Hội nhà văn Hà Nội

http://nhavanhanoi.vn


Nhớ thi sĩ tài hoa quê làng Nành

Bài : Nhà nghiên cứu VHDG Văn Hậu
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm ( 1940 - 2022 )
      Hồi ấy - mùa hè năm 1971, tài hoa lớp bồi dưỡng sử  Việt do GS. Trần Quốc Vượng lên lớp tại xã Nhật Tân (Từ Liêm) nay thuộc phường Nhật Tân quận Tây Hồ, Hà Nội. Buổi trưa, Nguyễn Vũ Tiềm bảo tôi ở lại. Anh dở túi thuốc bông băng bảo tôi tiêm hộ. Mổ gà còn không biết nữa là tiêm, tôi từ chối chỉ nhận vén tay áo giúp. Anh dùng tay phải tiêm vào bắp thịt tay trái…Trước đó, bọn tôi quen nhau cùng học lớp sáng tác văn chương do Sở giáo dục Hà Nội tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh dịp hè năm 1967. Thi sĩ Tân Trà, Trưởng phòng BTVH, chánh văn phòng  Hội văn nghệ phụ trách. Các lão tướng đến giảng là nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyễn Kiên…Từ làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm xa hơn 15 cây số, anh trong tổ thơ Sông Đuống có mặt đầy đủ dù vẫn bận công tác dạy học, quản lý. Sau này, anh còn trúng Ban chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nội, khóa năm 1968-1975, cụ Tô Hoài là Chủ tịch. Năm 1975 anh trong đoàn cán bộ, giáo viên đi B vào thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó anh chuyển sang làm phóng viên biên tập viên của Tập san Tài Hoa trẻ, báo Giáo dục Thời Đại.
          Do sinh hoạt CLB thơ văn Tháp Bút của thành phố, tôi được tặng “Quả chín trong vườn” (1987) và “Đất quê Nành, Đất thơ”(2001) có bài tựa của anh. Tiềm sinh trong gia đình gia giáo. Cụ nội thượng thọ được Vua Thành Thái tặng đôi câu đối. Vợ anh là nhà giáo, các con anh đều làm cho nhà nước như phóng viên, kỹ sư…Ngay từ hồi còn làm nghề gõ đầu trẻ, thơ Tiềm đã có tiếng khi được giải về bài thơ Mùa Thu nghe tiếng trống trường.
- Tháng chín ba hồi chín tiếng
Cổng trường mở ra, năm mới và vào
Mỗi tiết học bốn nhăm phút
Cả chiều dài THẾ KỶ xếp vào đây!
          Mang phong cách thơ thời sự, trí tuệ của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, viết về sự chuyển giao giữa thế kỷ XX và XXI, giọng thơ hào sảng:
- Ác Si Mét, E Đi Sơn chưa tròn giấc ngủ
Tagor bên đèn dang dở giấc mơ yêu
Páp Lốp, Pitago không rời bàn học
Nguyễn Du chưa xong nợ với trang Kiều.
          Thơ anh mang chất tư duy thông minh, sắc sảo có bề dày của văn hóa dân tộc, bút pháp linh hoạt theo mốt thưởng thức của lớp trẻ thời bốn chấm không. Thi phẩm bán chạy trên thị trường sách: Thức đợi Hoa Quỳnh (1991), Thương nhớ tài hoa (1992), Hương giao thừa (1995), Sương Hồ Tây mây Tháp Bút (2010)…
          Anh có một số công trình khám phá về thơ, giải mã về đặc điểm thơ thi sĩ và thơ ca vè thơ hay thơ dở, chỗ khác nhau giữa thơ đầu thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Công thức tư duy ngắn gọn về thơ đương đại: X, S và C, nghĩa là Xúc cảm khác thường, Suy nghĩ chiều sâu và Cách nói có hình ảnh, nhịp điệu, lôi cuốn độc giả, giọng điệu không giống ai?
          Ra đi ở tuổi Canh Thìn, ngày 14-01-2022 (ngày 14 tháng Chạp) năm Tân Sửu. Chỉ vài tuần nữa là ngày Tết, giá khỏe, anh có thể về quê Nành, nơi có 4 bà Hoàng Hậu, Thứ Phi của Vua Lê Hiển Tôn, Vua Quang Trung. Xin có vần thơ tiễn anh mùa Covid thay nén tâm nhang:
- Trưa nao Nhật Tân bên nhau đấy nhỉ?
Tay anh tiêm, tôi đau buốt trong lòng
Đêm, thức đợi Hoa Quỳnh vang còi báo động
Cao xạ ung trời, hoa lửa tóe rơi
                  *    *    *
Chiều nao Sài Gòn, chợt mưa chợt nắng
Tiễn biệt người thi sĩ tuổi RỒNG
Gió se sắt thổi hoài cuối Chạp
Bước chân Người không qua nổi MÙA ĐÔNG.
                 Văn Hậu
HVNDG Hà Nội

Nguồn tin: HNV.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây