Hội nhà văn Hà Nội

http://nhavanhanoi.vn


Đọc lại "Bếp lửa" của Bằng Việt

Nhà thơ Bằng Việt
                                  BẾP LỬA ẤM TÌNH BÀ CHÁU
                                  CỦA BẰNG VIỆT

                                                                                     Nhà ng/c phê bình văn học Đặng Tương Như

   Nhà thơ Bằng Việt tên thật là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Ông làm thơ từ đầu những năm 1960 và thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Ông nguyên là Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.

  Những tác phẩm tiêu biểu: “Hương cây – Bếp lửa” (thơ, 1968) in chung với Lưu Quang Vũ; “Đường Trường Sơn, cảnh và người” (kí sự thơ, 1972 – 1973); “Đất sau mưa” (thơ, 1977); “Khoảng cách giữa lời” (thơ, 1984); “Cát sáng”( thơ, 1985 ), in chung với Vũ Quần Phương; “Bếp lửa - Khoảng trời”( thơ, 1986); “Phía nửa mặt trăng chìm” (thơ, 1995), “Ném câu thơ vào gió” (thơ, 2001); “Nheo mắt nhìn vào gió” (thơ, 2008); “Hoa tường vi” (thơ, 2018).

 

Bài thơ Bếp lửa
 
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa !
 
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!
 
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Tu hú kêu, bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú kêu sao mà tha thiết thế
Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe.
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
Tu hú ơi ! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
 
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
-“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên !”
 
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa !
 
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?. . .
                                           1963

    Bằng Việt mở đầu bài thơ bằng hình ảnh “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm” gần gũi, thân quen với mỗi hồn quê Việt Nam bao đời. Đó là một hình ảnh rất thực và rất đẹp, một vẻ đẹp mơ màng đầy chất thơ, lung linh huyền ảo ở đời thường và lung linh chập chờn trong nỗi nhớ, trong màn sương hồi tưởng của người đi xa. Cú pháp đặc biệt của câu thơ làm người đọc cảm nhận: “bếp lửa chờn vờn”, “sương sớm chờn vờn”, và màn sương kí ức cũng “chờn vờn”, lung linh, huyền ảo.

  Hình ảnh “Một bếp lửa ấp iu nồng đượm” gợi động tác nhóm lửa cẩn thận, khéo léo, gợi cả sự nâng niu, trân trọng, giữ gìn kỉ niệm của tác giả. Cùng xuất hiện “với bếp lửa” là tình cảm “cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Trong lòng cháu, bà cũng là “một bếp lửa ấp iu nồng đượm”.

  Thương bà vì bà lận đận, vất vả, khó nhọc “biết máy nắng mưa”, không thể tính đếm hết được nỗi khó nhọc, vất vả triền miên theo năm tháng cuộc đời bà. Cả bài thơ có hai chữ “thương”, Bằng Việt đã dành trọn để “thương bà”:
                       Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
                       Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
  Trong bài thơ, người cháu hiếu thảo cũng hai lần nhắc đến “đời bà biết mấy nắng mưa”. Nỗi vất vả và khó nhọc của bà thành nỗi day dứt khôn nguôi trong lòng cháu suốt đời:
                        Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
                        Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
  Trong bài thơ, trực tiếp hay gián tiếp, nhiều lần nhà thơ tính đếm thời gian. Tương ứng với mỗi quãng thời gian là một kỉ niệm sâu sắc của tình bà cháu và bếp lửa quê hương:
                         Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
                         Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Hai câu thơ ấy mở ra một khổ thơ gợi lên kỉ niệm tuổi thơ bị bóng đen của nạn đói khủng khiếp năm 1945 đe dọa. Người thì “đói mòn đói mỏi”, “ngựa gầy” thì “khô rạc”, sự sống như tàn lụi dần. Trong từ vựng tiếng Việt, “no” đi liền với “ấm” (no ấm), còn “đói” đi liền với “rét” (đói rét, bụng đói cật rét). Trong cái năm “đói mòn đói mỏi” ấy, bà cháu nhờ hơi ấm của bếp lửa, hơi ấm của tình bà cháu mà ấm lòng, mà đỡ lạnh lẽo để vượt qua cái đói khủng khiếp. Khói bếp nhà nghèo chảng làm no lòng người, nhưng lưu lại một kỉ niệm đau xót mãi mãi không nguôi:
                           Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
                           Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay
  Đây là hai câu thơ rất hay bởi sức gợi rất lớn. Cái cảm giác cay xè ở mắt ở mũi vì mùi khói năm xưa còn đọng lại mãi khiến người hôm nay mủi lòng, thấy cay cay ở mũi. Cảm xúc hiện tại và kỉ niệm xưa đồng hiện, hòa lẫn với nhau. Hai dòng thơ chân thực mà ngập tràn cảm xúc.
  Thời gian “Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa”, và “những ngày ở Huế . . .” là tương ứng với trường kì kháng chiến gian khổ. Đó là quãng thời gian bà cháu nương tựa vào nhau giữa cảnh “giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi”. Giặc đói chưa yên thì giặc ngoại xâm tràn tới. Gia đình li tán: “Mẹ cùng cha công tác bận không về”, nên cảm giác cô đơn, trống vắng tràn ngập tâm hồn trẻ thơ. Tiếng chim tu hú kêu “trên những cánh đồng xa” vẳng tới gợi cả một không gian trống vắng, càng khơi sâu thêm cảm giác cô đơn. Trong khổ thơ có 11 dòng thì đã có tới năm dòng thơ nói về tiếng chim tu hú. Trên cái nền hoang tàn của khói lửa chiến tranh, giữa không gian trống vắng ấy chỉ còn lại con chim tu hú kêu khắc khoải và hai bà cháu nương tựa vào nhau để duy trì cuộc sống. Thương con tu hú cô đơn, bơ vơ mới càng thêm thấm thía cái ơn của bà yêu thương, chăm chút, đùm bọc:
                         Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
                          Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
  Trong gian khổ bần hàn những phẩm chất cao quý của bà càng tỏa sáng, tình thương của bà càng nồng đượm. Bà thay các con chăm sóc, dạy dỗ đứa cháu bé bỏng:
                           Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
                           Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
   Tác giả dùng các từ “bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm” . . . để nói lên sự nuôi dạy chu đáo và trọn vẹn yêu thương, đùm bọc cưu mang của bà đối với cháu. “Tám năm ròng”. . . là trọn vẹn tuổi thơ ấu của cháu thì cũng là “biết mấy nắng mưa” và “khó nhọc” của đời bà. Đức hy sinh của bà cao cả hơn khi bà âm thầm chịu đựng. Giữa khó khăn, thử thách “bà vẫn vững lòng”, vẫn dặn cháu:
                        …có viết thư chớ kể này, kể nọ
                           Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!
  Phần buồn lo bà đã gánh hết, để nhường lại niềm vui cho con cháu.
  Trong bài thơ có 7 lần nhà thơ nói đến “bếp lửa”, riêng ở cuối khổ thơ thứ 5, nhà thơ không nói đến “bếp lửa” mà gọi là “ngọn lửa”:
                            Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
                            Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng
  Sự chuyển hóa hình ảnh thơ từ “bếp lửa” sang “ngọn lửa” hợp lí và có ý nghĩa mới. Nói “bếp lửa” là nói đến vật hữu hình, cụ thể của mỗi gia đình, gần gũi thân quen với mỗi người dân ngàn đời và đặc biệt gắn bó với hai bà cháu trong bài thơ này. Từ đó, rất tự nhiên, trong cảm nhận, người cháu liên tưởng tới “ngọn lửa” vô hình: “Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn” chính là tình bà luôn “nồng đượm” đã  ấp ủ, sưởi ấm lòng cháu qua năm tháng của cuộc đời. Tình bà như ngọn lửa thắp sáng lên niềm tin yêu cho cháu, một niềm tin bất diệt: “một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng”.

  Tác giả dành 12 dòng thơ cuối để tỏ nỗi nhớ thương tha thiết và cảm xúc về bà với giọng thơ sâu lắng. Nếu như ở khổ thơ mở đầu, câu thơ “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa” được đặt xuống cuối, thì ở đây được đặt lên đầu, chỉ thay vài ba từ “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”. Mặc dầu vắng đi chữ “thương”, mà đọc câu thơ ta vẫn thấy tình thương bà nổi lên trên dòng cảm xúc và sự suy ngẫm.

                                                                                        Hà Nội – tháng 12 năm 2021. ĐTN

Nguồn tin: HNV.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây