi mới hôm nay. Nhiều thế hệ được tạo dựng sinh động, tươi mới, nhiều hoàn cảnh éo le phản ánh một cơ chế cũ và mới đan xen, đấu tranh đầy biến động. Anh xây dựng con ngời có tâm lý phù hợp lẽ đời và sinh động, hấp dẫn bạn đọc.
Thật vui mừng từ bạn đọc đến nhà lý luận phê bình đều ngạc nhiên hơn nữa khi Nguyễn Mạnh Thắng cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Trăn trở một đời” 335 trang không quá dài mà gửi được nhiều thông điệp cho bạn đọc , thể hiện một tay bút có nghề, dồi dào chất liệu. Đó là cuốn tiểu thuyết tự truyện sâu sắc, tự truyện mà nhiều sáng tạo trong bút pháp thể hiện, tạo dựng cả một giai đoạn đấu tranh cách mạng là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả hai miền Nam Bắc, đến thời kỳ xây dựng sau 1975.Tác giả chính là nguyên mẫu cho nhân vật trung tâm, được đặt tên là Nguyễn Đình Lợi.
Phần một cuốn tiểu thuyết mang tiêu đề “Tình mẹ” được thể hiện dung dị, cô đọng mà sinh động, chân thật một miền quê Hải Dương thời Pháp thuộc, có ông Đậu, bà Cao trăn trở với người con nuôi Nguyễn Đình Lợi để mong sao bé Lợi nên người như con cái ngời ta. Khung cảnh cuộc đời lúc đó là nạn đói kém năm 1945, ông Đậu vất vả mọi bề song vẫn đi theo “kháng chiến, đi theo cụ Hồ, giành độc lập dân tộc, giành cơm no áo ấm cho mọi ngời” (lời ông nói với bà). Bà Cao cũng vất vả khôn cùng, song biết bao tình cảm yêu thương với đứa con nuôi yêu quý.
Các phần sau tiếp tục phát triển khung cảnh cuộc sống người dân và các họat động của lớp trẻ nông thôn thời kháng chiến. Trong đó có những đợt Đoàn thanh niên đi làm thuỷ lợi, Nguyễn Đình Lợi cũng nhiệt tình tham gia và một đêm ở thảm cỏ, trên mặt con đê, được chị Phó Bí thư chi đoàn cho “vào đời”. Tiểu thuyết miêu tả từng bước cố gắng vươn lên và những trắc trở, gian truân, nhưng Lợi thể hiện nhiều phẩm chất tốt đẹp . Đã có giấy gọi đi Đại học, Lợi vẫn kiên quyết xin đi bộ đội, bố mẹ can ngăn mãi cũng không được. Lợi vào quân ngũ, vào đơn vị lính dù, một đợt tập trận, bị gió tạt sang sờn núi bên kia, bị dân quân xã bắt vì tưởng là “phi công Mỹ”. Tác giả có những trang sinh động, hấp dẫn về vụ bắt nhầm này và gợi lại không khí hào hùng ở nông thôn những ngày chống Mỹ đánh phá miền Bắc. Lợi trở về huấn luyện lính đặc công, tập luyện tốt, đạt thành tích giỏi, Lợi được thưởng phép về quê và lại có kỷ niệm đẹp với Phó Bí thư chi đoàn…
Cuốn tiểu thuyết tập trung khắc họa Nguyễn Đình Lợi phấn đấu toàn diện, vượt bao khó khăn gian khổ. Trong khi ở nhà, mẹ Lợi lấy chồng hàng chục năm rồi vẫn không sinh được người con nào nữa với bố nuôi của Lợi, nên họ hàng bàn bố Lợi phải lấy vợ hai. Tác giả nói sự long đong của bố mẹ cũng là nói sự trăn trở đau lòng của Lợi với gia đình, họ hàng và quê hương. Bản thân Nguyễn Đình Lợi cũng có những mối quan hệ gắn bó máu thịt với quê nhà trong thời gian đang trong quân ngũ, ở chiến trờng miền Nam với bao kỷ niệm ngọt ngào và đau thương.
Vợ Lợi lấy anh, đám cưới thật đặc trưng trong mấy ngày ngập lụt ở quê nhà, trong dịp Lợi về phép.Cưới xong lên Hà Nội, qua cơ quan vợ không “động phòng” được phải lẻn ra vườn hoa công viên làm việc ấy. Rồi Lợi tiếp tục ra đi vào cuộc chiến đấu anh dũng, gian lao.
Cuốn tiểu thuyết có nhiều trang đẹp viết về người chiến sĩ ở chiến trường, về các chiến sĩ dũng cảm, thương yêu nhau, bổ sung nhiều tư liệu quý về văn chương chiến trường của quân đội ta, tô đẹp truyền thống đáng yêu quý trân trọng trong truyền thống dân tộc, gắn bó máu thịt Bắc Nam. Nét chung khá nhiều. Nét riêng Nguyễn Đình Lợi cũng rất rõ. Đó là những kỷ niệm trong từng trận đánh, lúc dưới hầm , lúc giáp mặt với đối phương, có khi tiếp cận Thủ trưởng “Binh Nhì” Lê Quang Đạo mà không biết, lúc bị thương nặng được đưa ra Bắc thì nằm cùng xe tải với các chiến sĩ đã hy sinh,v.v…
Điều trăn trở suốt đời của tác giả được thể hiện sâu sắc, sống động và tập trung nổi nhất qua nhân vật có nhiều thuộc tính Nguyễn Đình Lợi, thuộc tính của một người trai mạnh giỏi, yêu đời, yêu người, nhân văn, cao thượng. Thế mà tình vợ chồng Lợi, từ khi lấy nhau ở quê nhà, lúc chia tay tiếp tục đi chiến đấu, đến ngày đoàn tụ sau 1975 mùa xuân đại thắng, biết bao bi kịch khi vợ ngoại tình, nhưng Lợi kiên tâm và cao thượng.
Bạn đọc bồi hồi, xúc động, chia sẻ với Nguyễn Đình Lợi thật nhiều. Bạn đọc cũng mừng vui khôn tả cùng Nguyễn Đình Lợi khi gặp một tình yêu mới, vào loại hy hữu, lạ thường. Đó là một tình yêu đẹp giữa người cựu chiến binh được một cô gái “chưa cưới chồng lần nào” đem tình yêu dâng hiến, điều Lợi cũng chưa ngờ tới, một tình yêu giữa hai người chênh lệch tới gần 30 tuổi. Cuốn tiểu thuyết càng hấp dẫn hơn với tình yêu tự nhiên, chân thành như “trời cho” nhà thơ ấy.
Cấu trúc tiểu thuyết liền một mạch, cuốn hút người đọc không rời, không nghỉ. Tác giả chia làm bốn phần, nhưng bạn đọc cảm thấy nếu không chia các phần thì “một đời” vẫn cứ trôi liên tục. Song, tôi nghĩ, nếu đã chia như ba phần đầu, thì phần sau nên chia thành nhiều phần nữa, sẽ mạch lạc hơn ,dễ nhận biết hơn. Bởi tiểu thuyết có thể chia phần theo nhiều mặt cắt khác nhau cuộc đời của nhân vật.
Văn Nguyễn Mạnh Thắng dồi dào cảm xúc, viết tự nhiên, tươi mới như cuộc sống, song có lúc anh không làm luôn nhiệm vụ của người biên tập, dùng đúng các dấu gạch đầu dòng cho lời nhân vật, để người đọc biết , không phải xét suy nữa.
. Tôi nghĩ, tiểu thuyết “Trăn trở một đời” của Nguyễn Mạnh Thắng là “bứt phá thứ hai” của anh. Lần trước là “ngoặt sang truyện ngắn” thành công, tôi nghĩ là thành công cao, vì anh viết rất sáng tạo mà chân thực, phản ánh cuộc sống sinh động, phong phú, muôn màu. Lần này, “Trăn trở một đời” là một đỉnh cao mới.
Về mặt nội dung, thơ Nguyễn Mạnh Thắng và tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Thắng là đồng tâm, là cùng một cuộc đời, một tâm huyết dồn nén trên nửa thế kỷ, kể từ khi nhân vật Nguyễn Đình Lợi gửi những thư từ và tài liệu viết tay trên những trang giấy nhỏ của quyển “Lý lịch máy K 6 -3, máy thông tin 2w” gửi về quê hương để không bị mất ở chiến trường. Thơ anh là: thơ “nói thẳng, nói thật” thơ buồn và thơ phê phán cả nạn tham nhũng và thói đời, đương nhiên bằng ngôn ngữ và hình tượng văn chương bao nhiêu thì tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Thắng sống động bấy nhiêu. Vì anh sống thật với mình trước, sống thẳng với mọi người, đàng hoàng và hồn hậu đến thế, yêu người và quý bạn như thế.
Mừng …chúc anh. Cảm ơn anh đã cho bạn đọc thưởng thức văn anh “quả cảm” như người lính, đôn hậu như ngời mẹ và đằm thắm như người tình.
Nguồn tin: HNV.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn