Nhân ngày 22-12, bàn thêm về bài thơ Tây tiến của Quang Dũng

Thứ tư - 22/12/2021 19:36
Nhà nghiên cứu phê bình Văn học Đặng Tương Như
Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988)
Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988)
     1.- Quang Dũng (1921 - 1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm. Quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Thuở hoa niên,  ông học trung học ở Hà Nội. Sau Cách mạng  tháng Tám, Quang Dũng nhập ngũ làm trọn phận trai ở chốn quân trường.Từ sau năm 1954, ông là biên tập viên Nhà xuất bản Văn học.
  Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng man và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình.
 
   Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
   Tác phẩm chính: “Rừng biển quê hương” (in chung, 1957), “Mùa hoa gạo” (truyện ngắn, 1950), “Đường lên Châu Thuận” (1964), “Rừng về xuôi” (truyện ký,1968), “Nhà đồi” (truyện ký, 1970), “Gương mặt Hồ Tây (bút ký, in chung, 1984), “Mây đầu ô” (thơ, 1986), “Thơ văn Quang Dũng” (tuyển thơ văn, 1988).
 
2.- Bài thơ TÂY TIẾN.
 
 Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạ dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũi bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em xôi nếp xôi
 
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
 
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
 
Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
            (Trích trong tập thơ “Mây đầu ô”, 1986)
 
   “Tây Tiến” là bài thơ xuất sắc của Quang Dũng, có nhiều nhà nghiên cứu văn học xem bài thơ này là kiệt tác của thơ ca thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thưc dân Pháp . “Tây Tiến” là tiếng thơ bi tráng ghi lại kỷ niệm hào hùng của một đoàn quân có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biện giới Việt – Lào, đánh tiêu hao quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như miền Tây Bắc bộ Việt Nam. Địa bàn hoạt động  của đoàn quân Tây Tiến khá rộng. Những nơi đó khi ấy rất hoang vu và hiểm trở, núi cao, sông sâu, rừng rậm, nhiều thú dữ.
  Những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có HS, sinh viên. Sinh hoạt tuy hết sức gian khổ, thiếu thốn, ốm đau không có thuốc men, tử vong vì sốt rét nhiều hơn  là vì đánh trận, nhưng họ vẫn sống lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm, vẫn giữ được cốt cách hào hoa, thanh lịch, yêu đời và rất lãng mạn.
   “Tây Tiến” nổi bật ở cảm hứng lãng mạn và tính chất bi tráng. Quang Dũng đã chọn cho bài thơ một thể thơ rất hợp: thể  thơ bẩy chữ - thể hành; mỗi đoạn thơ “ăn” theo một vần bằng, rồi theo đó cứ một câu vần bằng lại xen vào một câu vần trắc. Điệu thơ ấy, cách gieo vần ấy tạo cho bài thơ một âm hưởng đặc biệt: vừa cổ kính trang nghiêm, vừa phóng khoáng bay bổng, trùng điệp và trải dài tưởng như vô tận. Sau nữa, cách dùng một số từ ngữ có phần cổ kính của Quang Dũng khiến cho bài thơ, ngay từ lúc mới đọc lên, đã có một âm hưởng vừa man mác, bâng khuâng, vừa lãng mạn hào hùng.
   “Tây Tiến” thuộc loại thi phẩm có  số phận lênh đênh “ba chìm bảy nổi”. Ngay từ lúc mới ra đời, “Tây Tiến”  đã nhận được sự ngưỡng mộ và sự cộng hưởng của hàng triệu bạn yêu thơ và chiến sĩ quân đội đang chiến đấu trên các chiến trường, Nhưng sau đó, trong một thời gian khá dài, Tây Tiến ít được nhắc đến. Mãi đến thời kì đổi mới, trong xu hướng thẩm định lại các giá trị văn học chân chính, bài thơ “Tây Tiến được khôi phục lạ vị trí của nó trong lịch sử văn học. Vượt qua mọi thử thách của thời gian, “Tây Tiến” tồn tại một cách danh dự  trong tấm lòng của các thế hệ bạn đọc, nó có mặt trong các tuyển tập thơ, được đưa vào SGK dạy cho các thế hệ trẻ. Ngày nay, đọc lại bài thơ “Tây Tiến”, người đọc như được sống lại không khí hào hùng không thể nào quên của một thời kỳ lịch sử, mang theo cả tâm hồn đẹp đẽ, trong sáng của một thế hệ người lính xả thân để bảo vệ non sông. Đó là những người lính ra đi từ những góc phố, những mái trường của Thủ đô Hà Nội yêu quý. Những người lính ấy bước vào một cuộc hành quân cực ký gian khổ khi cuộc kháng chiến mới bắt đầu. Trước mắt chàng trai Hà Nội  là một vùng biên giới Việt – Lào trùng trùng điệp điệp núi non  hiểm trở, âm u, hoang dại.
  Mở đầu bài thơ vang lên một tiếng gọi thiết tha:
“Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !”
   Nhà thơ gọi tên đoàn quân của mình, gắn tên đoàn quân với tên sông Mã, với rừng núi miền Tây. Tên đoàn quân Tây Tiến sẽ bất tử cùng sông núi quê hương. Chừng nào còn sông Mã, còn rừng núi miền Tây, người ta còn nhắc đến đoàn quân Tây Tiến anh hùng ! Bỗng dội lên trong lòng thi sĩ, người Đại đội trưởng trong đoàn quân Tây Tiến, một nỗi “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”. Nỗi nhớ như nâng tâm hồn làm hiện lên trong ý ức Quang Dũng cả một không gian xa xôi . Tính chất “xa xôi” ấy được gợi lên từ những địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu . . . những tên bản, tên làng thuộc Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa – địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến và cũng là địa bàn sinh tụ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những nơi ấy đã thấm máu xương của những người lính Tây Tiến, khắc sâu những kỷ niệm không thể nào quên. Mảnh đất ấy giờ đây đã hóa tâm hồn họ. Phải xa đoàn quân Tây Tiến, xa mảnh đất miền Tây, trong tâm hồn những người lính như Quang Dũng dậy lên bao xao xuyến, bâng khuâng; thi sĩ thả hồn lên “chơi vơi” để về với rừng núi miền Tây. Trong cảm hứng lãng mạn, miền Tây hiện lên thật hùng vĩ, dữ dội, hoang dã. Sự thực, rừng núi miền Tây Tổ quốc cũng thật hùng vĩ, nhưng trong con mắt đầy cảm hứng lãng mạn của chàng trai Hà nội, sự hiểm trở, cheo leo, hùng vĩ ấy càng tăng lên gấp bội:
“Dốc lên khúc khuỷu, / dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, / súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, / ngàn thước xuống”
  Những câu thơ ngắt nhịp ở giữa (nhịp 3/4) rất gợi hình, gợi cảm – gơi lên sự hiểm trở của con đường hành quân: có đoạn lên cao chót vót, có đoạn xuống dốc thăm thẳm, có đoan khúc khuỷu. Núi rừng miền Tây hiểm trở, trùng điệp; núi cao tưởng đến chạm mây, mây nổi thành cồn heo hút. Trong đoạn thơ xuất hiện một hình ảnh rất lạ: “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Đó là cách nói đùa vui, hóm hỉnh, phóng đại: người lính trèo lên những ngọn núi cao dường như đi trong mây, cây súng gần với trời cao, mũi súng như đang ngửi trời. Với cách nói này, hình ảnh người lính Tây Tiến vụt lớn lên trên cái nền của núi rừng hùng vĩ.
   Rừng núi miền Tây hoang dã, dữ dội:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
  Những thác nước đổ từ núi cao xuống đang “gầm thét” được đặt trong bối cảnh không gian, thời gian của rừng núi âm thầm lúc chiều tối, cùng với những động từ, tính từ rất mạnh và gợi (oai linh, gầm thét . . .) làm cho thác nước như có sức mạnh linh thiêng, huyền bí. Hình ảnh những con cọp lang thang trong rừng đêm, coi mình là chúa tể càng làm cho núi rừng miền Tây thêm phần bí hiểm, ghê rợn. Mô tả núi rừng miền Tây hiểm trở, hoang dại, dữ dội là để tô đậm sự gian khổ trên đường hành quân, rồi qua đó mà biểu dương tinh thấn anh dũng, can trường của chiến binh Tây Tiến. Sống, chiến đấu, đứng vững trên một địa bàn như vậy đã là anh hùng rồi.
  Miền Tây không chỉ có gian khổ, hoang dại, dữ  dội làm cho con người hãi hùng. Rừng núi miền Tây còn có vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình làm đắm say lòng chiến binh Tây Tiến. Quang Dũng là một nhà thơ, nhưng cũng là một nghệ sĩ tài hoa. Chỉ bằng đôi ba nét chấm phá đơn sơ, Quang Dũng đã vẽ lên một bức tranh đầy sức gợi cảm:
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
  Đang trèo đèo, vượt dốc đang đi trên những sườn núi khúc khuỷu, cheo leo, đột nhiên hiện lên trước mắt người chiến binh Tây Tiến một thung lũng trải dài êm đềm ; nhìn về phía Pha Luông thấy đây đó rải rác, thấp thoáng những nếp nhà sàn  . . . Tất cả đẹp gấp bội, trở nên mơ màng, huyền ảo khi được ngắm nhìn qua màn mưa núi mịt mờ. Câu thơ bình thanh (toàn thanh bằng)  diễn tả trạng thái chơi vơi, bâng khuâng của người vừa xuống dốc và đi trong thung lũng bằng phẳng. Câu thơ vẽ lên một bức tranh lụa mịn màng, mờ ảo, đầy quyến rũ.
  Quang Dũng kí họa cảnh sinh hoạt thắm tình quân dân khi đoàn chiến binh Tây Tiến về bản:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
  Bức tranh thật nên thơ, cảnh tượng thật đầm ấm. Sau bao nhiêu gian khổ băng rừng, vượt núi, trèo đèo, đoàn quân Tây Tiến tạm dừng chân, được nghỉ ngơi ở một bản nào đó, quây quần bên những nồi cơm đang lên khói. Khói cơm vương vấn và hương cơm nếp ngày mùa thoảng thơm như xua tan mệt nhọc. Hình ảnh ấy gợi cho người lính Tây Tiến nhớ những bữa cơm thân mật, đầm ấm, những cuộc gặp gỡ đồng bào thắm thiết tình nghĩa quân dân. Một kỉ niệm êm đềm, cảm động được tác giả gửi vào một giọng thơ êm ái, trìu mến với một câu thơ chỉ có một thanh trắc, còn lại là thanh bằng: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
  Trong khi vẽ bức tranh về cảnh núi rừng xa xôi, hiểm trở, dữ dội, hoang dại có đôi nét trữ tình thắm thiết Quang Dũng nhớ đến đồng đội một thuở đã gắn bó, chia ngọt sẻ bùi trong gian khổ, thiếu thốn:
“- Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường lát hoa về trong đêm hơi
“- Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
  Cuộc hành quân chiến đấu bảo vệ biên giới giữa núi rừng miền Tây thật gian nan, vất vả. Những hiểm trở của dốc cao vực thẳm, chốn rừng thiêng nước độc, đầy hiểm nguy rình rập, sự dãi dầu của của mưa nắng bệnh tật . . . thử thách ý chí của người chiến binh. Nhà thơ không khoa rương tính cách anh hùng, không nói đến “bách chiến bách thắng”, Quang Dũng đưa vào thơ những chi tiết chân thực:đoàn chiến binh Tây Tiến  có lúc hiện lên với hình dáng “đoàn quân mỏi”, thấp thoáng trong màn sương lạnh lẽo ở bản Sài Khao. Có những chiến binh “dãi dầu không bước nữa”, “gục lên súng mũ’ và thầm lặng hy sinh “bỏ quên đời”. “Bỏ quên đời” là một cách nói giảm, để bớt đi phần thê lương, ảm đạm và tăng thêm tính chất cao cả cho sự hi sinh thầm lặng. Biết bao người lính Tây Tiến đã lặng lẽ hi sinh trong cuộc trường chinh gian khổ này. Sống và chiến đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bệnh sốt rét rừng hoành hành, người lính Tây Tiến anh hùng ngay trong sự hi sinh thầm lặng ấy.Nói về những đồng chí của mình đã mãi mãi nằm xuống mảnh đất xa xôi, những lời thơ của Quang Dũng thật giản dị nhưng chứa đựng những tình cảm chân thành. Những hình ảnh đặc sắc đầy sáng tạo đã làm bài thơ sống mãi và rung động tâm hồn bạn đọc bao thế hệ.
  Quang Dũng dành tám dòng thơ tiếp theo (khổ thơ thứ hai) để tô đậm vẻ đẹp tâm hồn của người chiến binh Tây Tiến. Tây Tiến là một cuộc trường chinh vô cùng gian khổ. Từ núi cao, vực thẳm đến gió núi mưa ngàn, rừng thiêng nước độc; từ sự dãi dầu thân xác đến bệnh tật nơi lam sơn chướng khí . . . tất cả đều ghê gớm, lạ lùng, vượt lên tầm cỡ những cái thường ngày vẫn có. Người chiến binh Tây Tiến  trong hoàn cảnh ấy cũng tiều tụy.
Nhưng vượt lên mọi gian khổ tâm hồn người lính Tây Tiến vẫn  đầy chất lãng mạn và không phôi pha đi cái dáng vẻ của người nghệ sĩ hào hoa. Sau những chặng đường hành quân gian khổ với những “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, với “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, cái còn lại không phải là cảm giác chán nản, rã rời. Rất hồn nhiên, những người lính có tâm hồn nghệ sĩ ấy đã hòa nhập vào vào sinh hoạt bình dị mà đầy chất thơ của  nhân dân  trên những nẻo đường hành quân. Không có chất nghệ sĩ bẩm sinh của chàng trai đất Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ không có những giờ phút tâm hồn thăng hoa theo tiếng khèn, theo những vũ điệu của của những đêm hội đuốc hoa:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệp nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
  Chỉ một chữ “bừng” trong câu thơ “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” mà nói lên được cả một cảm xúc dào dạt, phấn chấn. Đâu chỉ là ánh sáng của ngọn lửa hồng lên, mà đó là sự bừng sáng trong tâm hồn, là niềm vui rạng rỡ trong đêm hội đuốc hoa. “Hội đuốc hoa” là cách nói để làm đẹp những đêm đốt lửa rừng liên hoan văn nghệ trong doanh trại.. Trong ánh lửa của đêm hội đuốc hoa, các chàng chiến binh Tây Tiến đang hòa niềm vui với đồng bào nơi mình đóng quân. Có cô sơn nữ nào trong xiêm áo lộng lẫy đang chuẩn bị vào vũ hội ? Từ “kìa” trong câu thơ “Kìa em xiêm áo tự bao giờ” bộc lộ cả một niềm thích thú, một tiếng trầm trồ ngưỡng mộ trước một vẻ đẹp đầy quyến rũ. Đôi mắt đa tình của chàng chiến binh dõi theo dáng điệu của “nàng e ấp” và lắng nghe âm nhạc của xứ lạ, hồn bay bổng theo thơ và nhạc về miền xa xôi “Nhạc về Viên Chă xây hồn thơ”. Người chiến binh đã ra đi chiến đấu với một tâm hồn nghệ sĩ. Họ cầm súng chiến đấu là do hoàn cảnh không thể khác được, còn về bản chất, họ thật sự là nghệ sĩ. Anh hùng mà nghệ sĩ, gian khổ mà vẫn hào hoa, đó là những nét cơ bản trong tính cách trong con người Việt Nam mà những chàng trai Hà Nội mang trong mình rất đậm. Phút chốc bao nhiêu gian khổ, nhọc nhằn dọc đường hành quân được gột sạch để chỉ còn tràn ngập trong hồn người chiến binh Tây Tiến niềm bâng khuâng xao xuyến và những rung động đầy chất thơ.
  Bức tranh trong tâm tưởng Quang Dũng đầy sức biểu hiện, bố cục hài hòa, có nết mờ, nét đậm, mảng tối mảng sáng, có gần có xa, có động, có tĩnh . . . và quan trọng, mọi vật đều như có linh hồn:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
  Bức tranh chiều sương Châu Mộc rất gợi cảm, đọng mãi trong tâm hồn và rung lên bao nỗi niềm. Quang Dũng như muốn gọi ai đó cùng chia sẻ nỗi đắm say trước một vẻ đẹp. Vẻ đẹp ấy chưa ai đặt tên, nay Quang Dũng gọi nó là “chiều sương Châu Mộc”. Cái nền của bức tranh là màn sương núi mịt mờ lúc chiều buông xuống “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy”. Màn sương lãng đãng lại hòa vào ngàn lau san sát bên triền sông, trên sườn núi. Hoa lau trắng xóa lả tả bay theo gió chiều làm nên vẻ đẹp đơn sơ mà lộng lẫy. Cái tài của nhà thơ là không dùng “ngàn lau” mà lại dùng “hồn lau”. Chỉ đổi có một từ mà làm thay đổi cả hồn thơ, và làm cho bức tranh sinh động hẳn lên. Lau sậy không còn vô tri vô cảm nữa, nó như có linh hồn, nó thành hồn riêng cho buổi chiều sương Châu Mộc. Trên cái nền huyền ảo của sương và lau trắng nổi bật lên dáng người lom khom trên con thuyền độc mộc. Nét đậm ấy tạo nên sự chuyển động trên cái nền im lặng. Con thuyền với dáng người lom khom đang lướt đi trên thượng nguồn càng gợi thêm vẻ xa vắng trong không gian của bức tranh. Đó là tất cả những nét được ngắm nhìn từ xa. Gần hơn là những bông hoa rừng đang đong đưa, tạo thêm một nét đẹp cho bức tranh: “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Tác giả không viết “đung đưa”, vì “đung đưa”  chỉ gợi lên chuyển động cơ học có tính chất vật lí; còn “đong đưa” gợi bao nhiêu tình tứ, tạo nên một vẻ đẹp duyên dáng. Đến cả bông hoa rừng trên dòng nước lũ cũng không vô tình bởi nó được ngắm nhìn bằng cặp mắt đa tình và mơ mộng của anh lính Tây Tiến.
  Tám dòng thơ đã góp phần tô đậm vẻ đẹp tâm hồn người chiến binh Tây Tiến. Họ ra đi chiến đấu với ý chí quyết tâm, với tinh thần lạc quan và rạng rỡ những niềm vui, những kỷ niệm đẹp về tình quân dân thắm thiết trên mọi nẻo đường hành quân.
  Quang Dũng đã dành khổ thơ thứ ba (tám dòng)  để khắc họa nổi bật chân dung người lính Tây Tiến. Thực ra, cả bài thơ dòng nào cũng lấp lánh sáng lên vẻ đẹp của người chiến binh nhưng đến khổ thơ thứ ba này, chân dung chiến binh Tây Tiến mới thực sự hoàn tất. Trước mắt chúng ta hiện lên hình ảnh những con người anh hùng – nghệ sĩ, can trường mà đa tình, kiểu con người dấn thân trận mạc mà cốt cách vẫn hào hoa:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
  Chi tiết người chiến binh “không mọc tóc”, chân thực mà độc đáo, gợi nhớ những anh “Vệ trọc” hồi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Người lính vệ quốc thuở ấy cắt tóc ngắn ba phân (gọi là “húi cua”) để đảm bảo vệ sinh. Nhưng rồi thời tiết, khí hậu nơi rừng thiêng nước độc và nhất là bệnh sốt rét ác tính đã cướp đi mái tóc tuổi xanh và vẻ đẹp ngoại hình của người lính Tây Tiến. Cái đầu “không mọc tóc” ấy là bằng chứng của sự vất vả, gian khổ mà các chiến binh phải chịu đựng, đồng thời cũng là nét đặc trưng của anh bộ đội Tây Tiến. “Quân xanh màu lá . . .” là một chi tiết chân thực nữa của người chiến binh. Da màu xanh do sốt rét mất hồng cầu và quân phục cũng xanh màu lá . . .Ngoại hình tiều tụy, nhưng không gợi cảm giác yếu ớt vì chiến binh vẫn “dữ oai hùm”. Ba từ này, nếu đứng riêng, mỗi từ đã tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ. Lúc đứng chung với nhau, chúng tạo nên dáng vẻ oai hùng. Chiến binh Tây Tiến vẫn oai phong lẫm liệt mặc dù ngoại hình có phần tiều tụy. Thủ pháp tương phản trong miêu tả được phát huy tối đa làm sáng lên vẻ đẹp tinh thần của người chiến sĩ. Không dấu những gian khổ mà nhà thơ vẫn nói lên được dũng khí của chiến binh. Đưa các chi tiết chân thực  cuộc sống chiến sĩ vào thơ là một thành công của Quang Dũng, mở ra một cách tiếp cận mới cho thơ ca lúc đó. Giọng thơ Quang Dũng có pha cách nói ngang tàng làm nổi bật sự kiêu hùng, tô đậm lòng kiên định, ý chí sắt đá của lính Tây Tiến: “bỏ quên đời”, “không mọc tóc”, “chẳng tiếc đời xanh”, “không hẹn ước”,“chẳng về xuôi”. . . Trong đoạn thơ này lại có sự đối lập đến từng chi tiết: “mắt trừng”, là một hình ảnh rất dữ dội lại đi liền với “gửi mộng”, với “đêm mơ”, với “dáng kiều thơm”:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
  Vẻ đẹp của chiến binh Tây Tiến hiện lên vừa khỏe khoắn, vừ lãng mạn. Những con người rất cứng rắn để đứng vững trên chiến trường gian khổ lại là những chàng trai hào hoa phong nhã, rất nhiều mộng mơ. Xông pha giữa chốn gian nan, chịu đựng bao nhiêu thiếu thốn, vất vả mà vẫn nhớ về Thăng Long đất cũ và nhớ nhất vẫn là những “dáng kiều thơm”. Cái đáng quý trong thơ của Quang Dũng là đã tạo nên dáng vẻ riêng của người lính Thủ đô, rất khác với những người lính gốc nông dân trong thơ của Chính Hữu (“Đồng chí”), hay Hồng Nguyên ( “Nhớ”).
  Mấy câu thơ sau thì giọng thơ đã đượm buồn:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
 Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
  Những câu thơ gợi lên hình ảnh của chiến trường và hình ảnh cái chết. Đây đó dọc đường hành quân miền biên giới phía Tây rải rác những nấm mồ của chiến binh Tây Tiến. Đó là những nấm mồ nơi đất khách quê người: “Mồ viễn xứ”. Thuở ấy viết về chiến tranh không mấy nhà thơ dám viết bạo tay đến thế. Quang Dũng dám đưa vào thơ những hình ảnh thê lương, ảm đạm đến như vậy vì nhà thơ có cách viết riêng của mình, một cách nói xuất phát từ những cảm xúc chân thành của người Đại đội trưởng – thi sĩ thương xót đồng đội đến cháy lòng.. “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” – cách dùng từ rất sáng tạo của nhà thơ làm giảm đi rất nhiều vẻ thê lương, ảm đạm  của những mất mát: không có chiếu để bó, người chiến binh tử trận được liệm bằng chính tấm áo của mình. Tấm áo lính ấy được nhà thơ gọi một cách trân trọng là “áo bào”: “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Ngôn ngữ trân trọng, đượm màu sắc cổ kính làm cho cái chết như được tăng thêm phần linh thiêng, cao cả. Ba từ “anh về đất” được dùng rất sáng tạo, rất “đắt”: chết là về với Đất Mẹ, là sự trở về. Một hành động tựu nghĩa của người chiến binh đã hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước, nay được Đất Nước gọi về, và Mẹ Đất mãi mãi gìn giữ, ôm ấp đứa con trong lòng mình. Với sự hy sinh cao cả như vậy, Quang Dũng đã kết lại đoạn thơ bằng một câu bi tráng:
“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
  Ý thơ và cả âm hưởng câu thơ bi tráng mà không hề bi thảm. Sông mã cùng núi rừng miền Tây, và cả quê hương quặn lòng đưa tiễn anh linh người chiến binh Tây Tiến về nơi an nghỉ cuối cùng trong bản nhạc hùng tráng muôn đời. Khổ thơ kết thúc bằng ý thơ mạnh mẽ hướng về phía trước.
  Bốn câu thơ kết thúc bài thơ Tây Tiến là lời thề mãi mãi gắn bó với Tây Tiến và miền Tây yêu quý của Tổ quốc. Nhịp thơ chậm, giọng thơ trang trọng, bi hùng. Vẻ đẹp của người lính chủ yếu là ở tinh thần chiến đấu, hiến dâng, hy sinh vì Tổ quốc:
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
  Đó là lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Cảm tử quân Hà Nội, đó cũng là lời thề mãi mãi gắn bó với Tây Tiến, với miền Tây thân yêu của Tổ quốc. Biết bao hương hồn chiến binh Tây Tiến còn vương vấn mang nặng lời thề thủy chung son sắt không tan. “mùa xuân ấy”, mùa xuân 1947, Tây Tiến được thành lập và bắt đầu cuộc trường chinh gian khổ anh hùng – sẽ là cái mốc thời gian lịch sử của một thời không trở lại nữa, nhưng tinh thần của Tây Tiến thì bất diệt.

                                                    Hà Nội – ngày 06 tháng 12 năm 2021. ĐTN

Nguồn tin: HNV:

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây