HOÀNG NGUYÊN - Tiếng thơ trữ tình của người lính Hà Nội trên mặt trận vùng biên.

Chủ nhật - 09/02/2025 09:49



                                                                             Nhà thơ Bùi Văn Kha

ngTừ những bài thơ tôi chọn ra đây, Hoàng Nguyên (Nguyễn Hoàng) danh xứng với nghiệp: Nhà thơ!
          Anh yêu thơ lắm. Ở đâu và lúc nào anh cũng đắm đuối thơ. Anh thuộc thơ mới, nhất là Nguyễn Bính. Anh noi gương mà làm thơ. Nhưng thơ anh lại rất ít lục bát. Anh làm thơ thể dài, nhưng cũng không phải thơ tự do. Thơ Hoàng Nguyên trọng vần điệu. Thơ Hoàng Nguyên là tự sự trong cấu kết, trữ tình tràn giọng điệu. Đọc thơ anh, ta thấy cả một chân tình.
          Bài thơ Một cành lau kể kiểu tự sự, cảnh như xưa cũ, sương khói mây chiều, có đá, có rừng, của anh lính người Hà Nội lên chốt ở vùng biên giới phía Bắc. Câu chuyện cũng chung chung. Lối miêu tả cũng chung chung. Cái vui buồn cũng chung chung. Đặt vào lúc khác, nơi khác có lẽ không cho ta ấn tượng đậm nét. Nhưng ở vào thời đoạn 1980 – 1990 thì lại khác. Trên mặt trận Hà Tuyên máu của chiến sĩ ta vẫn đổ. Quân Bành trướng vẫn tranh chấp, vẫn lăm le xâm lấn đe dọa. Đường biên, như bài thơ Lên chốt của Lê Đức Thọ, vẫn ác liệt chiến sự và gian khổ hy sinh. Nhưng tuổi trẻ Việt Nam, các chàng trai Thủ đô, mang tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” năm 1946, giờ đây vẫn đứng vững trên chiến tuyến hàng đầu giữ gìn Tổ quốc. Và Một cành lau, có thể nói, có ý nghĩa như là “Tiến về Hà Nội” sáng tác năm 1948 của Văn Cao. So sáng là khập khiễng, nhưng tiếp nối truyền thống người Hà Nội là quý giá biết bao. Bài thơ kết với hình ảnh một cành lau thay quân kỳ quyết thắng vừa riêng tư, vừa đặc thù, như áo bào Tây Tiến năm nào.
          Cũng chú ý là hình ảnh cây đàn, hoa lan, gốc sấu, cành bàng, căn phòng chật,…chỉ ở Hà Nội mới đọng lại sâu lắng, là chất riêng Hà Nội. Ở ý cảnh ấy, bài thơ này thuộc diện tiêu biểu cho thơ vùng biên, kiểu như bài Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái.

Một cành lau
Từ Hoàng Liên Sơn anh gửi về em
“Một cành lau” thay cho quà biên giới
Lũng Bản Sen sẵn mây mù sương khói
Để mỗi chiều buông nỗi nhớ trắng ngàn lau


Núi đá nhạt nhòa nép bóng đêm sâu
Rừng già âm vang thả từng tiếng vọng
Lính mới ngỡ ngàng chiếu đơn chăn mỏng
Quây quần bếp lửa gợi Thủ đô


Ôi, “Hồ Gươm” giờ là “Bài ca”
Ấm giọng thuốc lào tay đàn chưa hết giá
Áo xanh, bùn vàng loang lổ
Vệt hành quân dốc núi ướt đầu hôm


Những tấm lòng bỗng tràn ngập yêu thương
Lạ lùng thay những trái tim trai tráng
Đập bên nhau nhịp êm đềm sâu lặng
Đội ngũ tâm tư Hà Nội kết nên hàng


Những phố xa gốc sấu cành bàng
Hương ngọc lan thơm làn gió mát
Nhớ mẹ cha với căn buồng còn chật
Vẫn mong thêm bóng áo tươi màu


Các cụ buồn anh dám kể em đâu
Còn cây súng còn rừng già núi đá
Vì mẹ cha, vì em, vì tất cả
Anh đứng đây hẹn trước buổi khải hoàn


Anh sẽ về xếp cạnh những bông lan
Một cành lau thay quân kỳ đại thắng.
Bản Sen – Hoàng Liên Sơn
          Nhất là trong Mưa Bản Sen. Bản Sen này chắc ở Mường Khương, Lao Cai. (Có một xã đảo Bản Sen ở Vân Đồn). Đây thuộc lũng thấp dưới chân dãy Hoàng Liên. Có cái hào hùng quen thuộc, nhưng không bi mà hùng. Người chiếc sĩ đường biên vẫn đĩnh đạc (Mái gianh phên nứa phận lính quen/ Nhen ngọn lửa lòng hong quân phục - ở hoàn cảnh ấy, nếu mà sống hoang dã chắc cũng không sao. Nhưng các chiến sĩ chúng ta vẫn quân phục đàng hoàng – phục quá, thơ chân quá).

Mưa Bản Sen
Rừng kéo nước về lũng Bản Sen
Xuân hay hè, cơn mưa đầu tiên
Nổi sấm gọi mùa mưa gõ đá
Khoác hào quang chớp núi mang duyên
Giông sa gió giật oai trời dậy
Mái gianh phên nứa phận lính quen
Nhen ngọn lửa lòng hong quân phục
Tình nhà sưởi ấm dải đất biên.
Bản Sen


          Tôi rất thích tư thế và giọng điệu trong bài Giấc mơ. Câu thơ sắc nét như điêu khắc. Tuy cổ xưa, nhưng cũng có câu hiện đại (Lính thành ngây ngất bình minh biên), và ngông. Họa sĩ nào đâu tôi không biết, chỉ biết Hoàng Nguyên đã vẽ lên bức tranh đại cảnh xen những tiểu cảnh đại thành (Cây rừng ứ nhựa bừng xuân sắc/ Tai mèo kiêu hãnh tuổi thiếu niên/ Bàn cờ đầy lũng xanh xanh mướt/ Chim sớm hòa ca nhạc lâm tuyền – giá thay lâm tuyền bằng suối rừng, Việt hóa từ đi thì hay hơn, nhưng thơ lấy vần, dùng vậy, thì đành vậy).

Giấc mơ
Rừng Hoàng Liên! Núi Hoàng Liên!
Duyên trời tình đất tạo sinh nên
Đá vút dựng thành, bờ núi ngả
Nước đổ dàn mành, mép vực len


Cây rừng ứ nhựa bừng xuân sắc
Tai mèo kiêu hãnh tuổi thiếu niên
Bàn cờ đầy lũng xanh xanh mướt
Chim sớm hòa ca nhạc lâm tuyền


Con đường độc đạo quanh queo nếp
Lính thành ngây ngất bình minh biên
Nếu học mà thành danh sĩ nhỉ
Chốn này chắc hẳn vẽ đầu tiên.
Bản Sen
          Câu chuyện trong bài Đón 1989 là Giao thừa Dương. Hoàng Nguyên hay nhắc đến Giao thừa Dương trong nhiều bài. Người lính đối với Tết Dương lịch cũng trân trọng tổng kết một năm chiến đấu và rèn luyện, thêm một tuổi Quân đội. Họ tổ chức liên hoan cuối năm cũng to và vui lắm. Giờ xa vùng biên, một mình lại nhớ những đồng đội của mình. Tôi nghiệm ra những người lính biên giới phía Bắc chịu nhiều thiệt thòi, mãi đến mấy năm gần đây mới được bù đắp lại, may chưa qua thời.

Đón 1989
Giao thừa Dương năm nào trên đường biên
Cánh lính xe châm rượu mừng năm mới
Một mình tôi quân bộ binh lạc lối
Tình cờ góp vui hai quả dứa rừng


Quà đơn sơ tình cảm thật tưng bừng
Vị thanh thanh dịu hương men lá
Người lính già lọ nước hoa thơm quá
Thiếu quê xa san sẻ chút tình nhà


Giao thừa Dương năm nay giữa Thủ đô
Vẫn một mình với ngọn đèn bầu bạn
Kỷ niệm vừa nhẹ nhàng tỏa sáng
Đồng đội ơi, giờ ở nơi đâu?
Số 1, Lê Phụng Hiểu.
          Tôi xin dẫn ra đây những bài thơ tạo ra chỗ đứng trong thơ của Hoàng Nguyên. Trong thơ Việt Nam, từ thời Lý Trần trở đi, đều có nhắc đến hoàng hôn. Hoàng hôn là trạng ngữ chỉ khoảng thời gian chiều sắp hết, đêm tối tiếp liền. Hoàng hôn trước Hoàng Nguyên là hoàng hôn tượng trưng ước lệ. Hoàng hôn của Hoàng Nguyên là hoàng hôn của trạng thái, cảnh tình. Cái sáng tạo là hoàng hôn sắp tới, hoàng hôn vời vợi. Biết là thế, những hoàng hôn tình cảm dẫu có, cũng chấp nhận để vượt qua. Đấy là một thái độ.

Những hoàng hôn
Tôi vẫn nhớ những hoàng hôn sơ tán
Lòng rượi buồn lững thững trên bờ đê
Tôi vẫn nhớ những hoàng hôn vắng lặng
Ngồi nhớ nhà dưới bóng mấy khóm tre


Tôi càng nhớ những hoàng hôn lộng lẫy
Cùng người ta sánh bước giữa phố phường
Tôi càng nhớ những hoàng hôn rực cháy
Ẩn dưới trời ngọc lan ngát thơm hương


Tôi nghĩ đến những hoàng hôn sắp tới
Lại một mình trên chốn núi rừng xa
Tôi nghĩ đến những hoàng hôn vời vợi
Lòng bỗng dưng trào một nỗi thiết tha


Nhưng tôi hiểu mang trong mình lý tưởng
Nguyện đem đời phụng sự thế gian
Thì tất yếu những hoàng hôn tình cảm
Tôi phải vượt qua không gợn ngại ngần.
Số 1, Lê Phụng Hiểu.
          Khi đọc bài Mùa sau lá bay, tôi liên tưởng tới câu thơ Bằng Việt trong Trở lại trái tim mình: Mỗi gác xép chứa một niềm hy vọng. Câu thơ làm năm 1967, sống lại trong thơ Hoàng Nguyên “Gian buồng một mảnh cửa thôi/ Nhìn ra vẫn thấy bầu trời mênh mông/ Gió lùa sắc nắng trắng trong/ Mùa thu ơi, thấu nỗi lòng này chăng”. Thời đã khác, thì ý cũng khác, nhưng cái liên tứ vẫn dễ nhận ra. Cách nói của thơ, dễ gì mai một.

Mùa sau lá bay
Gian buồng một mảnh cửa thôi
Nhìn ra vẫn thấy bầu trời mênh mông
Gió lùa sắc nắng trong trong
Mùa thu ơi, thấu nỗi lòng này chăng?


Chưa quên kịp giữa đêm rằng
Ngẩn ngơ trôi giữa ánh trăng sáng ngời
Đằng sau cả đoạn phố dài
Có người thiếu nữ vừa cài then ngang…


Tay ai đặt nhẹ lên bàn
Hóa ra một chiếc lá vàng vừa rơi!


          Tôi dẫn hai bài Sen bách diệp và Gặp gỡ nơi bầu trời cảnh bụt, để thấy được cái Thiện trong thơ Hoàng Nguyên. Bài thứ hai hơi hóm, kiểu Hồ Xuân Hương, nhưng nhẹ hơn.


Sen bách diệp
Mỗi dịp Vu Lan về sen nở
Nghe lòng ai đó kính mẹ cha
Thơm thảo ban thờ trà vừa độ
Nồng nàn kinh sách, hương hạ xưa.
Hào Nam, năm 2020.
          Câu Bất ngờ gặp gỡ lưng lưng nẻo, làm ta tưởng cảnh, tưởng tình, là câu thơ rất đắt.

Gặp gỡ nơi bầu trời cảnh bụt
Không hẹn mà cùng đi chùa Hương
Đá neo giăng mắc mọi ngả đường
Lũng vắng sương mù loang sương giá
Cành xiêu nụ gạo thắp lửa thương
Bất ngờ gặp gỡ lưng lưng nẻo
Đằm thắm câu chào tiếng tiếng vương
Mong manh sợi tơ trời gió dạt
“Bầu trời cảnh Bụt” thơm nén nhang.
Chùa Hương, Mỹ Đức.
          Hoàng Nguyên, như nói ở trên, say mê thơ Nguyễn Bính. Nhưng anh không áp nguyên xưa. Anh có ý của mình. Đọc Bến thời gian, ta gặp cảnh cũ của họa ảnh thời xưa, nhưng sang Đêm thu, dù mộng dẫu cũ, nhưng đã có sự cắt chuyển nhất định: “Thao thức để cùng nhớ năm xưa/ Tô lại bức tranh thoáng nét mờ/ Hay đang phác thảo chân trời mới/ Cho buổi mai này, giữa giấc mơ?”.

Bến thời gian


Một nhánh lau thưa ngả cuối chiều
Khẽ khàng gỡ cố những phong rêu
Hoa nở Vườn xưa neo lữ khách
Nến thắp Từ đường nghĩa đồng liêu
Bến nước phù sa ươm bờ bãi
Trường ngói trăm năm dấu bể dâu
Nơi chốn đi về thơm thảo mãi
Gió nhẹ mây lành bóng trăng treo.
Động Lâm, năm 2022.
          Bài Đêm thu cũng có chút của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, nhưng  đoạn ba hoàn toàn là nỗi lòng người nay đặc tả.

Đêm thu
Đêm thu trong vắt mấy tầng trời
Sao lung linh sáng kết đôi đôi
Phố phường thanh thoát êm đềm quá
Lay mình trong mộng, lá khẽ rơi


Ngơ ngẩn từng không chợt động lòng
Cậy nhờ tinh tú gửi đàng trong
Cô bạn học trò năm nào ấy
Có cùng xây mộng với nhau không?


Thao thức để cùng nhớ năm xưa
Tô lại bức tranh thoáng nét mờ
Hay đang phác thảo chân trời mới
Cho buổi mai này, giữa giấc mơ?


Bỗng một vì sao thoắt đổi ngôi
Cao cao đâu đó nhấp nháy cười
Ý chừng nhắc nhở chàng trai trẻ
“Hãy ngủ đi thôi, ngủ đi thôi!”.
Bài thơ Nhất chi mai không còn hướng nội nữa. Giờ thì cái cô đơn đã thấp thoáng ngoài song. Ở bài trước là “Hãy ngủ đi thôi, ngủ đi thôi”. Giờ thì chờ cũng không, nghĩa là câu thơ vượt thời tức cảnh sinh tình. Đã tiếp cận hiện sinh.

Nhất chi mai
Bâng khuâng lẻ một vệt đèn
Một cành mai trắng, khẽ nghiêng đêm dài
Soi lòng chờ - chẳng chờ ai
Nghe xuân lặng lẽ đâu ngoài phố xa.
Hào Nam, năm 2016.
Còn Tâm sự năm tuổi thì đã đến độ cao thức ngộ:
Cơn mưa thêm một giọt rơi
Thế gian chẳng đợi chuyện tôi mới buồn…
Hoàng Nguyên (Nguyễn Hoàng) trình làng ba tập thơ: Hoa trạng nguyên (2021), Bút mực (2022), Mưa bụi (2024).
Ở ba tập thơ này, anh chân tả nơi anh đi qua, chủ yếu ở vùng biên, sau là các nước anh tới. Nhân vật trữ tình của anh là người lính, là người yêu (hoặc người con gái), là bạn bè, và nhất là cha mẹ. Mảng thày giáo và bạn học, cũng như thuở học trò cũng có tỷ lệ lớn. Thơ anh đa phần là tự sự trữ tình với những gì anh ngẫm và cảm. Với những trải nghiệm đã qua, với sự đam mê sẵn có, bằng nội lực của mình, chắc Hoàng Nguyên sẽ xuất nhiều hơn ở mảng thân phận suy tư. Cái vô cớ, cái phi lý, Cái buồn rồi sẽ nhiều hơn.
          Với nhà thơ, đó là cái nghiệp!
 
Hà Nội, tháng 1/2025.
B.V.K

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây