Kiêu hãnh một tinh thần Việt - Thơ Lại Hồng Khánh

Thứ hai - 31/08/2020 19:54
Thanh Ứng

Cảm nhận về tập thơ “Tinh thần Việt” của nhà thơ Lại Hồng Khánh - nxb Thanh Niên-2020
lo hoa su that no dep 1 copy
lo hoa su that no dep 1 copy

      Đây là tập thơ thứ 12 của nhà thơ Lại Hồng Khánh. Tập thơ ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Đó là lúc toàn dân ta hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và những chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống đại dịch COVID-19. Lại Hồng Khánh cũng như mọi người dân bình thường khác, thực hiện nghiêm túc những quy định của các cơ quan chức năng trong đó có giãn cách xã hội. Vốn có cảm quan nhạy cảm, trái tim Thi sĩ - Công dân của nhà thơ vẫn luôn luôn hướng về cuộc sống, lắng nghe, theo dõi, cảm xúc, nghĩ suy và đơm nở những vần thơ  . Trong những ngày đáng nhớ đó, Lại Hồng Khánh đã viết mới, sửa chữa, tập hợp các bài thơ của mình và cho ra mắt tập thơ mang  tên : “Tinh thần Việt” với một ý tưởng thật đáng trân trọng Tập thơ nhỏ này ghi lại những cảm nhận của tôi về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 toàn cầu mà chúng ta đã thể hiện tinh thần chói lọi trước năm châu (Trích “Thưa cùng bạn đọc!”). Tập thơ có 74 bài trong đó có 39 bài viết trong những ngày “Sống chậm” Nhà có hai phòng /  Tập tành dăm bước  / Thơ được mấy dòng…Nhưng đó là những dòng thơ hừng hực một tinh thần “Chống dịch như chống giặc” cùng với đồng bào cả nước cũng như những người dân trong khu vực nhà thơ sống. Tinh thần đó tạo nên giọng thơ hào sảng ở ngay bài thơ đầu tiên và cũng là tên tập thơ “Tinh thần Việt”: Cuộc chiến này mang tên Cô Vít / Loang toàn cầu . Dịch họa tai ương / Tinh thần Việt! Toàn dân vào trận / Lại làm nên dấu ấn kiên cường (Trang 7). Vẫn một tấm lòng vững tin vào Đảng, Chính phủ khi đất nước gặp buổi gian nan, dân ta bình tĩnh thực hiện những yêu cầu của các cơ quan chức năng và cuộc sống vẫn luôn luôn  tồn tại và tiếp tục “Phong phú muôn màu”,  Mỗi sáng chảo nhau giây lát / Là mình đã ấm lòng nhau. Người thân gặp, chào nhau qua điệu bộ và ánh mắt là đã cảm nhận một tình yêu con người ấm áp, nghĩa tình. “Ngồi yên” nhưng thực ra vẫn  nghĩ suy đến đồng loại và cuộc sống. Nhà thơ Lại Hồng Khánh “Ngồi yên” với một tâm thế mở. Ông vẫn nhận ra “Mạch sống lưu thông” trong những khái niệm mới như “Trạng thái bình thường mới” , “Giãn cách cộng đồng” , “Trực tuyến”…làm cho cuộc sống trong mùa chống dịch không căng thẳng, lo âu mà tạo nên một niềm lạc quan thật đáng quý Phải sống chung với dịch / Cuộc đời vẫn tươi hồng (Mạch sống lưu thông- Trang 20) hay Trực tuyến! giảm trực tiếp / Cuộc sống vẫn nở hoa(Trực tuyến- trang 21)…

                 Nhà thơ Lại Hồng Khánh
    Với một tâm trạng tự tin và đầy phấn chấn, ông  cảm nhận được tất cả những gì là tình yêu Tổ quốc, nghĩa đồng bào, sự sẻ chia, lòng dũng cảm và tinh thần nhân ái vô bờ bến của con người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài.  Trước hết, nhà thơ đã dành những vần thơ ngợi ca “Những chiến binh áo trắng”. Họ là những bác sĩ, điều dưỡng viên, y tá nhân viên bệnh viện …ở tuyến đầu chống dịch với bao sự hi sinh thầm lặng Họ đã hết lòng vì sự sống con người, nhà thơ không ngần ngại gọi họ là những “chiến binh” và khắc ghi công lao của họ: Đất nước mãi mãi ghi ơn! / CHIẾN BINH ÁO TRẮNG /Kiên cường vì dân (Những chiến binh áo trắng-trang 12). Đó là những chiến sĩ biên phòng “Hiến dâng lặng lẽ” hi sinh tình cảm gia đình, tạm gác bỏ nghĩa vụ làm chồng, làm cha, làm con để hoàn thành nhiệm vụ nơi rừng núi hoang vắng, đầy hiểm nguy ngăn chặn những người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới: Chắn dịch nơi biên ải / Những người lính Biên phòng/ Bố mất, chỉ lễ vọng / Vợ đẻ, thì xa trông // Lặng thầm sự hiến dâng /An Lành cho Tổ quốc / Sống mãi tình dân tộc! (Hiến dâng lặng lẽ-trang 22). Chính trong những ngày toàn dân chống dịch đã xuất hiện biết bao nhiêu những con người, những nghĩa cử cao đẹp sáng ngời chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam: Đó là Triệu bữa cơm miễn phí” /Dành tặng bao cảnh nghèo/Những tấm lòng thơm thảo/Chia sẻ cùng gieo neo // Để chẳng ai đứt bữa / Chia sẻ những yêu thương (Cho đi những yêu thương- trang 30). Rồi những sáng tạo “Vì cộng đồng” góp một phần nhỏ vào công việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong mùa dịch như cái máy ATM cấp gạo miễn phí cho người khó khăn , chuyện một nhà Việt kiều hảo tâm gửi về nước hàng ngàn máy thở, các nhà hảo tâm trong nước quyên tiền, gạo, mua khẩu trang, thiết bị y tế…ủng hộ đồng bào nơi có dịch tràn qua được ông nhắc tới trong thơ và nhà thơ gọi đó là “ Vắc xin của yêu thương”: Đại dịch tràn qua / Lại thấy vắc xin của yêu thương san sẻ / Đất Việt ta ngàn đời vẫn thế / Đùm bọc tương thân với mọi cảnh đời./ Chỉ có xứ mình!  Yêu lắm Việt Nam ơi! (Vắc xin của yêu thương-trang 13). Nhà thơ thốt lên một cách tự nhiên không có gì là lên gân, cao giọng. Ông đã thể hiện sự cảm động và tự hào về dân tộc mình trong những thử thách gian nan của những tháng ngày đầu năm 2020 của đại dịch. Nhạc sĩ Lê Minh Châu đã phổ nhạc bài thơ này và đã phổ biến giai điệu đó trên Fb của nhà thơ cùng với các bài khác như “Tinh Thần Việt”, “Những chiến binh áo trắng” làm cho sức lan tỏa của thơ Lại Hồng Khánh có điều kiện tiếp cận rộng rãi, kịp thời với độc giả, thính giả…Có thể nói “Tinh thần Việt” của Nhà thơ Lại Hồng Khánh là hợp lưu của những dòng thơ đã có nguồn từ  “Trắng câu gọi đò”,”Giọt thời gian”, “Ánh trăng ngày”…, từ những trang văn trong “Ghi dọc cánh rừng”…Đó là lòng yêu quê hương, Tổ quốc, yêu đồng đội, đồng bào và những gì thuộc về những kí ức thân thương của nhà thơ với vùng quê đồng chiêm trũng Phú Xuyên ngày xưa.Trong “Tinh thần Việt”, ông có những bài mà tiêu đề và lời thơ đã như những lời ngợi ca: “Sức vóc Việt Nam”, “Tiêu chí” (xếp hạng quốc gia) “Việt Nam mình lại tỏa sáng năm châu”,(trang 14)…và cả những lời cảm ơn của những bệnh nhân người nước ngoài được chữa khỏi bệnh ở Việt Nam, những lời hỏi thăm của đồng bào trong nước đến các Việt kiều đang ở xa Tổ quốc . Việc đón các cháu sinh viên, những người lao động học tập, làm việc ở nước ngoài về nước trong những ngày đại dịch đang hoành hành trên trên giới là những biểu hiện đáng tự hào về một Việt Nam kiên cường nhân ái, giầu lòng vị tha được cả thế giới ngưỡng mộ đều được Lại Hồng Khánh ghi nhận trong những bài thơ của mình. “Tinh thần Việt” như là một tập nhật kí thời sự bằng thơ trong những ngày toàn dân chung lưng đoàn kết chống lại Đại dịch COVID-19. Tâm hồn nhà nhà thơ hòa chung với những nghĩ suy, lo lắng và những niềm vui, niềm tự hào tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam . Tập thơ có bài như một dự báo:  Dẫu còn ít ca bệnh /Nhưng vẫn nhiều nguy cơ /Kẻ thù đang giấu mặt/Cảnh giác! Chẳng hề thừa (Cảnh giác-trang26). Khẩu khí bài thơ như một lờiTuyên giáo”(Tác giả nguyên là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội)  nhưng người đọc vẫn cảm nhận qua giọng thơ đó một lời nhắc nhở thân tình, gần gũi. Và quả  thật: Sau 99 ngày không có ca mắc trong cộng đồng thì từ 25 tháng 7, bắt đầu ở Đà Nẵng những ca bệnh lại xuất hiện trong cộng đồng . Cả nước bước vào chiến dịch chống COVID-19 mới, cam go hơn, khó khăn hơn nhưng cũng bình tĩnh, vững tin hơn và với một tinh thần mới vì chúng ta đã có kinh nghiệm của những ngày chống dịch vừa qua.Mặc dù, bước đầu chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh song cuộc chiến với “kẻ thù giấu mặt” này còn khó khăn, gian khổ và còn phấn đấu thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chính vì thế tập thơ “Tinh thần Việt” của nhà thơ Lại Hồng Khánh vẫn còn nóng bỏng tính thời sự  và tập thơ vẫn còn có ý nghĩa động viên tiếp sức chúng ta trong cuộc chiến đấu mới chống dịch COVID-19 hiện nay và những ngày tiếp theo...Xin cảm ơn nhà thơ Lại Hồng Khánh và những vần thơ đầy tâm huyết của ông trong những ngày tháng lịch sử này…
                                           

                                                          Hà Đông những ngày cuối tháng 8/2020
                                                       Nhà thơ Thanh Ứng

Nguồn tin: ,bài: BVM:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây