Thiết thực chào mừng Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội, ngày 28 tháng 8 tháng 11 năm 2020, Chi hội Nhà văn Hà Đông – Sơn Tây đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề giới thiệu Tác phẩm mới của nhà thơ Hạnh Mai: Lời thầm và nhà văn Lê Tự: Ngược thời gian. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cùng đông đảo các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, chủ nhiệm các CLB thơ trong và ngoài quận Hà Đông...đã đến dự và phát biểu tham luận.
Từ khi chính thức thành lập Chi hội (ngày 22 tháng 5 năm 2019) đây là lần thứ 3 Chi hội tổ chức thành công Hội thảo, Giới thiệu tác phẩm cửa hội viên.
Nhân dịp này, Chi hội đã kịp thời xuất bản Tác phẩm Tuyển chọn tập 3 gồm 52 tác giả thơ và văn xuôi. Sách khổ 160x240cm, dày hơn 400 trang. Hội thảo đã giới thiệu một số tham luận sau đây:
2. Tham luận của nhà thơ Lê Anh Phong:
“ LẶNG THẦM TỰ KHẮC HỌA THÀNH TÊN ”
“ Lặng thầm tự khắc họa thành tên ”. Đó là câu thơ của nhà thơ Hạnh Mai, tôi lấy làm tiêu đề cho bài viết của mình về tập thơ “ Lời thầm ” và con đường thơ của chị.
Tập thơ đầu tay có tên là “ Đám mây bay qua ”, trình làng năm 2010. Hai năm sau, năm 2012, tập thơ thứ 2 “ Điều bất chợt ” được xuất bản. Tên của các tập thơ giàu thi ảnh, gợi mở và nữ tính. Sau sự náo nức ban đầu ấy, có đến 6 năm, năm 2018, tập thứ 3 mới chào đời với “ Lời thầm ”. Đó là khoảng lặng để chị nhìn lại và đi tới trong thơ.
Từ tập đầu đến tập thứ 3, trong thơ Hạnh Mai đã có sự chuyển động “chầm chậm tới mình”.
Có thể nói, thiên tính nữ là từ khóa để đến với thơ chị, đến với “ Lời thầm ”. Nó mở ra vẻ đẹp đằm thắm và tấm lòng trân quý gìn giữ ký ức kỷ niệm. Mở ra vẻ đẹp của bến đợi trong lặng lẽ hồn hậu và bao dung: “ Người đi tăm cá bóng chim / Ta khêu lửa đuốc soi tìm dấu chân / Người đi nhẹ bước phù vân / Ta phong gói những mùa xuân đợi chờ ”. Câu thơ đẹp bởi lối nói của hoa Mộc, loài hoa mà chị yêu quý.
Thiên tính nữ là thiên hướng tư duy nghệ thuật, là đặc điểm của các tác phẩm mang bản sắc nữ hoặc đề cao những phẩm giá của phụ nữ. Đây là nét đặc sắc, khá phổ biến của văn chương, của thơ đương đại.
Trong thơ Hạnh Mai thiên tính nữ biểu hiện khá đa dạng với nhiều cung bậc, nhiều trạng huống, thậm chí qua những tương phản mà thống nhất: Đông đảo và cô đơn, dịu êm và mạnh mẽ, cái tôi và cái ta, bằng lòng và khát vọng, hướng nội và hướng ngoại, đối diện và hòa hợp…Đó là biện chứng của tâm hồn. Ta hãy cùng lắng nghe “ Lời thầm cho anh ”: “ Anh và em như trời và biển / Trộn vào nhau mọi sắc thái buồn vui…/ Thôi, anh cứ là trời đi nhé / Mỗi giọt mưa cũng thấm mát đất lành ”. Còn đây là “ Điều bất chợt ”: “ Rộn ràng trái tim thiếu nữ / Đập trong khuôn ngực cỗi cằn ”. Và thậm chí: “ Dẫu biết chỉ là vàng giả / Mà không nỡ vứt, người ơi! ”. Trong cuộc sống còn mong manh sáng tối, là người trọng tình và chân thành, chị viết nhiều về “ Lời thề gió bay ”: “ Lòng người trong đục lững lờ / Thuyền tôi quẩn giữa đôi bờ thực hư ”.
Không diêm dúa, thơ Hạnh Mai luôn hướng tới đời sống cần lao để chia sẻ. Bằng tấm lòng trắc ẩn và đa cảm, chị thường viết về người phụ nữ yếu thế, về những người cùng giới với mình.Viết như tâm tình cộng cảm. Viết như để cho vơi nỗi buồn. Đó cũng là biểu hiện của tính nữ trong thơ. Ta gặp “ Người đàn bà sửa xe ”: “ Bơm căng bao nhiêu ruột săm / Mà đời bà lép xẹp gốc bàng /… Bây giờ bà hay lơ đãng / Nghe dòng đời loang loáng trôi qua ”. Gặp người phụ nữ bán hàng rong là bệnh nhân phong, ta thấy tác giả: “ Đặt vào tay chị vài trăm / Tôi mua về niềm xa xót trở trăn ”. Và ta gặp “ Bà còng dắt tay bà mù ” đi hội…Mỗi khi viết về Mẹ, người phụ nữ mà chị yêu thương nhất, ngôn từ lại trở nên rưng rưng. Thơ nhờ thế mà thấm thía, gần gũi với con người, với đời thường. Và phải chăng, phẩm chất thiên tính nữ ấy đã lặng thầm làm nên vẻ đẹp trong thơ Hạnh Mai.
Không ồn ã, thơ chị dịu dàng và thao thức trong âm bản. Những bài thơ ấy, tôi thường đọc trong đêm. Thơ là câu chuyện của một đèn một bóng, cứ lặng thầm cùng đi tới ban mai. Có những câu thơ giàu thi ảnh, đẹp mà nhói sáng, hiện lên trước hừng đông ngày mới: “ Bà lão cào nghêu từ sớm / Dáng còng đổ xuống ban mai ”. Có những câu thơ ám ảnh người đọc: “ Những con mực mắc câu đêm được đưa lên vỉ nướng / Dài thượt ra chờ đợi cuộc hành hình / Chỉ cặp mắt long lanh / Cứ nhìn vào ta ứa lệ… ”.
Bên cạnh thiên tính nữ, với “ Lời thầm”, nhà thơ đã bổ sung vào bản lý lịch của tâm hồn mình hàm lượng suy tư và nghĩ ngợi. Mở rộng điểm nhìn. Thế sự và thời cuộc. Sóng Biển Đông đã tràn vào thơ chị. Và “Miền Trung”, nơi nhà thơ sinh ra lại hiện lên với ưu tư và nhức nhối: “Biển chết rồi, thuyền trắng những mộ phơi”. Cái nhìn và điểm nhìn trong thơ Hạnh Mai cũng đa dạng hơn trước. Không chỉ nhìn một chiều, nhà thơ đã có sự hoài nghi và chiêm nghiệm trước hiện thực được phản ánh: “Hạ Long biển trời xanh biếc / Tự dưng ào ạt cơn mưa / Ô hay, đã chọn ngày đẹp / Trời xanh tôi cũng nghi ngờ”, “Tôi ngồi bứt cỏ bờ đê / Đưa lên miệng nhấm “Lời thề cỏ may”. Đó có phải là manh nha của đối thoại theo tinh thần dân chủ. Đây là điều đáng quý với một giọng thơ nữ hôm nay.
Tuy không nhiều, vẫn còn những câu chuyện riêng tư, nhưng thơ Hạnh Mai cũng xuất hiện một số bài khái quát hơn, phổ quát hơn. Viết về hạt thóc để thấy cánh đồng. Trước hết, chị viết từ nỗi niềm của chính mình. Nhưng đó còn là nỗi niềm của bao người khác. Tôi tin rằng, còn nhiều người vợ, người phụ nữ cũng sẽ nhận ra bóng dáng mình trong bài thơ “Nhớ” của chị: “Chiều nay quán cóc / Ta ngồi cô độc / Giữa đời mênh mông / Mình như con gió / Lang thang bên trời / Ta thành giọt nước / Theo mình bay hơi /… Buồn rơi đáy cốc / Ta ngồi nhâm nhi”.Và trong những người phụ nữ ấy có bao người đang rơi cùng tác giả: “Tôi rơi tôi trong bếp / … Tôi lẫn vào xoong nồi bát đĩa / Hay tôi là cây chổi quét nhà?”. Tự đánh mất mình. Rơi hay là sự trở về trong bản ngã.
Tuy vậy, trong thơ Hạnh Mai vẫn còn nhiều diễn giải và tự sự. Trong những trường hợp đó, thơ trở nên dềnh dàng, sự lấn át tình. Dường như, chị vẫn còn vương vấn quan niệm mỗi bài thơ như là một câu chuyện. Vì thế, logic trong thơ cũng cần được kể lại có đầu có cuối. Ở đây, cần có sự vượt thoát! Thơ là những khoảng đột sáng của những lát cắt từ tưởng tượng, từ “cảm xúc trí tuệ”, từ những giấc mơ phi logic... Cần nhiều hơn những khoảng ảo mờ và suy tưởng trong thơ. Hơn nữa, sức sống mới và người đọc hôm nay đang đón đợi ở các nhà thơ sự sáng tạo trong biểu đạt.
Người ta vẫn thường nói “tạng người” dẫn tới “tạng thơ”. Nhưng tôi tin vào nhà thơ, tin vào nữ kỹ sư kết cấu Hạnh Mai, bởi cái nền thi ca mà chị đã tự xây đắp cho mình từ tấm lòng chân thành dung dị và niềm thơ say đắm, từ bao dung và nhân hậu, từ vẻ đẹp của phái tính.
Tôi xin kết lại bài viết của mình bằng một cặp lục bát đằm thắm, duyên dáng,tinh tế và giàu thiên tính nữ của nhà thơ Hạnh Mai:
Đôi khi bỏ máy lặng thinh
Để còn nghe tiếng lòng mình đổ chuông
Tôi tin rằng, trong điệp trùng của lục bát đâu đây, cặp 6/8 này khiến người đọc chúng ta nhớ mãi về một gương mặt thơ đang “lặng thầm tự khắc họa thành tên”.
Khương Trung, ngày 22/11/2020 - LÊ ANH PHONG
3. Tham luận của nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà:
II/ Tác phẩm Ngược thời gian của Lê Tự
1. Tham luận của nhà thơ Thanh Ứng
ÁM ẢNH CỦA MỘT THỜI CHƯA XA
Đọc tiểu thuyết “Ngược thời gian” của nhà văn Lê Tự - Nxb Hội Nhà văn 2019
“Ngược thời gian” là tên tiểu thuyết mới của nhà văn Lê Tự, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Trước đó ông đã có “Đời quân tử” (Tập truyện ngắn, NXB Thanh niên - 2005), “Thám tử Ba Khía và cộng sự” (Truyện dài, NXB Hội nhà văn - 2007), “Bố tôi làm Mặt trận” (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn 2011).
“Ngược thời gian” là tiểu thuyết có tính xã hội rõ rệt. Với một phong cách văn chương mang nhiều yếu tố hài hước, ngoa dụ cộng với sự tưởng tượng mạnh mẽ, tác giả đã dẫn người đọc “Ngược thời gian” không xa về với một vùng quê đồng bằng Bắc bộ trong những năm tháng của thời kì đất nước bước vào hội nhập. Đó là làng Từa của chính tác giả, nhân vật xưng “tôi” trong truyện - với đầy đủ những chuyện vui, buồn, thiện, ác, bi, hài… của con người trong những mối quan hệ thôn xóm, làng nước của thời mở cửa. Câu chuyện bắt đầu bằng xưng danh của nhân vật chính: “Tôi tên là Nhất”, “từ hồi chui ra đời, tôi chưa thấy có gì là nhất chỉ thấy bét là nhiều”. “Đến năm lớp 7, tôi tự đổi tên mình là Tư”. Rồi Tư học hết phổ thông và tốt nghiệp đại học sư phạm văn. Cầm bằng tốt nghiệp đại học nhưng chẳng biết xin việc vào đâu, Tư ở nhà và bắt đầu chứng kiến cũng như tham gia vào những câu chuyện với đầy đủ các cung bậc cảm xúc của làng Từa.
Đó là câu chuyện của Trần Hành, trưởng thôn. Ông ta trúng trưởng thôn mấy khóa vì người họ Trần ở làng này quá đông nên kì nào Trần Hành cũng nhiều phiếu. Hành trở thành con ngáo ộp của làng Từa. Hắn tham lam tìm nhiều cách để làm tiền. Trong công cuộc “đổi đất lấy hạ tầng”, hắn xúi dân làng bán đất, tung tin giả về chuyển quyền sử dụng từ đất thổ canh sang thổ cư, cho thuê đất… Tất cả đều qua tay xác nhận của trưởng thôn. Giá mỗi lần kí tăng dần theo năm tháng và giá trị của từng vị trí thửa đất: 5 triệu lên 10 triệu có khi lên tới 50 triệu một sào, với những trường hợp đặc biệt còn có những giá khác nữa. Hắn còn đồng tình với những kẻ xấu bày ra thu lệ phí trai thiên hạ đến tán gái làng, khách tham quan cây đa Thần… Với nhiều thủ đoạn như: phạt cho tồn tại, cứ để xây tầng 1 xong mới đến kiểm tra, vẽ ra những dự án tưởng tượng…, Trần Hành tìm mọi cách để làm tiền dân làng và khách nơi khác đến mua đất. Nhà hắn chứa đầy tiền, vàng chôn cả ở ngoài vườn. Hắn thân thiết với phó chủ tịch xã là người cùng họ hàng, khi cần thiết hắn không ngần ngại chi tiền, vàng, gái để mua chuộc các cán bộ cấp cao hơn. Hắn còn ngang nhiên đập phá tượng Phật trong khi vợ đã ly hôn của hắn cầu kinh. Tuy nhiều quyền hành và giàu có, nhưng Trần Hành là con người luôn sống trong day dứt, khổ đau. Sống với vợ nhưng vẫn nghi ngờ vợ không chung tình, ghen tuông, hành hạ vợ và bị vợ trả thù những đòn đau đớn. Có của nên luôn lo mất của và đã mấy lần kẻ trộm vào nhà lấy tiền và đào vàng chôn ở vườn. Cả dân làng Từa căm ghét. Thế rồi, hắn bị thần cây đa phạt hộc máu mồm. Kết thúc là hắn bị khởi tố và “miễn cưỡng cho tay vào còng số 8”…
Lý Kiễn cũng là một nhân vật đáng chú ý ở làng Từa này. Ông ta là Việt kiều từ Thái Lan về ngụ cư ở làng Từa. Lợi dụng lúc dân làng Từa nhiều người có tiền từ đất, Kiễn nghĩ ra ra nhiều mưu mẹo để làm ăn. Ông ta thấy làng có nhiều chó bèn tung tin mở công ty chế biến chó xuất khẩu với số lượng thịt lớn mỗi ngày. Ông ta mời chuyên gia người Hàn Quốc có cỗ máy tinh xảo để hằng ngày chế biến hàng tạ thịt chó để phục vụ nhu cầu thực khách. Kiễn còn là người môi giới để gái làng Từa lấy chồng Hàn Quốc làm cho làng Từa vãn con gái, con trai nhiều anh ế vợ. Ông ta còn mở dịch vụ Karaoke, “thư giãn mát xoa”… lôi kéo cánh đàn ông làng Từa vào các trò chơi trác táng, vung tiền vào các trò lố lăng, vô đạo đức… Quán “thư giãn mát xoa” của hắn bị cháy, nhiều gái cave và đàn ông làng Từa chết cháy. Cuối cùng Lý Kiễn bị khởi tố, bị bắt tạm giam chờ ngày xét xử theo phát luật.
Trong làng còn có mụ Béo chuyên dịch vụ ghi đề. “Người người đánh đề, nhà nhà đánh đề, vui phết, thánh thơ cũng xuất hiện nhan nhản”. Dịch vụ này đã làm cho nhiều gia đình làng Từa khốn đốn, góp phần phá hoại sự yên bình của làng quê. Thế rồi sự căm phẫn của dân làng lên cực điểm, có người đã bí mật đốt nhà mụ Béo và mụ đã chết trong đám cháy đó.
Một người được tác giả nói đến nhiều, đó là Tương. “Tương là người họ hàng xa đằng ngoại với tôi. Cậu thuộc diện đầu gấu trong làng, thầu mấy chục mẫu đầm, hái ra tiền”. Tương đã từng bị đi tù. Ra tù, trở về làng, Tương sống như một tay anh chị có vai vế được mọi người nể sợ. Tương có cách hành xử của một con người nhiều thủ đoạn, mưu kế: Với cán bộ thì nhũn như con chi chi, với dân đen thì hống hách. Ông ta lợi dụng Nhất (tên nhân vật xưng “tôi” trong tác phẩm) để thực hiện những mưu đồ đen tối: Nhờ Nhất dẫn trưởng thôn Hành đi chơi gái sau đó quay hình để khống chế, giao cho Nhất nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của đối thủ như Trần Hành, Lý Kiễn, thường xuyên hối lộ các cán bộ thôn, mở dịch vụ câu cá ôm thu hút các cô gái đẹp làng Từa… Cái đầm cá Tương thầu luôn bị các tay nhiều tiền và nhiều quyền để ý. Khi có lệnh thu hồi đầm để làm dự án, Tương rắp tâm chống trả quyết liệt. Tương đã chuẩn bị bày binh bố trận để chống lại cuộc cưỡng chế của các cơ quan chức năng. Nhưng rồi nhờ có Đào, vợ Tương làm gái mê hoặc được một vị quan lớn nên cái lệnh thu hồi đầm cá được bãi bỏ. Tương lại tiếp tục kinh doanh đầm cá và các dịch vụ khác. Một thời gian sau, khi Đào, vợ Tương không còn làm gái, bỏ trốn, thì đầm cá của Tương lại bị thu hồi. Lần này Tương đành chấp nhận bỏ làng Từa và đi tìm vợ ở thành phố. Hai vợ chồng sống trong ngôi nhà cấp bốn rồi quyết định lên miền sơn cước ở. Tại đây, Tương tìm và nhân rộng giống lúa nếp nương có thể làm nguyên liệu cho việc chế biến xôi thằng Bờm của làng Từa. Cuối cùng, Tương trở về làng Từa và được mọi người đồng tình bầu làm trưởng thôn thay Trần Hành.
Câu chuyện của Tương cũng là câu chuyện của nhiều con người trong các mối quan hệ làng xã từ thời xa xưa, đến thời kì hội nhập, các mối quan hệ đó được biến thái sâu sắc hơn, đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, làng Từa cũng như bao làng quê Việt Nam khác: Dẫu có biến động của thời cuộc, dẫu có xuất hiện những con người biến chất lôi kéo một số người bị tha hóa… song bản chất hồn vía làng quê bình dị mộc mạc, vẫn là căn cốt tạo nên sự vững bền của làng. Đó là những người như Nhất (nhân vật xưng tôi trong tiểu thuyết) có học nhưng dám vứt bỏ tấm bằng đại học xuống sông, lấy vợ hơn mình bốn tuổi sau một thời gian yêu thương nồng cháy, giản dị, xây dựng một gia đình ấm êm hạnh phúc cùng tham gia công việc có ích với thôn làng. Con người Nhất không đơn giản. Anh đã từng bất mãn, bi quan, bị những người có tiền và có quyền lôi kéo vào những việc không ra gì. Chính Miên, cô gái hơn anh bốn tuổi bằng tình yêu và sự từng trải của mình đã đưa anh về với đời thường, với niềm tin vào cuộc sống hiện tại và tương lai của làng Từa. Anh hăng hái nghe lời cụ Bờm cùng với anh Quyền tiếp thu bí kíp làm xôi xuất khẩu, biến số ruộng còn lại của làng Từa thành diện tích trồng lúa nếp nguyên liệu làm xôi “Thằng Bờm”, giải quyết công ăn việc làm cho dân làng Từa.
Một đặc sắc trong “Ngược thời gian” của Lê Tự là tác giả đã mạnh dạn xây dựng trong tiểu thuyết yếu tố huyền thoại. Ngoài bóng dáng thần linh luôn luôn ẩn hiện trong từng số phận các nhân vật: Những con người sống bất chính, vô nhân, vô nghĩa đều có một cái kết xứng đáng với những gì họ đã làm trên cõi đời, thì hai hình tượng: Cây đa và cụ Bờm là những biểu tượng cụ thể về sức sống và niềm tin mãnh liệt của người dân làng Từa với những gì họ đã thương yêu gắn bó. Cụ Bờm “là sao của làng, thông thạo chữ nho, sống có bản lĩnh, có nguyên tắc và rất tình người”; “Cụ rất ghét bọn tham nhũng, hợm đời, dốt nát, cậy có tiền học làm sang”. Cụ mở quán nước dưới gốc đa. Đây là “cây đa làng Từa đã mấy trăm tuổi, râu đa dài mấy chục mét, quét xuống tận đất”, “Cây đa là linh hồn của làng Từa”, “Thần đa thiêng lắm”. Cụ Bờm bán nước dưới gốc đa nên cả làng đều kính nể cụ, trong làng ai có việc gì khó đều đến hỏi cụ, bọn xấu thì ghen ghét chỉ mong có dịp hại cụ. Hành động của cụ với thần đa cũng rất bí mật linh thiêng. Sự bí hiểm của thần đa và cụ Bờm càng được người làng thêu dệt bằng những câu chuyện nửa thực, nửa hư để tôn lên vẻ uy linh của thần đa và cụ Bờm. Khi làng Từa có chuyện buồn là thần đa lại nhỏ máu “Máu của thần đa là máu của dân làng Từa này”. Có khi thần đa rụng hết lá, xương cành khô khốc. Ấy là khi làng Từa có những chuyện nhiễu nhương bị những kẻ xấu làm cho làng xóm điêu linh khốn đốn. Nhưng khi làng xóm yên bình, tai qua nạn khỏi, thì thần đa lại đâm cành xanh lá, lộc non, hoa đa nảy nở trên khắp thân cây. “Khách thập phương tới xem hoa đa đông như có hội”. Sự linh thiêng của thần đa làm cho uy tín của cụ Bờm với dân làng ngày càng cao. Cụ luôn nghĩ tới dân làng mong muốn dân làng có cuộc sống bình an, no đủ. Cụ truyền lại bí quyết làm xôi “thằng Bờm” cho những người cụ tin cậy, là Nhất và anh Quyền. Công việc thành công, cụ nghĩ đến chuyện phải xây dựng vùng nguyên liệu trên cánh đồng làng Từa. Chính cụ là người chăm lo phần hồn dân làng Từa, nay lại lo phần xác cho họ. Dự án “Xôi thằng Bờm” của cụ có hiệu quả, mang lại niềm vui kinh tế cho dân làng Từa thì bất ngờ cụ “quy tiên khiến cả làng bị xốc nặng”…
Sau bao nhiêu chuyện đau buồn bởi một số kẻ có quyền, có tiền tham lam độc ác, một số người nhẹ dạ a dua kéo theo nhiều hệ lụy, làng Từa lại trở lại yên bình, trật tự kỷ cương được lập lại, những kẻ coi thường kỷ cương phép nước bị trừng trị, những ngôi nhà trái phép bị dẹp bỏ. Đó là cái kết có hậu của tiểu thuyết, một cái kết mà nhiều người mong muốn.
Trong tiểu thuyết “Ngược thời gian”, số phận của nhiều nhân vật phụ nữ được tác giả quan tâm đề cập. Dưới ngòi bút của nhà văn Lê Tự, họ là những người có nhan sắc, ham muốn cuộc sống hạnh phúc bình yên trong những nếp nhà ở làng quê bình dị. Nhưng thời thế và hoàn cảnh của cá nhân đã đem đến cuộc đời mỗi người có những số phận riêng éo le, bi kịch. Đó là những người như Mai, như Đoan, như Đào… hạnh phúc không trọn vẹn, tâm hồn luôn bị giằng xé. Miên, vợ Nhất, là người có nhiều kinh nghiệm, sống mạnh mẽ đã đem tình yêu đến với Nhất, trở thành người vợ, là chỗ dựa cho cuộc đời Nhất và khi dự án “Xôi thằng Bờm” của làng Từa đang thời kì phát triển thì chính Miên là người được cụ Bờm và dân làng tín nhiệm suy tôn đứng ra quản lý và có trách nhiệm xây dựng thương hiệu “Xôi thằng Bờm” trở thành thương hiệu lớn ở trong nước và quốc tế, mang lại đời sống ổn định lâu dài cho bà con làng Từa. Miên là một nhân vật phụ nữ hoàn mĩ trong tác phẩm. Ngoài ra còn nhiều chị em là nạn nhân của các trò chơi trác táng, của các thủ đoạn kiếm tiền, mưu mẹo gian manh của những kẻ có tiền có quyền, mất hết lương tri. Một lần nữa, văn học lại thêm tiếng nói cảnh báo về số phận người phụ nữ trong những thời điểm nhạy cảm của công cuộc hiện đại hóa đất nước.
“Ngược thời gian” có một lối kể chuyện khá hấp dẫn, với ngôn ngữ tự nhiên có lúc bỗ bã, tác giả đã liên tục đẩy câu chuyện vào những tình huống để giải quyết. Do đó nhịp kể chuyện nhanh, tình tiết luôn được biến đổi liên tục. Tác giả ít quan tâm tới miêu tả tâm lý tính cách mà chủ yếu là những hoạt động trong các mối quan hệ giằng níu ở một vùng quê có nhiều biến động, từ đó dẫn nhân vật đến những tình huống cần xử lý để bộc lộ bản chất. Ngôn ngữ trong tác phẩm được sử dụng rất đa dạng, phong phú phù hợp với thành phần, lối sống của nhân vật. Tuy nhiên có chỗ tác giả còn lạm dụng ngôn ngữ đời thường, sử dụng khẩu ngữ chưa chọn lọc, có chỗ tùy tiện, thiếu tính thẩm mĩ.
Mặc dù còn có một số hạn chế, (rất nhỏ), tiểu thuyết “Ngược thời gian” của nhà văn Lê Tự là tác phẩm có nội dung tốt, có cách kể chuyện hấp dẫn, ngôn ngữ tự nhiên gần với ngôn ngữ đời thường rất đáng được bạn đọc quan tâm theo dõi
Cách nay khoảng 30 năm về trước, khi tỉnh Hà Tây chưa hợp nhất về Thủ đô Hà Nội, giới văn nghệ Hà Tây còn là một lực lượng sáng tác hùng hậu với nhiều tên tuổi sáng giá trên văn đàn cả nước thì nhiều người đã biết đến một cây bút văn xuôi với nhiều truyện ngắn bám sát hiện thực cuộc sống bằng bút pháp mạnh mẽ, sâu sắc và hóm hỉnh nhưng gửi gắm nhiều nỗi niềm đầy tính nhân văn. Ấy là nhà văn Lê Tự.
Đánh giá về sự nghiệp sáng tác, có thể nói Lê Tự là một nhà văn đam mê, xông xáo, bền bỉ, nhiều trải nghiệm và giàu vốn sống, nhất là vốn sống ở làng quê nông thôn với diện mạo xã hội đa chiều phức tạp của thời hiện đại.
Từ sở trường viết truyện ngắn với những truyện có tiếng vang như “Thuận tình” giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1998, “Đời quân tử” và “Điệu cười ha hả” giải Ba cuộc thi truyện ngắn Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây năm 2002, Lê Tự đã thử nghiệm viết truyện dài với tác phẩm “Thám tử Ba Khía và cộng sự” rồi ông tiến đến viết tiểu thuyết với hai tác phẩm: “Bố tôi làm Mặt trận” và “Ngược thời gian”. Nhìn lại chặng đường sáng tác và những năm tháng tác phẩm ra đời, thấy ông viết chưa nhiều nhưng tốc độ viết đang nhanh dần, nhiều dần và chất lượng cũng với tốc độ ấy. Thật thế, sau tiểu thuyết “Ngược thời gian”, nhà văn Lê Tự đã xong bản thảo và chuẩn bị in cuốn tiểu thuyết tiếp theo với nhan đề: Hương bùn. Đánh giá ông với hai chữ “Say mê” nghĩa là ông không chỉ say mê văn chương chữ nghĩa mà còn say mê đề tài nông thôn với thân phận người nông dân lam lũ một đời không hết khổ, luôn bị bắt nạt và bị đối xử không công bằng. Nhưng họ là những điển hình về nhân cách sống, biết năng động làm chủ thân phận để vươn lên khiến người đọc cảm phục thương yêu sâu sắc và kẻ ác phải động lòng trắc ẩn.
Với hơn 300 trang sách, tiểu thuyết Ngược thời gian là một minh chứng cho những đánh giá trên.
Đó là làng Từa – một ngôi làng vốn thuần nông yên ả từ bao đời, có cây đa quán nước, có đồng ruộng, ao hồ, có những người nông dân hiền lành chất phác chỉ biết chồng cày vợ cấy làm ra hạt lúa sinh nhai như bao ngôi làng thân thuộc trên quê hương đất Việt. Đâu ngờ một ngày kia luồng gió đổi mới của thời kinh tế thị trường thổi về làng cuốn đi tất cả. Đồng tiền giúp thay đổi bộ mặt hạ tầng nông thôn khiến cho làng quê khang trang như phố phường nhưng đồng tiền cũng cướp đi những giá trị văn hóa, đạo đức từ lâu vốn là truyền thống tốt đẹp. Làng Từa dưới ngòi bút của tác giả cũng là điển hình cho bao ngôi làng khác trong thời kỳ đổi mới tiến lên công nghiệp hóa – Hiện đại hóa “Làm nông nghiệp toàn lỗ, đàn ông bán xới đi xây dựng, phu hồ. Đàn bà khỏe thì đi làm ô sin, con gái đi xuất khẩu lao động… Xóm làng thay đổi bề ngoài nhưng xơ xác bên trong” (trang 47). Ấy là lời khái quát của tác giả xen kẽ vào câu chuyện làng Từa.
Và câu chuyện làng Từa được kể rằng: Làng có cây đa cổ thụ trên dưới một ngàn năm đầy linh thiêng và huyền bí. Dưới gốc đa ấy có một ông già dân gọi là cụ Bờm chuyên bán nước vối kiếm sống nhưng được mọi người kính nể, tôn trọng tuyệt đối. Kính nể vì cụ Bờm hiểu và trò chuyện được với thần cây đa. Tôn trọng vì cụ Bờm sống gương mẫu, có bản lĩnh, biết điều hơn lẽ phải, luôn khinh ghét kẻ độc ác hại dân và bênh vực kẻ nghèo hèn. Trong làng, nhà ai có việc gì khó hoặc mỗi khi làng có sự vụ bất thường, mọi người đều đến hỏi cụ. Lời cụ như lời mách bảo của thần đa. Cụ đã dạy dân làm đơn tố cáo kẻ bán đất sai trái, tham nhũng do lợi dụng chức quyền và luôn khuyên giới trẻ làm ăn chân chính. Làng có lão Trưởng thôn Trần Hành tham lam, mưu mẹo luôn tìm cách trèn ép lừa dối dân. Hắn đã lợi dụng chức quyền xui dân bán đất thổ canh, chứng nhận đất sai pháp luật để kiếm tiền, nghĩ ra nhiều mưu hèn kế bẩn để thu lời như thu lệ phí tán gái làng, quảng bá cây đa để thu tiền tham quan của khách. Tội ác nhất là hắn không sợ thế lực thần linh nào cả. Dám đốt cây đa làng, đổ phân triệt hại cụ Bờm, dám ngang nhiên đập phá tượng Phật. Làng có tay chủ đầm cá tên gọi cậu Tương vốn đi tù về, ít học nhưng hiểu đời, khôn ngoan mưu tính nhằm chống chọi với các thế lực chèn ép, bóc lột mình để giành giật đồng tiền bằng mọi cách, nhưng rồi cũng ngộ ra rằng cần buông bỏ tất để làm người lương thiện. Làng còn có lão Lý Kiễn một tên bợm có tài lừa lọc trong kinh doanh như mở Công ty chế biến thịt chó xuất khẩu nhưng thực chất là nơi môi giới cho gái làng lấy chồng ngoại quốc và mở dịch vụ Karaoke, thư giãn massage nhưng để kinh doanh mại dâm. Bản chất của Lý Kiễn là chuyên lươn lẹo dối trá để kiếm tiền trên sự ngây thơ dốt nát của dân làng, nhất là phụ nữ. Ngoài ra nhân vật xưng tôi trong chuyện tên là Nhất - chính là nhân vật kể chuyện thay cho tác giả. Nhất là thanh niên mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng không xin đâu được việc dạy học nên làm đủ nghề như chạy xe ôm, trợ lý, dò la và thực hiện âm mưu đen tối cho cậu Tương.
Chuyện làng Từa xoay quanh những sự việc buồn, vui, căm giận, uất ức, đau thương, bi hài… đủ mọi cung bậc để tập trung nêu bật 4 vấn đề lớn của nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường: Dân bỏ ruộng vì trồng lúa thu nhập lỗ; Đất đai bị thu hồi đền bù rẻ mạt để rơi vào tay kẻ đầu cơ kiếm lời lớn; Nhiều nghề kiếm tiền mới xuất hiện nhưng chỉ thu hút giới lao động trẻ và làm thoái hóa đạo đức con người. Người có học hành bằng cấp thì thất nghiệp, không thể đem tri thức phục vụ quê hương.
Từ hiện trạng ấy, bộ mặt xã hội ở nông thôn được phản ánh qua bản chất và hoàn cảnh của từng lớp người trong tác phẩm: Quan chức thì trèn ép dân để vơ vét và triệt hạ lẫn nhau để ngoi lên. Thanh tra thì ăn tiền ngậm miệng. Bọn có tiền làm ăn chụp giật, phi pháp. Tri thức thì bất lực, bị lôi kéo. Người dân lương thiện thì bị lừa gạt, bắt nạt.
Nhưng cuối cùng truyện cũng kết thúc có hậu, đầy lạc quan chứ không bi quan bế tắc: Ấy là Làng Từa nhờ cụ Bờm truyền cho bí quyết đã có nghề nấu xôi đặc sản làm giàu cho dân làng. Người biết hướng thiện và có tài như cậu Tương được trọng dụng. Người có học và tử tế như Nhất lấy được vợ là chị Miên giỏi giang, nhân hậu. Còn những kẻ cậy quyền thế vơ vét, gian ác, lừa lọc như Trần Hành, Lý Kiễn thì bị pháp luật trừng trị. “Luật pháp đã được thiết lập, những kẻ coi thường kỷ cương đã bị bắt hết, bất chấp là ai. Những ngôi nhà cao tầng bị máy xúc đập nát, đổ vật xuống như đống phế tích hết thời” (T329)
Cái tài của tác giả là những vấn đề lớn nêu trên được cụ thể hóa bằng những tình tiết, sự việc rất phổ biến ở làng quê hiện nay qua lời kể chân thành nhưng với giọng điệu hài hước có khi tếu táo khiến người đọc cười mà rơi nước mắt.
Sự hấp dẫn của truyện trước hết là cách nắm bắt hiện thực rất thức thời, phản ánh rất trung thực tình trạng nông thôn thời kỳ đổi mới bị đồng tiền tha hóa con người.
Sự hấp dẫn nữa là việc xây dựng nhân vật không theo truyền thống của tiếu thuyết. Tức là không chỉ có 2 tuyến đối kháng kịch tính mà có nhiều tuyến đối kháng cọ xát. Giữa ác với thiện, giữa ác với ác. Đặc biệt nhân vật rất điển hình nhưng không tuyệt đối. Trong lương tâm quỷ dữ vẫn có chút lương tâm con người. Độc ác, tham lam, khát tiền điển hình như Trần Hành cũng có lúc thấy nhục nhã khi nghĩ đến việc ly hôn đuổi vợ trắng tay ra đường. Mưu hèn kế bẩn, đầu gấu như cậu Tương cũng có lúc cao thượng, vị tha và biết yêu thương. Lừa lọc, gian manh như Lý Kiễn cũng có lúc biết mình có tội, mong giúp cho người dân được cải thiện cuộc sống và tình cảm. Yêu chồng như cô Đào vẫn đi làm gái để tìm cách cứu ao cá của chồng và vẫn bỏ chồng ra đi….đó mới là tính chân thực cuộc sống mà tác giả phải trải nghiệm và tinh tế mới xây dựng được. Còn với những nhân vật phụ như chị Miên, cô Mai, cô Đoan, mụ Béo, kể cả cô con gái cụ Bờm… dù họ chỉ là “phông, nền” làm nổi bật tính cách nhân vật chính nhưng ai cũng có “chân dung” riêng, gây ấn tượng thực sự trong tình cảm người đọc chứ không hề mờ nhạt vô vị. Riêng nhân vật cụ Tam và hai con trai của cụ. Họ chỉ xuất hiện trong 3 trang sách mà quan niệm sống, hành động, ngôn ngữ của họ không chỉ ấn tượng mà còn rất thú vị, tâm đắc với nhiều người đọc.
Nhưng hấp dẫn nhiều trong tiểu thuyết Ngược thời gian có lẽ là những tình tiết ly kỳ, huyền ảo. Ví như việc cụ Bờm chui vào hốc đa trò chuyện với thần đa, cành đa gãy đâm thẳng vào người Trần Hành, máu đa đỏ chảy lai láng như máu người; chuyện thần thánh cho bí quyết nấu xôi thằng Bờm.v.v… viết được những tình tiết ly kỳ hư ảo ấy phải là người giàu trí tưởng tượng, giàu tính lạc quan, nắm bắt giỏi tâm lý người đọc, có tài xây dựng tính hình tượng của văn học mà người cầm bút trên 30 năm như nhà văn Lê Tự thì chắc chắn ông đã thành công. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng quyền hư cấu tưởng tượng quá mức đến độ ngoa dụ khiến bạn đọc nghi ngờ như chuyện cô Nga – xã viên trông ao bèo dâu của Hợp tác xã, nhiều đêm cho trai làng trước khi tòng quân được sờ mó người cô để biết mùi đàn bà, thậm chí còn cho một chàng tân binh ngủ đến nỗi cô có thai phải trốn biệt. Rồi chuyện chuyên gia học bên Tây về làng tập huấn cho chị em biết cách chống lại bạo lực bằng chính bạo lực. Đó là ngón đòn bóp bộ phận sinh dục của chồng khiến chị em rất thích thú. Rồi những chuyện cuộc thi “Người chồng ngu nhất làng”. Chuyện chiếc máy làm thịt chó, thả con chó vào đầu này tức thì đầu kia đùn ra 7 món ăn ngon lành. Chuyện HTX xây hố xí chung cho cả làng, ai đi vào đó được cộng 10 điểm đến nỗi có ngày một gia đình 5 người rủ nhau đi ngoài đến 15 lần được 150 điểm. Còn bây giờ dãy xí công cộng đó được làm dịch vụ trải nghiệm. Ai thích vào đó đi ngoài chùi bằng báo hoặc lá chuối khô thì phải mua vé…
Thế nhưng lạm dụng hư cấu tưởng tượng đã trở thành đặc trưng phong cách riêng của Lê Tự. Có lẽ đó là hình tượng, biểu tượng nghệ thuật ông dành để gửi gắm những hàm ý sâu xa của đời sống. Cười đấy nhưng trong sâu thẳm của tiếng cười là nước mắt đắng cay. Cũng nhiều ý kiến cho rằng thông điệp cốt lõi của tiểu thuyết mà nhà văn gửi gắm mới là vấn đề cần thiết, quan trọng nhất. Còn những hư cấu thậm chí là bốc phét kia cốt để thư giãn vui vẻ, thu hút người đọc chứ không ảnh hưởng gì.
Còn một đặc điểm không thể không nói. Đó là thủ pháp kể rất có nghề trong văn phong Lê Tự. Văn ông kể là chủ yếu, ít biểu cảm và càng hiếm những câu tả cảnh tả người. Nhưng tính cách nhân vật hiện ra rất rõ qua suy nghĩ, hành động, ngôn ngữ của chính họ. Đặc trưng nhất là cách kể của ông tự nhiên, rõ ràng, nhiều thông tin và thông tin nhanh. Điều đó phù hợp với sở thích người đọc thời hiện đại cái gì cũng phải nhanh. Ngoài ra mọi người còn thích thú khi tác giả đặt vào miệng nhân vật những câu tuyên ngôn “xanh rờn” chưa có sách vở hay cuộc hội thảo nào ghi nhận. Ví dụ: “Đời này không biết theo ai thì cứ ba phải cho dễ sống” (T36). “Có chữ thì phải biến chữ thành tiền mới là tài” (T 59), “Đời này chỉ có chó mới hiểu người thôi” (T173); “Giá như loài người sống với nhau như chó thì thế giới đại đồng lâu rồi” (T175). “Một khi đàn ông khóc là trong lòng họ đang có bão cấp 12”. (T186); “Chỉ có chó mới có tình yêu trong sáng nhất thời đại, chỉ có chó mới hiểu tận đáy lòng con người” (T187); “Đàn ông chân chính là phải lấy vợ ngu, càng ngu càng tốt. Chỉ có thằng giở hơi mới lấy vợ thông minh” (T223)…
Kể từ tác phẩm Đời quân tử với 19 truyện ngắn đến tập tiểu thuyết Ngược thời gian này và cả tiểu thuyết Hương bùn sắp xuất bản, nhà văn Lê Tự vẫn hay đưa vào cốt truyện những yếu tố ảo huyền, thần kỳ xen giữa hiện thực đời thường gây hấp dẫn và bớt sự căng thẳng cho người đọc. Nhưng nếu so sánh về văn phong thì tiểu thuyết Ngược thời gian sắc xảo, đáo để và bặm chợn hơn. Lời văn tưng tửng, hoạt ngôn, giọng điệu nhiều hài hước tếu táo. Sử dụng nhiều phàm ngôn, thậm chí nhiều tục ngôn (văng tục, chửi đệm nhan nhản). Đặc biệt dùng nhiều từ chó để xen vào nói năng, chửi rủa, phàn nàn hoặc dạy dỗ, âu yếm. (Cả tập tiểu thuyết có chừng 783 từ “chó”, riêng 2 trang từ 173 đến 174 đếm được 30 từ). Nhưng văn phong ấy là có chủ định, có dụng công làm mới phong cách. Ngôn ngữ “thả cửa” “buông tuồng” như thế dễ gần gũi với đời sống, dễ đi vào lòng người đọc bình dân, dân giã, phù hợp với tâm lý thời công nghiệp hóa. Bạn đọc đã đọc mãi văn chương khuôn phép, quy chuẩn chữ nghĩa, dạy dỗ mẫu mực và dẫn dắt vòng vo khiến họ quá nhàm quen không còn hứng thú thì bây giờ họ hào hứng chấp nhận lối văn này.
Như vậy, nhà văn Lê Tự đã có một giọng điệu riêng, rất riêng để phản ảnh một cái chung mà văn học cần phải quan tâm. Ấy là thân phận người nghèo hèn lương thiện, người ít học nhưng đầy nhân cách tử tế cần phải thương xót, bênh vực và những kẻ cậy quyền, cậy tiền, mưu hèn kế bẩn trong xã hội hôm nay cần phải kịch liệt phê phán. Đấy là phẩm chất của người sáng tạo, không lặp lại mình và không trùng với ai. Và cũng là ngòi bút của một nhà văn có trách nhiệm với cuộc đời, làm nên tác phẩm còn nguyên giá trị với thời gian – Nhà văn Lê Tự./
Nguồn tin: ,bài: HNV.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn