Hội nhà văn Hà Nội

http://nhavanhanoi.vn


THẰNG MÒ và HOA XUYẾN CHI . Truyện ngắn

Hồ Bá Thược
         

                                 THẰNG MÒ

                                                                                     Truyện ngắn của   Hồ Bá Thược 

        
     Minh họa của Lão Trần- T/c Ngày mới                                

        Mới tang tảng sáng, ông mặt trời đang còn ngái ngủ trong chiếc màn mây, đằng đông mới chỉ le lói vài sợi chỉ hồng, chưa rõ mặt người, có ai đó ở đầu ngõ hét toáng lên:

     - Thằng Mò đã bị tai nạn xe ngoài đường ô tô kia rồi! Có ai ra cứu nó không? Có ai cứu không? Bớ làng nước ơi…!

Hình như đó là tiếng con mẹ Hởi đi tập thể dục sáng. Không biết rửng mỡ hay vì nghe ai nói đi bộ buổi sáng là tốt cho phụ nữ lắm, nhất là với người góa bụa! Thế là con mẹ Hởi sáng sớm nào cũng vậy, ngủ dậy, chỉ việc dụi mắt xong là lăn xuống giường, không lằng nhằng vướng víu chồng con rồi đi luôn. Còn hôm nay vừa mới đi được một lúc đã quay về, ầm ĩ ngoài đầu ngõ.

Ở cái xóm ngoài đê hẻo lánh này chỉ mươi ngôi nhà, chứ có nhiều nhặn gì đâu mà to tiếng gọi. Bọn đàn ông đi làm ăn xa, còn lại mấy mụ đàn bà và đám trẻ con lít nhít. Có gọi dậy cũng không làm gì được. Con mẹ Hởi, chạy sang nhà Mò, thấy im ỉm. Ngó vào trong hai đứa trẻ đang ngủ. Thằng chồng thì ở ngoài lều vịt cả đêm rồi. Còn vợ nó ở nhà sao lại không thấy. Thôi, đành chạy ra xem Mò có làm sao không  rồi sẽ tính sau.

Tại nơi xảy ra vụ đâm người, Mò nằm ngang một bên đường, đầu gối lên vỉa hè, hơi ghếch xuống đám ruộng lấp xấp nước. Bình thường sau khi cho đàn vịt xuống nước là hắn nằm nghỉ ngơi như thế bên vệ đê hay vệ mương. Cả đời hắn chỉ biết có đi và… nằm. Còn ngồi ngay ngắn như người ta thì chưa bao giờ, vì mông má chẳng ra gì, ngồi làm sao nổi. Với cách nằm như thế, không biết đau quá mà lịm đi hay đang trông đàn vịt dưới ruộng?

 Người gây tai họa ngồi bên vệ đường nhưng cách nơi thằng Mò nằm một đoạn. Ông ta lấy điện thoại từ trong túi áo, vốn dĩ dính đầy vôi vữa, hét liên hồi vào máy, song ở bên kia hình như không thấy trả lời, hắn bật ra câu chửi thề: “Thật khốn nạn quá! Khốn nạn thân tôi quá! Sao xui xẻo thế này không biết?!”

Khoảng một lúc, bỗng từ xa chạy đến một người đàn bà. Chị ngồi thụp xuống, sờ soạng nắn bóp khắp người bị nạn rồi ghé vào tai, nói thầm điều gì đó. Chị ngồi thẳng lưng cởi chiếc áo khoác của mình đắp cho người nằm, rồi ngồi lặng im, không nói câu nào.

       Trời sáng hơn một chút, mặt trời đã hé mắt, mảng hồng trên nền trời như đôi má của thiếu nữ đang nấu bếp rơm, ửng lên. Nhìn từ phía sau cũng đủ nhận ra người đàn bà có thân hình “mình trắm”, đôi vai tròn đầy, hai cánh tay thuôn thuôn trong tiết trời se se lạnh. Vang lên tiếng gà gáy “Ò… ó… o…”. Tiếp đến, mấy tiếng gáy của chú trống choai nào đó ngứa họng. Như thể kém nhau tiếng gáy, những anh chàng trống cùng cất lên bản ca hùng tráng “Bình minh” xáo động cái chòm xóm vốn rất yên tĩnh này.

Cạnh đấy một đoạn là chiếc xe máy nằm chềnh ềnh xoay ngang, cùng hướng với thằng Mò. Không thấy mảnh nhựa xe rơi vỡ xung quanh, chứng tỏ chiếc xe chẳng có mui dè, cốp kiếc gì cả. Bánh trước và bánh sau vênh lên trông trơ trọi, ngứa mắt. Hình như ngoài hai thứ vừa kể, duy nhất còn lại là cái khung và máy xe. Riêng khoản còi đèn, gương chiếu và biển số xe, chủ sở hữu khiêm tốn không muốn chưng diện hay sao ấy, chứ bình thường tối thiểu cũng phải có, không thì ngày nào Công an cũng phạt cho, lấy đâu ra tiền mà nộp?

Thấy người đàn bà mới đến chẳng nói câu gì, hắn mừng rỡ giãi bày, cầu cứu:

      - May quá, chị đi đường làm chứng cho tôi nhé. Tôi không gây tai nạn cho người này đâu. Trời mù quá, chỉ thấy trước mặt một đám màu trắng loang loáng di động trên đường. Bỗng nghe “hực” một cái, tôi ngã lăn xuống mà không biết vì sao. Lồm cồm bò dậy thấy đàn vịt chạy ào ào xuống ruộng. Còn người đàn ông này nằm im từ nãy đến giờ. Thật khốn cho tôi quá, hôm nay ngày đẹp, chủ nhà đổ bê tông, tôi đi làm phu hồ cho họ. Bây giờ vướng vào vụ này, biết tính sao hở chị?

     - Thì phải đền người chứ sao? - Con mẹ Hởi đã đứng phía sau độp lại. - Ơ kìa, mẹ Mò ra đây từ bao giờ thế, bố nó có làm sao không?

     - Nghe chị hô hoán đầu ngõ, đang nhặt trứng ở lều vịt là chạy ra đây ngay. Nhà em chỉ đau thôi, nằm nghỉ một lát là khỏe. Thôi chị ạ, người ta cũng vô tình, với lại trời mù thế này. Hôm nay chạy đồng nên bố Mò đưa đàn vịt đi tắt đường nhựa cho nhanh, cũng tại nhà mình cả.

Gã chủ xe khốn khổ lắp bắp:

     - Thế ra, chị đây là… Tôi đã sờ khắp người anh ấy xem có sao không? Ngại nhất ở mông đang có vấn đề gì đó thì phải?

      - Không sao đâu! Ô kìa, chân bác bị thương rồi, máu chảy ra nhiều lắm, tôi băng lại cho nhé!

   Chị quay mặt đi chỗ khác rồi có tiếng soàn soạt như đang xé vải. Phút chốc, một bên ống quần của chị ngắn đi một đoạn và người đàn ông rối rít cảm ơn sau khi được băng bó vết thương. Không biết mừng quá hay vì đau mà chân ông ta run lập cập. Đạp khởi động liên hồi, máy khừng khực vài cái rồi im bặt. Ông đành phải dắt xe đi. Con mụ Hởi nói vuốt sau lưng:

    - Này bác ơi, sao lại lột người ta ra như thế? - Nói xong, mặt mụ đỏ phừng phừng.

                                                   ***

Tên thật của Mò là Văn Viết Mô. Mới học lớp hai, chữ nghĩa loằng ngoằng, viết tên mình mà dấu mũ của chữ ô với dấu huyền cứ bị lẫn lộn, biến Mô thành Mò. Với lại việc mò cua, bắt ốc thuộc loại “siêu” nên bọn bạn chăn trâu gọi hắn là thằng Mò. Gọi riết thành quen. Sau này lớn lên lấy vợ, làm giấy kết hôn trên xã, hắn khai Văn Viết Mò, cứ như cụ kỵ nhà nó đặt tên từ bao giờ. Còn với hắn, Mô và Mò đều như nhau cả, phận người đi liền với tên. Ông trời thương, đã cho ai thì người ấy được.

Từ ngày có đập thủy điện trên nguồn, nước sông Cái về không nhiều, cánh bãi không bị ngập nữa. Vì đất trũng nên quanh năm đầy nước. Chỗ cao cỏ thi nhau mọc um tùm, xanh mướt mát, chỗ thấp nước đọng, tôm cua ốc ếch mỗi năm một nhiều. Chẳng biết từ đâu cò, vạc, sếu, sâm cầm, chim muông kéo đến đây nhiều vô kể. Chúng bơi lội, bì bõm, vui chơi, ca hát suốt ngày. Dân trong xóm ra vùng bãi xẻ thùng đấu lấy đất tôn ruộng, đắp đường thành ra chỗ nông, chỗ sâu. Dân cư chưa canh tác, gieo trồng gì nên bọn trẻ chơi bời chăn trâu thỏa thích.

 Gia đình nhà Mò ở trong đê, nhưng thấy cánh bãi bỏ hoang nên tính thả mấy con trâu. Vài người trong làng Trầm thấy thế cũng hùa theo. Cánh bãi vì thế có đàn trâu kha khá. Lũ trẻ sáng đi học, chiều về lăn mình ra cánh bãi chăn trâu, chơi bời, bắt con cua, con còng, con ếch, đào lươn, tát cá. Trẻ con nông thôn kiếm thêm thức ăn cho cha mẹ.

   Một hôm thằng Mò đang đứng trên lưng trâu nhìn đoàn xà lan chở than ngấp nghé ngoài sông Cái, bỗng thằng Qủi hét lên:

  • Con Hồng chết đuối rồi! Chúng mày ơi, cứu nó!

Bọn trẻ đứng trên mỏm đất cao nhốn nháo chỉ trỏ xuống nơi con Hồng đang vùng vẫy, không đứa nào dám nhảy xuống cứu. Bỗng thấy một cái đầu nhô lên. Đúng là thằng Mò rồi! Con Hồng được đưa lên chỗ khô, mặt tím tái, nước đầy bụng. Hắn xoay người cầm hai chân lên vai, cõng ngược người đuối nước rồi chạy vòng quanh. Nước trong bụng ộc ra nhưng cô bé vẫn chưa tỉnh. Không biết học ở ai, thằng Mò bắt đầu xoa bóp lồng ngực, lấy hết sức hà hơi vào miệng cho con bé gặp nạn. Làm đi làm lại mấy lần, có lẽ phải đến dăm phút, mặt Hồng mới đỏ lên rồi tỉnh lại. Bọn chúng reo lên: “Con Hồng sống rồi”.

Sau vụ tai nạn, bố mẹ Hồng sợ quá, bán hết trâu. Thành ra Hồng không còn được đi chăn trâu nữa. Đi học về vẫn ghé ra chơi với bạn, song chỉ thỉnh thoảng thôi.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc cô bé phổng phao lớn lên trong mắt mọi người, biến thành cô thôn nữ lọ lem xinh đẹp. Mái tóc đen nhánh, mượt mà dài tận chấm mông. Dáng người cân đối, yểu điệu. Con gái nông thôn mà làn da như trứng gà bóc. Đôi mắt bồ câu trong veo, ánh lên tựa vì sao.

Trong một lần thách đố thi bơi, thằng Mò không bơi bình thường mà hắn trổ tài lặn qua bụng trâu, giống như loài rái cá. Đợi lâu, không thấy thằng Mò ngoi lên mặt nước. Cả đám hoảng loạn kêu ầm ĩ, cho đến lúc kéo trâu lên bờ thì thằng Mò mới lềnh phềnh nổi lên. Sau vụ ấy, nghe nói bố và các anh trai đưa nó đi chữa nhiều nơi nhưng không cứu được chân nó lành lặn như trước. Trâu đè, một bên xương chậu bị vỡ, lâu ngày cứng ngắc không cử động được. Bình thường hắn vẫn đi lại, nhưng khó khăn lắm. Muốn di chuyển, chân bên trái như chiếc gậy đỡ, chân bên phải nhảy lên. Thành ra mỗi lần hắn đi, người cứ nhấp nha nhấp nhô. Do vận động nhiều, mông bên phải phát triển. Ngược lại mông bên trái teo đi, không đủ thịt ở mông để ngồi ngay ngắn, thăng bằng. Anh trai cả mua cho chiếc võng Duy Lợi nửa nằm, nửa ngồi, cu cậu cười tít mắt. Ở nhà, không làm việc gì, hắn nằm trên giường hoặc ngả người trên võng. Ra ngoài cánh bãi, hắn nằm nghiêng trên dốc đê hoặc dốc mương. Lúc đó, cu cậu mắt đăm đăm chiêu chiêu ra chiều đang suy nghĩ đến điều trọng đại.

Tình cờ, có một tay lái trâu đi ngang qua cánh bãi. Ngắm ba con trâu, ông ta buột mồm kêu lên: “Nhà nào nuôi mấy con trâu thế này, không tan cửa cũng nát nhà mất thôi”. Người anh thứ hai hỏi vì sao, khách bảo: “Này nhé: Đầu tang, xoáy tóc, hàm xà/ Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi. Còn con kia có một cục u giữa trán giống như con mắt thứ ba, gọi là Tam trinh, thuộc loại trâu điên”. Nghe vậy, thằng anh sợ hết hồn. Không lẽ vì mấy con trâu này mà em út nhà mình bị nạn ư, đúng là trâu sát chủ. Hôm sau gọi khách bán luôn.

     Mò không muốn đi học nữa, mặc cảm tàn tật, sợ chúng bạn cười. Cu cậu suốt ngày loanh quanh ngoài cánh bãi, chăn trâu, mò cua, bắt ốc. Đến khi bố và anh bán trâu, thằng Mò trở thành “thất nghiệp”. Hắn như người mất hồn, lang thang khắp cánh bãi, thỉnh thoảng mới mò về nhà.

   Không biết ai xui, đứa con tàn tật nài nỉ với bố mua cho đàn vịt để nuôi. “Cầu được ước thấy”, người bố mua một đàn năm mươi con loại ba ngày tuổi cho con trai nuôi. Đàn vịt con như những hòn tơ vàng óng lăn trên bãi bồi xanh ngắt trông thật đẹp mắt. Mò chăm chút đàn vịt tựa người cha chăm sóc đàn con thơ. Ngoài thức ăn tinh, cu cậu tích cực đào giun kết hợp cho vịt xuống nước mò tôm tép ở bãi bồi bổ trợ thêm bữa ăn. Đến nỗi ông bố ra thăm, không nhận ra đàn vịt mình mua trước đó mới hai tuần tuổi. Không biết thằng con chăm sóc thế nào, phút chốc đàn vịt lớn như thổi, đẹp long lanh.

Ông bố trước kia cũng tham gia kháng chiến nhưng rồi thương tật, trở về địa phương xây dựng kinh tế. Ông thấy lợi thế khu đất bãi, lập tức ra lệnh cho hai cậu con trai lớn cấp tốc mua vật liệu dựng một cái lều khá to, chắc chắn, có chăn màn, giường ngủ cho con trai út. Ông bố mua lưới B 40 rào lại, quây cót xung quanh đàn vịt. Mò tưởng mình nằm mơ, ngất ngây với cơ ngơi mà nó chưa từng nghĩ đến. Bây giờ cu cậu yên tâm ở hẳn ngoài “trại”. Bãi bồi là vương quốc của Mò. Niềm hạnh phúc của Mò lên đến tột đỉnh khi có cơ ngơi riêng, được làm công việc mình yêu thích. Hàng ngày người mẹ gánh thức ăn cho vịt kèm theo phần ăn cả ngày cho con trai. Trong nháy mắt thằng Mò lên tiên!

    Được mười tuần tuổi, đàn vịt chéo cánh đủ béo, ngon mồm, ông bố cho gọi bọn con buôn đến, bán hết để nuôi lứa khác. Thời gian trôi nhanh, Mò không nhớ đã nuôi được bao nhiêu lứa vịt.

     Mò bắt đầu trổ mã, người cao lớn, đẹp trai giống như anh cả. Chỉ tội cho hắn nửa người bên dưới không phát triển bình thường, bước đi xiêu vẹo, lắc lư, ngất ngưởng.

    Mò làm một cây gậy, không phải để chống, có lẽ để chỉ huy đàn vịt chăng? Hắn chọn cây gỗ tốt, thẳng, vót tròn, cao hơn đầu người một chút. Đầu gậy nhọn hoắt như mũi thương, bên dưới là chiếc ngù vải đủ màu sắc, gắn thêm một chiếc lục lạc đồng. Mỗi bước chân của ông chủ vịt, cây gậy vung lên, lục lạc đồng kêu leng keng như ngựa phi. Xa xa trông thấy đàn vịt ngỡ tưởng mấy con ngựa trắng với cây trường thương của Triệu Tử Long, một hổ tướng thời Đông Hán bên Tàu.

     Cũng thật lạ, không biết huấn luyện đàn vịt thế nào, mỗi lần Mò dựng cây “trường thương” y như là đàn vịt ngỏng đầu lên nghe ngóng, biết phải di chuyển chỗ ăn, ào ào xô nhau đi. Thằng Mò đi sau nhảy nhót như đang múa võ. Hắn chọn cho mình một vạt cỏ sạch bên bờ mương, hạ thương rồi nằm nghỉ, ngắm mây bay hối hả, nghe côn trùng gảy đàn sáo? Đàn vịt biết mình đã đến nơi ăn, liền tản ra, thi nhau chổng mông, cắm đầu xuống nước để mò, bắt đầu cho cuộc mưu sinh mới. Sau khi no nê, vài con thong thả bơi lội, mấy con đứng rỉa lông rồi quang quác ngơ ngẩn ngắm nhìn thế giới bãi bồi, một vài con nằm nghỉ như ông chủ của mình…

      Cái lần ông bố vừa bán đàn vịt hôm trước, hôm sau con trai út biến mất. Cả nhà chia nhau đi tìm. Anh trai cả làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã, trúng Hội đồng nhân dân, đang được đề cử Phó Chủ tịch xã. Anh trai cả nhờ mối quen biết, đặt vấn đề với bên Công an. Ngay lập tức hơn chục người tìm kiếm khắp cánh bãi, thậm chí qua đò sang cả bên kia sông Cái hỏi thăm. Suốt một ngày tìm kiếm, Mò mất tăm không để lại dấu vết gì.

    Sang ngày thứ ba, mọi người chán nản, không buồn tìm kiếm nữa, nhưng bố và hai anh trai không buông đứa em tội nghiệp. Họ ra bờ sông Cái quăng câu, may ra vướng xác thằng Mò chìm đâu đó dưới đáy sông. Mãi đến gần trưa bà mẹ chạy ra bờ sông báo tin: “Thằng Mò đã về”. Nói được có thế, mệt quá bà ngất luôn.

      Đương nhiên Mò xin lỗi cả nhà, xin lỗi mọi người đã lo lắng, mệt mỏi vì nó. Hắn đưa ra vô số lý do: Nào là vội quá không nhắn lại cho ai được; nào là lâu nay khao khát muốn nuôi vịt đẻ trứng thương phẩm, chỉ sợ đề xuất ra mọi người ngăn cản, hỏng việc; nào là đi học hỏi kinh nghiệm xong mới về báo cáo; nào là đến được Chợ Bến mới được một ngày đã nảy ra dự định nuôi các loại giống vịt nổi tiếng như vịt Chiết Giang, vịt Đại Xuyên, vịt trời, nuôi cả vịt đẻ sinh sản, mua lò ấp trứng... Chàng trai trẻ định sẽ liên kết với nhiều cơ sở để phát triển kinh tế. Mò cho biết chỉ đi có một chuyến mà không biết bao nhiêu điều phải làm, phải hành động trong thời buổi ai cũng nói tới 4.0. Để làm được điều đó, con người giàu nghị lực này nói sẽ thầu hết cánh bãi, có khi phải thành lập cả công ty… Thật là đi một ngày đàng học một sàng khôn!

        Nghe xong lời giãi bày, không ai còn thèm trách Mò nữa. Thấy con có ý chí làm ăn, vượt qua rào cản bệnh tật, bố mẹ mừng quá mà rơi nước mắt. Nhân vụ này anh cả thông báo luôn, Ủy ban Nhân dân xã đang lập phương án giãn dân thành một xóm mới ngoài cánh bãi, không ảnh hưởng gì đến việc bảo vệ đê điều của Nhà nước. Gia đình ta có một suất dành riêng cho chú Mò. Ông bố cũng tuyên bố cho con út một nửa số tiền bán trâu và toàn bộ số tiền bán vịt từ ngày bắt đầu khởi nghiệp để làm vốn phát triển. Số tiền đó ông đã gửi Ngân hàng. Ông giơ cho mọi người thấy quyển sổ tiết kiệm. Nay mai có đất cát được chia, nhà cũ phá đi, ông xây cho con trai út ngôi nhà mới khang trang.

   Đứa cháu gái con anh cả đứng bật dậy, khiến cả nhà ngơ ngác:

    - Thế bao giờ chú Mò lấy vợ ạ?

 Một câu hỏi thật nghiêm chỉnh, không ai dám cười, anh thứ hai, cán bộ Thủy lợi trên huyện đứng lên đỡ lời cháu:

- Cháu Liên bé như cái kẹo mà còn lo cho chú Mò. Chắc chú và mọi người đã nghe thấy. Nếu cuối năm chú lấy vợ, vợ chồng anh sẽ tặng chú thím một dàn máy vi tính. Trước mắt biếu chú chiếc máy điện thoại anh đang dùng.

Mò phản ứng ngay:

    - Thế ra em xài đồ cũ à?

    - Không đâu, máy xịn, đắt tiền, anh mới mua. Điện thoại này, chỉ ngồi ở nhà để liên hệ, làm việc với các đối tác. Từ nay em không phải chạy vịt đồng nữa.

       Mọi người ồn ào trò chuyện, không ai để ý bên hồi nhà có một cô gái đứng nghe, lòng cảm phục khiến cô rưng rưng ngấn lệ.

      Cô gái ấy chính là Hồng. Lúc mới gặp, gã xe máy đâm vào Mò, hắn cứ tưởng cô là người đi đường, mong cô đứng ra làm chứng. Cũng thật lạ, bấy giờ cô đã hai con rồi mà người cứ phây phây như gái chưa chồng. Ra đường thấy cô bán trứng, ai cũng sà đến mua. Khen trứng nhà cô đẹp, ngon hút mắt, quả to, tròn mây mẩy. Hết khen trứng, lại xăm xia nhìn vào bộ ngực căng mẩy của người bán. Những lúc như thế, sống lưng cô như có con gì bò, nổi hết da gà, má ửng lên, thẹn thùng. Vốn hiền lành lại nhút nhát, cô không biết nói sao, chỉ biết giục khách mua nhanh đi, còn về… Đó là lúc cô đã lấy Mò, có hai đứa con đẹp như trong tranh. Gia cảnh chưa bằng ai nhưng vợ chồng thương nhau, chịu khó làm ăn, con cái ngoan ngoãn thật là hạnh phúc quá chừng. Biết người ta hoa đã có chủ, con cái đề huề, vậy mà đi đến đâu, đám đàn ông háu gái vẫn bâu lấy cô như ruồi với mật.

    Thời con gái, còn đi học, biết bao trai làng, các bạn trai cùng khóa cũng như các anh trên khóa theo đuổi Hồng. Nhưng cô gái đẹp này chưa một lần gửi tín hiệu cho họ. Sau cái hồi Mò cứu Hồng đuối nước, hai đứa chơi rất thân với nhau. Đến khi bố mẹ Hồng bán mất trâu, hai đứa thi thoảng mới gặp. Hôm nghe tin Mò gặp nạn, Hồng chạy đến tận nhà ôm lấy chân bạn mà khóc tu tu. Tình bạn đó bền chặt theo thời gian năm tháng. Những lúc nói chuyện với Hồng, Mò không còn mặc cảm tị tư vì tàn tật. Chàng trai thầm cảm ơn cô bạn gái đối xử tốt với mình khiến anh tin yêu cuộc đời hơn, vượt qua nghịch cảnh của mình. Trong mắt Mò, Hồng là tiên nữ giáng trần xinh đẹp và tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, nhiều lần, ở gần Hồng, chàng trai lại thấy gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời.

    Vào năm cuối phổ thông, tự nhiên Hồng trở thành thiếu nữ duyên dáng bội phần. Mặc dù thể chất chưa bằng các chị lớn nhưng ở cô lại có khuôn mặt khả ái, miệng cười tươi hơn hoa, đôi mắt hút hồn. Giá như ở thành phố người ta sẽ tưởng cô là tiểu thư con nhà giàu, đài các, kiêu sa. Ở chốn quê mùa, cô gái nổi bật so với các bạn cùng trang lứa. Đám con trai trong trường thầm thương trộm nhớ Hồng đến mức mất ngủ, quên ăn, chẳng thiết ngó ngàng đến sách vở. Lúc nào đôi mắt bồ câu đen lay láy, nụ cười của bông hoa đồng nội cứ in đậm trong tâm trí các chàng trai. Những kẻ si tình đó săn đón, gây chú ý người đep mọi lúc, mọi nơi. Nhiều cuộc chiến chinh phục hoa khôi diễn ra. Có lúc âm thầm song cũng có lúc xô xát. Sự tranh giành, ghen tuông vô bổ của lũ “chíp hôi” không chỉ xảy ra ở trường học mà còn ở cả thôn xóm. Dù trái tim Hồng chẳng vướng bận gì đến các gã tình si ấy nhưng cô học sa sút.

      Khi biết tình cảm của Hồng đã dành hết cho một gã què chăn vịt ngoài cánh bãi thì những gã trai quê si tình như phát điên phát cuồng. Chúng liên kết, thề với nhau sẽ tàn sát hết đàn vịt, thậm chí đập nốt cái chân còn lại của thằng Mò khiến tình địch không thể đi lại được với người đẹp.

     Mò cứ ung dung trong vương quốc của mình, chẳng màng đến thế sự ngoài kia, chẳng biết cần biết có một trái tim của cô gái đang thổn thức vì mình. Đương nhiên, chàng trai càng không biết đến một tai ương sắp ập xuống đầu. Hắn vẫn cứ yêu thương đàn vịt của mình, say sưa làm công việc hằng ngày.

Vào tầm giữa một buổi sáng, trời trong veo, thăm thẳm như mắt thiếu nữ tuổi trăm rằm. Các nàng mây diện những bộ váy hợp mốt đi lễ hội. Đàn cò trắng chao lên liệng xuống để trình diễn những tiết mục nghệ thuật. Những con trâu lông đen mượt, béo núng nính thong thả gặm cỏ, thỉnh thoảng hếch cái mõm lên cười. Đàn vịt khoác chiếc áo màu trắng cứ bì bạch chạy kết chỗ này sang chỗ khác…

Bỗng đột ngột Hồng xuất hiện. Mò lên tiếng:

          - Vào giờ này đang học, sao Hồng lại ra đây?

Cô bạn gái trả lời:  

- Em không học nữa.

          - Sao lại thế? Em đang học tốt lắm cơ mà. Thôi cố lên, vài tháng nữa lấy bằng cấp 3 rồi.

          - Nhưng em không thích.

Nói xong cô ù té chạy. Mò gọi với theo hỏi “Tại sao”. Người con gái lắc đầu quầy quậy, mái tóc dài lắc lư, lắc lư để cho người ở phía sau ngẩn ngơ ngơ ngẩn.

       Thời gian sau, một quả “bom” nổ ngay giữa làng Trầm. Sức nổ của nó không chỉ phá toang bầu tĩnh lặng lâu nay trong làng mà nó còn rung lắc đến tận trường Trung học phổ thông, nơi mà các nạn nhân là những chàng trai si tình, một thời ve vãn, đeo đuổi bóng hồng trong mộng.

     Ngòi nổ quả bom ấy rất nhỏ và đơn giản đến mức không tưởng - chỉ là một đĩa trầu cau mười miếng của gia đình nhà Mò đến chạm ngõ gia đình nhà Hồng, khẳng định hoa hồng đã có chủ, chờ thời gian thích hợp sẽ làm đám cưới. Còn bây giờ, hai gia đình hi vọng, “hiệp sĩ” Mò với cây “trường thương” trứ danh của Triệu tử Long sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ người yêu bé nhỏ của mình.

       Sau buổi ăn hỏi, bản thân Mò cũng không hiểu tại sao mình lấy được vợ trong khi thương tật thế này? Một điều mà trong mơ Mò cũng không dám mơ tới chứ đừng nói là tỉnh. Điều ấy có quá đáng không, có tàn nhẫn không? Có công bằng với cô ấy không? Mình có ích kỷ, tham lam quá không? Mình là “đũa mốc” mà đòi chòi “mâm son” sao? Một người con gái đẹp người, tốt nết, thông minh, hoạt bát… hơn đứt mình về mọi mặt lại đồng ý lấy mình ư? Chính mình là người tạo nên bất công cho Hồng! Không thể cưới cô ấy! Không thể được! Không! Nhưng… Mình khao khát cô ấy, mình yêu cô ấy! Làm sao có thể chối từ cám dỗ hấp dẫn này khi thực lòng mình yêu cô ấy?!

Mò dằn vặt nhiều đêm. Trăn trở. Nghĩ suy. Chàng trai đánh liều hỏi thẳng Hồng nhưng nhất quyết cô gái không chịu nói ra. Điều lạ ở chỗ, Hồng thiết tha mong muốn nhà trai đồng thuận. Cỗ bàn bên nhà gái, bố mẹ cô sẽ lo liệu. Hồng cam đoan với hai họ, cô chưa làm điều gì xấu xa, hư đốn mà phải vội vã lấy chồng! Đám cưới này, cô tự nguyện.

      Cuối cùng, ngày vu quy cũng đã đến. Trong đêm động phòng, Hồng mới giải thích thắc mắc của chồng:

      - Đời con gái của em, chưa có một người đàn ông nào chạm được vào người. Chỉ duy nhất có một chú bé thôi. Em thề lớn lên sẽ lấy cậu ấy làm chồng.

- Ai vậy?

- Anh không biết sao?

     - Em không nói, làm sao anh biết được.

     - Thực ra, lúc ấy em cũng không biết, nhưng mãi sau này người ta nói lại, em mới biết người đó chính là anh.

    - Anh chạm vào em hồi nào?

     - Cái hồi đuối nước ấy. Anh xoa bóp ngực em, ghé môi vào môi em…

     - Lúc ấy còn nhỏ mà.

     - Nhưng em là con gái!

    Ngoài trời, các vì sao lấp lánh. Cái đĩa vàng trốn trong đám mây rồi tỏa sáng. Ánh trăng chảy tràn trên mọi nẻo đường. Ở vườn, cấy cối uống sương đêm và hớp ánh trăng. Trong chuồng, vài con vịt mơ ngủ kêu quàng quạc rồi đi vào giấc ngủ ngon lành. Trong phòng tân hôn, đôi tân lang, tân nương trào dâng bao cảm xúc.      

                                                         Những ngày Covid ở nhà

                                                                 1- 10/4/2020


    
       

       
       HOA XUYẾN CHI
                                                                                                                                     Truyện ngắn của Hồ Bá Thược
 
     Sinh ra, bố mẹ đặt tên cho con là Đoài - Khuất Quang Đoài. Mọi người nói ở xứ Đoài đương nhiên mang tên Đoài cũng là lẽ thường tình.
Bên Đông, có người anh họ sinh ra trước Đoài, chỉ hơn chục ngày tuổi đặt tên là Đông, thành ra họ Khuất có cả Đông lẫn Đoài. Dân tình xứ Đoài thắc mắc họ Khuất đã có nhiều chi, nhiều nhánh; thế lực đã mạnh, bây giờ còn muốn vươn sang cả xứ Đông nữa hay sao? Họ mạc đã vậy, trong gia đình bố mẹ nào cũng vậy muốn con cái gắn bó với họ hàng, chòm xóm. Nếu đã “cột” chân ai vào xó nhà hay xó đình là chẳng thể đi đâu được.
Nhưng sự đời hay bị tréo ngoe. Cùng học với Đoài, thằng Tính con ông Tình cao to, đẹp trai trông tướng mạo lắm. Thằng này ra đường, hắn thâu tóm hết thiên hạ cho mà xem. Mọi người thấy hắn thập thò đầu ngõ, đều có chung một suy nghĩ như vậy. Đến khi hắn đến tuổi trưởng thành, địa phương hai ba lần gọi nghĩa vụ quân sự, hắn trốn sau cánh cổng, có sự hỗ tích cực của đàn chó dữ, không ai dám vào nhà kể cả chính quyền địa phương. Nhờ chó thằng Tính cả đời ôm đít vợ không xa xứ Đoài lấy nửa bước.
Còn thằng Nhởi đi đứng kiểu chấm phẩy. Một tay chống vào hông, nghênh ra phía trước, còn lại tay kia vung vẩy phía sau, thành ra dáng đi của nó nghiêng nghiêng, giật cục, như thể có người muốn ngáng chân hắn lại.
Ý chí con người không ai đoán trước được điều gì, nhưng với bộ dạng như thế, mọi người bảo thằng Nhởi không bao giờ thoát khỏi đít trâu nhà nó. Nhưng thật không ngờ, nó bỏ làng ra đi, nghe nói  vào mỏ vàng Bồng Miêu rồi ra mỏ đá rubi Quỳ Châu, lần mò lên mỏ đá quí Lục Yên.
Cũng thật lạ những người giàu có người ta thường đến với vàng bạc, châu báu. Còn hắn một con người dị tật, nghèo, dám mò đến nơi cao sang vời vợi. Không biết làm ăn hay cướp giật kiểu gì, trong thời gian ngắn, hắn có rất nhiều tiền, liền bỏ nghề vàng bạc đá quí, buôn bán sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan… Bỗng chốc trở thành đại gia. Hắn quay về làng bỏ ngay con vợ cũ nhà quê, lấy con vợ mới, đẹp như hoa hậu nhất nhì thành Sơn Tây. Mở luôn hai siêu thị lớn trên phố xứ Đoài. Đấy, một con người tưởng ru rú xó nhà, nào ngờ hắn đi khắp thiên hạ, bôn ba ra thương trường quốc tế?
Còn Đoài, bố mẹ chỉ giữ được chân khi cậu còn tuổi học trò. Đến khi học chưa xong lớp bảy, chiến tranh lan rộng ra cả nước, cậu theo đoàn quân lầm lũi đi về phương Nam. Hắn xa xứ Đoài từ ngày ấý.
Trong suốt thời binh nghiệp cũng là thời kỳ chiến tranh loạn lạc, bom đạn đã không làm gì được hắn, mặc dù ở đâu có bom đạn là hắn lăn đến. Đó là nghề nghiệp sinh tử, không phải ai cũng muốn làm. Về quê, đi đâu hắn cũng khoe khoang chiến tích chết người đó. Dân làng mỉa mai nói chỉ có họ Khuất mới làm được việc mạo hiểm đó mà thôi(!)
Cấp trên bảo với hắn:
- Cậu đã có hai mươi năm thâm niên. Nếu ra quân ngay bây giờ chỉ có tiêu chuẩn phục viên, hưởng chế độ một lần. Cậu cố gắng chờ dăm năm nữa là đủ năm tháng tuổi hưu. Cho phép cậu lựa chọn.
- Dạ, em xin  về “hưu non”, hưởng chế độ một “cục”. Các cụ nhà em khi còn sống muốn em ở xứ Đoài cả đời. Bây giờ nếu em được về, các cụ dưới suối vàng chắc mãn nguyện lắm.
 Thực lòng Đoài cũng như nhiều người khác không dại gì ra quân trong khi chỉ còn mấy năm nữa là đủ ngày, đủ tháng. Làm suất lương hưu đâu phải dễ. Với lại ngần ấy thời gian, lên một cấp là cái chắc. Vừa lên quân hàm vừa được về hưu ai bảo không ham, nhưng cô vợ ở quê hối thúc quá:
- Đây là thời cơ có một không hai đấy,bố nó ạ.
Nghe vợ nói qua điện thoại, Đoài đâm hoang mang. Từ trước tới nay, vẫn nghĩ vợ mình “quê một cục”, chỉ được cái ngoan hiền thì không ai bằng. Giữa thời ngổn ngang chụp giật, lừa đảo như chảo chớp mà vợ dám ra“tuyên ngôn” với chồng: “Đây là thời cơ thế này, thế nọ…” Nếu như lời dự báo của vợ Đoài là hiện thực, quả nhiên cô ta hơn đứt chồng là cái chắc?
 Nhưng ở nơi xa xôi cách lế, nói một câu có phải là xong đâu. Cũng phải bàn bạc thấu tình đạt lý. Có khi vợ chồng không bình tĩnh, nổi xung lên ấy chứ. Nhưng vợ chồng nhà Đoài chắc không đến nỗi họ phải to tiếng với nhau đâu. Nhưng nói gì thì nói Đoài vẫn chưa thật sự yên tâm khi con đường công danh đang rộng mở trước mặt, mà con vợ một mực ép chồng về “hưu non” nghe nó thế nào ấy. Lần trước về tranh thủ thấy vợ bây giờ thay đổi nhiều, ăn mặc chải chuốt, sinh hoạt giường chiếu có vẻ đam mê hơn trước. Vì vậy mới sinh ra tính ghen tuông, sợ chồng còn ở trong quân ngũ, một khi đã “rửa tay, gác súng” sinh ra lắm chuyện bậy bạ? Vợ Đoài biết chồng mình hay có tính “dại gái”, hễ thấy đàn bà con gái là mắt tít lại chẳng biết trời đất gì nữa.
Việc đi hay ở dày vò Đoài đến hàng tuần lễ. Cuối cùng hắn báo cáo xin thủ trưởng tranh thủ phép ba ngày về nhà bàn với vợ con “chuẩn bị hậu phương”.
Nhìn bữa cơm vợ dọn ra, Đoài giật mình. Trong mâm bầy không nhiều món, nhưng đều món ngon cả: thịt gà luộc, gà rán, cá sốt cà chua, giá đỗ sống, chai rượu quê nút lá chuối…Người trong cuộc có cảm giác bữa ăn dành cho cô dâu, chú rể trước khi động phòng…Đoài không nhìn vợ, hỏi trống không:
- Thế con và các cháu đâu?
- Vợ chồng con cái chúng nó về bên ngoại có chút việc cả rồi. Thế anh không muốn vợ chồng mình sống tự do một đêm hay sao?
- Em nói gì mà lạ thế? Một đêm là thế nảo? Thôi ta ăn cơm đi, anh đói quá rồi - Liếc qua bộ dạng của vợ, thầm nghĩ: Quái lạ, vợ làm sao ấy nhỉ, không lẽ cô ấy định lấy vợ hai cho mình, hay còn điều gì khác? Không nghi ngờ gì nữa cô ấy đẹp lên nhiều: tóc vấn cao, kẹp bằng một cái nơ phía trên gắn đá óng ánh nhìn hoa cả mắt. Bộ đồ nửa mặc trong nhà, nửa phòng ngủ, hoa văn màu đỏ, nền vải đen nâu, nền nã. Nước da hơi ngăm ngăm nhưng tươi tắn, đằm thắm lắm. Không lẽ tuổi bốn mươi cô ấy còn đẹp hơn thời con gái? Không chừng đang tái xuân? Thiên hạ đồn rằng đàn bà vào tuổi này khác gì con hổ cái!
- Kìa anh, không ăn đi còn ngồi ngẩn ra thế? Hay đang nghĩ đến cô nào phải không? Đoài đỏ mặt (đúng là đang nghĩ đến cô nàng đấy!) Rồi ầm ờ vớ lấy chai rượu làm luôn hai chén. Vợ giằng chai ra, bảo uống ít còn đi ngủ. Nghe vợ nhắc đến chuyện ngủ, Đoài hào hứng hẳn lên, đến nỗi vợ gắp vào bát miếng nào, đều chén sạch miếng ấy. Vợ Đoài thấy thế cười tủm tỉm.
Đúng lúc nàng đi vào bếp, Đoài tranh thủ làm thêm ba chén nữa. Tăng thêm chút men, lấy lại được phong độ nhà binh, liền hô bài ca cũ mèm:
- Điều lệnh nhà lính:Thứ nhất là lính xa nhà… Nhàn đỏ mặt:
- Từ từ đã anh, em sẽ cho anh cả đêm, ông tướng ạ.
- Anh không muốn làm ông tướng. Quanh năm suốt tháng, lúc nào cũng kè kè vợ con bên mình, còn gì là thú vị nữa. Anh chỉ muốn làm lính thôi.
- Vâng, anh là lính xa nhà hai mươi năm rồi đấy, liệu có… “tráng” được nữa không? Thôi được, anh ra bên cửa sổ cùng em ngắm ngoài trời có điều gì thú vị không?
Nàng xích lại gần, Đoài ôm lấy vai vợ, cả hai tựa ngực vào chắn song cửa sổ, nhìn vào bầu trời đêm. Một cơ thể ấm nóng và mùi thơm đặc trưng đàn bà vừa ngậy vừa nôn nao. Bao lâu rồi Đoài mới cảm nhận được hương vị đằm thắm ấy của vợ.
 Một luồng gió se se đầu xuân từ dưới khe tạt sang khu đổi mang theo hơi ẩm, pha lẫn mùi ngai ngái của hoa Xuyến chi:
- Khu đồi liền kề - Nàng thì thào như sợ ai đó trong bóng đêm nghe thấy - Khu đồi liền kề với nhà ta đã nhiều năm bỏ hoang hóa từ ngày HTX tan rã. Em nhìn thấy xót xa quá. Sang năm, họ bầu Hội đồng nhân dân các cấp. Bộ máy ủy ban xã thay đổi lớn. Bí thư, chủ tịch và một số ban ngành đều là người họ Khuất nhà ta liên tục làm ba bốn khóa rồi. Những gì liên quan đến kinh tế, đất đai còn tồn đọng là họ giải quyết hết. Phần vì quyền lợi của họ hàng, phần cũng vì lợi ích của các bác ấy nữa. Em đã thăm dò ý tứ bác bí thư, bác chủ tịch rồi, họ ủng hộ nhà ta thầu khu đồi, ưu tiên gia đình bộ đội. Mấy năm nay em đã âm thầm đào thử nhiều hố sâu, lấy đất về trồng thử các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả và rau dưa, khẳng định đất dưới khu đồi bỏ hoang kia trồng trọt được.
 Những ngày anh ở chiến trường, em thường đứng bên cửa sổ này nhớ anh. Có một lần em tò mò muốn tìm ngôi sao sáng nhất của chúng mình năm xưa. Lúc ấy anh bảo ngôi sao sáng nhất là đôi mắt của tình yêu. Nhưng bây giờ nó nhoè đi đâu mất. Còn nữa các ngôi sao khác em cảm tưởng có một màng nước bao bọc, làm nhòe đi. Có phải nước mắt hay hơi ẩm vùng đồi mà em đang mơ ước thành kho nước, nay mai cây cối sẽ xanh tươi? Có phải em kỳ vọng quá không anh? Anh hãy về nhà cùng em, biến vùng đồi này thành ốc đảo xanh tươi. Đó là ước mơ lâu nay của em. Anh thấy sao?
Nàng ngả đầu vào vai chồng. Chiếc trâm cài trên đầu vô tình khẽ chạm vào da cổ, khiến Đoài thấy kích thích đến tột cùng.
 - Anh chẳng thấy gì ngoài những bông hoa Xuyến chi ướt đẫm sương đêm. Dù là nhỏ nhoi và thấp bé thôi nhưng nó cũng kiêu hãnh lấp lánh với các vì sao trời. Hình như tuổi thơ chúng mình lớn lên cùng với loài hoa Xuyến chi?
Ngày ấy, Đoài nhớ lại đêm trước ngày ra trận, họ rượt đuổi nhau trên thảm hoa xuyến chi đẫm sương, lấp lánh như tuyết. Họ chạy từ sườn đồi bên này sang sườn đồi bên kia. Hết đồi, chạy xuống thung lũng rồi ngược về vùng đồi. Họ đang dượt đuổi như những người yêu nhau, hay chuyện gì đang xảy ra? Nếu là đôi tình nhân một đêm đẹp trời lại vắng vẻ thế này là lãng mạn lắm. Ít ra cô gái phải giả vờ chạy chậm để chàng trai bắt được. Đó là cớ họ ôm hôn nhau trong lúc cả hai đang khao khát? Còn nếu cô gái muốn tiến xa hơn nữa trong vòng tay người yêu, lập tức ngã lăn xuống bãi cỏ khiến chàng trai ngã theo. Đó là cách thông thường khi yêu nhau họ biết phải làm gì? Hay là họ thương xót hoa xuyến chi bị đè nát trên đồi hoang mà không muốn sự việc đáng yêu ấy xảy ra?
- Lúc ấy, em mải nghĩ mình là học sinh chạy nhanh nhất trong giờ tập thể dục thể thao của trường, không nghĩ để anh bắt được. Đến lúc nhớ ra ngày mai anh lên đường nhập ngũ, phải nói điều gì với anh chứ? Nhưng lúc ấy đã quá muộn vì hàng rào nhà em  ở  ngay trước mặt.
- Hình như em sợ anh phải không?
- Sao em phải sợ anh?
- Có thể em nghĩ ngày mai ra trận, anh sẽ đòi hỏi nơi em một điều gì đó thật sâu sắc như nhiều lứa đôi họ đã từng làm?
- Thế anh nghĩ, em sẽ cho anh điều gì?
- Điều ấy chỉ mình em biết thôi.
-Anh đừng tưởng tượng quá đi như vậy. Chúng mình chơi với nhau từ bé, lớn lên cùng đi học và hai nhà chỉ cách nhau một khu đồi. Giữ gìn được với nhau là điều quí. Anh ra đi bao lâu em vẫn chờ, tất cả là của anh. Bây giờ em chỉ cho anh một nụ hôn thôi, nhưng vì đèn nhà em chiếu ra ngoài này sáng quá…
- Không sao đâu, cho dù ánh đèn nhà em hay sấm chớp bây giờ nổ ra trên vùng đồi này anh vẫn cứ hôn em.
Lúc hai người dựa vào cột hàng rào để thực hiện nghi thức tình cảm đầy lãng mạn, bỗng nghe rầm… một tiếng. Hàng rào đầy hoa bìm bìm đổ. Hai người tưởng một góc đồi bị sập. Cũng may nhờ thảm hoa bìm bìm đỡ cho nên cú ngã không gây đau đớn cho hai người, nhưng dây dợ bùng nhùng không sao thoát được. Bất ngờ hai chú chó dữ lao ra chào đón, chủ và khách mới ra khỏi bụi dây nhưng chàng trai được tặng một cú ngoạm toạc quần từ mông xuống đầu gối. Cô gái hoảng hồn kêu cứu. Nhưng hai hung thần của  cô tưởng được chủ nhà khuyến khích nên tiếp tục lao vào nghênh chiến. Chàng trai khốn khổ lộn mấy vòng rồi lăn xuống thung lũng mới thoát được sự chào đón quá mức của hai kẻ phá đám.
- Em hoảng sợ không biết anh có bị thương ở đâu không. Vừa chạy vừa gọi anh trong nước mắt, nhưng khu đồi vô tình đến câm lặng. Sáng hôm sau em lên chỗ tập trung tân binh vẫn không thấy anh, chạy sang bệnh viện cũng không, hình như anh tìm cách trốn em?
- Anh không trốn nhưng chỉ thấy xấu hổ thôi nên không muốn gặp em.
- Hai năm sau anh mới viết thư về cho em. Lúc nhận được thư, không biết nên mừng hay giận đây? Tính thù dai của anh có từ bao giờ mà sao gan lỳ đến thế? Nhưng nghĩ lại thấy thương và tội cho anh nhiều hơn. Thời gian yêu em, anh đã được gần em đâu, thậm chí một cái hôn cũng không? Em hỏi thật anh nhé, có phải vì chuyện đó mà anh giận em hay tại mấy con chó tấn công làm anh sợ hãi?
- Cũng phải công nhận cả hai. Nhưng điều đáng sợ nhất với anh là bị gãy chân hay bị thương ở đâu đó, lỡ mất đợt nhập ngũ. Hơn nữa đợt ấy họ tuyển thẳng bộ đội đưa vào chiến trường,lâu nay anh đang ao ước. Chuyện xảy ra không hay ho gì, nếu lộ ra bạn bè biết sẽ chê cười? Còn nữa, vào trong ấy nghĩ lại, thấy chuyện chúng mình thật không công bằng chút nào. Thằng Tính nhờ chó dữ mà hắn được gần vợ, gần con, không phải xa xứ Đoài. Còn mình vì hai con chó dữ, anh xuýt mất người yêu và còn phải đi xa.
- Anh đừng nghĩ thế, trong mắt em anh là chàng trai tốt, sau này là người chồng tốt. Không có mối tình nào thú vị như của chúng ta. Nếu hai chú chó nhà em còn sống, không chừng anh còn phải cảm ơn chúng rất nhiều nữa đấy, vì sự trung thành và một mực bảo vệ em. Nếu không có sự canh chừng cẩn thận của hai chú chó, anh đã mất người yêu từ lâu rồi. Em không nói điêu đâu, thời gian anh vắng thư từ, nhiều chàng trai ngấp nghé đến tán tỉnh em. Họ tìm mọi cách để gặp, nhưng em đều tránh né. Không gặp được em họ vượt khu đồi xuyến chi, mò đến tận nhà. Mới lấp ló đầu ngõ, nghe tiếng chó sủa “gầu, gầu” là họ chạy “bán sống bán chết” không bao giờ quay lại nữa.
Còn anh, anh phải xem lại mình đi. Anh quá tự mãn, chỉ nhăm nhăm biết đến với người yêu của mình thôi (đương nhiên điều ấy là em thích rồi). Cái tệ của anh là không chịu làm quen với mấy chú chó, mới xẩy ra chuyện đáng tiếc. Không phải em cố tình đưa anh về trước hàng rào nhà em đâu, vì  chạy nhanh quá. Lúc nghĩ ra thì không còn chỗ chạy nữa. Khi hai chúng mình đứng trước hàng rào, mấy chú chó đã canh chừng anh rồi. Lúc vừa ôm em, chúng tưởng “thân chủ” bị tấn công nên mới nhảy vào can thiệp. Anh à, bây giờ chúng mình sắp già rồi, nếu anh muốn trẻ lại đến với cô nào đó, trước tiên hãy nhớ làm quen với mấy chú chó đã nhé, không lại xẩy ra chuyện như hồi còn trẻ. Nói xong nàng nhìn chồng với ánh mắt tinh nghịch, cười dòn dã.
- Bây giờ anh đã có em rồi, không có cô nào nữa đâu mà sợ chó má. Nói xong anh bế thốc nàng đến bên giường, chăn đệm xới tung lên dưới ánh đèn hồng mờ ảo. Không lẽ đây là đêm tân hôn thứ hai của họ?…
 
***
 
Từ ngày có “Đồi sinh thái”, Đoài triệu tập anh em cựu chiến binh cùng đơn vị bảo đảm giao thông đoạn đường 128 từ Tà Beng về La Hạp thuộc Đoàn 559.  Những người ở xa không liên lạc được đành chịu, còn xung quanh Hà Nội như Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức… Đoài đã cố gắng chắp nối nên không thiếu một ai. Một số cựu chiến binh trong hội thơ Xứ Đoài, cũng được anh mời tham gia món văn nghệ cho thêm phần rôm rả.
       Ở xứ Đoài có nhiều hội, để tránh trùng lặp với nhiều hội khác, anh em đặt tên hội “Đoài tiên sinh”. Nhàn nói với chồng:“ Đồng đội quí và tôn trọng anh, hơn nữa anh là người sinh trước, họ gọi anh Đoài Tiên Sinh, gắn với tên hội là rất hay, còn em gọi anh là đại ca hay soái ca đây?”. Đoài nghe vợ khích lệ lấy làm hãnh diện, cho rằng “Tiên sinh” ở cái hội này chỉ có một mình anh ta thôi. Thật ra nghe tên “Tiên sinh” cũng hơi cổ một chút nhưng được mọi người trọng vọng, quí mến nên cũng thích. Nhiều lúc vui vẻ với bạn bè, anh quên luôn cả tên “cúng cơm”của mình, xưng Đoài Tiên Sinh thế này, Đoài Tiên Sinh thế kia không chút ngượng mồm. Chồng đã vậy, cô vợ cũng rất tự hào về tên mới của chồng. Đó là cách để cô giao dịch với khách hàng tiếp cận Đồi Sinh Thái không chỉ  mua được hàng sạch, giá rẻ của cô, khách còn được tiếp xúc với ông chủ có cái tên rất đáng kính: Đoài Tiên Sinh.
        Từ ngày Đoài nghe lời vợ về “hưu non” đến nay ngót nghét bảy năm. Tiền vay ngân hàng đã trả xong, hai vợ chồng có một khu sinh thái hơn hai hai vạn mét vuông, ngoài nhà cửa khang trang còn mua được ô tô bán tải cho thằng con trai có phương tiện đi giao dịch hoặc chở hàng hóa khi cần.
Về ý tưởng xây dựng Đồi Sinh Thái, Đoài đi tham quan một số mô hình trang trại xung quanh xứ Đoài. Số tiền về hưu non và tiền vay ngân hàng cũng tạm đủ cho việc xây dựng cơ bản và mua con giống. Có tiền rồi lao vào thiết kế. Giao cho vợ lo liệu tổ chức thực hiện.  Thằng con trai đang học đại học kinh tế nông nghiệp năm thứ ba cùng tham gia với bố mẹ lo tài liệu kỹ thuật cây trồng, chăn thả và phòng dịch. Cả nhà lao động cật lực, huy động thêm họ hàng và thuê nhân công lăn lộn hơn năm năm trời, Đồi sinh thái bước đầu cho thu nhập khá, chủ yếu là gà đặc sản và lợn rừng giống thuần chủng Thái Lan.
Đồi sinh thái có những nét đặc trưng, hiếm thấy. Trung tâm khu sinh thái là hệ thống ao lấy một phần nước ngầm trong thung lũng chảy ra, phần còn lại là nguồn nước do ba giếng khoan sâu thay nhau bơm vào suối nhân tạo. Hai nguồn nước này cung cấp cho các ao nuôi cá thương phẩm và cây trồng. Ao cuối cùng dành riêng cho khách đến chơi có nhiều thời gian câu cá, thư giãn. Đặc biệt  một phần ngôi nhà nhô ra ngoài ao, ngồi câu cá được. Trong nhà, ngoài bộ bàn ghế bằng gỗ gốc cây, một sàn gỗ đủ cho vài chục người ngồi tiệc tùng, buổi trưa trải chiếu cho khách ngủ. Đồi sinh thái lấy khu vực ao làm trung tâm. Tất cả  rau, cây cảnh, cây ăn quả, cây phong thủy, các hàng rào nuôi gà chạy bộ, lợn rừng, lợn mán, đà điều chạy quanh vòng xuyến. Khách tham quan “đồng hành” với đàn gia súc đi theo vòng xuyến nhưng có đường đi riêng biệt dưới tán cây cảnh và cây phong thủy rợp mát. Mỏi chân khách về tham quan khu ao nuôi thủy sản, nếu có thời gian thả mồi câu cá…
Đồng đội của Đoài Tiên Sinh tổ chức gặp mặt ngẫu hứng, tùy tâm trạng của mỗi thành viên. Nếu thành viên nào đề xuất là được chủ trang trại khuyến khích triệu tập ngay. Nhưng nhất thiết các ngày lễ, ngày quan trọng các thành viên cố gắng đến đầy đủ.
Từ ngày Hội Đoài Tiên Sinh ra đời, vợ chồng Nhàn Đoài có vẻ thích thú lắm. Không chờ đến kỳ sinh hoạt như đã giao ước, mới xa nhau mươi ngày nửa tháng đã thấy nhớ. Muốn hội ngộ ngay nhưng điện đóm ba bốn ngày vẫn không gom nổi hết hội viên. Thì ra đã về “vườn” rồi, các vị lúc nào cũng cáo bận, nhiều việc riêng ra phết. Để tăng thêm tính hấp dẫn, Đoài sắm hàng chục cần câu chuẩn bị sẵn thính câu, mồi câu. Đương nhiên các hộ viên được gia chủ thết đãi bữa ăn trưa rất chu đáo, toàn đồ tươi sống dồi dào lấy từ Đồi sinh thái. Đã thế, các hội viên câu được cá, gia chủ cho hội viên mang về. Nếu câu được ít, chủ nhà quăng chài đánh bắt thêm. Nhàn bảo:“ Các bác bảo với vợ đi câu, mà hôm nay không có cá mang về là chết em đấy”. Nói rồi Nhàn xếp cá vào từng túi ni lông, mỗi người một bọc. Không biết Đoài Tiên Sinh dạo này rỗi việc hay sao mà có vẻ “sính” thơ. Mới có mấy chén rượu, đã thấy ngà ngà, cao giọng đọc:
“ Thế cục vần xoay, càn khôn dời đổi
Bước thịnh suy hồ dễ mấy ai hay
Mở cửa bốn phương Nam Bắc Đông Tây
Luồng gió mới thổi qua miền quê lụa.
Một tay “thơ vườn” Xứ Đoài kêu lên:“ Bác ơi, em nghe thấy quen quen”. Một tay khác, anh em với nhà thơ vườn tán thưởng :“Em nghe cũng thấy quen quen”. Đoài Tiên sinh cười ngất: “Tôi đọc hai câu nữa, các chú đoán thử coi”.
…Núi vẫn cao, trời xanh kia vẫn rộng mà địa đồ rơi mất chữ Hà Tây,
Đông còn đây, Đoài vẫn còn đây mà ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội…
- Điếu Hà Tây, đúng là điếu Hà Tây phải không bác?
    Nhìn vẻ mặt buồn rười rượi của Đoài Tiên Sinh, ai cũng nghĩ Tiên Sinh đang có điều gì tâm sự. Hỏi dồn mãi ông mới chịu nói:
- Họ Khuất nhà tôi lâu đời nhất ở xứ Đoài là cụ tổ Khuất Quỳnh Khang (năm 1450) đến bây giờ không biết bao nhiêu đời rồi, nhưng giới văn sĩ cũng chẳng có mấy ai. May cho xứ Đoài thời tiền chiến có nhà thơ Quang Dũng quê Đan Phượng làm rạng danh một thời. Nhưng theo tôi có hai bài mà tôi tâm đắc nhất “Đó là bài Tây Tiến và Đôi Mắt Người Sơn Tây”. Bây giờ có hội thơ Xứ Đoài, nhiều như “lá rụng mùa thu” nhưng cũng chẳng ăn ai ( xin lỗi hai bạn thơ nhé). Tôi thích nhà văn Đại tá Khuất Quang Thụy quê Phúc Thọ hơn vì “cả đời chỉ loay hoay viết về người lính”. Ông viết về chúng ta đấy, phải không các bạn?
 Chợt đôi mắt của Đoài Tiên Sinh sáng bừng lên khi ông nói về nhà thơ, nhà văn hóa cổ đại Khuất Nguyên thời Chiến Quốc 278-340 TCN. Cụ có nhiều bài thơ bất hủ. Tôi đọc một đoạn trong Bài thơ Ngư Phủ, các bạn thử nghe xem Ông Chài và Nhà Thơ nói gì với nhau nhé:
Ông Chài:
-Tam Lư đại phu đấy phải không? Làm sao đến nông nỗi ấy?
Khuất Nguyên:
- Mọi người đều say, mình ta tỉnh. Khắp đời đều đục, mình ta trong vì thế mà bị đuổi.
Ông Chài:
- Thánh nhân không câu nệ theo đời mà biến thông. Mọi người đều uống say, sao không uống tràn cho ngất ngây đi? Khắp đời đều đục, sao không theo dòng mà sục ngầu lên…Lại cứ nghĩ sâu, làm cao đến nỗi bị đuổi.
Nói rồi ông lão chèo thuyền đi, vừa đi vừa hát.
- Không phải tôi con cháu họ Khuất ở xứ Đoài mà dám nghĩ tới cụ Khuất cách đây mấy nghìn năm ở bên Tầu đâu? Thiên hạ say mình tỉnh, đời đục mình trong, chỉ có cụ Khuất làm được điều ấy thôi vì Cụ là thánh sống.
Mấy nghìn năm sau, giả dụ nếu được làm hậu duệ của Cụ, con cháu chẳng làm được trò trống gì, theo đít mấy con lợn cũng không xong, làm sao mà tỉnh, mà trong được? Nào, các bạn ta làm mấy chén cho ngất ngây đi? Mọi người đứng dậy vỗ tay rào rào tán thưởng,nhưng Đoài Tiên Sinh lại gục xuống bàn.
Mọi người nhốn nháo, Nhàn ngồi bên, bình tĩnh mở túi áo chồng lôi ra một lọ thuốc, lấy một viên nhét vào miệng chồng. Cô trấn an với mọi người:
- Nhà em bây giờ cứ xúc động mạnh là huyết áp đột ngột tăng lên. Nhờ có thứ thuốc thần diệu này,  sẽ tỉnh lại ngay thôi, các bác đừng ngại.
Sau hôm đọc và bình thơ, nhiều tin xấu về “bệnh” của Đoài Tiên Sinh không ngừng tăng lên: Có tế bào lạ trong cơ thể, hoại tử hai khớp háng, tràn dịch phổi, cắt khối u dạ dày, suy dãn tĩnh mạch hai chân, áp lực mắt tăng đột biến, có thể biến tướng thiên đầu thống… Không lẽ thiên hạ có bao nhiêu bệnh nan y, Khuất Tiên Sinh dành hết cho mình?
Mặc dù mang nhiều trọng bệnh trong người, nhưng Đoài Tiên Sinh không mấy lo lắng. Ông nói chỉ thấy phiền toái cho các bệnh viện đã bỏ không ít công sức và thời gian đi tìm tế bào lạ cho ông. Họ đã chụp 340 lát cắt mà vẫn chưa tìm ra được thủ phạm?
Còn Đoài Tiên Sinh trái lại, ông sống vui tươi, khỏe mạnh, lạc quan và nếu xác định được tế bào ung thư, ông coi bản án tử hình “nhẹ như lông hồng” mà thôi…
 Nhàn, vợ ông không nói ra, nhưng khuyến khích chồng tranh thủ tận hưởng mọi vui thú mà cuộc sống có thể mang lại. Quĩ thời gian của chồng chẳng còn lại bao nhiêu.Thằng con trai tình nguyện đánh xe đưa bố đi rong chơi khắp nơi mà ông muốn. Thậm chí nhiều nơi ông không muốn đến nhưng cũng bị thúc ép, đành phải chiều để vui lòng họ. Ông nói thích nhất đã đến được Đắc Lây, Đắc Mót thăm cửa khẩu Bờ Y, thăm mốc ngã 3 biên giới trên cao điểm 1086 Việt Nam - Lào - Cămpuchia, nơi con gà gáy ba nước Đông Dương đều nghe tiếng. Vậy mà không lâu trước đó tiếng chó sủa, tiếng gà gáy chìm đâu đó trong đại ngàn Trường Sơn. Ông và các bạn ông đã gắn bó một thời trai trẻ ở đó.
Hàng tháng trời ông rong ruổi khám phá miền tây Nam bộ, vào rừng đước U Minh nướng rùa vàng, ăn chuột rừng, trèo rừng đước lấy mật ong. Vào  tọa độ số 0 mũi Cà Mau nghe phù sa lắng đọng. Vượt hơn nghìn cây số, tiện thể lên phía Bắc thăm các bạn ngã xuống trên mặt trận Vị Xuyên 1979-1989. Chuyến đi phía bắc, ông thấy đau buồn nhất. Mặc dù  trong Hội Đoài Tiên Sinh có bạn cùng đi, nhưng ông câm lặng không nói lời nào suốt chặng đường về.
Trong nhóm“Tam bom” Khuất Quang Đoài  được đơn vị giao phụ trách nhóm trưởng nhóm phá bom. Đội viên Vương QuốcTrung người Làng So và Lê Trung Hiền người Tam Nông, Phú Thọ. Họ sống với nhau từ ngày đầu về đơn vị nên coi nhau như ba anh em ruột, hẹn sau này sống chết thế nào cũng phải liên lạc được với nhau.
Không ngờ trong một trận máy bay rải thảm chất độc hóa học xuống đơn vị, Trung và Hiền bị nhiễm chất phóng xạ rất nặng. Đoài về đơn vị lấy vật tư ở La Hạp nên thoát nạn.
Ra quân, Vương Quốc Trung tưởng “sóng yên, biển lặng”, lấy vợ sinh con. Ai dè hai đứa con dị dạng, chết ngay từ lúc mới sinh ra. Không chỉ vợ chồng Trung hoảng loạn mà cả giòng họ Vương đều lo lắng, thương xót. Dù không muốn, nhưng Trung đã làm mọi cách để cho vợ đi lấy chồng khác. Và toại nguyện của anh đã được đền đáp: vợ cũ của anh sinh con với người chồng mới được một trai, một gái. Anh nói đó là hạnh phúc trong mơ không phải ai cũng có được. Anh nhận cha đỡ đầu hai con của vợ cũ. Ngoài hạnh phúc dâng hiến, Vương Quốc Trung vẫn sống độc thân nghèo túng và bệnh tật nơi quê nhà.
Số phận Lê Trung Hiền nghiệt ngã hơn. Về quê lấy vợ, chưa kịp sinh con, anh đã chết đau khổ vì chất độc da cam biến chứng ung thư. Không những thế, bệnh u não, đau thần kinh triền miên, khiến sức khỏe của anh sụy sụp nhanh chóng, đến nỗi anh không kịp làm cho vợ mình  có được cảm giác làm mẹ một lần dù kết quả đứa con sinh ra sau này thế nào?
Anh mất đi, không còn trụ cột gia đình,  người vợ trẻ gánh vác nuôi bố mẹ chồng với tình trạng cả ông lẫn bà quanh năm ốm đau và cô em chồng lớn lên không biết xoay xở thế nào khi gia đình rơi vào hoàn cảnh bế tắc.
Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đất nước một lần nữa lâm vào cảnh binh đao, gieo tai họa cho vùng biên và đất nước. Nhưng với Hậu đây là cơ hội để cô thoát khỏi gia đình, đối diện với mọi thách thức, cho dù tương lai xẩy ra thế nào? Cô tình nguyện đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên. Trong chiến dịch thu hồi cao điểm 468, bộ đội ta thương vong quá nhiều, Hậu tuy làm nhiệm vụ phía sau, nhưng trúng mảnh đạn đại bác của địch. Vết thương găm vào thái dương quá nặng, cô được chuyển qua nhiều trạm Quân y. Mọi người không dám nói ra, nhưng tin chắc cô chín phần chết, một phần sống. Nhưng rồi cô vẫn sống một cách thần kỳ sau hàng năm trời nằm câm lặng. Hộp sọ của Hậu bị vỡ bên thái dương, người ta khâu được phần da, nhưng xương vụn không gắn được. Hơn nữa những mảnh đạn nhỏ vẫn còn nằm trong não, chưa có điều kiện lấy ra…  Mỗi lần cô thở hoặc lên cơn vật vã, lớp da mỏng bên thái dương phập phồng như thóp trẻ con mới sinh.
Nhìn bên ngoài Hậu lành lặn như bao phụ nữ  khác. Nếu để ý một chút  mảng tóc mới mọc có thể che kín một phần bên thái dương, nhưng mỗi khi lên cơn cô trở thành kẻ điên dại hết sức dữ dội, tưởng không gì ngăn được. Sau cơn bệnh, mọi sức lực của cô gần như bị tiêu tán hết. Cô có mặt tại Khu điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành với tỷ lệ thương tật 81%. Năm 2010, đơn vị sát nhập thành Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang, cô về ở đó cho tới nay.
 Sau khi đi Vị Xuyên về, Đoài Tiên Sinh và Vương quốc Trung ghé thăm Trung tâm điều dưỡng, nhân thể tìm người thân của Lê Trung Hiền. Vào giờ ăn trưa, chiếc xe vừa tới cổng trung tâm bỗng thấy một đám đông gần chục người đuổi theo một phụ nữ đang lên cơn điên loạn. Đi đầu là Giám đốc, tiếp theo bà Phó Giám đốc cùng với các nhân viên của mình. Một số bệnh nhân tâm thần khác tự kích động đứng chật cả lối đi vỗ tay hoan hô. Chính họ cũng không biết mình cổ vũ cho cán bộ trung tâm hay là cho bệnh nhân đang bị đuổi bắt? Hai vị khách vội mở cửa xe rồi cũng lao theo đoàn người.
Lúc giữ được cô gái, nhìn kỹ thấy thương tâm quá. Gương mặt tái mét, hai mắt trắng giã, miệng sùi bọt mép, tâm trạng hoảng loạn. Bỗng nhiên cô gái nhìn chằm chằm vào người khách mới đến có vẻ nhận ra người quen, liền nở nụ cười, reo lên:
- Ôi anh trai, anh Lê Trung Hiền của em.
Cô thoát khỏi vòng tay của mọi người, lao đến ôm chặt lấy người khách. Tất cả từ Giám đốc đến nhân viên đều sững sờ trước sự việc bất ngờ vừa xảy ra. Mọi người đến dỗ dành, gỡ tay, nhưng cô không chịu. Cô khóc lóc nói chỉ sợ buông ra, thì anh cô biến mất. Người khách đành dìu cô cùng mọi người về Ban giám đốc trung tâm.
Sau khi được hiểu rõ mối quan hệ, Giám đốc Trung tâm cảm ơn Khuất Quang Đoài, Vương Quốc Trung đã đến thăm, và mặc dù cô Hậu bệnh nhân có nhầm lẫn bạn anh trai thành người thân của mình nhưng đó cũng là dấu hiệu tốt cho việc bệnh tâm thần của cô đang dần được hồi phục.
Thấy tình cảm quyến luyến của cô Hậu với Vương Quốc Trung không dứt ra được, ngược lại thấy Trung cũng quí mến em gái bạn mình, Đoài Tiên Sinh có nhã ý mời cô gái về Đồi Sinh Thái nghỉ dưỡng một thời gian. Không ngờ Giám đốc Trung tâm đồng ý ngay và hơn thế, ông cử một nữ y tá cùng đi để tiện việc chăm sóc bệnh nhân.
Các nhà tâm lý học, tâm thần học, các thầy thuốc ưu tú, các nhà quản lý trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh cần đặc biệt lưu tâm đến trường hợp Lê thị Hậu bệnh nhân tâm thần mất 81% sức khỏe trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Cô đã điều trị và gần như “định cư” vĩnh viễn tại các Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh. Vậy mà chỉ mười mấy ngày ở Đồi Sinh Thái, không thuốc thang, không thầy thuốc bệnh nhân không phát bệnh tâm thần, gần như trở về với cuộc sống bình thường?
Bây giờ Hậu không bị nhầm lẫn như mấy hôm trước lúc cô đang lên cơn đau thần kinh. Cô nhận ra Vương Quốc Trung, bạn với anh trai của mình. Mười mấy năm trước anh ấy đã đến thăm bố mẹ cô, thắp hương cho anh trai. Lúc ấy cô đang học cấp I. Đương nhiên Hậu rất ngượng khi nhắc lại chuyện nhận “nhầm người”. Nhưng một tình cảm mới lạ với người thương binh bắt đầu le lói trong cô. Tình cảm ấy, Đoài Tiên Sinh nhận ra ngay qua ánh mắt đầu tiên của cô gái. Ông rất mừng nếu như hai người đến được với nhau, sống hạnh phúc và giúp nhau vượt qua mọi ốm đau, bệnh tật. Việc ông đưa cô về Đồi Sinh Thái là để hai người có thời gian  tìm hiểu nhau kỹ càng hơn. Thực tế đã hơn mười ngày rồi không thấy cô tái bệnh tâm thần,Trung tâm điều dưỡng theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của cô, coi đó là điều kỳ diệu. Nhàn nói với chồng:
- Nỗi đau xoa lên nỗi đau, đó là niềm hạnh phúc, phải không anh?
Cũng trong thời gian này Đoàn Tiên sinh đi lại như con thoi từ Đồi Sinh Thái đến Trung tâm điều dưỡng để giải quyết chuyện tình cảm của hai người và chế độ chính sách thương binh, sau khi họ thành vợ chồng và tự nguyện rời khỏi Trung tâm điều dưỡng. Đương nhiên bên Trung tâm họ rất hoan nghênh và cảm kích tấm lòng hào hiệp cũng như việc làm thiện nguyện của Đoài Tiên Sinh.
Ông về Tam Nông bàn với mẹ và chị dâu về hạnh phúc của cô (cụ ông đã mất ). Ông rất ngạc nhiên khi gia đình cho biết Hậu mất tích hay xiêu bạt đi đâu đó, vì lâu nay không thấy cô liên lạc với gia đình. Nhân lúc Hậu khỏe khoắn vui vẻ, Đoài Tiên Sinh hỏi tại sao lại chấm dứt liên lạc. Cô khóc và nói thật đã hai lần trốn trại về thăm bố mẹ và chị dâu. Hậu không dám vào nhà và ngại không muốn gặp ai trong làng. Cô lựa lúc chập tối, nấp trong bụi cây để quan sát. Thấy hai bố mẹ già ngồi trước cửa nhà dột nát, xiêu vẹo (mặc dù được chính quyền sửa chữa trước đó mấy năm), đang chờ chị dâu mang cái gì đó cho bố mẹ ăn, trong khi chị dâu tuy còn trẻ nhưng người xơ xác, gày gò không khác gì bố mẹ. Nhìn thấy cảnh tượng đó, lòng cô như xé nát. Dù lương tâm cắn rứt, cô đành bất hiếu với bố mẹ, không thể trở lại với gia đình trong tình trạng điên dại xẩy ra bất cứ lúc nào. Đó là mối họa cho gia đình, thêm gánh nặng quá lớn cho chị dâu. Thôi, để mọi người cho là đã chết còn hơn phải để tâm đến mình đang sống heo hắt ở đâu đó. Thế là cô lầm lũi ra đi gửi gắm quãng đời còn lại vào Trung tâm duyên nợ này.
Cùng lúc Đoài Tiên Sinh về làng So của Vương Quốc Trung. Gia cảnh của Trung đơn giản hơn nhiều. Sau khi chia tay vợ, Trung vẫn ở vậy, một thân một mình lúc khỏe, lúc đau vì chất độc da cam hành hạ. Thỉnh thoảng cô em gái lấy chồng trong làng qua lại giúp anh. Đoài Tiên Sinh dự tính nhà cửa sau này sẽ bàn giao cho cô em quản lý. Còn Trung chuyển khẩu về Đồi Sinh Thái. Ông nói đó là cách  tốt nhất để chăm sóc sức khỏe cho bạn. Sau khi lấy vợ, hai người sẽ có nhà riêng và được “biên chế” thành công nhân của Đồi Sinh Thái. Lương công nhân và phụ cấp thương binh là cơ sở bảo đảm cuộc sống lâu dài cho đôi vợ chồng “trẻ”.
Sau một thời gian “dưỡng bệnh”, giao du với bạn bè, Đoài Tiên Sinh tuyên bố với mọi người rằng ông không có bệnh tình gì hết. Đó chẳng qua ông muốn dành chút thời gian cho mình và bạn bè mà thôi. Việc ông tuyên bố lấp lửng như vậy, nó giống như một quả bom khói làm mù mờ đi tất cả. Nhiều người tin và không ít người không tin về những lời ông nói ra. Nhưng điều quan trọng họ thông cảm với ông nhiều hơn, không ai trách ông về điều không nhất quán đó. Ngược lại họ thấy mừng khi ông không có bệnh tật gì, vẫn là Đoài Tiên Sinh, một doanh nhân mải chơi nhiều hơn là mải làm.
 Để tạm thời cho Hậu có nơi ở, hai vợ chồng Đoài tiên sinh loay hoay gần ngày trời mới ngăn  được căn phòng trong nhà sinh hoạt Câu lạc bộ. Ông nói, chỉ tạm thời thôi, trước khi lễ thành hôn và làm nhà mới cho đôi uyên ương. 
Xong việc hai vợ chồng ngồi uống nước, bất chợt ông để ý đến cái “tráp” trong góc phòng. Đó là ý tưởng từ ngày đầu của ông dùng chung cho Hội viên lúc đi tắm hoặc đi câu, cất vật dụng cá nhân vào đó. Lúc về tự lấy ra. Vì thế mỗi Hội viên đều có chìa khóa riêng. Từ khi có tráp, ông không để tâm đến nó.
          Ông thận trọng nâng lên rồi hạ xuống, quả là cái tráp rất đẹp. Màu sơn xuống nước đen bóng. Riêng nơi tra ổ khóa bị mòn vẹt, tróc sơn. Ông nghĩ, cái tráp này chắc nhiều lần đã được mở ra, đóng vào. Ông tò mò muốn mở ra xem liền bảo vợ mang chùm chìa khóa từ phòng của ông xuống.
         Khi tráp vừa mở, bất ngờ nhiều tiền gấy bên trong ùa ra. Nhàn kêu lên:
         - Ôi, tiền, tiền!
         - Tiền đâu mà nhiều thế này? Ông ngạc nhiên  kêu còn to hơn cả vợ.
         Thật ra chỉ có hai vợ chồng với nhau, ông hỏi bà, bà hỏi ông, ai biết gì mà trả lời? Ông vội đóng sập tráp lại rồi ghé đít ngồi lên trên đó, tưởng chừng sợ có người nào đó vào cướp mất. Mặt ông tái mét và vợ ông, mặt còn tái hơn.Thậm chí bà còn mếu máo xuýt phát khóc khi thấy ông trừng mắt nhìn vào mắt bà, như muốn hỏi.
         - Của bà phải không?
         Gần như bà không thở được, chứ nói gì đến việc trả lời. Thay vì xác nhận, bà lắc đầu.
Bỗng chốc ông trở nên hoang mang khi thấy bà lấy lại được thần thái của “Giám đốc Đồi Sinh Thái” với đôi mắt sắc sảo thường ngày, chiếu thẳng vào mắt ông. Đến lượt, ông lắc đầu quầy quậy, ra ý bảo:
 - Không, không phải tôi.
         Vợ lại gần hơn, bá vai chồng rồi đặt đít lên  tráp cùng ngồi với ông. Thêm một người nữa, sức nặng tăng lên, khó có kẻ nào mang tráp đi đâu được. Cả hai im lặng, nghe rõ cá dưới ao quẫy lên mặt nước đớp bóng.
        - À, chết tôi rồi!
        - Sao hả anh ?
        - Tiền của anh em hội Đoài Tiên Sinh đây mà. Anh thật vô tâm quá. Làm ra cái tráp này anh đâu có nghĩ để tiền vào đấy. Thế là, từ ngày có Hội, mỗi lần đến, đồng đội âm thầm đặt tiền vào đây. Vừa rồi nghe tin anh có bệnh, đồng đội đến thăm đông hơn, tiền thăm hỏi lại tăng thêm đây mà. Thật là anh có lỗi quá
Nhàn nói với chồng nhưng thật sự giận dỗi với chính mình vì những sơ suất không đáng có.
- Mấy năm trời nay, tấm lòng chân thành của vợ chồng mình, không lẽ anh em có chút hiểu nhầm chăng? Chiêu đãi một chút, cá mú một chút gọi là biếu đồng đội khi đến chơi với nhau không lẽ trở thành việc bán mua? Em đau lòng lắm anh ạ.
- Không, em đừng nghĩ thế. Mình chân thành, anh em cũng rất chân thành. Có điều ta sơ suất quá. Nếu không có đám cưới này, ta đâu có hề hay biết?
Đêm xuống rất nhanh. Hai vợ chồng khóa cửa rồi đi vòng quanh khu Đồi Sinh Thái. Lâu lắm họ mới có dịp sóng đôi với nhau thế này. Đêm không trăng, không sao, nhưng  đèn điện lung linh, xa vời. Dù chưa được lộng lẫy nhưng có thể thấy Đồi Sinh Thái vẽ lên một vòng đường cong rất lớn và huyền ảo.
Đoài Tiên Sinh thầm thì bên tai vợ:
- Trong tháng này, em chọn ngày tốt làm lễ  ăn hỏi, sau đó tổ chức cưới cho Hậu Hiền. Toàn bộ lễ cưới và cỗ cưới do Đồi Sinh Thái chi trả. Khách mời em chú ý bên Trung tâm và hai gia đình cô dâu chú rể, phải có xe đưa đón. Không hạn chế khách mời nhưng không nhận tiền mừng. Toàn bộ tiệc cưới đặt hàng từ thành phố mang về Đồi Sinh Thái. Cũng hôm đó ta chính thức xin lỗi bạn hữu và xin phép chi số tiền đó.
- Anh định xử trí ra sao?
- Anh cũng không biết trong ấy có bao nhiêu tiền, có dễ tích tụ đến dăm năm rồi. Theo anh chia đôi số tiền ấy ra. Một nửa dành riêng cho Hội làm quĩ, có thể cho vay hoặc trợ cấp cho Hội viên ốm đau, khó khăn. Một nửa tiền làm nhà cho đôi vợ chồng mới cưới. Nếu tiền nhà còn thiếu, Giám đốc Đồi sinh thái bù vào được chưa, vợ yêu quí?…
Bỗng nhiên Nhàn bỏ tay chồng đang khoác, quay lại vít cổ chồng rồi hôn tới tấp vào mặt, vào môi, ào ạt như sao tua rua liếm vào bầu trời đêm… Đến một ô đất vuông vắn, Nhàn bảo với chồng:
- Em sẽ làm nhà sàn cho vợ chồng Hậu Hiền tại đây. Làm mẫu sau đó sẽ cho làm thêm một số căn nữa đề đón khách gia đình cựu chiến binh lên đây nghỉ dưỡng miễn phí. Còn các căn hộ khác đón khách thập phương, nhằm cân đối chi phí đầu tư.
- Tại sao vẫn còn hàng rào bìm bìm trên cột bê tông và  những thảm hoa Xuyến Chi long lanh dưới ánh điện thế kia?
- Em muốn lưu lại kỷ niệm của chúng mình trên khu đồi  năm xưa đấy, anh không nhớ sao ?
 Đoài Tiên Sinh muốn ôm hôn vợ, bất giác ngoái lại thấy hai chú chó đang dúi đầu vào chân chủ rối rít, mừng rỡ.

 

                                                                                        Song Phương 24/11/2017

 

Nguồn tin: HNV.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây