Nhà thơ Đỗ Quảng Hàn và nỗi đau đáu cố hương, cố nhân

Thứ bảy - 07/05/2022 05:57
PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ
Nhà thơ Đỗ Quảng Hàn và nỗi đau đáu cố hương, cố nhân
      Tôi được “làm quen” khá sớm với nhà thơ Đỗ Quảng Hàn qua các tập thơ và các bài thơ của ông in trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương từ nhiều năm trước. Tôi cũng là đồng hương của ông. Ngày trẻ trai, mỗi lần từ quê vào Vinh, tôi thường đạp xe trên tỉnh lộ 34 đi qua quê Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An của ông. Mảnh đất ấy có mấy ngọn núi tuy không cao nhưng đẹp, nhất là kênh Nhà Lê, cầu Phương Tích và vùng bãi sông đầy cỏ lác, lau sậy phất phơ gợi nhớn hững ký ức buồn, gian khổ “Tôi êm ả chảy dòng sông Phương Tích/ Bến nước, cây đa mát rượi tuổi lên mười/Tôi thơ dại mà sông ngàn năm tuổi/ Nào ai ngờ nay còn lại mình tôi” (Dòng sông tuổi thơ). Vẫn dòng sông ấy, luôn đi về trong ông, nhất là trong thơ ông “Mỗi lần về lại cố hương/ lại trào nỗi nhớ, nỗi thương bời bời/lại trời thăm thẳm mây trôi/lại sông khắc khoải gọi tôi ời ời...”(Tiếng sông xưa). Nhớ thương da diết pha lẫn những buồn vui, mất còn, những hoài vọng của người con phải sớm xa quê, phải nghe nhiều chuyện dâu bể về đất quê, người quê, sông quê “Tìm về dòng sông cũ/ Chỉ gặp cây sậy già/ Muốn làm chiếc sáo nhỏ/ Trút cạn hồn quê xa”(Sông cũ). Nhớ về quê hương, nhớ dòng sông quê, bao giờ nơi đó cũng thao thiết hình mẹ, dáng cha, những người thân yêu, giờ người còn người mất “Mẹ chẳng có chi để lại/ Chỉ áo tơi treo cuối chái nhà/ Mảng lá tròn xưa, nay rời rã/ Mối đục, mưa mài, lỗ chỗ hoa” (Áo tơi của mẹ). Chỉ mấy câu thơ, tác giả đã khắc họa sinh động đến rưng rưng hình tượng mẹ mình, cũng là người mẹ tảo tần xứ Nghệ mà sau này, nhạc sỹ An Thuyên cùng quê cũng đã ngân lên tha thiết trong ca khúc “Ca dao em và tôi”. Người mẹ đó “Áo bợt vai gầy/ Mồ hôi lưng trắng/Tay trầy điếng nắng/ Chân vùi hoàng hôn” (Mẹ) hoặc“Ngỡ như tiếng mở cổng/ Rung rung dậu mùng tơi/ Ngỡn hư chân bước vội/ Hay là mẹ, mẹ ơi!” (Mẹ về). Hình ảnh người chị tảo tần, chịu thương, chịu khó luôn rưng rưng cõi lòng các em, đặc biệt là các em trai “Cõi đời đã bạc chị tôi/ Để mây nhuộm trắng một đời tóc mây/ Chị giờ vẫn thế người ơi/Trăm năm ngồi đợi chờ người trăm năm (Chị tôi);...“Người đi bỏ cả trăng lời hứa/ Người về nhặt mãi gió hoang vu” (Bến xưa). Nếp nhà nhỏ màn hà thơ cùng những người thân yêu đã sống luôn đi về trong ký ức “Khuya đêm thường gặp trong cõi mộng,/ Tôi thấy tôi về với núi cao/ Gốc đa, ngõ trúc, trăng bãi rộng,/Lại trốn tìm nhau giống thuở nào” (Giống thuở nào); là tình bằng hữu thâm sâu, bền chặt “Liêu xiêu quán cóc bên đường/ Rẽ vào thăm bạn, thêm thương tuổi già/ Ấm chè ủ tự hôm qua/ Chén nghiêng chén lệch rót ra vơi đầy/Tay run nắm lấy tay gầy/ Tóc mây chạm với đầu mây lòa xòa” (Thăm bạn).
   Cùng với nơi sinh ra là Nghi Phương, Nghi Lộc thì huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa rồi sau đó là trườngTHPT chuyên Lam Sơn xứ Thanh, sau nữa là Thanh Trì, Hà Nội đều là quê hương yêu dấu của ông. Vùng quê nào cũng để lại trong thơ ông những khoảnh khắc đắm say. Bằng cái nhìn hoài cảm cùng tâm thức nhớ thương, Đỗ Quảng Hàn đã vẽ nên trong "Mơ về miền xa lắm" nhiều bức tranh làng quê thật nên thơ, thật sống động." Chiều tà vời vợi ráng son,/Con bò rống bạn đang còn mải ăn./Sân ai ruồm ruộm nong tằm,/lòng ai giăng mắc mấy lần vương tơ."( Chiều quê) .Của vùng quê ngập tràn màu sắc "Bóng cau ôm trọn chân hè,/lá trầu xanh đợi sương khuya đốm vàng./Ao bèo hoa hứng trăng loang,/ngõ nhà tím ngát hai hàng mùng tơi."(Hữu tình). Và rất đỗi yên ả, thanh bình "Vẳng tiếng ru hàng xóm,/trong vắt một miền thu./Hồn tre làng mộc mạc,/rải vàng trăng đầm đìa."( Tiếng ru)
  Và có lẽ vì vậy mà từ sâu thẳm, nỗi tha hương khó mà phai lạt trong tâm thức nhà thơ, tâm thức của một người sớm đã phải xa quê:Bây giờ ta có hai quê/ Quê đi sông cạn,quê về sông trôi/ Hai quê lại xa cả rồi/ Ở đâu nay cũng thành người không quê” (Không quê); hay“Mây rủ trăng về bến cũ/ Tre nghiêng gió khỏa ngõ xưa/ Chợt nhớ bạn cùng trang lứa/ Thờng ra sông Mã ngóng thu.” (Nhớ bạn)... “Ơi bến sông quê, bến sông quê/ Đã từng nơi ở, nơi về bao năm/ Giờ ta như kén bọc tằm/ Tơ vương giăng mắc, xa xăm mất rồi” (Bến sông quê)... “Ôi vầng trăng phố cổ/ Có buồn như ta không,/Gặp nhau đầu ngõ nhỏ,/khó theo trăng đến cùng...” (Vầng trăng phố cổ).
    Thơ Đỗ Quảng Hàn đằm sâu nội tâm, suy tưởng, hoài niệm; dường như ông luôn chìm đắm trong ký ức buồn, nhiều mất mát, chia xa. Đó là những bài thơ ông viết về cố hương, về ngôi nhà cũ, lối đi xưa, về mẹ cha, người thân. Bên cạnh đó, nhà thơ cũng dành một góc sâu thẳm cho một ‘nàng thơ’ mà ông thường gọi là“người ấy”, “em”, “tình xưa”: “Quê cũ lưu ký ức/ Lá xanh mong ngóng cội về/ Tình xưa ghim đáy ngực/ Sợi buồn giăng mắc người đi” (Day dứt). Nỗi day dứt ấy có khi đến đau đáu, xót thương: “Bây giờ nhớ lại thương em quá/ Cả đời ở vậy chẳng lấy chồng/ Nghe nói mỗi lần em sốt nặng/Mẹ lấy rơm quây lót chỗ nằm” (Mâm rơm). “Người xưa”ấy đi về, ẩn hiện trong thơ ông với nhiều cung bậc cảm xúc, trong nhiều cảnh huống “Sông cũ bâng khuâng hoài vọng cũ/ Bến xưa lưu luyến giấc mơ xưa/ Người đi bỏ cả trăng lời hứa/ Người về nhặt mãi gió hoang vu” (Bến xưa)hay “Có đêm mơ trở về quê/ Con đò, bến vắng, cầu khuya,sông đằm/ Chợt đâu hương sả trăm năm/ Em về trải mái tóc thầm bên tôi.” (Đêm mơ).
   Đỗ Quảng Hàn là giáo viên môn ngữ văn, hơn thế, nhiều năm ông là giáo viên chuyên vănTrường THPT chuyên Lam Sơn,Thanh Hóa nên ông làm thơ “có nghề”, ông viết thơ bằng nhiều thể loại: lục bát, thơ tự do, thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ... Thơ ông ít khi nhiều câu, thường chỉ bốn câu, nhiều là tám câu để bày tỏ cảm xúc về một nỗi niềm, một sự tình, sự việc cụ thể. Ông sử dụng nhiều thủ pháp mang đậm tính dân tộc như so sánh, ẩn dụ, biểu tượng, hàm ngôn, nhất là cách điệp và đối trong thơ: "Em có biết quê mình bao nhiêu tuổi,/mái rạ già sương ủ đã bao đông?/Em có biết anh bao mùa chờ đợi,/bến sông khuya trăng khuyết đã bao lần?"( Em có biết ).Và: "Còn chiếc lá trăm năm,/ngóng một lần về cội!/Còn vầng trăng ngàn tuổi,/đợi một đêm chung rằm!" ( Còn ).Cái thao tác điệp và đối cùng chiều ấy không chỉ tạo nhịp điệu song hành cho câu thơ chảy mãi..., mà quan trọng hơn, nó mở rộng không gian và thời gian biểu cảm của tứ thơ để bài thơ, dẫu rất ít từ, mà tình thơ lại như vô hạn. Và đây nữa: "Thời gian chung đã mất,/tháng ngày riêng đâu còn!/.Khoảng trời chung đã khuất,/mảnh trăng riêng vô hồn!"( Khi tình yêu không còn.). Hay:" Cách nhau vài bước nhớ,/mà sao xa ngàn trùng?/Cả hai nhà chung ngõ,/mà sao tình quay lưng?"( Gửi M...)là cách điệp và đối dựa trên mối quan hệ đồng nhất giữa các mặt đối lập ấy đã  tạo cho tứ thơ Đỗ Quảng Hàn sự ám gợi riêng, ấn tượng và khá độc đáo.
     Cảm hứng bao trùm "Mơ về miền xa lắm" là cảm hứng thơ hoài vọng. Nỗi nhớ niềm thương của Đỗ Quảng Hàn thường gửi gắm về quê hương và con người ở một thời đã lùi xa. Có lẽ vì vậy mà giọng thơ "Mơ về miền xa lắm" đượm buồn. Nhưng nhờ khát vọng dấn thân và tâm hồn khát khao hòa nhập nên ở thơ ông ta lại thường thấy phảng phất chất kiêu hãnh của người từng trái và thấm đẫm truyền thống văn hóa Á Đông nên không chìm vào bi thương và bi lụy, càng không đớn đau, bế tắc:" Đã bao lần nát mộng,/muốn trút lang thang, bỏ chặng đường./Lại thấy lòng trống rỗng,/hồn phiêu du khát gió bốn phương./(Khát bốn phương)
   Nếu có thể góp ý với nhà thơ, nên chăng, nhà thơ Đỗ Quảng Hàn nên mở rộng chiều kích đề tài và không gian sáng tạo hơn nữa. Chẳng hạn, nên có thêm những bài thơ về đất nước, quê hương, những người thân hôm nay, về cuộc sống đang nhiều đổi thay, mới mẻ, cuốn hút. Đọc thơ ông, có cảm giác nhà thơ chưa thoát ra khỏi những hoài niệm, những cô liêu, những nỗi nhớ, niềm thương thời quá vãng. Ông “mơ về miền xa lắm”, nhưng “miền xa lắm đó” phần lớn ở phía đã đi qua, mà cuộc sống thì còn bao nỗi niềm, gợi mở, khao khát ở phía trước.
    Tuy vậy, qua tập thơ "Mơ về miền xa lắm"ta đã gặp và đồng cảm với Đỗ Quảng Hàn, một hồn thơ hoài cảm và hoài vọng vừa da diết vừa thiết tha về quê hương và con người trong cách diển tả truyền thống mà mới lạ, trong cách khắc họa chân dung tâm thế khoảnh khắc mà ấn tượng.        
                                                                                                                Hà Nội, ngày 01tháng 8  năm 2021

                                                                                PGS.TS. Nhà văn NGUYỄN THẾ KỶ
                                                                        Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng
                                                                        Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bìnhVHNT Trung ương

Nguồn tin: Diễn đàn VNVN.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây