Nhà văn Khuất Quang Thụy gắn bó, thuỷ chung với đất, với người

Thứ sáu - 07/03/2025 16:37
Nhà văn Khuất Quang Thụy ( 1/1950 - 3/ 2025)
Nhà văn Khuất Quang Thụy ( 1/1950 - 3/ 2025)



NỖI NHỚ

 

Sáng nay tôi gặp lại tuổi thơ

Trong sắc hoa gạo đỏ
Cây gạo đã già như một câu chuyện cổ
Vẫn thơ ngây những chuỗi cười giòn
Đôi chim sáo lại về làm tổ
Cho bao lứa trẻ trong làng mỏi cổ nhìn lên

Sáng nay tôi gặp em
E thẹn rẽ vào lối ngõ
(như mang theo một nửa mùa xuân đi về lối đó)
Lẽ nào tôi chẳng nhìn theo
Hoa xoan rơi trong mắt
Hoa xoan rơi nhắc một điều có thật
Sớm nay tôi trở về đây

Những liên tưởng này ngộ nghĩnh lắm thay
Hoa gạo đỏ như một chùm đạn lửa
Và em
Giống như người em gái đó
Tôi gặp ở đâu trong rừng xa phương nam

Hoa xoan rơi nhắc một chiều tím ngắt bằng lăng
Treo võng tôi nằm đợi giờ ra trận
Cả quê hương với dáng hình rất thật
Cũng ngỡ ngàng như đã gặp nơi đâu

Đi giữa quê hương mà lòng dạ xôn xao
Những tưởng về đây hết cồn cào thương nhớ
Cái phương trời ta sống qua những năm đạn lửa
Trọn đời hồ dễ dám quên.

 

         Hà Sơn Bình, Năm 1976
        Khuất Quang Thụy

 

Nhắc đến Khuất Quang Thuỵ phần lớn bạn đọc nhớ về ông là một nhà văn viết tiểu thuyết thành công về đề tài chiến tranh; đậm dấu ấn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua các tiểu thuyết Trong cơn gió lốc, Góc tăm tối cuối cùng, Không phải trò đùa…

Nhưng, nhà văn Khuất Quang Thuỵ còn thành công khi sáng tác thơ, ông có nhiều bài thơ hay, cũng gắn với cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Chắc hẳn, do có những năm tháng tại ngũ (1967-2000), có trải nghiệm thực tiễn nên các trang viết của ông, dù là văn xuôi hay thơ vẫn không thôi ám ảnh của năm tháng chiến tranh!

Trong số các bài thơ thành công của ông, phải kể đến bài Nỗi nhớ! Vâng, nỗi nhớ là nỗi niềm của hầu hết mọi người; như một quy luật của muôn đời mà nhà thơ Chế Lan Viên từng khái quát

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

Nói đến nỗi nhớ phần lớn chúng ta nghĩ tới nỗi nhớ trong tình yêu nam nữ (dù tình mẫu tử, phụ tử, anh em, bè bạn… cũng có nỗi nhớ) nhưng hình như nỗi nhớ trong tình yêu là nỗi nhớ đặc biệt và được thể hiện nhiều hơn cả trong thi ca, nhạc hoạ. Bài thơ Nỗi nhớ của Khuất Quang Thuỵ có lẽ, khi thoạt nghe nhiều người cùng tâm trạng như tôi, tưởng đó là bài thơ thuộc đề tài tình yêu lứa đôi

Nhưng, khi đọc mới vỡ lẽ, nỗi nhớ được đề cập rộng hơn

Khổ thơ thứ nhất là Nhớ tuổi thơ!

Vâng, nhớ tuổi thơ cũng không lạ, nó là cảm xúc mang tính phổ quát của loài người!

Cái hay ở đây, khổ thơ thứ nhất không nói về kỷ niệm tuổi thơ vui đùa nghịch ngợm như “

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi

Như cách nói của nhà thơ Giang Nam

Cũng không phải “tuổi thơ lấm lem bùn đất”… Ở đây thi sỹ gặp tuổi thơ trong sắc hoa gạo đỏ!

Sáng nay tôi gặp lại tuổi thơ

Trong sắc hoa gạo đỏ
Cây gạo đã già như một câu chuyện cổ
Vẫn thơ ngây những chuỗi cười giòn
Đôi chim sáo lại về làm tổ
Cho bao lứa trẻ trong làng mỏi cổ nhìn lên

 

Dù cây gạo đã già, đã thành cổ thụ, tuổi của cây gạo được đo bằng thời gian ví von “như câu chuyện cổ” và sắc hoa thì bao năm vẫn chói ngời! và lũ trẻ dù xưa hay nay vẫn mỏi cổ ngước nhìn, nhìn sắc hoa đẹp rực rỡ, nhìn chim sáo làm tổ trong tiếng cười giòn tan… có cảm giác tiếng cười giòn tan ấy toả ấm không gian, đẹp, bền theo năm tháng.

Nhưng, đẹp hơn nữa là hình ảnh em được nhắc ở khổ thơ thứ 2  Sáng nay tôi gặp em/ E thẹn rẽ vào lối ngõ. Chữ thẹn được sử dụng rất hay, rất phù hợp tâm lý tuổi thanh niên thế hệ những năm 60-65 của thế kỷ trước!

Nếu nói em xấu hổ rẽ vào lối ngõ thì độ ám ảnh của câu thơ giảm đi rất nhiều. Phải là “thẹn” mới hợp tâm lý gái thôn quê, vừa e ấp, vừa duyên, vừa tình tứ! Em rẽ vào lối ngõ, ngõ ở nông thôn thời kỳ đó hẳn là ngõ nhỏ và quanh co, nên em dần khuất bóng, ngỡ như “một nửa mùa xuân” theo em rời khỏi tầm mắt anh vậy ! Và “tôi” chỉ còn biết nhìn theo, ánh nhìn hun hút và nhoà mờ theo sắc tím hoa xoan. Khác với nhớ tuổi thơ gắn với hoa gạo đỏ thắm; ở đây, hút tầm mắt nhìn theo bóng thiếu nữ là sắc hoa xoan Hoa xoan rơi trong mắt/ Hoa xoan nhắc một điều có thật

Đọc đến đây, bỗng dưng trong tôi văng vẳng câu thơ Nguyễn Bính thuở nào

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp dụng vơi đầy

Hoa xoan tím như nỗi nhớ của tình yêu trong trắng! Nói hoa xoan là gắn với tình yêu nhưng mang sắc thái buồn và tâm trạng nuối tiếc!

Sau điệp khúc hoa xoan, nhân vật trữ tình trong thơ lại đắm chìm trong liên tưởng, Hoa gạo đỏ như chùm đạn lửa và hoa xoan nhớ một chiều tím ngắt bằng lăng… hiện tại là không gian “tôi trở về đây là có thật”, thật sự đặt chân về quê hương yêu dấu! Nhưng hiện tại là hoà bình mà lại nhớ kỷ niệm chiến tranh, hiện thực là em lại nhớ cô gái đã gặp ở đâu đó trong rừng xa phương nam!

Cũng như khi ở chiến trường, trên cánh võng trước giờ ra trận lại nhớ Cả quê hương với dáng hình rất thật!

Nay sự thật ở quê hương mà lòng dạ xôn xao, cứ ngỡ về quê là thuần tuý với kỷ niệm quê hương nhưng kỷ niệm nơi chiến trường lại ùa về, giăng mắc trong nỗi nhớ

Thì ra, Nỗi nhớ không phải là câu chuyện của tình yêu nam nữ ! Là nỗi nhớ kỷ niệm nơi chiến trường !

Khổ thơ cuối kết lại bài thơ trong nỗi nhớ đằm sâu và một triết lý nhẹ nhàng nhưng thấm thía về sự gắn bó, thuỷ chung với đất, với người, với chiến trường nơi mà tác giả nói riêng và lớp lớp thanh niên thế hệ chống Mỹ nói chung đã hy sinh quãng đời đẹp nhất, dành cả thanh xuân để cống hiến cho Tổ quốc thân yêu

Đi giữa quê hương mà lòng dạ xôn xao
Những tưởng hết cồn cào thương nhớ
Cái phương trời ta sống qua những năm đạn lửa
Trọn đời hồ dễ dám quên.

 

  Phú Thọ, ngày 5/3/2025
  Đỗ Nguyên Thương

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây