Hạt gạo trắng còn nguyên màu nước mắt. Câu thơ còn sót lại sau mùa

Chủ nhật - 04/12/2022 02:53
Nguyễn Văn Ngọc:
Đọc hai tập thơ: Biên bản thặng dư; Dấu chân biển cả của nhà thơ Phùng Hiệu
Hạt gạo trắng còn nguyên màu nước mắt. Câu thơ còn sót lại sau mùa
     Nhà phê bình Hoài Thanh có viết:
          “Thích một bài thơ, theo tôi nghĩ, trước hết là thích một cái nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết thích một con ngườì’’.
   Đọc các tập thơ của nhà thơ Phùng Hiệu, nhất là hai tập thơ: Biên bản thặng dư Nxb Hội nhà văn, 2019) ; Dấu chân biển cả (Nxb Văn hóa văn nghệ, 2018); Chúng ta trân quí thái độ, bản lĩnh của nhà thơ trước hiện thực bề bộn của đời sống xã hội. Bút lực dồn nén trong những hình ảnh thơ phác thảo chân dung con người lao động :                 
            Chị quét mòn phố xá về đêm
            Những bước chân thưa trên con đường chạnh vắng
            Những bô rác chứa đầy số phận
            Những chén cơm từ rác chảy ra đường’.
                            (Quét rác - Biên bản thặng dư)
Câu thơ Phùng Hiệu nhiều khi chạm tới cái bi thương, những đối nghịch, phản cảnh: “ Chị quét cả đời nhưng rác mãi phát sinh / Từ những ngôi nhà mang danh trí thức/ Từ những diễn đàn hô hào, phô trương rất thực / “ Giữ sạch môi trường, quy hoạch tự nhiên” ( Quét rác- Biên bản thặng dư). Có lúc dòng thơ vắt lấy số phận con người, để rồi bất chợt thảng thốt bởi cái nhìn đau đáu ở phía sau: “ Đến cuối cuộc đời người ta quét chị ra / Vì ngỡ rác trong khu nhà ổ chuộ !” ( Quét rác- Biên bản thặng dư). Gom những bài thơ trong tập thơ Biên bản thặng dư : Tiếng nấc trong khu rừng cao su, Cuộc mưu sinh, Tết của người công nhân góa phụ, Sự mất tích của người công nhân, Sau lưng tiếng kẻng công trường, Phố ngập…., rút ra những câu thơ “Hồn vía” xâu chuỗi lại làm nên sự giao thoa giữa thực tế đời sống và cảm thức của nhà thơ. Tiếng thơ lắng đọng từ sau tiếng kẻng công trường: “ Đêm giao thừa em hát khúc tha phương / Giữa cuộc đời / Chông gai / Bí mật / Ngày đã cạn mà trời chưa hẹn đất / Năm đã tàn mà tháng vẫn chưa yên’’( Sau lưng tiếng kẻng công trường- Biên bản thặng dư .Thơ Phùng Hiệu hướng tới miền sáng của tâm thức con người : sự sẻ chia và quan tâm tới số phận . Tiếng nói trữ tình từ trong trái tim nhà thơ đã gợi nên những rung cảm đặc biệt khi hình ảnh thơ neo về bóng dáng số phận con người trong cuộc mưu sinh : “ Chị đẩy cuộc đời về phía mưu sinh / Từ gánh ve chai lấm màu tri thức/ Thành phố này văn minh phồn thực / rác chảy ra đường qua lối tái sinh / Chị đẩy vào đời giấc ngủ cu li / Những đứa con thơ vật vờ trên vỉa hè thành phố / Đứa bán kẹo / Đứa giác hơi / Đứa đánh dày / Đứa rao vé số / Những mảnh đời loang lổ dấu chân đêm ( Cuộc mưu sinh- Biên bản thặng dư). Tiềm sâu trong cảm xúc là ẩn chứa tư duy nhà thơ, ý tưởng được vun vén gói vào câu thơ để tự vấn lương tâm và trách nhiệm của nhà thơ trước cuộc sống. Nội lực của nhà thơ biểu lộ qua tư duy phản biện, nói lên “ hồn cốt” của nhà thơ : ‘Cái ác không có trong tâm hồn nhà thơ / Cái ác không hình thành trong tư tưởng nhà văn / Cái ác không còn tồn tại trong tư duy con người lương thiện / Nó chỉ biểu hiện nơi không có lương tri / Và thường trú trong tim của những con người khước từ / Đạo đức” (Biên bản thặng dư).
      Nhà thơ đối diện với sự thật, đối diện với chính bản thân mình, đối diện với giấc mơ, thơ Phùng Hiệu có lúc ám ảnh qua những nét chấm phá triết lý : “ Gói sự thật vào giấc mơ / Tôi đi tìm công lý/ Tin chắc ở phía chân trời có ánh bình minh / Nhưng khi vừa đến chân trời tôi chạm phải bóng đêm / Đi sâu vào bóng đêm / Là cả hành trình lương tri lộ diện...” ( Kẻ hở bình minh - Biên bản thặng dư).
   Cái đẹp của thơ Phùng Hiệu ở cách lập tứ bài thơ , đan cài cảm xúc và tư duy phản biện. Câu thơ sàng lọc, trưng chất hiện thực cô đọng, vì vậy dòng thơ không bị dàn trải, mà lại hội tụ ở những hình ảnh gợi cảm, gối vào nhau thật thú vị:
  ‘Nhấp phím / những con chữ nhảy múa trên cánh đồng ngôn ngữ / cho cảm xúc tuôn, cho lãng mạn trào / mơ về em / ta mới biết cuộc đời còn có tình yêu và câu thơ còn sót lại’’ ( Nhấp phím - Biên bản thặng dư).
Thơ Phùng Hiệu có tính thời sự, thế sự. Giữa đời thường, phát hiện những đổi thay, dòng thơ Phùng Hiệu ẩn chứa tín hiệu dự báo : ‘Một ngày thản nhiên / Cuộc sống bỗng dưng đảo lộn / Những cánh đồng trắng lưng phố xá / Chợt con trâu quên mất cái cày / Chợt một ngày vô sản bàn tay / người nông dân tự nhiên mất đất / Những cung đường tự do siết chặt / mái tranh xưa / Ô nhiệm / Tiếng cười’’ ( Quy hoạch tự do - Biên bản thặng dư). Thành phố ngày mưa ngập nước, những dòng thơ như bức họa về một thực tế : ‘Thành phố mưa về hóa những con sông / Chảy qua khắp nỗi lòng thiên hạ / Những dự án năm - mười ngàn tỷ / Chỉ mua về phố xá những cơn giông ( Phố ngập - Biên bản thặng dư).
    Nhiều bài thơ trong tập ‘Dấu chân biển cả” thể hiện vẻ đẹp, bản chất người lính trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc ( Các anh không về mắt đảo rưng rưng, Ngòi bút gắn vào biển đảo, Đừng lặng nữa, Biển đảo là anh, Nhớ Phạm Hữu Nhật, Hồn biển đảo từ bao mộ gió...). Lời thơ xúc động khi nói về những chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma : Các anh không về mắt đảo bỗng rưng rưng / Chiều Cô Lin xác con tàu đẫm máu / Như cột mốc chủ quyền nơi biển đảo / Sáu mươi bốn anh hùng / Hóa đá / Giữ biên cương’’( Các anh không về mắt đảo  rưng rưng - Dấu chân biển cả). Thơ đã tạc nên hình ảnh người lính bảo vệ biển đảo :’ Hơn một lần anh đứng giữa trùng khơi / Nhìn tổ quốc từ hai đầu Nam Bắc / Từ Trường Sa những cánh tay xiết chặt / Nối đất liền với biển đảo quê hương’’( Màu xanh từ biển - Dấu chân biển cả).
 Câu thơ khởi nguồn từ thân phận con người, câu thơ như cánh buồm dong gió ra biển cả và câu thơ trở về với bóng dáng người mẹ, quê hương . Thơ Phùng Hiệu ở nhiều bài tơ, giàu sức liên tưởng : Từ Chan gi /Tôi nghĩ về quê hương / Nơi có những cánh đồng lấm lem bụi nắng / Nơi có những con trâu luống cày / Nơi có những đôi chân / Những bàn tay chai sần vết đất / Đi tìm hạt gạo / Họ vịn ngày cõng tháng qua năm’’( Nghĩ về quê hương tôi - Biên bản thặng dư ). Sự liên tưởng về thời xa vắng, nhiều khi nhìn tia nắng, tìm về tuổi thơ qua bước chân trần trên cát : Tôi trở về nơi tôi đã ra đi / Để tìm lại tuổi thơ mình trên cát / Để nỗi nhớ hòa tan trong phím nhạt / Để thơ ngây không biết tự bao giờ’’(Người ở lại - dấu chân biển cả). Ở một khoảnh khắc đặc biệt, liên tưởng về người mẹ : Ba mươi tết bên thềm hiên nắng /Tiếng gà trưa cục tác phía sau hè / Mẹ thắp nén hương cay bờ tóc trắng / Ngóng con về nỗi nhớ bỗng vằng hoe’’( Bước tha phuong - Dấu chân biển cả).
Hành trình cuộc sống với nhiều dư vị, nhà thơ Phùng Hiệu đã trải nghiệm bằng thiên chức nhà văn : Chúng ta / Những nhà văn lao động / Bằng dòng cảm xúc không ngừng / Bằng những con chữ nhảy múa tư duy / Ta hồn nhiên nhớ / Ta hồn nhiên yêu / Ta hồn nhiên nghĩ’’( Sự lãng mạn và cái ác). Thơ Phùng Hiệu kết nối những mảnh ghép số phận con người, nhận chân ra cuộc đời của họ, hé lộ  tâm tư , suy nghĩ của số phận, để có tiếng nói đầy trách nhiệm trước vấn đề bức xúc của cuộc sống.
Nhà thơ Chế lan Viên đã từng ký gửi thông điệp về thơ :
Có những câu thơ phải bắn cầu vồng / Mà người ngắm phải là nhắm thẳng/ Đi ra, lấy cuộc đời của dân làm cuộc đời mình / Cơn nắng, Cơn mưa làm điều suy nghĩ / Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe / Một giọt mưa, phải lắng nó rơi trên tàu lá cọ chẳng quê mình. / Trên tàu lá chuối chửa từng quen. / Ra đi, chạm vào những cơn bão, ngọn gió bất ngờ thổi vào bốn bức tường quen thuộc / Nhìn cuộc đời phía dưới phía trên, phía sau, phía trước/ Dù trở lại bên lòng, xin hãy cứ ra đi! ’’.
 (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ... Nxb GD, 2001)
 NVN.

      Nhà thơ tình Phùng Hiệu, sinh 1976 tại Đà nẵng, lớn lên ở Đồng Nai
   Hội viên Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hiện sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
    Sách đã xuất bản :
     - Tình không dám ngỏ ( Thơ, Nxb Văn học, 2008)
     - Thức giấc ( Thơ, Nxb Thanh niên, 2010)
     - Thời gian ( Thơ, Nxb trẻ, 2010)
     - Dấu chân biển cả ( Nxb văn hóa văn nghệ, 2019)
     - Biên bản thặng dư ( Nxb Hội nhà văn, 2019)

 











 
 

 

 

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây