Lê Văn Sự
(Thanh Hóa)
BÁC NGƯ DÂN GIÀ THĂM BẢO TÀNG
Kính tặng HTX thuyền nan Sầm Sơn chuyển hàng
vào tuyến lửa những năm chống Mỹ
Bác ngư dân già đến thăm Bảo tàng
Lặng yên bên chiếc thuyền nan
Một thời chở hàng vào tuyến lửa.
Chiếc thuyền nan bện từ cật tre, luồng nứa
Bện từ niềm tin, ý chí con người...
Trong hành trình vạn dặm biển khơi
Thuyền luồn lạch bão giông, sóng cả
Luồn lạch ngư lôi, bom thù bắn phá...
Những ngư dân chân đất, đội trời.
Biết đưa hàng vào là máu phải rơi
Dẫu ít ỏi thôi, thuyền vào tới đích.
Máu bao ngư dân hòa vào biển khát
Những hình hài lặng dưới biển sâu.
Có nơi nào như đất nước tôi đâu?
Hàng ngàn thuyền nan lênh đênh sóng dữ
Thần thái ung dung vượt qua cửa tử
Viết nên huyền thoại chiến tranh.
Bác ngư dân già lòng xốn xang
Tay run run sờ vào đai thuyền cũ
Nghe đâu đây sóng quần, đạn rú
Về một thời xa...Ác liệt hào hùng...
Thanh Hóa 30-4 -2022
KHÁT
Nghe trẻ khóc nhà bên
Chị ngẩn ngơ mơ... Vỡ vầng trăng con gái
Biết là mắc nợ
Nợ với ông cha ...chị nợ chính mình.
Nghe tiếng ru con như khúc hát tâm tình
Ngọt ngào ùa sang cứa vào tim chị
Cháy lòng mơ...được bồng, được bế
Hát ầu ơ, ru cái bống, cái bang.
Chiến tranh lùi xa hơn bốn mươi năm
Dai dẳng cướp đi quyền thiêng liêng làm mẹ.
Mỗi khi nghe tiếng cười con trẻ
Chị lại mơ...uống nỗi khát thèm.
Sinh nở mấy lần
Hài nhi hình hài, dị dạng
Không khóc, chẳng cười về miền mây trắng
Nước mắt chị không còn
Dòng sửa lặn vào trong
Chị lại NAM- MÔ...Khát mãi tháng năm...
Ngày hạ 10-8-2023.
Nguyễn Trọng Đồng
(Hà Tĩnh )
ĐẤT NỞ HOA BÊN NHỮNG HỐ BOM
Bản giao hưởng mùa xuân
Cứ âm vang từ đất đai đồng vọng
Lại chúm chím nụ hoa
Ngời lên màu mưa nắng
Bên hố bom hoang lạnh
(Những hố bom bạo tàn
Chưa khỏa lấp thời gian)
Hố bom xưa cận kề cái chết
Giặc Mỹ xới đào non sông
Mà mai này cây cỏ xanh bất diệt…
Ôi mầm xanh gieo tự mãnh đất hồng
Đã hoa trái mùa xuân lộc biếc
Xương thịt ta từng tan. Và hố bom dấu tích
Cả một thời oanh liệt kiên cường
Những Đồng Lộc, Khe Sanh, Truông Bồn…
Bom nổ xé trời tung đất. Mà hồn ta kết lại
Bởi đất nước này chỉ màu xanh hoa trái
Như sông Hồng vốn bờ bãi phù sa
Bên hố bom xưa đất lại nở hoa!
Hồng Lĩnh, 7 /2023
LÁ THƯ CHỊ TẦN GỬI MẸ
Đọc lá thư chị Tần gửi mẹ
Những bâng khuâng gió thoảng trưa hè
Vọng lại trong ta một thời bom đạn
Mà trái tim hồng trận chiến xông pha
Tiền tuyến gọi con đường tuổi trẻ
Tiểu đội thanh niên các chị sẵn sàng
Ngã ba Đồng Lộc - túi bom tọa độ
Sự sống còn như sợi chỉ ngàn cân
Trong bom đạn mịt mù các chị vẫn cười vang
Vẫn tranh thủ gội đầu hương bồ kết
Và yêu thương tận cùng quê hương thân thuộc
Như lá thư chị Tần gửi mẹ chiều hôm
Như niềm tin sắt son
Bom đạn địch “…không thể làm
Rung chuyển
Những trái tim…”*
Hỡi những trái tim tuổi hai mươi bất diệt!
Các chị đã thành núi sông ký thác
Cho con đường rợp bóng cờ bay…
Hồng Lĩnh, 9/ 2023
* Câu trong lá thư chị Võ Thị Tần gửi mẹ ngày 19/7/1968, trước mấy ngày chị và đồng đội hy sinh (24/71968) khi đang làm nhiệm vụ tại ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lê Thanh Hùng
(Bình Thuận)
Viết ở Nghĩa trang
… “Nếu các anh trở về tất cả
Sư đoàn ta bằng mấy sư đoàn?”…
Nguyễn Đức Mậu
Không ai sinh ra đời để làm anh hùng
Gọi cách khác, đó là những gì mất mát
Của những hy sinh giữa sóng đời xô dạt
Nấm mồ con, vẫn trong đội ngũ điệp trùng.
Nguyên tuổi mười chín, trong câu hò, câu lý
Quằng nặng ba lô, mang đi khắp mọi miền
… Có hương con gái, trôi vào đêm mộng mị
Mang suốt một đời, đôi mắt biết làm duyên.
Chiều nghĩa trang, sao không có một tiếng chuông?
Để cảnh tỉnh, cho những mưu toan, lừa lọc …
Nắng xói lung khe và mưa treo triền dốc
Địa chỉ dòng Bia reo, chớp giật, mưa nguồn …
Ai ăn mày…ai to tiếng, chuyện máu xương
Cũng lặng thinh, đứng trước Bia: Tên chưa rõ
Mọi thứ tan trong hư không, nhưng còn đó…
Câu diễn ngôn trôi, quánh đặc khói trầm hương
Hình ảnh chinh phu trong sách cũ mỏi mòn
Đâu “Hồn tử sỹ ù ù gió thổi” (*) lại…?
Đường ra trận, rộn vang tiếng cười con gái
Ăn mãi khoai mỳ, nằm kể món ăn ngon
Đường về Bác Ái (**) mỏng như khói, xa xăm
Nhưng “Đã tin rồi, thì tin cho đến chết
Còn không tin, thì có chết cũng không tin”(***)
Tiếng em gái Raglay cười, không có nốt trầm …
Công trạng tổ tiên: Thánh Gióng bay lên trời
Giờ xương thịt các anh tan vào đất mẹ
Vô tư sống, hết một vòng đời lặng lẽ
Cho non nước này, mãi mãi sẽ xanh tươi
Chiều nghĩa trang, nắng đã rớt lịm từ lâu
Người quản trang già, ngồi ưu tư chống chổi
Mơ về một cánh rừng trong chiều sương gội
Có trạm giao liên, có một mối tình đầu …
___________
(*) Chinh phụ ngâm
(**) Địa danh ở Ninh Thuận
(***) Lời Anh hùng LLVT Pi Năng Thạnh, dẫn theo chú Bố Xuân Hổ.
Nơi đó còn gì quen không em!
Con đường xưa, có còn quen không em?
Cành hoa giấy bên đường, rung trong gió
Những chiếc lá non dưới chùm hoa đỏ
Còn hồn nhiên, e ấp nắng bên thềm
Căn gác cũ, bên triền thung mượt xanh
Đôi ngỗng trắng có còn đi quanh quẩn
Te tái quát người khách quen, lận đận
Bươn bả trong vòm nắng, một chiều hanh
Con đường xưa như sợi chỉ trong sương
Bờ cỏ dại mùa này nhiều hoa lắm
Có người đã từng bước đi dò dẫm
Mãi loay hoay trong cơn lốc vô thường
Cạn ngày rồi, ai nhẹ bước thong dong
Bên hiên vắng, gió đương mùa lá đổ
Giàn hoa giấy, chắc giờ này chớm rộ
Để ru chiều trong tím biếc mênh mông
Và gốc me gìa biết có còn không
Tuổi hoa dại, trái me non chấm muối
Mặc kệ ai cứ thao lao theo đuổi
Vẫn vô tư không một chút xao lòng…
Ngồi ưu tư, đường dĩ vãng bồng bềnh
Vạt nắng cuối ngày, đong đưa lổ chổ
Gió năm tháng, biết còn ai giữ hộ
Nghe cháy lòng một nỗi nhớ chông chênh.
Tiếng đàn đêm
Tiếng đàn rơi chầm chậm bên thềm
Những hạ âm lặng lẽ dịu êm
Từng nốt nhạc, đong đưa vương vãi
Bờ cỏ láng giềng, ướt sũng đêm
Chợt bừng lên, không gian rung ngân
Có bóng ai đứng lại tần ngần
“Phiên chợ Ba Tư” mờ sương khói
Tiếng chạm khua, đẫm một góc sân
Nghe phiêu linh, ngày cũ trở về
Sao vẫn còn cuống quýt đam mê
Xa xôi lắm, tình yêu ở lại
“Romance de amour” giọng rủ rê
Bối rối gì mà lại đăm chiêu
Tiếng đàn như bất chợt đảo chiều
Tươi trẻ một tình yêu đằm thắm
Lắng sâu trong mắt biếc hoang liêu.
Buông thả rơi từng nốt mênh mông
Nghe đắng đót một trời bão giông
Như đương thuở đôi mươi, mười tám
Cháy lòng trên “Một triệu đóa hồng”…
Phạm Hồng Phấn
(Hà Nội)
TÔI ĐẾN HÀNG DƯƠNG
Tôi đến Hàng Dương, chiều mưa rả rích
Đốt nén tâm hương, bật quẹt mấy lần
Kính cẩn nghiêng mình, trước đài tưởng niệm
Bái tạ các anh hùng, liệt sỹ vì dân.
Chân bước nhẹ, mà lòng như nặng trĩu
Sợ chạm vào xương cốt, của tiền nhân
Các Bác nằm đây, mà chưa tường chỗ
Mưa thấm ướt, và thấy lạnh sống lưng.
Đây mộ Chị Sáu, quê miền đất đỏ
Ngút ngàn hương thơm, lục cúng hoa đăng
Bao người tĩnh lặng, lệ trào khóe mắt
Nguyện cầu Chị minh chứng cho lòng dân.
Kia mộ Bác Phong, Bác Ninh, Bác Hiếu
Cùng bao anh hùng, tiền bối ở đây
Đã sống những ngày đói ăn, thiếu áo
No roi đòn, ở địa ngục trần gian!
Họ đã chết, khi thân tàn ốm yếu
Có nhiều người chắc không quách, không quan
Người chiến sỹ, trong thời kỳ vô sản
Sống thanh cao và chết cũng thanh cao!
Đi trong mưa, nước mưa hòa với lệ
Lạnh sống lưng và nhẹ những bước chân
Hai thế giới, cách nhau vài thế hệ
Mưa chiều buồn, lạnh buốt tới tâm can..
7 - 2017
Mỵ Duy Thọ
(Hà Nội)
TÌM BẠN THÀNH QUẢNG TRỊ
Vào Quảng Trị. Tìm bạn tôi
Dậy bao ký ức. Một thời tuổi thơ
Tinh mơ. Bạn gọi đổ lờ
Trưa hè. Kéo cói bên bờ nông giang
Chiều về. Còi đội tuýt vang
Lòng vui rộn ràng. Sẽ họp tối nay
Dang tay nắm. Nắm bàn tay
Xòn, đô, rê, mí. Vòng xoay sân đình
Thế rồi. Bùng nổ chiến tranh
Xung phong đi lính. Bạn thành quân nhân
Tôi ôm chặt bạn. Mấy lần
Đoàn xe ra trận. Bóng dần khuất xa
Tin bay thắng trận. Về nhà
Tin buồn. Bạn đã đi xa mãi rồi
Mẹ bạn. Òa khóc. Ôm tôi
Con ơi. Thương nó. Quãng đời tuổi xuân
Quảng Trị. Tôi đã bao lần
Thương người bạn cũ. Dừng chân chốn này
Bạn tôi. Nằm lại nơi đây
Cùng bao đồng đội. Vòng vây quân thù
Cùng bao đồng đội. Ngàn thu
Bên dòng Thạch Hãn. Lời ru mẹ hiền
Bao lần. Tôi muốn ở bên
Tượng người chiến sĩ. Bình yên nhìn đời
Đó là người bạn. Của tôi
Không mơ giàu có. Không lời kể công.
Nguyễn Đại Duẫn
(Quảng Bình)
BÊN BẾN PHÀ XƯA
Em về thăm bến phà xưa
Quán Hàu lộng gió em mơ anh về
Nụ hôn ghi dấu lời thề
“Đánh xong giặc Mỹ anh về cùng em”
Chiến trường bom đạn vang rền
Lòng em thổn thức đêm đêm đợi chờ
Chia tay ngày ấy …đến giờ
Anh đi biền biệt nơi mô không về?
Lòng em ôm nỗi tái tê!
Bến phà hóa đá lời thề năm xưa
Tóc thành mây trắng mắt mờ
Lòng em son sắt vẫn chờ đợi anh
Bến phà rợp bóng cây xanh
Tượng đài như thấy bóng anh hiện về.
KÝ ỨC LÀNG TÔI
Tôi lớn lên từ trong khói lửa chiến tranh
Bom đạn Mỹ gây bao đau thương, tang tóc
Cuộc sống ở hầm, những đứa trẻ sinh ra trong lòng đất
Tình nghĩa xóm làng đùm bọc, yêu thương
Không để quân thù tàn phá quê hương
Trai, gái làng tôi xung phong ra trận
Dù máu đổ, xương rơi vẫn kiên cường tay súng
Bảo vệ xóm làng, giữ Tổ quốc non sông
Phụ nữ làng tôi “Ba đảm đang”, gánh vác thay chồng
Đòn gánh cong cong gánh bao nhọc nhằn, vất vả
Tay súng, tay cày xứng danh quê hương “Hai giỏi”
Bám ruộng đồng lấp hố bom sản xuất thâm canh
Chuyện buồn, vui của làng dễ mấy ai quên
Chuyện cô gái năm xưa tiễn chồng ra trận
Ngày chiến thắng anh không trở về
Cô gái hóa vọng phu
Bên cây đa đầu làng lớp học i-tờ
Dệt con chữ thành tình yêu đất nước
Ngôi trường mới dựng lên từ hoang tàn, đổ nát
Thấm máu bao liệt sĩ, anh hùng
Có anh lính từ trận mạc trở về thổn thức nỗi lòng
Văng vẳng cung trầm trên cầu thổi sáo
Đợi chờ cô gái năm xưa dưới chân cầu giặt áo
Mòn mỏi tháng năm đã cất bước theo chồng
Đêm không điện, sáng ánh đèn măng – sông
Rộn rã làng tôi xem Văn công ngồi chật sân hợp tác*
Vang vọng hò khoan giữa đồng chiêm bát ngát
Có cánh cò bay lả, bay la
Nhịp hò khoan, hò hụi trầm bổng ngân nga
Mái xấp, mái nhì sao mà da diết...
Ký ức về làng làm sao kể hết
Chan chứa trong tôi tình yêu làng quê tha thiết
Có buồn, vui, mất mát, đau thương
Tôi yêu đến vô cùng hai tiếng: Quê Hương.
Ngô Đình Ngọ
(Hà Nội)
MẸ ƠI! LẠI BÃO BIỂN ĐÔNG
Lời Liệt sỹ gửi mẹ đêm giao thừa
Mẹ ơi! nhìn thấy con không?
Nhớ con lưng mẹ chắc còng hơn xưa
Nén nhang mẹ thắp giao thừa
Theo làn khói trắng con vừa về đây
Như bao Tô Thị thời nay
Không cam hóa đá, lại say ruộng đồng
Khăn ngang mẹ đội thờ chồng
Tiễn con ra trận nuốt dòng lệ rơi
Mấy mươi năm đã qua rồi
Lưng còng tựa bóng khấn trời ngóng con
Trắng rồi tóc chẳng bạc hơn
Cốt con đã hóa vào hồn núi sông
Mẹ ơi! lại bão biển Đông
Con ra giữ đảo với đồng đội đây
Con giờ đi gió về mây
Thắp hương mẹ thấy mắt cay... con về
Khói nhang đặc quánh chiều quê
Xin đừng pha loãng lời thề nước non!
MỘC MIÊN
Nghe đài nhắc tới Vị Xuyên
Một thời hoa lửa vùng biên đỏ trời
Ai rằng khăng khít răng mội
Để đồi trắng mộ, bia người vô danh
Mộc miên hoa máu đỏ cành
Mơ hồ ai lỡ viết thành tình ca
Nhìn sang dãy núi xa xa
Hỏi ai là giặc ai là anh em?
Người nhắc nhớ, kẻ khuyên quên
Máu xương sao khó viết trên sử vàng
Vị Xuyên còn đỏ chân nhang
Xin đừng để trắng những trang sách hồng!
NHÁNH LAN RỪNG
Trường Sơn mây núi trập trùng
Lan thương chiến sĩ thơm từng bước đi
Chiến trường vẫy gọi ngại chi
Xông pha lửa đạn xá gì chông gai
Tử sinh chẳng thẹn trí trai
Lan treo đầu súng, trăng cài đầu non
Da cam giải, thảm đạn bom
Lan còn một nhánh, người còn một chân
Ba lô, nạng gỗ ra quân
Nhành hoa đơm nụ đưa xuân về làng
Nước nhà đổi mới khang trang
Ngàn hoa khoe sắc, hội lan tưng bừng
Máu xương gai mật đã từng
Xin đừng quên nhánh lan rừng Trường Sơn !
GIẬU MỒNG TƠI
Về đi anh! vợ con mong
Qua cơn giông bão lại trông nắng trời
Chị đem tấm áo ra phơi
Trải buồn trên giậu mồng tơi trước nhà
Súng ngưng bao chục năm qua
Bấy lần chị lại phơi ra cất vào
Lỗ thủng đạn, vệt máu đào
Giậu không gai nhọn mà sao nhói lòng
Chị hong nỗi nhớ, niềm mong
Khô làm sao được những dòng lệ đau
Áo phơi đâu đã nhạt mầu
Mà bao sợi bạc trên đầu chị vợi
Tím còn chưa nhạt mồng tơi
Khói nhang còn trắng núi đồi biên cương!
TÌM MỘ CHÂN TÔI
Đường quê lõm vết chân tròn
Bao năm gót nạng cũng mòn vẹt đi
Biên cương cỏ đã xanh rì
Một chân vùi đất, nấm thì vô danh
Trường Sơn hằn bước cha anh
Máu đào xương trắng đắp thành núi sông
Vọng phu còn có con bồng
Lưng còng tựa bóng mẹ trông con về
Chiến chinh xao xác làng quê
Nghe tiền tuyến gọi đâu nề tử sinh
Dẫu về chẳng vẹn dáng hình
Còn hơn bao mộ bạn mình lạnh hương
Đã xa khói súng chiến trường
Mà sao vẫn nhói vết thương sẹo đời
Núi rừng ơi! Đồng đội ơi!
Có ai biết mộ chân tôi..mách dùm ?
Lê Thúy Bắc
(Hà Nội)
Mùa lá đỏ
Mẹ khom người
tìm một dòng tên
gió khóc
Mặt sông gợn sóng
rừng lạnh, đá mềm
Nam Giang ngời ngời cỏ mướt
biên cương mây bay, nửa thế kỉ qua còn nghe lồng lộng
Những tàng xanh thôi rung
lối mòn thôi nước cuốn
tiếng súng bặt im
những thân cây nảy mầm men theo ánh sáng
ngày hôm qua đi nhanh như tia chớp
để lại những đôi mắt trũng
bạn tôi nằm đó
không về
Bến Giằng nghiêng nghiêng
Đắc My hồn nhiên, san đường đắp lối
những bước chân không tuổi
mải miết thời gian
Mẹ từng dòng nước mắt
đỏ như đốm lá mùa đông
đường mới hiện lên, sương mờ vai áo
nắng đã đi rồi
rừng khuya càng khuya
Những điệp khúc lang thang thành mưa, thành nhạc
dòng Thanh mái chèo cựa sóng
bia đá rưng rưng cho người ở lại
đêm đêm lưu lạc tiếng cười
Từng bước mẹ qua trên con đường sỏi sạn
những quầng sáng rộng hơn
chiều vọng tiếng chuông xoay quanh lồng ngực
những giấc mơ đang bơi
cho cả người chiều nay thắp nến
mẹ đi tìm anh
tôi đi tìm anh
Bến Giằng kết hoa thả trôi cùng sóng
những đốm lá trên đầu nhuốm đỏ
khi nào, tiếng gió lặng im.
Đồi gió hát
Mặt đất
mặt trời
trăm năm đá hát
bài hát vọng về say nương say bản
đong đưa môi mắt nhà sàn.
Em mang về những bước chân trăng
nắng đỏ đồi nương anh đi xuống núi
bờ chiều nườm nượp ánh sao rơi
chân đồi thác bạc
mang về tấm áo thời gian.
Mang về vầng trăng đỏ rực
tiếng chim thất thanh, đồng đội anh có người nằm xuống
giọt sương đã tan
đêm cỏ dại rùng mình lau nước mắt
ai tạc lên chiều man mác những dòng tên.
Em đợi anh
tằng cẩu vấn tròn gùi em no nắng
đêm nghe đồi gió hát
ngọng líu tiếng cười bi bô trẻ nhỏ
con trâu lặc lè chiều về no cỏ
con cá nhảy bờ vảy óng xem đêm.
Ngày mẹ ru trăng
xuân trong mắt em nương đồi bát ngát
nguồn cội đất trời trăm trứng thuở xưa
lời ru của cha nắng tràn lưng ngựa
núi thương, nồng nàn con gió
anh khát mùa trăng rừng khuya lá thở
chín bậc thang nhà
em gấu váy xanh lam.
Phạm Thị Hồng Thu
(Hà Nội)
Cánh đồng Chum
Xiêng Khoảng một ngày xuân
rét cắt da
gió xoáy
buốt nhói tâm can.
Chợt thấy
loang loáng trong gió
những chiếc mũ có ngôi sao vàng
trên khuôn mặt măng tơ
vút qua.
Bỗng nghe
trong tiếng gió
tiếng bom rền đạn rít
xé trời.
Mùa xuân
cây cỏ đâm chồi
các anh chăm cỏ sinh sôi.
Chum mãi bên chum
bạn cùng tuế nguyệt
đêm đêm dàn đồng ca
khúc tự tình
vang xa…
Tiếng sáo diệu kì
Trận đánh quyết liệt
Hai bên cố sức giằng co
Bất ngờ bom rơi long trời lở đất
Một vùng đen đặc
Tử khí nồng nặc
Chúng muốn xóa sổ nơi này.
- Chị văn công ơi!
Tôi…muốn nghe tiếng…sáo!
Tiếng nói yếu ớt
Ánh mắt thiết tha
May quá, trong ba lô cây sáo vẫn còn nguyên.
Bài dân ca ngọt ngào
Tiếng hạc vỗ cánh tầng cao
Tiếng suối rì rào trong vắt
Tiếng sáo diều vi vu xanh ngắt
Tiếng mẹ ru dịu dàng ấm êm.
Chị nhìn người lính trẻ
Mắt đã nhắm
Nhẹ nhàng thanh thản
Anh đi!
Nguyễn Thị Thúy Xoa
( Hà Nội)
SÔNG MAO VÀ KỶ NIỆM
Sông Mao có tự bao giờ
Mà sao gương nước chẳng mờ sông ơi
Nền trời xanh thẳm nhẹ trôi
Lăn tăn sóng lượn để trời lung lay
Sông ôm con nước vơi đầy
Khi tung bọt trắng, khi vày nước trong...
Khi đưa nước mát lên đồng
Để hoa kết trái cho bông lúa vàng
Khi gồng thân chứa dòng ngang
Dìm thây giặc dã vô làng hại dân
Đôi khi làm ngựa dàn quân
Tắm tiên thuở thiếu áo quần, dưới trăng
Trời khuya ôm bóng chị Hằng
Thủy chung đáy nước mắc giăng bóng hình
Cùng đê một thuở lung linh
Sông lưu kí ức tự tình đắm yêu...
Sông như dải lụa sớm chiều
Đuổi theo mây níu con diều đơn côi
Nhớ hôm tiễn bạn đi rồi
Nước buồn tê tái mây...trôi hững hờ
Nhiều năm sông đợi sông chờ...
Sóng khuya vẫn hỏi bạn giờ ở đâu?
Ơi sông, hỡi sóng bạc đầu
Tình ta đôi ngả bởi màu chiến tranh...
Bạn ta chiến sĩ vô danh
Hi sinh anh dũng kết thành lời ca
Hôm nay thăm lại quê nhà
Còn sông, vắng bạn xót xa cồn cào.
Ơi dòng Mao nhỏ ngọt ngào
Chảy ra biển nhớ thuở nào dưới trăng?...
NHỚ NGƯỜI BẠN XƯA
(Viết ngày tảo mộ)
Tháng ba rồi,
nay giữa tiết Xuân phân
Mưa kéo sợi
lê thê dài vai áo
Lòng thêm lạnh,
chan giọt buồn ảo não
Nỗi nhớ anh,
chẳng ai khảo, em khoe
Kí ức ơi hãy nương nhẹ hàng me
Chớ làm đau
cành hòe, bông mận,
Hoa bưởi ngạt ngào,
bầy chim về ríu ran
câu gì khó luận!
Chỉ biết rằng
chim có bạn thế thôi anh!
Xuân vẫn còn,
thêu dệt ngàn vạn bức tranh
Giàn trầu không,
xanh rờn như tóc em tuổi mới lớn
Đã có lần, anh trêu:
“Người đâu mà cong cớn
Cứ giận nhiều,
chẳng lớn được đâu em!”
Kí ức cồn cào,
nhức nhối chẳng dịu êm
Em nhớ anh,
nhớ tiếng ồm ồm vỡ giọng
nhớ dáng, nhớ hình,
nhớ bờ vai, hơi thở nóng...
Dĩ vãng rồi,
trông ngóng hỏi ích chi!
Ngày anh lên xe,
chỉ có một lần đi...
Em lủi thủi,
lê bước về, mặt vùi trong áo gối
Thời gian trôi,
nỗi buồn riêng còn nhức nhối
Tấm ảnh thờ,
vẫn cười rõ thật tươi!
Em nhớ anh,
nhớ kí ức tuổi đôi mươi
Hộp thư trống không
nơi cây gạo đứng giữa trời,
đã bao mùa, bầy chim về xây tổ...
Cây thương người,
im trong biển nhớ...
Dưới hoàng tuyền,
anh vẫn nợ lời hứa với em,
Xuân ùa về,
bao cảnh cũ bởi những kỉ niệm thân quen!
Mỗi độ thanh minh,
chỉ ước được giận hờn...
Mà vô vọng, bởi cô đơn và xa cách...
NƯƠNG BÓNG CA DAO
Xuân về đâu dáng người xưa
Cảnh xao xuyến nhớ hoa chưa thắm màu
Thời gian vó ngựa bóng câu
Chân trời góc bể ngàn dâu vợi vời
Đôi bờ cách biệt trùng khơi
Núi cao trời thẳm nào vơi lời thề
Cải vàng còn trổ triền đê?
Rau răm có vắng, hương quê còn nồng
Ai làm cho sáo sổ lồng
Cau già rụng, lá trầu không héo vàng
Cầu Kiều ai bắc mà sang
Dứt duyên rời phận lỡ làng nổi trôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi*
Chim quyên lẻ bạn cút côi gọi chiều.
Nguyễn Xuân Hoàn
(Vĩnh Phúc)
EM ĐẾN TRƯỜNG SA
Em đến trường sa
Chân bước lên bờ cát bỏng
Thấy mình thổn thức trước đại dương.
Em đến trường sa
Viết về cây phong ba
Viết về người lính đảo
Giữa mênh mông biển trời.
Em đến trường sa
Găp cơn mưa đại dương
Em viết những vần thơ nức nở
Ôi! ước gì thành cơn mưa..
Em đến trường sa
Gặp cơn mưa vội vã
Mưa là niềm hạnh phúc
Mưa là nỗi khát khao...
THÁNG BẢY VỊ XUYÊN
Tháng bảy vị xuyên không thấy mưa ngâu..
Chỉ có chúng tôi những nguời lính chiến
Quá nửa đời ngưòi tìm về đồng đội
Ra đi không về... mãi mãi tuổi hai mươi..
Tháng bảy Vị xuyên không có mưa ngâu
Qua làng Ping, trạm phẫu làng Lò.*
Cây gạo đây rồi..
Ngã ba Cửa Tử**
Còn âm vang đạn rít quân thù
Tháng bảy Vị Xuyên không có mưa ngâu.
Cao điểm bảy hai *** chói chang mùa hạ
Đợi cơn mưa về ...
đồi Cô Ích xanh tươi.****
Tháng bảy Vị Xuyên không có mưa ngâu
Tay nắm chặt tay nhớ đêm đánh chốt
MX trận này ..*****
quyết tiến không lui.
Tháng bảy Vị Xuyên không có mưa ngâu
Cơn gió biên cương xua đi oi ả
Năm ngàn trái tim, tuổi hai mươi bám đá
Chết đi rồi..hóa đá bất tử..
Nơi đất mẹ biên cương…
7/2024
*Làng Pinh, làng Lò là trạm phẫu thuật
**Cây gạo canh ngã ba cửa tử ở Vị Xuyên
***Cao điểm 772..đồi Cô Ích ở vi xuyên.
****Mx..tên trận đánh cao điểm Vị Xuyên.
Đoàn Việt
(Hà Nội)
KHÔNG CÓ CON
TRONG ĐOÀN QUÂN ẤY
Nhớ tiếc Mẹ
Hôm ấy đoàn quân vắt qua ngõ nhà
Thảy đều nghe mẹ gọi
Nhất định có con, bởi con là bộ đội
Lẽ đâu không bước trong đoàn.
Mẹ khóc đắng mắt rồi,
nuôi một nỗi oan
Không biết vì sao chính con mình không nán lại
Nỗi khắc khoải đứa con ngoan,
trốn vào xa ngái
Người mang queo quắt ấy đi xa...
Giải phóng rồi Mẹ ơi,
con trở lại quê nhà
Háo hức được òa vào lòng mẹ
Nhưng mẹ đâu ?
Mẹ đâu? Tất cả cứ lặng thầm , vắng vẻ,
Chỉ câu chuyện kia, khe khẽ tuôn… rơi.
1999-2010.
------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Thị Mai chọn và giới thiệu