Thi pháp trữ tình chính luận nhân văn yêu nước trong thơ Nguyễn Việt Chiến

Thứ ba - 02/04/2024 15:07
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

          Bùi Văn Kha

  Về mặt khái niệm, thơ trữ tình - chính luận, khác với thơ chính trị cách mạng , là nhà thơ đưa ra những quan niệm, tư tưởng chính trị xã hội bằng bút pháp trữ tình để trình bày tình cảm tâm tư của mình, nhằm thuyết phục độc giả vừa về tư tưởng đưa ra, vừa có sức lan tỏa, truyền cảm và nhân văn về cảm xúc và ý nghĩa hình ảnh cảm hứng.

Dòng thơ chính trị - yêu nước và cách mạng Việt Nam hiện đại (thơ trữ tình chính trị) được coi là từ đầu thế kỷ XX cho đến khoảng năm 1990, với tập Một Tiếng Đờn của nhà thơ Tố Hữu, cùng Ta với Ta năm 2000 và sau này là sự ra đi của ông. Nhưng ở hai tập này dù vẫn thủy chung với cách mạng, lý tưởng, thì cái chính khí hùng luận đã ít đi, mà nhiều hơn là tự sự tâm sự.

Mở đầu dòng này là thơ của cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, cùng các cụ ở phong trào Đông du, Duy tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, rồi tiếp đến Việt Nam Quốc dân Đảng của cụ Nguyễn thái Học và các đồng chí của mình.

Đỉnh điểm là thơ của thời kỳ 1930 trở đi với sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương (Việt Nam) do Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo. Qua 3 cao trào cách mạng là Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, Đông dương Đại hội 1936 – 1939, Việt Minh và Cách mạng tháng Tám 1945. Trong văn học sử đã nêu, bình giảng và ghi danh những tác phẩm và tác giả của dòng văn học này. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ từ 1945 đến 1975, kết thúc bằng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, thì cũng có thể nói, là dòng văn học yêu nước và cách mạng hiểu theo nghĩa quan phương, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Đất nước chuyển giai đoạn, chuyển sang Thời kỳ Đổi mới, thơ cũng phải đổi mới theo. Yêu nước, tất nhiên, là một dạng của trữ tình, thì bất biến. Có điều, khi không gắn chính trị giai cấp, thì sáng tác đã đa dạng đi.  

Tôi không nói nhiều ở đây chủ đề này, mà muốn đề cập đến mảng thơ yêu nước và cách mạng, khi đổi mới, thì trở thành dòng thơ nào, và từ năm 1986 đến nay, trong các nhà thơ trẻ, thì ai là người nổi tiếng nhất.

Xin thưa, đó là dòng thơ trữ tình chính luận nhân văn yêu nước. Và một trong những nhà thơ sáng tác nhiều nhất, và nổi tiếng nhất, là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

          Ba bài thơ làm nên tên tuổi Nguyễn Việt Chiến trong văn học đương đại Việt Nam là Tổ quốc nhìn từ biển in năm 2009, Thời đất nước gian lao cũng ra đời khoảng 2008 - 2009.  Về khổ đau và đại bác in năm 1991.

          Hai mươi năm, ba bài thơ định hình phong cách sáng tác quan yếu của mình, Nguyễn Việt Chiến giúp những khái niệm trong lịch sử sự kiện khô khan, thành nguồn cảm hứng lay động muôn người.

 Trong Tổ quốc nhìn từ biển, những dòng đầu tiên đã dung hợp lịch sử (có cả truyền thuyết, Toàn Thư) từ thời Hồng Bàng cho tới bây giờ. Cái hay là dù khái niệm, hay địa danh, hay cha, mẹ, con đều là hình tượng trữ tình, mà cụ thể lắm, mà thân thuộc đồng thời lắm, mà tứ thơ đã gộp lại cho đồng hành thời gian.

           Cứ như thế, các nhân vật trữ tình được Nguyễn Việt Chiến trình theo lộ tuyến cảm xúc của ông. Tổ quốc được các con theo sát trong nước, trong non, và hình bóng mẹ. Cái gắn kết các hình ảnh ấy, là “hình bóng giặc”, là “máu thịt ở Hoàng Sa”, là “thương nhớ mãi Trường Sa”. Vậy là bằng ý nghĩa hình ảnh, chính luận được nêu, đàng hoàng khí chất.

          Cả bài thơ các hình ảnh cứ chọn lựa mà được viết ra, có day dứt thiết tha, có dứt day suy tưởng. Đọc đến  Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/Những chàng trai ra đảo đã quên mình/Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước/Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh” thì thơ không còn là của riêng trữ tình, thơ còn là ghi nhận chính trị.
  

Tổ quốc nhìn từ biển
 

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

Trại viết Văn nghệ Quân đội, Hạ Long 4-2009.
 

          Nếu Tổ quốc nhìn từ biển bao trùm là trữ tình chính luận, thì ở Thời đất nước gian lao là trữ tình chính luận nhân văn. Đây là người đi sát mép nước, mà không dính nước. Nhưng nhiều người rất khó thừa nhận cách nhìn kiểu ấy. Ở đây, tôi chỉ bình thơ và nêu cái Chân của thơ. Đạt được Chân là đến được trình của Mỹ rồi. Đưa ra hình tượng con hươu là ý tưởng cực hay, nếu không muốn nói là ý tưởng thiên tài. Vì chúng tạm được ngủ, lên chúng gác sừng lên trăng muộn bơ vơ, để mà bơ vơ mơ mộng. Tự nhiên nhi nhiên, , người lính hy sinh mơ gặp bầy hươu, họ gác lên bạn mình, trong cánh rừng chết bởi chiến tranh. (rừng chết thì có nhiều, biết thành đất trọc, sa mạc, nhưng đây là cảnh tượng bị thuốc đạn, súng săn, chiến tranh săn đuổi). Cảnh ở đây là siêu thực âm bản. Nhà thơ đặt ra cảnh ấy là có dụng ý nhân văn. Tuy tính ý chí mục đích không rõ, nhưng cảnh ấy lại là mặt khác của các cuộc săn đuổi, các cuộc chiến tranh. Tôi cho rằng Nguyễn Việt Chiến rất khéo khi ông vẽ bức tranh các âm bản mơ gặp nhau, gác sừng (chất khởi thủy hoang dã, chất con, thú cạnh chất người ấy mà. Tôi chịu cái hàn lâm của ngài trí thức nghành Địa chất. Ngài chuyển nghề sang ngôn ngữ hình tượng cũng tỉ mỉ tinh tế như đo độ tuổi của đất, của cây vậy). nói tiếp, thì ra hòa bình luôn bị chiến tranh săn đuổi. Ô! Ý này rất hay! Chỉ còn lại những gì không còn lại/
bởi người đau đớn nhất sau chiến tranh/không ai khác ngoài mẹ của chúng ta/những đứa con không trở về/hoà bình dưới mưa phùn/được đắp bằng cỏ non và nước mắt
”.

          Mùa xuân là khởi đầu của một năm. Tuổi trẻ là khởi đầu của một đời người. Giờ lá xanh bị ngắt, lá vàng ở lại, ngoài nhớ thương cũng chỉ nhớ thương, quan tâm gì đến cái khác. Triệt để nhân văn. Nguyễn Việt Chiến viết khổ thơ này chính là minh triết. Thảo nào thầy Hoàng Ngọc Hiến dùng con mắt xanh nhìn ra được cái hay của bài thơ Cát đợi mà tôi sẽ nói ở sau. Đây là những gì chân thật, nếu quan chiêm sẽ không thấu tình đạt lý.

          Bài thơ này đọc từ đầu đến cuối cảm động lắm. Nhưng mà tự tin trong cuộc lắm. Nó giúp ta nhận thức được nhiều điều, nhiều mặt. Nó trân trọng những gì tôn quý.  “Những cánh rừng cuối thu ngủ dưới mưa phùn/
đất nước tôi những người nằm trong đất/chất phác như bùn hồn nhiên như cỏ/buồn đau không còn thở than/

Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm/người chép sử ngàn năm là bùn đất/kiên trì và nhẫn nại/máu của người là mực viết thời gian.”

          Nguyễn Việt Chiến lấy thơ làm đời và ông đi trong đời bằng thơ. Ông trọng tứ và miệt mài tìm tứ. Ông không chấp nhận thơ không tứ, hoặc phá tứ. Ông “cổ điển” hiểu chữ này như nghĩa ở Kinh Thi ấy. Và tứ Tổ quốc, nhân dân, yêu nước, hòa bình, chiến tranh, người lính, người mẹ, địa danh, cỏ cây, muôn vật,… của sử thi đã được khắc họa vào trong tâm khảm của ông. Ông viết về cái cao cả nhưng không cường điệu. Ông viết về chủ đề có tính chính trị nhưng không cao giọng tuyên truyền. Cũng cảm hững từ chất liệu ấy, nhưng cảm xúc giúp ông thăng hoa ngôn ngữ hình tượng. Và ông viết với một mỹ cảm cao khiết. Thế cũng đủ rồi.
 

Thời đất nước gian lao

1
Chúng đã ngủ cả rồi
những con hươu bị bóng đêm săn đuổi
chúng đang gác cặp sừng lên vầng trăng cuối tháng
rồi nằm mơ về một cánh rừng
không có thuốc đạn và súng săn

Họ đã ngủ cả rồi
những người lính bị chiến tranh săn đuổi
họ nằm mơ gặp lại bầy hươu
gác sừng lên người bạn vô danh
trên cánh rừng đã chết

Chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ
chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi
chỉ còn lại câu thơ thầm lặng
về những người đã ra đi

Chỉ còn lại những gì không còn lại
bởi người đau đớn nhất sau chiến tranh
không ai khác ngoài mẹ của chúng ta
những đứa con không trở về
hoà bình dưới mưa phùn
được đắp bằng cỏ non và nước mắt

2
Đêm đêm
những người con ngỡ đã đi thật xa
đang lặng lẽ trở về
họ lẫn vào gió vào sương đêm
không cần an ủi
họ chẳng ồn ào như lời ca sôi sục ngày ra đi

Họ còn nguyên tuổi trẻ
những người lính chưa tiêu phí một xu mơ ước
chưa tiêu hoài một đồng thanh xuân

Họ trở về tìm lại
trang sách học trò đêm đêm còn thao thức
trên cánh đồng tiếng Việt ngàn năm

Mẹ lại thấy chúng con về
như cánh cò tuổi thơ lưu lạc
đã bao ngày phải xa rời thôn ổ yêu thương
chúng con trở về tìm lại
giọt nước mắt xót xa và đắng cay của mẹ

Một bên là núi sông ngăn cách
còn bên kia là bóng đêm chiến tranh
vẫn biết đạn bom không có mắt
vẫn biết hận thù không thể phân biệt nổi
đâu là hoa sen và đâu là bùn tối
nhưng các anh vẫn phải ra đi

Các anh phải ra đi
lời ru chùa Tây Phương
những La Hán mặt buồn
người thợ mộc xứ Đoài
lấy thân xác hom hem của mình làm mẫu vẽ
ba mươi sáu dẻo xường sườn
réo rắt tấu lên bản đàn tam thập lục
người gẩy đàn thì đau đớn
mà bản nhạc viết cho đàn lại reo vui

3
Mẹ đã sống dưới mưa phùn ảm đạm
những ngày dài nghèo đói quắt quay
Mẹ thiếu sữa sinh đứa con thiếu tháng
Tổ quốc xanh xaoTổ quốc hao gầy

Mẹ có mặt trong dòng người nhẫn nại
lặng lẽ xếp hàng từ mờ sớm tới đêm hôm
Mẹ lần hồi thời cơm tem gạo phiếu
nuôi lớn những người con
rồi gửi tới chiến trường

Mẹ đã khóc lúc rời ga Hàng Cỏ
những đoàn tầu hun hút tuổi hai mươi
một thế hệ hồn nhiên không biết chết
chưa từng yêu khi gục ngã cuối trời

Mẹ ở lại với sông Hồng tần tảo
áo phù sa lam lũ tháng ngày
câu quan họ cất trong bồ thóc cũ
sông Cầu trôi như một tiếng thở dài...

4
Tàu xuyên đêm
tiếng gió xé bánh xe lăn quần quật
đêm nay họ trở lại một thời gian lao
đường vào Nam hun hút những chuyến tầu
máu rất đỏ tuổi hai mươi nằm lại

Câu hát bảo:
tuổi hai mươi những người đi trẻ mãi
câu thơ bảo:
đất nước hình cánh võng mẹ ru ta
và ở hai đầu đêm võng mắc dọc rừng già
trăng cũng sốt rét rừng như ta sốt
trăng mất máu như bạn ta thủa trước
dọc cánh rừng na-pan

Sông Thạch Hãn
nước mùa này còn ấm
và các anh trong suốt
những người hy sinh thời gian lao

Mây Quảng Trị
mùa này vẫn một mầu huệ trắng
trên Cổ Thành
như ngày các anh ngã xuống
những người hy sinh thời gian lao

Và mưa gió Trường Sơn
mùa này vẫn tắm gội
những người con nằm lại
thời đất nước gian lao

Những cánh rừng cuối thu ngủ dưới mưa phùn
đất nước tôi những người nằm trong đất
chất phác như bùn hồn nhiên như cỏ
buồn đau không còn thở than

Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm
người chép sử ngàn năm là bùn đất
kiên trì và nhẫn nại
máu của người là mực viết thời gian.

Tôi xin được trích nguyên hai bài nữa, cùng sáng tác năm 1991. Bài Cát đợi, và bài Về khổ đau và đại bác.

          Tôi nhớ, khi xem bộ phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người của đạo diễn Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích, đoạn nói về năm 1946, Bác Hồ sang Pháp, khi đến thăm một chứng tích chiến tranh, Bác lấy tay che nòng khẩu đại bác. Ý Bác muốn nói với người Pháp là chúng tôi muốn hòa bình, và nước Pháp đừng mang chiến tranh tới đất nước Việt Nam. “Đưa được đại bác vào ngôn ngữ thi ca, trước Nguyễn Việt Chiến có Trịnh Công Sơn: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe” (Đại bác ru đêm); sau Nguyễn Việt Chiến có Hoàng Nhuận Cầm: “Và bài ca không cần hát ra lời/ Tiếng chim hót ngay trên nòng đại bác” (Cho phượng năm xưa), nhưng để nâng đại bác lên thành một hình tượng có chiều sâu và gây nhiều ám ảnh thì chỉ có Nguyễn Việt Chiến. (Đỗ Anh Vũ).

 

Về khổ đau và đại bác

Đại bác nổ và chiến tranh ụp xuống
Những mảnh vườn hôm trước nở đầy hoa
Bên ô cửa là cánh đồng lặng ướt
Tiếng trẻ con và khói những căn nhà

Đại bác nổ và mây đen cũng nổ
Trên ngói trường tan tác gió và chim
Có người lính vừa đi qua thành phố
Thuốc trên môi và trẻ nhỏ bên mình

Đại bác nổ và tiểu liên đốn gục
Những chàng trai vui tính nhất sư đoàn
Trên môi họ nụ cười còn thoáng gặp
Cô gái nào chiều ấy đợi bên sông

Đại bác nổ cuộc chiến tranh thứ nhất
Đất chiến hào cỏ chưa kịp nhú xanh
Thì lựu đạn và lưỡi lê cường tập
Lần thứ hai cỏ lại thấm máu mình

Đại bác nổ giữa đại ngàn trận mạc
Người lính đi thăm thẳm một phương trời
Người vợ ấy đã bao năm thầm lặng
Sống vì anh nuôi đứa trẻ nên người

Đại bác nổ và pháo hoa thắng trận
Không làm cho tóc bạc những mẹ già
Xanh trở lại một thời xưa yên ấm
Tóc bạc người, Tổ quốc, đứa con xa

Họ sinh ra không phải để làm lính
Đứa con nào của mẹ cũng vậy thôi
Bởi sữa mẹ nghìn năm không giọt đắng
Và hoà bình là vú mẹ bên nôi

Sau đại bác lửa hoa cương trầm lặng
Cháy trên mồ người chiến sĩ vô danh
Rất có thể các anh là mây trắng
Nước của sông, ngọn gió sớm mai lành

Và đại bác xin cúi đầu tưởng nhớ
Những người con bất diệt đã quên mình
Vì xứ sở ngàn đời mây trắng
Vẫn ngàn đời bất diệt giữa cỏ xanh


1991

         Bài thơ này đem đại bác thành nhân vật tự sự, cùng với các vật liên quan khác tạo ra một chuỗi liên tưởng. Ngay bản thân đại bác cũng thành nhân vật phân thân. Nhà thơ nhìn ở chiều khách quan, chỉ khi tình cảm trào dâng cuốn mình đi thì mới bộc bạch trữ tình. Cũng nói thêm, trong chiến tranh hiện đại, quyết định thắng lợi phải diễn ra trên bộ. Quyết định thắng lợi trên bộ phải là đại bác, xe tăng và bộ binh. Nguyễn Việt Chiến không diễn tả đại bác kiểu quân sự thuần túy, mà bằng cảm xúc hình ảnh. Tứ thơ trình đại bác phân đôi, phân ba, vừa hủy diệt, vừa tôn vinh, vừa nhân văn bảo vệ hòa bình, biết ơn, và nguồn sữa nuôi trẻ thơ như là tiếp theo hệ quả.

          Bài thơ Cát đợi thày Tiến sĩ Hiệu trưởng đầu tiên Trường Nguyễn Du đã bình rất hay rồi. Tôi xin nói thêm, cát còn là vật liệu kiến trúc, mỹ thuật, đo thời gian. Cát đợi, ý thời gian càng rõ. Quả nhiên, từ hạt cát, Nguyễn Việt Chiến đã từng ngày, từng tháng, từng năm, và hai mươi năm, kể từ Cát đợi, mà xây một lâu đài thơ sang trọng và to lớn, đóng góp cho văn học Việt Nam đương đại thật nhiều.
 

Cát đợi

Cát chiều bay sẫm bến sông
Thương con đò ngược mùa đông chưa về
Lối mòn bạc cỏ chân đê
Chiều mòn rỗng tiếng chim gì kêu đau
Sóng đem tự bến sông nào
Theo trăng về thức dưới màu mây xưa

Tôi hoang vu, cát hoang vu
Trăng là người khác qua đò đêm nay
Cô đơn xuống một đò đầy
Tôi chờ em phía bên này mùa đông
Cát còn bay trắng bến sông
Người còn bay trắng mùa mong ước này

Tôi cầm hạt cát trên tay
Đêm không còn ấm như ngày có em
Tôi cầm cả chính tôi lên
Câu thơ nhặt được chứa miền quạnh hiu
Câu thơ như cát mỗi chiều
Đem theo chút nắng ấm nghèo vào đêm


12-1991

          Có thể nói, chất liệu sử thi – anh hùng ca là cảm hứng vô tận cho Nguyễn Việt Chiến sáng tạo ra chất trữ tình chính luận nhân văn của riêng ông trong dòng văn học yêu nước. Từ cảm hứng đến cảm xúc lập tứ để làm ra những bài thơ nổi tiếng như Tổ quốc nhìn từ biển, Thời đất nước gian lao, Về khổ đau và đại bác, là cả một trí tuệ minh triết, dùng ngôn ngữ hình tượng,  biến thành mỹ cảm, thành thơ. Nguyễn Việt Chiến, có thể nói, được xếp vào vị trí hàng đầu của thơ đương đại Việt Nam, tiếp nối những thế hệ nối tiếp nhau xuất sắc của thi ca nước Việt!

          Tôi còn muốn trích và bình nhiều bài như: Chùa Tây Phương; Lửa, đất…và thuốc súng; Người đàn bà chân đất;Thành phố ngàn xưa;Ký ức; Phố Phái; Tổ quốc là tiếng mẹ; Mẹ Tổ quốc; Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra với đề từ: (Tưởng nhớ các chiến sĩ hải quân đã hy sinh ở đảo đá Gạc Ma năm 1988); Tổ quốc nơi biên thuỳ với đề từ: (Tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh ở biên giới năm 1979); Tổ quốc bên bờ biển cả; Đất nước ( còn có tên:Ta như cỏ trên ngực trần đất nước); Nếu họ nói; Biến khúc ngợi ca cái đẹp;…

          Nhưng Nguyễn Việt Chiến nổi tiếng quá rồi. Ông và các tác phẩm của ông được phổ nhạc, được lên phim, còn cả phóng sự, phỏng vấn. Ông cũng hay đi đọc thơ với mái tóc bồng bềnh, con mắt rất tình,  nói cười sóng dẫn. Chả thế mà khối nàng ngủ cũng mơ về ông, mà họ cũng phơi phới lắm.

          Ba mươi năm thân quen nhau vì nhiều mối, Tôi giờ mới viết về ông. Nhưng từ hơn hai mươi năm trước, ông là một trong số mười hai nhà thơ xuất hiện và nổi tiếng Thờ kỳ Đổi mới nằm trong dự định viết của tôi. Tôi ở xứ Thái, hôm nay trân trọng ông bằng:
 

Ta của xứ Đoài

Thanh thản ruộng đồng thanh thản quê

Trời trong mây biếc rủ ta về
Sông quê thiêm thiếp đôi bờ cỏ
Mơn mởn mùa trăng giăng gió mê

Ta của Xứ Đoài, ta của em
Đồng đang cỏ mật, hồ đang sen
Chiều đang sông Đáy mùa lên bãi
Nắng đã Ba Vì, mây Tản Viên

Ta học mùa xuân cách tặng hoa
Đến nở cùng em dưới mái nhà
Hồn quê mộc mạc trong hoa cỏ
Ta bờ bến cũ, Em - phù sa

Sông dài mưa bụi chảy trong mơ
Ta học sông quê cách yêu bờ
Mùa đi thăm thẳm bao khao khát
Lúc vỗ về em. Lúc sóng xô

Ta học cô đơn cách giãi bày
Tìm lời tâm sự với heo may
Học cây cách nhớ chim tu hú
Để vắng xa kia gió lấp đầy.

Nghĩa Đô, rạng sáng ngày 02/04/2024.
BVK

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây