Hội nhà văn Hà Nội

http://nhavanhanoi.vn


Nhà văn với cuộc sống: LAO ĐỘNG VÀ SỰ TỦI CỰC

Thường thì những lao động phổ thông trong các khu công nghiệp dịch vụ có độ tuổi thanh niên và trung niên. Họ đều học xong chương trình phổ thông hoặc đại học ra trường không hoặc chưa có việc làm thích hợp. Họ đến tuổi xây dựng gia đình, rồi có con đi học, cũng là khi bố mẹ họ có thể bắt đầu nhuốm bệnh. Họ bắt đầu kế thừa trách nhiệm đứng ra lo việc cả gia đình với một khoản thu nhập ít ỏi.
vn

                                                                                                         Bùi Việt Mỹ
    Từ câu chuyện của một công nhân:

     Làm may ở Công ty Young one gần chục năm qua, bây giờ chị Hạnh mới có thu nhập đến 5 triệu đồng một tháng. Đi làm từ 6 giờ 45, nghỉ trưa 1 tiếng, lại làm cho đến 18 giờ hàng ngày. Hôm nào công ty yêu cầu làm thêm đến 19, 20 giờ, thù lao cũng chẳng hơn trong giờ được bao nhiêu. Mẹ chị ở nhà trọ đón cháu. Chị ưa mùa hè vì cũng là đến giờ làm về nhưng còn sáng trời, về mùa đông, trời lạnh, chóng tối, đã về muộn lại còn bao việc vặt, lại buộc phải đưa con đi học thêm, về còn làm bài cho tới khuya, rồi mai mẹ con lại ra khỏi nhà sớm. Chị chẳng có thời gian mà xem đến tivi nên không hình dung ra thực tế diễn biến xã hội, ngay cả tình hình giao thông sát sườn, chạy ẩu, tai nạn, cần phòng ngừa thêm gì cũng chẳng quan tâm nữa… Thật quá mệt mỏi.

    Năm nay, con Hạnh lên lớp hai. Dạo ngay khi học xong lớp một, trường đã thông báo và thu tiền sách vở cho lớp hai rồi mới nghỉ hè. Thôi thì đằng nào cũng cần đóng thì cố lên rồi cho con nghỉ. Mấy tháng hè sẽ đỡ mấy khoản đóng góp, tạm nhẹ người đi chăng. Vậy mà, mới được khoảng tháng rưỡi, chưa kịp bình tâm, đã có tin rục rịch cho các cháu học hè. Con anh Sơn, nhà biệt thự đầu ngõ đã đăng ký và nộp tiền rồi đấy. Lại con nhà, con nhà…đã viết đơn tình nguyện học thêm. Vậy thì Hạnh không thể không cho con mình tham gia học hè. Nhớ lại hai năm trước, con vừa mới hết cấp mẫu giáo, chị đã phải bán đi chiếc nhẫn cưới năm nào, coi như khoản đầu tư ban đầu cho con, chuyển ngay sang lớp học thêm về chữ. Ở đây, bây giờ bước vào lớp một, các cháu đã phải biết chữ, thậm chí biết đặt câu đơn giản và bước đầu biết các phép cộng trừ. Nếu không theo thế, chẳng lẽ để con mình đến lớp ngồi trơ ra, rồi thuộc diện “chậm tiếp thu” đấy à.

     Thế rồi, khoản tiền cho tháng học hè đã qua mau, nhà trường chính thức thông báo đến phụ huynh các khoản cần đóng ngay trước khi vào năm học mới. Tháng 9 chưa lạnh mà chị đã rét run lên rồi: Đầu tiên lại là khoản tiền mua sách, nhưng là bổ sung, loại mới cải tiến, loại chuyên sâu, nâng cao, sau đó là bảng kê một loạt các khoản như: Tiền xây dựng (sửa chữa nhà cửa, bàn ghế thường xuyên), tiền quần áo đồng phục, tiền học phí tháng đầu, tiền học câu lạc bộ gì đó - thực chất chỉ là học thêm hàng tuần, tiền bán trú và thiết bị phục vụ bán trú, tiền bảo hiểm y tế, tiền vệ sinh, bảo vệ, trông xe và các quỹ lớp, quỹ phụ huynh… tất thảy nhằm vào khoản tiền lương ít ỏi của Hạnh. Đấy là chị mới chỉ có một con, một con thôi mà đã thấy quá vất rồi. Quay đi quay lại, đã lại đến ngày phụ nữ 20 tháng 10, rồi ngày nhà giáo 20 tháng 11 hai cái tết cũng cận kề. Đã có quỹ phụ huynh chung để sử dụng, nhưng nhà các bạn con vẫn tới mừng cô, mừng thầy, thì nhà mình thì tính sao đây? Đã nhiều lúc, chị quá bức xúc, muốn trút giận, ném cái ba lô sách nặng trịch của con xuống nền nhà rồi càu nhàu: “chẳng hiểu mới lớp một, hai mà học ngày học đêm, hàng tá sách vở thế này”. Rồi tối đến, mở các vở xem bài về làm ở nhà hôm nay, thấy hàng năm, sáu bài toán và năm, bảy câu tiếng Việt được cô đánh dấu chỉ định làm, có vẻ như rất chủ quan, tùy tiện, không đặt hoàn cảnh mình vào những con trẻ còn đang tuổi chơi, tuổi ngủ. Nó phải học từ sáng đến đêm. Ngoài ra, sau học thêm tại trường,còn tuần hai buổi tối đi học theo lá đơn mà mẹ nó phải miễn cưỡng viết tay tự nguyện muốn cô dạy thêm nữa. Thật, nó cũng vất vả chẳng kém gì mẹ nó. Nghĩ vậy Hạnh lại thấy thương con, nó vốn đã khá gầy ốm, hay sốt viêm họng mỗi khi trở trời. Nhưng biết kêu ai, ai thấu? Có khi lại dễ thành mang thêm phiền toái vào thân.

    Nhất định là khoản tiền dăm triệu của Hạnh không thể trang trải cho đủ mấy bà cháu sống trong một tháng! Người chồng của chị mảnh khảnh, sau chuyện làm thủ tục đi lao động ở Nhật không thành, anh mất tự tin, chỉ chạy xe máy grab quanh quẩn góc phố vắng người, may còn đủ tiền tự ăn uống và hút thuốc lá. Có lúc còn gặng vợ cho tiền chữa xe. Không có sẵn, Hạnh cũng phải vay mượn của người này, người khác cho xong, được đâu hay đấy cái đã. Mẹ chị buộc phải quen với gian phòng trọ chật chội, thiếu không khí và nóng bức này. Bà luôn lấy gạo, mắm muối, cá khô, hành tỏi… ở quê lên, tùng tiệm nuôi cả nhà. Còn bố chị thì ở quê với hai chị em. Hạnh thường được bố mẹ giúp cả bằng ít tiền nho nhỏ vào những lúc cần thiết. Song, cho tới năm nay, cái khó khăn hơn đã đang hiển hiện trước mắt mà chưa tìm thấy lối thoát. Một khu công nghiệp liên hợp gì đó đã san tạo mặt bằng áp sát làng, bố mẹ Hạnh có hai sào ruộng được đền bù bảy tám chục triệu đồng. Ông sửa lại nhà, góp với họ hàng tôn tạo mồ mả và chi cho mấy việc vặt, đã sắp hết số tiền đó. Bây giờ ruộng đất hết rồi không biết tới đây sẽ lấy lúa gạo đâu mà sống? Cả làng, cả xã thuần nông rồi đây xoay sở ra sao? Những câu hỏi ấy đã như bắt đầu đe dọa đến người làng Cam Đoài. Và nữa, sẽ đe dọa đến nguồn từ “hậu phương” của chị Hạnh. Rồi họ đã nghe được ở đâu đó rằng, tới đây các doanh nghiệp mọc lên ở khu đất kia, họ sẽ ưu tiên sử dụng lao động ở mấy xã gần và thanh niên làng sẽ có chỗ mà đến làm thuê. Song lại lo rằng cái khu công nghiệp kia đâu cần đến nhiều người vào làm việc vặt đến thế ?

    Thật là đã khó lại càng khó hơn. Vừa mới sang tháng đầu thu, Hạnh nhận được tin cậu em ở quê nhà gặp tai nạn. Chẳng hiểu sao, đi phụ việc xây dựng, cậu bị rơi từ trên tầng hai xuống trúng vào đám gạch vỡ, đau ngất đi. Mọi người vội chuyển ngay về bệnh viện ở huyện, huyện lại cho chuyển ngay lên viện trên tỉnh. Sau khi sơ cứu bước đầu, bác sĩ cho biết cậu đã vỡ xương bả vai, gãy xương sườn và gãy cả mu bàn tay. Lập tức gia đình phải làm thủ tục nhập viện kèm theo việc đóng trước vài triệu đồng theo quy định khi nhập viện. Cả nhà cứ rối tinh lên vì lo lắng, vì đi lại, rồi ăn nghỉ phục vụ và chờ tin…Đến hai ngày sau viện vẫn chưa phẫu thuật, các chỗ gãy đau đến mức cậu đã vốn gan lì mà phải kêu la luôn mồm, sốt ruột lắm rồi. Có người bảo hình như lại cần phải ứng trước mấy triệu đồng tiền thuốc men nữa ngay đi. Nào ai biết được. Nhà cũng đang còn mươi triệu cuối cùng là tiền đền bù ruộng trước đây, bố cậu sốt xắng mở hết. Quả nhiên, sang ngày thứ ba, bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm chuẩn bị phẫu thuật. Cầu trời, lúc này ai nấy mới nhẹ người hẳn đi. Thôi thì, mổ xong đôi bữa, nếu gượng được thì xin bác sĩ cho về uống thuốc, giữ vệ sinh rồi đến ngày hẹn thì lên lại chứ theo mãi ở đây sao thấu.

    Cái việc của cậu em làm Hạnh nhớ lại chính mình ở mấy ngày dạo hè nóng bữa trước. Hôm ấy chị thấy khó thở dồn dập vài lần, phải bỏ việc đi khám bệnh. Vì thấy hiện tượng bất thường nên bác sĩ yêu cầu làm bệnh án. Nghĩ là mình có bảo hiểm y tế nên Hạnh vui vẻ đồng ý. Nào ngờ điều đó cũng đồng nghĩa với việc là người bệnh phải “ký quỹ” hai triệu đồng. Chị giật mình vì nếu không phải là ngày lĩnh lương thì chẳng bao giờ trong túi chị có lấy dăm trăm ngàn. Lập tức chị phải gọi về tổ sản xuất để xin được trợ giúp! Và, sau khi siêu âm, chẩn đoán, cuối cùng, khi ra về, ký hóa đơn thuốc, hình như là thuốc ngoài danh mục bảo hiểm và được thanh toán lại gần một trăm ngàn đồng. Chị nghĩ bụng: thế là gần hết một nửa tháng lương của tháng sau, rồi ra sống bằng gì đây! Và, chị thấy hoang mang, trống vắng vô cùng.

  Lại nữa, một hôm Hạnh tranh thủ tới Phường để đăng ký gia hạn tạm trú. Sau khi viết xong hai bản kê khai có mẫu sẵn, chị vui vẻ kèm theo Căn cước công dân và Giấy tạm trú sắp hết hạn của mẹ con, xếp hàng và ngồi chờ. Khoảng 15 phút sau, sau khi xem máy tính, đồng chí công an nói với Hạnh là không thấy tên chị được nhập trong Dữ liệu dân số quốc gia nên chưa làm được. Chị không hiểu gì cả vì chị đã đưa Căn cước và cả Sổ tạm trú K3. Chả lẽ bây giờ chị lại không phải là chị nữa hay sao? Thì biết làm sao được, đồng chí công an hướng dẫn chị phải về lại nơi làm căn cước đề nghị họ nhập tên mẹ con chị vào dữ liệu dân số rồi trở lại đây. Thật khổ, chẳng hiểu ai có lỗi về việc này nữa, loanh quanh, phiền toái quá đi. Và đâu đã hết về những cái việc cứ phát sinh hàng ngày, hôm ấy chị viết thư muốn hỏi cơ quan bảo hiểm xã hội về chuyện muốn đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh, ngoài bì thư ghi nơi nhận là tên cơ quan bảo hiểm và địa chỉ rất rõ ràng, ấy thế mà anh cán bộ Chi cục bưu chính lại không nhận mà nói chị phải gửi theo dịch vụ hành chính công. Ừ thì anh gửi đi, hết bao nhiêu tiền tôi xin trả. Anh ta bảo không phải vậy rồi gặng thêm rằng “chị không hiểu dịch vụ hành chính công à, tra trên máy điện thoại ấy”. Chị đành mở mạng xem thử, thấy rắc rối lắm, đâu như lại phải gọi điện, đăng ký với ai đấy, hẹn và chờ họ hẹn lại ngày giờ đến lấy thư đi… Chị định hỏi lại, lại sợ anh ta bực mình, lại thôi. Biết làm như thế nào nữa mới gửi được cái thư đi đây!? Nghe nói dạo này cải cách, giảm bớt phiền hà cho dân mà sao việc gì cũng lại khó khăn thêm như thế này!

   Đến những chia sẻ chân tình…

   Chúng tôi thông cảm và muốn sẻ chia về những khó khăn vất vả với chị Hạnh. Chí ít thì cũng bằng cách tâm sự với nhau ở đây. Chị là công nhân lao động đại diện hoàn cảnh của đại bộ phận người lao động khác tại các khu công nghiệp vốn nước ngoài, liên kết hoặc đơn thuần là doanh nghiệp trong nước. Có lẽ chẳng ai còn lạ, lao động trong khu công nghiệp là như thế nào. Làm ca ngày hay ca đêm, họ đều phải luôn chân luôn tay. Nếu đứng dây chuyền sản xuất, họ còn phải rất đều tay, không được để lỡ nhịp ở bất cứ khâu nào. Cứ thế, theo việc cả ngày, cho đến hết giờ. Doanh nghiệp tận dụng một ca tới 9 tiếng là thường. Hầu như ở các doanh nghiệp này, công nhân chỉ được nghỉ một ngày trong tuần. Nếu nghỉ thêm nữa, dù là lý do khách quan cũng sẽ bị trừ vào phép hoặc trừ, phạt vào tiền lương. Như vậy họ không thể có thời gian làm thêm các việc khác để có thể có thêm thu nhập. Theo thống kê thì lương tháng bình quân hiện nay của người lao động đại trà là 5 triệu đồng. Các khoản tiền ngoài lương như tiền thưởng, tiền phụ cấp các loại, bảo hiểm xã hội, tiền trợ cấp xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội… là thu nhập thêm nhưng không đồng đều, không phải ai cũng được hưởng đủ như nhau, và nói chung nếu chia cho 12 tháng trong năm thì số tiền này rất thấp. Nếu họ được tới 6 triệu đồng/ tháng thì họ cũng không thể đủ cho tất cả các khoản phải đóng góp nuôi con, khám chữa bệnh, phụng dưỡng cha mẹ, hỗ trợ người thân khi hoạn nạn, các khoản lệ phí khác, kể cả quyên góp mang danh “lá lành đùm lá rách” ở cơ quan, ở phường và thậm chí ở cả nơi con học. Vậy còn được bao nhiêu để sinh hoạt tùng tiệm cho 30 ngày?! Họ cũng không còn thời gian để thụ hưởng các giá trị văn hóa và giải trí nâng cao mức sống cả về tinh thần, tuy họ đang ở độ tuổi có nhu cầu cao nhất.

    Tuy nhiên, về tổng thể, để thu hút doanh nghiệp ngoài nước và trong nước đầu tư kinh doanh tại nước ta thì các chính sách đối với các chủ doanh nghiệp đang được cởi mở rất nhiều cả về luật pháp đến cơ chế vốn, sau đó là cơ chế quản lý của chủ doanh nghiệp với người lao động. Câu chuyện của một công nhân nói trên, qua một sự thật đơn giản nhất, chúng ta cũng nhận thấy từ việc đền bù giải phóng mặt bằng để lập công ty đến các chính sách về quản lý, sử dụng người lao động…là chênh lệch khá lớn. Có khi đây cũng là nguyên nhân dẫn đến có hoàn cảnh bi kịch đáng tiếc xảy ra trong dân cư. Chúng ta thấy, hình như cán cân giữa nguồn thu của chủ doanh nghiệp được coi trọng hơn là thu nhập thực tế của người lao động nói chung. Trong khi ít có sự thấu hiểu của các tổ chức đoàn thể đứng trách nhiệm nói hộ nguyện vọng của họ, nói rộng ra là bảo vệ họ. Vấn đề này đang được nêu ra tại Kỳ họp thứ 4- Quốc hội khóa XV, tháng 10/2022. Có ý kiến cho rằng: “ Trong quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động không có phạm trù này (dân chủ cơ sở) mà chỉ có phạm trù thỏa thuận tự nguyện và bình đẳng trước pháp luật” và khẳng định thêm: “ nếu can thiệp vào quan hệ lao động và thị trường lao động ở mức sâu hơn, nhiều hơn thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, đến hoạt động quản trị và năng lực cạnh tranh” của doanh nghiệp...Điều này cũng chứng minh cho cảm nhận của chúng tôi cũng như người lao động nói chung về hiện trạng cơ chế đang áp dụng với người làm thuê trong các khu công nghiệp là khá đúng.  Và sau một số ý kiến trao đổi có cơ sở lý luận và thực tiễn, có cơ sở pháp lý, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: “đã đánh giá, xem xét và đối chiếu rất kỹ lưỡng, thực tiễn. Nếu thực hiện tốt việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động sẽ thúc đẩy mối quan hệ hài hòa, hợp tác và phát triển… Và đây sẽ là biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, là cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững”. Thiết nghĩ, nếu áp dụng và phát huy tác dụng quy chế dân chủ cơ sở và thanh tra cơ sở trong doanh nghiệp nói trên, chắc chắn từng bước sẽ tạo mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp khu công nghiệp được lành mạnh hơn lên. 

    Liên quan trực tiếp đến đời sống người lao động thu nhập thấp là vấn đề bảo hiểm xã hội. Mức lương hầu như ít nâng lên của họ chắc chắn sẽ quy định mức lương hưu cũng khá thấp của họ sau này. Nhưng trước mắt, họ cần được tháo gỡ ở ngay khâu ứng tiền nhập viện. Thực ra, ngày nay, giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm bồi thường đang vận hành theo cơ chế lấy thu bù chi, và mục đích của nó là ngay lập tức trả tiền thay người tham gia bảo hiểm khi họ gặp rủi ro - lúc khó khăn nhất. Vậy nhưng, ở nhiều bệnh viện (xin không kể đến cái khó của viện) người bệnh lại phải ứng trước thay vì cơ quan bảo hiểm. Bên cạnh việc y tế là việc học tập của con trẻ. Phụ huynh nào cũng biết rằng, giữa quy định của Bộ cho mỗi năm học đang thật sự khác xa với thực tế học tập của học sinh cấp I nhiều địa phương. Đã không tận dụng được sách cũ, lại phải học quá mức: sáng, chiều, tối và đêm. Học sinh thì quá mệt mỏi, phụ huynh thì phải đóng thêm nhiều khoản tiền. Y tế và giáo dục, đây thật sự là hai vấn đề cần tìm cách để ổn định, nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống thường nhật và qua đó cải thiện thu nhập cho người nghèo.

    Chúng tôi cũng xin chia sẻ thêm về một vài khâu có tính thủ tục nghiệp vụ trong đổi mới quản lý hành chính. Nhiều khi một việc nhỏ trong cơ chế điều hành đã lại gây không ít phiền hà cho công dân. Ví như trường hợp vào sổ dữ liệu dân số quốc gia nói trên. Đấy là việc của cơ quan chức năng chứ cá nhân công dân không thể tự hiểu, tự làm. Hay việc quy định công dân gửi đơn thư tới cơ quan nhà nước ở địa phương phải qua một khâu dịch vụ mà muốn biết ai có chuyên trách làm dịch vụ ấy thì tìm từ mạng điện tử rồi sau đó liên hệ với họ để hẹn làm thỏa thuận chuyển đi…Thật quá phức tạp đối với người lao động vốn đã quá bận mải, lại còn phải đi, đi lại nhiều lần.

     Mấy năm qua, cả nước phấn khởi trước nhiều thành tựu về phát kiển kinh tế xã hội và cải tiến quản lý hộ khẩu, định danh bằng căn cước công dân để phát huy tính tích cực, giảm hẳn thủ tục hành chính trong quản lý, góp phần nâng cao giá trị thực tiễn đời sống và niềm tin với Đảng và Nhà nước chúng ta. Tuy bên cạnh đó cũng cần chú ý đến góc đời sống của lực lượng công nhân lao động khá lớn ở các khu công nghiệp. Cần có định mức lao động và hưởng thụ hài hòa, thu nhập ngày càng gia tăng cũng như tạo quyền và tăng quyền dân chủ hợp pháp của họ qua tổ chức công đoàn và thanh tra cơ sở. Tránh để người lao động ở trong Công ty hay sinh hoạt với cộng đồng cảm thấy bị lép vế, bị sách nhiễu…Và như vậy công cuộc xóa đói nghèo, giảm bớt chênh lệch giàu - nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau” mới thực chất có hiệu quả.

BVM. 25/10/22

Nguồn tin: Báo Văn nghệ số 45, 5/11/2022

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây