Hội nhà văn Hà Nội

http://nhavanhanoi.vn


Đôi điều với thơ Đinh Thị Thu Vân

Đôi điều với thơ Đinh Thị Thu Vân

        
                                                                                                                          Nguyễn Xuân Dương

           Có nhiều bức ảnh của Đinh Thị Thu Vân, chị không nhìn thẳng ra cuộc đời mà nhìn xuống, phải chăng đó là cái nhìn nội tâm. Chị đang nhìn vào cõi thẳm sâu của lòng mình như muốn tìm trong đó lẽ sinh tồn của thi ca và nhân loại. Tôi cứ nghĩ nếu đó là một triết gia thì phải là một triết gia nhiều suy ngẫm nội tâm và nếu là một nhà thơ thì đó phải là nhà thơ giàu tâm trạng. Nhưng ông trời không ban cho Đinh Thị Thu Vân thiên chức làm một triết gia mà thật sáng suốt ban cho chị thiên chức làm thi sỹ-Một thi sỹ luôn chìm đắm trong cơn mê để viết những vần thơ lay thức trái tim cõi người, mê hoặc cõi người.
    Đọc thơ tình Đinh Thị Thu Vân tôi cảm nhận thêm rằng Cảm nhận thôi. Đã là cảm nhận có thể đúng, có thể sai. Có thể nhận được sự đồng thuận hoặc không đồng thuận. Đó là có hai thứ tình yêu: Tình yêu trong đời và tình yêu trong thơ. Tình yêu trong đời là nghĩa vợ tình chồng là cháu con gia đình. Rộng hơn là họ mạc xóm giềng là quê hương đất nước. Còn tình yêu trong thơ Đinh Thị Thu Vân là tình yêu không có thực trong đời nó chỉ tồn tại trong miền khát vọng, trong cõi vĩnh hằng. Nó nằm ở đâu đó xa lắc xa lơ mà con người và ngay cả nhà thơ cũng không với tới được.
Đại từ ANH trong thơ Đinh Thị Thu Vân không phải là con người có hình hài, xương cốt thịt da mà đó chỉ là nơi để ký thác gửi gắm. Là một cõi để đi về của vô thức và mê đắm-Thi ca.
Đến với thơ Đinh Thị Thu Vân tôi không muốn bàn đến nghệ thuật thi ca mà tôi chỉ khát vọng khám phá những gì mà nhà thơ muốn gửi gắm phía ngoài con chữ, phía sau con chữ. Còn một suy nghĩ của riêng tôi khi cảm nhận thơ Đinh Thị Thu Vân từng bài từng câu riêng lẻ hầu như là một điều không thể. Tôi cứ phải xâu chuỗi những bài thơ của chị bằng một mối liên tưởng để có sự hiểu biết sâu sắc hơn về những khát vọng tình yêu của Đinh Thị Thu Vân.
“Trăm chiều gió em gom về kết lại”. Mới đọc tên bài thơ ta đã thấy đây là việc làm của một người mê loạn và vô thức. Sự phi lí đã đến tận cùng của phi lí. Ai có thể gom được gió và gom để làm gì. Người ta chỉ là bốn phương tám hướng. Tăng lên nữa là mười phương ba cõi. Còn gió của Đinh Thị Thu Vân lại là trăm chiều. Phi lí thế mà ta cứ phải tin rằng Đinh Thị Thu Vân sẽ làm được để “Kết lại những lời yêu đẫm mắt”. Yêu như thế nào là yêu đẫm mắt? Điều đó có lẽ chỉ có nhà thơ hiểu được. Tôi linh cảm thấy rằng tình yêu đó chỉ được nhìn bằng mắt mà không thể ôm ấp dâng hiến. Chúng ta cứ phải tin rằng có một tình yêu như thế. Sức mạnh ma quái của thi ca chính là chỗ đó biết nó phi lí vô thức ta vẫn cứ phải tin rằng đang có môt người thiếu phụ và cũng có thể là một nàng thiếu nữ ở trước mắt ta và đưa đôi tay vô hình nhưng vĩ đại để gom cả trăm chiều gió nhốt vào trong đôi mắt và để “Thương và thương và nhung nhớ nhớ nhung đầy”. Câu thơ 9 từ nhưng thực ra chỉ có 5 từ. Sự lặp lại ở đây đã cho ta một khái niệm về sự vô cùng vô tận của nỗi nhớ nhung. Ta sẽ bắt gặp nỗi nhớ nhung này trong bài NHỚ. Cứ thế hư ảo này đến hư ảo khác. Ngoài một nỗi nhớ nhung và tình thương vơi đầy không có điều gì ở đây là có thực kể cả dáng mưa bay phơ phất cũng thuộc về hư ảo. “Em kết ấm chỉ mong đừng rét tái”. Nếu đã có hơi ấm rồi thì cần gì phải kết lại tự nó sẽ lan tỏa trong EM sưởi ấm lòng em, sưởi ấm đời em. Những câu thơ ở đây đã làm cho người đọc mê loạn trong một miền vô thức và cứ phải tin em sẽ níu giữ được để “Anh chẳng đành lạc bước phía trùng dương”
Có một điều rất thật trong thơ Đinh Thị Thu Vân đó là chị không tin trong cõi người này có sự hoàn hảo. Hoặc có thể chị tin rằng nếu vượt qua ranh giới của sự hoàn hảo sẽ là sự đổ vở nát tan. Thế nhưng Đinh Thị Thu Vân lại rất cần cái không hoàn hảo. Anh trong bài thơ này và trong các bài thơ khác cũng vậy thôi. Đó là con người hay đúng hơn là hình ảnh của sự không hoàn hảo. Một người yêu, người tình và có thể là người chồng mà:
“có thể bây giờ, có thể suốt mai sau
thơ em viết chỉ đôi lần anh lướt đọc”
Thì đó là con người quá vô cảm. Những câu thơ của em đã được viết bằng nước mắt của tâm hồn, bằng máu của con tim mà chỉ đôi lần lướt đọc thôi sao? Sao anh không hiểu đời em còn gì nữa đâu, em chỉ còn thơ thôi. Thơ là tất cả cuộc đời em. Thế đó nhưng Đinh Thị Thu Vân vẫn khát vọng gom tất cả thế giới này chỉ mong níu giữ để:
“anh chẳng đành lạc bước phía trùng dương”
Theo tôi lời trách móc đó không chỉ gửi cho riêng Anh mà còn gửi cho cõi người này, một cõi người đang dần vô cảm hóa với thi ca.
Để minh họa thêm cho điều tôi khẳng định xin các bạn đến với bài thơ văn xuôi MAY MẮN. Đây có phải là thơ không? Có những bài thơ, những câu thơ của Đinh Thị Thu Vân đã cứa vào trái tim già nua nhưng đa cảm của tôi đến rớm máu. Có thật thế không hay tôi là con người ngoa ngữ đại ngôn. Để tự bào chữa cho mình tôi xin trích chỉ một câu thơ thôi trong bài May Mắn:
“ta vẫn phải nhìn nhau như gỗ đá, em đã biết trơ lì, ngạo nghễ ngông nghênh, em đã biết vô tâm trên chính đắng cay mình, biết tàn nhẫn khinh mình trong nước mắt. e
m đã mất em rồi sau vỡ nát, sỏi đá nặng tâm hồn, chân lạc lõng mà đi”
Có cần bình luận gì thêm nữa? Bài thơ được đặt tên là May mắn nhưng văn bản và thi ảnh của nó không có điều gì thuộc về phạm trù may mắn. Khi một trái tim đủ chín giữa cô đơn, may mắn vì anh không hứa hẹn tháng ngày yêu, may mắn vì lòng anh luôn nguội lửa, may mắn chỉ là anh không phũ phàng hơn chút nữa (Tức là anh đã phũ phàng)…Nhưng nghĩ lại thì đó chính là sự may mắn của Đinh Thị Thu Vân. Nếu không thế thì chị sẽ tan chảy và Đinh Thị Thu Vân không còn là Đinh Thị Thu Vân nữa. Không tồn tại một Đinh Thị Thu Vân trong đời. Điều đó Đinh Thị Thu Vân không bao giờ muốn. Chị khát vọng được tồn tại được luôn là chính mình.
Và đây nữa Đinh Thị Thu Vân cứ cất lên tiếng kêu thảm khắc như tiếng chim Từ Quy gọi bạn tình giữa đêm khuya trên những cánh rừng đại ngàn:

“ trái tim tôi ơi…sao chênh chao quá đỗi
muôn nhịp tơ chùng, muôn nhịp tơ rơi
muôn nhịp rưng rưng như chực vỡ ra rồi
muôn nhịp mảnh… chiều ơi, tôi chết mất”

“trọn chuỗi ngày xa khuất dấu chân thương
em làm hỏng đời em, khi anh chưa kịp tới
để chiều nay, chiều mai…dẫu muôn yêu nghìn gọi
em như cánh chim gầy mắc cạn giữa chơi vơi
em như cánh chim côi oan nghẹn nỗi câm lời”

Hoặc trong THƠ VIẾT THAY NGƯỜI Đinh Thị Thu Vân cũng đã phơi trải:

“em đừng khóc, đời ta không thể khác
anh trở về gìn giữ khoảng trời riêng
anh trở về… đau đớn lặng vào tim
đành tạ lỗi trước lòng em tan nát!
đành tạ lỗi trước tình yêu đánh mất
trước vô tâm anh trút xuống vai người… ”

Có những lúc nỗi khao khát của Đinh Thị Thu Vân nhỏ bé mong manh biết chừng nào:

“làm sao cho em vài tích tắc
vài tích tắc thôi mà
vài tích tắc
vùi thương trên vai xa”

Chỉ là vùi thương trên một bờ vai cách trở xa xôi thì tình thương ấy cứ dài mãi ra vô tận. Nhưng trời ạ chỉ được thương người cũng phải cầu xin sao ??? Đúng như nhà thơ Trần Nhuận Minh đã viết:“ Câu thơ như gan ruột/ Phơi ra giữa trời mây”

Thơ Đinh Thị Thu vân chính là những câu thơ gan ruột dám phơi trải ra giữa trời mây, ra giữa cõi người
Có nhiều người đã bình luận: Đọc thơ Đinh Thị Thu Vân tôi thấy một một nỗi buồn cứ xâm chiếm hồn tôi. Nhưng thật lạ lùng tôi không thể hiểu được vì sao tôi lại buồn. Có người viết: Đọc thơ Đinh Thị Thu Vân tôi cứ khóc nhưng không hiểu vì sao tôi lại khóc. Có thật thế không? Chính tôi cũng có tâm trạng như các bạn. Thơ Đinh Thị Thu Vân rất buồn. Nhưng đó là nỗi buồn được sẻ chia, để sẻ chia và đồng vọng với cõi người.
Thơ Đinh Thị Thu Vân sẽ làm cho những con tim dù vô cảm giá băng nhất cũng phải mềm lại.
Chỉ mong các bạn đọc thơ Đinh Thị Thu Vân bằng tất cả sự sẻ chia của một con tim nhân ái để hiểu rằng trong cõi người này còn biết bao những thân phận nghiệt ngã trước mọi hệ lũy của tình yêu.
Đinh Thị thu Vân đã dùng ngôn ngữ để dựng xây một thế giới tình yêu của riêng mình–PHI LÝ VÀ HƯ ẢO. Chị là một sứ giả, một tha nhân, một phát ngôn về tình yêu cho cõi người bằng thứ ngôn ngữ có sức truyền cảm mạnh liệt nhất đó là THI CA.

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây