KHÚC TRÁNG CA VỀ CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH

Thứ năm - 11/04/2024 17:20
Sáng ngày 10/4/2024, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Hà Nội hướng đến ngày 30/4 và 7/5 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”. Tới dự buổi sinh hoạt có đại diện Ban Chấp hành Hội và đông đảo hội viên, văn nghệ sĩ.
NguyenVietChien
NguyenVietChien

Khánh Quỳnh

KHÚC TRÁNG CA VỀ CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH

    Sáng ngày 10/4/2024, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Hà Nội hướng đến ngày 30/4 và 7/5 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”. Tới dự buổi sinh hoạt có đại diện Ban Chấp hành Hội và đông đảo hội viên, văn nghệ sĩ.

Trong âm hưởng cả nước hướng tới chào mừng và kỷ niệm ngày Thống nhất 30/4 và ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, buổi sinh hoạt chuyên đề thảo luận về hai nhà thơ kháng chiến lớn là Phạm Tiến Duật và Thanh Thảo. Đây cũng là dịp để các nhà thơ giao lưu, bày tỏ cảm xúc, nỗi niềm về cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta.

   Phát biểu mở đầu buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Sáng tác, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: Hai nhà thơ Phạm Tiến Duật và Thanh Thảo là hai nhà thơ tiêu biểu và đại diện cho hai trường phái trong thơ thời kháng chiến chống Mỹ.NguyenDucBinh

Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, ông được ví là “con đại bàng của thi ca Trường Sơn”, những bài thơ của ông như “cánh chim đại bàng kiêu hãnh dự báo ngày chiến thắng đang tới gần”. Thơ của ông được nhận xét là “tìm cái đẹp trong trong những sôi động của cuộc sống”, mở ra một cái nhìn rất mới, hiện đại và sống động về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những bài thơ gắn liền với tên tuổi Phạm Tiến Duật có thể kể đến như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”...

   Trong khi đó, nhà thơ Thanh Thảo sinh năm 1946, được mệnh danh là “vua trường ca” nhưng cũng đồng thời là “nhà thơ lớn của các bài thơ nhỏ đặc sắc”. Ông đã xuất bản 17 trường ca độc đáo với cấu trúc ngôn ngữ thi ca, chất suy tưởng toát lên nét thơ mới. Thanh Thảo có nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có “Dấu chân qua trảng cỏ”, “Khúc bảy”...

   Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, các văn nghệ sĩ cũng đã tham gia giao lưu thơ với những góc nhìn, cảm xúc rất riêng. Một số nhà thơ cựu chiến binh đã chia sẻ về những kỷ niệm thời chiến, những đau thương, vất vả gian lao và anh dũng hy sinh của những người chiến sĩ, trong đó có nhà thơ Nguyễn Khoái với bài “Tháng tư”, nhà thơ Quốc Dũng với bài “Dấu xuân”, nhà thơ Bành Phương Lan với bài “Tháng năm xưa nằm lại cung đường”...

   Bên cạnh những cảm xúc hào hùng của chiến sĩ dưới bom đạn còn là niềm thương nhớ khôn nguôi của thân nhân những người lính. Nữ nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng xúc động chia sẻ “Không có chiến thắng nào không đổi bằng máu và nước mắt [...] và người đau khổ nhất với những giọt nước mắt là những người phụ nữ ở hậu phương”.

   Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà thơ Bùi Phương Thảo - con gái nhà thơ Quang Dũng đã gửi tới sáng tác “Khúc quân hành Tây Tiến” của mình nhằm tri ân, tưởng nhớ đến bộ đội Tây Tiến. Nhà thơ Trần Cường chia sẻ “Gửi anh” - được sáng tác khi anh đang theo đoàn tìm mộ thân nhân mình.

NguyenThiMaiNhà thơ Nguyễn Đức Bình chia sẻ những suy tư, trăn trở về thời hậu chiến với tư cách “một người cựu binh, một nạn nhân chất độc màu da cam thông qua bài thơ “Mùa thay lá”. Bài thơ cho thấy cái nhìn đau đáu thế sự “tan chiến nhưng chưa tàn chiến”.

   Viết về chiến tranh để trân trọng hòa bình, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng có bài “Trường Sơn huyền thoại”. Bài thơ khắc họa niềm vui mừng vào ngày thắng lợi của dân tộc sau vô vàn đau thương mất mát, để cùng “ôm nhau” “mừng mừng tủi tủi", để cùng hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.

   Ngoài ra, buổi sinh hoạt còn có thêm những chia sẻ của các nhà thơ khác như Ngô Đức Hành, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Xuân Việt, Lê Hà,...

   Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẳng định “chiến thắng Điện Biên Phủ đã in đậm trong những khúc tráng ca mang tính sử thi hào hùng nhất trong cuộc trường chinh vĩ đại của công cuộc kháng chiến cứu nước”. Chuyên đề bắt đầu với hai nhà thơ lớn tiêu biểu của nền thơ kháng chiến là Phạm Tiến Duật và Thanh Thảo, rồi tiếp nối là các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ khác nhau nhưng cùng chung một nhịp đập của Tổ quốc, cùng xúc động da diết nhớ về trận chiến vĩ đại của dân tộc và tháng 4 lịch sử “đất nước khải hoàn ca”. Buổi sinh hoạt đã khép lại nhưng âm hưởng hào hùng của những vần thơ được cất lên vẫn tiếp tục đời sống của nó, để tiếp tục ca ngợi lịch sử vẻ vang và niềm tin vững chắc vào tương lai của dân tộc./.

                                                                                K.Q

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây