VĂN HỌC PHẬT GIÁO THỜI LÊ - NGUYỄN, Một công trình khoa học mới, rất giá trị

Thứ hai - 27/03/2023 19:21
VĂN HỌC PHẬT GIÁO THỜI LÊ - NGUYỄN,                                      Một công trình khoa học mới, rất giá trị
          
            Đinh Thiên Hương
        1. Với 487 trang in, cuốn “Văn học Phật giáo thời Lê-Nguyễn”(Diện mạo-Thành tựu - Đặc điểm - Tác giả tiêu biểu), do NXB Khoa học Xã hội ấn hành quý 4, năm 2022 là một chuyên khảo, một công trình khoa học mới, có giá trị về nhiều phương diện. PGS.TS Nguyễn Công Lý cùng cộng sự, đồng tác giả và cũng chính là con gái của anh - Th.s Nguyễn Công Thanh Dung, đã miệt mài lao động để “trình làng”một tác phẩm, khiến GS.NGND Nguyễn Đình Chú cho rằng: vài lời thì chưa thể “nói hết được những đóng góp to lớn mà công trình đem lại”. (Việc hai cha con anh cùng trường, đồng một công trình khoa học, cũng là niềm hạnh phúc, không phải là nhiều, trong cuộc đời này).   
     Với cá nhân Nguyễn Công Lý, công trình này có những thú vị riêng. Nếu trước đó, “Văn học Phật giáo thời Lý - Trần” (Diện mạo và đặc điểm), NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - 2016, có khởi thủy là luận án Tiến sỹ, được bảo vệ năm 1998 và chỉnh sửa, nâng cấp 1999, thì “Văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn”, có tiền thân là Đề tài nghiên cứu cấp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, do chính anh làm Chủ nhiệm và con gái anh làm Thư kí, như đã nói trên kia. Nếu tính từ năm bảo vệ thành công luận án TS về văn học Phật giáo thời Lý-Trần (1998), rồi in thành sách; đến năm cuốn sách mới về văn học Phật giáo thời Lê-Nguyễn này ra đời (quý 4 - 2022), Nguyễn Công Lý đã có 24 năm chuyên sâu vào một lĩnh vực, gặt hái được nhiều thành tựu, đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước về văn chương Thiền. Hai cuốn sách nối tiếp nhau về văn học Phật giáo Việt Nam (thời Lý - Trần và thời Lê - Nguyễn) đã chứng tỏ sức lao động bền bỉ, với tinh thần vừa kế tục vừa “thâm canh”, càng chuyên sâu càng có những phát hiện và đóng góp mới mẻ. Cùng với hơn 200 bài báo nghiên cứu, tham luận, vài chục đầu sách (viết riêng, chủ biên và in chung), đã công bố trong và ngoài nước, Nguyễn Công Lý là một trong số rất ít chuyên gia về văn học Phật giáo Việt Nam. Hiện anh vẫn đang là giảng viên cao cấp khoa Văn học,Trường ĐHKHXH&NV,ĐHQG TP.HCM, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Tôn giáo - UBTWMTTQ Việt Nam.
      Qua “Văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn”, tác giả đã đem đến cho người đọc cái nhìn toàn diện và hệ thống về một một chủ đề khăng khít, gắn bó hài hòa mà vẫn nổi bật lên những đặc điểm riêng biệt độc đáo, nằm trong những chủ đề chung của lịch sử văn học dân tộc và lịch sử tư tưởng Việt Nam trải qua 10 thế kỉ, thời Trung đại. Nguyễn Công Lý đã xác lập được những tiêu chí và phân kỳ văn học Phật giáo Việt Nam, góp công đầu vào việc dựng lại diện mạo và đặc điểm lịch sử văn học Phật giáo dân tộc, đánh giá khá sâu sắc và thuyết phục cả về nội dung - tư tưởng cùng hình thức - nghệ thuật. Đó là một trong những lý do, khiến cho “Văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn” mới đây và “Văn học Phật giáo thời Lý - Trần” trước đó, vừa là những chuyên luận vừa là bộ Giáo trình hoàn hảo, giúp ích rất nhiều cho những người học tập, nghiên cứu và thưởng thức. Có thể nói, “Văn học Phật giáo thời Lê-Nguyễn”nói riêng và toàn bộ trước thuật của nhà nghiên cứu Nguyên Công Lý về văn học Phật giáo Việt Nam nói chung, đã khắc phục được tình trạng chênh vênh, bất cập. Có những người am tường văn hóa Phật giáo Việt Nam, nhưng không phải là nhà nghiên cứu sâu sắc văn học sử dân tộc, và ngược lại.
     2. Xét về bố cục, ngoài lời Mở đầu nhằm giới thuyết, phần Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, với một Thư mục rất công phu, gồm nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn có liên quan đến văn học Phật giáo Việt Nam, thì nội dung chính của cuốn sách gói trong 5 chương:
             Chương 1: Tổng quan về thời đại lịch sử và văn học Việt Nam thời Lê - Nguyễn.
             Chương 2: Diện mạo văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn.
             Chương 3: Thành tựu văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn.
             Chương 4: Đặc điểm văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn.
           Chương 5: Những tác gia tiêu biểu của văn học Phật giáo thời Lê – Nguyễn (có 9 tác giả được chọn khảo cứu và giới thiệu, trong đó có khá nhiều tác giả còn mới mẻ với bạn đọc).
     Nhìn một cách tổng quát, ở chương sách nào tác giả cũng khai thác và làm chủ được nguồn tư liệu dồi dào, kể cả Văn lẫn Sử (trong đó có những tư liệu mới và quý), trải suốt một thời đại Văn - Sử - Triết bất phân. Từ đó có những nhận xét, đánh giá và cảm thụ tinh tế và thuyết phục. Ví như khi tác giả cho thấy mối quan hệ, như “lương duyên” giữa tư duy Phật giáo với tư duy Nho giáo và sáng tác văn học - nhất là, tư duy Phật giáo với sáng tác thơ ca. Dường như, chúng gặp nhau ở chỗ đàm tâm, đi sâu vào nội cảm, chiêm nghiệm thế thái nhân sinh và “bảo kính cảnh giới”(gương báu răn mình). Cho nên, văn chương - nhất là thi ca Phật giáo, nếu có “văn dĩ tải đạo”, thì cũng xuất phát từ đó mà trở nên sâu lắng, “siêu diệu”. Cũng như thế, tác giả trong cuốn sách, đã có những đối sánh để rút ra những luận điểm khoa học phong phú và chắc chắn, giầu sức thuyết phục; thấy được những đặc điểm chung và riêng của văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê - Nguyễn so với thời Lý-Trần; thấy được sự giống và khác nhau như thế nào, trong các giai đoạn cùng thời kỳ. Qua cuốn sách, người đọc nhận ra: ở thời Lê-Nguyễn, Phật giáo tuy không còn là quốc giáo, nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển một cách bề thế, mang dấu ấn riêng và góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng nền tảng tinh thần và văn hóa quốc gia.
     3. Cho nên, như đã nói, bằng vốn hiểu biết uyên bác cả về Phật học lẫn văn học,  đồng thời với nhiều đóng góp mới mẻ về tư liệu khi dựng lại diện mạo, nêu lên những thành tựu và viết về những tác giả tiêu biểu, người đọc còn thấy thật thú vị và tâm đắc, khi Nguyễn Công Lý đúc kết những đặc điểm của văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê-Nguyễn. Tác giả đã nêu 6 đặc điểm: Văn học Phật giáo thời Lê-Nguyễn với kiểu tư duy nghệ thuật trực cảm tâm linh, văn học với sự thể hiện tư tưởng Thiền Phật (nhất là ở những tác giả không phải là thiền sư - như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du là ví dụ), văn học với sự dung hợp Phật - Lão - Nho và quan niệm Tam giáo đồng nguyên, văn học thể hiện cảm hứng về thiên nhiên, văn học với quan niệm về con người, văn học với những đặc sắc về nghệ thuật. Ở đặc điểm nào, cũng đều có minh chứng cụ thể, cắt nghĩa mạch lạc và biện giải thuyết phục. Ở đặc điểm nào cũng có so sánh, đối ứng với thời kì văn học Lý - Trần. Để qua đó, các tác giả giúp người đọc nhận biết và cảm hiểu về sự tiếp nối và phát triển, cùng những nét chung phổ quát và nét riêng tinh tế trong mỗi đặc điểm của 2 thời kỳ văn học Phật giáo Việt Nam.
     Theo tác giả, qua 5 thế kỉ văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê - Nguyễn, dù các phẩm “chưa đạt tới độ tinh túy, tinh hoa như văn học Phật giáo thời Lý - Trần trước đó, nhưng có thể thấy văn học Phật giáo giai đoạn này vẫn tiếp tục phát triển, biết kế thừa những thành tựu (…), trong điều kiện xã hội lấy Nho giáo làm chính thống, có lúc độc tôn, như ở thế kỉ thứ 15, rồi từ thế kỉ 16 đến hết thế kỉ thư 19, trở lại tinh thần Tam giáo đồng nguyên, nhưng lấy Nho làm trục cốt lõi chính, với chủ trương “cư Nho mộ Phật”, “dĩ Nho giải Phật” và “khu Thích dĩ nhập Nho”. Chính vì thế mà văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn đã có những thành tựu và đóng góp mang tính đặc thù riêng (…), góp phần làm cho văn học giai đoạn này đa dạng, phong phú và có chiều sâu, nhất là thơ văn của các tác giả ngoài nhà chùa nhưng lại thể hiện cảm quan Thiền Phật có thể nói là khá sâu sắc”.
    
     Từ công trình “Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần”, đến “Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê - Nguyễn”, Nguyễn Công Lý đã đi từ một nghiên cứu sinh, đến một nhà nghiên cứu chuyên sâu và hàng đầu về văn học Thiền Phật Việt Nam. Tác giả đã từ việc hệ thống hóa đến tìm tòi, khai mở và có nhiều cống hiến đóng góp được khẳng định. “Văn học Phật giáp Việt Nam thời Lê - Nguyễn” quả là một công trình khoa học mới, có giá trị, góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nền văn hóa - văn học Việt Nam.

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây