Hội nhà văn Hà Nội

http://nhavanhanoi.vn


"Hà Nội băm sáu phố phường" và Nhà văn Thạch Lam

Bài: Nhà nghiên cứu phê bình văn học Đặng Tương Như
Nhà văn Thạch Lam ( 1910 - 1942 )
       I. “ Hà Nội băm sáu phố phường”
       “Hà Nội băm sáu phố phường” là một cách gọi ước lệ khu vực đô thị cổ, nằm bên trong và bên ngoài của khu phố cổ. Cuốn “ Việt Nam thi văn hợp tuyển” của Cụ Dương Quảng Hàm có ghi lại bài ca dao về ba mươi sáu phố ở Hà Nội xưa:
                      “ Rủ nhau chơi khắp Long thành
                   Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
                         Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
                   Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Bài, hàng Khay,
                          Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy,
                   Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
                          Phố mới, Phúc Kiến, hàng Ngang,
                   Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng,
                            Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông,
                    Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
                             Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
                    Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
                             Quanh đi đến phố hàng Da,
                    Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh.
                             Phồn hoa thứ nhất Long thành,
                     Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
                             Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
                     Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.”

   Đó là ca dao truyền miệng, cũng có tính ước lệ, còn thực tế các phố có chữ “Hàng” đứng ở đầu còn nhiều, và nhiều tên phố không dùng nữa (như hàng Áo, hàng Khóa, hàng Mụn, hàng Sơn, hàng Cau, hàng Gạo, hàng Lam, hàng Nâu, hàng Chè, hàng Đàn, hàng Giò, hàng Màn, hàng Trứng, hàng Bừa, hàng Cuốc, hàng Kèn, hàng Mây, hàng Sắt . . . Cả thảy là mười tám phố).
   Lại có những phố không có chữ “Hàng” đứng đầu nhưng lại nằm trong khu phố cổ ( như: Bát Đàn, Chân Cầm, Gia Ngư, Lò Sũ, Ngõ Trạm, Cao Thắng, Nguyễn Siêu, Lê Văn Linh, Bát Sứ, Chợ Gạo, Hà Trung, Mã Mây, Ngõ Tạm Thương, Đào Duy Từ, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quang Khải, Cầu Gỗ, Cửa Bắc, Hài Tượng, Mã Vĩ, Thuốc Bắc, Đinh Liệt, Phùng Hưng, Cầu Đông, Cửa Đông, Lãn Ông, Nhà Hỏa, Tô Tịch, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Chả Cá, Đồng Xuân, Lò Rèn, Ngõ Gạch, Yên Thái, Trần Nhật Duật, Gầm Cầu, Lương Văn Can . . .Tổng số là ba mươi tám phố).
    Những phố có chữ “Hàng” đứng đầu nhưng không nằm trong khu phố cổ ( như là phố hàng Bột, hàng Cháo, hàng Cơm, hàng Lọng, hàng Bún, hàng Chuối, hàng Đẫy, hàng Vôi, hàng Bông Thợ Nhuộm, hàng Cỏ, hàng Đũa . . . Cả thảy là mười một phố).
      Theo cuốn “ Phố và đường Hà Nội” của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (xuất bản năm 2004) thì Thủ đô hiện có 48 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”, hầu hết thuộc huyện Thọ Xương xưa. Đặc điểm chung của các con phố này là ngắn, dưới 1.000 m, có phố chưa đầy 100 m . Nằm ở trung tâm đô thị trong nhiều thế kỷ nên những con phố này là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, tập trung nhiều công trình có giá trị về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của Người Hà nội.


        II. Nhà văn Thạch Lam với “ Hà Nội băm sáu phố phường”.
        Thạch Lam ( 1910 – 1932 ) sinh ở Hà Nội, mất cũng ở Hà Nội. Hà Nội là của ông. Sinh thời, chỗ ở của ông là tất cả Hà Nội :
                           “ Tây Hồ có danh sĩ
                              Nhà thì ở nhà tranh
                              Cửa trúc cài phên gió
                              Trước thềm bóng liễu xanh . . .”
                                             ( Thơ Huyền Kiêu )

    Nếp nhà tranh của Thạch Lam ở ngay khúc đầu làng Yên Phụ, soi bóng nước Hồ Tây giữ nguyên vẻ thanh bạch nguyên sơ. Bản chất thuần phác của kẻ sĩ sẵn sàng sống theo tiết điệu nhu thuận, nhịp nhàng của tự nhiên, Thạch Lam không hề có mặc cảm về sự “ở nhà tranh” của mình. Làng Yên Phụ của Thạch Lam đẹp như một Hoa thôn cổ tích, thấp thoáng hoa đào, Nhị độ mai thanh quý, tơ liễu buông mành, cúc vàng bên dậu thưa, tường vi dãi nắng dầm sương, cẩm chướng, phù dung, lan huệ nức hương, thiên lý thơm lối ngõ, thủy tiên nõn nà lá xanh như ngọc bích . . . Thạch Lam sống giữa muôn hoa và lặng lẽ sống nghèo cho có nghệ thuật: nghèo mà vẫn thanh lịch, nghèo nhưng không thấy là khổ. Ông tâm sự cùng bè bạn: “- Ở được nhà lá, nằm được giường tre, ăn được rau đậu, mà vẫn tìm thấy cái đẹp của mái lá, cái êm của giường tre, cái ngon của rau đậu, mới kể là biết sống có nghệ thuật.”(Hồi ký của Đinh Hùng – báo“ Văn” số 3 - 15/6/1965). Có thể nói, Thạch Lam là một người Hà Nội- Việt Nam sâu xa trong văn chương và trong cuộc sống bình dị. Văn chương là cách Thạch Lam đi tìm Cái Hay, Cái Đẹp, tìm ý nghĩa của cuộc sống nguyên bản Việt Nam.
    Từ thuở hoa niên, Thạch Lam đã ước ao cùng Huyền Kiêu: “ - Ngày nào có đủ tiền, anh với tôi sẽ chít khăn nhiễu Tam Giang, mặc áo the ba chỉ, đi guốc kinh rồi chống gậy trúc lang thang hết làng này sang thôn khác trong nước, xem ngắm được hết cảnh đẹp của mọi vùng, thụ hưởng được mọi cảnh đẹp, của ngon vật lạ của từng thổ ngơi thì mới thực là thỏa thích”. Thạch Lam là người trầm lặng, sâu sắc, “chỗ nước lặng là chỗ nước sâu”, Thế Lữ, thi sĩ cùng thời, cùng Văn đoàn Tự Lực với Thạch Lam đã nhận xét rất tinh tế: “ . . . bao nhiêu băn khoăn về nghệ thuật, bao nhiêu tư tưởng, cũng như bao nhiêu tình cảm rung động, lúc nào cũng chứa chất dồi dào trong tâm trí: Cái kho tàng cuộc sống bên trong ấy rất sẵn châu báu, mà chỉ cầm đến bút, Thạch Lam đã thấy dàn xếp theo hình thể của lời”. (Thế Lữ -“Thanh nghị”, số 39, 16-6-1943).
      Và bút kí “ Hà Nội băm sáu phố phường” là một phần châu báu rất sẵn trong kho tàng tâm hồn Thạch Lam, một đóng góp vô giá cho văn sản Hà Nội-Việt Nam.
     “ Hà Nội băm sáu phố phường” là tập bút kí viết về các món ăn và sự gắn bó của nghệ thuật ẩm thực với đời sống văn hóa-xã hội của Người Hà Nội thanh lịch. Thạch Lam với thiên bút kí này đã đưa ta đi qua các nẻo đường phố cổ để tìm lại vóc dáng của Thăng Long – Hà nội xưa. Đó là những thức quà mang đậm hồn điệu của những người nơi đây.Với Thạch Lam, ăn quà là một thứ nghệ thuật. Này là bún chả “ ngàn năm bửu vật đất Thăng Long”, ngon mà đậm hương thơm; đây là bánh cuốn ăn với chả lợn béo, hay đậu rán nóng; đây là cháo hoa quánh mùi gạo thơm và xôi nóng hãy còn hơi bốc lên như sương mù. . . Phở là thứ quà ngon đặc biệt của Hà Nội “ Dăm ba xu nào đắt đỏ mấy mươi – Mà đủ vị: ngọt, bùi thơm, béo, bổ = Này bánh cuốn, này thịt bò , này nước dùng sao nhánh mỡ - Ngọn rau thơm, hành củ thái trên – nước mắm, hồ tiêu cùng dấm ớt điểm thêm – Khói nghi ngút đưa lên thơm điếc mũi!”. . .( Tú Mỡ ) . Không phải Hà Nội mới có phở, nhưng ăn phở ở Hà Nội mới thật là ngon, đó là thức quà cho tất cả mọi người, từ công chức cho đến thợ thuyền. Lại còn bánh cuốn Thanh Trì chấm nước mắn Phú Quốc chanh ớt tươi và cà cuống nguyên chất Hồ Tây kèm thêm đậu rán nóng . Mỗi món ăn là một khoái lạc cho khứu giác và vị giác. Món chè khoai tạo ra  miếng ngon dân dã, gợi nét riêng của Thăng Long xưa. Bún riêu, thang cuốn, nem chua, miến lươn, bún ốc. . . . là những món ăn thông thường mà không nơi nào ngon bằng ở Hà Nội.
    Tùy bút “ Một thứ quà của lúa non: Cốm” mới thật là một tuyệt tác trong cuốn sách để đời này. Tùy bút có chỗ gần với bút kí, kí sự ở yếu tố miêu tả, ghi chép những hình ảnh, sự việc mà nhà văn qua sát, chứng kiến. Nhưng tùy bút thiên về biểu cảm, chú trọng thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của tác giả trước các hiện tượng và vấn đề của cuộc sống. ngôn ngữ của tùy bút thường giàu hình ảnh và chất trữ tình. “ Một thứ quà của lúa non : Cốm” thể hiện văn phong độc đáo của Thạch lam là thiên về  cảm giác, rất nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc, đôn hậu.
   Là người Việt Nam, sinh thành trên xứ sở nông tang, ai trong đời chẳng từng nâng niu trên tay hạt cốm xanh thơm thảo mỗi độ thu về. Nhưng có mấy người khi thưởng thức món quà quý báu của lúa non kia lại tự hỏi: hạt cốm đơn sơ, mộc mạc, dẻo thơm kia được sinh thành từ đâu? May thay, trong lịch sử Văn chương nước nhà có một Thach Lam tài hoa, tinh tế đã giải đáp cho chúng ta câu hỏi ấy. Nhà văn như từ tâm tư sâu lắng của bao người mà cất lên tiếng nói’. Theo thạch Lam, hạt cốm là “ cái lộc của Trời”, kết hợp với “cái khéo của người và “sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa”.
    Nói “ hạt cốm là “ cái lộc của Trời”, là “sự cố gắng tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa” là nói đến yếu tố tự nhiên. Hạt lúa non là do tạo hóa sinh ra. Nói hạt cốm là kết quả sự “ khéo léo của người”, có nghĩa là, từ hạt lúa non phải qua công sức, mồ hôi lao động, sự khéo léo, tinh khôn tinh tế khi chế biến của con người thì mới thành hạt cốm dẻo thơm. Sự kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và con người đã tạo ra hạt cốm. Hạt cốm là sản phẩm kì diệu  của nền văn hóa văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc ta. Cách cảm nhận sự sinh thành hạt cốm của Thạch lam thật sâu sắc, tinh tế mà nhẹ nhàng. Đó là sự cảm nhận độc đáo, xuất phát từ một tình yêu và một tâm hồn đôn hậu, quý trọng sự sống.
     Thạch Lam đã mở đầu bài tùy bút bằng bốn câu ngắn gọn, súc tích, với một thứ ngôn ngữ tinh luyện, đầy chất thơ và một sự liên tưởng phong phú để nói với chúng ta rằng hạt cốm đơn sơ, mộc mạc, quen thuộc kia là cái lộc của Trời, là sự cố gắng tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa. Ông đã huy động nhiều giác quan để cảm nhận một cách tinh tế hương thơm của lá sen trong “ cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ”, “ báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và thanh khiết”. Ông nhìn thấy “ cánh đồng xanh mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi”. Ông “ngửi thấy. cái mùi thơm mát của bông lúa non”. Ông hình dung và tưởng tượng “ trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ”. “ Dưới nắng, giọt sữa dần dần đông lại. . .” Thời gian trôi rất nhanh theo dòng tưởng tượng của Thạch Lam, và ông đã có thể nhìn thấy “ bông lúa ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời”.
   Hạt lúa non là tinh hoa của đất trời, nắng gió. Thần Lúa cũng đã côc sức “ tiềm tàng và nhẫn nại” mà sinh thành hạt lúa non. Cayy lúa mọc lên từ bùn mà trong hạt lúa non không có chút mùi bùn tanh hôi, mọi uế tạp  đã bay đi hết, chỉ còn lại thơm tho, tinh khiết, chỉ có trong hạt lúa non “ cái chất quý trong sạch của Trời”, “ hương vị ngàn hoa cỏ”, cái trắng thơm của một giọt sữa!
    Hạt lúa non đang chờ cái khéo léo của người dể được là hạt cốm xanh “như ngọc thạch”. Thạch Lam rất khéo léo, nhẹ nhàng chuyển ý để nói về  nghề làm cốm.
     Thạch Lam không làm cái việc miêu tả tỉ mỉ công việc  chế biến hạt luasnon thành hạt cốm. Ở đoạn văn này. Phương thức chủ yếu vẫn là biểu cảm, tác giả bộc lộ cảm nhận của mình về nghề làm cốm, và bình luận về cốm làng Vòng.
    Theo Thạch Lam, nghề làm cốm thể hiện cái khéo léo của người, nghĩa là cần rất nhiều sự tinh khôn, tinh tế. Trước hết là “ đợi đến lúc vừa nhất” để gặt lúa nếp non về. Thế nào là “lúc vừa nhất” thì cũng là một bí quyết, do kinh nghiệm mà “ chỉ riêng những người chuyên môn mới định được”. Nếu lúa quá non thì khi chế biến dễ thành thứ cốm nát. Nếu để lúa quá già thì khi chế biến dễ thành cốm cứng. Cốm nát hay cốm cứng đều thể hiện  cái vụng về của người làm cốm.
   “ Một loạt cách chế biến” từ hạt lúa non thành hạt cốm là “những cách thức truyền từ đời này sang đời khác, một bí mật trân trọng và khe khắt, giữ gìn , cái cô gái làng Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy”.
    Ông ca ngợi cốm làng Vòng bằng những lời lẽ trân trọng và yêu mến nhất: “ không có đâu làm được hạt cốm dẻo, thơm và ngon được bằng ở làng Vàng, gần Hà Nội. Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kì, và đến mùa cốm, các người của Hà Nội băm sáu phố phường vẫn thường ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng. . .”
    Câu văn gợi lại cả một thời quá vãng với nếp sống giản dị, thanh lịch của người dân đất Hà thành gắn với cốm thơm thảo, với “ cái lộc của Trời”, “ cái khéo léo của người”.
     Không chỉ bằng những hiểu biết mà còn bằng tất cả tâm hồn, cảm xúc để thâm nhập vào đối tượng miêu tả, Thạch Lam đã phát hiện ra ý nghĩa sâu xa và giá trị văn hóa trong những hạt cốm bình dị.
   Theo ông, “ cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam”.
   Đây là một câu văn mang tính khái quát cao, trang trọng mà vẫn tràn đầy chất thơ, chất trữ tình, bay bổng. Câu văn ấy kết tinh sự phát hiện và cảm nhận sâu sắc, tinh tế với tất cả tấm lòng trân trọng của tác giả về một sản vật bình dị và thanh khiết, đặc sắc của đồng quê đất nước.
    Hạt cốm như một phần nhỏ của “quốc hồn, quốc túy”, là sản phẩm của nền văn hóa văn minh lúa nước Việt Nam. Bởi vì hạt cốm gắn với cả phong tục, tập quán lễ nghi thiêng liêng của dân tộc ta. Từ xa xưa, người Việt dùng cốm để làm quà sêu tết. Vì cốm là chất quý trong sạch của Trời nên được dùng trong nghi lễ hôn nhân, với ý nghĩa cầu mong  cho lứa đôi hạnh phúc lâu bền.
   Thạch lam dừng lại để bàn về sự hài hòa màu sắc, hương vị của trái hồng và hạt cốm. Qua đó ông nói đến quan niệm về sự hòa hợp, xứng đôi, vừa lứa của trai gái đất Việt trong hôn nhân. Theo Thạch Lam, “ không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn Còn về vị thì “ một thứ thanh đạm được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già”.
   Phép so sánh tinh tế làm sáng lên vẻ đẹp sắc màu quý giá tự nhiên của hồng và cốm. Còn về vị thì “ một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền”. Đó là sự hòa hợp gữa vợ với chồng như “ hồng cốm tốt đôi”. . .
   Nhà văn dùng giọng văn rất nhẹ nhàng, có chừng mực để phê phán những người bắt chước người nước ngoài làm cho những phong tục tốt đẹp cao quý của dân tộc mình mất dần đi, đó là “ những kẻ mới giàu vô học có biết đâu mà thưởng thức được những vẻ cao quý, kín đáo và nhũn nhặn”.
   Ở phần trên, Thạch Lam có nói “ những kẻ mới giàu vô học có biết đâu mà thưởng thức được những vẻ cao quý kín đáo và nhũn nhặn” của món quà cốm. Tiếp đến phần sau, nhà văn lại khẳng định “ cốm không phải thức quà của người vội”.
    Cốm là “ thức quà thanh nhã và tinh khiết”, là “chất quý của Trời”. Ăn cốm không phải để lấy no, lấy béo. Người ăn cốm phải có học, có hiểu biết về văn hóa ẩm thực.
      Người xưa có câu “ Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Cần phải học cách ăn cốm, cách thưởng thức cốm. Thạch Lam nói rằng “ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ”. Ăn như thế mới có thể thấy trong hương vị cốm cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ. Để thấy trong màu xanh của cốm cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc, thêm vào cái vị thơm ngát của lá sen già ướp lấy từng hạt cốm, cũng như để giữ lại cái ấm áp của những ngày hạ trên hồ.
   Khi mở gói cốm, hãy mở từ từ, nhè nhẹ “từng lớp lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may một chút bụi nào”.Một vẻ đẹp tự nhiên, trong lành, đẹp đến “thần tiên”, lí tưởng. Mọi hành vi thô lỗ đều có thể làm đổ vỡ vẻ đẹp mong manh ấy. Nhà văn, trong niềm cảm hứng dào dạt đã cất lời kêu gọi tha thiết:” Hỡi các bà mua hàng ! Chớ có thọc tay hay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve”.
   Thái độ trân trọng khi mở gói cốm, nâng hạt cốm ấy là một thái độ văn hóa; bởi vì đó là sự “ kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa”. Và đó cũng là nguồn hạnh phúc của người thưởng thức “Một thứ quà của lúa non: Cốm”.
                                                *
                                        *              *
           Trong “ Lời nói đầu” cuốn Gió đầu mùa” (1937), Thạch Lam viết:
   “ . . . đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc một sự thoát ly hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừ làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
    Không kể đến toàn bộ văn nghiệp của Thạch Lam, chỉ với bút kí “ Hà Nội băm sáu phố phường”, Thạch Lam đã “ làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”, yêu quý quê hương, đất nước, yêu quý
Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến của mình hơn.
                                                                                      Hà Nội, Những ngày tháng 8 – 2021
                                                                                                  ĐẶNG TƯƠNG NHƯ

Nguồn tin: HNV.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây