Nhà thơ Bùi Văn Kha
Duy cảm, duy lý, duy mỹ, duy linh, duy cổ, duy tân,…đã là các trào lưu, trường phái, chủ nghĩa của lịch sử văn học. Những năm 90 thế kỷ 20 trở đi, ở Việt Nam, rộ lên các sáng tác ảnh hưởng ngoại lai, bên cạnh những thi pháp, phong cách truyền thống. Khác với thời Thơ Mới những năm 30 thế kỷ trước, thời gian này có một bộ phận các nhà thơ trẻ, lấy thơ làm “vị nghệ thuật”, lấy nhập cuộc cùng nhân dân, văn hóa dân tộc làm “vị nhân sinh”. Mỗi người mỗi vẻ. Họ đóng góp cho thơ Việt Nam một tiếng nói chân thực của tư tưởng nghệ thuật tự nó hợp quy luật phát triển của thời đại. Nhà thơ Đặng Huy Giang đã góp vào đội ngũ những nhà thơ trẻ tuổi một phong cách theo kiến văn của mình, những vấn đề của thực tại. Kiến văn ấy vừa theo cách hiểu giáo khoa, vừa theo kiểu trực giác trí tuệ, tạo ra thơ Đặng Huy Giang có lối luận lý trữ tình khác biệt nhưng vẫn nằm trong dòng chảy văn hóa tiếng Việt.
Có thể nói một chút về kiến văn.“Kiến văn, có nghĩa là “nghe và thấy”. Từ nghĩa gốc này, từ “kiến văn” được dùng với nghĩa chuyển để chỉ những điều “tai nghe, mắt thấy”, rồi mở rộng thành “những điều hiểu biết, tri thức”. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992) giảng nghĩa như sau, “kiến văn” là “những điều mắt thấy tai nghe, những điều hiểu biết (nói khái quát); kiến thức” (tr.522).
Cho nên, nói “một người có kiến văn rộng” có nghĩa là người ấy có hiểu biết rộng ở nhiều lĩnh vực chứ không thứ gì riêng hiểu biết về văn chương. Nhà bác học lớn của nước ta là Lê Quý Đôn (1726- 1784) có bộ tác phẩm nổi tiếng là Kiến văn tiểu lục. (Theo Phạm Tuấn Vũ, báo Bình Định, 2018).
Đặng Huy Giang tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khoảng đầu năm 80 thế kỷ 20, cùng thời gian với các nhà thơ Từ Ngàn Phố, Lương Định, Nguyễn Linh Khiếu ... Ông làm báo từ đấy. Ông làm thơ trước đấy. Nhưng chỉ có rời giảng đường, dấn thân vào cuộc khách quan, với đam mê đến day dứt tột cùng với thơ, Đặng Huy Giang mới dựng nên thư viện kiến văn của mình. Thơ ông, từ đấy, đã bước vào luận cơ bản của tồn tại thơ, của văn chương vào cái thời mà mọi người hầu như đều bị cuốn và hao phí nhiều vào đồng tiền, nhiều lúc là duy nhất đích.
Ta bắt đầu cùng ông với “hoài nghi tất cả” (châm ngôn Đức) trong Con đường không con đường. Tôi xin được nói rõ đây là kiến văn luận, chứ không quy vào một cái gì quan phương. Đã là người, nói như Đặng Huy Giang, tôi đang bò và tôi tư duy, thì con đường thực và con đường trực giác trí tuệ dẫn tới thức ngộ. Lại nói về vô thường. Đây là biện chứng Phật học, ý nói cái nhìn thấy bằng cảm giác sẽ trôi qua, theo biến đổi thường có. Vạn vật vô thường là thay thế. Cái này cũng giống như Dịch học quy lại là dị, là hóa. “Hoa vô thường nở” hợp được nhiều ý sâu như nước.
Con đường không con đường
Trước tôi nghĩ: Con đường là con đường
nên tôi tìm đường đi.
Nay tôi hiểu: Con đường không là con đường
mới dẫn tới chân lý.
Hoa vô thường nở
trên mọi ngả tôi qua.
Từ những cái định lượng thời gian dài ngắn dày mỏng hơn kém, là cái lẽ thường, chuyển sang một nội hàm khác, là tìm kiếm, là việc của tư duy. Là điều kiện cần của nhận thức. Đặng Huy Giang xếp ý đưa đến kết luận hợp lý.
Điều còn lại
Thêm một ngày, không dài
Bớt một ngày, không ngắn
Thêm một ngày, không dày
Bớt một ngày, không mỏng
Thêm một ngày, không hơn
Bớt một ngày, không kém…
Điều còn lại cuối cùng:
Phải tự mình tìm kiếm.
Tiên đề kiến văn tất nhiên dẫn đến thơ luận lý. Trong Thơ ngắn là nhân bản, ý chí, quan thiết, nhân quả, triết lý. Đặng Huy Giang , trong cặp đôi ngữ pháp, muốn trình bày cách nhìn cái Chân của mình. Cái tự ngẫm trong thơ ngắn đã bộc ra cách nhìn cô đơn, nhưng duy lý.
Thơ ngắn
1. Trong hoang lạnh kiên nhẫn nhen mầm lửa
Hướng đất lành gieo giống ban mai.
2. Thế giới này không chỉ có em
Nhưng không em thì không thế giới.
3. Không gì là không thể
Em ơi, tất cả mới bắt đầu.
4. Em đi, biển vắng, trời cũng vắng
Gặp én bay đôi cũng chạnh lòng...
5. Đừng bới lên một đống tro tàn
Chẳng có gì ngoài tro tàn trong ấy.
6. Đừng lấy quá khứ là vật đảm bảo tương lai
Dẫu tương lai bắt đầu từ trước nó.
7. Không hôm qua chẳng hôm nay
Không hôm nay chẳng có ngày mai đâu.
8. Hoa vàng hàm chứa ung dung
Cỏ xanh xanh đến tận cùng chở che.
9. Sớm quá, muộn quá đều bất cập
Quanh năm sum họp một giao thừa.
10. Giả dối thường uốn éo
Sự thật lại thẳng băng
Giả dối có nhiều bộ mặt
Sự thật chỉ có một bộ mặt
Giả dối phủ quá nhiều áo xống
Còn sự thật cởi trần.
Đặc biệt, quá trình nhận chân trong Tôi, là phân giải tận cùng cái tưởng như hợp thể hoàn chỉnh. Tôi không khẳng định những nhàm chán lặp lại có chịu ảnh hưởng của triết học hiện sinh hay không, nhưng cách đặt và kết của tự thân phản tỉnh là cần thiết của quá trình nhận chân ấy. Câu thơ buồn hoang lạnh.
Tôi
Rượu giống rượu
Bia giống bia
Thuốc lá giống thuốc lá
Còn tôi chẳng giống tôi.
Tôi dùng rượu chống chế nỗi buồn
Dùng bia khuyếch tán niềm vui
Dùng thuốc lá
Có lắm khi chỉ vì dùng thuốc lá.
Lá giống lá
Hoa giống hoa
Quả giống quả
Còn tôi chẳng giống tôi.
Tôi dùng lá phô trương mùa thu
Dùng hoa cổ suý mùa xuân
Dùng quả
Có khi chỉ vì dùng quả.
Sáng giống sáng
Chiều giống chiều
Đêm giống đêm
Còn tôi chẳng giống tôi.
Tôi dùng sáng để ngậm miệng
Dùng chiều để nghiến răng
Dùng đêm để thở khẽ
Tôi tiêu từng giây, từng phút, từng giờ
Như tiêu từng xu, từng đồng thời tiền bạc eo hẹp
Để mua một khoảnh khắc mộng mơ
Đẹp và buồn đến ứa nước mắt.
Tính triệt để của phản đề, trong thơ Đặng Huy Giang, có lẽ là duy nhất, trong các nhà thơ thời kỳ này. Ông mổ xẻ bản thể để phân tích bản nguyên nhân tính lớp tầng cá thể trí thức. (Có lẽ thơ Đặng Huy Giang là thơ của giai tầng trí thức và tinh hoa). Không tôi không phải là cái bóng. Không tôi là cái tôi hợp quần trừu tượng thành cá thể. Nó là kiểu tồn tại tư biện phản đề. Đặng Huy Giang theo tôn chỉ tìm kiếm. Bây giờ nó thường trực trên thanh công cụ Google, nhưng thuộc kho từ điển. đây là day dứt không từ điển, chỉ dựa vào “ba bồ sách kinh luận ” của cụ Lê Quý Đôn văn huệ. Bản ngã (cái tôi) đồng hành bản thể.
Điều khó khăn hơn cả
Đấy là điều khó khăn hơn cả
Khi tôi chống lại tôi
Khi tôi đầu hàng tôi
Khi tôi khó chịu tôi
Khi tôi là tôi
Lại không là tôi nữa.
Liệu tôi có thể đối kháng với chính mình
Đánh cờ với chính mình
Chơi bài với chính mình
Sấp ngửa với chính mình
Với chính mình, thua - được?
Và những gì cuộc đời bầy đặt
Với người này, tặc lưỡi, bỏ qua
Với người kia, cười khẩy, cho qua
Còn tôi tự hỏi tôi: Sao mình đã không làm như họ?
Có thể tôi còn quá yêu mình
Cái ngã chưa chịu rời bỏ tôi dù chỉ trong chốc lát
Nó là tôi chăng?
Không phải tôi chăng?
Cái quan trọng nhất của chủ thể là tự do. Mệnh đề tự do, là thước đo của cái tôi hiện hữu. Đặng Huy Giang tượng trưng khái niệm nhân hóa. Nghi vấn xét thêm những gì đã được mệnh danh. Bài thơ này có ý phê phán mặt trái của cái Chân, tức là cái giả, là trên lập trường của cái Thiện.
Tự do đeo mặt nạ
Tự do đeo mặt nạ
Nói những gì cũ mèm
Làm những gì cũ mèm.
Tự do đeo mặt nạ
Nói những gì hoang đường
Làm những gì hoang đường.
Tự do đeo mặt nạ
Nói những gì ngông cuồng
Làm những gì ngông cuồng.
Tự do đeo mặt nạ
Nói những gì càn rỡ
Làm những gì càn rỡ.
Tự do đeo mặt nạ
Tự ên và tự ên
Nắm tóc nhấc mình lên.
Tự do đeo mặt nạ
“Mặt thật tự do” đâu?
Cái Thiện được nói rõ nhất trong Tư duy kiến. Cá thể trong quần thể là một hành trình không đứt quãng. Nhưng con kiến nhỏ nhoi không than thở. Nó có số mệnh của nó. Nó khẳng định nó “Tôi đang bò và tôi tư duy/ bằng nhậy cảm sợi râu và đôi bàn chân kiến”. Có định hướng (sợi râu), Có thực lực (bàn chân). Câu kết Thiện nhất “thế gian này/ đâu dễ bỏ mà đi”.
Tư duy kiến
Tôi tác động vào thế gian này theo cách một con kiến
vất vả mang ngày mai trên vai
qua nhịp cầu nối dài
sáng
tối.
Ngày lại ngày
mưa
nắng
hụt hơi
đất dưới này trồi sụt không tính đếm
trời trên kia vẫn nhấp nhổm mây trôi.
Có thể tôi leo
có thể tôi trôi
lên xuống
xuống lên
sấp
ngửa
rối bời
điều quan trọng
hành-trình-không-đứt- quãng.
Tôi đang bò và tôi tư duy
bằng nhậy cảm sợi râu và đôi bàn chân kiến
thế gian này
đâu dễ bỏ mà đi.
Tôi không ham theo mảng trí huệ tư tuệ của Đặng Huy Giang trong thơ luận lý của ông. Thơ trữ tình Đặng Huy Giang, dù có phản tư, nhưng thanh khiết về hình ảnh, mềm mại về nhân vật. em và sen và sình lầy già héo.“Em xoay xở làm sao mà hoa trắng nhuỵ vàng?”.
Trước sen
Giữa đầm khuya nở một đoá sen
Sáng lên trong màn đêm ngờ vực
Thơm lên trên sình lầy cùng cực
Em là hoa?
Em không là hoa?
Đêm lật xoay hai mặt lá sen già
Thời gian rạn
và
không gian vỡ
Cả hai cùng nhịn thở
Thoắt thực
Thoắt hư
Thoắt có
Thoắt không...
Em xoay xở làm sao mà hoa trắng nhuỵ vàng?
Cái hay của trí tuệ là không bỏ được tình cảm. Tình cảm kiểu gì cũng phải có gái trai. Lên rừng xuống biển cũng cùng em. Biển của hiện thực là biển Đông, là năm châu bốn biển. Biển của Đặng Huy Giang là biển của khái niệm. Nhưng cùng em mà đặt câu hỏi là cùng cái đẹp hỏi rồi. Hết biển của nghi vấn sẽ đến biển của mỹ học chăng?
Bao giờ hết biển?
Hết suối là sông
Hết sông là biển
Hết biền là gì?
Người bảo: Nắng đổ
Người bảo: Mưa sa.
Người bảo: Chia ly
Người bảo: Gặp gỡ.
Anh đi em đi
Ta đi mình đi
Hết biển là gì?
Bao giờ hết biển?
2014
Ta còn gặp ý này ờ Luận lý. Luận thế nào ra em, lý thế nào ra em. Em là cái đẹp, nhưng không là kết quả của luận lý. Có nhiều thứ không thể chỉ là lý luận. Có những cái phải thuộc tình cảm. Lý trí và tình cảm đều phải được tôn trọng thì mới ra kết quả. (Rộng ra là tâm lý và luận lý – có lẽ lại phải đọc Văn tâm điêu long).
Luận lý
Duy lý và duy nghiệm
Giáo điều và hoài nghi
Chối từ và khẳng định…
Rõ rệt và mù mờ
Trừu tượng và cụ thể
Quen thuộc và xa lạ…
Gặp gỡ và chia ly
Tan ra và hợp lại
Nắng đấy mà mưa đấy…
Luận… thế nào ra em
Lý… thế nào ra em
Chỉ tình yêu mới biết!
Ở Độc thoại của một loài chim di cư, cái muốn nói đến là hy vọng. So với chim, con người di cư nhiều lắm. Đặng Huy Giang không nói đến cái bay của thiên di. Ông chỉ nói đến cái sự bay của các cuộc hiện tồn. Như vậy là đã bỏ qua suy diễn. Suy cho cùng, đích đến của cái Chân là cái Thiện.
Độc thoại của một loài chim di cư
Ta vừa bay vừa ngủ
Ta vừa ngủ vừa bay
Dưới những ngổn ngang mây
Trên bạt ngàn cây cỏ
Hữu hình như cái có
Vô hình như cái không
Bỏ qua nhiều con sông
Bỏ qua nhiều rặng núi
Thấu nỗi đời trôi nổi
Trong vòng quay đêm ngày.
Ta bay như không bay
Ta ngủ như không ngủ.
Bạn của ta: Gió dữ
Bạn của ta: Mưa hiền
Rét mướt đuổi sau lưng
Ta chạy theo ấm áp
Ấm áp ơi ấm áp
Liệu còn chờ ta không?
Không vừa lòng với Ham let của hơn 400 năm trước, Đặng Huy Giang đưa ra quan cảm mỹ học mới: Tính không định hình. Cái nhìn thấy thực ra chỉ là biểu trưng của một khoảng thời gian thôi. Cũng không hẳn là cảm nhận có tính chủ quan. Chỉ là tồn nghi vật thể và chủ thể. Thơ không thể khẳng định được cái vĩnh viễn của một biểu tượng hay hình tượng nào đó. Mỹ học mới không lấy vẻ đẹp tự nhiên làm tiêu chuẩn. Mỹ học mới cũng không lấy con mắt chủ thể làm tiêu chuẩn. Riêng một màu đen thôi có thể phối pha hàng chục nghìn màu trên nền của nó. Mà màu nào cũng riêng tư, cũng đẹp.
Khách thể
Tồn tại hay không tồn tại
Một vẻ đẹp phù du sương khói
vương vấn ngọn cây
Nó là bướm mà không là bướm
Là ong lại chẳng rõ ràng ong
Đập cánh nó bay
thoắt ẩn
thoắt hiện
như thật
như đùa
như có
như không
Tôi còn biết làm gì
Ngoài thở dài và tiếc
Tôi sở hữu nó bao giờ
Nó sở hữu tôi chăng?
Bên cạnh các dạng thức của trí tuệ mệnh đề, Đặng Huy Giang còn, trong thể lục bát, dùng hình ảnh xưa để nói với ngày xưa về biến thiên thế thái.
Cây trôi là biểu tượng gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa làng xã, nêu gương bảo vệ giữ gìn. Cây sống cả ngàn năm. Hồi cố phục Tổ cũng là một phép của tư duy. Lời cũ, nhưng cách đặt vấn đề trí tuệ.
Bài thơ viết dưới gốc cây trôi làng Dẫn Tự
Hỏi thuyền. Thuyền đã sang sông
Hỏi sông. Sông đến mênh mông biển rồi
Đành về hỏi gốc cây Trôi:
Bao nhiêu là sự đã rồi, còn chi?
- Cuộc đời là cuộc đời đi
Vui mùa quả mới
hỏi gì
ngày xưa?
Vĩnh Yên – Hà Nội tháng 6 năm 2019
(Làng Dẫn Tự thuộc xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc)
Tôi nghiệm ra Đặng Huy Giang không làm sự gì lớn chuyện. ông dùng cái biết thông thái để kịch hóa hình tượng. Ông hợp các hình tượng lại để thành câu chuyện đồng thoại.
Trung thu
Trên ấy có vầng trăng tròn
Trong trăng, truyền thuyết nhắc: còn cây đa
Còn trâu ăn lúa nhẩn nha
Giật mình chú Cuội gọi cha ới ời
Còn cây cỏ mọc trên đồi
Còn người chẳng bận như người trần gian
Dưới này có thỏ kéo đàn
Có con mèo múa, có dàn vịt ca
Ô tô cũng muốn lấy đà
Đoàn tàu hoả lượn ga nhà quẩn quanh
Đồ chơi xúm xít, em anh
Mâm ngũ quả đẹp như tranh trước thềm
Đốt đèn ta gọi trăng lên
Rủ thêm chú Cuội, mời thêm chị Hằng
Trung thu, dung dẻ, dung dăng.
Ý nghĩa của các bài thơ này là phải giữ lại nét đẹp của lịch sử phong hóa tín ngưỡng. Tôi như thấy lại cảnh xưa một niềm trân trọng.
Ngôi chùa trong sương
Thủng thẳng chuông buông
Xa xôi, thảng hoặc
Ngôi chùa trong sương
Thực - hư - hư - thực…
Vẫn con đường đất
Thì thầm lối xưa
Tốt nắng tươi mưa
Râm ran cỏ mọc.
Đêm như đêm trước
Ngày như ngày sau
Áo nâu, guốc mộc
An nhiên cửa thiền
Cho ngày không suông
Cho đêm không nhạt.
Bài thơ Mỗi ngày tôi một mặt trời khẳng định sức sống tin tưởng của ánh sáng, của lý lẽ thực túc tri túc của Khổng học, của nhân quả Phật học, của viễn cận Lão học.
Mỗi ngày tôi một mặt trời
Mỗi ngày tôi một mặt trời
Nắng rực rỡ nắng, mây vời vợi mây
Mỗi ngày tôi một vần xoay
Đem thừa đắp thiếu, lấy đầy bù vơi
Mỗi ngày tôi một sông trôi
Bao kiếp sóng nước, một đời phù sa
Đêm ngày mở một lối ra
Về biển như trở về nhà mình thôi
Mỗi ngày tôi một tôi ơi
Nước mắt đi trước, nụ cười theo sau
Thấp cao cùng với nông sâu
Lại xuất phát, lại bắt đầu…người ơi
Mỗi ngày tôi một mặt trời…
Tôi kết bài bằng lấy chàng hiệp sĩ dùng cổ điển chống lại thời đại biến đổi, không phải kiểu “lấy tĩnh chế động”, “dĩ bất biến ứng vạn biến” của chính trị học. Đôn Ki – hô – tê, theo Đặng Huy Giang, là một dung hợp của Chân – Thiện Mỹ. Các chuẩn này không thể theo chính thống quan phương. Nhân vật được tôn trọng nên bắt đầu từ sự thật, không phải bị đẩy lên. “Những đám mây mù loà/ Những vầng trăng thong manh/ Những ngôi sao giấu mặt/ Những mặt trời nửa mắt/ Chụp xuống trần gian” cao tầng tại thượng nhìn xuống trần gian uốn éo những cái Giả, cái Ác, cái Xấu tượng hình con rắn của Ngày tội lỗi.
Đôn Ki-hô-tê
Thôn nữ, kẻ được yêu: Đulxinêa
Giám mã, người đi cày: Xantrô
Cái hố
Ma dẫn lối, quỷ đưa đường
Cối xay gió
Vũ điệu xoay tròn xáo trộn cả màn đêm
Có thật.
Những đám mây mù loà
Những vầng trăng thong manh
Những ngôi sao giấu mặt
Những mặt trời nửa mắt
Chụp xuống trần gian
Cái trần gian khúc đen khúc trắng
Cái trần gian cạp nong cạp nia
trườn
và
bò
như rắn
Có thật.
Thật như một chàng
thật như một ngựa
thật như một chàng
thật như một gươm
vừa thoát khỏi đám đông
đã lấy cái hữu hình chống cái vô hình
thật như chàng, đồng nghĩa gục ngã
thật như chàng, đồng nghĩa đụng độ
thật như chàng, đồng nghĩa giao tranh
thật như men rượu vang
thật như sừng bò tót
thật như lá phong xứ Mantra
Nơi thiện - ác không nhường nhau một phân
Nơi thực - hư chẳng đi chung lối
Nơi núi cao - biển thấp sống cùng.
Nơi sinh ra Đôn Ki-hô-tê
Một con người
Hiệp sĩ
Không thật
Mà thật!
Nhà thơ Đặng Huy Giang luôn có ý thức nhập cuộc, tìm tòi, và sáng tác duy niệm. Ông gìn giữ thơ như người cầm vàng trên sông. Thơ ông động viên cho cái lý, cái cảnh, cái tình của sáng tác chân thực. Ông chú trọng đến cái đẹp của sự phát hiện. Đọc thơ ông, ta thấy được cái tinh túy lý lẽ của nền tảng hệ thống quan cảm nhận thức xưa nay được ông chắt lựa.
Hà Nội, tháng 12/ 2024
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn