Nhà thơ Hữu Thỉnh với truyện thơ Thúy Lan - Đôi điều cảm nhận

Thứ bảy - 29/03/2025 09:03
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh

           
         Lê Hữu Bình

                Nghe và biết về anh Hữu Thỉnh đã lâu, vì là Chủ tịch Hội Nhà văn nên anh thường phải xuất hiện trước những vấn đề lớn thuộc về văn học, từ dáng dấp con người cho đến lời nói chất giọng có sức truyền cảm lạ. Tuy nhiên chưa được gặp anh bao giờ… Sau khi tái bản truyện thơ Thúy Lan (lần 6), tôi được một số bạn văn thơ khuyên nên gửi Chủ tịch Hội nhà văn 1 cuốn. Tôi đắn đo chần chừ vì cho rằng “Anh Thỉnh bận rất nhiều công việc, gửi có đến chưa chắc Chủ tịch đã đọc”. Suy nghĩ vậy nên tôi cứ chần chừ và rồi lần này tôi quyết định gửi tới anh 1 cuốn Thúy Lan bằng thư bảo đảm vì đề phòng thất lạc. Tôi nhớ mang máng là gửi ngày 25 hay 26/9/2017 thì phải, sau đó vừa theo dõi vừa chờ đợi.

              Cho đến một ngày, hôm đó 12/10 chừng 2 giờ 15 chiều, điện thoại tôi rung chuông và nghe giọng nói ấm áp:
- Anh có phải là Bình không?
- Đúng tôi đây ạ
- Tôi đang đọc truyện thơ Thúy Lan của anh đây.
- Vâng ạ, xin cảm ơn anh- Tôi trả lời.
           Người trong máy bên kia khen tác phẩm hết lời, đánh giá rất cao tòan bộ tác phẩm từ câu cú vần điệu niêm luật lục bát, dài như vậy mà không câu nào lỗi vận lỗi vần lỗi nhịp chứng tỏ anh là người rất sành về thơ lục bát. Anh lại trích đọc mấy câu trong truyện Thúy Lan để minh chứng:
                       …    Nàng e ái vậy vì sao
                   Phong lan gác núi hồng đào gửi hang
                              Nhỡ nhàng việc lớn dở dang
                   Lệ gieo ngấn mắt đóa trăng thả buồn…
           Chắc thời gian có hạn anh chỉ tạm trích vậy thôi, tôi còn nhớ như in. Rồi anh nói “Hàng ngàn câu tài hoa hay thế, hay quá đi mất”. Anh cũng khen cả bìa sách trang trí trước sau vừa đẹp vừa ý nghĩa, bắt mắt. Anh còn chủ động hỏi:
              - Chắc anh trước kia đi học là học sinh giỏi văn lắm?
              - Vâng ạ, năm 1964 tôi là học sinh giỏi văn của huyện khi đến lớp 7 thì được đi thi học sỉnh giỏi văn của tỉnh nhưng trên đường đi gặp máy bay đánh phá thành ra lỡ cuộc thi.
             - Thảo nào đọc truyện Thúy Lan là biết…
             Tôi thỉnh thoảng nói lại, tự thấy phấn khởi vì đã nhiều đọc giả gọi điện khen ngợi cảm ơn đánh giá rất đặc biệt tác phẩm Thúy Lan từ khi tái bản lần 5. Tôi có hỏi lại là:
             - Vậy anh ở đâu cho tôi biết địa chỉ, để có thể lúc nào gặp nhau đàm thoại về thi phú cho vui.
- Tôi là Hữu Thỉnh đây.
- Anh Thỉnh Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam?
- Vâng - Tôi giật mình vì bất ngờ và không hề nghĩ tới, rồi thốt lên:
             - Ôi anh Thỉnh, em mừng qúa anh à (vì biết anh hơn tôi gần chục tuổi) và anh gọi em bằng em đi. Sao anh không giới thiệu trước cho em biết?
- Để vậy mới tự nhiên chứ.
             - Tác phẩm của em tái bản lần 6 này dày tới 350 trang mà anh giành trọn thời gian đọc hết lại còn chính kiến nhận xét đánh giá được ngay, trong khi anh rất bận em cảm động qúa anh ơi
             - Hay như thế làm sao anh bỏ dở được…

            Câu chuyện còn trình dài một số vấn đề, anh hỏi về gia đình nhà tôi và cũng nói với tôi là một số truyện ngắn của Bình đang được chọn đọc trên đài tiếng nói Việt Nam, anh bận qúa lúc nào em in cho anh để có thời gian anh xem…Câu chuyện còn dài thêm một số vấn đề nữa… cuối cùng cho anh gửi lời thăm cô Phương vợ tôi (vỉ ảnh vợ tôi có phía sau bìa sách Thúy Lan mà anh đang cầm). Tôi xin một tuần sau lên gặp anh ở trụ sở Hội nhà văn tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu- Hà Nội. Anh đồng ý.

             Một tuần sau khi gửi mấy truyện ngắn cho anh, tôi lên gặp anh tại phòng làm việc của anh ở tầng 3, với thái độ chân tình cởi mở và rất thiện cảm, anh rót nước mời tôi. Hai anh em ngồi nói chuyện với nhau, anh bảo mấy truyện ngắn của Bình anh đã đọc, hay lắm. Anh hỏi tôi khi là bộ đội ở đâu, tôi trả lời là ở Cục quản lý xe máy- TCKT- BQP, sau khi về hưu em ra ngoài làm Giám đốc cho nhà maý lắp ráp ô tô Việt Trung.

             - Chả trách, truyện thơ Thúy Lan viết đủ đầy trọn vẹn hay như thế (anh nói vậy), môi trường quân đội đã xây nên bản lĩnh thép của người lính, môi trường dân sự tạo ra sự khéo léo mềm dẻo phong phú đa dạng.

             - Thực tình em cũng muốn anh chỉ ra chỗ nào chưa được cả Nội dung- Nghệ thuật- Tính triết học và tính thời sự của tác phẩm.

           Anh gật gật rồi nở nụ cười đôn hâu:

             - Hay lắm, một tác phẩm dài trên 4200 câu mà viết được vậy thực là hiếm có. Anh đánh giá rất cao về tác phẩm thơ này của em (anh nhắc lại như trước đây đã nói)

           Tôi rất mừng rồi lại hỏi tiếp:

             - Vậy các bài bình luận cảm nhận của mấy chục tác giả viết về Thúy Lan em có đăng trong tác phẩm (thực ra gần trăm bài nhưng chỉ trích đăng 34 bài thôi vì sợ dày qúa) anh thấy thế nào, thưa anh?

           Anh nói với lời lẽ vừa nghiêm túc vừa trân trọng:

             - Các bài viết anh cũng xem hết sau khi đọc xong phần thơ, mỗi người viết một khía cạnh nhưng đều rất hay thật xứng tầm với tác phẩm.

          Càng tiếp xúc tôi càng thấy ở anh con người nhiệt thành đầy trải nghiệm, đứng đầu ngành văn học nước nhà nhưng sao lại thấy thân thương dễ gần đến thế. Từng câu nói từng cử chỉ bình dị mà sâu lắng. Khẩu khí của anh vừa mang tính văn học văn hóa, giao thoa giữa chất hùng biện và chất thực của con người anh (các bạn từng tiếp xúc với Chủ tịch Thỉnh thì điều trên tôi nói chẳng sai). Anh hỏi tôi:

- Sao em chưa vào Hội nhà văn?

           Tôi bảo là: “ Cũng có vài nhà văn nhà thơ bảo em là vào Hội đi, nhưng em nói là tôi rất ngại vì đã vào phải tham gia nhiều vấn đề của hội đề ra, về hưu rồi nên cũng không muốn tham gia”. Anh Thỉnh bảo: “ Nên vào, mặc dù truyện Thúy Lan rất hay, nhưng điều kiện kết nạp vào Hội nhà văn thì cũng phải cần một tác phẩm văn xuôi nữa. Bình về biên soạn tập các truyện ngắn rồi gửi nhà xuất bản Hội nhà văn. Đấy là nguyên tắc và có người giới thiệu kèm theo”. Tôi vâng dạ và đang suy nghĩ thêm, vào Hội nhà văn sẽ có những quyền lợi rất quý mà mình không biết, Chủ tịch Thỉnh lại không muốn nói ra.

            Nhìn thấy hàng loạt sách trên 2 bàn của anh Thỉnh nơi làm việc đầy ắp, xếp chồng dầy lên nhau biết là anh bận lắm đây. Tôi càng thông cảm và hiểu thêm công việc của anh nhiều đến mức nào và khách thì có người đang lấp ló ngoài cửa. Anh lại hỏi tiếp về truyện Thúy Lan in bao nhiêu cuốn? tôi trả lời 1000 cuốn, hiện giờ còn 700. Anh bảo vậy cũng mất nhiều tiền đó, cũng đừng tặng tràn lan vì thực ra có người bận người ta cũng không đọc được, hoặc dài rồi người ta cũng không đọc tới đích. Cứ để đấy hôm nào rãnh anh viết một bài giới thiệu lên báo Văn nghệ, hoặc anh trao đổi người khác viết thay anh, thì nhất định người ta tìm đến mua hết. Có lẽ anh Thỉnh rất thông cảm với hoàn cảnh lính về hưu, vợ không lương (tôi có nói với anh Thỉnh là nhà em không có lương 2 vợ chồng cùng chung lương em). Những chuyện vui này, mấy hôm tiếp tôi cũng trao đổi qua điện thoại với nhà lý luận phê bình văn học Song Vũ Hoàng Phương, nhà phê bình văn học Nguyễn Xuân Hiến, nhà văn Lê Hoài Nam, Nguyễn Thị Bình nhà thơ Mậu Trà, Hứa Thị Đỉnh, Trần Đáng nhà kiều học Dương Xuân Đảo… Nội dung tương tự vậy, những người có bài viết trong tác phẩm tái bản lần 6 này. Tất cả đều chúc mừng và mong sao cho thi phẩm lan tỏa sớm trong cộng đồng. Sau đó chừng 2 tuần, tôi in tập truyện ngắn lấy tiêu đề KỶ VẬT THIÊNG LIÊNG trực tiếp mang lên gửi anh, Anh vui vẻ nhận:

            - Trường hợp của Bình là ưu tiên đặc biệt, rỗi anh sẻ đọc nhưng cũng phải qua nhà xuất bản. Nếu nhà xuất bản Hội nhà văn thì nên gặp Tạ Duy Anh biên tập lại cho- Vâng- Tôi trả lời vậy, vì chắc Tạ Duy Anh biên soạn câu cú, chính tả ngữ pháp chắc tốt (tôi là người Thanh Hóa viết sai chính tả hơi bị nhiều, lẫn lộn dấu hỏi dấu ngã, các từ thường thiếu thừa chữ i, ê) còn anh Tạ Duy Anh thì quả thực tôi chưa biết.

              Câu chuyện còn dài hơn trong các lần tiếp cận. Có những từ Chủ tịch dùng rất đắt khi đánh giá văn thơ của tôi (nhưng thôi xin phép không nói ra). Là một công dân đã nghỉ hưu lại chưa có tên nhà văn hay nhà thơ, nhiều người gọi tôi là nhà văn, nhà thơ thực lòng tôi còn rất ngại mà lại được Chủ tịch Thỉnh tiếp chuyện, trao đổi ân tình như vậy, tôi rất cảm kích. Thực là diễm phúc cho bản thân, tôi từng không ít lần được tiếp chuyện với bác Lê Khả Phiêu nguyên Tổng bí thư của Đảng tại nhà riêng của bác (kể cả lúc bác đang làm việc), anh Phạm Thanh Ngân nguyên ủy viên BCT Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐNDVN và một vài đ/c lãnh đạo khác. Nhận thấy các bác các anh là những con người vô cùng tài giỏi đức độ, nhưng khi diện kiến thì thật là bình dị khiêm nhường, sâu sắc về tình cảm, ân cần về chỉ bảo thực qúy hóa vô cùng…Định không viết vấn đề này ra sợ có người cho là khoe (kỳ thực công dân về hưu, chấm xuống hàng rồi có khoe cũng chẳng nước gì). Nhưng trước nghĩa cử cao đẹp tận tình vì sự nghiệp lớn văn học nói chung và cá nhân nho nhỏ của mình nói riêng. Vì quá khâm phục, thấy trong lòng thôi thúc nên cần viết ra để bạn đọc cùng chia sẻ. Chủ tịch Hữu Thỉnh nhà thơ lớn ai cũng biết, từng trải qua chiến đấu lại dày dạn trên mặt trận văn học mấy chục năm qua. Những điều anh nói ra bao giờ cũng rất chín, chặt, chắc như đinh đóng. Từng bước đi lên vững vàng của anh khiến muôn người khâm phục và kính quý. Tình hình văn học hiện nay đang trong thời kỳ hội nhập mở cửa lan tỏa, thuận lợi cũng nhiều nhưng sự phức tạp cũng không ít. Thiết nghĩ cần một nhà lãnh đạo đức độ vững vàng tài năng đầy bản lĩnh, để cầm lái con tầu văn chương Việt tới bến bờ vinh quang đó là vì dân vì Đảng vì Tổ quốc. Chủ tịch Hữu Thỉnh quả là người: TẦM cao TÂM lớn, cũng là cái phúc cho văn học nước nhà.

  L.H.B

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây