HOA RỪNG - truyện ngắn

Thứ năm - 25/11/2021 04:33
Minh họa: ST
Minh họa: ST
                                                                                             Truyện ngắn của Nguyễn Văn Ngọc
     Đêm đầu tiên ngủ ở điểm trường lẻ, Hoa cứ thao thức mãi. Vẫn lắng nghe tiếng suối chảy róc rách, vầng trăng cuối cánh rừng ngủ muộn. Mới có mấy ngày, chân Hoa vẫn còn đau mỏi vì trước đó phải đi bộ cả ngày mới đến được ngôi trường. Hoa nhớ nhà.Ngày ra đi ,mẹ Hoa cứ đứng tần ngần tựa nơi bậc cửa trông mãi dáng hình người con gái chuẩn bị lên phía rừng.
  Ở đây, gần bản. Buổi sáng có tiếng chày giã lúa vang lên trong không gian trong lành. Tiếng đàn vịt, đàn gà kêu nháo nhác tranh mồi ăn sáng. Sương loãng dần, tiếng chim rừng vọng về từ dãy núi gần bản.  Mới sáng ra đã thấy nhiều cô gái trong bản dậy sớm mang bương ra suối lấy nước. Lớp học của Hoa có 15 em, độ tuổi không cùng nhau. Lần đầu tiên Hoa thật bỡ ngỡ khi tiếp xúc với học trò dân tộc Thái. Hoa phải nói chậm để học sinh nghe rõ. Hoa tìm hiểu lý lịch các em đóng thành một cuốn sổ riêng, mỗi em một hoàn cảnh.Chẳng bao lâu, cô giáo Hoa đã thân thiện, gần gũi với học sinh. Thứ 7 hoặc chủ nhật thường có một nhóm học sinh dến giúp cô dọn vệ sinh xung quanh khu ký túc. Ở điểm lẻ này , ngoài Hoa còn có  cô giáo Minh,người dân tộc Thanh. Hai người phụ trách 2 lớp học.Có bữa học trò mang đến cho các cô một giỏ măng rừng và rau rừng. Hai cô cùng học sinh vào bản. Một số gia đình, vẫn có người nói được tiếng Kinh. Bước lên nhà sàn, ngồi quanh bếp lửa trong cái gió lạnh mùa đông mới thấy hết giá trị của bếp lửa. Bếp lửa nhóm giữa gian nhà. Bà con dân bản mời các cô ăn xôi ép đựng trong cái giỏ làm bằng mây rừng.. xôi ngọt bùi được hông bằng loại nếp màu tím. Rồi dần Hoa cũng quen với cảnh sinh hoạt của người dân tộc Thái.


     Hoa lội qua suối. Lần đầu tiên đặt chân bên bờ suối, Hoa ngỡ ngàng nhìn ngắm dòng suối chảy, nước trong vắt nhìn rõ từng hòn sỏi. Mái tóc Hoa để dài quá đầu gối, khuôn mặt trắng hồng, cúi xuống vốc ngụm nước suối ban mai, giọt nước chảy qua bàn chân Hoa như muốn níu mái tóc Hoa xỏa xuống.Bắp chân trắng tròn bước lần qua dòng suối. Phía bên kia là rừng. Hoa cùng một số bạn học sinh đi vào rừng. Bước vào thế giới của rừng, Hoa muốn dừng lại lâu để chiêm ngưỡng vẻ đẹp linh thiêng của rừng. Bếp lửa nhà sàn và rừng làn những báu vật vô cùng quí giá của người dân. Ngắm nhìn mãi bông hoa chuối rừng mà chút nữa Hoa lạc sang con đường khác. Hoa chuối rừng nở quanh năm, loài hoa có sức sống mãnh liệt, bông hoa chói ngời sắc đỏ lặng lẽ nở khiêm nhường. Đẹp quá.Cô giáo Hoa và học sinh được hòa mình vào thế giới tuyệt đẹp của thiên nhiên..Cảnh rừng và thác nước hòa quyện thật là thơ mộng.Hoa quên đi mệt mỏi.Trải nghiệm một ngày ở rừng , Hoa cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng ban tặngcho con người.
     Đêm về, trăng mắc võng phía xa cánh rừng. Hoa cùng hai em học sinh vào bản Chiêng, cách điểm lẻ trường khoảng 2 km. Ở bản này, có nhiều em học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn. Hoa đến tận gia đình của các em mới biết được.Cô giáo Hoa thăm hỏi, động viên các em, một thời gian sau có 3 em trở lại trường: Vi Văn Hạnh, Vi Văn Bình, Vi Thị Lan.
    Cũng chuyến đi thực tế đó, Hoa tình cờ gặp một người đàn ông khi anh đang cắt tỉa mấy cành lá hàng cây vào nhà. Cô Hoa chú ý người học trò tên Thương hỏi thăm người đàn ông bằng tiếng địa phương. Bất chợt người đàn ông nói tiếng Kinh:
Ai đó Thương
Dạ! đây là cô giáo, chủ nhiệm lớp em
Cô giáo ở đâu thế
Dạ! Người dưới xuôi lên
   Hoa tươi cười chào người đàn ông. Hai ánh mắt gặp nhau. Trời xanh như sà xuống, tiếng chim rừng vọng tới khi nhặt khi thưa.Một đêm xuân. Nhóm học sinh ở bản Chiêng mời cô Hoa đến chơi. Các em tổ chức vui văn nghệ tại nhà em Vi Văn Hạnh. Nhà bạn Hạnh ở gần chú Nga (tên người đàn ông mà cô Hoa đã gặp). Nghe tiếng sáo réo lên giữa đêm xuân bên cạnh nhà mình, Nga sang nhà Hạnh. Thường ngày, Nga rất thích tham gia văn nghệ. Hoa và Nga có dịp làm quen nhau. Đêm xuân như trôi đi rất chậm. Rét ngọt. Họ ngồi bên bếp lửa. Dưới nhà sàn, học sinh đang nhảy múa. Bếp lửa không ngọn mà màu hồng đượm mãi. Ánh mắt hai người lại gặp nhau. Hoa kể chuyện miền xuôi, Nga nói về những năm tháng ở chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ.Nga bị thương 1968. Một chân anh đi bằng nạng gỗ. Khi về địa phương, sau một thời gian,Nga làm cán bộ xã, phụ trách văn hóa. Quê Hoa ở vùng Cầu Cấm. Đây là vùng đất đi vào lịch sử,thời kỳ giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, nơi đây thành trọng điểm, máy bay địch ném bom đêm ngày.Bố Hoa bị thương nặng, sau đó không qua khỏi trong đợt ném bom thứ 4 trong ngày. Hiện tại mẹ Hoa đã già, mẹ ở với vợ chồng em trai.Chuyện thì thầm giữa hai người cứ dần nhỏ lại, bếp lửa bắt đầu dịu xuống. Ngoài kia, tiếng sáo cũng lắng dần. Họ chia tay nhau khi trăng đã sà xuống dãy núi trước mặt.
          Nga trở lại nhà mình. Đêm đó Nga thao thức hoài, hình ảnh cô giáo Hoa cùng ánh lửa đêm xuân cứ giao thoa trong tâm trí của người thương binh.Những ngày trở trời, Nga đau nhức buốt chân. Một chân anh đã gửi lại chiến trường . Đêm nay, sao Nga thấy trong lòng nhẹ nhõm, chân không còn đau. Nga đã sang tuổi 33 rồi. Bố mẹ cứ mong chờ ngày Nga cưới vợ.
            Sau những lần gặp gỡ trong các chuyến đi về bản chiêng, tình cảm Nga và Hoa bắt đầu chớm nở như bông hoa rừng. Hoa trằn trọc những đêm dài. Trái tim biết yêu thương và biết lo âu. Chấp nhận tinh yêu đi đến hôn nhân, biết bao suy nghĩ: không biết mẹ Hoa có đồng ý cho Hoa lấy chồng người dân tộc? thủ tục vùng núi khi lập gia đình khác với miền xuôi, liệu vượt qua được không?
      Có hôm đứng ở sân trường, khi hoàng hôn buông xuống, mắt Hoa cứ hướng về quê nhà. Giờ đã gần tết rồi, Hoa lại được về với mẹ. Những ngày trải nghiệm cuộc sống ở vùng núi đã cho Hoa biết bao câu chuyện sẽ tâm sự với mẹ. Rồi Hoa sẽ e dè, lúng túng khi thưa với mẹ câu chuyện tình yêu của Hoa và Nga. Làm sao để mẹ hiểu cho hoàn cảnh xa xôi, hoàn cảnh của Nga…
     Gần 3 năm, điều Hoa quan tâm nhất là tìm hiểu phong tục tập quán, cuộc sống sinh hoạt người dân. Văn hóa vùng đất này thật nhiều mới lạ.Khi biết được nhiều tiếng địa phương, Hoa thường vào bản làng. Dân bản thương Hoa, thỉnh thoảng bà con gửi cho Hoa một ít sắn và nếp. Tiếng gà gáy sang vang lên đánh thức cả một vùng núi đang yên tĩnh trở nên rộn ràng.Hoa đã cùng cô gái người Thái giã lúa, xong việc, Hoa lên nhà sàn chăm chú nhìn cô gái Thái dệt vải. Có hôm Hoa tham gia rượu cần. Cứ 10 người một vò. Đêm về lửa bập bùng, đám thanh niên nhảy múa vui nhộn. Cuộc sống vất vả nhưng thật vui.Nơi đây, cộng đồng người dân tộc đoàn kết thương nhau.
          Một hôm, Nga dến trường lẻ. Nga tặng Hoa bó Hoa rừng. bên ngoài, tiếng chim rừng và tiếng suối vọng về. Nga cầm tay Hoa, lần đầu tiên trong đời Nga cầm tay người con gái. Bàn tay mềm mại của Hoa, mái tóc dài buông xuống, ánh trăng như rơi xuống đậu vào vai hai người. Nụ hôn đầu tiên của hai người cứ cuốn nhập vào nhau như vầng trăng chao đi chao lại.
   Đêm ấy, Hoa lại chập chờn, hình dung bóng dáng của Nga và những lời nói chân thành của Nga :
  -  Em có ngại ngùng khi đến với anh không?
  -  Anh là một thương binh
   -  Anh rất yêu em, nhưng…
   -  Nhưng gì hả anh?
   -  Liệu em có vượt qua được nhiều vấn đề
   -  Mẹ em có đồng ý cho anh lấy người dân tộc không?
   -  Em trẻ đẹp, sẽ có nhiều người con trai đến với em
  -   Chọn anh, yêu anh, có thiệt thòi cho em không?
 Trái tim người con gái lần đầu đến với tình yêu là cả một thế giới tâm tư với nhiều cung bậc: trăn trở, lo âu, ngây thơ, thẹn thùng, khao khát.. Ánh mắt Hoa đêm đó cứ hướng về dãy núi xa,  dõi theo vầng trăng đang lên đến ngọn cây.
 Đám cưới của hai người được tổ chức sau thời gian ra tết. các thủ tục không còn rườm rà như trước đây. Sau 2 năm, vợ chồng Hoa ra ở riêng, làm nhà ở cuối bản bản Chiêng, gần con đường ra suối, dòng suối Hoa từng lội qua khi vào rừng.
    Lâu lắm rồi, nay chúng tôi gồm một số bạn bè ở dưới xuôi, đã có những năm tháng dạy học ở vùng núi, nay được trở lại với rừng.Chúng tôi từng đi qua sông Hiếu, Nghĩa Đàn những ngày lũ 1978. Máy đứa đi bộ lần từng bước một để qua cầu. Đi bộ một ngày đường mới tới nơi ngôi trường .Rồi lâu lâu hẹn nhau ra thị trấn tâm tư. Có hôm mang cả quả sơn từ vùng Châu Hồng ra để bạn bè thưởng thức. Gian khổ mà vui. Nhớ lại những ngày cõng con chữ lên rừng để dạy cho các em không đơn giản chút nào. Vất vả với cuộc sống, gian nan với con chữ, nhọc nhằn để gieo được con chữ người Kinh vào đầu trẻ. Càng phục biết bao những cô gái miền xuôi ngược lên rừng để dạy con chữ, trong đó có người con gái quê ở cầu Cấm, Nghi Yên, Nghi Lộc : Nguyễn thị Kim Hoa.Chúng tôi hẹn với Hoa trở ra thị trấn vào một ngày tháng năm.Phượng nở đỏ rực bên đường. thị trấn giờ đã khác xưa. Hồ nước Thung Mây đầy thơ mộng. dạo quang bờ hồ mà xốn xang bao kỷ niệm. Bây giờ vào nơi Hoa dạy không phải đi bộ, đường được mở rộng, chúng tôi ngồi trên xe ô tô  ngắm nhìn cảnh núi rừng sau bao ngày xa cách. Ngủ lại một đêm, bà con dân bản mời uống rượu cần thật vui. Sáng hôm sau , Hoa đưa chúng tôi đến thác Tiên - Khe Lúc. Thác có một vẻ đẹp hoang dã, bao gồm nhiều thác lớn nhỏ.  Hoa và chúng tôi được hòa mình vào thế giới tuyệt đẹp của thiên nhiên, cảnh rừng và thác hòa quyện thật là thơ mộng. Gặp lại Hoa, mấy đứa không sao diễn tả nổi tâm trạng. Tóc Hoa vẫn dài như xưa, nước da trắng mà có lần đi qua suối, Hoa vắn quần lên để lộ bắp chân trắng, có đứa thốt lên: Ôi chao! Đẹp quá, để anh cõng em qua suối nha. Cả nhóm cười òa vọng xuống dòng suối trong vắt. Trong bữa cơm tại nhà Hoa, anh em, bè bạn được gặp chồng Hoa , anh mặc  bộ quân phục người lính. Hoa đã có một gia đình hạnh phúc. Con trai đầu hiện đang dạy tại Nghĩa Đàn. Đứa thư 2 làm tại nhà máy đường Nghĩa Đàn.. Vợ chồng Hoa đưa ép xôi nếp mời chúng tôi ăn. Món xôi mà xưa chúng tôi rất thích, ăn với cá suối thật ngon. Chia tay Hoa, Hoa gửi cho mối đứa một món quà của rừng. Hẹn vợ chồng Hoa một ngày nào đó về xuôi chơi. Chúng tôi lại tiếp tục về xuôi dạy chữ sau bao năm công tác ở nơi này. Còn Hoa ở lại với rừng, tiếp tục gieo con chữ cho con em đồng bào dân tộc. Chia tay một người đồng nghiệp đầy nghị lực, một đóa hoa rừng thơm mãi.

 

 

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây