GIÓ ĐƯA CÂY CẢI VỀ TRỜI
Tản văn
Tôi nghiệm thấy, từ cổ chí kim, thường những lời ca, những giai thoại lịch sử...nói về cây cải, bao giờ cũng gọi về những buồn thương, những da diết làm cho ta mơ hồ nhớ tiếc chỉ muốn hồn cây nhập vào mình mà tấu lên những vần thơ - dù vần thơ ấy quê kiểng, hiền lành, vụng dại có vị đăng đắng, cay cay, ngọt lành của loài cây thực phẩm vừa no lòng mát dạ vừa lãng mạn, trữ tình đã bao đời làm nên nỗi nhớ, niềm thương...
Cứ cuối mùa hè, bắt đầu có heo may là chị gái lại rủ tôi gieo hạt cải. Những hạt cải màu nâu sẫm, tròn li ti nhỉnh hơn hạt vừng tí chút, được phơi khô từ hồi cuối xuân, đựng vào một chiếc lọ có nút lá chuối, trên gác bếp được lấy xuống. Chị bảo tôi, lấy chút nước ấm ngâm cho hạt nở ra và hôm sau thì gieo vào luống đất đã chuẩn bị sẵn, tơi xốp, mịn màng như rây bột. Ngày nào tôi cũng ra ngắm cây. Con bé hay tò mò là tôi, mê mẩn gọi những mầm cây bé tí, đội trên đầu những “chiếc mũ” màu nâu li ti ấy là “cải nhi đồng” rồi “cải thiếu niên”. Chẳng mấy chốc, hai chiếc lá tai bé tẹo, tròn xoe, xanh lục trong veo, nhường chỗ cho những chiếc lá dài nõn nà như những bàn tay nhỏ xíu vẫy gió.
Những luống cải xanh ngọt con mắt hồn nhiên uống sương giá, nước mưa, khí trời, cả nước mát từ chiếc ô doa của chị em tôi. Và dường như nó biết nghe cả lời ru em ngái ngủ của mẹ vọng ra từ khung cửa, lời ca da diết nhớ thương ai của chị gái tôi hoà trong tiếng thoi...để rồi, cây cải vụt vươn thành những cô cải, chị cải, bác cải đem lại ấm no, hạnh phúc, vẻ đẹp... và cả niềm đam mê cho con người.
Không hiểu sao, tôi rất thích những phụ nữ tên Cải. Cô Thúy Cải nghệ sĩ Nhân dân của đoàn Quan họ Bắc Ninh xinh giòn duyên dáng càng làm tăng tình cảm của tôi!
Có lẽ vì thế mà tôi luôn có một mặc định: cây cải thì nhất định phải là... “giới nữ”. Thêm nữa, bởi thân cải mềm mại, xinh tươi, hoa hiền lành mà rực sáng, cuốn hút bao ong bướm si tình và giống như người phụ nữ, ngay từ khi sinh ra đã không tiếc thân mình mà tận hiến cho đời tất cả những gì mình có - kể cả chút vị đắng cay.
Ấy là khi cây cải mọc mầm được tầm ba, bốn lá, chị tôi nhổ tỉa bớt những cây yếu, cho thoáng vườn để làm món ghém cải non. Tầm cải lên chừng dăm bảy lá, là có thể “đánh ra” lấy bẹ chuối buộc thành bó, mang bán cho người ta trồng. Ruộng cải, cánh đồng cải bạt ngàn cũng từ đây mà ra.
Cải quê tôi khác hẳn mọi nơi, nó là thuần giống cổ xưa. Từ khi gieo hạt đến hết đời cây, tầm bảy, tám tháng. Trồng cùng nhau, các loại rau khác đã sẵn sàng cho thu hoạch mà cải vẫn... thiếu niên. Chị tôi cười bảo: cải là loài cây ban đầu chậm lớn, nó tựa như cô gái dậy thì muộn, nhưng tương lai thì rất xinh đẹp, nết na. Ai muốn có nàng phải biết chăm sóc, gắn bó và chờ đợi. Rồi chị đọc cho tôi nghe câu ca của người xưa:
“Muốn ăn rau cải cho thanh
Thài lài rau rệu bảnh thành bờ ao”.
Nhà tôi có một mảnh vườn xinh xinh bên bờ Sông Sứ trồng cải. Xung quanh rào bằng dậu tầm xuân chi chit đơm hoa.
Chăm cải là thú vui của chị em tôi. Cây cải non rất dễ thương, lá xoè như những cánh hoa xanh, xinh xắn. Chùng tôi thường “tỉa la chân” cho khỏi “hãm cây”. Mớ rau la non bấy, mềm mại, mang về nấu canh hay luộc. Những ngày cuối thu, đầu đông, cơn gió heo may khô se, làm cho người ta có cảm giác xót ruột. Đánh lờ được mấy con rô, hay bắt được mớ cua đồng ăn màu lúa mà nấu bát canh rau cải thái nhỏ với mắm tép, thêm vài lá gừng tươi, chẳng cần bột canh hay mì chính...Mới chỉ những kể ra thôi, cũng đủ để đánh thức thần khẩu của bao người có tiếng là sành món ăn dân dã.
Bây giờ đang là tháng Chạp ta, cũng là cữ thu hoạch cải. Không nói ngoa, giống cây cải cực kỳ “đại bác” là niềm kiêu hãnh của người làng tôi. Chúng cao tầm bảy, tám mươi phân, thậm chí hàng mét, bẹ to lớn như bốn ngón tay chụm lại, xoà rộng như cái nơm úp cá, có cây nặng sáu bảy cân. Ngồng cải nhu nhú tròn lẳn như cổ tay, đem luộc chấm mắm tép, hay xào tỏi, cắn ngập chân răng, nuốt vào lòng rồi mà vị ngọt ngon vẫn đọng mãi nơi đầu lưỡi, cuối họng. Thân lá còn lại đem rửa sạch, nén cả cây trong chum lớn, ăn đến tận sát mùa hè sang năm, hoạc thái lát, muối xổi, với hành, vàng ươm, thơm nức nở, ăn giòn tan vào dịp Tết cho đỡ ngán thịt đông, cá kho. Khi nhà tát ao, có được con cá chép mà om dưa chua thì thật là... đại tiệc!
Bằng không, dưa chua vắt thật kỹ, chấm mắm cáy, ăn với cơm gạo mùa, hoặc bắt được mẻ cá vụn mà nấu canh dưa với thì là, hành, thêm vài quả cà chua thóc ăn với rau diếp mùa này cũng đâu kém phần... quan trọng ở đời!
Chị em tôi vốn là kẻ ưa ngon miệng, ngon mắt, ngon mơ mộng, nên với cây cải, ngoài sự cung cấp thực phẩm ngon nó còn là niềm khắc khoải chờ mong của chúng tôi mỗi độ xuân về: mùa hoa cải.
Thật ra, hoa cải không sang trọng, kiêu sa như lan, đào, mai, hồng, cúc...nhưng nhìn vào ta lại thấy đắm say. Không cần chậu hay bình cầu kỳ, cải đẹp hồn nhiên, duyên dáng, mặn mòi, mộc mạc, hồn quê. Mỗi mảnh vườn cải đều lưu dấu một màu vàng bừng sáng trong nắng ấm. Đó là sắc màu của sự mê mải, như kéo, như níu người ta. Đẹp dịu dàng như thế, mong manh như thế, hiền lành như thế và chờ mong như thế, nào ai chẳng day dứt khi bước chân đi!
Mỗi buổi ra thăm vườn, nhìn những cô cải xanh non phây phây tháng trước, giờ đây đã trở thành những chị cải với chùm lá màu vàng chanh chững chạc mà lòng xôn xao. Tôi mê mẩn với những ngồng cải thô tháp vươn cao, nhưng nó lại đang nâng đỡ hàng chục nhành, hàng nghìn, hàng vạn cánh hoa vàng tươi, nhỏ nhắn, mỏng tang như cánh bướm, thơm mùi thương nhớ, dập dờn, toả hương hăng hắc, nồng nàn cùng gió mùa Đông Bắc.
Sở dĩ tôi đặt tên mùi của loài hoa này là “mùi thương nhớ” bởi nó có lý do riêng.
Đấy là một sáng mùa đông, cô gái mười bảy tuổi ấy là chị tôi, tiễn một người đi xa. Họ đứng bên vạt cải trổ hoa vàng do chính tay họ chăm bón. Con Sông Sứ hiền lành soi bóng. Bên kia là bờ sông, là cánh bãi dâu xanh ngút ngàn.
- Cải ơi, cải ở lại nhé em, cải đừng sang sông, hãy đợi tôi về...!
Và chiến tranh đã không cho anh giữ được lời hứa.
Nhành hoa cải anh mang trong tim đã mãi mãi cùng anh “về trời” trong nỗi nhớ thương vô hạn đeo đẳng suốt một đời trinh nữ của chị tôi.
Trong một năm, chị chỉ mong sao cho đến mùa đông, người con gái nơi chị ngày ấy, bấy lâu đã thành chị, thành bà. Những buổi chiều muộn, chị thẫn thờ cùng vạt cải ven sông. Những bông cải đẹp hiu hắt buồn. Chị lẩm rẩm đọc lại câu thơ cũ, nhìn cánh bèo đơn côi trôi về nơi vô định, vạt dâu bến sông nay đã xơ xác khác xưa... Một nhành hoa cải rũ xuống chân chị.
Năm nào hoa cải cũng khóc...!
Rồi làng quê thành phố thị, con Sông Sứ được khơi rộng ra để phục vụ tưới tiêu và lấy nước sạch cho nhà máy nước.
Bãi dâu bên sông cũng biến mất, nhường chỗ cho những nhà tầng cao, tầng thấp kín mít, nhấp nhô...
Chỉ còn vạt hoa cải bên này sông là tương phản, bẽ bàng, lạc lõng bị người đời bỏ quên, đến hẹn, hoa lại về cùng chị bên bến sông này...
Và rồi, cách đây vài năm, chị tôi cũng lại mang màu hoa cải về trời. Cũng chẳng có “rau răm” để mà “chịu lời cay đắng”. Tôi cũng theo chồng làm ăn tận xứ xa. Chỉ còn lại mảnh đất trồng cải, bên sông bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm!
Ôi! những cây cải, khi mơn mởn xanh hiền lành, lúc nở hoa vàng dịu dàng, mang vẻ đẹp kín đáo, mộc mạc, thuỷ chung mà không kém phần kiêu hãnh của người con gái quê tôi.
Bây giờ, giống rau cải cay, cho thứ rau ngon và hoa to đẹp ngày xưa của làng tôi, gần như mất giống. Người ta ưa trồng những loại cải, cây nhỏ xíu, gieo thẳng, ngắn ngày, có loại cuộn tròn tựa như rau bắp cải. Cải giống mới, nhập ngoại, năng suất, nhưng ăn ít đậm đà và hoa thưa thớt khẳng khiu. Nhưng bù lại, cải được trồng đại trà, chuyên canh, lấy rau và lấy hạt xuất khẩu chế dầu ăn.
Không ít lần, tôi mời bạn bè về thăm quê giữa mùa hoa cải. Chúng tôi rủ nhau về xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư Thái Bình - nơi có cánh đồng cải đại ngàn ven Sông Hồng.
Những người ngắm cảnh, những thợ săn ảnh, những cặp nam thanh nữ tú, chán chốn đô hội, đua nhau tìm về.
Nhìn em gái mắt trong veo, nụ cười rạng rỡ, áo dài thướt tha tạo dáng trên đồng hoa bồng bềnh như nàng tiên, để “chàng phó nháy” của em quay vi deo, chụp hình mà thấy lòng mình như bay bổng cùng tuổi nụ, tuổi hoa căng mọng hạnh phúc của em.
Gió từ Sông Hồng lồng lộng thổi, mùi hoa nhớ thương đẫm tiếng cười của các cặp trai tài gái sắc, đã làm thức dậy vẻ đẹp đặc trưng của hồn làng ven sông nói riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Chị bạn tôi người Hà Nội gốc không ngớt trầm trồ:
- Cảnh đẹp lãng mạn hơn cả trong phim. Chưa bao giờ thấy cảnh thảm vàng hoa rực rỡ như này...
Tôi mê cây cải đến mức, nhiều khi vẩn vơ, rất hay tọc mạch về những gì liên quan đến nó. Đã có lần, tôi đọc được một giai thoại lich sử về cây cải, rau răm và lời của một bài ca. Tôi không tin lắm vào câu chuyện buồn của Hoàng tử Cải và bà phi tên Răm, trong cuộc trốn chạy quân Tây Sơn ra đảo, thời hậu Nguyễn mà trở thành “nhân vật” chính của bài ca ai oán làm xót lòng của con người bao thế hệ.
Người xưa thực tế, giản dị mà sâu sắc lắm. Nên tôi lại có chút nghiêng sự ủng hộ về một ý kiến nhận định thế này: cải là loại rau chủ lực trong bữa ăn, được trồng hàng vườn, hàng cánh đồng, trong khi răm chỉ được coi như một thứ rau gia vị, được trồng nhiều lắm là một đám con con trong vườn, dùng nhiều lắm cũng chỉ dăm ngọn cho vào bắp cải muối, hoặc một đĩa con đôi ba ngọn ăn kèm trứng vịt lộn. Vì thế mà có câu ca dao như thế nói về sự “phân biệt” đối xử. Cải được lên Trời còn răm suốt đời ở đất...
Và bạn đọc của tôi!
Tôi biết, bạn cũng đang có chính kiến của riêng mình...!
Mùa hoa cải năm nay lại đến, tôi nhớ quê; nhớ chị gái mình; Nhớ mảnh vườn xưa xinh đẹp với vô vàn kỷ niệm buồn vui; Nhớ câu chuyện buồn gắn liền với mùa hoa định mệnh của một kiếp người; Nhớ cánh đồng hoa cải huyền thoại đẹp như tranh ven Sông Hồng; Nhớ những bài khảo cứu, tranh luận về những lời ca... mà bất giác rưng rưng nhẩm đọc câu ca:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
Hà Nội 18- 1- 2022
HOA SƯA
Tản văn
Có bao giờ anh hỏi cây Sưa:
Bằng cách nào mà cả kiếp cây với những cánh tay cành khẳng khiu, gầy guộc đã cho đời thức gỗ quý và những chùm hoa trắng muốt, phảng phất mùi hương con gái trong veo...
Khi mà các loài hoa cao quý như đào như mai, thời kỳ này đã mơ màng theo thơ ca và in vào nỗi nhớ thương thì sưa mới nhã nhặn khoe mình!
Ngàn vạn cánh hoa bé bỏng mềm bông như hoa mây, như hoa sóng, như hoa tuyết nở bồng bềnh giữa khoảng Giêng Hai mưa bụi mờ rắc phấn.
Giữa lòng Hà Nội, không được trồng trong chậu cảnh hay đựng bình sứ, pha lê... hoa sưa bình dị khiêm nhường mà cũng thật kiêu sa.
Cánh đã mỏng, đã trắng lại mong manh và trắng trong hơn khi những sợi gió xuân ve vuốt, đem thoa lên những chút phấn làm bằng hơi ẩm của đất giời, để cánh hoa khẽ khàng rơi tô điểm vào má, vào tóc, vào vai của em gái học trò đang ngửng mặt, xoè tay hứng cánh hoa cùng tà áo dài trắng tinh.
Cánh hoa làm duyên cho đường phố, khiến cho ai đó đi qua không nỡ cho bánh xe lăn đè lên những dấu chân tiên của nàng xuân, mà nhất định phải dừng chân hít hà thưởng thức để rồi sau mấy phút, phải nâng tay ga phóng lấy đà cho kịp giờ làm việc công sở.
Nhớ lần đầu tiên, hai kẻ tỉnh lẻ mình tới Thủ đô, ngỡ ngàng ngơ ngác như thể lạc vào chốn bồng lai thanh sạch và tinh khiết của miền sưa Hà Nội. Mùi hương hoa dịu dàng và màu trắng thánh thiện đã làm cho ta say. Anh lùi ra xa và ngắm em bé nhỏ đang nhắm mắt cùng mái huyền tóc gài vài bông trắng muốt.
Anh có biết em nghĩ gì không - Điều bí mật đã mấy chục năm rồi, em để... dành chưa nói!
Mùa sưa năm nay lại về. Không ai chở nhau đi ngắm sưa bằng xe đạp nữa. Em đi tac xi một mình ra nơi ấy ngắm hoa sưa. Mấy chục năm rồi, con phố có khác đi. Và loài cây có chất gỗ quý tựa trầm hương ấy không khác bao nhiêu. Nó không giống như những loài cây ăn xổi, lớn rõ nhanh, lá rõ to, bóng rõ mát, song thân gỗ đồ sộ mà...non.
Cây sưa “của mình” gửi lời chào em bằng mấy cánh hoa mỏng tang trắng muốt.
Hình như sưa cũng nhớ anh, một cánh sưa trong suốt bay về phương anh đứng ấy, nó dường có ý tìm “người xưa” và không thấy, rồi la đà đậu xuống nơi vai áo nâu em, vào mái tóc đang dần mỏng đi và đốm màu sưa của em nữa.
Dầu không có anh ở đây để ngắm, nhưng em vẫn nhắm mắt...Em nhớ câu nói của ai đó: Ngắm hoa sưa phải ngắm từ xa, khá xa mới thấy hết vẻ đẹp ẩn chứa bên trong.
Có phải sưa là loài được hoá thân từ một người đàn bà giản dị, sáng trong, sâu sắc và mang một vẻ đẹp quyến rũ thần tiên lạ kỳ, phải không anh!
21 - 3 - 2021
Phạm Ngọc Tâm Dung
Xuân 1
Nhởn nhơ chồi biếc với lộc non
Nắng lặn vào trong giọt sương tròn
Lá nõn đa tình - đuôi mắt ướt
Dậy thì - búp nụ óng màu son
Tiếng chim thánh thót trong như nước
Mây trắng ngàn xa thấp thoáng bay
Đất trời thoang thoảng hương con gái
Vũ trụ xuân tình trong mắt say.
Xuân 2
Ta yêu mùa xuân - tình yêu non tơ
Không gian mênh mang sương giăng như mơ
Nao nao nhành cây ru chim đong đưa
Vương vương mưa rơi mầm xanh tương tư
Hoa tươi trinh nguyên hương phong trong vườn
Chàng ong phiêu phiêu tìm nguồn yêu thương.
Mùng 1 tháng Giêng Canh Tý 2020
Trinh trắng mùa sưa
Khi cái rét đã mềm bởi mưa xuân
Một chút nắng son vương hương thương nhớ
Con phố cổ bồng bềnh mùa sưa nở
Bông tuyết trắng tươi giữa xanh lá đam mê.
Chẳng ngại “Cô vi”, hoa đến hẹn lại về
Cánh mỏng trắng tinh, phủ lối mòn nhắn nhủ
Chàng gió ngác ngơ kiếm tìm người năm cũ
Tà áo ai dài, ghẹo gió để ai… say!
Hoa sưa vẫn bồng bềnh phố cổ chiều nay
Hà Nội ơi!
Chưa bao giờ sưa mênh mông trắng vậy
Trắng và đen trong “những điều trông thấy”
Giữa vui buồn... trinh trắng một mùa sưa.
27-2-2020
SƯƠNG
Thật tuyệt!
Không phải mưa hạt mà là mưa... hơi. Như là trò chơi của con gái thần núi. Nữ thần trẻ tuổi đã tán những hạt nước thật nhỏ, mịn màng, bông xốp và dịu dàng, vo lại thành những búi to, búi nhỏ rồi lăn nó trên đỉnh núi bồng bềnh, êm không một tiếng động. Đôi khi lại tựa hồ như một bàn tay khéo léo nhà trời choàng nhẹ nhàng tấm khăn voan mỏng tơ và trong suốt, duyên dáng lên mái tóc xanh của tiên nữ. Tất thảy, đem lại cho ta một thứ ảo giác vừa mong manh vừa dễ chịu, dù biết nắng lên là hết.
Sương!
Trong cái màng nước trăng trắng, nhờ nhờ, mờ mịt của một sớm mai, nhìn nàng thiếu nữ dầm sương. Cặp mắt em vốn đẹp, bây giờ lại có thêm những hạt nước hết sức nhỏ, long lanh như những hạt ngọc, đậu chơi vơi nơi đầu những chiếc lông mi xinh xinh bé tí. Sự huyền ảo do thế mà tăng lên, để mỗi khi cặp mắt “chớp” thì một vài hạt nước lại chập lại và bay ra, nhường chỗ cho những hạt khác thay vào đúng chỗ ban nãy của nó, như một trò chơi thú vị mà thật dễ thương...
Ngắm em và sương, tôi chợt ước mình biết làm thơ... và lại ước, mình biến thành một...hoạ sĩ, để đưa vẻ đẹp này vào những bức hoạ có hồn người, hồn sương, tặng người con gái đáng yêu và...sương!
Sương!
Khi ta đi trong sương, sương không làm ta ướt áo như mưa dầm, mà chỉ làm cho da mặt ta lành lạnh, man mát. Ta nghe đâu đây tiếng nói mơ hồ của đất trời trong ta. Ta thưởng thức cho đã con mắt, tà áo của các người đẹp phơi phới thanh xuân, được sương làm cho nó bó sát hơn, các đường cong của nàng vốn đã cong, giờ đây lại in rõ vẻ đẹp tiềm tàng của sức sống.
Trước mắt ta, kìa, một cặp đôi! Hình như họ đang lạnh, cô gái ép mình vào người đàn ông đang dìu nàng. Đôi trẻ đi vào một “quả sương”, như thể các nhân vật trong truyện cổ tích. “Quả sương” đã bọc trọn họ vào trong lòng của nó, và mang dấu đi đâu...biệt tăm! Rồi sau đó, lại cho họ đột ngột xuất hiện, ở bên kia mé đồi, như một đôi tiên đồng ngọc nữ bước ra từ núi Thiên Thai... Rồi, một chiều buông, ráng chiều phía Tây nhuộm hồng hồng, làn hơi nước như ở cõi tiên cứ bay mênh mang trong vô tận, ta lại gặp đâu đó một bóng người, ẩn hiện trong sương, chơi vơi buồn. Có thể người ấy lấy sương làm bạn?
Chứ sao! Biết đâu lời thì thầm tiễn biệt năm xưa với người tri kỷ, sương vẫn đang lưu giữ trong mình... thì cớ gì, có sương, mà phải cô đơn! Và biết đâu, ở nơi xa xôi nào đó, có ai đang ngắm sương buông, nhớ bạn hiền mà lần giở những tấm ảnh, sương đã găm vào thời gian...
Từ xa, nhìn sương giống như là khói, nên trong thực tế và trong văn chương, người ta đã ghép hai âm tiết này thành từ “khói sương” hay “sương khói” để chỉ khái niệm về một cái gì đó, lãng đãng, mơ hồ. Chả thế mà Hàn Mặc Tử viết:
“Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”
(Đây thôn Vĩ Dạ)
Ở xứ ta, nhiều nơi, hầu như có sương quanh năm, nhưng sương giăng nhiều nhất là cuối thu và đông xuân.
Quê tôi vùng ven biển, tôi nhớ nhất là sương mù tháng Hai. Sương làm cho không khí nhiều độ ẩm, hạt gieo xuống đất khô khốc, cựa mình nảy mầm, cây cối trở nên mượt mà xanh tươi. Lúa đồng làng, cây cà, cây cải...vườn nhà mà có sương thì mơn mởn như gái mười lăm.
Nhưng những đêm rét đậm như đêm qua, sương đêm buốt giá, đồng loã với gió bấc, bao lần, chúng táp bỏng rát da mặt, làm tê cứng nơi bàn chân của mẹ ta, khi người đi cất hàng từ gà gáy tiếng nhất.
Ôi mẹ!
Sương muối làm cho vạt rau cháy sém, đàn gà lăn ra toi...và tiếng thở dài ngao ngán của bà...!
Ngày tôi còn là cô học trò, tôi thích nhất những ngày mù sương. Tôi thường dậy sớm và chạy ù ra ngõ. Có chút mặt trời thì mới rõ sương. Tôi ngửa mặt, dang tay thật rộng để tận hưởng cảm giác mát lạnh. Tôi chạy, sương đuổi theo. Há miệng hít một hơi thật dài, sương “chạy” vào tim phổi, thấm vào người rân rân... Khi mặt trời lên, nhìn ngọn cỏ, lá cây, đôi hạt sương trở nên đẹp diệu kỳ, tựa như bàn tay bà trời khéo léo, đính những hạt kim cương trang điểm cho cỏ cây, lá hoa... để rồi, các tác phẩm nghệ thuật, các bài văn mẫu trong giáo khoa và trong những câu văn vụng dại đầu đời của tuổi học trò, đều in hình hạt sương, như một biểu tượng trong trẻo, đẹp xinh của thiên nhiên thương mến!
Mẹ tôi bảo:
- Sương này là nhiều cá khoai đây.
Tôi nghĩ ngay đến loài cá mềm nhân nhẩn toàn thịt - món quà của biển cả vào mùa sương cho người ta nấu canh cần hay bồng khoai nước.
Nhưng đôi khi, sương cũng... điệu đà và tinh nghịch, làm khổ cho người tham gia giao thông. Lại nhớ, một năm, tôi và nhóm bạn thân, đi du lịch Tây Bắc bằng cái ô tô không mấy... hiện đại của cánh nhà báo nghèo. Đoạn qua Nghĩa Lộ, sương dày như... trong mơ. Xe chúng tôi... chui vào trong một núi... kem sữa xốp bằng sương đặc xịt. Đèn pha soi đường đỏ quạch, leo lét như một đốm lửa đèn dầu hoả thời xưa. Chiếc xe nhích từng mét như thể Hà Nội giờ cao điểm tắc đường. Ngồi trong xe mà... nín thở, chẳng ai dám nói câu nào. Căng thẳng chờ đợi cho đến khi “quả sương” đó “lăn” qua, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng cũng nhiều khi, sương đem lại vẻ đẹp kỳ thú cho những chuyến đi. Sương như một người bạn đồng hành, một “gia chủ” mến khách. Sương nũng nịu quấn quýt lấy bánh xe, làm cho ta có cảm giác xe lăn trên sương, tựa như “Hành Giả” cưỡi mây ra đi từ núi Hoa Quả!
Có lần đi cùng “người ấy” lên đỉnh núi Ba Vì, kẻ không biết làm thơ như tôi mà cũng... dào dạt mà... thơ rằng:
“Anh đưa em lên thăm núi Tản Viên
Sườn dốc cheo leo rừng già bát ngát.
Làn gió núi quyện hương rừng trong mát
Sương bồng bềnh nâng ta đi trong mơ...”
“Trời xanh thắm, lũng trập trùng tán lá
Biển sương mờ lấp loáng bóng Đà Giang...” (Tình Ba Vì)
Và dù chưa ai có... tổng kết chính xác, nhưng chúng ta cũng có thể khẳng định:
Trong việc sáng tác các loại hình nghệ thuật, không tác giả nào không ít nhiều thành công khi viết về sương, đặc biệt là thơ:
Thật vậy! Ta nhớ đến Xuân Diệu với trăng sương:
“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”
(Nhị hồ)
Quang Dũng với sương dày:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
(Tây tiến)
Trần Hữu Thung với sương long lanh trong nắng đẹp:
“Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương treo đầu ngọn cỏ
Sương lại càng long lanh”
(Thăm lúa)
Nguyễn Duy với sương và vẻ đẹp của thiếu nữ Hà Nội:
“Người con gái chợt qua đường
Áo em mong mỏng màn sương núi đồi
Chợt rơi lại một nụ cười
Và…sương rười rượi một trời phía sau”
(Bất chợt)
Và:
“Mắt em trong đến ngây thơ
Trông như nắng giữa mịt mờ sương giăng”
(Mưa trong nắng, nắng trong mưa)...
Sương đón ta từ khi ta nằm trong nôi, ta nghe tiếng mẹ hát ru khúc “sương sa lạnh lùng”, đến khi ta tập viết những bài văn tả cảnh bằng mực tím thơ ngây, rồi khi hạt sương lặn vào ta lúc vui buồn trong lời hát, vần thơ và cả khi ta về với thiên nhiên, cỏ cây thì lẫn vào cùng... sương khói...!
Ta cảm ơn vô vàn tạo hoá, đấng tối cao đã cho chúng ta hiện diện nơi dương thế, với bao đẹp đẽ buồn vui cùng sương và vạn vật thế gian...
Buổi sáng, tôi đứng trên tầng thượng, nhìn xung quanh thành phố bát ngát biển sương giăng trắng xoá một màu. Chẳng phân biệt được Hồ Tây mênh mông với đường sá đầy người, xe cộ. Nhà cao tầng, với những ô cửa kính lung linh sắc màu, cũng giống như nhà cấp bốn mái tôn cửa cài tránh gió...
Tôi trộm nghĩ: có một cái gì như là sự công bằng, trong mỗi buổi sương giăng, khi sương làm mờ đi, tước đi quyền lực của những lớn bé, thấp cao, sang hèn, rộng hẹp...!
5 tháng Giêng năm Canh Tý
TẢN MẠN VỀ NGÔ
Ngay từ khi còn bé tý, trẻ em xứ ta đã được các cô bảo mẫu, dạy cho thuộc lòng bài thơ giông giống bài đồng dao – “Cây ngô”
“Cây ngô là mẹ
Bắp ngô là con
Thân mẹ gầy còm
Thân con béo chắc
Mỗi cây mấy bắp
Hạt căng mẩy tròn
Dồn sức nuôi con
Mẹ đâu dám tiếc”
Bài thơ thật hay về cây ngô, một loại cây thuộc họ ngũ cốc, ở Việt Nam, đã bao đời cùng lúa gạo, sắn, khoai,... là nguồn lương thực chủ lực, nuôi sống con người.
Thân ngô dong dỏng cao, lá hình kiếm, dài, có thể trồng quanh năm, từ Bắc chí Nam. Thời vụ thuận lợi nhất là mùa xuân và thu. Khi cây trỗ cờ, nhiệt độ không quá 35 độ là vừa đủ. Có thể xen canh ngô với các hoa màu khác. Ngô hợp với tất cả các loại đất. Từ khi nảy mầm đến khi thu hoạch thường trên dưới 70 ngày. Khi còn đương thì, lá mỡ màng, mượt mà, xanh mềm xanh mại. Mỗi trận gió đùa, tiếng lá dịu dàng, xôn xao hiền lành chứ không xao xác, sắc gọn như nghe trong vườn mía lá reo.
Mùa xuân hay mùa thu, đi bộ trên đê sông Hồng, đặc biệt là đi tàu hay thuyền trên sông, ngắm những vạt ngô con gái hây hẩy lá, không chỉ mát con mắt mà dạ kẻ đa tình, xốn xang chỉ muốn... làm thơ...
Rồi lại ước có... ai đó kế bên, nắm tay mình như thuở còn... đeo cặp cói, cùng lao từ triền đê xuống vạt ngô, chui rõ sâu vào vườn ngô ven sông. Lá cũng đa tình mà... quơ “cánh tay” xanh, vuốt ve, va chạm. Phả hơi mát rượi vào da, vào tóc...
Ta nghe tiếng của sông, khi khúc khích, lúc rì rào với đôi bờ, với vạt ngô non và cả với... riêng ta, để ta nghe thẳm sâu nơi lòng mình khúc trào dâng, trong trẻo, khát khao...
Và kia! Đâu đó bên nách lá, là một đôi bầu bắp, xanh nõn nà, nhu nhú, trinh nguyên, với một dúm râu vàng ươm như những búp tơ của con tằm khổng lồ nào đó chui vào làm tổ.
Thoang thoảng đâu đây một mùi thơm như sữa mẹ đang phả vào làn môi của bé khi ẵm ngửa, cho ta cảm xúc hạnh phúc, cảm xúc của niềm vui no đủ, ngọt ngào mà bình dị thân thương. Rồi bất giác, ta đưa tay vuốt nhè nhẹ “búp tơ” non nõn và mềm mướt mát lạnh kia, ta lại có một liên hệ ngay tới lời thơ như đồng dao của cô bảo mẫu, liên hệ đến nhúm tóc mềm như tơ và vàng hoe của bé, liên hệ đến nhịp đung đưa của võng mẹ dập dìu, đưa em vào giấc ngủ khi em quấy nũng, giống như thân ngô mẹ khẽ khàng cùng gió mát lành ru con chờ trông sự mọng mẩy, no tròn, cho mùa này và cho muôn mùa sau... Ngày mai kia, khi đàn con mập mạp tròn trịa bao nhiêu thì cây mẹ lại xác xơ tàn tạ bấy nhiêu.Vài cọng lá vàng khô cứng và tiếng ru xạc xào khản đục mỗi chiều sương buông - Ấy là khi các bà mẹ cực kỳ hạnh phúc vì đã làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng muôn đời của tạo hoá...!
Tuy cùng mẹ sinh ra nhưng lũ con nhà ngô đôi đứa lại... không chịu giống ai. Thay vì sự tròn xinh “đều như hạt bắp” thì “nó” lại cứ non mãi, thưa thớt một đôi hạt như thể bị... sún răng. Hay đôi bắp lố nhố hạt to xen hạt nhỏ, trắng chẳng ra trắng, vàng chẳng ra vàng khấp khểnh như thể hàm răng xâu xấu trong truyện ngắn của nhà văn tài hoa Nam Cao... Thì ra, ông giời sinh ra muôn loài, cỏ cây, hoa lá và con người đều có sự hài hoà tương đồng và ít nhiều, vẫn có những lỗi “lập trình” tạo nên những số phận thiệt thòi...
Ngẫm nghĩ về những “đứa trẻ ngô”, ta lại có ngay một liên hệ. Và chắc hẳn, lúc này đây, một khát khao lâu nay, bị gánh nặng áo cơm nhấn chìm giờ lại nổi lên, đó là... Bạn nhỉ! Bạn có giống tôi không? Khi tôi nói rằng tôi đang ước ao, ngay bây giờ đây, vị thần tuổi trẻ hiện ra và cho ta “chiếc vé trở về tuổi thơ”. Về với lũ trẻ mục đồng bạn ta, mỗi chiều đông giá. Chiều chăn trâu, cắt cỏ, vừa đói vừa thèm mà rủ nhau bẻ trộm ngô nhà bà Lâm, những “kẻ đạo chích” trốn ra tít cánh đồng, vơ rạ nướng ăn. Gió đồng Gòi thì to, lửa thì bốc, hạt ngô thơm mà nào đã kịp chín đâu. Cả lũ năm đứa chia nhau hai bắp, miệng và mặt mũi, đầu tóc đầy tràn tro. Cười nhăn nhở như một... lũ hề... Chán chê, bẻ cờ ngô chơi trận giả. Xót ruột, buồn mồm thì bẻ thân ngô làm... “mía” để nhai. Bà Lâm quát om sòm, doạ mách bố mẹ. Anh Cu Dũng đứng ra nhận tội, bị bố đánh đòn mà tịnh vô không khóc... Sau mấy vụ mất trộm, cuối cùng bà Lâm cũng thu hoạch ngô. Đó là... ngày hội của bọn trẻ chúng tôi. Đứa nào cũng tranh thủ... cảm tình để bà cho tham gia. Cho đến bây giờ, tôi chưa thấy ai trồng ngô giỏi như bà Lâm. Theo bà, ông giời sinh ra cây ngô mang... hai “giới tính”, hoa ngô phất cờ bên trên là “chồng” và bắp ngô nơi nách lá là “vợ”. Mùa yêu đương, sinh sản, hoa nở bung ngàn ngạt, gió trời đóng vai “ông tơ bà nguyệt” đem phấn hoa màu vàng tinh khiết mà rắc vào nhúm lông tơ vàng ươm mềm và âm ẩm như rêu. Để đàn đàn, lũ lũ con nhà ngô là những hạt tròn xinh thơm tho, bùi ngọt hoài thai dần trong bụng bắp, tiếp tục trưởng thành và kế tục sứ mệnh của nhà ngô! Do am tường như thế, nên mỗi vạt ngô, bà trồng một loại “thuần chủng” riêng, nhưng mà không hề bị “lai” giống. Bởi vì bà trồng xen kẽ và khéo léo bố trí thời điểm hoa “phất cờ” vào thời khắc... lệch nhau. Thành ra vườn không rộng mà “có nếp có tẻ”. Những bắp ngô nếp, mặc áo màu xanh cốm, hạt đều tăm tắp và trắng bóng nõn nà, xinh như hàm răng ngọc, răng ngà của người đẹp, lấp lánh sau nét cười duyên. Loại ngô này, dẻo và thơm phưng phức, để luộc, nướng ăn chơi, làm quà biếu hay phơi để dành làm xôi lúa... Loại ngô tẻ, thân to, thô, phàm ăn chứ không mảnh mai như chị tiểu thư ngô nếp. Loại này cho bắp to, màu vàng mật, hạt hơi thô và kém mùi thơm. Ngô tẻ năng suất và dùng khi giáp hạt đói kém ăn cho no lòng, chắc dạ mà cày cấy, gánh gồng. Chủ yếu là nấu rượu và chăn nuôi... Ngô thu về từng thúng, bà buộc từng túm và phơi lên sào cho chóng khô và tránh chuột bọ. Nhưng kiểu gì cũng khao chúng tôi một bữa ra trò. Nồi ngô luộc thơm mùi cơm nếp, bà còn chẻ thêm vài tấm mía vườn cho ngọt thơm nức nở.
Bà Lâm còn có một kho truyện cổ tích trong bụng. Chuyện rằng ngô là loại cây quý mà một con chim thần đã ban cho cậu bé tên là A Ưng (Ngô) - khi cậu đi tìm thức ăn trong rừng, để cứu mẹ đang đói lả và bệnh tật, nhưng mệt quá thiếp đi. Bao đời, người ta lấy tên người con hiếu thảo để đặt tên cho loài cây cứu và nuôi sống con người.
Tôi dám cam đoan với bạn rằng không có món sơn hào hải vị nào ngon ngọt, thơm bùi , bổ béo và tuyệt vời như khi được nghe bà Lâm kể chuyện, bên nồi ngô luộc đang nghi ngút khói. Để rồi, bao năm nay “lũ trẻ” ngày ấy, cứ có dịp gặp lại nhau, ngoài chuyện vợ chồng, con cái, công việc... không bao giờ lại không nhắc đến... nồi ngô của bà Lâm...
Người vùng cao, canh tác được rất ít lúa, nguồn lương thực chủ yếu là ngô. Trên sườn dốc cao cheo leo thăm thẳm, trong khe các tảng đá trắng bạc khô cứng là những cây ngô bé nhỏ nhưng dẻo dai và mướt xanh, kiên cường cùng sương trời, gió núi mà góp phần làm cho bữa ăn hàng ngày của bà con vùng cao ấm dạ no lòng. Bát ngô bung nâng bước em thơ tới trường, thoa hồng đôi má nàng sơn cước đang vẳng nghe điệu khèn gọi bạn trên nương... Rượu ngô men lá cất bằng nước suối Ngàn, để cho sau phiên chợ tình cô vợ người Hà Nhì bế anh chồng vắt qua lưng ngựa mà ngất ngưởng về bản. Ngô đã đi vào thơ ca gắn liền với những người mẹ lao động cần cù, tần tảo:
“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”
(Tố Hữu)
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/ Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”
(Nguyễn Khoa Điềm).
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Trúc Thông khi nhớ về mẹ mình lại viết:
“Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió, người không thấy về”
(Bờ sông vẫn gió)
Trong bài thơ “Sáng tháng Năm” nhà thơ Tố Hữu viết:
“Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn…”
Nhưng cũng phải nói rằng, không phải lúc nào, cây lương thực này cũng... lãng mạn đến thế! Nhớ ngày bao cấp, tôi đi xếp hàng mua gạo từ ba giờ sáng, để con ở nhà, đứa lớn trông đứa bé, đến lượt mình thì kho hết gạo. Chị mậu dịch viên tuyên bố khô khốc:
-Chỉ còn ngô, có ai mua không!
-Đã phải đi vay gạo hai ngày rồi. Hôm nay vay đâu? Đứa con trai lớn háu ăn. Mình cũng phải cho đứa bé bú và đi làm bã người ra! Chờ đến bao giờ!
Đâu đây, tiếng thơ dài ngao ngán, chị đứng bên, mắt đỏ hoe, xót xa kể lể đận đứa con gái bị bệnh đường ruột... Tôi không muốn kể nữa, vì bạn cũng sẽ tưởng tượng ra, lũ cần lao chúng ta ngày ấy xoay xở và chịu đựng ra sao với số ngô răng ngựa và những đữa con gầy guộc bé bỏng cùng gánh nặng toan lo...
Nhưng bạn tôi ơi! Thời đất nước sau chiến tranh, còn nghèo, “Có méo mó hơn không!” Bạn hãy nghĩ hộ xem, chúng ta và lũ con ta sẽ thế nào khi không có mớ bo bo, ngô răng ngựa và mỳ (có mọt)? Thế mới thấm, hạt ngô đã cùng ta chia sẻ nghĩa tình khi buồn, khi vui! Mới thấy, bây giơ chẳng mấy ai đói phải ăn độn ngô nữa, nhưng cây ngô thanh cao và bắp ngô thơm ngọt, hạt ngô thơm giòn vẫn là tri kỷ với loài người.
Tôi đọc đâu đó bài viết về giá trị dinh dưỡng của ngô có khi còn vượt xa cả gạo và mỳ. Là nguồn dưỡng chất cao và độc đáo cho người và gia súc...
Lên Hà Giang, mà không thưởng thức vài chén rượu ngô với thắng cố, mua một vài can về xuôi làm quà; lên lễ Đền Hùng Phú Thọ mà không thưởng thức mấy cặp bánh ngô thì không gọi là người sành ăn Xứ Bắc.
Lại nhớ ngày “lũ nhóc” của tôi còn be bé, con bé út của tôi thường thức dậy, khi tiếng rao “Xôi nào” của cô hàng xinh xinh người làng Thượng. Thế nào cháu cũng sấp ngửa dậy và cầm vài nghìn bạc lẻ ra, xuýt xoa với món “xôi lúa” nóng hổi thơm phức hành mỡ mà... mồm ăn, mắt... cũng ăn!
Ôi! Một thời của các con tôi!
bà.a củ rơm Cũng như, những tối đông giá rét, ngồi trong phòng ấm vừa xem ti vi vừa rấm rích túi bắp rang bơ, vừa nhớ ngày mẹ ta thổi hồng bếp củi, mẻ ngô giòn tan thơm phức, cho cha nhâm nhi chén rượu và chị em ta chui vào nhai rúc rích nơi ổ
Thời nay, ngô đã “lên đời”. Họ hàng, anh em nhà ngô đã xuất hiện trong các gói “bột ngũ cốc” sang trọng dành cho trẻ em và người suy dinh dưỡng được bày trong tủ kính của các cửa hàng sang trọng, nơi siêu thị, xuất khẩu đi nước ngoài lấy đô la, xuất hiện nơi quầy giải khát bổ dưỡng với cốc sữa ngô đặc sánh thơm lừng, trên bàn nhậu đưa cay có món ngô chiên, món xào thập cẩm bắt mắt giòn ngậy không thể thiếu ngô bao tử.
Về Hà Nội, mỗi chiều muộn hay đêm đông qua phố, ta lại được... bổ túc hương vị ngô nướng mà cánh mũi cứ liên tiếp phập phồng khi một chị trung trung tuổi, má hồng rực vì lửa than đang tươi cười gói gói mấy bắp ngô vàng sậm như mật ong trao cho cặp trai thanh, gái lịch dừng xe, mắt long lanh hạnh phúc. Biết đâu, những bắp ngô thơm nức, thơm nở kia sẽ đánh dấu một kỷ niệm đẹp về tình yêu đầu đời trong sáng của các em! Và biết đâu, “nó” sẽ là “nhân vật trữ tình” trong những vần thơ tình hay nhất!
Nhưng một điều có thật, đó là ít nhiều, bạn cũng cùng tôi có sự chia sẻ cảm xúc trong tản mạn về ngô quê kiểng,thô vụng này!
23- 12-2019
MÙA ĐÔNG HÀ NỘI
Tản văn
Tiếng người phát tin nhà bay báo cho hành khách biết về sự kết thúc của chuyến bay Sài Gòn- Hà Nội. Cửa máy bay đã mở. Khác hẳn với cái nắng gay gắt đến nhức hết cả đầu, làm người ta phải mau chóng chui vào trong nhà chờ cho mát tại sân bay Tân Sơn Nhất; ở sân bay Hà Nội, sương dày đặc, gió lạnh ào ạt thổi từ xứ Bắc xa xăm lồng lộn, tuôn trào. Mấy nàng thanh nữ Sài Gòn lần đầu ra Hà Nội, khẽ so đôi vai trần và nhìn quanh quất với vẻ ngạc nhiên. Người cha quê gốc Bắc, nhưng sống ở Sài Gòn đã lâu, dường như có kinh nghiệm hơn, anh mở nhanh ba lô lấy chiếc áo ấm, khoác lên người bé trai còn đang ngơ ngác, lạ lùng và liên tục..."phỏng vấn" ba nó. Anh lại lấy tấm khăn, khoác lên vai cũng để trần của người vợ yêu gốc Sài Gòn, đang nhìn ảnh, mỉm cười ý nghĩa và có phần thú vị.
-Ba ơi! Quê nội... mát ba nhỉ, con... con thích...!
- Rồi sẽ có lúc con... không thích mà coi!
Trong nhà chờ, khách về và người đi đón thật đông đúc. Người ta ôm chầm lấy nhau, cầm tay nhau, tặng hoa nhau mừng tủi và đặc biệt người ta ôm trên tay những khăn, áo phao, giày ấm đã chuẩn bị trao cho người thân khi cập cảng hàng không Hà Nội.
Trước mắt tôi, một cô gái, khoác lùng thùng lên mình tấm áo và khăn ... đàn ông, trông thật ngộ nghĩnh, dễ thương, đang khoác tay một chàng trai đầu trần, áo cộc tay cười mãn nguyện.
Nếu để ý quan sát cách ăn mặc toàn cảnh, ta mới thấy có sự trải ngược đến khôi hài. Những cô gái Hà Nội với áo măng tô dạ, len, áo bông, lông vũ đủ màu, rồi nào mũ lông, khăn quàng len, giày da cao cổ, ngẩng cao đầu kiêu hãnh, thách đố với giá rét... Ngược lại, các cô gái, chàng trai xứ nóng với váy ngắn, vai trần, quần soọc ... đang cố khép đôi tay trần trắng nõn lại, lùi thật nhanh vào tác xi, mau chóng về nhà, hoặc vào ngay cửa hàng thời trang sân bay mà sắm tạm chiếc áo, khăn ấm để cùng hòa vào dòng người đông đúc của Hà Nội phố phường.
Có một người bạn thân chia sẻ với tôi:
- Tôi thích Hà Nội với ba mươi sáu phố phường mang tên gọi dân gian Hàng Đào, Hàng Rươi, Hàng Mắm...; với Lăng Bác Hồ linh nghiêm nơi Ba Đình lịch sử; với Cầu Long Biên cổ kính và kiêu hãnh; với những nét xưa Hà Nội gói ghém trong hình ảnh của một cụ già đọc sách bên bờ Hồ Hoàn Kiếm; với bà gánh hàng rong bên bức tường xây rêu phong; với con ngõ nhỏ và những tấm cánh cửa bạc thếch tháng năm; với những quán Phở Thìn, Phở Cường... nức tiếng Hà thành...
Đặc biệt nhất tôi thích mùa đông Hà Nội; với mùa cây thay lá; với cái lạnh heo may hun hút gió Tây Hồ; với muôn hồng nghìn tía trong trang phục của người Hà Nội đón rét; với món ẩm thực bốc khói thơm ngào ngạt nóng hổi thú vị nơi phố cổ!
Thuở còn tuổi đi làm, đã có những thời kỳ tôi bàn với nhà tôi chuyện chuyển gia đình vào Sài Gòn để sinh sống. Vào đó cũng tiện cho công việc cơ quan, cho sức khỏe và kinh doanh cho cả nhà. Thậm chí, tôi đã mua hẳn một ngôi nhà xinh xắn với đủ tiện nghi cho dự định đó. Tôi được rất nhiều đồng nghiệp và người thân ủng hộ. Rồi một năm, tôi quyết định ở lại Sài Gòn ăn Tết thử. Tôi từng mơ màng với cảnh: "Trời Sài Gòn trong xanh như quyến rũ, thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam". Tháng mười hai âm lịch, khi thích thú những buổi chiều, bên bờ sông Sài Gòn rộng mênh mông, hơi nước mát lạnh, ngắm những đoàn xuồng ghe xuôi ngược, những mảng lục bình bát ngát trôi ra biển... khi ngồi trong phòng máy lạnh nghe nhạc, thưởng thức một cốc sinh tố trái cây, hay một trái dừa ngọt mát Bến Tre... kể cũng là quá thú vị. Đêm về, cả thành phố rực rỡ ánh đèn. Càng về khuya, phố xá càng sôi động, những tháng mùa đông, giáp tết nguyên đán, tôi không thể chịu nổi nỗi nhớ thương Hà Nội. Đi đâu cũng nghe những đồng hương than phiền vì cái nóng... trái mùa nơi Phương Nam và muôn vàn nỗi nhớ …
Ôi xứ Bắc - Nơi những cơn gió thoảng qua da thịt ngọt ngào, gợi trở về những quen thân từ mùa đông năm trước; nơi những cánh đồng mùa đông khô mộc, thoáng như thể người ta cố tình dọn đi, lấy chỗ cho gió về, hanh hao quạt đất ải khô giòn, trắng lốp. Nơi những vườn quất, đào Quảng An trĩu quả như vườn tiên. Nơi những người phụ nữ quàng khăn kín mít bán hoa cúc Họa mi bên hè phố nhỏ. Nơi đang chờ ta một bữa cơm canh nóng và cả sự biếng lười nhàn tản trong tấm chăn ấm áp...
Có ai đó ví Hà Nội là một người phụ nữ, hơn thế là người phụ nữ đẹp và thật duyên. Ở nàng, có một sự dịu dàng như mơ, lãng mạn và quyến rũ như thơ.
Ấy là khi cởi bỏ tấm áo ồn ã mưu sinh, bụi bặm, xô bồ... của một ngày dài, nàng trở về một cô gái giản dị, mộc mạc, thanh khiết, tinh khôi - khoảnh khắc Hà Nội chìm trong màn đêm đông mượt như nhung.
Có anh bạn quả quyết với tôi rằng: Anh đã từng đặt chân đến nhiều thành phố lớn trên thế giới và thành phố lớn nước ta, nhưng duy chỉ có thành phố Hà Nội là ... biết ngủ.
Khi đầu hôm và xẩm tối, cái lạnh căm căm khiến cho người ta không dưng mà thèm mùi thơm nồng nàn của ngô khoai nướng. Có nhà sai trẻ xuống lầu làm một bọc lên, người lớn, trẻ con rí rủm rì rum.
Trên đường có một người đàn ông, đi làm về muộn, đêm đông giá lạnh mà anh vẫn cảm thấy ấm áp bởi tấm áo len và đôi găng tay, người đàn bà hiền thục của anh đã gửi lửa tình yêu vào đó trong từng mũi kim. Từ trái tim rạo rực nơi anh, rung lên âm thanh lời ca:
" Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm lối ta về..."
Đêm, về khuya, những hàng cây bên đường nghỉ ngơi trong ánh vàng sáng của các ngọn đèn đường. Những đốm vàng in trên mặt đất như những giọt nắng. Đường vắng người qua lại, người ta có cảm giác như được trở về với cảnh góc phố ngày xưa: yên lành, tĩnh lặng và mộng mơ...
Trong khuya lạnh, cả thành phố ngủ ngon, chỉ lác đác có vài bác lao công gom rác, các anh công an làm nhiệm vụ và đôi người đi làm đêm.
Nếu bạn cùng thức đêm với Hà Nội, mà làm một cuốc tản bộ nơi phố cổ, bạn cứ việc một mình "làm chủ" cả con phố. Bạn có thể tha hồ mà ngắm nghía những ngôi nhà cổ, những con đường ngóc ngách cũ kỹ... mà ban ngày, hàng hóa bày biện kín mít, bạn chẳng bao giờ nhận ra. Rồi tiện chân, bạn tạt vào quán Phở Cường 23 Hàng Muối, hay 49 Bát Đàn... mà gọi một bát phở nóng, thưởng thức cùng nhóm người có thói quen ẩm thực ban đêm, điều thú vị đó ít đâu bằng.
Trong hành trình "khám phá" thế nào bạn cũng gặp ai đó, nhiều khi là người nước ngoài tò mò hoặc đam mê tìm hiểu về... nhịp đêm đông Hà Nội, mà làm bạn đồng hành. Bởi điểm nhấn của Hà Nội chính là sự trinh bạch trong đêm vắng.
Đêm lạnh, không gian như thu nhỏ lại, thanh sạch hơn bởi mùi hương của hoa, của lá, của khí giời... Đường phố Hà Nội thoang thoảng một mùi hương nhẹ nhàng lâng lâng khó tả.
Tất cả làm cho những ai đã ở Hà Nội rồi thì mãi mãi không quên và nhớ thương khắc khoải những ngày đông.
Lại nhớ, hôm qua thôi, mình vẫn ở Sài Gòn. Thành phố được mệnh danh là "Hòn Ngọc Viễn Đông" ấy lúc nào cũng sôi động. Người Sài Gòn ban ngày làm việc hay tránh nắng, chỉ ban đêm mới là... thế giới riêng tư... Thì bạn thấy không, khi ai đó nói rằng: Người ta nhớ Hà Nội quay quắt bởi màu xám mùa đông - màu trầm lắng, màu khô hanh, màu bình an và hoài niệm.
Nghe ai đó ca trong băng nhạc lời hát:
"Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa. Cái rét đầu đông khăn em bay trong gió lạnh..."
Đúng rồi, Hà Nội - Nơi quê hương thứ hai; nơi tôi đã sống thời gian gấp nhiều lần thời gian liên tục nơi quê mẹ; nơi có ngôi nhà nho nhỏ bên cạnh Hồ Tây, có người thân yêu, có hàng phố, bạn bè và có... những ...mùa đông!
Chưa ai có thể thống kê, đo đếm hết được ...thú vui, thậm chí là niềm đam mê lựa chọn sắc màu, kiểu dáng... trang phục của người Hà Nội trong mùa đông.
Tôi thì tôi lại chết mê, chết mệt với những phụ nữ Hà Nội và những tấm khăn.
Ôi! Những tấm khăn của người đàn bà Hà Nội mùa đông - thường những tấm khăn đã được những người đàn ông si tình trao tặng. Chúng đã nhiều đời đi vào thơ ca, nhạc hoạ, chúng không chỉ có tác dụng làm cho ấm áp, mà nó còn là một "mảng" thời trang tuyệt diệu, tăng thêm sự duyên dáng, đài các, sang trọng cho người phụ nữ Tràng An chốn Kinh Kỳ.
Ở đầu thế kỷ trước, tấm khăn nhung đen để giúp các người đẹp vấn khăn "vành rế" "vành dây". Tấm khăn vuông bằng vải láng đen huyền, tạo nên những vành khăn mỏ quạ duyên dáng độc đáo với hàm răng đen "nhưng nhức hạt na", áo lai vai mớ ba, mớ bảy của người phụ nữ Việt Nam đã làm tốn không biết bao giấy mực của các văn nhân, thi sĩ.
Rồi sau, những người phụ nữ "tân thời" mang ảnh hưởng của văn hóa, thời trang phương Tây, thì chiếc khăn lụa "Bông bay" màu vàng Hoàng yến, hay màu hồng cánh sen...buông hờ trên mái tóc "phi zê", chiếc nón trắng quai hồng, đôi guốc cao gót... cùng tà áo dài sang trọng (mùa đông có thể khoác ngoài một tấm áo len đan khéo màu trắng, màu hồng) ...đã làm nên biểu tượng nền nã sang trọng, của người phụ nữ Thủ Đô.
Sang thế kỷ hai mốt và những năm gần đây, mùa đông, vào dịp Tết, trở thành niềm rạo rực mua sắm và trưng diện thời trang của người Hà Nội nói riêng và Miền Bắc nói chung đặc biệt là thế giới chị em.
Giữa tiết hanh hao khô ráo, cái rét ngọt ngào, trừ một vài người có làn da yếu sức đề kháng khô và nứt nẻ, phải thoa kem, còn phần đa, gió rét dường như làm căng mọng và rực hồng má của các cô gái.
Tôi mải mê ngắm những người con gái đi bộ trong phố cổ. Chiếc mũ len thật xinh, đường đan thật khéo đội hững hờ như chiếc vương miện, đặt hơi nghiêng, trên đầu em.
Chiếc khăn dài quấn một vòng lòng lẻo trên cổ bay bay theo nhịp lộp cộp của tiếng đế giầy xinh xinh chạm đất. Chiếc áo khoác cổ lông mềm mại rất hợp với chiếc ví nhỏ xinh xinh.
Mùi hương thoảng thoảng của thì con gái trẻ trung pha chút nước hoa nhẹ nhàng quyến rũ lan ra như thể thôi miên những... khách đa tình.
Em hòa vào dòng người cũng sang trọng, lịch lãm và kín đáo như em.
Tôi dám chắc, đây là hình ảnh mơ ước của bao cô gái đang sống cùng cái nóng nung người, đến nỗi bưng bịt kiểu gì thì da cũng rám nắng.
Tuy nhiên, không phải bao giờ mùa đông Hà Nội cũng lãng mạn đáng yêu như thế.
Có những ngày gió bấc và mưa phùn, cả không gian chìm trong màu xám ngoét và tê buốt. Các nhà khoa học giải thích rằng: do khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao, khiến cho mùa đông Hà Nội có cái giá buốt đặc biệt như kim châm.
Người đi đường dù mặc thật ấm và mang bao tay da, nhưng rồi vẫn tê cóng. Sương và mưa lạnh làm cho người ta càng có cảm giác như mình càng bé nhỏ trước cái khắc nghiệt bao la. Cái rét độc rét hại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người, gia cầm và cây trái.
Thế nhưng, cái rét đặc biệt đó đã thành một đặc sản của Hà Nội, làm cho người ta cảm nhận được rất rõ rệt khác biệt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu Đông.
Ai đã ở Hà Nội thì mãi mãi không quên và nhớ thương khắc khoải những ngày mùa đông giá lạnh. Cái lạnh đem đến cho người ta cơ hội trưng diện thời trang. Vì cái lạnh giá của đất trời khiến người ta gần gũi nhau hơn, đem đến hơi ấm tình người cho nhau. Vì cái lạnh mà người ta nhớ nhau nhiều hơn.
Cùng với nhịp sống hiện đại, Hà Nội đang lớn lên từng ngày với hừng hực sức trẻ, với những tòa cao ốc chọc trời, với hệ thống giao thông được ưu tiên đầu tư lớn mạnh. Trong rất nhiều biến đổi, thật may, Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn những mùa đông.
Hà Nội 10/12/2020
TD
CÚC HỌA MI HÀ NỘI
Tản văn
Tháng Mười một, sáng ra, trên con phố nhỏ Nghi Tàm, Lạc Long Quân và các cửa ngõ Thủ đô, cúc họa mi cứ bồng bềnh trôi vào phố. Sự có mặt của những bông hoa nhỏ nhắn và trắng muốt như tuyết, như sương ấy làm cho thời khắc chuyển mùa của Hà Nội có vẻ đẹp lãng mạn, cổ kính, dịu dàng.
Bên Hồ Tây, một em gái xinh xắn đang tạo dáng bên những đóa cúc họa mi đồng nội cùng mây nước. Dường như vẻ đẹp lạ lùng của những cánh hoa mỏng tang, trong suốt làm cho tuổi mười tám của em tôi cũng không khỏi e thẹn.
Cái tên cúc họa mi gắn với nhiều câu chuyện khá thú vị. Cúc họa mi còn có tên là daisy, bởi luôn nở bừng trong ánh mắt sáng ban mai và khép cánh khi chiều buông. Trong tiếng Pháp, hoa cúc này được gọi là Marguerite. Nhà vua St.Louis đã khắc hình hoa cúc họa mi cùng với hoa diên vĩ và thánh giá trên chiếc nhẫn của ông. Theo lời nhà vua, chiếc nhẫn này tượng trưng cho những gì ông yêu quý nhất, đó là: Tôn giáo, nước Pháp và vợ ông – người phụ nữ mang tên Marguerite. Song, với tôi, tôi lại có mặc định riêng cho tên gọi cho loài hoa nhỏ nhắn, xinh tươi này: đó là sự trùng trên một loài chim có giọng hót thật hay mà hình dáng bề ngoài thật khiêm tốn!
Những cây nấm màu săc lòe loẹt, những con cá sặc sỡ... thường hay chứa nhiều độc tố. Phải chăng, những gì tinh túy nhất, đều được dấu kín trong cái vỏ bề ngoài hết sức bình dị của nó chăng!
Những cành hoa gầy guộc, mong manh khiêm nhường làm cho ta nhận ra: đã bắt đầu của một mùa đông. Nó đánh thức cánh đồng sau vụ gặt đang mê ngủ. Nó làm cho những người vốn không thích mùa đông, nhưng con tim cứ dại dột mà trao cho cúc hoạ mi, để loài hoa dễ thương ngọt ngào ấy dẫn dụ ta đi cùng đi hết mùa đông này sang mùa đông khác của cuộc đời.
Nhà tôi may mắn ở gần xứ hoa Quảng Bá, Nghi Tàm. Mùa họa mi năm nào tôi cũng cùng bạn bè về với cánh đồng hoa hoạ my bát ngát ven Sông Hồng.
Khi ta có một nhành hoạ mi, một bó lớn hoạ mi mà ôm trên tay, mà cắm trong bình, tưởng đã là hạnh phúc, nhưng khi ta đứng trước cả một cánh đồng mênh mông hoạ mi, hạnh phúc đó nâng lên đến nhường nào.
Ta cúi xuống, nương nương nhành hoạ mi còn đẫm sương mai, ta đếm, có loài 12 cánh, có loài 24 cánh. Những bông hoa quá bé, ôm búp nhụy căng tròn, cánh hoa bung kiêu hãnh, chẳng còn gì để e ấp.
Có thể nơi mặt đất vùi lấp, họa mi đang cố gắng giấu một nỗi buồn kín đáo, chẳng hạn như một con sâu, một chiếc rễ bị thui...nhưng trước cơn gió lạnh, “nàng” bỗng một lần bừng lên trong niềm vui tỏa sáng.
Gió Sông Hồng vẫn cứ lồng lộng thổi, những nhánh hoa theo gió mà đung đưa, nhún nhẩy. Bông hoa nhỏ bé mà không mong manh, rung cả những cành gầy guộc mà không cúi đầu.
Hoạ Mi kiêu hãnh trước gió!
Cứ thế, từng bông trắng nhỏ như níu bước chân ta. Tôi đã đọc ở đâu đó, có ai ví: cúc họa mi là hiện thân của cô gái Hà Nội; nhẹ nhàng, trắng muốt, mong manh, luôn bẽn lẽn khi gió đông về. Mỗi mùa hoa chỉ nở trong vòng một tháng, từ giữa tháng Mười một đến trung tuần tháng Mười hai. Khi người ta đang mê, đang say, cũng là lúc mùa hoa kết thúc. Lại phải hẹn thôi. Sang năm, đúng ngày này!
Ở Hà Nội, mùa này, từ các bà mẹ đến các cô gái, chàng trai ai cũng mê mẩn với cúc họa mi.
Bởi vẻ đẹp dịu dàng, trong trắng tinh khôi làm cho lòng ta dịu lại, hay điều gì đẹp đẽ đang đợi chờ ta ở phía trước con đường...
Tôi được biết, có những người đang sống ở phương Nam đầy gió và nắng, một buổi chiều bỗng nhớ nôn nao mùa cây thay lá đường Phan Đình Phùng, nhớ những chiếc xe, những gánh hàng rong bồng bềnh hoa cúc họa mi, nhớ màu trắng tuyết làm mềm không gian các chợ lớn, chợ nhỏ và cả ngóc ngách lối đi; Nhớ hình ảnh người đàn ông trung niên dừng xe bên đường, chọn cho người vợ yêu một bó cúc họa mi đẹp nhất chỉ với giá năm mươi nghìn đồng mà mua được nụ cười rạng rỡ trong mắt người tri kỷ...ngàn đời của anh...! mà cấp tập mua ngay vé để trở về Hà Nội.
Hà Nội đẹp lung linh với những đêm hoa đăng.
Hà Nội nguy nga lộng lẫy với những ngôi nhà cao tầng, những công trình hiện đại thế kỷ
Hà Nội với những đóa họa mi kiêu hãnh trước gió, chỉ nở một lần trong đời rồi vĩnh viễn cho phép mùa đông băng giá tràn về.
22 -11 – 2020
BẠN TÔI - NGƯỜI ĐÀN BÀ LÀM THƠ
Tùy bút
Có một lần, tôi được người bạn thân trao cho một tâp thơ của một người lạ, có cái tên thật sáng sủa: Ánh Tuyết.
Tôi vô tình mở một trang và bắt gặp bài thơ “Lời rau răm” thế này:
Tôi mãi lở để người bồi
Cho đầy nhận khuyết một đời đắng cay
Bão giông bầm dập thân gầy
Muốn yêu chả được một ngày yên thân
Chợ đời mỏi gánh chồn chân
Vẫn long đong vẫn lênh đênh phận mình...
Bài thơ nói về nỗi niềm của người đàn bà, đọc lên làm cho ta muốn khóc. Rồi tôi quên cả người bạn đang ngồi kế bên, tôi quay mặt đi chỗ khác và đọc một lèo hết tập thơ.
Thì ra, những nỗi khổ đau đã kéo những người đàn bà lại gần nhau. Và tôi đã tìm Ánh Tuyết, kết thân với em từ khi đó.
Với Ánh Tuyết, thật sự, tôi không mấy quan tâm em là " nhà gì", bởi bao năm nay, em hiện hữu trong tôi như một người cùng cảnh ngộ, một người em, một người bạn vong niên mà khi vui, tôi gọi điện ba hoa, khoe toáng lên, khi buồn tôi chỉ muốn bắt xe về ngay Thái Bình, ôm lấy em mà khóc.
Nói như thế, không có nghĩa là “hai đứa” có vẻ...giống nhau!
Ánh Tuyết là một phụ nữ xinh đẹp theo lối khỏe khoắn, tươi giòn, bởi hai má lúc nào cũng rực rỡ, căng mọng, cặp mắt " lá khoai" hút hồn và nụ cười “không chê vào đâu được”. Cộng với sự thông minh, nhanh nhạy, nghĩa tình, đã nói là làm, đã làm là thành công.
Chúng tôi, tuy cùng quê, nhưng sống và làm việc ở hai địa bàn khác nhau, nên những buổi sinh hoạt cùng nhóm “Chúng tôi yêu nghệ thuật” Hà Nội; Hàng chục năm nay, một năm mấy bận, cùng các văn nghệ sĩ đàn anh: Vũ Nho, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đình Bắc, Hoàng Kim Bảo, Hồng Ngát, (hầu như, ai cũng có bài viết giới thiệu thơ Ánh Tuyết, đăng tải trên các tờ báo lớn chính thống); Đặc biệt là những chuyến đi du lịch xa cùng nhóm bạn bè... là cơ hội vàng để tôi hiểu thêm nhiều về em.
Tôi hoàn cảnh khó khăn, đông con đông cháu, công việc nội trợ của người đàn bà thật khó dứt ra chút nhàn rỗi cho mình, nhưng những chuyến đi có Ánh Tuyết là không thể không có tôi.
Còn nhớ, hồi đầu những năm 2010 - 2015, chúng tôi thật hăng hái. Một năm ít ra cũng giành vài ba chuyến đi cho cả nhóm. Trưởng đoàn của chúng tôi là Đại tá Lê Như Hải. Hải rất điển trai, thông minh, năng động, vui tính và tốt bụng, người gốc Bắc, sống và công tác tại Khánh Hòa. Nhà báo Đức Viên kiêm chân tài xế xuất sắc, nhiếp ảnh gia... đi nhiều, biết rộng, hoạt bát và luôn là “trưởng ban xung kích” của đoàn. Rồi nhà báo Phi Hải, bác sĩ Minh Thuận và cả con trai của tôi, cháu Phạm Hải Triều cũng hay theo tháp tùng đoàn.
Trên các nẻo đường từ Bắc vào Nam, ra biển đảo, xuống đồng bằng sông Cửu Long, ra Miền Tây, Cà Mau, Tây Nguyên, rồi vòng lên Tây Bắc... Ánh Tuyết luôn giữ vai trò “trung tâm vũ trụ”, em không chỉ gắn kết giữa chúng tôi - những người trong đoàn và cả những người bạn mới quen bằng... thơ.
Chúng tôi còn bày ra cái trò “bình thơ xuyên tạc” của các “nhà thô bỉ học” tự phong. Nghĩa là “chọn” những câu thơ xuất sắc của nhà thơ Ánh Tuyết, rồi...thô tục hóa nó đi, thi nhau “bình”. Tất cả đứng về một “phe” và đẩy Ánh Tuyết ra riêng một “phe”. “Sức mạnh của tập thể” chúng tôi, nhiều khi làm cho “khổ chủ” dở cười...dở mếu, và chúng tôi thì ...vỡ cả bụng.
Rồi chúng tôi mở cuộc “thi” sáng tác ứng khẩu, nhưng khoản này thì dù cả nhóm ba bốn người “canh ty” cũng không địch nổi Ánh Tuyết bởi nàng ứng khẩu nhanh ... như gió!
Trước mỗi chuyến đi xa, ngoài những chuẩn bị tư trang cá nhân, bao giờ nàng thơ cũng mang Theo một hộp carton to những sách là sách.
Những nơi đoàn ghé qua, phần lớn là các đơn vị biên phòng và món quà của chúng tôi là chè Thái Nguyên hảo hạng của Đức Viên cùng tác phẩm và trình diễn thơ của Ánh Tuyết.
Khỏi phải nói, bạn đọc cũng tưởng tượng ra,
Những bài thơ như “Mùa xuân người lính”... đã được trình đọc ở các đồn biên phòng: Đất Mũi Cà Mau, đảo Bình Ba Khánh Hoà trong tiếng sóng biển, đồn biên phòng Tùng Vài, Lũng Cú Hà Giang...trong màn tuyết rơi trắng xoá, có chiến sĩ rưng rưng nước mắt như thế nào, khi nghe Ánh Tuyết đọc thơ.
Chúng tôi xin trích ra đây bài thơ đặc biệt nghĩa tình này:
MÙA XUÂN NGƯỜI LÍNH
Anh hẹn mang mùa xuân cho em
Năm nay em về quê ăn tết
Em đã ngóng trông từ đầu tháng Chạp
Cành bích đào sốt ruột...bật mầm lên
Cả vầng trăng cũng mòn mỏi sáng mỗi đêm
Em làm tóc,mua giày chọn áo
Sắm cho anh bộ cánh thật tưom!
Đào đã trổ bông trăng đã qua rằm
Những cặp tình nhân chở nhau đi sắm tết
Mùa xuân đã về...còn anh lỡ hẹn...
Những bản làng xa cần đón tết bình yên...
Em hiểu rồi.em không trách dẫu rất buồn
Khi đã đem lòng yêu thương người lính.
Em ...biết đợi chờ biết quen với cô đơn...
Em gửi mùa xuân cho anh...ơi người lính biên cương.
Lần khác, trên đảo Bình Ba, cả hội trường im phăng phắc, rồi tiếng pháo tay nổ như sấm, lính ta nhào lên công kênh, làm cho nữ thi sĩ mướt mồ hôi và nghẹt thở. Nàng thơ mỏi tay lưu chữ ký, lưu số điện thoại, trả lời các câu hỏi... Thậm chí, khi ra về gần đến phòng nghỉ, vẫn có một chàng lính trẻ bẽn lẽn, nói thật nhỏ vào tai nhà thơ. Sau mới biết, người cha trẻ tuổi muốn nhà thơ “cho” một bài thơ tình tặng vợ mới sinh thằng cu. Mỗi lần như thế, nét mặt Đại tá trưởng đoàn Lê Như Hải lại dãn ra. Hẳn anh rất tự hào về người bạn của mình.
Ngoài những phút giây ồn ào, náo nhiệt kẻ trao tặng, người đón nhận chốn “ba quân”, trên đường đi hàng mấy chục ngày dài, trên những trạm nghỉ chân, những đêm xa nhà, ngồi bên tách trà ấm, cạnh nhau, mỗi người đều có thật nhiều tâm trạng... Và khi đó, những câu chuyện về đời thật, những sâu thẳm riêng tư bị tích tụ từ lâu, cháy âm ỉ, đôi khi tưởng đã nguội tắt, nay bỗng bùng lên.
Đàn bà đẹp mà tài hoa, thường hay như thế!
Ai bảo ông giời sinh em!
Ai bảo ông giời bắt em làm thơ!
Ai bảo những vần thơ của em xuyên thấu trái tim người ta, để người ta ngày nhớ đêm thương!
Mà em thì trốn chạy để cố giữ cho mình, cho con, cho tất cả...!
Ai bảo em nhân hậu cho lắm vào, khi viết cả những vần thơ bi hài tặng cho... “Người tình của chồng” cơ!
Và ai bảo rằng, nếu cuộc đời không đen bạc, thì em chỉ cố làm cho được cái phận sự của người nội tướng trong gia đình!
Ôi! Những vần thơ từ trái tim của người đàn bà đa đoan nơi Ánh Tuyết!
Có lần, nhìn thấy những đốm hoa gạo bừng cháy bên sông, nàng thơ đọc những câu thơ tâm trạng không phải chỉ viết riêng cho loài hoa gạo:
Hoa gạo ơi! Đừng kiêu hãnh đỏ bời bời như thế
Cả gan châm lửa đốt trời
Trời ở cao xa lắm
Lại rơi cháy mình đấy thôi
Có một cái gì đó, kiêu hãnh mà xa xót!
Trong tình yêu, dẫu không hồng phúc thì con người cũng phải luôn giữ lấy lòng tin, để biết mình tồn tại trong sự cân bằng tâm lý.
Có ở đâu, bắt gặp một “nụ cười” chua xót thế này không!
Duyên em đổi lấy nụ cười
Là em nhường để làm người thứ ba
(Người thứ ba)
Khi trái tim đã trao đi rồi, một lúc nào đó chợt ngộ ra, biết là mình đã trao nhầm thì cũng đành vậy thôi!
Đành sống thật với mình và không hề hận thù ai sất:
Sao người trốn chạy tình yêu
Bỏ nhau lại giữa bao nhiêu phũ phàng
Đã từng nguyện ước đá vàng
Bỗng dưng người nỡ cắt ngang lời thề"
(Sông khát)
Trong đoàn chúng tôi, ai cũng thích được chia sẻ nỗi buồn trong thơ Ánh Tuyết.
Buồn mà không vật vã, bi lụy, vẫn làm chủ được mình. Buồn để mà thêm yêu cuộc sống, để mà thấy được giá trị của tình yêu.
Có lẽ điều chúng tôi thú vị nhất là mảng này.
Và phải nói ngay rằng: Ánh Tuyết là người biết yêu và sành yêu.
Từ tình yêu với người mẹ hiền từ, nhân hậu, người cha vắng bóng khi em còn hoài thai đến tình yêu quê hương, cánh đồng làng, chùm hoa Phượng, hình ảnh mẹ, bà mẹ Việt Nam, anh chiến sĩ, người con gái quê và mối tình đẹp, người đàn bà đơn côi, người đàn ông đầu đời... Và cả người đàn ông không mấy thủy chung:
Vô cùng thương mến tháng ba ơi
Đồng làng mỡ màng non tơ quá
Lúa dậy thì bầng bầng hớn hở
Ngọn thài lài mơn mởn sức xuân
(Tháng Ba thương mến)
Bảy lăm gió trở về chiều
Thình lình mẹ ốm quạnh hiu một mình
(Gửi về nguồn)
Đêm ở quê, đàn bà yêu chồng nồng nàn hơn người thành phố
(Đêm ngủ ở làng)
Tủi vì duyên thẹn với lòng
Tình đem bỏ chợ còn hòng chi nhau
Yêu chẳng được, cho thì đau
Để ra cơ sự Thị Mầu trái ngang
(Thị Mầu)
Người ngoan ở với người gian
Dẫu hiền như bụt cũng tan nát lòng
(Lời của Tấm)
Người hèn nói mấy cũng hèn
Người ngoan chịu muộn chịu phiền vẫn ngoan
(Chuyện cùng em gái)
Thoang thoảng thôi, đừng thêm nữa hương nồng
Giữ yên mặt hồ cho trăng tròn đáy nước
Ngỡ là dưng, chẳng thể nào dưng được
Nghiêng phía nào cũng nhoi nhói ...một niềm dưng!
(Gửi người dưng)
Chúng tôi không phải là những người có nhiều kiến văn, nên không dám bàn nhiều đến chuyện giá trị nghệ thuật văn chương, mà chỉ khiêm tốn chép ra đây những vần thơ yêu thích, những suy nghĩ be bé của mình, với tư cách những người bạn gần gũi thân thiết, những độc giả, yêu mến người bạn gái làm thơ dễ thương cùng những vần thơ của nàng mà hầu hết anh chị em trong nhóm du lịch "Ta ba lô" đã thuộc lòng như...ca dao!
1 - 11 - 2020