Hội nhà văn Hà Nội

http://nhavanhanoi.vn


Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa qua đời chiều 20.4. 2021


   Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời ở tuổi 69

    Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa qua đời chiều qua (20.4). Ông được biết đến với những bài thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên vô cùng yêu thích như: “Chiếc lá đầu tiên”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”...

    Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa qua đời đột ngột vào chiều hôm qua (20.4) tại Hà Nội. Xác nhận thông tin này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, chiều nay, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có chương trình ở Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng ông đã không có mặt vào giờ lên sóng. Sau đó, người thân của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đập cửa và phát hiện ông đã qua đời vào khoảng 14 - 15 giờ.

Trên trang cá nhân, nhà thơ Hữu Việt đau buồn gửi lời tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Đây có lẽ là bức ảnh cuối cùng của người anh yêu quý! Bất ngờ và đột ngột quá! Thêm một nhà thơ lớn về tài năng và tuyệt vời về nhân cách đã nằm xuống".



Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ( 1952 - 2021 ). Ảnh: TL

    Năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm cùng bạn bè đồng khóa trong Khoa Ngữ văn đã tình nguyện nhập ngũ, khoác ba lô ra trận. Ông đã sống và chiến đấu ở những mặt trận ác liệt nhất, trong đó có mặt trận Trị Thiên - Huế.Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7.2.1952, tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 16).

Sống trong những tháng ngày bom đạn, máu lửa chiến tranh đã in dấu đậm nét trong cả sự nghiệp thơ Hoàng Nhuận Cầm. Sau chiến tranh, ông về học lại Khoa Ngữ văn rồi về công tác trong ngành điện ảnh truyền hình.

Mặc dù vậy, cuộc sống của Hoàng Nhuận Cầm vẫn dành trọn vẹn cho thơ ca. Ông được biết đến với những bài thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên vô cùng yêu thích như “Chiếc lá đầu tiên”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”...

Bên cạnh thơ ca, Hoàng Nhuận Cầm còn sáng tác kịch bản phim và đã từng tham gia đóng phim. Một số kịch bản ấn tượng của ông phải kể đến như “Đêm hội Long Trì” (năm 1989), “Hà Nội mùa Đông năm 46” (năm 1997), “Áo chàm Bắc Sơn”, “Mùi cỏ cháy”…

Đặc biệt, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn nổi tiếng với nhân vật “Bác sĩ Hoa Súng” trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” và vai nhà thơ trong bộ phim “Số đỏ”.

Trong sự nghiệp, Hoàng Nhuận Cầm cũng đã gặt hái được nhiều thành công và các giải thưởng lớn. Ông đã từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972 - 1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ mang tên “Xúc xắc mùa thu”...

                                                                                                                                    Theo Mai Hương/laodong.vn

Chất “Hoàng Nhuận Cầm” mãi thổn thức trong thơ

VOV.VN (TRẦN NHẬT MINH/VOV6)

20-04-2021 23:08

   Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - tác giả của những câu thơ đầy xúc cảm, những buổi nói chuyện thơ mê đắm, những talkshow rung cảm...

 Vĩnh biệt tác giả của những câu thơ đầy xúc cảm...

“Chiếc lá đầu tiên” đã không níu cành được, đành rụng về cội. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, người bạn thân thiết của Đài TNVN (VOV)... đã từ biệt người yêu thơ, từ biệt thính giả. Ngoài những bài thơ nằm lại trong trí nhớ mọi người, anh là đồng tác giả của 2 format thu hút lượng lớn thính giả: Khách đến chơi nhà (VOV2) và Đôi bạn văn chương (VOV6)...

Những ngày cuối cùng, sức khỏe yếu, hơi thở đứt quãng do buồng phổi “tổn thương”, anh vẫn lui đến VOV6 chuẩn bị cho những số tiếp theo của “Đôi bạn văn chương” với một nguồn năng lượng thi ca kỳ diệu để chống trả với sức lực không còn khỏe. Thương lắm cái dáng gày tong teo ngồi thở bên cửa phòng thu, để lấy sức cho thơ ca bay lên. Thương lắm những cơn ho nén lại để lên sóng với chất giọng hào sảng mà cũng thiết tha vô cùng. 2 cuốn sách anh chủ biên biên soạn: "Tiếng thời gian" và "Thơ về Hà Nội" cũng vừa đến tay bạn đọc như để chào tiễn người cha tinh thần.

    Chưa bao giờ, kể cả trong những lúc đời sống tưởng chừng suy sụp nhất, anh gục ngã mà vẫn gắng gỏi sống với thơ, lo lắng cho những đứa con như mấy câu gan ruột anh từng viết: “Ta đã thực vào đời bằng nước mắt

Ta đã đi như mèo trên phố vắng
Gọi tên con như gọi các thiên thần
Có một nốt không bao giờ con biết tới
Là nốt buồn, cha đã nuốt thay con”

Cuộc đời anh nhiều thăng trầm, nốt buồn nhiều hơn nỗi vui. Nhưng anh luôn lạc quan nhờ viên thuốc kỳ diệu thi ca và sự tử tế trong cuộc đời. Anh ôm bên mình “viên xúc xắc” buồn thương để sống cho ngày mai, viết những “câu thơ đợi mặt trời”:

“Tôi có đủ nỗi buồn để sống
Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn
Một nỗi buồn lẽ ra không nên có
Nhưng nếu không buồn
có lẽ
lại buồn hơn...”

Vĩnh biệt tác giả của những câu thơ đầy xúc cảm, những buổi nói chuyện thơ mê đắm, những talkshow rung cảm, gửi lại những người yêu anh đoạn viết ngắn về một “Màu Cầm” không lẫn với bất kỳ ai như một nén nhang thương cảm!!!

"Màu Cầm" mãi thổn thức trang thơ

Hoàng Nhuận Cầm không phải mẫu đàn ông bóng bẩy. Cầm bình dị, mộc mạc. Nhưng Cầm luôn tự tin trong thế giới mỹ từ của mình. Chấp gì cái sự khoe mẽ bề ngoài, Cầm có riêng một vẻ đẹp lúc nào cũng có thể phát lộ. Đó là thơ.

Ngôn từ của anh luôn đẹp, mỹ lệ dù viết về chủ đề gì. Không quá rối rắm trong tầng lý luận này, lớp minh triết kia, hoặc cầu kỳ chiết tự chữ nghĩa...thơ Cầm tạo sự rung cảm nhờ nhạc tính và sự bung nở của con chữ. Từ ngữ dùng vừa mức thì đủ ngân vang, dễ nhớ, dễ cảm, dùng quá liều sẽ trở thành sáo ngữ. Thế mới khó! Giống như trong hội họa có những màu sắc dùng rất khó. Tài hoa thì bức họa đầy cá tính, kém tài thì nó thành bức trang trí báo tường loè loẹt. Cầm đi giữa ranh giới đó một cách xuất sắc.

     Có một chuyện thế này: Trong đêm thơ Giảng đường Lê Thánh Tông kỷ niệm Ngày thành lập khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội cách đây gần 20 năm, có hai nhân vật "quấy" sân thơ, hai người bạn, hai "trường phái" thơ khác nhau: Hoàng Nhuận Cầm và Lâm Huy Nhuận. Thơ Cầm vang ra ngoài, Thơ Nhuận lại thẳm vào trong.“Kiểu thơ" của anh một thời bị "copy" nhan nhản trong giảng đường sinh viên, rất phù hợp để hào sảng và say đắm đọc trong những đêm thơ, những nhóm thơ... Nhiều người làm thơ hay nhưng chủ yếu chỉ đọc bằng mắt, khó thù tạc, ngâm vịnh. Thơ Cầm đạt được cả hai cách.

Lúc Cầm đang "lên đồng" trên sân khấu, Nhuận lặng lẽ chui vào trại của sinh viên chấp nhận "sự thua thiệt": "Thơ Cầm hợp, chứ thơ anh chịu, không đọc to thế được". Rồi thi sỹ con trai Yến Lan lặng lẽ mở bàn tay búp măng của một nữ sinh viên tươi tắn, nắn nót chép vào đó vài câu thơ gan ruột...mặc kệ ngoài kia, Hoàng Nhuận Cầm đang hâm nóng màn sương lạnh bằng sự da diết: "Em thấy không tất cả đã xa rồi..."...

Cầm là một trong số không nhiều thi sỹ có nhiều "fan cuồng" là các nữ sinh. Các cuốn sổ tay một thời nữ sinh thút thít chép thơ anh giờ dẫu có úa vàng và các nàng đã có chồng thì những bài thơ vẫn còn xanh.

Cầm là con trai nhạc sỹ nổi tiếng ở phố cổ Hàng Bạc - Hoàng Giác. Thơ anh luôn có vẻ óng ả từ đời sống thị thành. Nó có cái nét "tiểu tư sản" của mấy cậu ấm phố được chiều chuộng. Sau này vào chiến trường, làm bạn với Nguyễn Văn Thạc, Vũ Đình Văn... thơ Cầm vẫn sáng lên một màu phố xá. Nó vượt lên mùi khét của bom đạn, của những vạt rừng cháy, sôi sục chí trai nhưng vẫn hồn nhiên một thời phố cổ "chơi bi đánh đáo". Sau này, thơ Cầm "triết" hơn, "đằm" hơn thì vẫn không ngừng tung tẩy những mỹ từ...

Cầm ít cáu nhưng khi nào đuôi mắt khẽ rần rật là biết ngay anh đang khó chịu. Đôi mắt đó thường giúp Cầm "đọc" trước mọi việc để cho não bộ hoạt động mà điều khiển lời nói. Cầm là người hoạt ngôn. Anh nói một việc đã cũ mèm nhưng vẫn thấy thú vì ngôn ngữ có sự độc đáo và hài hước.

Cầm có một phẩm chất mà giới nghệ sĩ nhiều khi không mấy coi trọng: Đó là sự đúng hẹn và chịu khó đọc, nghe người khác. Không giống nhiều nhà thơ chỉ thuộc và yêu thơ mình, anh thuộc thơ bạn bè không kém thơ mình. Vốn liếng thơ đó có lợi khi anh thực hiện các chương trình phát thanh cần có thơ đồng hành hoặc những chuyên mục bình thơ các báo...

Nhiều người làm thơ chỉ hợp một mùa. Mùa khác không có cảm xúc, làm không nổi. Cầm thuộc nhóm nhà thơ xúc cảm cả bốn mùa. Và bất luận là mùa nào thì nó vẫn cứ rực lên một màu cảm xúc chói gắt. Cái màu đó, tôi gọi là "Màu Cầm" - cho đến giờ vẫn còn thổn thức trong nhiều cuốn sổ thơ nữ sinh dù nhà thơ cũng đã qua rồi tuổi hoa niên trong trẻo./.
Hứa Mộc

Những tác phẩm nổi bật của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Thứ tư, 21/4/2021 10:59 (GMT+7)

Hoàng Nhuận Cầm là một trong những nhà thơ trưởng thành từ thời kháng chiến chống Mỹ. Ông vừa qua đời ngày 20/4, thọ 69 tuổi.

1. Xúc xắc mùa thu: Đây được xem là tác phẩm nổi bật nhất của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Tập thơ từng giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 và rất được yêu thích lúc bấy giờ. Trong các tác phẩm của mình, Hoàng Nhuận Cầm thường thể hiện giọng thơ trẻ trung, sôi nổi, đầy nhiệt huyết. 

 

2. Những câu thơ viết đợi Mặt Trời: Tập thơ này của Hoàng Nhuận Cầm ra mắt bạn đọc vào năm 1983 khi ông mới hơn 30 tuổi. Tại thời điểm đó, ông đang làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Cho nên ngoài thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn được biết đến với nhiều kịch bản phim ấn tượng. 

 

3. Đêm hội Long Trì: Một trong những kịch bản phim nổi tiếng nhất mà Hoàng Nhuận Cầm từng tham gia viết kịch bản phải kể đến Đêm hội Long Trì. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên gạo cội như Thế Anh, Lê Vân, Trịnh Thịnh...

 

4. Mùi cỏ cháy: Hoàng Nhuận Cầm từng được vinh danh là Biên kịch xuất sắc với kịch bản Mùi cỏ cháy trong Liên hoan phim Việt Nam 2011. Bộ phim đã truyền tải được tinh thần, khát vọng và cả đam mê của những người chiến sĩ mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ. 

 

 
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: VOV.

5. Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến: Bài thơ được tác giả sáng tác khi còn trẻ và viết về chủ đề tình yêu lãng mạn. Trong đó, độc giả cảm nhận được những sắc thái đa dạng của tình yêu. Hạnh phúc tưởng chừng đến tay rồi lại vụn vỡ, tình yêu cứ ngỡ trọn vẹn rồi lại phải lìa xa. 

 

6. 36 bài thơ: Đây có thể xem là tập thơ cuối cùng của Hoàng Nhuận Cầm. Tháng 12/2007 36 bài thơ được phát hành. Đây là tập hợp của nhiều bài thơ nổi tiếng của ông như: Cho người tri kỷ, Mùa hoa bất tử, Chiếc lá đầu tiên... Ảnh: Nhipsonghanoi. Theo tin từ: Hứa Mộc.
  

 +++
         
          Nguyến Đình Bắc
 

            
             VĨNH BIỆT NHÀ THƠ ÁO LÍNH
          HOÀNG NHUẬN CẦM                                             
           
              Mới hôm nào, tôi vẫn gặp anh
Nay đã ra đi về miền vô định
Tấm áo cũ còn thơm mùi lính
Và tâm hồn  thanh tịnh - một đời thơ.
 
Anh ra đi, sao quá đỗi bất ngờ
Như ánh sao băng đột nhiên vụt tắt
Chiều Hà Nội, gió về se sắt
Nhận tin buồn, đau thắt bạn văn chương.
 
Bao nhiêu năm khói lửa chiến trường
Quảng Trị bom rơi, mịt mù khói súng
Vẫn đứng vững không một giây nao núng
Trút căm hờn lên nòng súng hiên ngang.
 
Tiếng thơ anh - bầu nhiệt huyết căng tràn
Tha thiết yêu thương, dạt dào nhân ái
Thanh thản nhé, anh đi còn để lại
Hương cuộc đời thơm mãi một Văn nhân!
 
Nhuận Cầm ơi! Nào ai sống hai lần
Khói thuốc bay đi, điếu cày còn giữ lại
Tiễn anh đi trong nỗi buồn tê tái
Mà trong lòng còn mãi bóng hình Anh!

 

                             Hà Nội, 10 giờ 15 ngày 21- 4 – 2021

 

Đỗ Thu Yên
 
HOÀNG NHUẬN CẦM - NHÀ THƠ CHIẾN SĨ.
 
Tiếng điếu cày thong thả rít trên không
Người lính lại về bên những người đồng đội
Lại đọc thơ giọng sang sảng đắm say
Lại trở về mùi cỏ cháy đời trai.*
.
Chiếc lá đầu tiên, chiếc lá cuối cùng
Nhà thơ chiến sĩ đều biết cả
Chỉ có người ở lại, cứ bâng khuâng mãi...
Chiếc lá nào? Cuối cùng anh nhìn thấy
trong một chiều giông bão
Anh một mình náo động, một mình anh.*
.
Tôi vẫn gọi anh nhà thơ chiến sĩ
Bởi với tôi anh mãi là người lính
Từ buổi gác bút nghiên lên đường ra trận
Luôn dâng hiến cho đời bằng sắc đỏ trong tim.
.
Nhận về mình những điều giản dị.
Hoa trên mộ cũng muốn loài hoa rẻ*
Nhưng sức bền tri kỷ được lâu
Câu thơ cũ... rưng rưng bao dòng lệ..
..
Ôi! Chiến hào tha thiết tuổi đôi mươi*
Bao đồng đội đón chờ anh phương ấy!
Anh lại kể về phím " Mùi Cỏ Cháy"*
Về những người con sống mãi với non sông.
,
Tiễn anh đi về nơi an nghỉ
Dù thơ anh chưa tắt bao giờ!
Và tên anh vẫn ngân lên thành điệp khúc
Hoàng Nhuận Cầm rưng rưng " Mùi Cỏ Cháy"
Hoàng Nhuận Cầm thi sĩ của thơ ca
Hoàng Nhuận Cầm
Nhà thơ Chiến sĩ.
                                            * Câu thơ và ý thơ của Hoàng Nhuận Cầm

 

                                                                                     
                                                    
                                                  
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây