Nhà thơ Vương Trọng, nặng lòng với tình quê, tình người

Thứ sáu - 08/09/2023 08:06
Nhà thơ Vương Trọng
Nhà thơ Vương Trọng

     
 Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Thiện

        Tên khai sinh của nhà thơ Vương Trọng là Vương Đình Trọng. Ông sinh năm 1943 tại Đô Lương - Nghệ An. Vùng đất xứ Nghệ địa linh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng đã sinh dưỡng nhiều con người hiếu học, giàu ý chí. Vương Trọng là con một cụ đồ Nho. Các anh trai ông đều yêu thơ, hay đọc thơ và truyền đến cho Vương Trọng tình yêu thơ từ rất sớm. Hồi nhỏ, Vương Trọng học giỏi toàn diện, đã từng đi thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Lớn lên, do các anh trai ông đều đã gắn bó với nghiệp Văn nên ông quyết định khai phá con đường mới. Ông thi Đại học vào ngành Toán và sau này Tốt nghiệp Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

   Năm 1965, cũng như nhiều thanh niên yêu nước bấy giờ khao khát ra tiền tuyến“Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, Vương Trọng lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông về công tác tại Cục 2 Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1970, Vương Trọng được điều chuyển làm giáo viên dạy Toán tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng. Ở đó công tác sau ba năm, ông được chọn đi học lớp Bồi dưỡng sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1974, ông làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đến năm 2007 về hưu với quân hàm Đại tá. Cả cuộc đời sáng tác và phục vụ sáng tác, nhà thơ - chiến sĩ Vương Trọng có những thành tựu đáng kể vào tiến trình phát triển của nền thơ ca Việt. Ngoài trí nhớ tuyệt vời và tài ứng khẩu câu đối, thơ trào lộng sắc sảo cùng với vai trò một nhà Kiều học xứng danh“giải nhất chi nhường cho ai”, đọc và tìm hiểu về sáng tác thơ Vương Trọng còn thấy rất rõ hồn thơ ấy rất nặng lòng với tình quê, tình người.

      Quê hương là nơi ông gửi trọn hồn mình

Thơ  Vương Trọng  viết về nhiều đề tài, ở nhiều cung bậc cảm xúc song bao giờ ông viết về quê hương cũng tha thiết ân tình với miền quê nghèo khó và những kỷ niệm đau đáu của tuổi thơ. Những vần thơ đầu tiên trong đời mình ông viết về quê hương. Vốn có năng khiếu thơ nên khi còn thiếu nhi (mới học lớp 4), Vương Trọng đã làm thơ  bày tỏ cảm xúc của mình với nơi chôn nhau cắt rốn. Bài thơ có cái tên rất xưa cũ: “Vịnh khe Bò Đái”. Tuy bài thơ gửi đi tòa soạn không được đăng báo nhưng đó là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời.

Lớn lên vào quân ngũ dù công tác nơi xa, trong lòng người con xứ Nghệ ấy vẫn thao thiết nỗi niềm quê hương. Một lần qua bến sông Cung, nhà thơ thương người lái đò cùng giọng hò đậm bản sắc sông Lam và mãi nhớ “Câu hò sông quê”(1976): “… Bâng khuâng gặp lại bây giờ/ Em và man mác câu hò sông quê”. Chỉ trong một cặp câu thơ có liên tiếp những từ láy đắt giá: Bâng khuâng chỉ nỗi buồn nhớ không rõ ràng xen với ý nghĩ luyến tiếc vẩn vơ; còn man mác chỉ tâm trạng lâng lâng đượm buồn, cảm giác như lan toả ra một khoảng không gian rộng lớn nhưng vắng lặng. Nếu không đau đáu một lòng nhớ thương quê, chủ thể trữ tình không thể có tâm trạng ấy. Vương Trọng từng tâm sự: “Con người chúng ta không ai muốn tuổi thơ nghèo khổ nhưng ở góc nào đó, chính cái nghèo khó của tuổi thơ đã giúp tôi nhiều trong sáng tác. Nó đã găm hồn tôi với quê hương…”

Cũng bởi yêu thương và gắn bó máu thịt với quê hương nên sau này, trong bài thơ Lời dặn (1989), Vương Trọng bày tỏ mong ước thiết tha nơi trở về của mình: “Thi hài tôi sẽ trở về với làng/ Trên sức lực bạn bè, xóm mạc/ Những bàn tay lam nham cua cắp/ Những bàn chân tập tễnh bước gai đâm./ Núi Quỳ Sơn sẵn dành chỗ tôi nằm/ Hoa ấm lửa, đất nồng hơi than cháy/ Hạnh phúc lắm được nằm xuống đấy/ Dù gió mưa, không biết lạnh bao giờ…”. Điều đáng nói là, dù viết về tình đất hay tình người, thơ Vương Trọng đều có cốt lõi chung là nỗi lòng sâu đằm của riêng ông, không lẫn với bất cứ nhà thơ nào khác.

             Tình yêu con người luôn rộng mở và giàu suy tư

Tôi cũng như nhiều người khác rất xúc động khi đọc thơ Vương Trọng viết về tình cảm gia đình. Bài “Khóc giữa chiêm bao” nhà thơ kể mình đã nhiều lần gặp mẹ trong mơ, lần nào cũng khóc. Đoạn thơ sau trong bài đã chạm tới trái tim của người đọc bởi sự chân thật đầy ám ảnh: Anh em con chịu đói suốt ngày tròn / Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa / Có gì nấu đâu mà nhóm lửa / Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về”. Hình ảnh mấy người con đói rã suốt ngày, trời tối vẫn còn "ngồi co ro bậu cửa" đợi mẹ về để có bữa tối là ngô hay khoai khiến lòng ta thổn thức. Mẹ không chỉ là suối nguồn yêu thương, còn là niềm tin,  hy vọng, là lẽ sống và hạnh phúc của anh, của em, của cả đời người con. Bài thơ làm sống dậy chân dung người mẹ nghèo tần tảo, vất vả  hy sinh vì đàn con và gia đình với tình yêu thương và lòng biết ơn vô hạn. Đó cũng là hình ảnh rất tiêu biểu của bao mẹ Việt Nam khác.

Không chỉ viết về mẹ, ông còn có bài Chị dâu gồm 38 câu thơ lục bát nhuần nhị. Đây lại là sáng tạo mới và là tấm chân tình của nhà thơ với người chị đảm đang, thương yêu lo toan cho các em chồng chẳng khác gì người mẹ chăm lo cho các con. Ca dao Việt Nam có câu: “Em chồng ở với chị dâu/ Liệu chừng kẻo nó giết nhau có ngày”. Đặt trong mối quan hệ ấy, đoạn thơ sau thật xúc động và trân quý vô cùng : “Nghĩ mà thương lắm Chị dâu/ Chiều mưa, gạo hết, Mẹ đau cuối giường/ Em ngồi đôi mắt nhoà sương/ Nón tơi, cắp rá ngang vườn Chị đi/ Chiều ơi mưa mãi làm gì/ Hoàng hôn đừng xuống trước khi Chị về!...” Bao nhiêu xót đau và thương cảm và biết ơn chị dâu gửi gắm qua những vần thơ được chưng cất từ gan ruột như thế?

Vương Trọng thương nhớ nhất là đứa con đầu lòng mới vừa một tuổi đã phải gửi về sống với ông bà ngoại vì cha mẹ bận công tác. Với 40 câu thơ, bài “Nhớ con” (1976) là tiếng lòng da diết nhớ thương của người cha gửi tới đứa con yêu. Tác giả bài viết được nhà thơ tâm sự: bài thơ ông viết về cảnh ngộ thực của gia đình mình. Vợ ông là bác sĩ làm việc ở bệnh viện Xanh Pôn, bản thân ông bấy giờ đang trong quân ngũ. Bài thơ này ông hóa thân vào tâm trạng của người vợ nên cảm xúc chân thực vô cùng. Trái tim người đọc rưng rưng khi đọc những câu thơ: “Con xa rồi, mẹ thức với mông mênh/ Quờ tay sang thấy giường chiếu rộng”  tả chi tiết tâm trạng ngổn ngang âu lo và thương nhớ con đến không ngủ được của người mẹ trẻ mỗi đêm về, trong khi:“Nửa năm rồi con mới thấy mặt cha / Cha trở về, rồi cha đi, vội lắm / Đừng trách con ơi, cha là người lính / Người lính mấy khi được ở gần nhà”. Bằng sự từng trải của chính cuộc đời mình, Vương Trọng đã khái quát lên và đồng cảm sâu sắc với người lính, vì nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho quê hương đất nước mà sống xa vợ con. Đâu chỉ người mẹ nhớ thương và dành tình thương chia đều cho hai ngả, cả người cha cũng thế: “Nỗi lòng cha cũng hai nửa phân chia / Nửa nhớ con, nửa thương về nơi mẹ / Chỉ riêng con còn thơ dại quá / Có bao giờ con biết nhớ cha đâu”. Đọc thơ, có thể hình dung ba thành viên cha - mẹ - con sống ở ba nơi như ba đỉnh của một tam giác, nỗi nhớ thương cứ giăng mắc qua lại những đỉnh ấy. Mấy câu kết, người cha nhắn nhủ tới đứa con yêu: “Đừng trách mẹ những đêm dài ít ngủ / Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa”. Lời thơ cô đọng, giàu chất trí tuệ đã thâu tóm cảm xúc toàn bài và  hàm chứa một triết lý sống cao đẹp.       

Hồn thơ Vương Trọng luôn rộng mở. Ông vô cùng trân trọng và biết ơn những người chiến sĩ  - qua bài “Đường về phum” - và  những cô thanh niên xung phong quên mình xả thân hy sinh vì nước khi tuổi còn rất trẻ. Bài “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” (1995) có sự ảnh hưởng và lan tỏa rất lớn. Ở đây, nhà thơ hóa thân vào linh hồn mười liệt nữ để: “Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”. Lời thỉnh cầu thiết tha gắn với thói quen gội đầu bằng bồ kết của những cô gái ngã xuống vì nghĩa lớn đã được những người còn sống thực hiện  với lòng cảm phục và biết ơn sâu sắc. Tiếng nói từ sâu thẳm trái tim nhà thơ được khắc trên tấm bia đá (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt) đặt trang trọng ở phía bên trái khuôn viên  nghĩa trang, cạnh gốc cây bồ kết đã trồng ngay sau khi bài thơ lan tỏa đến bạn đọc.

Điều đáng quý khác nữa ở Vương Trọng là thơ ông luôn đồng cảm, bênh vực những phận người kém may mắn. Bài Với đứa con ngoài giá thú” (1986) là một minh chứng, ở đó nhà thơ bênh vực người mẹ và em bé như ông Bụt với cô Tấm trong truyện cổ tích qua lời thơ Mặc người đời gọi con ngoài giá thú/ Con vẫn trong tình mẹ vuông tròn”. Không dừng ở đó, khi chứng kiến cuộc sống ngày nay có nhiều cặp vợ chồng ly hôn, ông viết bài thơ “Hai chị em” năm 1985, tỏ lòng thương xót vô hạn những đứa trẻ bơ vơ trong cảnh ly hôn. Lời thơ ở đây như những tiếng nấc nghẹn ngào: Nó biết đâu Bố Mẹ nó ra toà/ Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ/ Đứa còn Mẹ thì thôi, không còn Bố/ Hai chị em rồi sẽ mất nhau…. Thơ  Vương Trọng không chỉ là tiếng nói của cảm xúc, còn là những suy tư triết lý về cuộc sống con người. Bài thơ này còn gióng lên hối hả hồi chuông cảnh báo những ông bố, bà mẹ trước khi đặt bút ký đơn ly hôn dùPhút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!”. Cũng từ đây, nhà thơ muốn gửi gắm tới bạn đọc: không chỉ gia đình mà rất cần sự chung tay của toàn xã hội quan tâm đến con trẻ vì đó là tương lai của đất nước chúng ta.

Với hơn nửa thế kỷ sáng tác ông  đã cống hiến bạn đọc gần 30 đầu sách, trong đó: 16 tập thơ và trường ca, ngoài ra là các tập truyện ngắn, bút ký, sách dịch. Những tác phẩm nổi tiếng nhất là: Khoảng trời quê hương (thơ – 1979),Về thôi nàng Vọng Phu (thơ – 1991), Đảo chùm (trường ca – 1994) Hồn quê (truyện ngắn – 1994), Mèo đi câu (thơ thiếu nhi – 1996) Vương Trọng rất xứng đáng: Hai lần được Giải thưởng Hội Nhà văn  Việt Nam (1993 và 1996); năm lần được Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1986, 1994, 2004, 2009, 2019), Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007. Đó là sự ghi nhận và tôn vinh xứng đáng đối với nhà thơ mặc áo lính có nhiều cống hiến với thi đàn Việt.

Gặp nhà thơ Vương Trọng và phu nhân tại tư gia, tôi thật sự vui mừng trước cuộc sống an nhiên và ấm áp của gia đình ông. Tuy nay đã tròn tuổi bát thập nhưng nhà thơ sức khỏe và thể chất vẫn còn rất phong độ mà người độ tuổi 70 chưa dễ gì có được. Điều đáng quý là nhà thơ vẫn không ngừng nghiên cứu văn chương và còn tiếp tục làm thơ. Ông đang chuẩn bị in một tuyển tập. Bạn đọc luôn trân quý và chờ đợi những sáng tác và ấn phẩm mới của ông.
Hà Nội, mùa thu.  N.T.T.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây