Một bài thơ - một chuyện tình đẹp.

Thứ bảy - 24/07/2021 15:31
Thanh Ứng
Cảm nhận về bài thơ “Thánh Gióng của em” của Hoa Xương Rồng
Minh họa: ST
Minh họa: ST
   

       Trong những năm tháng dạy học, tôi có một số năm dạy ở trường sư phạm Trung cấp Hòa Bỉnh. Đây là trường đào tạo giáo viên dạy văn và các môn xã hội ở trường cấp 2 (nay là THCS), nên cũng có nhiều anh chị giáo sinh có hứng thú sáng tác văn thơ. Có người sau này về hưu vẫn theo đuổi chuyện viết lách và đã gửi tặng tôi những tập thơ, tập truyện do họ sáng tác. Trong số đó có Trương Thị Minh Sự với bút danh Hoa Xương Rồng. Chị là giáo sinh Ban Văn Sử hệ sư phạm 10+3 đầu tiên của tỉnh Hòa Bình. Chị sáng tác thơ từ những năm học ở trường, sau này vào thành phố Hồ Chí  Minh, Vũng Tàu, chị tham gia nhiều Câu lạc bộ thơ, có thơ in trong các tuyển thơ, được một số giải thưởng thơ… Chị là Hội viên Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Đọc những tập thơ chị tặng, tôi thấy chị là con người sống tình cảm, có tấm lòng bao dung, nhân ái. Thơ chị thường ghi lại những cảm xúc, nghĩ suy của bản thân trước những rung động với cuộc sống của chính mình, người thân và bạn bè…Trong tập “Thơ Hoa Xương Rồng” do nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép năm 2011 tôi thấy có bài “Thánh Gióng của em” ghi cụ thể “Tặng Liệt sĩ Nguyễn Quang Khanh”, tôi đọc kĩ bài thơ và tò mò hỏi tác giả thì được biết đằng sau bài thơ là một câu chuyện tình, một câu chuyện đời rất cảm động. Bài thơ đó như sau:

Thánh Gióng của em

       Nhớ liệt sĩ Nguyễn Quang Khanh

Mộ phần chẳng thể ghi danh
Tên của anh khắc vào muôn làn gió
Dòng máu anh hóa dòng phù sa đỏ
Thịt xương anh đâu đó đất chiến hào
Bóng hình anh in tận mảnh trăng cao
Tâm hồn anh dạt dào nơi sóng vỗ
Mắt anh sáng vì sao trời tinh tú
Vẫn ngắm em quyến rũ thuở yêu thương
Như vẫn bên nhau đi giữa sân trường
Nghe tiếng trống thân thương cùng vào lớp
Em vẫn thấy tim đang hồi hộp
Bàn tay anh nắm chặt tay mình
Giấu nụ cười duyên dáng thật xinh
Trong vành nón chao nghiêng trời thơ mộng
Và ngày ấy tay anh bồng ngọn súng
Gót giầy oai trong sóng của đoàn quân
 Giặc tan rồi Thánh Gióng của em
Bay lên trời không về bên em nữa…
Nhớ thương anh em giữ nguyên ngọn lửa
Của tình yêu đôi lứa buổi đầu tiên
Ngắm nhìn anh khi mỗi lúc trăng lên
Ùa xuống tắm trong dòng phù sa đỏ
Và mỗi ngày em hôn lên ngọn gió
Gọi hồn anh sóng vỗ buổi hoàng hôn
Muốn vuốt ve âu yếm một linh hồn
Cất tiếng hát ru ngàn thu anh yên giấc…

                           (Trích trong “Thơ Hoa Xương Rồng”  nxb Hội Nhà văn 2011).

 

         Bài thơ mộc mạc, tự nhiên viết về người yêu đã hi sinh trong niềm cảm xúc liền mạch. Bài thơ không chia đoạn nhưng căn cứ vào cảm xúc của nhà thơ ta có thể tạm dứt ra làm ba đoạn: Đoạn 1: Sự hi sinh của anh trong tâm tưởng tác giả. Đoạn 2: Những kỉ niệm xưa của  mối tình học trò mộng mơ . Đoạn 3: Niềm thương nhớ không nguôi. Bố cục này phù hợp với quy luật tâm lí con người trong đời thực. Tác giả có những kỉ niệm tình cảm thật thiêng liêng với một người bạn học và cũng là mối tình đầu của mình ở lớp 8B. 9B, 10B trường cấp 3  Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình những năm 1967, 1968, 1969. Mối tình thật đẹp và thơ mộng “bên nhau đi giữa sân trường / Nghe tiếng trống thân thương cùng vào lớp”… kỉ niệm ấy vẫn theo tác giả suốt những chặng đường sau này mỗi lần nhớ lại “Em vẫn thấy tim mình hồi hộp /Bàn tay anh nắm chặt tay mình” và vẫn xốn xang “cái thuở ban đầu” của lòng người: “Giấu nụ cười duyên dáng thật xinh/ Trong vành nón chao nghiêng trời thơ mộng”. Trong bài thơ này, nhà thơ đã lí tưởng hóa một cuộc tình trong tuổi hoa niên nên mang màu sắc thi vị đầy chất lãng mạn. Đó cũng là hiện tượng tâm lí thường tình của những người đa cảm luôn tôn thờ trong trái tim mình mối tình đầu. Người con gái lúc đó tự thấy mình đẹp lên, yêu đời thêm nên “nụ cười” cũng “duyên dáng thật xinh” và cái nón thường ngày cũng thơ mộng, lãng mạn “vành nón chao nghiêng trời hi vọng”. Khi yêu, không chỉ người yêu mà tất cả những gì thuộc về tình yêu ấy đều được thi vị hóa, đều được bọc trong gấm vóc thời gian, cứ ngỡ là chỉ có trong mơ tưởng… Về mối tình này, trong truyện thơ có tính tự truyện “Hương màu hoa cát”, tác giả đã có những dòng thơ viết về mối tình đó cụ thể hơn, xác thực hơn: “Khi thấy Khanh chân chất / Lại không biết nói năng / Với cha mẹ song thân /Được hai bên rất quý / Bố anh thường hoan hỉ /Đón tôi về nhà chơi…”(Trích trong “Hương màu hoa cát” nxb Hội Nhà văn 2016).Như vậy mối tình của hai người không còn là mối tình của thời phượng đỏ mơ mộng viển vông nữa mà đã có những dấu hiệu sâu sắc của cả hai bên. Như nhiều thanh niên học sinh thời đó, Nguyễn Quang Khanh trúng tuyển nghĩa vụ, đi bộ đội, được xét đặc cách đỗ tốt nghiệp phổ thông và vào Nam chiến đấu.. Trong những năm xa cách, họ vẫn thư từ, hò hẹn: “Đợi đến khi hòa bình/ Anh về bên em đấy”(Hương màu hoa cát) nhưng anh đã không trở về. Anh hi sinh năm 1972, mãi đến 1975 khi đất nước được giải phóng, mới có giấy báo tử: “Giăc tan rồi Thánh Gióng của em / Bay lên trời không về bên em nữa”. Văn chương có nhiều cách để nói về sự hi sinh của những người thân trong chiến tranh, Hoa Xương Rồng đã chọn một hình tượng thơ thật độc đáo: Người yêu của tác giả dẹp tan giặc đã không trở về và bay lên trời. Đó không chỉ là hình tượng có tính chất tượng trưng mà hình tượng đó còn dựa trên một sự liên tưởng rất thực mà sau này, tác giả được nghe kể lại:Một loạt đạn pháo của giặc đã “căn” trúng hầm của anh và đồng đội. Tất cả tan tác tung lên trời. Sau đợt pháo kích, những người còn lại mới thu gom để hình thành những nấm mộ. Hình ảnh đó ám ảnh Hoa Xương Rồng và chị đưa vào thơ của mình với niềm thương cảm xót xa…Chính điều đó càng làm cho mối tình đầu của chị với người lính đã hi sinh thêm nồng nàn bùng cháy: “Nhớ thương anh, em giữ nguyên ngọn lửa / Của tình yêu đôi lứa buổi đầu tiên”.  Đến đây bạn đọc mới cảm nhận được những ý tưởng thơ của những dòng đầu tiên. Anh hi sinh mà không vẹn nguyên thân thể và nhà thơ tưởng tượng: “Dòng máu hóa đồng phù sa đỏ / Thịt xương đâu đó đất chiến hào /Bóng hình anh in tận mảnh trăng cao / Tâm hồn anh dạt dào sóng vỗ /Mắt anh sáng vì sao trời tinh tú”. Những thi ảnh được tác giả chọn lựa thật gợi, những “đồng phù sa đỏ”, “mảnh trăng cao”, “những vì sao trời tinh tú”…sự hi sinh của anh thật lớn lao, cao thượng.Tác giả đã lí tưởng hóa người mình yêu. Ở trong chị, anh không chết, mà tất cả anh đang hòa tan vào sông núi đất trời. Những vật thể còn đang tồn tại trong trong đời sống, trong hiện thực quanh ta. Viết về sự hi sinh của người lính như vậy là ca ngợi một cách hào snagr phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của toàn dân tộc. Cuối bài thơ Hoa Xương Rồng trở về trái tim mình, trái tim tha thiết yêu thương ngày nào vẫn còn đang ấm nóng tình yêu. Người thơ “Ngắm nhìn anh khi mỗi lúc trăng lên/ Ùa xuống tắm trong dòng phù sa đỏ / Và mỗi ngày em hôn lên ngọn gió /Gọi hồn anh sóng vỗ buổi hoàng hôn /Muốn vuốt ve âu yếm một linh hồn”. Tác giả cảm nhận anh và tình yêu của anh ở khắp mọi nơi: khi là ánh trăng, khi là “dòng phù sa đỏ”, khi là “ngọn gió”, khi là sóng vỗ buổi hoàng hôn…Tất cả như muốn âu yếm, như hát ru để anh mãi mãi yên giấc ngàn thu. Bài thơ kết thúc ở đây, nhưng câu chuyện tình, câu chuyện đời của hai người vẫn còn tiếp diễn: Sau khi chia tay cuộc tình và người yêu hi sinh, Hoa Xương Rồng cũng chính là người trong cuộc: “đau nhói con tim /Cũng từ đó lặng im / Đi về như cái bóng” (Hương màu hoa cát) rồi chị cũng xây dựng gia đình. Do khó khăn của thời bao cấp, năm 1992 vợ chồng nhà thơ đã chuyển từ Hòa Bình vào Nam lập nghiệp. Vượt lên những bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu, vợ chồng con cái đã gắng gỏi, bươn trải và dần dần có một cuộc sống ổn định rồi khá giả, các con trưởng thành. Cùng với công việc xây dựng kinh tế, cả hai vợ chồng đã bỏ nhiều công sức đi tìm mộ Nguyễn Quang Khanh. Sau nhiều năm tháng tìm kiếm thăm hỏi và nhờ cậy cả sự trợ giúp của yếu tố tâm linh, đến năm 1996, vợ chồng Hoa Xương Rồng đã tìm được mộ của liệt sĩ Nguyễn Quang Khanh tại Nghĩa trang liệt sĩ Trảng Bom và đón bố anh (khi đó mẹ anh đã mất) vào nhận mộ. Cái kết của bài thơ còn có người chưa ưng ý nhưng cái kết của câu chuyện đời thì thật là mĩ mãn. Đó là cái kết của lòng thủy chung, nhân hậu của tác giả thơ Hoa Xương Rồng. Bài thơ của chị đã được treo trong phòng truyền thống của trường Câp 3 Hoàng Văn Thụ, nay là trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình nơi Trương Thị Minh Sự và Nguyễn Quang Khanh đã theo học . Bài thơ được nhạc sĩ Văn Hòa, giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh phổ nhạc và được bạn bè hát trong dịp lễ kỉ niệm 70 năm thành lập trường.Đáng quý hơn là bài thơ đã có vị trí trân trọng trong trái tim hàng ngàn giáo viên và học sinh nhà trường và bạn đọc. Đó là một bài thơ hay của một mối tình đẹp và cũng là một câu chuyện đời chứa chan ân nghĩa, thủy chung của con người Việt Nam.

                                                           

                                                                           Hà Đông cuối tháng 6/2021

                                                                                  Thanh Ứng

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây