Những ngày nghỉ học - thơ Tế Hanh và lời bình

Thứ bảy - 19/03/2022 07:22
Nhà thơ Tế Hanh (1921 2009)
Nhà thơ Tế Hanh (1921 2009)
 
 
 NHỮNG NGÀY NGHỈ HỌC
                                      Tế Hanh

Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi đến những ga,
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

Tôi thấy lòng thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vướng víu trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề !
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê;
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ;
Lòng của người đi réo kẻ về.

Kẻ về không nói bước vương vương...
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường.
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ

Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.

   
              NỖI ÁM ẢNH THUỞ  HOA NIÊN -  Lời bình của Trần Trung

             Hình như có một thực tế muôn thuở: học trò trong “Những ngày nghỉ học”, thường rất sướng-Nghỉ để được chơi, được vui với tuổi hoa niên vô tư lự.
  Với thi phẩm “Những ngày nghỉ học” thì, trái tim nhạy cảm và đa cảm của Tế Hanh lại trĩu nặng nỗi tâm tư. Có một niềm tâm giao của hai thi nhân cùng thời : Nguyễn Bính và Tế Hanh.
  Nguyễn Bính cũng giãi bày niềm cô đơn của thi nhân lãng mạn trước cảnh tụ tán, gặp gỡ và biệt li khi chợt rùng mình nhận ra “Những bóng người trên sân ga”. Thổn thức nhiều lắm về những thân phận chia lìa :
                ...Một lần tôi thấy một bà già
                Đưa tiễn con ra trấn ải xa
                Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
                 Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.
  Còn Tế Hanh-lại một cách cảm thấm thía nỗi “bơ vơ xem tiễn biệt” và “lòng buồn đau xót nỗi chia xa” khi đứng trước sân ga mà chạnh buồn. Mà gửi gắm lòng mình khi nhìn theo những “chuyến tàu đi đến những sân ga”.
  Nguyễn Bính thương “Những bóng người trên sân ga”;Còn-Tế Hanh lại “thương những chiếc tàu” chở khách đi về. Những câu thơ của Tế Hanh gợi sự liên tưởng tương đồng. Thương những con tàu với “mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau” mà hóa ra cũng lại thương chính những kiếp người chở nặng tâm tư. Một cách tả thực, cảm thực mà vẫn lia chạm tới thế giới sâu buồn của lòng người. Thế nên, thi nhân của tuổi “Hoa niên” ( tên tập thơ của Tế Hanh-1945) như tự buông tiếng lòng ngậm ngùi, xa xót :
                     Tôi thấy lòng thương những chiếc tàu
                      Ngàn đời không đủ sức đi mau
                       Có chi vướng víu trong hơi máy,
                       Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.
  Tế Hanh đem cái trực giác Giời cho con người mà đảy tiếp, mà cộng hưởng với tâm tình nhạy cảm của thi nhân. Cũng bởi thế, xúc cảm chủ quan tự lòng thi sĩ, tự ngân lên tiếng nói của lòng mình. Mượn vẻ nặng nề của đối tượng miêu tả (những con tàu), nhà thơ đã nghe và thấm những cảm giác từ miền sâu thẳm của tâm tư. Thanh âm của những chuyến tàu đi về cùng lúc hòa buồn với cảm giác “nghẹn nỗi đau tê”. Và, những tiếng “rền rĩ” của còi tàu đâu có còn xa lạ với nỗi buồn đau thân phận của con người.
  Những sáng tác của Tế Hanh-bao gồm cả hai thời đoạn trước và sau 1945, đều có một điểm nhất quán trong “điệu tâm hồn” của thi nhân.Đó chính là tiếng tâm tư nhạy cảm cùng suy tư-từ trong bản chất của một tâm hồn yêu quê hương, yêu thương con người-Những kiếp người bị đè nặng trước muôn nẻo, “muôn phương” của cõi thế nhân. Thương quí bao nhiêu sự hồn nhiên và trĩu nặng buồn đau của thi nhân trong cái thuở “Hoa niên” khó quên ấy:
                               Kẻ về không nói bước vương vương...
                               Thương nhớ lan xa mấy dặm trường
                               Lẽo đẽo tôi về theo bước họ
                               Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây