Mấy năm gần đây, ở khá nhiều lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt, người ta thường thấy những việc làm thực tế có khoảng cách khá xa so với dự kiến, mục tiêu đặt ra ban đầu. Hầu hết các định hướng mà các cấp, ngành nêu ra đều nhằm mục đích tạo cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và giảm thiểu phiền hà cho người dân. Tuy vậy, chúng ta thấy hiện còn quá nhiều bất cập đang diễn ra hàng ngày, chính là những hệ lụy từ việc triển khai thực thi các quy định hay nghị quyết đang gây không ít khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thường ngày.
Đơn cử ở hai lĩnh vực y tế và giáo dục đối với trẻ em. Theo Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế thì trẻ em dưới 6 tuổi được điều trị miễn phí ( tức được Ngân sách Nhà nước trả giúp ). Song, hầu như ở các bệnh viện đều yêu cầu gia đình các em phải ứng trước một khoản tiền tương đương mức lương tối thiểu. Nhiều bố mẹ các em rất vướng bí trong tình thế ấy. Hình thức này cũng áp dụng với cả học sinh các cấp mặc dù đã có bảo hiểm y tế. Như vậy, tác dụng giúp đỡ kịp thời ngay cho người bệnh không được phát huy, chưa kể đến thủ tục thanh toán lại khi ra viện cũng còn vướng mắc đến mức có người bệnh nản, ở xa, mệt mỏi bỏ về. Cũng với đối tượng trẻ lần đầu đến trường, 6 tuổi, đeo một cặp sách nhiều bộ mà người lớn mang cũng mỏi tay. Quy định thì nhẹ, song triển khai thì nặng. Yêu cầu hoàn toàn không hợp với nghĩa giáo dục theo lộ trình và thể chất. Ngay từ những ngày đầu, học sáng, học chiều, tối về viết khoảng 3 đến 5 trang vở, có khi đến đêm mới xong. Quy định 2499/ 2020 của Bộ GDĐT không được tổ chức dạy thêm thì trường tổ chức trá hình thành sinh hoạt câu lạc bộ. Ngoài học phí còn thu thêm từ kinh phí xây dựng trường lớp, bàn ghế, quạt ( điều hòa ), kinh phí học ở các câu lạc bộ, ăn trưa, rồi quỹ lớp, quỹ phụ huynh, mua sách giáo khoa bộ mới, sách tham khảo bổ trợ…Vậy nên, phụ huynh có thu nhập thấp, một con đã khó, lại đến 2 con ăn học thì quả là khó khăn bội phần.
Ra đến ngoài đường, chúng ta dễ dàng nhận ra cái khoảng cách xa vời từ quy hoạch đến thực tiễn. Vẫn thường nói, quy hoạch đô thị đồng bộ, theo định hướng đến năm 25, năm 30, tầm nhìn đến năm 50…Vậy mà các nhà đầu tư vẫn cứ xây nhà cao tầng sát sạt hè đường. Ấy là còn phần lớn diện tích đất đã được quây lại từ nhiều năm nay, sẽ tiếp tục xây, bán. Có đường mới hai, ba năm đã phải xén bớt dải phân cách lòng đường để mở rộng thêm. Cứ như ở Hà Nội, bốn trục đường phía tây về đến cửa ngõ, nạn ùn tắc thật đáng sợ: 5,6 làn xe đủ loại, không kể xe máy, chen nối nhau, nhiều buổi tối, nhích dần một tiếng mới được 1km, hao tổn thời gian, công sức và tốn kém bao nhiêu là xăng dầu, rồi ô nhiễm môi trường rất nặng. Lại nữa, chúng ta vẫn thường nói về văn minh trật tự đô thị, nhưng bây giờ thật không còn vỉa hè bởi xe cộ, hàng quán và đào bới, gẫy nát…Lại còn những cái biển cấm màu đỏ của cơ quan, quân đội, thậm chí cả nhà dân ở mặt phố cũng cấm khá là tùy tiện, làm cho mọi người thấy gia tăng sự ức chế, không biết phản ánh cho cơ quan chức năng nào được. Việc trước mắt còn bề bộn, lộn xộn thế, không biết sẽ xây dựng các thành phố vệ tinh, thông minh có tránh được lối tư duy quy hoạch ấy không?
Vừa mới đây, qua hai trận bão mới biết đến việc có nhiều các công trình thủy điện. Tất nhiên, họ đã và đang chặt cây, mở đường, chặn nguồn tới cạn kiệt, mưa bão thì sẵn sàng xả lũ . Rừng mới trồng nhỏ lẻ chưa thay thế được rừng nguyên sinh. Lại còn tới 400 dự án công trình ở miền Trung sẽ làm tiếp. Thật may, muộn còn hơn không, Bộ Tài nguyên môi trường đã phải ngăn chặn các dự án ấy lại. Vậy thì giữa định chế bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ an sinh xã hội có khác xa với những gì đang hối thúc diễn ra không?
Nhiều việc nảy sinh trong quan hệ xã hội dẫn đến thiệt hại cho các cá nhân và tập thể thường được truyền thông đại chúng đưa tin. Mỗi khi vụ việc xảy ra, chúng ta thấy thiếu một sự gắn kết giữa các cơ quan tư vấn, tham mưu và chức năng. Vị chủ tịch Hiệp hội Xây dựng sẵn sàng phân tích thiếu sót trong quy hoạch kiến trúc đô thị; Vị cán bộ ngành Quy hoạch kiến trúc cũng sẵn sàng đánh giá về những bất ổn của một số công trình vi phạm quy hoạch, chất lượng mà dẫn đến hậu quả! Và ngay trong tháng qua, tại Đồng Tháp và một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều bà con đổ xô mua giống lúa “thiên đàng” về gieo trồng và bị đổ bể, mất trắng. Vậy chẳng lẽ cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp lại không có hướng dẫn, theo dõi? Còn vị Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng bấy giờ mới phát biểu như một chuyên gia ở ngoài cuộc nhìn vào. Và bây giờ các quý cơ quan này mới lập tức định hướng tái thiết về giống lúa. Ở một số lĩnh vực khác cũng tương tự, cứ có sự việc gì sảy ra, người ta mới đi chỉnh sửa văn bản quy định về việc ấy, vấn đề ấy. Như vậy, hệ quả từ thực tế đã nói nên sự rời rạc, thiếu gắn kết ở những bộ phận mà lẽ ra họ phải đồng bộ như là một.
Chúng ta luôn luôn một lòng vì mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Chúng tôi nghĩ cần một sự đồng thuận, mà đồng thuận thì cần phải thu hẹp và tiến dần đến không còn khoảng cách giữa mục tiêu và triển khai quyết nghị tốt đẹp ấy trên thực tế để đáp ứng sự kỳ vọng cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống với người lao động. Cái khoảng cách của cuộc sống còn bao hàm cả ở khía cạnh khác, cần được quan tâm ở tầm cao là thu hẹp lại mức đóng góp ở các dịch vụ thiết yếu mà người thu nhập cực thấp đang phải theo cùng với người có thu nhập quá cao - nếu so với ông hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng (và nhiều cán bộ ngành khác nữa) thì tỷ lệ 1/100.
BVM
Nguồn tin: Báo Văn nghệ số 45
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn