NGÀN HOA BẤT TỬ - Tiêu thuyết mới của Nhà văn Nguyễn Minh Thắng

Thứ tư - 17/08/2022 15:22
Nhà thơ Thanh Ứng
NGÀN HOA BẤT TỬ - Tiêu thuyết mới của Nhà văn Nguyễn Minh Thắng

     
          Nhà văn Nguyễn Minh Thắng sinh năm 1936 quê gốc tỉnh Thái Bình, là chiến sĩ Điện Biên Phủ, thương binh chống Pháp. Ông là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Văn học – Nghệ thuật Hà Tây, nhiều năm tham gia ủy viên Ban kiểm tra của Hội. Là một nhà văn tâm huyết, ông dành phần lớn thời gian cho công việc sáng tạo văn chương. Nửa thế kỉ cầm bút, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm với những thể tài văn học khác nhau gồm 3 tập thơ, 3 tập truyện kí về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 tập truyện ngắn, 5 tiểu thuyết và nhiều bài thơ, văn in rải rác trên các báo tạp chí Trung ương, địa phương. Khi đã bước vào tuổi tám mươi, trong người lại mang bệnh trọng, cộng với nỗi buồn người vợ tao khang rời ông về với tổ tiên,… cứ ngỡ ông sẽ ngừng viết, “rửa tay gác kiếm”, an ngơi tuổi già…Nhưng rồi đến thăm ông, ông vẫn vui vẻ: “Tớ đang viết tiểu thuyết!”. Tôi trố mắt ngạc nhiên, ông giảng giải : “ Mỗi ngày tớ thường viết ba trang, có hôm hứng lên viết 5, 6 trang theo khổ giấy A4”…Thế rồi, ông đã hoàn cuốn tiểu thuyết, đưa nhà xuất bản và cho ra mắt bạn đọc ở tuổi ngoại bát tuần. Đó là tiểu thuyết “Ngàn hoa bất tử” do Nhà xuất bản Hồng Đức  liên kết với Công ty TNHH Trung tâm Sách và Thiết bị thư viện Quân đội ấn hành năm 2022. Nhà văn không phải bỏ tiền in tác phẩm của mình là một sự ưu ái lớn đối với tài năng và tâm huyết của nhà văn thương binh Nguyễn Minh Thắng.

Nhân vật chinh trong tiểu thuyết là La. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1944, khi đó La 8 tuổi, cũng là lúc La bắt đầu trải nghiệm những biến cố của gia đình, của quê hương, đất nước. Đó cũng là năm có cái rét thật khắc nghiệt, rồi năm 1945, nạn đói cộng với vỡ đê đã cướp đi sinh mạng của bao con người. La lớn lên trong hoàn cảnh đó. Tuy mới 8. tuổi nhưng “nó khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nó duy nhất chỉ có một cá áo the đen dài gần đến đầu gối chứ không có quần”. Trong cảnh hỗn loạn chạy lụt, La đã lạc mẹ và chị. Tìm được mẹ và chị, cả nhà La lên Chèm Vẽ để tìm cha đang làm thợ trên đó. Từ đây La được đi học chữ và cũng bắt đầu hiểu lơ mơ về thời cuộc. Đã có người đưa La một tập truyền đơn, nhưng bố La biết và ông đã đốt tập truyền đơn vì sợ bị liên lụỵ cả gia đình. Thế rồi, mẹ chết, chị gái chết chỉ còn có mình La đi ở cho chú thím.La có một tuổi thơ cực khổ, thiếu thốn nhiều bề song may mắn cậu được bố cho đi học và có cái bằng sơ học yếu lược. Năm 1950, khi bố và dì chạy tản cư, La ở nhà và tham gia tổ quân báo địa phương. Năm 1951, mới 15 tuổi, bố đã hỏi vợ cho La. Được vài tháng, La trốn nhà nộp đơn tuyển quân đi Nam tiến nhưng không trúng vì bé quá. Năm 1952, La đi tuyển lần hai và được trúng vào bộ đội tỉnh, sau được bổ sung vào quân đoàn 55 thuộc sư 308 và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại đơn vị La vinh dự được về giải phóng thủ đô và mừng rỡ gặp lại người anh họ Nguyễn Văn Chi sau bao năm xa cách. Năm 1956, đơn vị La lên Đồng Chay (Ba Vì) huấn luyện, chuẩn bị diến tập, đợt này anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xếp hàng xạ thủ, sư đoàn cấp giấy khen. Rồi anh tranh thủ về nghỉ phép và đã cưới vợ. Anh bị đơn vị kết tội vưới vơ. “chui”, bị vào phòng giam ba ngày viết kiểm điểm và nhận kỉ luật cảnh cáo. Lần thư hai La bị kỉ luật là do thương đồng đội quá giờ ăn mà thủ trưởng con mải đi chơi chưa về nên cho anh em ăn trước. Lần này La  bị phạt bò quanh sân 5 vòng, còn đồng đội tất cả đều phải quỳ (!)Năm 1957, La được điều động cùng đơn vị tham gia hàn khẩu đê Mai Lâm. Sau đó anh được biên chế vào đội 36, trực thuộc phòng doanh trại sư đoàn 308 tham xây dựng nhiều doanh trại, bệnh viện cho các đơn vị thuộc sư đoàn. Như thế là trong 7 năm ở quân ngũ, La bị hai lần kỉ luật. Đó là một thực tế trong quân đội ta hồi ấy, nạn quân phiệt quan liêu ở đâu đó đã bao trùm lên nhiều đơn vị một không khí thiếu dân chủ…mà La chinh là một nạn nhân. Năm 1958, sau khi bố qua đời, anh đã đưa vợ từ Thái Bình lên Hà Đông và xin được việc làm cho chị. Thế rồi lần lượt 7 đứa con ra đời. Thời bao cấp lương ba cọc ba đồng, gia cảnh vô cùng khốn khó.

 Năm 1962, La chuyển ngành sang Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1965, anh chuyển về Tổng cục Lâm nghiệp phụ trách tuyên huấn, làm hiệu phó các lớp huấn luyện “Công nhân kĩ thuật đặc sản Lâm nghiệp” do Tổng cục mở . Sau do không ăn “ giơ” với các ê kí lãnh đạo mà La phải chuyển ra ngoài chuyên đi nhận thầu các công trình, lán trại cho các đơn vị sơ tán chống chiến tranh phá hoại. Chính thời gian này, anh mới có đủ tiền hằng tháng để trợ giúp vợ con ở nhà, Như một nhân vật (Ông Khởi) ở cùng Công ty với La nhận xét: “Như vậy, chú có 18 năm hoạt động? Ngần ấy năm mà chú vẫn chưa hiểu hết sự đời này sao.”. Ông còn cho biết: “Cả Công ty, tao không chơi với ai tao chỉ chơi với chú, vì chú hiền lãnh, thật thà tốt bụng, ông biết La rất thẳng tính hay nóng nảy nên rất dễ bị đầy ải và thù ghét”.

Đó là nhận xét rất đầy đủ về nhân vật La. Từ tuổi thơ khốn khó, nghèo đói, anh theo cách mạng đi bộ đội cụ Hồ ngay từ những năm tháng quân đội còn thiếu thốn, tham gia nhiều chiến dịch đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Hòa bình lập lại anh lại lăn lộn trên các thao trường, diễn tập và tham gia các hoạt động chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc. Bị kỉ luật, anh chấp hành triệt để không một hờn oán mà vẫn một lòng tin tưởng vào Bác Hồ và Võ Đại tướng. Trong thời gian tham gia xây dựng doanh trại của sư đoàn, La luôn tìm cách khắc phục tiết kiệm nguyên vật liệu và kinh phí để đem lại lợi ích cho tập thể và quân

đội. Khi ra quân ở môi trường mới, anh luôn phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ trong những hoàn cảnh mình chưa thực sự hiểu hết lẽ đời. Với đức tính liêm chinh, thẳng thắn khi làm hiệu phó lớp huấn luyện kĩ thuật Lâm nghiệp. Lớp mở trong 6 tháng do nhiều lí do mà cuối khóa quyết toán còn thừa một lượng gạo khá lớn. Anh quyết định đem trả lại nhà nước. Quyết định của anh bị những người có chức, có quyền phản đối và họ đem số gạo thừa đó chia nhau. Anh bị lac lõng và bj trù úm. Khóa sau anh không được làm hiệu phó mà chỉ phụ trách hạnh chinh. Tuy vậy ở cương vị mới, anh vẫn tiếp tục đấu tranh với lãnh đạo khi họ định cắt xén lương hàng tháng của học viên dự lớp. Đối với học viên, ông thương yêu họ như người trong gia đình, gạo thiếu, anh chạy vạy mua thêm sắn vào ăn độn cho no bữa, học viên ốm đau, ghẻ lở anh hỏi han dân bản địa đi tìm lá rừng chạy chữa hiệu quả. Vì thế người ta ví ông là thầy lang. Sau này nhiều gia đình trong nhà có người ốm đau họ cũng tìm đến anh tin cậy. Rời quân ngũ, La được chuyển ra ngoài chuyên đi nhận thầu các công trình. Anh hăm hở với công việc mới: Nhận thầu, kí hợp đồng, nhận tiền tạm ứng, anh đi tìm nhân công ở các làng quê của Hà Đông, Hà Nam, Hòa Bình. Nhiều công trình của anh xây dựng ở Hòa Binh được nghiệm thu và đánh giá chất lượng tốt. Với đức tính cần cù của người lính, anh đạp xe hàng trăm cây số khi Hòa Bình, Tuyên Quang, lúc đến các cơ quan lâm nghiệp các tỉnh để liên hệ, làm việc, tạo công ăn việc là cho hàng trăm nông dân các làng quê trong thời kì nông nhàn. Chính từ thực tế công việc và quan hệ công tác mà ông cũng phat hiện ra những tiêu cực của con người trong cơ quan nhà nước.Những con người như chủ nhiệm Phạm Tung, Hồ An…lộng hành, độc đoàn, kéo bè cảnh để triệt hạ những người chinh trực như La, Đĩnh, Quế, Khởi…Với công việc chung, La luôn tận tụy, chí công, với đồng đội La luôn thương yêu, sẵn sàng giúp đỡ, với người lao động, anh trân trọng và luôn tìm cách bảo vệ tạo cho họ những điều kiện sống tốt nhất có thể. Không tung hô ca ngợi, chỉ với cách kể chân thực, có phần khiêm nhường, Nguyễn Minh Thắng đã xây dựng một nhân vật La gần gũi với đời thường dễ được cảm mến của bạn đọc. Nhân vật đó còn đáng trận quý hơn khi anh ứng xử với người vợ tao khang, quê kiểng. 15 tuổi bố đã hỏi vợ chó ở quê, mãi đến 1956, sáu năm sau mới làm lế cưới. Vì cưới “chui” không báo cáo đơn vị mà bị kỉ luật hà khắc của quân đội lúc đó. Thương vợ nơi quê nhà vất vả, anh đã tìm cách đưa vợ đi thoát ly, tìm việc phù hợp để vợ chồng gần nhau anh có điều kiện giúp đõ vợ. Bản tính mộc mạc, chân chất, tình yêu, thương vợ con cũng được thể hiện kín đáo mà sâu sắc. Hai vợ chồng chung sức, chung lòng, sinh hạ và nuôi dạy 7 đứa con trưởng thành và có cuộc sống đàng hoàng, sung túc. Về điều này, có lẽ thơ của Nguyễn Minh Thắng thể hiện phong phú, đa dạng hơn, bộc lộ rõ hơn tâm hồn một người lính, một nhà văn.

Khảo sát gần 200 trang tiểu thuyết, với những hiểu biết sơ giản về cuộc đời tác giả và xem xét từ điểm nhìn đến góc độ phản ánh hiện thực, ta có thể khẳng định : “Ngàn hoa bất tử” là cuốn sách tự truyện của tác giả: Nhà văn Nguyễn Minh Thắng. Nguyên mẫu của La chính là cuộc đời nhà văn, người lính, người cán bộ Nguyễn Minh Thắng. Do đó người đọc dễ nhận ra sự do dự, dùng dắng của ngòi bút nhà văn có sự giao thoa, chồng lấn giữa thể kí và tiểu thuyết. Nhà văn chủ yếu kể lại sự việc miêu tả diến biến của nó trong hoàn cảnh lịch sử của đời sống nông thôn, những sinh hoạt quân đội, cơ quan, tập thể với những con người như hiện thưc được tồn tại. Nhà văn không hay không thế đi sâu miêu tả nội tâm nhân vật với những cá tính độc đáo thường có trong tiểu thuyết. Nhân vật La và một số nhân vật trong tiểu thuyết “Ngàn hoa bất tử” thường được nhà văn miêu tả, kể chuyện theo trình tự thời gian mà không có những đột biến tạo hấp dẫn như trong tiểu thuyết. Sự cuốn hút người đọc có được của cuốn sách chính là lời kể chân thực, lối văn giản dị, mộc mạc và những thăng trầm của đời sống mà nhân vật trải qua hoặc được chứng kiến. Giọng văn của tác giả trôi chảy song không được mượt mà như những tác phẩm văn xuôi của ông trước đó. Người đọc cảm thông khi tác giả của nó đã ngoài tám mươi tuổi và là cuốn tiểu thuyết thứ 5 của ông sau: “Người đẹp nhất thể kỉ năm 2002”, “Dòng sông Hoa năm 2007”, “Thạch am nữ năm 2009”, “Hoa kì tú năm 2015”, thì đây là một cố gắng đáng khâm phục, biểu dương của một cây bút gạo cội của giới cầm bút thủ đô ta. Xin được chúc mừng nhà văn Nguyễn Minh Thắng. Chúc nhà văn luôn đồi dào sức khỏe và có thêm những thành tựu văn chương mới!

                                                           Hà Đông, Tháng 7 năm 2022
                                                                             T.Ư

                                                              

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây