ĐI VỀ PHÍA MẶT TRỜI - thơ Lê Cảnh Nhạc và lời bình

Thứ tư - 11/12/2024 17:52
Trần Anh Thái, Lê Thành Nghị, Lê Bá Thự, Bùi Việt Thắng: Đọc “Đi về phía mặt trời”, NXB Hội Nhà văn 2024
ĐI VỀ PHÍA MẶT TRỜI - thơ Lê Cảnh Nhạc và lời bình
 

THÔNG ĐIỆP CUỘC ĐỜI VÀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC TRONG THƠ LÊ CẢNH NHẠC
 

 

Nhà thơ Trần Anh Thái
(Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam)
 

   Tập thơ Đi về phía mặt trời gồm 123 bài, chia thành hai phần: “Dặm Đời” và “Hồn Việt”. Mở đầu tập thơ là Cát. Tại sao lại là cát mà không phải thứ gì khác? Vì suy cho cùng, mọi thứ mà con người có được, sở hữu nó đều bắt nguồn từ những hạt nhỏ bé ly ti mà chúng ta gọi là cát bụi. Những thiên tài, vĩ nhân hay bậc thánh hiền…đều được cấu thành từ những nguyên tố phong trần vi tế nhất. Chính nó mới là chất liệu nuôi dưỡng chân lý, không bị chi phối bởi bất cứ một triết thuyết lớn lao hay thế lực cao siêu nào. Cát chính là duy nhất, là điểm đến của mọi cuộc ra đi và trở về trên bước chân lữ khách. Bởi thế không ngẫu nhiên Đi về phía mặt trời mở đầu bằng hình ảnh “Cát ngàn đời mở lòng ôm biển cả”. Cát đã mở lòng thì lập tức một đời sống khác hiện ra, đó là sự bao dung, chấp nhận, tôn trọng và cảm thông với đối tượng là những đợt sóng trào. Khi sự rộng lớn mênh mông mở ra thì thế giới mới tràn đến “Lấp lánh lân tinh dưới trời nắng lửa/ Cháy ngời lên như muôn triệu vì sao”. Không khí rực rỡ, chói  sáng của câu thơ cho cảm giác về sự khoan dung. Đó cũng là phẩm chất cao quý, là cảnh giới cao thượng, sự trưởng thành về nhận thức của nhân vật được ẩn dụ. “Cát bời bời cuộn trào lay gió bão/ Cát sắt son gắn kết dựng tường thành” không khí mạnh mẽ vững chắc  “Triệu bàn chân không thể hằn dấu vết/ Thầm lặng ùa lên che nỗi đau mình”. Tự tin, bản lĩnh không gì có thể che vùi khuất lấp là một phẩm tính đặc biệt của cát. Nó vừa rắn chắc vùa cao thượng và cũng là chính nó,  thiện lành giành đãi cho chính mình. Bởi lẽ khi cát ùa lên thì nỗi đau biến mất, tâm hồn rộng mở sạch trong, mọi thứ sáng lên “Cát ngời lên hoa lệ sắc pha lê” báo hiệu hiện tượng mới diễn ra “Cát trẻ trung, cát vĩnh hằng không tuổi/ Cát chở che muôn vạn kiếp luân hồi”. Khi thân trong thì tâm mới sạch. Tâm trong sạch ở đâu cũng an nhiên tự tại. Đó mới là thứ vững bền muôn thuở, mới là cứu cánh của tồn tại.

Đi về phía mặt trời mang khát vọng của một thứ ánh sáng bao trùm. Đó là tập hợp của những lời ca được liên kết với nhau bởi những suy tư về cuộc đời. Phần Dặm Đời là lời tự sự của chính tác giả về thân phận, nỗi niềm, nỗi đời, nhân tình thế thái nhưng luôn mang một ý thức rõ rệt hướng về nơi ánh sáng. Bởi ở đâu có ánh sáng thì bóng tối mất đi. Cuộc đời luôn là vậy, luôn là sự giằng co giữa hai cực bóng tối và ánh sáng. Vì thế con người phải Đi về phía mặt trời, tìm cách vượt thoát khỏi tăm tối, u mê để vươn tới ánh sáng, vươn tới cái cao thượng, thánh thiện. Thế nên: “Tuyệt đỉnh phút thăng hoa/ Đừng quên linh hồn từng nhuốm bụi”, đừng để những vầng sáng chói lòa mê dụ cuốn về phía bóng tối, vì “Bóng tối gian manh vỗ về tâm trí/ Uốn lời ta lúc diễn thuyết đăng đàn”. Ngay cả những lúc vinh quang nhất cũng đừng quên chính sự vinh quang ấy, cái bóng ấy đang che lấp bao người khác. Nếu không tỉnh táo, càng nhón cao bóng tối càng lớn, kết cục là “Cám giỗ ngọt ngào mầm cay đắng/ Chỉ lẩn khuất khi ta biết tự soi mình”. Hơn thế nữa tác giả không ngần ngại vạch trần sự thật của quyền uy một cách chi tiết sống động: “Khi ta cố leo lên những nấc thang quyền lực/ Càng leo cao mặt nạ càng dày thêm/ Khao khát uy quyền chiếm đoạt lòng tin/ Tự ngộ nhận linh hồn mình vĩ đại”. Cái ngộ nhận đôi khi che khuất mọi tầm nhìn, nó bị bủa vây bởi những lời tụng ca ngọt ngào đường mật làm cho  mọi thứ rối tung lên, thật giả bất phân “Ngộ nhận bao dung ngộ nhận nhân từ/ Lời thức tỉnh mỗi ngày ít hơn tiếng tung hô/ Câu đường mật ngọt ngào hơn cảnh báo”. Câu thơ báo hiệu sự suy đồi của chức quyền, danh vọng. Nó cũng nói với chúng ta rằng ngộ nhận là cái bẫy, luôn ẩn nấp đâu đó trong mỗi con người và sẽ bùng lên khi có cơ hội. Vì thế, nếu không tỉnh táo, không thật sự lý trí, suy xét thấu đáo mọi sự sẽ dẫn đến một tương lai nhiều hệ lụy. “Còn lại chút nhân tình thế thái/ Sao đếm đong đáy biển lòng người/ Ai rồi cũng trở về cùng cát bụi/ Núi đổ rồi phận đá bạc như vôi”. Đoạn thơ trên không chỉ mang thông điệp thức tỉnh mà nó còn có ý nghĩa về sự tồn tại của kiếp người.  Sự thật chúng ta sinh ra từ đâu sẽ trở về chính nơi đó, vậy nên đừng quá chi ly chặt chẽ đếm đong, đừng để mình bị ràng buộc vào những điều không có thực, không thuộc về mình, nếu không bất hạnh sẽ đến “Núi đổ rồi phận đá bạc như vôi”.

Ở Dặm đời, còn có những bài thơ viết về quê hương, cha mẹ người thân mang nặng nỗi niềm nhân thế. Đó là lúc nhà thơ khắc họa hình ảnh người con lang thang đi khắp nẻo đường tìm người cha đã hy sinh trong cuộc chiến: “Miền thiên thu cao xanh in hình cha/ vẫn rạng ngời như ngày vào trận tuyến/ngày sinh con cha đi mãi không về/ mẹ chờ cha buốt cả trời thương nhớ”. Câu thơ buồn và đẹp như xoáy vào lòng người đọc…Trong cái mạch buồn ngậm ngùi nhiều day dứt ấy, tác giả tiếp tục bộc bạch “Giận cái nghèo, thương mẹ cha vất vả/ Càng yêu quê, làm sao nỡ ly hương/ Dù bước chân đã bươn trải bốn phương/ Hồn quê vẫn rưng rưng trong từng câu hát”. Đó là niềm tự hào, là tiếng hát được cất lên dù rất ngắn ngủi nhưng kiêu hãnh về quê hương đất mẹ. Nó cũng là sự bền vững của văn hóa, của tính dân tộc trong mỗi con người xứ Nghệ.

Cuộc sống lam lũ nghèo khó chưa bao giờ dừng lại, nó tràn ngập mồ hôi và nước mắt với những cơn gió Lào xé rách thịt da, manh áo tơi đội cả trời mưa nắng cho đến củ khoai lăn lóc đồng hoang rồi chiến tranh, lũ lụt, đồng trắng nhà trôi và muôn vàn khó khăn hiện hữu…Nhưng chính vào những lúc ấy lời ru cất lên “Lời ru nồng say ngày đông ấm áp/ Lời ru dịu mát cáí nắng đỏ trời”, câu thơ cho ta cảm giác sự sống bật lên từ những héo tàn. Đó là sự lạc quan, cũng là lối thoát. Hạnh phúc không  tự nhiên mà có, nó phải trả giá bằng biết bao công sức khó nhọc cùng sự hy sinh. Vì thế không nên né tránh mà phải đối đầu bằng một chí ý kiên cường hướng tới những điều đẹp đẽ, chỉ như thế lời ru mới vang lên “Vọng lên đồi nương ngô lúa trổ bông/ Vọng vào thung sâu mây choàng vai núi/ Vọng về sông suối, nước reo rì rào/ Vọng đến mai sau đong đầy thương nhớ”. Suy cho cùng đời người ngắn ngủi, xác thân cũng chỉ là hạt cát, vậy hà cớ gì không lạc quan hướng về phía trước mà phải chìm đắm trong dòng đời nổi chìm sương gió “Cuộc đời như hạt cát/ Khi bay lên ngang trời/ Khi rơi vào quên lãng/ Khi lặng thầm chơi vơi”.

Lê Cảnh Nhạc là người nặng lòng thường day dứt với quá khứ, về ý nghĩa của những điều đẹp đẽ đã qua nay không còn trở lại “Mũi tên thời gian vút khỏi cung rồi/ Day dứt trong ta tê buốt cuộc đời/ Bởi không còn ở ngày mai những gì ta gặp lại”. Nhưng cuộc đời đôi khi đầy nghịch lý, vì thế không phải cứ mũi tên bay đi là mất tất cả, mà đôi khi nó còn nợ nần giăng mắc với bao hệ lụy, ví như “Em là bầu trời trong đôi mắt con/ Em là bài ca tình yêu cuộc sống/ Trong giá băng nhen lên niềm hy vọng/ Cho anh vượt qua vòng xoáy cuộc đời”. Người con gái trong cuộc tình này cho dù không còn nữa nhưng dấu ấn mà cô ấy để lại thật sâu đậm “Em buộc hồn anh về phương ấy”, hồn thơ tiếp tục đẩy lên cao  “Dẫu chia gối chiếc đôi đường/ Làm sao chia được lửa hương bao ngày/ Làm sao chia được nồng say/ làm sao chia được biển đầy ái ân”. Đoạn thơ chùng xuống, xót xa nuối tiếc. Cái thời má ấp tay kề đã không còn nữa, chiếc gối, thứ tượng trưng cho đoàn viên hạnh phúc bị phân ly, chia cắt không còn nguyên vẹn, không hạnh phúc. Nhưng cái hương lửa xưa kia vẫn còn đó, đầy cảm thương làm cho chiếc gối đơn côi ngày trước, khôn nguôi nhớ nhung day dứt. Nỗi ám ảnh người xưa không dừng lại mà nó tiếp tục kéo dài  “Dòng sông cuộc đời đã thiếu vắng em/ Mải miết chảy giữa đôi bờ dâu bể/ Điều có thể mãi mãi là không thể/ Chỉ bóng hình ám ảnh suốt dòng trôi”, cuộc chia ly này là không thể cứu vãn, nó đã ra đi mãi mãi, cái còn lại chỉ là nỗi ám ảnh khôn nguôi “Trong cô đơn vòng tay lạnh cóng/ Trăng chẳng thể nào xuống với anh đâu/ Trăng cứ chơi vơi lơ lửng trên đầu/ Mặc yêu thương lặng thầm tê tái”, câu thơ nhói buốt, xót xa trong nhớ nhung sầu muộn của một cuộc tình không trọn vẹn, lãng mạn và đầy bi kịch. Có cảm giác trái tim tác giả  tan ra, giằng xé đau đớn tột cùng trong lặng thầm vô vọng của một tương lai không mấy lạc quan. Trong thế giới của Đi về phía mặt trời, nhiều câu thơ trong đoạn thơ cho cảm giác xót xa, thương cảm với cuộc tình dang dở không trọn vẹn, chứa đựng nỗi đớn đau nuối tiếc “Lời gió lắt lay trong bóng đêm tàn/ Đêm trăng lu trần gian giá buốt”, “Hạnh phúc mơ hồ tê buốt nhói đau/ Hơi ấm nồng nàn xót lời cay đắng” và đỉnh điểm của mối tình tan vỡ này là rạch một đường dao vào vết thương lòng, là nỗi đau ứa máu trong trái tim tan nát  không thể cứu vãn  “Anh sẽ gói em vào vết thương lòng/ Nỗi đau bản tình ca dang dở/ Tiếng chim hót buốt trời máu ứa/ Khi mận gai đâm nát trái tim mình”…

Phần hai của tập thơ là sự cháy lên của tình yêu quê hương đất nước. Đó là những lời ca hồn nhiên chân thật được cất lên một cách mạnh mẽ hào hùng: “Hồn Việt linh thiêng hạc trắng Văn Lang/ Khát vọng phồn vinh soi đường vận nước/ Hồn Việt khoan dung nghĩa tình sau trước/ Văn hóa dẫn đường cho quốc dân đi”. Sau những ca khúc sôi trào mang ý nghĩa khái quát là một sự êm đềm giản dị: “Anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ/ Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều/ Đảo Sơn Ca vẫn bốn mùa lảnh lót/ Chim và người xây cột mốc tiền tiêu”. Câu thơ như kéo thời gian dừng lại, mọi giông tố cuộc đời lùi xa. Những danh vọng chức quyền, những đớn đau dằn vặt của mối tình xưa cũ, tiếng bom rơi đạn réo, những cơn gió Lào xé rách thịt da, những lũ lụt đói nghèo đồng không nhà trống được thay thế bằng tiếng chim vi vu trên đầu nòng súng “Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều”.

Chủ nghĩa yêu nước trong Đi về phía mặt trời còn sáng lên ở những bài thơ viết về biên cương hải đảo. Nơi những cột mốc còn đang rớm lệ, bão tố vẫn trào xô, nỗi đau sóng biển Gạc Ma làm cho trái tim nhà thơ quặn thắt “Biết bao lời nhắn gửi Gạc Ma ơi / Trong phút lặng im nghiêng mình trước biển/ Xương máu các anh sóng xanh hòa quyện/ Đáy nước Trường Sa nghẹn xoáy bao lần”. Giữa phong ba bão táp, người lính vừa canh giữ biển trời  vừa làm giàu cho tổ quốc,  hiên ngang ngạo nghễ trước sóng gió trùng khơi “Trong giông tố mịt mù bão tố cuồng phong/ Khi cột sóng tung trời nhà giàn sập xuống/ Người lính biển hóa thành mốc chủ quyền lồng lộng/ Giữa đỉnh sóng bạc đầu tổ quốc tiền tiêu”. Chủ nghĩa yêu nước của Lê Cảnh Nhạc không dừng lại ở nơi biên cương hải đảo mà nó còn hiện lên ngay trên chính quê hương tác giả: “Đứng lên trong gió Lào cát trắng/Giữa chảo lửa túi mưa/Thông Ngàn Hống đón mây trắng Hoành Sơn/ Hồn đất núi Hồng/Hồn nước Lam Giang/ Vi vút lá kim mà kiên trung khí phách”. Những câu thơ rắn chắc, hào hùng, tràn đầy niềm lạc quan cách mạng với một niềm tin chắc nịch vào nhân dân, tổ quốc: “Những người mẹ tay moi hầm địa đạo/ Thân cán xe tăng, càn quét hành quân/ Nước mắt buốt tim khi con trai ngã xuống/ Tiếp tế nuôi quân vượt khói lửa bao lần”. Hình tượng  can trường khí phách và cũng là phẩm chất cao đẹp, bền vững của người mẹ Việt Nam, đó cũng là giá trị của tình thương, lòng nhân ái, đức hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân ta “Người chiến sĩ sau giờ truy điệu sống/Lao ca nô cảm tử phá bom thù/ Bom bê-năm-hai cắt lìa từng ngọn cỏ/  Huyết mạch xe qua vẫn nối từng giờ”.

Tổ quốc và nhân dân là giá trị bền vững bất biến trong thơ Lê Cảnh Nhạc. Ý thức sâu sắc về quan niệm này nên Lê Cảnh Nhạc tạm gác lại những đòi hỏi bức xúc của thơ hiện nay như sự đổi mới về thi pháp, cách tân trong thơ. Thơ anh là sự tiếp nối của truyền thống, của dòng thơ chống Pháp và chống Mỹ, là sự kết hợp giữa sử thi và trữ tình, là cách tiếp cận của nhà thơ với mọi góc cạnh của đời sống, là quan điểm cộng đồng, vì thế nhà thơ dựng lên được những hình tượng đẹp, những chi tiết và hình ảnh hiện thực: “Chiều gom nắng buông ánh ngày cuối biển/ Ngàn vạn cánh cò xao động trắng hoàng hôn”…

Mở đầu tập thơ là “cát ngàn đời mở lòng ôm biển cả”, đến kết thúc với những đài sen “vượt lên đầm sâu tỏa hương trời cao”, là một quá trình dài đầy gian nan thách thức. Trong suốt thời gian dài dặc ấy có biết bao thao thức dày vò, biết bao mồ hôi nước mắt và cả sự hy sinh vô bờ bến của những con người rất bình dị, những người lính, người mẹ, người chị trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Sự hy sinh to lớn ấy được bù đắp lại bằng những “Đài sen bung thắm cả khung trời”, và dĩ nhiên những đài sen ấy phải mở ra, Đi về phía mặt trời.

T.A.T


04d09b840bf9abed44360a3b8dfc358e

Ảnh (từ trái sang): Nhà thơ Trần Anh Thái, Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc,
Nhà văn Nguyễn Bình Phương và Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều


 

NHỮNG CHIÊM NGHIỆM

QUA TẬP THƠ “ĐI VỀ PHÍA MẶT TRỜI”

 

      Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị

     Tập thơ mới của Lê Cảnh Nhạc với cái tên rất gợi: Đi về phía mặt trời có 123 bài, chia làm 2 phần: Dặm đờiHồn Việt là những ý nghĩ, xúc cảm, tâm trạng gắn với thời cuộc những năm gần đây. Đã đến giai đoạn qua ngọt bùi trải nghiệm, thấm đẫm thế thái nhân tình, ngòi bút của Lê Cảnh Nhạc bên cạnh cái sôi nổi, đa cảm vốn có của một người ham hoạt động, đã thêm những nét thâm trầm từ những chiêm nghiệm lắng sâu. Thơ ấy là tiếng lòng của người luống tuổi như sông đã đến hồi ra cửa biển

Là một người ham hoạt động, Lê Cảnh Nhạc đi nhiều, đến nhiều. Rất dễ nhận ra trong thơ anh những miền đất, những địa danh…với “tọa độ” khá rộng. Hình ảnh một người làm thơ “chịu đi”, và quan trọng hơn, đi đến đâu Lê Cảnh Nhạc cũng “có thơ’, không hẳn là “tức cảnh sinh tình”, mà sâu hơn là những ý nghĩ khái quát về vùng đất mà anh đặt chân đến:
 
          Trong xanh soi đại ngàn
          Tụ khí đất trời
          Tỏa mạch thiêng nuôi chí người Hà Tĩnh
                                      (Miền Trung)
Hoặc:
          Sơn La đong đầy ân tình
          Đất và người nồng nàn sơn khê
                                      (Miền xòe chân mây)
Về Bạc Liêu Lê Cảnh Nhạc như đang “kỳ ảo hóa” một đêm trăng trên sông nước:
          Ánh trăng sông Tiền rắc cườm lên mái tóc
          Nghe tiếng ai hò lay sóng nước mênh mang
                                      (Với Bạc Liêu)
Vừa miêu tả vừa biểu hiện, vừa “hướng ngoại” vừa “hướng nội”, Lê Cảnh Nhạc như muốn hòa trộn trong câu thơ mình cảnh đẹp thiên nhiên với trạng thái ý thức của một người luôn có khả năng quan sát và giàu sức liên tưởng. Ở đâu Lê Cảnh Nhạc cũng nêu bật được nét đặc trưng nào đó, của vùng đất anh đến: Một góc núi Quê hương tôi/  Gió Lào nung vách núi (Xóm núi quê tôi), với Gió Lào thổi rách tuổi thơ tôi (Hồn quê), một sắc rừng Vũ Quang: Nơi rừng xanh mài sắc chí Cần Vương/ Dựng sóng Ngàn Trươi tế cờ dưới đuốc/ Soi bóng đại ngàn giờ mênh mang nước/ Trời Vũ Quang xanh nắng tỏa mặt hồ (Khát vọng bao đời), một cao nguyên đá: Tím trắng bồng bềnh hoa Tam giác mạch/ Váy Mông xanh đỏ, gùi ngô vàng ươm (Đá hát), một bến Giang Đình Gốc đa, giếng nước, sóng lay bến thuyền/ Trang Kiều đợi khách Tiên Điền/ Mái đình đã khuất dấu miền cỏ lau (Bến Giang Đình), đến đảo Sơn Ca Mái chùa cong veo chiều cổ tích/ Tiếng cầu kinh bịn rịn níu hồn tôi/ …Anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ (Đảo Sơn Ca), về Hà Nội Nắng nhuộm hàng me, gió tím hoàng hôn/ Tháp Bút đề thơ ướt chiều mắt em (Mơ về Hà Nội) vv và vv. Có thể thấy Lê Cảnh Nhạc như một “chàng thi sĩ choáng hơi men” náo nức trên mỗi chặng đường, đang muốn gửi gắm, muốn ký thác những nghĩ suy của một người viết giàu nội tâm qua những câu thơ trữ tình giàu sức biểu cảm với một thứ ngôn ngữ vừa tả vừa gợi rất thi vị. Anh đi, cảm nhận và ghi lại những xúc động tươi nguyên của ngòi bút. Thơ anh có thể làm chức năng “định vị” của cho mỗi chuyến đi: Người đẹp đồi chè ngắt đầy đọt nắng/ Làn da măng bóc ngực căng phập phồng là những đồi chè Tuyên Quang, Chiều gom nắng buông ánh ngày cuối biển/ Ngàn vạn cánh cò xao động trắng hoàng hôn là Đất Mũi, Bồng bềnh tinh khôi như sương như mây/ Rưng rưng xuân về hoa ban nở trắng là miền Tây Bắc, Dù đi nơi mô vẫn tình sâu nghĩa nặng/ Cháy hết mình qua dãi dầu mưa nắng là quê hương Hà Tĩnh vv và vv. Cái cụ thể “tươi nguyên” bền bỉ này rất cần thiết cho mỗi nhà thơ, bởi vì giữ cho được cái “hơi khí” ấy trong thơ vốn là một việc làm xưa nay rất không dễ, nhất là khi đã không còn trẻ.

Nhưng như trên đã nói, Lê Cảnh Nhạc không chỉ giữ được cái sôi nổi, đa cảm vốn có của ngòi bút anh. Thơ anh còn là nơi lắng lại thâm trầm của những chiêm nghiệm sau những tích lũy của kinh nghiệm. Đây là phần “công dân”, phần “phản biện”, phần “đời”, phần “lên tiếng” của thời gian, mà mỗi nhà thơ theo cách của mình giải bày cùng người đọc. Tại đây, ngôn ngữ thơ mang sắc thái “bình luận trực tiếp”, vì vậy tư tưởng được mài sắc và đến thẳng với nhận thức của người đọc. Hãy nghe anh biểu hiện về sự giằng níu trong cuộc sống của mỗi con người:
 

          Cuộc sống như bàn cờ
          …Ván cờ đầy tính toan
          Ô cờ đong nước mắt
          Cuộc đấu với chính mình
          Buồn vui trong phút chốc
                                      (Hạt bụi)

Một cuộc đời đầy toan tính, như một cuộc cờ đong đầy nước mắt…nhưng phút cuối vẫn là cuộc chơi trắng tay. Bởi vì Thắng thua phù du cả. Phải có trải nghiệm mới có những câu thơ đau xót như vậy! Nhưng tại sao lại kết thúc bi thảm dường kia? Bởi vì Linh hồn từng nhuốm bụi/ …Cơn khát cuồng si nô lệ/ Bóng tối gian manh vỗ về tâm trí/…Chức tước nấp sau sấp ngửa kim tiền/ Cửa quan còn luồn lách bon chen/ Sẽ còn nhiều tượng đài bất ngờ sụp đổ (Hạt bụi). Thơ Lê Cảnh Nhạc làm chúng ta liên tưởng đến những hàng loạt “quan to” trên chính trường những năm gần đây thoái hóa biến chất, nói một đường làm một nẻo, cám dỗ hư vinh cuốn vào tâm bão, lần lượt vào “lò” trong nỗi ô nhục làm người. Rút cuộc thì trong cuộc cờ này cái gì thắng đây? Không thể nói là “tiền bạc đã thắng”, cho dù những kẻ đó nhiều tiền, rất nhiều tiền, nhưng đó là những thứ “không còn giá trị” khi nhân phẩm chủ nhân của những đồng tiền kia trở nên ô nhục, đớn hèn! Nhưng như không hề tự rút bài học cảnh tỉnh, có những con người vẫn “say mê” quyền lực, lấy quyền lực làm mục đích cuộc sống. Lê Cảnh Nhạc cảnh báo: Khi ta cố leo lên những nấc thang quyền lực/ Càng leo cao mặt nạ càng dày thêm. Anh khẳng định Sự vĩ đại không đến từ quyền lực tiếng tăm (Quyền lực). Đó là sự “lên tiếng” của một cây bút đã đến lúc “đốn ngộ”. Nếu “sự vĩ đại không đến từ quyền lực, tiếng tăm” nghĩa là anh đang đề cao nhân phẩm, đạo đức, đang đứng về phía cái đẹp bình dị mà mỗi con người cần giữ gìn, cần có  khát vọng vươn tới.

Trong cuộc đời chúng ta đã có ai chưa từng là nạn nhân của “tin đồn”? Nhất là từ khi có mạng xã hội. Những thứ tin đồn độc ác, leo từ miệng của người này sang người khác, sinh sản theo cấp số nhân, đủ để giết chết những sinh mệnh. Nhưng con người, đôi khi vẫn như một thứ “động vật” thứ cấp, mặc nhiên vô tư sử dụng thứ “vũ khí” chết người này như một sự vô tình gieo rắc nỗi đau:
 
          Tin đồn như con rắn
          Lách luồn trong kẽ đêm
          Tin đồn như bùa mê
          Dỗ vành tai hóng hớt
 
          Tin đốn như khói độc
          Tung mù mịt không gian
          Tin đồn như cái dằm
          Xước da mà nhói thịt
                                      (Tin đồn)
Lê Cảnh Nhạc viết về ‘tin đồn” có gì như “tỉnh rụi”, kỳ thực thơ anh đang chất chứa bên trong nỗi đau “không phải của riêng ai” này. Hiển nhiên anh biết thế gian đang như một cái sân khấu bi hài đang hiện diện kẻ khóc vì mình là nạn nhân, kẻ thương xót mình thật lòng và kẻ cười đang trong chiếc “mặt nạ” của cái ác tạm thời thắng thế:
          Ai buồn ai vui
          Ai khóc ai cười
          Và ai nữa quất roi khi anh ngã ngựa
          Ai thầm lặng chìa tay dìu anh vào điểm tựa
          Tất cả bước ra sân khấu cuộc đời
                                      (Thiên thần và quỷ sứ)

Cũng với cái mạch này, Lê Cảnh Nhạc tìm câu trả lời cho thời gian: Thời gian luôn luôn có phép màu/ Trôi quá chậm với người đang chờ đợi/ Trôi quá nhanh với người đang sợ hãi (Thời gian). Thời gian đôi khi là một bất định: Buồn vui thành bại đi qua/ Ân tình như nắng thắp nhòa sương đêm/…Ẩm ương nắng quái chiều tà/ Nửa như thiêu đốt, nửa nhòa chân mây (Ngẫm); đôi khi là một “thống kê”: Tờ lịch nhắc tuổi mới/ Giật mình bóng chiều buông/ Bao nhiêu là chìm nổi/ Bao nhiêu là tuyết sương (Ta chỉ là hạt cát); đôi khi là một “tổng kết”: Thời gian đầy duyên nợ/ Cho cuộc đời trả vay (Bên li cà phê)…Quả là thơ của người luống tuổi, khi hai vai đã đổ bóng thời gian, khi trước mặt đã hoàng hôn Bạn và tôi nắng đã sang chiều (Gửi bạn). Những câu thơ ít nhiều mang ý nghĩa khái quát.

Có thể người đọc sẽ thích những câu thơ “định vị cụ thể” trên kia, nhưng cũng có thể có người thích những câu thơ có ý nghĩa khái quát này. Điều này cho thấy thơ Lê Cảnh Nhạc đang muốn vươn tới sự đa dạng.

 Nhìn chung, đến tập thơ này ngòi bút của Lê Cảnh Nhạc vẫn giữ được những gì anh đã từng đem đến, và có thêm những gì anh tích lũy được sau những năm tháng gần đây. Thơ cần sự “thăng hoa” như “bắt được”, nhưng thơ cũng cần có sự chăm chỉ hàng ngày như vậy. Và đây là việc làm đáng trân trọng.

 

Tháng 11 năm 2024
L.T.N


dd4e663a24e5db6a4a2a9d3769d51b4b

Ảnh (từ trái sang): Nhà phê bình văn học  Lê Thành Nghị, Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc,
Nhà văn Nguyễn Hồng Thái



 

CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ LÊ CẢNH NHẠC

 

     Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự

     Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc sinh  ngày  15/ 8 /1957. Quê Vũ Quang, Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Đại  học tại Liên xô (cũ); Tiến sĩ Giáo dục học; Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số. Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ tháng 1/1996), Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội.

     Đi về phía mặt trời là tập thơ vừa trình làng của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, gồm hai phần - phần 1: Dặm đời và phần 2: Hồn Việt. Nhan đề của tập thơ lấy từ tiêu đề của một bài thơ trong tập thơ này, bài Đi về phía mặt trời. Tác giả quả là sâu sắc và tinh tường khi chọn tiêu đề giàu tính biểu tượng, biểu đạt hàm súc nội hàm của “Dặm đời” và “Hồn Việt”. Đây là bài thơ viết về dòng sông Đak Bla, chảy qua thành phố Kon Tum, dòng sông chở nặng phù sa, bao đời nay nuôi sống người Bana, Jrai và Xơ Đăng - những dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt con sông Đak Bla không chảy từ Tây sang Đông như bao dòng sông khác trên đất Việt, mà ngược lại, chảy về hướng Tây, về phía mặt trời. Cho nên tác giả mới bảo rằng, dòng sông này chẳng bao giờ tắt nắng, là dòng sông hướng về khát vọng:
 
     Chảy theo mặt trời từ Đông sang Tây
     Như lòng dân luôn luôn hướng về nguồn sáng
     Hướng về mặt trời, hướng về khát vọng
     Đak Bla… Đak Bla chẳng tắt nắng bao giờ.
 
     Đi về phía mặt trời là bài thơ hay viết về Tây Nguyên, bài thơ gây ấn tượng sâu sắc, khơi gợi cảm xúc thẩm mĩ và nhuần nhuyễn trong sử dụng phép tu từ. Đây là bài thơ biểu tượng của niềm tin và khát vọng của các dân tộc Tây Nguyên sinh sống dọc con sông độc đáo này.
      Có thể nói, thơ của Lê Cảnh Nhạc là thơ của cảm thức thời gian, cảm thức con tim và cảm thức thân phận con người. Trong bài này tôi muốn đi sâu vào phân tích cảm thức thời gian trong thơ ông. Bởi thông qua những con chữ đắc địa được chọn lựa công phu, giàu trữ tình, đậm tính nhân văn nhà thơ đã trải lòng mình, đã thổ lộ những nỗi niềm sâu lắng của mình qua thời gian, qua những năm tháng ắp đầy kỉ niệm:
 
     Thời gian như thác đổ
     Cuồn cuộn về biển dêm
     Ước gì sông ngừng chảy
     Ngược dòng thời hoa niên
     Trắng đen xô dạt tóc
     Lịch buông như lá rơi
     Ngày nào xuân biếc lộc
     Bây giờ thu chơi vơi
     Đông đã run trước ngõ
     Nắng đã nhạt chân đồi
    Thềm cao không tiếc nuối
    Thắp chiều lên thắm trời
                                  (Thời gian)
     Và đây nữa:
     Ta đếm tuổi ta bằng số bạn bè
     Ta đếm cuộc đời bằng nụ cười thân thiết
     Rồi tất cả chúng ta đều được ban cái chết
      Bởi người thầy vĩ đại: Thời Gian
                                    (Người thầy vĩ đại)
 
     Thật đáng buồn cho thân phận con người khi thời gian không bao giờ quay trở lại, cho dù ta có tiếc nuối bao điều đã ra đi, cho dù ta có buồn phiền hay than vãn. Tuy nhiên thời gian không tước đi tất cả, và để phần nào an ủi con người thời gian đã ban tặng “ngày mai”:
 
     Cảm tạ thời gian đã ban tặng ngày mai
     Trao cho ta cơ hội thứ hai
     Để làm lại những gì cần làm lại
     Dẫu tiếc nuối bao điều đã ra đi mãi mãi
     Mũi tên thời gian vút khỏi cung rồi
     Day dứt trong ta tê buốt cuộc đời
     Bởi không còn ngày mai những gì ta đã gặp.
                                        (Còn và mất)

     Đối với mỗi chúng ta, mũi tên thời gian đã vút khỏi cung rồi, cho nên thời gian cứ thẳng cánh mà bay đến miền vô tận. Tuy nhiên nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã phát hiện ra rằng, cũng có lúc thời gian dừng lại, đó là khi ta bấm máy, đây là khoảnh khắc diệu kỳ cho phép ta “đóng đinh” những kỉ niệm, những dấu ấn cuộc đời.

     Thời gian trôi đi
     Chỉ dừng lại ở phút giấy bấm máy
     Đóng đinh khoảnh khắc diệu kỳ
     Một cánh chim trời, một giọt sương mai
     Gương mặt bé thơ, nụ cười toả nắng…
                                 (Khoảnh khắc)

     Tôi thích cụm từ “đóng đinh” trong bài thơ này, bởi nó giúp ta lưu giữ những khoảnh khắc diệu kì mà rồi ra chẳng bao giờ quay trở lại. Đóng đinh là sự khẳng định, “chắc như đinh đóng cột”, để cuộc đời ta vẫn còn đọng lại những dấu ấn của thời gian.

     Xét cho cùng, ta chẳng thể trách cứ thời gian, bởi thời gian vận động theo quy luật của tạo hoá. Cho nên, là chuyện đương nhiên khi chẳng còn thời hoa lửa, khi tuổi xuân đã ở phía cuối trời. Nhà thơ buồn lòng khi ngày về hội lớp kẻ còn người mất. Qua rồi, thậm chí xưa rồi, thời áo trắng vô tư và trong sáng mà ta chẳng thể níu giữ. Sau những năm tháng bươn chải trên đường đời, sau những dặm đời được mất - một đời mưu sinh, một thời xa vắng, bây giờ đã đến lúc ta lại về với ta, ta phải về với ta, và ta lại về họp lớp khi tuổi xuân đã phía cuối trời:

      … Bạn bè ơi đâu rồi thời hoa lửa
      Ngoảnh lại tuổi xuân đã phía cuối trời
     … Ký ức học trò tươi rói những tâm hồn
     Đứa cháy lòng mình đứng trên bục giảng
     Đưa lênh đênh sóng cả chốn quan trường
     Đứa thiêu đốt lòng mình từng con chữ
     Đứa thương trường biền biệt ly hương
     Nhớ bạn bè khuất nẻo nghìn trùng
     Còn ở chốn nao răng nỏ về họp lớp
     … Một đời mưu sinh, một thời xa vắng
    Khép lại rồi, quần tụ với nhau thôi.
                                    (Bạn bè ơi)

     Tôi cũng có bài thơ viết về thời gian, với những tâm tư, những nỗi niềm đồng điệu với những bài thơ ắp đầy cảm thức thời gian của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc:

     Bao giờ cho đến ngày xưa
     Để tôi với bạn vẫn chưa có gì
     Để ta vẫn tuổi xuân thì
     Mộng mơ mơ mộng những gì bụng mong
     Hồn trong như suối nước trong
     Yêu nhau hơn cả phải lòng lẫn nhau
     Bây giờ tóc đã trắng màu
     Thời gian liệu có bạc đầu như ta?
                    (Thời gian - Lê Bá Thự)

     Có một đề tài đã, đang và sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho giới văn nghệ sĩ. Đó là đề tài Người Mẹ. Ta không thể đếm xuể ngàn vạn bài thơ và ca khúc viết về mẹ, tôn vinh, ngợi ca và tri ân người mẹ. Mẹ được ví với những gì cao quý, đẹp đẽ, dịu hiền, đáng yêu nhất trên cuộc đời này: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời mẹ êm ái như đồng lua chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu. Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ. Thương con thao thức bao đêm trường…”.

     Là một nhà thơ giàu cảm xúc, Lê Cảnh Nhạc làm thơ về mẹ là lẽ đương nhiên. Nhà thơ ví mẹ là “ngọn gió Tín Phong”, ngọn gió Tín Phong thổi quanh năm, tức bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đây là cách ví von độc, lạ, làm tôi thích. Tín là tin tưởng, Phong là gió. Gió Tín Phong có nghĩa là gió “Tin Tưởng”. Cụm từ này nói lên tất cả. Gió Tín Phong còn gọi là gió Mậu Dịch. Ngày xưa, người Âu, người Trung Quốc đã lợi dụng các đợt gió mậu dịch để giong buồm buôn bán trên con đường tơ lụa trên biển. Với sự xuất hiện của những cơn gió này thì việc làm ăn buôn bán, giao thương của họ được thuận lợi. Chung cục ngọn gió Tín Phong là ngọn gió ban phước lành và theo nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông - chu kì thời gian lặp đi lặp lại, mẹ là ngọn gió Tín Phong, có nghĩa là, theo thời gian, Mẹ mãi mãi tồn tại trên thế giới này:

     Mẹ bốn mùa là ngọn gió Tín Phong
     Cho con giong buồm ra khơi vào lộng
     Như làn heo may hoa về thụ phấn
     Mẹ chắt chiu đơm trái chín thơm vườn
 
     …Tình mẹ dạt dào ngọn gió mùa xuân
     Vạn vật sinh sôi khởi nguồn sinh khí
     Đi đến cuối trời chưa qua tà áo mẹ
     Gói trăm ngàn ngọn gió phía Cực Đông.
                             (Gió và mẹ)

     Người ta ví cuộc đời như là một đại lộ, nơi con người kinh qua nhiều trải nghiệm. Vật đổi sao dời theo thời gian, đường đời lúc thăng lúc trầm, lúc thăng ta gọi là “thịnh”, lúc trầm ta bảo là “suy”.

     Theo nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, sống trên đời mỗi người chúng ta chỉ tựa hồ một hạt cát “nhỏ nhoi”. Nói dzậy, nhưng không phải dzậy, thực tế cho thấy, hạt cát này tuy nhỏ nhoi, bé tí teo, nhưng nó không “vi mô” mà “vĩ mô”, vĩ đại vô cùng. Cát hiện diện ở mọi nơi khắp chốn trên trái đất này, cát chở che muôn vạn kiếp luân hồi, cứ ngỡ cát mong manh nhưng lồng lộng can trường:

     Hạt cát nhỏ nhoi, mênh mông sa mạc
     Thăm thẳm biển khơi, bát ngát đất trời
     Cát trẻ trung, cát vĩnh hằng không tuổi
    Cát chở che muôn vạn kiếp luân hồi
   
     Tận cùng đất, tận cùng trời hồn cát
     Ngỡ mong manh mà lồng lộng can trường
     Bụi của đá kết thành trùng điệp đá
     Lầm lụi đơn sơ sống giữa vô thường
                                     (Cát)
     Và đây nữa, theo nhà thơ Lê Cảnh Nhạc:
     Cuộc đời như hạt cát
     Khi bay lên ngang trời
     Khi rơi vào quên lãng
     Khi lặng thầm chơi vơi
 
     … Ta vẫn là hạt cát
     Lăn lóc trong dòng đời…
                (Ta chỉ là hạt cát)

     Có thể nói, cát với con người tuy hai mà một, dù đi đâu về đâu, đối với chúng ta, theo thời gian, theo dòng đời, dù vui, buồn, dù sướng, khổ, rốt cuộc“thân cát bụi lại trở về cát bụi”. Và đó là cái kết công bằng theo quy luật thời gian dành cho mỗi con người.

LBT.

 

hoaTHƠ NHƯ HOA HƯỚNG DƯƠNG...

 

Nhà phê bình văn học  Bùi Việt Thắng

 

                      Người thơ hào hiệp

          Theo Tử vi thì người sinh 1957 ăn vào can “đinh” đều khoáng đạt, tài hoa, hào hiệp. Tôi cứ nghĩ, nếu Lê Cảnh Nhạc theo nghề giáo (vốn được đào tạo bài bản ngành Sư phạm ở Liên Xô trước đây) thì sẽ trở thành một ông giáo trường công chỉn chu, sáng láng, thành đạt. Nhưng có những ngã rẽ của số phận bất ngờ. Từng trực tiếp với công việc phấn trắng và bảng đen nên Lê Cảnh Nhạc trong các lĩnh vực nghề nghiệp đều gắn chặt với con người, gia đình và xã hội nên khi chuyển hướng viết văn có vẻ tương hợp với định đề “Văn học là nhân học”. Anh thành đạt nhờ công việc chuyên môn, nhờ vị trí quản lý (quan chức) nhưng thành danh nhờ văn chương, chữ nghĩa. Có lẽ nhờ chữ nghĩa mà dẫu rửa tay gác kiếm đóng vai “hưu trí”, thì mặc lòng vẫn cứ lao động không ngưng nghỉ, ở đây là lao động nhà văn - một thứ lao động cô đơn, khổ sai, lúc nào cũng như đối diện với “pháp trường trắng”. Vinh quang và cay đắng đủ cả. Tài năng và danh phận song đôi. Nhưng lạ là, theo cảm nhận của riêng tôi, Lê Cảnh Nhac làm gì cũng hanh thông, bất kể là trên vị trí quan chức lúc nhỏ lúc to cũng như lúc được tự do sống vì mình như là nhờ viết văn. Vì thế nên mới thảnh thơi, thênh thang, tha thiết tự thốt (nói to) lên giữa trời/ giữa đời “ Ước làm một hạt phù sa/ Ước làm một tiếng chim ca xanh trời/ Ước làm tia nắng vàng tươi/ Ước làm một giọt mưa rơi ấm chồi” (Suy nghĩ về nghề văn). Và hơn thế, khi cao trào cảm xúc, nhà thơ như lên đồng  vung bút viết “Ta đã cháy đến tận cùng trang viết/ Thiêu đốt mình ngun ngút tuổi hai mươi/ Quờ tay gom nắng quái cuối trời/ Dồn nồng thắm xây cầu vồng bảy sắc” (Gửi bạn). Bình thường, tôi nghĩ, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc là người “tỉnh” (lý trí, trí tuệ mẫn tiệp) nhưng đã là thi nhân há chẳng cần có men say bở “tình”?! Chẳng đến mức như say nghiêng ngả, điên rồ kiểu Vũ Hoàng Chương nhưng cũng kẻ tám lạng người nửa cân “Cạn chén, cạn chén/ Núi ngả nghiêng say/ Cạn chén, cạn chén/ Kim Bôi sóng sánh/ Núi say, rừng say/ Trăng say, ta tỉnh/ Ngọc Linh em ngây ngất chuốc men tình/ Đêm Kim Bôi sông núi chung chiêng/ Ta cứ tỉnh trăng ngất ngư sắc tửu/ Sau điệu sinh tiền em gái Mường líu ríu/ “Có tắm chung dòng suối với em không” (Uống rượu ở Kim Bôi). Sở dĩ tôi nói người thơ Lê Cảnh Nhạc hào hiệp là vì những cơn say đẹp nồng nã như thế này. Nếu không có thơ thì, tôi hình dung, ông quan Lê Cảnh Nhạc sẽ cứng nhắc trong những bộ trang phục đẹp, đắt tiền, đi đứng khoan thai bệ vệ, ăn nói nghiêm trang, hành xử mực thước. Thơ vì thế có năng lượng đặc biệt kích hoạt cá tính con người phát tiết, thăng hoa, hết mình. Thơ khiến con người ta chân thành, giản dị hơn bao giờ hết. Nên thơ đồng nghĩa với cái Đẹp. Tựa như hoa hướng dương luôn luôn hướng về mặt trời. Tập thơ mới có tựa Đi về phía mặt trời, tôi nghĩ, là một bảo chứng chắc nịch cho ngòi bút thơ Lê Cảnh Nhạc đế độ đằm chín và đằm thắm.

 

           Trên từng Dặm đời ta chỉ là hạt cát - xu hướng thơ triết lý

Dặm đời - Phần 1 của tập thơ Đi về phía mặt trời - bao bọc bởi một triết lý “Ta chỉ là hạt cát” (nhan đề bài thơ đánh dấu số 58). Một bài thơ, theo tôi, tương thích với lứa tuổi của chủ thể ở thế hệ U70 “Tờ lịch nhắc tuổi mới/ Giật mình bóng chiều buông/ Bao nhiêu là chìm nổi/ Bao nhiêu là tuyết sương/ Cuộc đời như hạt cát/ Khi bay lên ngang trời/ Khi rơi vào quên lãng/ Khi lặng thầm chơi vơi/ Có ngọn gió mát lành/ Nâng niu và ve vuốt/ Có trận gió cuồng phong/ Tàn độc và giá buốt/ Ta vẫn là hạt cát/ Lăn lóc trong dòng đời/ Lời hoa ai gửi đến/ Lấp lánh ngày cát ơi”. Không riêng gì bài thơ này được viện dẫn, mà suốt cả Phần 1 (gồm 58 bài), xu hướng triết lý khá nổi trội nếu không nói là thống ngự. Nhưng thật may mắn, thơ Lê Cảnh Nhạc không sa đà/ rơi vào “triết lý vặt” như kiểu cách những người mới bập vào nghề viết văn/ làm thơ thường dùng làm “vũ khí hủy diệt” để trộ (răn dọa) độc giả non gan. Khi đặt bút viết bài Ngẫm (đánh dấu số 57), nhà thơ đã bất ngờ giải tỏa tâm lý sẵn sàng đón nhận ở độc giả một kiểu thơ theo phong cách suy tưởng - triết lý có nguy cơ khô khan, nặng nề. Nhưng không! Nhà thơ vẫn cứ nhẹ nhàng “Qua bao sóng gió cuộc đời/ Thời gian sàng lọc nụ cười trao ta/ Buồn vui thành bại đi qua/Ân tình như nắng thắp nhòa sương đêm/ Như là lá chẳng ngừng rơi/ Như là nắng vẫn chơi vơi bóng chiều/ Lịch buông nhặt viết lời yêu/ Nối dây gửi gió cánh diều mộng mơ/ Kệ đời sông cứ chảy đi/ Đừng vương trong đục vân vi đôi dòng/ Trời ngâu đã ướt lửa lòng/ Còn đong đưa nhịp cầu vồng trong ta/ Ẩn ưng nắng quái chiều tà/ Nửa như thiêu đốt nửa nhòa chân mây”. Viết như thế này là nương dựa theo tâm thế của người từng trải và kinh lịch, tự tại và tự tin, hết sức bình tĩnh ứng xử với mọi sự đời nước mắt soi gương, sẵn sàng biến đại sự thành trung sự, trung sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự. Tôi biết con người đời thường và con người thơ Lê Cảnh Nhạc là vậy. Đúng chất đàn ông Hà Tĩnh. Vừa chân quê gốc rễ, vừa thanh lịch kinh kỳ bởi kinh qua dặm đời ở đất rồng bay. Làm công chức như Lê Cảnh Nhạc thì giữ mình rất kỹ nhưng khi đi với văn chương, nhất là Nàng Thơ, thì cháy đến giọt cuối cùng.

 

              Đi tìm Hồn Việt - dư ba chữ thơ

Nhưng thơ triết lý không phải là thế mạnh, sở trường của Lê Cảnh Nhạc. Thơ anh chỉ bung nở, rực rỡ như hoa hướng dương khi  “đi về phía mặt trời”, như nhan đề của tập thơ mới của thi sỹ. Đọc Hồn Việt - Phần 2 của tập thơ gồm 65 bài (đánh số 59-123) - tự nhiên tôi liên hệ với câu thơ cuối trong thi phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của thi nhân Phạm tiến Duật “Cứ đi, cứ đi trời xanh thêm”. Với nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, tôi muốn láy lại “Cứ viết, cứ viết trời xanh thêm” (?!). Ở Phần 2 - Hồn Việt - tôi thấy rõ nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã thực hành tối ưu công thức “đi - đọc - viết” được coi như là yêu cầu cầnđủ với người sáng tác văn chương. Đành rằng nhà thơ cũng không thoát khỏi tinh thần, hay thói quen “tự ngã trung tâm” (lấy cái tôi ra mà trình diện với thiên hạ). Nhưng nhà thơ đích thực và chân chính không thể chỉ có ru rú trong cái “tháp ngà” của mình. Đi để trải lòng, đi để mở rộng tâm hồn, đi trong ý nghĩa cao nhất là “đi xuyên văn hóa”, không đơn thuần là sự thiên di về không gian địa lý, đôi khi cho thỏa chí tang bồng, thậm chí theo triết lý của chủ nghĩa xê dịch. Đi và viết về những Đảo Sơn ca, Đảo Sinh Tồn, Những chú chó Trường sa, Hướng về Gạc Ma, Miền Trung, Huyền thoại Hồng Lam, Đôi bờ sông Thương, Miền xòe chân mây, Đất thép, Hồn Tây Bắc, Bản anh hùng ca Bến Thủy, Linh khí Thủy đường, Về Thái Nguyên, Với Bạc Liêu, Đất Mũi, Vỗ sóng Ngàn Trươi, Bến Giang Đình, Ân tình Quỳ Hợp, Qua miền dân ca,  Hương Khê tình đất tình người, Mơ về Hà Nội, Bái Đính huyền linh, Bình Sơn tháp cổ, Bồng lai Tam Chúc, Người đẹp đồi chè, Miền xoan ghẹo,... Phần thơ này, theo tôi, rất mở, như tâm can thi sỹ dường như đã phải lòng đất nước đẹp đẽ muôn phần nhờ những chuyến đi xuyên văn hóa, nhờ “hồn tôi đôi cánh” theo cách diễn đạt của thi sỹ Xuân Diệu, nên đâu phải chỉ có “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ” trong ca dao cổ mà người xứ Nghệ đôi khi nghĩ là duy nhất không đâu có?! Nói Lê Cảnh Nhạc là người thơ hào hiệp là có lý có tình vì thơ anh (đặc biệt ở phần 2 - Hồn Việt) là một bảo chứng độc đáo. Nếu đi xuyên văn hóa, nếu thi sỹ phải lòng đất nước thì cái Đẹp luôn bất ngờ xuất hiện “Con gái Tuyên Quang môi mềm men lá/ Rượu cần lơi lả vít cong hương tình/ Đất nở đầy hoa, sao trời lúng liếng/ Vòng xòe phố núi váy bồng Thác Mơ/ Người đẹp đồi chè ngắt đầy đọt nắng/ Làn da măng bóc ngực trăng phập phồng/ Người đẹp nương ngô phấn thơm lối rừng/ Mắt câu, chân nai nụ cười mây trắng/ Mận lên Hồng Thái, gái về Thượng Lâm/ Sắc núi hương rừng đầu nguồn sông nước/ Một thời mỹ nhân nghiêng thành nhà Mạc/ Chuốc say lâm khách chênh chao đến giờ/ Điệu xòe Mường So chao nghiêng bóng núi/ Dư âm hát cọi vọng rừng Na Hang/ Dẻo như nếp nương lời chào hội ngộ/ Rượu ngô men lá lịm hồn sơn khê” (Người đẹp đồi chè). Đọc bài thơ hay này tôi nghĩ nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã thoát khỏi “chủ nghĩa bản vị” vốn như một sự bảo thủ của những người thiếu thức thời luôn khép kín, đóng cửa, hẹp hòi như thể không biết đến “ngoài trời còn có trời”. Một người đã biết yêu “Đôi bờ ví giặm” thì đồng thời không thể không trân quý và náo nức bởi “Đôi bờ sông Thương” hay chỉ một lần qua “Miền xoan ghẹo” (nhan đề những bài thơ da diết tình đất, tình người, gieo mầm những ký ưc lương thiện).

 

       Vĩ thanh

Đi về phía mặt trời chưa phải là một đơn vị nghệ thuật thơ ca có tính hoàn chỉnh, toàn bích. Tất nhiên. Trước hết tập thơ chưa cân đối giữa hai phần thơ Dặm đờiHồn Việt (tuy về số lượng bài thơ với tỷ lệ 58/63). Ở đây chúng tôi không tính đến cơ cấu về số lượng, dẫu cho đôi khi có những “con số biết nói” (!?). Trong trường hợp này cấu trúc tập thơ hẳn dựa trên ý định của chủ thể - nhà thơ - đi từ trải nghiệm sống qua những Dặm đời đề đến một “hồn tôi đôi cánh” khi chạm đến Hồn việt. Xét đến cùng đó là một ý đồ về cấu trúc mở rộng giao diện thơ. Nhưng giữa Dặm đờiHồn Việt, chúng tôi hình dung, dường như có một “mối hàn” chưa đủ độ tinh xảo nên vẫn hiện lên một độ chênh tuy khó nhận ra nhưng không phải không thể nhận ra nếu độc giả tinh ý, tinh tường. Đó là thiếu chất keo của nhựa sống, chất sống, có thể chưa đòi hỏi đến độ phải là những gì “ròng ròng sự sống” được kết tinh, kết dính. Có tình trạng trên là bởi độ chênh giữa triết lý và chất sống. Cũng chính vì thế ở phần 1 - Dặm đời -  có thể nhặt ra đôi ba bài thơ, nếu nhà thơ kỹ càng, nghiêm khắc và quả quyết hơn thì có thể “tạm hoãn xuất cảnh” như Quyền lực, Tin đồn, Chợ đời, Nhân thế, Còn và mất. Bớt đi tập thơ vẫn cứ bề thế và hấp dẫn, để lại tập thơ xem chừng cũng không lấy được thêm điểm. Tôi nhận xét như thế song le, nếu xét toàn cục, không giảm chút nào nhiệt tình khi đọc và viết lời bình về tập thơ mới của nhà thơ đồng hương Hà Tĩnh. Về căn bản, tôi nhìn thấy được chân tủy của thơ Lê Cảnh Nhạc, trong tập thơ Đi về phía mặt trời, là chân thành, chân thực, chân phương và hợp với quy luật “Cái Đẹp là sự giản dị”./.

                                                  Hà Nội - Hà Tĩnh, tháng 10 -2024
                                                                           B.V.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây