Hội nhà văn Hà Nội

http://nhavanhanoi.vn


Truyện của Thanh Mai

Minh họa: ST

       Vào thời điểm giữa những năm 60 của thế kỷ trước, Khoa được điều động từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn quốc gia) về làm biên tập viên tại một tờ báo trung ương có trụ sở đóng ở trung tâm Hà Nội. Anh được cơ quan bố trí nhà ở tại một khu tập thể gần Nhà hát lớn thành phố. Từ nhà Khoa ở ra hiệu sách Tràng Tiền chỉ cách hơn trăm mét. Là người rất yêu sách, nên vào những ngày chủ nhật, Khoa hầu như luôn có mặt ở hiệu sách lớn nhất này của Hà Hội, thậm chí lớn nhất miền Bắc thời bấy giờ. Hiệu sách được bố trí từng căn hàng với các loại sách khác nhau – sách chính trị- xã hội, sách khoa học- kỹ thuật, sách văn học, sách nghệ thuật... Căn hàng sách văn học lôi cuốn Khoa nhiều nhất. Lôi cuốn, trước hết là do sách, bởi anh rất yêu sách văn học; song, tiếp theo là lôi cuốn bởi, ở đó người đứng bán hàng là một cô gái trẻ, khoảng ngoài hai mươi tuổi, một cô gái xinh đẹp, nhiều vẻ hấp dẫn, mà ấn tượng nhất đối với Khoa là đôi má lúm của em. Anh còn nhớ như in một lần gặp gỡ giữa anh và cô gái trẻ..
- Chào anh, anh mua sách đi! – em chủ động mời Khoa.
- Chào em, anh đang tìm chọn!
- Có tập truyện ngắn “Phía trước là mặt trận” của nhà văn Hữu Mai, đó anh!
Thật sự, Khoa đã được một người bạn tặng cuốn sách này, nhưng để gây thân mật và để khỏi phật lòng người đẹp, anh hỏi lại:
- Tập sách chắc là nói về cuộc chiến đấu trên mặt trận, đúng không em?
- Vâng ạ!
Em trao tập sách cho anh và ngọt ngào giới thiệu điểm qua nội dung nội vài truyện trong tập.
Khoa thầm nghĩ, bây giờ xử lý thế nào - mua thì không cần thiết, vì đã có sách, không mua thì mất lòng người đẹp.
Nhanh trí, anh hỏi:
Còn cuốn nào mới nữa không?
- Dạ còn, có tập thơ “Ra trận” cùa nhà thơ Tố Hữu đây anh!
-Hay lắm, cho anh xem!
Bất giác, anh đọc mấy câu thơ trong bài thơ “Đường vào” của Tố Hữu đã đăng báo, mà chắc chắn là có in trong tập này:
Đường vào khu bốn, vào Thanh
Không đi thì nhớ không đành, phải đi
Lắng nghe... như biển rầm rì
Đường ra tiền tuyến lắm khi giục lòng…
-Ôi, anh thuộc thơ Tố Hữu trong tập này vậy sao? Mấy câu anh vừa đọc là trong bài thơ “Đường vào”, đúng không?
Em ngạc nhiên vì anh thuộc thơ Tố Hữu, đến lượt anh lại ngạc nhiên, vì em biết những câu thơ anh đọc là ở bài thơ “Đường vào”.
Em yêu thơ lắm hả? Em có làm thơ không?
- Em yêu thơ, nhưng em không có hồn thơ nên không biết làm thơ, em chỉ có hồn sách thôi! – Em trả lời.
– Trong sách có thơ mà em!
Em cười hoà giải.
Anh xem giá sách sau bìa, nhận cuốn thơ, rồi trao tiền. Tự nhiên, Khoa cảm thấy gần gũi em, như đã quen thân nhau từ lâu rồi vậy.
Khoa chủ động:
-Anh tên là Minh Khoa, Đỗ Minh Khoa, quê Quảng Bình, còn em tên là gì?
-Em tên là Thông, Trần Minh Thông, quê phố cổ Hà Nội!
-Chúng mình đều có tên đệm là Minh – Khoa mỉm cười đưa mắt nhìn Thông có ngầm ý.
Thì ra, văn chương là cầu nối con người gần lại với nhau nhanh hơn và gắn bó hơn. Nhưng Thông đối với anh còn có một cái gì đó hơn cả cầu nối văn chương nữa!
Từ hôm đó, hiệu sách Tràng Tiền là địa chỉ càng gắn bó với Khoa nhiều hơn, bởi ở đó không chỉ có nhiều sách, mà còn có người con gái bán sách thân thuộc mà anh luôn mong được gặp. Từ đó, anh thường xuyên đến hiệu sách để gặp em nhiều hơn là để mua sách. Họ trở nên gần gũi nhau hơn và đi xa hơn tình bạn, gần chạm tới ranh giới tình yêu...
Điều gì đến tất sẽ đến. Một hôm, Khoa ngỏ lời:
-Tối thứ bảy này, anh mời em đi xem duyệt bộ phim “Nguyễn Văn Trỗi”?
- Dạ vâng, em cảm ơn anh!
Buổi xem phim hôm đó đánh dấu tình yêu của họ, bắt đầu từ cử chỉ em sụt sùi khóc cho mối tình của anh Trỗi và chị Quyên trong phim, rồi em ngả đầu vào vai anh nức nở...
Khoa rút khăn tay lau nước mắt cho bạn tình, rồi đặt nhẹ một nụ hôn lên môi cô.
Họ yêu nhau đã qua gần một năm, khỏi phải nói tình yêu của đôi trai gái nồng nàn và da diết đến mức nào!
Họ đã bàn đến chuyện xin phép gia đình và “báo cáo” cơ quan, chuẩn bị cho cuộc hôn nhân của họ.
Chuyện đó sẽ được đôi bạn trẻ thực hiện trong một ngày không xa.

Sau chuyến đi công tác dài ngày tại khu mỏ Quảng Ninh, Khoa hăm hở ra ngay cửa hiệu sách Tràng Tiền – nơi có người con gái mà anh ngày đêm nhung nhớ.!
Như có điều gì báo trước không ổn, lòng anh chộn rộn khi bước chân vào cửa hàng.
Ở quầy hàng, nơi em vẫn đứng bán, nay không có em đứng đó, nhiều người nét mặt rầu rĩ, đứng túm tụm vây quanh, anh nhanh chân bước tới, lách người ghé vào. Trên bàn quầy hàng là một bát hương, khói bay nghi ngút,đặt phía dưới là một mảnh nhựa mi-ca vuông vắn với dòng chữ trang trọng: “Tưởng nhớ hương hồn Trần Minh Thông– nhân viên cửa hàng, sinh trưởng tại Hàng Giấy-Hà Nội - đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại Quảng Bình!”.
Khoa bàng hoàng, lảo đảo, mắt hoa lên thấy các giá sách như chao nghiêng và đổ sụp vào đầu mình, anh gục đầu xuống bàn quầy sách.
Anh chỉ còn nghe tiếng kêu không rõ âm thanh:: “Cấp cứu, cấp cứu, có người ngộ cảm, cần cấp cứu!”...
Khi tỉnh dậy, Khoa thấy mình đang nằm trong phòng nghỉ tạm của cửa hàng.
Là người biết ít nhiều về chuyện tình yêu của Khoa và Thông, chị Dung - cửa hàng trưởng - kể cho anh nghe toàn bộ câu chuyện em xung phong tham gia chuyến đi vận chuyển sách vào tuyến lửa Quảng Bình phục vụ bộ đội và nhân dân trong đó. Đang khi làm nhiệm vụ, thì máy bay Mỹ đến, thả một loạt bom chùm, em trúng bom và hy sinh tại trận. Một người cùng cảnh ngộ kể rằng, trước khi tắt thở, em cất lên tiếng gọi thống thiết: "Anh Khoa ơi...!". Chị Dung trao cho Khoa bức thư của em gửi lại cho anh trước khi lên đường. Trong thư em nói: “Rất tiếc là trước khi đi, chúng mình không gặp nhau được và em muốn giấu anh chuyến đi để tạo sự ngạc nhiên cho anh, khi trở về”, em còn nói: “Anh hãy coi chuyến đi của em là việc làm bình thường trong cuộc sống chiến đấu hiện nay và như trên các trang sách vậy!”. Chị Dung còn nói: “Sau khi hy sinh, em được an táng chu đáo tại một vùng đất, nơi Nguyễn Viết Xuân ngã xuống không xa sau trận đánh "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!". Và, chị còn nói rõ địa chỉ làng, xã, nơi em được an táng....
Ngay hôm sau, Khoa xin phép cơ quan một chuyến đi công tác Quảng Bình, gồm cả mục đích gặp em. Nơi đó, hồn em cùng hồn sách quấn quyện với nhau như cuộc đời em khi còn sống và là nơi mối tình đầu của anh lặng vào mảnh đất quê hương anh yêu dấu ngàn đời.


 

      CÔNG CHÚA MỸ HOA

                                                                              (Truyện ngắn phả sử - tâm linh)
 

1

    Vào đầu thế kỷ 18, Hưng Giáo là một làng quê thuộc huyện Thanh Oai với dòng sông thơ mộng ấp ôm đồng lúa, bãi ngô và nương dâu xanh mướt. Cuộc sống yên bình trong nghề cấy lúa, trồng ngô, canh cửi pha chút bán mua tơ lụa với phố thị mãi tận Hà Đông và Thăng Long thành, khiến Hưng Giáo như một cô gái quê xinh đẹp mang dáng vẻ thị thành.

Ở Hưng Giáo có ông Nguyễn Công Cau là tộc trưởng của gia tộc Nguyễn Công. Ông Cau có cô con gái tên là Nguyễn Thị Trầu tròn tuổi 17, xinh đẹp, nết na, đặc biệt, Trầu là một bà lang giỏi, chữa bệnh cứu người cho cả vùng vượt ra cả miền đất Thanh Oai này. Cảnh sống yên vui đó bỗng bị ập xuống bởi một tai nạn bất ngờ: Nạn dịch tả như là gã thần chết tham lam cướp đi không chỉ của Hưng Giáo mà cả vùng Thanh Oai, thậm chí lây lan đến cả vùng tiếp giáp thành Thăng Long hàng trăm mạng người. Bệnh lạ phát triển nhanh, khiến cô Trầu ngơ ngác và rất đau lòng vì thấy mình bất lực trước đại dịch này. Các nhà chức trách trong vùng dâng bản tấu trình vua Lê Dụ Tông (Niên hiệu Bảo Thái: 1720 - 1729) về nạn dịch này mong được cứu giúp, song triều đình cũng đành bó tay. Trong khi đó, Lê Kim Thành, quê làng Hưng Giáo, đang là cận thần trong Phủ chúa Trịnh có ý định dâng cô Trầu vào cung vua để cô tim cách chữa bệnh. Nhưng cô đã khước từ, đêm đêm trằn trọc không ngủ, ngày ngày tiếp cận bệnh nhân để tìm cách cứu nhân độ thế!

Dân làng không hy vọng ở sự cứu giúp của nhà vua, dân cư trong vùng hoang mang đến cực độ, họ tụ hội ở làng Hưng Giáo, họp bàn. Họ tìm được thầy phù thủy mãi tận chân núi Tản, mang theo võng đay, khênh cáng thầy về Hưng Giáo. Một vị linh thánh nhập hồn vào thầy và phán: "Dân làng nghe ta nói đây":

- Trong làng này có dòng họ Nguyễn Công, đúng không?

Nhiều người đồng thanh:

-Lạy thánh mớ bái, dạ có ạ!

Một ông tuổi trung niên, tóc hoa râm khúm núm, bước tới trước thánh:

-Dạ, thưa linh thánh, con là Nguyễn Công Cau, là trưởng tộc Nguyễn Công đây ạ!

- Phải, ta biết! Nhà ngươi có con gái tên là Nguyễn Thị Trầu, đúng không?

-Dạ, Thưa linh thánh, phải ạ!

- Sáng ngày mai, Trầu sẽ đi ra khỏi nhà, không ai được ngăn cấm: Trầu sẽ làm nhiệm phận để cứu dân làng, rõ chưa?

Ông Cau và nhiều người khác:

- Dạ, thưa linh thánh, chúng con rõ rồi ạ!

Chưa nghe hết câu trả lời, hồn linh thánh đã thoát khỏi thân xác thầy – thấy nằm lăn ra trên chiếu, thở phì phì:

-Tôi đang ở đâu thế này? À, nhớ ra rồi, ở làng Hưng Giáo!

*

* *

Vào sáng tinh mơ hôm sau, cô Trầu dậy sớm chuẩn bị cho chuyến đi của mình: Một tay nải đựng tư trang gồm cả một gói cơm nắm kẹp thêm gói muối vừng, một bị cói to mà cô vẫn dùng để đựng thảo dược tươi tìm kiếm được khi vào rừng hái thuốc. Rồi cô ra đi lúc bình minh chưa hé. Người cha căn dặn: “Con cố tìm được dược mộc chữa cho dân làng và cả vùng miền để tỏ lòng nhân đức của dòng họ Nguyễn Cao nhà ta!”. “Vâng ạ, con xin nghe lời cha!” – cô đáp lời cha một cách tự tin.

Cô Trầu theo hướng Tây, đi về phía Hương Tích; đi mải miết quên cả ăn cơm nắm mang theo. Đã về chiều, chân mỏi rã rời, cô đến được một cánh rừng um tùm rậm rạp với cây tán hẹp và cây dây leo chằng chịt – nơi mà cô chưa đến lần nào trong các lần đi tìm cây thuốc trước đây. Tay vạch lá, mắt quan sát, cố tìm những loại lá cây gần giống với những loại lá cây chữa bệnh đường tiêu hóa mà cô đã tìm trước kia. Bỗng mắt cô hoa lên, người ngây ngất và như thiếp đi mấy giây. Khi mở mắt ra, trước mắt cô là một thảm rộng xanh rờn thứ dây leo mà lá như “cánh nhạn bay” dịu dàng, rung rinh cùng gió rừng đượm màu thiền uyển. Như được mách bảo, cô Trầu coi đây là thứ lá mình đang cần. Cô hái lấy, hái để, chẳng mấy chốc bị cói của cô đã đầy lá “cánh nhạn bay”. Cô muốn nói lời cảm ơn cụ thể đến ai đó là người cho lá, nhưng đó là ai, thì cô không biết được, nên đành nói lời cảm ơn chung chung nhưng rất nho văn, mà cô vẫn nói sau mỗi lần hái dược thảo: “Hành ân thụ ân; Hành phúc thụ phúc!” (Làm ơn nhận ơn; làm phúc nhận phúc!). Trầu ra về, trời đã hoàng hôn.

Cô nói với cha về chuyến đi hái thuốc của mình và nhờ cha nói với dân làng lập cho cô một đàn tràng để cô làm lễ khấn niệm Thiên-Địa. Trong buổi lễ, Trầu khấn nôm: “Lá “ánh nhạn bay” là thực thể, Trời-Đất là tâm linh. Xin thực thể và tâm linh hãy hòa quyện vào nhau để cứu dân tình thoát khỏi cơn nguy biến!”. Khấn rồi, cô trao cho mỗi người - kể cả người đang hoặc chưa mắc bệnh - một chiếc lá “cánh nhạn bay” mang về “rang vàng hạ thổ” chêm thêm vài hạt muối uống vào sáng tinh mơ. Trầu giao bị lá còn lại cho hương trưởng để phát cho mọi người trong huyện và trong vùng miền đang bị nạn dịch hoành hành.

Kỳ lạ thay! Tất cả ai uống lá “cánh nhạn bay”, với người đang mắc bệnh – khỏi ngay lập tức; với người chưa mắc bệnh – không mắc bệnh nữa!

Làng quê Hưng Giáo cùng cả vùng miền hân hoan cao độ và chân thành biết ơn cô Trầu – người cứu mạng vô cùng đức độ và nhân ái!

   *

 *  *

Làng Hưng Giáo và vùng miền thoát nạn dịch bệnh khủng khiếp, làng quê trở lại yên vui, dòng sông ấp ôm quê làng cũng hát lên bài ca an lạc.

Song, đớn đau thay! Đó lại là lúc làng Hưng Giáo và cả vùng miền khóc than, thương tiếc người con gái đức độ và nhân ái ấy đã “ra đi”.

Kể rằng, sau khi cúng đàn tràng và phát lá “cánh én bay” cho mọi người, trở về nhà, chỉ sáu khắc sau đó, cô Trầu phát bệnh – chính cái bệnh dịch đang hoành hành ấy. Thế là cô “ra đi”. Điều lạ là cô “ra đi” khi tròn tuổi 17, vào ngày 17 và 17 cũng là ngày sinh của cô. Mọi người vô cùng thương tiếc, họ than khóc râm ran và cùng nhau lo tang lễ mai táng cô, đưa cô về chốn Vĩnh Hằng.

Buổi chiều hôm ấy, khi dân làng đưa cô ra đồng, thì bất chợt, trời đất nổi cơn mưa giông dữ dội. Sân làng tạm dừng, vào trú mưa quanh đó. Khoảng nửa khắc sau, mưa giông tan hết, mọi người trở ra tiếp tục công việc đưa tang, thì lạ thay: Quan tài của cô Trầu đã chìm sâu vào một gò đất mới – gò đất tươi rói vẫn đang tiếp tục tự nâng cao lên. Ai nấy đều phủ phục trước gò đất mà vái lạy, khấn niệm rì rầm cho đến khi trời sập tối.

Dân làng lập đền thờ cô và gọi cô là Bà Trầu. Người người gần xa tấp nập đến miếu lễ Bà không chỉ vào ngày giỗ Bà, vào ngày lễ tết, mà vào cả ngày thường - khi ốm đau bệnh tật, bởi họ tin rằng, Bà vẫn chữa bệnh cho mọi người như khi Bà còn sống. Nhiều nơi trong vùng dựng miếu hoặc đền thờ Đức Trầu. Bà được tôn vinh cùng các nhân vật tâm linh trong văn hóa Việt Nam.

Quả vậy, bà còn sống mãi không chỉ trong ý thức tâm linh của những ai đến các đền miếu để lễ bà, mà còn sống qua cách lưu lại những nét đặc trưng của Bà cho những thế hệ tiếp nối trong dòng họ Nguyễn Công. Điều rất rõ là các cô gái hoặc phụ nữ họ Nguyễn Công đều xinh đẹp, tài năng và đức độ ở mọi thời kỳ lịch sử. Xưa, họ là những cô gái hoặc các chị phụ nữ đẹp người, đẹp nết, nền nã gia phong. Nay, họ là những cô gái hoặc các chị phụ nữ xinh đẹp, làm khoa học, hoạt động kinh doanh, là nhà thơ, nhà văn, hoặc nhà văn hóa có tiếng tăm…

Hơn hai trăm năm đã trôi qua, tuy chỉ là một cái đền nhỏ, nhưng ở đó, hình ảnh một thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp, đức độ - nhân văn của làng Hưng Giáo và cả vùng miền vẫn sáng ngời như một thần y từ mẫu. Nhiều giai thoại thiêng liêng, huyền diễm về Bà vẫn được lưu truyền trong dân gian. Ví dụ, có một chàng nho sinh lãng du chèo thuyền theo dòng kênh tiến thẳng vào trước cửa đền Bà. Khi đến gần cửa đền, thuyền bị quay ngang, không thể nào điều khiển được. Chàng nho sinh đành áp thuyền vào bờ kênh, ngồi nghỉ cho lại sức. Nhân cảnh quan ngoạn mục, đối cảnh sinh tình, chàng nho sinh sáng tác, rồi hát một bài chầu văn khá hay. Lời hát bay bổng theo gió đưa vào đền. Khi bài hát chấm dứt, bỗng nhiên, con thuyền tự tách khỏi bờ, quay mũi vào cửa đền. Chàng nho sinh chỉ đưa nhẹ mái chèo, con thuyền đã có thể lao vút lên phía trước tiến vào sát cửa đền. Khi ai đó kể chuyện này đều chêm vào một câu nói vui nghe ra rất có lý: “Bà Trầu trêu chàng nho sinh nọ, vì Bà có “cảm tình” với chàng!. Đừng nghĩ rằng, các vị thánh thần chỉ biết quở phạt, mà còn biết vui đùa, biết bộc lộ tình cảm với người trần nữa cơ đấy!”.

  *

*  *

Nguyễn Lan Nhi - hậu duệ thứ 22 của Công chúa Mỹ Hoa - là một người đàn bà thông minh và xinh đẹp - hẳn là Lan Nhi được thừa hưởng gien di truyền của Bà Tổ Mẫu gia tộc Nguyễn Công. Tuy không biết nghề làm thuốc chữa bệnh cứu người như Bà, nhưng bù vào đó, Lan Nhi là một nữ doanh nhân thành đạt, một nữ thi sĩ nổi tiếng, được nhiều người biết đến.

Ngồi trước chiếc Laptop đời mới hiển thị trên màn hình những trang tư liệu về Bà Tổ Mẫu, Lan Nhi lật giở, rồi chụp ảnh bốn bản sắc phong do các triều vua ban cho Bà Trầu: Ngày 25-6-1792, vua Quang Trung năm thứ 3 (kèm với phong thần danh cho bà là Công chúa Mỹ Hoa); ngày 26-10-1793, vua Cảnh Thịnh (kèm với phong thần danh cho bà là Nguyễn Thị Tôn Thần); ngày 17-5-1802, vua Bảo Thái năm thứ 2; và ngày 25-7-1924 vua Khải Định năm thứ 9.

Lan Nhi thầm nghĩ: “Khi mà tình trạng y học nước nhà với công việc chăm lo sức khỏe cho dân như hiện nay, chân dung Bà Nguyễn Thị Tôn Thần - Bà Trầu cần được nêu gương trong y giới. Điều đó quả thật đáng làm”. Và cô đang góp phần làm việc đó. Cô bấm máy gọi cho người bạn thân là một nhà văn hóa hiểu biết nhiều và rất tin cậy trong lĩnh vực văn hóa - cũng đã có vài ba lần hai người nói chuyện trực tiếp với nhau về Bà Công chúa Mỹ Hoa. Lần này, họ trao đổi với nhau qua điện thoại khá lâu. Người bạn nói với Lan Nhi rằng, hình ảnh Bà Trầu đã in đậm trong văn hóa tâm linh người Việt. Tuy nhiên, về nghiên cứu, khảo sát cũng như về tu bổ, dựng xây đền miếu về Bà chưa được thực thi đúng tầm vóc một nữ thần như Bà. Nhà văn hóa gợi ý với Lan Nhi rằng, nên kiến nghị để được tiến hành hai bước – bước nghiên cứu, khảo sát và bước tu bổ, xây dựng. Mỗi bước có vai trò và kết quả nhất định. Bước trước làm cơ sở cho bước sau. Hoàn thành bước trước đã là một kết quả đáng kể. Bước sau là kết quả cao hơn để khẳng định và xúc tiến kết quả của bước trước. Là người phụ nữ thông minh, giỏi giang và hiểu biết, Lan Nhi tiếp thu nhanh lời khuyên của nhà văn hóa và cô đã dự kiến được ngay công việc phải làm về Bà Tổ Mẫu. Cô có ý định nghỉ phép một tuần, để đến các viện khoa học xã hội như Viện Hán Nôm, Viện Lịch sử, rồi tiếp đến là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch… Lòng cô rộn lên niềm vui thơi thới cùng với niềm tin thành công về công việc mà cô đang bắt đầu – công việc không chỉ cho riêng cô, cho gia tộc Nguyễn Công, mà cho cả cộng đồng người Việt với văn hóa tâm linh. Cô cất lên nhè nhẹ lời bài hát chầu văn do chàng nho sinh thuở xưa sáng tác và hát khi chèo thuyền lãng du vào Đền thờ Đức Trầu:

“Chữa bệnh cứu người, í i…, chữa bệnh cứu người!

Đền linh, í i… mà miếu nghiệm, í i…, cho đời, cho đời không quên…”.

Đúng, đời không bao giờ quên Nguyễn Thị Trầu - Bà Trầu - Mỹ Hoa Công Chúa - Nguyễn Thị Tôn Thần - Đức Trầu và tất cả những linh thần khác như Bà!

 

 

 

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây