Hình tượng gió độc đáo và quyến rũ trong trường ca Việt

Chủ nhật - 09/02/2025 16:33

            
Ths. Đỗ Nguyên Thương

 

     Untitled 1Trường ca vốn là một thể loại văn học truyền thống của dân tộc Việt Nam xuất hiện từ thế kỷ XIX, có dung lượng bề thế, ban đầu thể loại này viết về cuộc đời người lao động bình thường. Sau đó, theo sự biến đổi của thời cuộc, trường ca có thời kỳ được viết ra nhằm chuyển tải những nội dung rộng lớn về những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhân loại, tâm thức cộng đồng hay ký ức dân tộc và thường xuất hiện trong những thời kỳ lịch sử có ý nghĩa trọng đại của dân tộc như cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp và xa xưa với những cuộc chiến dựng và giữ nước, khẩn hoang mở mang bờ cõi v.v...

Ngày nay, trường ca có sự giao thoa các yếu tố tự sự và trữ tình, dung lượng có thể ngắn hơn và chuyển tải nhiều hơn cảm xúc cá nhân của người viết. Tuy nhiên, đây là thể loại khó, chỉ những cây bút vững vàng mới dám dấn thân. Và nhà thơ Phan Hoàng là một trong những cây bút như vậy, anh đã thành công với Bước gió truyền kỳ bằng một thi pháp nghệ thuật hoàn toàn mới, dùng hình tượng gió độc đáo và quyến rũ để dựng nên bản trường ca. Theo nhìn nhận của một số nhà phê bình văn học vào thời điểm Bước gió truyền kỳ xuất hiện thì trường ca này là một đỉnh cao trên hành trình sáng tạo thơ ca của Phan Hoàng.

Bước gió truyền kỳ có 3 phần. Phần I: Gió tiếp sức ước mơ, Phần II: Bước gió truyền kỳ, Phần III: Gió dựng thành lũy biên cương và kết thúc bằng phần Vĩ thanh: Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại. Hình tượng gió xuyên suốt bản trường ca, trở thành linh hồn của tác phẩm, thu hút sự chú ý ngay từ khi tiếp cận của độc giả.

Phan Hoàng là người con của quê hương Phú Yên, sinh ra, lớn lên và gắn bó tuổi thơ với mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với “đặc sản” là nắng và gió. Có phải vậy chăng mà gió xuất hiện nhiều trong thơ của anh, như một hình tượng giàu tính biểu cảm?

Không hiểu tại sao, từ khi biết đến bài thơ Sóng của thi sĩ Xuân Quỳnh, tôi đã rất yêu hình tượng gió trong đoạn thơ

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

Không biết gió từ đâu xuất hiện, tựa như không biết tự khi nào trái tim cất lời yêu. Thơ Xuân Quỳnh chạm đến trái tim bao bạn trẻ. Và từ đó, hình tượng gió có sức ám ảnh lạ kỳ trong tôi. Nay đọc thơ Phan Hoàng, ngay nhan đề đã khiến tôi để tâm Bước gió truyền kỳ. Thông thường gắn với gió là động từ “thổi’”, gắn với cường độ là gió ào ạt, gắn với tốc độ là nhanh như gió… Còn “bước gió” thì quả thực trước đó tôi chưa hình dung. “Bước gió” đã là một sự độc đáo trong cách sử dụng ngôn từ; nhưng chưa hết, Phan Hoàng còn tiếp tục độc đáo trong khi sáng tạo Bước gió truyền kỳ. Nếu có sự phân kỳ với gió thì truyền kỳ là sự tiếp nối từ điểm xuất phát tới điểm dừng chân hoặc kết thúc. Theo với trật tự tuyến tính của thời gian thì đó là Kỳ 1, đến 2, 3… và vĩ thanh trong “cấu trúc” trường ca Bước gió truyền kỳ.

Bước gió truyền kỳ được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá là đỉnh cao trong sáng tác của Phan Hoàng trước hết nhờ vào hình tượng gió. Đó là một hình tượng nghệ thuật có sức ám ảnh, như găm vào bộ nhớ, như tạc vào tiềm thức của độc giả. Hình tượng nghệ thuật là sản phẩm của phương thức chiếm lĩnh, thể hiện và tái tạo hiện thực theo quy luật của tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật”. Theo với khái niệm này thì hình tượng gió trong trường ca Bước gió truyền kỳ đã thể hiện và tái tạo hiện thực theo cái nhìn thẩm mỹ và quan điểm riêng độc đáo của thi sĩ Phan Hoàng.

            Sau mỗi chuyến tốc hành

ta ngược đường bay tìm về ngọn gió biển tuổi thơ

Mỗi chuyến tốc hành” cũng là một ẩn dụ cho hành trình của người con xa quê. Phan Hoàng từng được mệnh danh là “giang hồ thơ” (cách nói của nhà thơ Ngô Kim Đỉnh) vì anh đã đặt chân tới nhiều châu lục và trong chuyến thăm nước Nga mùa thu năm 2018, anh có cảm hứng sáng tạo thể thơ 1-2-3, thể thơ mới mang hơi thở của cuộc sống đương đại và được nhiều công chúng mến mộ. Anh từng trực tiếp tham dự Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc năm 2023 và được mời gửi thơ tham gia nhiều liên hoan thơ quốc tế các nước khác. Thơ Phan Hoàng cũng đã được dịch giới thiệu tại nhiều nước ở các châu lục Á - Âu - Phi - Mỹ. Trên dải đất hình chữ S, với đôi chân xê dịch “tốc hành” của Phan Hoàng, chắc hẳn chưa có tỉnh, thành nào vắng bóng anh. Được đi nhiều và rất nhanh nhẹn sau mỗi hành trình là anh có thơ, có báo, có những cảm xúc dạt dào để sáng tạo và công hiến cho thi ca, cho văn học nghệ thuật những tác phẩm giá trị. Đến nay anh đã có các tập thơ nổi tiếng như Tượng tình (1995), Hộp đen báo bão (2000), Chất vấn thói quen (2012), Bước gió truyền kỳ (2016) và từ năm 2018 anh là người khởi xướng và thành công với thể thơ 1-2-3; hiện đăng tải nhiều trên các báo chí trung ương và địa phương. Anh còn là tác giả của nhiều tập ký sự và những bộ sách ấn tượng độc đáo bắt đầu bằng hai tiếng Phỏng vấn như “Phỏng vấn tương lĩnh Việt Nam (1996-1998), Phỏng vấn người Sài Gòn (2 tập, 1998), Phỏng vấn Người Hà Nội (2000),...

Đúng là sự nghiệp của Phan Hoàng đã, đang và sẽ phát triển sau “Mỗi chuyến tốc hành”. Và, như một quy luật vốn có của cảm xúc, sau mỗi chuyến đi, dấu ấn sâu đậm nhất vẫn là nét dáng quê hương, xứ sở; là kỷ niệm; là ký ức đẹp của tuổi thơ, đó là hình tượng gió. Tìm về với ngọn gió biển tuổi thơ là tìm về kỷ niệm. Bất luận là ai, dù làm việc gì, nghề gì … cũng có một kho ký ức trong hành trang cuộc đời về tuổi thơ yêu dấu và tôi tin rằng, ai cũng có khát vọng như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.

Vốn sinh ra ở vùng đất Phú Yên một thời là vùng trấn biên của đất nước, chất liệu khởi đầu cho trường ca của Phan Hoàng là hình tượng gió như một lẽ tự nhiên, quen thuộc mà không bị sáo mòn, không lặp lại người khác, không lặp lại chính mình.

Ngay ở phần mở đầu của trường ca Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng đã có lời đề từ bằng hai câu thơ rất ấn tượng

Người từ ngàn năm người quên tên tuổi

Bỗng gió theo về bỗng gió bay đi

            Hình tượng gió như một huyền thoại, kết nối xưa và nay, kết nối bao thế hệ để thu hẹp khoảng cách không gian, thời gian. Và, với một không gian nghệ thuật phóng khoáng “từ ngàn năm” ấy, với Phan Hoàng nếu chỉ dừng lại ở một bài thơ là không đủ. Bởi thế, trường ca là thể loại phù hợp, dung chứa lượng dữ liệu và cảm xúc bề thế trong anh. “Khi thơ trữ tình muốn trình bày những suy cảm về những vận động lớn lao, thậm chí, kỳ vĩ của đời sống bằng một hình thức lớn, khi ấy trường ca xuất hiện. Nói gọn hơn, khi thơ trữ tình muốn chiếm lĩnh thực tại ở cấp độ cái kỳ vĩ thì trường ca bắt đầu lên tiếng” (Chu Văn Sơn). Và Bước gió truyền kỳ ra đời kể về một lịch sử hào hùng của các bậc tiền nhân từ thuở khai khẩn, mở mang bờ cõi hàng nghìn năm trước.

Tuổi thơ ta hồn nhiên bao câu hỏi

Hồn nhiên như ngọn gió hồn nhiên

Tung tăng cuốc kêu dế gáy chim ca

Cóc nhái gọi sấm gọi chớp gọi mưa

Gọi cả nỗi buồn giấc mơ lấm lem bùn đất

Giao hưởng đồng quê hòa quyện lời ru ôm lấy xóm làng

Chắc hẳn ai khi đọc những câu thơ này cũng đều nhận thấy, phải là một người gắn bó với con người, cảnh sắc quê hương, luôn tự hào và yêu say đắm quê hương xứ sở của mình, Phan Hoàng mới viết được những câu thơ đặc sắc như vậy. Trong ký ức của anh, tuổi thơ hồn nhiên gắn với “nỗi buồn giấc mơ lấm lem bùn đất”, có vất vả, có buồn, có vui và sâu lắng là “Giao hưởng đồng quê hòa quyện lời ru ôm lấy xóm làng”. Hầu như là người Việt Nam, ai cũng lớn lên trong ầu ơ tiếng ru của bà và của mẹ, với Phan Hoàng, lời ru thêm thấm đượm nghĩa tình bởi được hòa quyện trong khúc giao hưởng đồng quê nơi xóm làng một thời tuổi thơ gắn bó với nắng, gió, với âm thanh cuốc kêu dế gáy chim ca và tiếng “Cóc nhái gọi sấm gọi chớp gọi mưa” ....

            Từng đọc anh qua “Chất vấn thói quen”, nay tôi lại được gặp những câu hỏi vang lên từ hoài niệm, từ thực tại và sẽ còn in đậm dấu ấn giá trị trong tương lai:

Gió hỏi:

Núi đứng một mình núi có buồn không?

Núi tỏ ra sành địa lý:

Dưới chân núi là Vũng Rô của Biển Đông như cô gái đương thì kiêu sa và xa xa phía tây là đồng bằng Tuy Hòa châu thổ sông Ba lúc màu mỡ phù sa lúc ầm ào thác lũ.

Chất vấn là dấu hiệu của ngôn ngữ tự sự, của đối thoại. Nhưng vẫn đậm nét trữ tình bởi những câu thơ ngắn, dài đan xen, tựa như các cung bậc trầm bổng của cảm xúc ngân lên thành giai điệu. Bởi thế, người đọc không thể quên, chỉ một đoạn thơ ngắn trong trường ca Bước gió truyền kỳ mà hàm chứa cả giá trị tạo hình từ cảnh sắc, cả đồng vọng từ âm thanh đồng hiện, đẹp đẽ và hào sảng. Tôi đặc biệt ấn tượng với câu thơ

Con đường xuyên sơn ngoằn ngoèo đèo Cả âm vang bước chân, vó ngựa, chiến xa vệ quốc oai hùng. Núi vui thú cây cỏ chim muông, núi mê mải ngắm các cô thiếu nữ.

Núi non hùng vĩ của Đất Phú Yên tạc vào câu thơ Phan Hoàng, tạc vào lòng độc giả những ấn tượng khó phai mờ.

Đọc Bước gió truyền kỳ, thấy tự hào về trang sử vẻ vang của dân tộc khi gặp những tấm gương của các bậc vĩ nhân trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là những cái tên đã trở thành huyền thoại như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Lê Thánh Tôn, Huyền Trân, Nguyễn Hoàng, Lương Văn Chánh, Nguyễn Hữu Cảnh… “Bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân/ Tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc” và thật đẹp là hình tượng “Bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn/ Lưng kiếm túi thơ”. Phan Hoàng coi mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc là một bước gió, với cách nói rất riêng

Bước gió Nguyễn Hoàng

Bước gió Lương Văn Chánh

Bước gió Nguyễn Hữu Cảnh

Theo nhà thơ, mỗi danh nhân kể trên là một nhân tố tạo nên từng bước gió vĩ đại trong sự nghiệp hàng ngàn năm của ông cha ta trong hành trình mở mang bờ cõi. Khổ thơ có âm vang của hào khí Đông A ca ngợi phẩm chất anh hùng vừa tráng lệ vừa giàu chất thơ, khiến mỗi hình tượng là sự hòa quyện của tráng ca và nghệ sĩ làm nên khí chất của các bậc vĩ nhân của lịch sử nước Việt.

Đọc Bước gió truyền kỳ tôi còn khâm phục Phan Hoàng bởi cách anh đưa địa danh vào thơ:

... gió dâng lên những thành phố trẻ lớn nhanh Phù Đổng

gió dâng lên những cái tên gần gũi quê mùa

Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đẹp như ca dao

Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Bến Lức, Mỹ Tho, Gò Công, Ô Môn,

Cái Mơn, Cái Bè, Cái Răng, Cái Nước, Cái Vồn,… quyến rũ như cổ tích

Không phải là một tài năng thi ca, không phải là một người Việt Nam yêu quê hương sâu nặng, chắc chắn không viết được những câu thơ độc đáo như vậy và hẳn đó cũng là những ẩn dụ về bước gió với không gian rộng lớn “đẹp như ca dao” và “quyến rũ như cố tích”.

Đọc trường ca Bước gió truyền kỳ thấy được dung lượng kiến văn đầy đặn cùng với sự nhọc công, cần mẫn cho sáng tạo nghệ thuật đích thực của Phan Hoàng; thấy âm vang của sử thi và anh hùng ca, thấy khí thế, thấy niềm tự hào, thấy bước chuyển mình và tiếp nối hành trình kỳ vĩ, mở mang bờ cõi, dựng xây đất nước, tạo nên trang sử vàng của dân tộc.

Không thể phủ nhận tập trường ca Bước gió truyền kỳ (Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm lần thứ II) là một thành công đặc biệt của nhà báo - nhà thơ Phan Hoàng. Đồng thời, với hình tượng gió độc đáo và quyến rũ để kết nối, dựng nên Bước gió truyền kỳ , anh đã có đóng góp quan trọng về thi pháp nghệ thuật trong lịch sử trường ca Việt, đặt dấu ấn gợi mở một cách viết mới về trường ca. Tôi đồng tình với nhận định của nhà phê bình văn học Hà Tùng Sơn: “Phan Hoàng đã đi từ hình tượng nghệ thuật gió để tạo dựng nên hình tượng nghệ thuật đất nước. Đó là một thành công lớn của anh trong bản trường ca này”. Và như vậy, lẽ nào không gọi Bước gió truyền kỳ là bước gió thành công?
 

Phú Thọ, 20/11/2024
Đ.N.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây