Hội nhà văn Hà Nội

http://nhavanhanoi.vn


Ma Văn Kháng, đời sống trao tặng bạn đọc, trao tặng con người

Bài Phùng Văn Khai
Nhà văn Ma Văn Kháng

                                                                                               Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI


      Nhà văn Ma Văn Kháng, người thầy của lứa nhà văn chúng tôi (7X) từng tâm sự trong một cuộc lên lớp ở Trường viết văn Nguyễn Du cách đây gần hai mươi năm rằng: “Chẳng ai dự liệu được đời mình rằng sẽ là thế nào cả. Không ai chọn được thời đại, hoàn cảnh để sinh ra mà sống với nó”. Chúng tôi thường cười tóa lên trước ông thầy dễ tính. Ai tài năng được như thầy. Càng không mềm mại uyển chuyển, viết đâu được đó, sống thế nào cũng thấy thoải mái được như thầy. Càng nghĩ càng thấy lạ, ông vừa như một lão nông tri điền vừa như một triết nhân. Vui đó buồn đây lắm khi là vô cơn cớ nhưng trung thực đến tận đáy lòng. Các nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết của ông đều vậy. Sống hết mình, hay dở mình làm mình chịu, còn tỏ vẻ hào hứng kiên cường chứ tuyệt nhiên không đem thua thiệt ra để than vãn kêu ca. Đến năm 2013, Ma Văn Kháng ra mắt tiểu thuyết Chuyện của Lý với câu văn đặc trưng khi khép lại: “Em là Lý đây. Em đã được sống trong lòng cuộc sống của Phong Sa với đủ các cung bậc buồn vui, đau khổ và sung sướng. Em là con đẻ của cuộc đời. Là con của người đời, em đang can đảm bước vào đời đây”.

Lứa nhà văn chúng tôi nhiều lúc nghĩ đến ông mà giật mình ái ngại cho mình. Ở đâu ra cái năng lực tiềm tàng cái vốn sống ngồn ngộn phả ra ngần ấy trang văn nối nhau bền bỉ mấy chục năm. Các phim truyền hình từ tiểu thuyết của ông âm ỉ, xôn xao, tranh cãi, bàn bạc điều hay lẽ dở. Ai là người mở đường vào những vấn đề thế sự thời hậu chiến: Ma Văn Kháng. Đó là những: Mùa lá rụng trong vườn; Đám cưới không có giấy giá thú; Côi cút giữa cảnh đời; Chó Bi, đời lưu lạc; Một mình một ngựa… và hàng chục tập ngắn mà tiếng vang của nó luôn tạo ra những luồng dư luận khen - chê, phê phán - bảo vệ một cách kịch liệt và rốt ráo nhất.

Trong năm 2015, Ma Văn Kháng xuất bản tiểu thuyết Người thợ mộc và tấm ván thiên (NXB Trẻ), 11-2015 và cuốn tiểu luận Nhà văn, anh là ai? (NXB Văn hóa Văn nghệ) và tái bản một số tiểu thuyết, truyện ngắn. Sách của Ma Văn Kháng luôn được bày dàn dạt và bán khá ổn định tại các nhà sách lớn nhỏ trên cả nước. Các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, thầy cô giáo, sinh viên đọc sách của ông. Tiểu thương, hàng xén, xe ôm, xe thồ, người coi tù, thậm chí tù nhân đọc sách của ông. Các nhà văn, nhà báo, nhà làm phim đọc sách của ông. Ông là nhà văn đáp ứng tất tần tật các tầng lớp độc giả. Họ đều tìm được một cái gì đó trong văn chương chữ nghĩa của ông. Một cái gì thực chất, hữu ích, cho riêng họ. Ngay cả ở các trại giam, nhà tù, đều thấy sách của Ma Văn Kháng. Điều này cũng đã trở thành một lẽ tự nhiên.

Những suy ngẫm, giằng xé, day dứt, lựa chọn, hăm hở, khai phá, trải nghiệm từ trang văn của ông luôn hấp dẫn người đọc ở chất đời. Có lẽ ông là nhà văn được đọc nhiều nhất của nửa thế kỷ gần đây. Bản thân ông từng tâm sự: “Tôi trút hết vào những trang sách toàn bộ những tinh lực của đời người. Giữa các dòng chữ, ta nghe thấy tiếng đập bồi hồi của con tim bệnh tật… Viết xong một cuốn sách, như một kẻ mất máu, thấy kiệt lực hoàn toàn…”. Nhưng cũng phải thấy rằng, nhiều khi Ma Văn Kháng tâm sự cũng chỉ là nhất thời đưa ra ngẫm ngợi, tâm tư một cách tức thì. Soi rọi quá trình sáng tác của ông đến hôm nay dường như không phải thế. Nhiều lúc ông bảo, thôi viết, viết xong cuốn này là tớ thôi, chỉ vài tháng sau đã thấy ông ra cuốn tiểu thuyết mới. Nhà văn hồn nhiên thế đấy. Không ít anh hứa hẹn viết này viết khác đợi mươi mười lăm năm không thấy sách đâu. Đó cũng là cái khác người của Ma Văn Kháng.

Đầu năm 2017, ở tuổi 81, Ma Văn Kháng được NXB Kim Đồng in tiểu thuyết Chim én liệng trời cao. Tiểu thuyết dày gần 400 trang được phát triển từ truyện ngắn Chim én mà ông khởi bút từ nửa thế kỷ trước. Chim én liệng trời cao lấy bối cảnh ở một địa bàn có người Tày và người Dao sinh sống, trong khoảng thời gian những năm 1940 chống Pháp. Nhân vật chính của tác phẩm là Tiển, sinh ra ở bản người Tày Cam Đồng. Cậu bé bản quê hàng ngày ngồi trên lưng trâu, ngắm bầy chim én thổi sáo bài “Chim én liệng trời cao”. Kháng chiến, Tiển ngay lập tức gia nhập đội ngũ những người làm cách mạng trên quê hương mình. Ma Văn Kháng khắc họa đời sống cơ cực của bà con miền núi dưới áp bức bóc lột của bọn tay sai, thực dân khá sinh động. Lý trưởng Vi Văn Tăm, tên đồn Tây Brusex, tên tổng Ngao bản địa… cùng những hành động hung ác, mông muội khiến người dân phải vùng lên. Tiểu thuyết Chim én liệng trời cao là một đặc sắc mới trong đời văn Ma Văn Kháng.

Trong Đại hội Nhà văn năm 2015, tôi thấy nhiều người cứ nhốn nháo chạy chỗ này, thì thầm chỗ khác. Rất nhiều anh chị tất bật, cứ như bí mật một thương vụ lớn lao, như đang ra ơn hay vùi dập một ai đó mà nhìn sang cái đủng đỉnh, thơ ngây của Ma Văn Kháng bỗng ngộ ra một điều: Nhà văn là phải viết. Hay dở anh cứ trình ra trên mặt giấy tự nhiên sẽ định vị mình trong làng văn. Viết văn cứ la lối, chạy đi chạy lại trong hội nghị, điều hành bầu bán là tự rẻ rúng mình. Tôi đoán chắc Ma Văn Kháng có cầm lá phiếu chắc cũng sẽ lơ đễnh bỏ quách cho xong. Chắc gì ông đã cầm lá phiếu đưa vào hòm.

Cơ mà Ma Văn Kháng đọc anh em trẻ rất kỹ. Kháng ta cái gì của anh em trẻ đều đọc rất nghiêm túc. Tôi thấy ngài rất khen văn chương Phạm Duy Nghĩa. Đại loại ai viết văn như Phạm Duy Nghĩa đều là nhà văn đích thực cả. Một hôm, cũng là lúc thanh nhàn tôi bảo Phạm Duy Nghĩa: Ông viết truyện ngắn hay hơn Ma Văn Kháng. Nghĩa ta, vốn vô cùng cẩn thận đứng đực ra đến vài phút không biết tôi khen bạn hay mỉa mai bạn nhưng hắn cũng không biết trả lời ra sao. Viết truyện ngắn hay hơn Ma Văn Kháng trong vài chục năm trở lại đây e rằng không có ai chăng? Phải thấy rằng viết khác nhau mới là quan trọng chứ quan trọng gì viết hơn viết kém nhau? Hỏi đấy cũng như trò chuyện với mình chứ Ma Văn Kháng viết thế nào là do trời định chứ ngay như bản thân ông chưa chắc đã định đoạt được. Ông là người làm chủ cuộc đời mình thật đấy nhưng văn chương của ông chắc chắn do người đọc, do trời đất định đoạt. Điều này xin được phép giãi bày ở một cuộc khác.

Một hôm, nhàn tản chuyện vãn, tôi mới hỏi thầy La Khắc Hòa, người chuyên nghiên cứu và viết về Ma Văn Kháng: Đã kết thúc, kết luận về Ma Văn Kháng được chưa? Thầy Hòa với sự hài hước bẩm sinh cộng với sự khoái khẩu văn chương Ma Văn Kháng tọc tạch: Kháng ý mà, kết luận từ lâu rồi. Cái chất của Kháng, cái tạng văn, nội lực và đặc biệt là ý thức công dân nhất quán lắm. Cái cách thức, cách đi, cách đục vào đời sống của Ma Văn Kháng từ trang viết đầu tiên đến trang viết cuối cùng vẫn thế. Ngay cả việc đưa đời sống tính dục vào tác phẩm của Kháng mấy chục năm nay đều hồn nhiên như thế. Kháng là người viết về tính dục vừa tự nhiên vừa biết cách cài cắm, hấp dẫn người đọc. Cái khác người là tính dục dày đặc trong văn chương Ma Văn Kháng nhưng tuyệt không trùng lặp. Khoái là khoái ở chỗ đó.

Tôi định đùa thầy rằng ơi các nhà lý luận phê bình từ đơn giản khuôn mẫu đến cao siêu vời vợi, cái cách hiểu tác phẩm của các nhà văn với nhà văn lắm khi rất khác. Chả thế mà hễ nhà văn viết về nhau dù chả theo một loại hình lý thuyết nào độc giả vẫn khoái khẩu hơn mấy ông hàn lâm động tý là ốp, ép. Cơ mà tôi không nói. Tôi cho rằng văn chương Ma Văn Kháng giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, dục vọng, ý chí, tự vấn, phục thù của con người theo cách ngắn nhất. Có một truyện ngắn của Ma Văn Kháng khiến tôi bâng khuâng chục năm trời. Đó là truyện kể về một anh bỗng nhiên bị quản thúc, bị tách ra khỏi đời sống này vô cơn cớ mà chính anh không sao lý giải được. Bi kịch ở chỗ anh quá tốt, cô người yêu cũng quá tốt. Họ bị tách rời nhau vì cái gì chính họ cũng hết sức mơ hồ. Người tử tế không có chỗ đứng trong cõi người chăng? Hay là tạo hóa nhầm lẫn trêu ngươi? Hãi lỗi sự tách khỏi đời sống bình thường dài đến mấy chục năm. Khi anh chàng được tự do điều đầu tiên là tìm đến cô người yêu bây giờ đã là một ni cô không còn màng đến sự đời. Họ gặp nhau. Tình xưa nghĩa cũ. Cả hai đều trong sáng tốt lành. Cả hai đều sẵn sàng bỏ qua kẻ thủ ác bây giờ họ mới được biết là hắn cũng chỉ nhầm lẫn, vu vơ, nhìn láng máng anh chàng tử tế ngày xưa có nét gì hao hao giống kẻ tra tấn mình những ngày chạng vạng ở trong tù. Thế thôi chứ cơn cớ gì, thù oán gì. Chỉ vì cáu, vì tức ách ngày ở tù bị đánh đập bây giờ đứng ở đỉnh cao quyền lực thích giam giữ, bắt bớ, tách rời cuộc sống bình thường của người này người khác cũng là chuyện vặt. Nguyên nhân bị quản thúc, bị chia tách của anh chị là thế. Mấy chục năm được tự do, đến với nhau mới là việc chính yếu, chứ quay lại kiện cáo, thắc mắc sự nhầm lẫn không ăn thua đâu, không nên làm, có khi lại rước vào một nhầm lẫn khác là xong kiếp. Người con gái người con trai đều tự nhủ như vậy. Họ quyết nối lại với nhau. Ni cô chỉ có một ước muốn là để tóc dài ra cho buổi trang trọng sắp tới của đời mình. Chính đáng quá. Con người quá. Người đàn ông mới được tự do mừng vui và chờ đợi. Tóc mọc dần, mọc dần, và bạc trắng. Không còn một sợi nào đen. Điều này không nằm trong chờ đợi của hai người tử tế. Và họ…
Tôi không nhớ nổi cái kết, thực ra là không dám đọc. Ma Văn Kháng là vậy. Ông bày ra, cưa từng khúc đời sống đặt ra, trao tặng bạn đọc, trao tặng con người.

 

 

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây