SÁNG TÁC VĂN HỌC VIẾT DÀNH CHO CÁC EM LÀ VẤN ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM TRƯỚC THỰC TẾ VĂN HÓA ĐỌC HIỆN NAY

Thứ tư - 11/06/2025 09:11
“Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai. Đầu tư và quan tâm đến thiếu nhi là sự đầu tư thông minh cho tương lai. Song hiện nay, văn học thiếu nhi đang đứng trước những thách thức lớn bởi sức hút và cám dỗ của rất nhiều loại hình giải trí khiến các em - và cả người lớn - không mặn mà với văn hóa đọc. Điều này đòi hỏi các nhà văn phải đổi mới chính mình để viết hay, hấp dẫn hơn nữa; cần gần gũi, giao lưu với thiếu nhi nhiều hơn để nắm bắt đúng và trúng nguyện vọng của các em, để nuôi dưỡng cảm xúc, viết ra những tác phẩm các em hứng thú. Muốn vậy, nhà văn cần viết bằng cái nhìn và trái tim trẻ thơ nhưng với trí tuệ của nhà thông thái.” (Nguyễn Thị Thiện).
Quang cảnh buổi sinh hoạt
Quang cảnh buổi sinh hoạt
 

   Sáng ngày 10 tháng 6 năm 2025, tại Hội trường Hội LH Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Tháng 6 này với chuyên đề BÀN VỀ SÁNG TÁC VĂN HỌC VIẾT CHO TRẺ EM. Đông đảo các nhà văn hội viên và những người quan tâm đã tới dự. Nhà văn Bùi Việt Mỹ - Phó chủ tịch thường trực, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học và Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu - Ủy viên BCH, Chủ tịch Hội đồng thơ cùng chủ trì buổi sinh hoạt.

     Với 8 bản tham luận và hàng chục ý kiến trao đổi từ các nhà văn đã tạo bầu không khí sinh động. Hầu như các nhà văn đều rất quan tâm đến mảng sáng tác dành cho trẻ em và tham góp sáng tác mới của mình. Phần nhận định, đánh giá về các tác phẩm và qua đó là xu hướng viết cho các em từ những năm gần đây được các nhà văn, nhà báo, nhà lý luận phê bình văn học: Phạm Đình Ân, Vũ Nho, Lê Phương Liên, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Thiện, Nguyên An…trình bày qua báo cáo tham luận, cùng với các ý kiến phát biểu, đọc trích đoạn văn, thơ của chính một số tác giả có khá nhiều tác phẩm viết cho các em, như: Phương Anh, Thu Sang, Phạm Thị Phương Thảo, Mỵ Duy Thọ và Phạm Thịnh… Các vấn đề được đặt ra là:

   - Tình hình sáng tác, số lượng, chất lượng sáng tác văn chương thiếu nhi những năm qua của các nhà văn Hà Nội. Sự tác động của các ấn phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài đang rất phổ biến trong nước.

   - Kinh nghiệm và kỹ năng sáng tác; v/đ trình bày ấn phẩm…tạo tiền đề thu hút bạn đọc trẻ.

   - Văn hóa đọc và tác động của mạng điện tử tới việc tiếp cận tác phẩm văn học cho các em hiện nay.

   - Việc hỗ trợ kinh phí sáng tác, xuất bản và phát hành sách thiếu nhi của các cơ quan chức năng và tổ chức liên quan.

   - Khẳng định sự cần quan tâm đặc biệt đến tính giáo dục tư tưởng, nhân cách và thẩm mỹ cho các em qua sáng tác văn học, ấn phẩm văn hóa lành mạnh.

   - Hội Nhà văn Hà Nội cần có kế hoạch cụ thể để thành lập, duy trì, phát triển tổ chức Ban hoặc Hội đồng Văn học thiếu nhi nhằm đáp ứng phần nào các yêu cầu, nội dung nêu trên…

Cũng tại đây, Nhà phê bình văn học Lê Phương Liên còn giới thiệu thêm về việc Hội Nhà văn VN, mới đây đã thành lập Hội đồng Văn học thiếu nhi và trao tặng ấn phẩm mới chuyên đề văn học thiếu nhi của Hội đồng tới Hội Nhà văn Hà Nội.

zalo 527345243863893
 Nhà văn Bùi Việt Mỹ và nhà phê bình văn học Lê Phương Liên

     Do dung lượng thời gian buổi sinh hoạt có hạn, các nhà văn thống nhất đề nghị được tham gia bàn tiếp về nội dung này ở kỳ sinh hoạt chuyên đề dịp Trung thu năm nay. Sau đó có kết luận và kiến nghị tới BCH Hội Nhà văn Hà Nội với những nội dung đề tài sáng tác văn học giành cho các em - đang được nhiều nhà văn và bạn đọc đang hết sức quan tâm.

     Buổi sinh hoạt chuyên đề tháng 6 năm 2025 đã đạt kết quả tốt.

 

ĐINH VĂN BÌNH và THU SANG

10/6/2025.
 



download
 

Phạm Thị Phương Thảo

 

 BA LÔ CỦA BÉ

Ba lô cùng bé tới trường
Nhún nha nhún nhẩy, con đường bớt xa

Ba lô cùng bé về nhà
Xoè tay, bóng lá, bông hoa, vẫy chào.



BÉ TỚI LỚP

Cu Bi rất thích đến trường
Bé vừa năm tuổi, bà thương thương là

Tập viết chữ cái O, A
O tròn quả trứng, A bà, bà đây

Đánh vần, bé rất mê say
Mỗi ngày học chữ, từng ngày bé vui.

 


BAY CÙNG SÁO DIỀU

Giấc mơ, rộn tiếng sáo diều
Bé bay, bay mãi, dưới chiều, nắng xanh

Ngồi trên một đám mây lành
Thênh thang đồng lúa, bay quanh đồi chè

Sáo diều, vi vút, say mê
Gió nâng đôi cánh, bé về thăm quê

Nhờ mây, chao liệng, vui ghê
Từ từ, hạ xuống, con đê đầu làng

Chào mây, chào gió, lang thang
Bé về thăm xóm, thăm làng, thăm quê !

 



NGHE ÔNG KỂ CHUYỆN VƯỜN CHIM

Trong vườn, con nhớ, đừng quên
Chích choè hay hót, vành khuyên hay cười…

Đỏm dáng là chim đớp ruồi
Khoác màu áo tím, đuôi thời nghênh ngang

Họa mi có giọng hót vàng
Phong làm “ca sĩ”, tiếng vang khắp vùng

Chim khướu, sống ở trong thung
Cổ choàng khăn trắng, tưng bừng hát ca

Vành khuyên xinh xắn nhất nhà
Mắt viền lam tím, thật thà, dễ thương

Sáo đen, nhí nhảnh, thân thương
Vừa đi vừa nhảy, trên đường, nhất ta !

Sẻ nâu, mặc áo cà sa
Bay từ cành cọ, bay ra cành chè

Chim sâu, bé nhỏ, ngoan ghê
Đi tìm sâu bọ, diệt trừ, giúp ông

Sơn ca, tiếng hót ghi lòng
Vút cao, lảnh lót, xuống trầm, tài ghê !

Vàng anh, đài các, bay về
Áo vàng, tha thướt, say mê, lắm lời…

Ông rằng, vui dưới bầu trời
Mỗi loài một giọng, mỗi người, một hay !



 

CHUYỆN NHÀ THỎ

Thỏ bố, chăm chỉ, nhất nhà
Sáng ra, dậy sớm, mua quà cho con

Thỏ con, dậy muộn, lon ton
Vừa mới tỉnh giấc, mắt còn ngác ngơ

Thỏ bà đang mải làm thơ
Mắt đeo kính cận, tay quờ bút bi

“Thỏ con ơi, dậy làm gì
Ngủ thêm tí nữa, mùa thi, xong rồi”…

Thỏ con, nũng nịu, bà ơi
“Mẹ con đi vắng, con chơi với bà”!

Thỏ bà, rạng rỡ, hát ca:
“Ai cũng bận bịu, chúng ta bầy trò”!

Thỏ con sung sướng, reo hò
Thỏ cha, thỏ mẹ, cả nhà cùng vui !





download (1)

 

Thu Sang

 

TIẾNG VIỆT EM YÊU

 

Tiếng Việt của em

Thú vị lắm nhen

Cùng một màu sắc

Mà lại nhiều tên:

Ơ cái quần đen

Mẹ gọi: thâm đất

Màu đen của mắt

Lại gọi mắt huyền

Mái tóc đen tuyền:

Tóc mây đấy nhé

Chú mèo đen thế

Lại gọi : mèo mun

Chó đen gầm giường

Lại kêu: chó mực

Chú ngựa đen nhức

Lại bảo:ngựa ô

Gà đen hiền khô

Lại kêu:gà ác.

Cùng một màu sắc

Lại có nhiều tên

Bạn hãy tìm xem

Còn tên nào nữa ?

 

 

PHONG PHÚ TỪ NGỮ VIỆT NAM

 

Bà ơi cháu hỏi câu này

Cùng tên gọi cả mà rày rà ghê:

Bò con lại gọi là bê

Trâu con là nghé, chó thì cún cưng

Gà con - gà nhép hay không

Lợn con- lợn sữa chổng mông “bú tì”

Khoai bé lại gọi khoai bi

 

Chuột con - chuột nhắt chạy đi thật đều

Nhà bé lại gọi túp lều

Tôm nhỏ lại gọi tôm riu -hay là.

Giường bé lại gọi giường đơn

Người bé lại gọi tí hon lạ kỳ.

Còn bao tên gọi tí ti

Bạn hãy giúp bé tìm đi xem nào ?

 

 

 

LỤC BÁT EM YÊU

 

Từ khi nằm ở trong nôi

Câu thơ lục bát đẫm lời mẹ ru

Dịu như làn gió mùa thu

Ngọt như giọng hát, lời thơ của bà

Câu lục tựa khúc dân ca

Câu bát như ánh sao sa trên trời

Cánh cò bay lả à ơi

Cái Bang, cái Bống một đời …bống bang

Mẹ ta áo vá dần sàng

Mà say đắm cả hồn làng, hương quê

Câu Kiều mẹ nảy say mê

Thuộc từ cái thuở mẹ về làm dâu

Bây giờ tóc đã phai mầu

Hồn thơ lục bát nửa câu chẳng mòn

“Truyện Kiều còn, nước ta còn”*

Mẹ như “báu vật” giữ hồn Quốc thi.

------------------

* Câu nói của Nhà văn hóa Phạm Quỳnh

 

 

images

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây