Phạm Thị Phương Thảo
ĐÁ BIÊN CƯƠNG
Trên những cánh rừng xạc xào biên giới
Cây cỏ vẫn mướt xanh
Chỉ những nấm mộ vô danh
Vẫn lặng im đứng đó !
Trong muôn ngàn cơn gió
Thổi buốt tháng năm
Đá che chắn từ nơi hang sâu
Đá hiên ngang không chịu cúi đầu !
Vị Xuyên
Yên Minh
Trà Lĩnh
Mường Khương
Bát Xát
Đồng Đăng
Cao Lộc...
Những cái tên rớm máu !
Dòng sông đỏ ngầu máu từ miền biên viễn
Nơi con sông Hồng quặn thắt chảy về xuôi
Tháng 2 năm 1979 mãi còn nhắc nhớ khôn nguôi
Hoa mộc miên mùa mùa rực đỏ !
Hoa sim nở tím đồi biên giới
Những ánh mắt đầy vơi
Và những bước chân ai vẫn miệt mài ngày đêm đi tìm đồng đội !
Tháng 2 năm 1979 mãi còn nhắc nhớ
Máu đã chảy và lửa đã cháy
Suốt một dải biên cương nóng bỏng
Đất nước tôi !
Họ đã sống giản dị, đã hy sinh tuổi trẻ
Bảo vệ Tổ quốc mình
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Những người con anh dũng !
Đá tạc vào hồn người
Suốt một dải biên cương hùng vĩ
Những cánh rừng kỳ vĩ
Xanh mãi trong sương mù !
Trong biển mây
Lô xô đàn ngựa đá
Hí vang trời suốt tự ngàn thu !

Hoàng Gia Cương
VẾT SẸO CHƯA LIỀN
Thời gian vun vút qua nhanh
Vết thương rồi cũng biến thành vệt chai !
Đêm đêm ghìm tiếng thở dài
Tìm đâu bạn cũ lạc ngoài gió sương ?!
ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI
Tháng 7 có ngày 27
Tổ Quốc dành riêng ngày ấy
Cho đồng đội chúng tôi
Mấy chục năm rồi
Anh nằm nơi đâu góc rừng khe suối ?
Âm hưởng bấy nay
Vẫn chiến trường lửa khói
Mùi đạn bom còn khét đến bây giờ
Giấc ngủ dài
Chưa hết nửa giấc mơ
Nên phải gửi vào đất
Gửi vào cây
Gửi vào gió mây
Phiêu du lang thang
Tìm ai ngóng đợi !
Thăm thẳm núi rừng
Đêm sâu vời vợi
Trăng hạ tuần hiu hắt tầng không
Đồng đội về rồi, đêm nay rất đông
Lại ầm vang ca hát
Như ngày xưa dậy khúc quân hành
Ngày mai 27
Sẽ hương hoa ngào ngạt
Lời lời châu ngọc
Văn hoa mỹ từ thống thiết
Thành kính nghiêng đầu
Dào dạt điếu văn…
Đồng đội tôi
Giờ vẫn ở đâu ? khói bay ngậm ngùi tâm tưởng !
Định Ngọ
VẾT CHÂN TRÒN
Đường quê lõm vết chân tròn
Bao năm gót nạng cũng mòn vẹt đi
Biên cương cỏ đã xanh rì
Một chân gửi lại, nấm thì vô danh
Máu nào là máu chẳng tanh
Xương nào trải khắp ngọn ngành núi sông
Thương bao Tô Thị chờ chồng
Lưng còng tựa bóng mẹ trông con về
Chiến chinh xao xác làng quê
Nghe tiền tuyến gọi đâu nề tử sinh
Ngày về chẳng vẹn dáng hình
Chỉ mong đời trọn nghĩa tình... là vui
Tôi đi tìm mộ chân tôi
Kẻo mai nằm xuống chưa thôi...chân tròn !
7/ 2022

Lan Phiến
DÒNG LỆ KHÔN CẦM
Nhà tôi nhà bạn liền sân
Tuổi thơ mắt buồn mất mẹ
Bạn học để biết chữ thôi
Cùng cha, chăm ba em nhỏ
Mười hai đã thành thợ dệt
Lớn lên da trắng tóc dài
Gặp thời chiến tranh tàn khốc
Bạn còn chưa kịp yêu ai
Hôm nay được tin bạn mất
Biết bạn chẳng tiếc gì đâu
Thương bao trai làng chống Mỹ
Để lỡ biết bao nhịp cầu
Một đời ra vào khung cửi
Chữ yêu hẹn ở kiếp sau
Chắc bạn nhiều đêm khó ngủ
Bạn giấu nỗi buồn, niềm đau … !
Bạn tôi tóc dài da trắng
Chiến tranh giết chết tuổi xuân
Hôm nay hàng mi bạn khép
Lòng tôi dòng lệ khôn cầm …. !
( Làng La Khê, Hà Đông 2/2014)
Trà Mi
NGƯỜI THƯƠNG BINH TRUYỀN LỬA
Một chân anh gửi lại
Nơi chiến trường xa xôi
Cánh tay phải gãy rời
Trong một lần bắt cướp.
Tay trái giờ tập viết
Khuôn chữ tròn khó ghê
Cơm ăn xúc bằng thìa
Cứ lóng nga lóng ngóng.
Ngắm anh mải mê viết
Nắn nót từng nét hoa
Đẹp như một bài ca
Tuổi thanh xuân dâng hiến.
Trở về tuổi hoa niên
Dáng chữ hoa rồng bay
Người thương binh truyền lửa
Trái tim bừng mê say.
Duy Nguyên
TRONG THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
Những giọt nắng long lanh trên mầm cỏ
Đã bao lâu rồi vẫn mãi thanh tân
Gió quấn quýt hân hoan trong thành cổ
Đồng đội tôi đây lồng lộng mây ngàn
Khẽ khàng thôi, cứ hồn nhiên thuở trước
Mỗi nhịp đi vọng tiếng gọi ngày nào
Mầm xanh cỏ rực ngời theo chân bước
Nắng lặn vào tôi, tim dồn đập xôn xao
Đồng đội đón tôi, mấy chục năm trở lại
Ký ức trẻ trung, tóc phủ trắng màu mây
Âm dương giao hoà, nắng gió xanh thành cổ
Về với ngày xưa, lính tráng, kệ bom bầy
Nụ cười chúng mình đã đi vào lịch sử
Bao nhiêu đạn bom và cái chết thua rồi
Ta hoá thân đã trở thành bất tử
Nắng-gió-đất-trời - xương máu đồng đội tôi…
( 9.7.2022- Đi qua miền nhớ)

Vũ Thị Minh Thu
TAM GIÁC MẠCH ĐÁ !
Viết ở nghĩa trang Vị Xuyên
Những cánh trắng , cánh hồng nứt ra từ đá
Mang mùi hương thanh khiết của rừng
Bừng sáng trong sương, tỏ mờ trong mây
Ai đã say trong hương bay?
"Con đường hạnh phúc" tôi đi mang màu hoa của đá
Mong manh, mong manh mà sức sống diệu kỳ
Những con người sinh ra từ đá nói gì với tôi hôm nay?
Ở cuối mỗi hàng bia tôi đã thấy những cánh hoa bằng đá
Những phiến đá màu hồng, những cánh hoa màu hồng đặc quánh
Máu các anh hoà vào màu hồng của đá, màu hồng của hoa và màu đen nứt ra từ kẽ núi
Có màu xanh dịu êm của dòng sông
Gối đầu vào đá, tắm trong dòng Nho Quế mát xanh
Các anh ngủ một giấc dài sau cuộc chiến.
Những phiến đá có tên và những phiến đá không tên
Đứng hiên ngang!
Tôi nhìn thấy cả những hòn vọng phu mang hình hoa đá...
... Không còn chiến tranh
Còn mãi các anh - những bông Tam - Giác - Mạch - Đá giữa đời.

Lê Thanh Hùng
Bên suối cạn ở nghĩa trang Trường Sơn
Lặng lẽ, khói sương mờ lặng lẽ
Người thương binh đi cuối đoàn tham quan
Tiếng gậy sắt gượng rung nhè nhẹ
Gõ nhịp đi ... trên thềm xi măng
*
Trời không có gió, sao chợt rung cây lá
Như chào các anh, về đất thánh của Binh đoàn
Từ đồi Bến Tắt đã xuôi đi trăm ngã
Mặt trận kéo dài, như vết dầu loang ...
*
Tiếng gậy sắt gõ lơi, khập khiễng rê qua hàng bia mộ
Khắc khoải tìm trong khu đồng hương
Dật dờ nắng, trong bóng chiều loang lổ
Chập chờn rơi một ký ức bi thương
*
Dõi mắt xa xa, đăm đắm phía đầu nguồn sông Thạch Hãn
Lắng nghe tiếng bàn chân đã mất của mình
Bước lạo xạo dưới lung sâu, lội qua dòng suối cạn
Mây trắng bay trên đầu, lớp lớp đinh ninh
*
Dòng suối cạn thì không có sóng
Khói hương bay, mờ tỏ những mộ bia
Cũng “Xin đừng che khuất nỗi bần hàn của những cựu binh còn đang sống”(*)
Nghe quá khứ nối tương lai, bắt đầu từ hiện tại, không thể chia lìa ...
_______
(*) Ý của Đặng Đình Nguyên
Lê Minh Tý
Hãy yên lòng cha nhé
Kính tặng hương hồn Liệt sĩ: LÊ VĂN KHẮC
Khi cha hi sinh con còn nhỏ quá
Chỉ nghe mẹ kể:
Địch hun lửa rơm ngạt khói cả hầm
Tay vò nắm đất gồng mình giãy giụa
Giọt lệ trào mi chối chan chỗ nằm
Chẳng thấy cha đâu khi con đã lớn
Nhưng còn hơi ấm
cùng vân tay lằn trên chiếc bút máy bắc- ke( Peker)
Ở nơi ấy cha hãy yên lòng nhé
Luôn có người vợ goá lặng lẽ hằng đêm
Và những đứa con gọi cha khe khẽ
Làn hương gầy quẩn quanh di ảnh
đỏ tàn rơi xuống nối cõi âm dương
Đằng đẵng chuỗi ngày lạnh tanh ruột đất
Tiếng nấc ngực đầy nghẹn trong tim cảm
Hỏi cha nơi ấy “ có nhớ” con không?
Cha ơi…hãy yên lòng nhé
Cây vẫn thầm thì trong lá
Mọi thứ vẫn bình thường
Cây táo vẫn trổ hoa
Hồng trước nhà vẫn nở
Chỉ vắng đi tình cha ấm áp
Dẫn lối mở đường che chở các con
Thiệt thòi lớn nhất không gì so sánh
Suốt đời các con… thiếu vắng tình cha.
Tháng 11/2019
Nhớ mãi Phạm Xuân Phong
Anh hùng, Liệt sỹ: Hi sinh năm 2001
tại Trạm k.s Ta-Đo, Đồn 543 BP-NA.
Nhớ cái đêm rét chẻ da người
Phường gian lận vượt biên trái phép
Đường tiểu mạch men rừng bát ngát
Lẩn trốn đêm “thú vui” cớm trời
Từng mỏm đá đường khe dốc soải
Tổ truy vết súng khép dọc vai
Cuộc săn lùng bọn buôn ma tuý
Dại dại, khôn khôn … “chơi trốn tìm”
Đêm khoắt khuya ớn lạnh gió ngàn
Đêm hoang dại chợt oang tiếng thét
Vung lựu đạn kẻ gian bén thoát
Nằm xuống đi…khói lựu xùy ngang
Chụp lựu đạn chỉ trong dây lát
Phạm Xuân Phong hô… đồng đội ơi…
Vừa hô xong tiếng nổ lóa trời
Thân hình anh đâu còn nguyên nữa
Nhưng…vẹn nguyên năm người đồng đội
Đất ngẩn ngơ… xương thịt anh rơi
Ngày cúng giỗ anh năm nào cũng vậy
Chẳng vắng ai… đồng đội viếng thăm
Bó hoa tươi dẫu không người nhận
Hoa vẫn thơm bay… tới chỗ anh nằm.
Vũ điệu cỏ
Nép mình chiu chíu mưa bay
Nghiêng nghiêng gió vẫy xanh ngày xanh đêm
Ngửa trời than phận yếu mềm
Bạn cùng giun dế… tình riêng rộn ràng
Biết là làm khổ vườn hoang
Nhưng vui thiên hạ… chắp làn thơ bay
Ngoạm sâu sỏi đá đất này
Dệt nên lối nhỏ xanh dày viền hoa
Tiếng là tươi tốt lòa xòa
Chân đê bến bãi mượt mà màu mơ
Chẳng kêu la sống vô tư
Loay hoay góc ruộng nát nhừ vết băm
Hỏa thiêu nắng lửa mưa dầm
Mới hay cỏ dại thẳm sâu nghĩa tình
Giấu tình riêng dâng hiển vinh
Như chăn “tấm đắp”…phủ xanh nấm mồ.
Tháng 10/2021
Những câu chuyện giản dị của người chiến sĩ:
Nguyễn Thạc Lưu
CON ĐƯỜNG VÌ NHAU
Tưởng nhớ chú Nguyễn Thạc Lại ( Kim Sơn )
và em Nguyễn Thạc Tiến
Tháng 7 mưa nắng thất thường
Bao người nhớ, bao người thương, bao người…
Chiến trường đạn nổ, bom rơi
Hai người thân của nhà tôi quên mình
Chú ruột đánh Pháp hy sinh
Con trai một
sống một mình
sao yên ?
Mười tám tuổi
sức thanh niên
Thù cha chưa trả
nỗi niềm khôn nguôi?
Pháp thua, Mỹ lại đến rồi
Gieo tang thương khắp đất trời miền Nam
Em tôi Trung học dở dang
Quyết tâm thư viết sẵn sàng tòng quân
Tây Nam Bộ
Chiều tháng 5
12 li 7 súng cầm chắc tay
Đối đầu chín trực thăng bay
Lửa bùng hai chiếc, đạn cày quanh em…
Nghe như máu chảy về tim
Hình như con đã đi tìm thấy cha
Hai cha con đã một nhà
Thiên thu chẳng thể rời xa nữa rồi?
Nhà ta giờ giữa khung trời
Giọt mưa, giọt nắng, giọt đời nhớ thương
Hai cha con, một quê hương
Và hai trận chiến con đường vì nhau
Bảng “ANH HÙNG “
máu nhuộm màu
Vòng hương cháy mãi
muôn sau không tàn !
12/7/2022 - ĐTTL

Lê Oánh
1. MƯỜI CÁI HÔN ĐẦU
Lạ sao là cái hôn đầu
Của anh chiến sĩ khắc sâu đời thường
Cô giao liên ở chiến trường
Trúng mìn của giặc bị thương khắp người
Biết như sự sống cạn rồi
Gặp anh chiến sĩ lên đồi cứu thương
Nén đau, giọng nói thất thường :
- Anh ơi, xa nhé, biết đường về đâu.
Vẫn chưa biết nụ hôn đầu
Sợ mai chín suối còn đâu hỡi người !
Thầm yêu anh nhất trên đời
Xin cho em đấy đến mười cái hôn.
Tình yêu đến thật giản đơn
Chiến sĩ quỳ xuống và ôm lấy nàng
Họ hôn nhau đến mơ màng
Nàng cười mãn nguyện, nhìn chàng thật tươi.
Chiều hôm nàng đã đi rồi
Chiến sĩ ghi nhớ suốt đời không quên.
2. KHÔNG KHINH NGHÈO
Một gia đình nghèo ở Ninh Bình
Sinh được hai cô gái thật xinh
Chị lớn học xa - nơi Hà Nội
Còn người em ở lại quê mình.
Bố thương binh bị cụt hai chân
Mẹ thì bệnh khớp, rất nhọc nhằn
Nhà nghèo con học giỏi, đức độ
Bố mẹ vượt qua nhiều khó khăn.
Tình cờ chị yêu trai Hà thành
Gia đình giàu có và uy danh
Dù chênh lệch rất nhiều hoàn cảnh
Nhưng hai người yêu nhau chân tình.
Chờ mong ngày cưới đã diễn ra
Đường tới hai nhà cũng cách đi xa.
Bố mẹ tự ti nhà nghèo quá
Ngại ngùng nào muốn đến tham gia.
Hội trường nghe nhạc cưới êm đềm
Bỗng dưng người bố đã xưng tên
Nóng lòng chàng rể tìm biết được
Cõng bố vợ vào, mời ngồi trên.
Bố chồng mừng rỡ vội trình bày
Thông gia nhà tôi đến là hay
Thương binh đâu xá chi nghèo khổ
Nuôi con thành đạt, cảm phục thay.
.
Mai Xuân Thắng
NGÀY GIỖ TRẬN 12-7-1984
(Kính dâng anh linh liệt sĩ hi sinh trên mặt trận phía Bắc – Vị Xuyên )
Sáu trăm tráng sĩ ra đi
Non sông Tổ quốc khắc ghi ân tình
Sáu trăm tráng sĩ quên mình
Ngàn sau khắc khoải đinh ninh lời thề
Sáu trăm tráng sĩ không về
Cỏ cây nức nở sơn khê ủ sầu
Sáu trăm tráng sĩ dãi dầu
Mây chiều thắt thẻo ngậm màu tóc mai
Sáu trăm phận số đời trai
Một ngày giỗ trận lệ dài xót xa
Mười hai tháng bảy bi ca
Dài thêm nhịp khúc trường ca anh hùng
CÁC ANH Ở NƠI ĐÂU ?
Các anh ở nơi đâu ?
Dốc đá hay thung sâu
Trên triền non vách dựng
Vị Xuyên đầy mưa ngâu
Các anh ở nơi đâu ?
Bình - Trị - Thiên khói lửa
Thanh - Nghệ - Tĩnh anh hùng, …
Mẹ dãi dầu tựa cửa
Các anh ở nơi đâu ?
Hòa bình đã từ lâu
Biên cương yên tiếng súng
Bầu trời xanh trên đầu
Các anh ở nơi đâu ?
Có nghe hồn quê hương
Thấu chăng tình đồng đội
Từng giọt sầu nhớ thương
Các anh ở nơi đâu ?
Miền biên viễn vấn vương
Hỡi anh linh bất tử
Những tráng sĩ can trường
Các anh ở nơi đâu ?
Những con Lạc cháu Hồng
Hãy về cùng đồng đội
Ấm lòng người nặng trông.

Dương Đoàn Trọng
CHIẾC BI ĐÔNG
Chỉ còn lại chiếc bi đông
Rót ra nỗi nhớ mênh mông một thời
Nhìn em cơn sốt vừa vơi
Tóc xanh chải rụng rối bời tuổi xuân
Môi hồng cứ nhợt nhạt dần
Em ngâm đứt quãng mấy lần bài thơ
Võng em mắc vội trời mưa
Cái tăng em rách trú nhờ võng anh
Hai đầu nam bắc tròng trành
Bỗng nhiên mảnh bạt đã thành võng đôi
Chẳng dám nằm chúng mình ngồi
Bi đông nước suối chuyền môi hai người
Tiếng bom nổ vỡ tiếng cười
Nghe tiếng súng lệnh ra nơi đứt đường
Thế rồi anh chuyển chiến trường
Thế rồi mỗi đứa một phương đến giờ
Cái dòng địa chỉ lơ mơ
Chỉ còn sót lại hai từ đồng hương
Bi đông kỷ vật yêu thương
Cùng anh đi mọi nẻo đường còn đây
Nước bi đông cạn lại đầy
Thương em chẳng cạn từ ngày xa nhau.
NỖI NHỚ VÀ NIỀM TIN
Xin chặt dần những đoạn thời gian
làm chiếc gậy tôi chống về ngày cũ
Khi dòng sông quê trong xanh
vẫn còn nhịp đò ngang nối hai bên bồi lở
Con bống bang bơi lội giữa lời ru
Khi trở về đêm ấy ánh trăng lu
Chiếc khăn tay
gói giọt mắt em mai tôi mang ra trận
Những chiếc tem thư em trao tôi nhận
gửi cho nhau mùi thuốc súng nghẹn ngào
Một đêm ngủ giường
bỗng thành nỗi khát khao
Tôi treo chòng chành
câu ca ngắc ngứ
chiếc võng lửng lơ cuộn tròn cơn sốt dữ
Đàn muỗi rừng
con vắt bám theo chân
...
Đã qua rồi mấy chục mùa xuân
người đeo đỡ tôi chiếc ba lô
nay không còn nữa
Người khiêng tôi vào trạm quân y dã chiến
nay gặp nhau nhăn nheo vầng trán nhớ
Vẫn nói rằng
may thế mày ơi.
Đã bước vào cái tuổi chơi vơi
có thể ngã lúc nào ...
thôi cũng được
Sẽ gửi trọn mình vào quê hương đất nước
niềm tin khát vọng an bình.
16-7-2021
CHUM NƯỚC MO CAU
Tôi về buộc cái mo cau
Hứng dòng kỷ niệm tô màu tuổi thơ
Mưa rơi những giọt ngẩn ngơ
Nổi chùm bong bóng thẫn thờ dắt nhau
Mẹ đi nón rách đội đầu
Gió đu méo cạp phai mầu hồng nhan
Cái cò không kịp lên ngàn
Lời ru ướt sũng chảy tràn võng đay
Lá trầu xanh vẫn thế này
Bao giờ leo đến cái ngày mẹ ru ...

Hoàng Đình Tư
THÀNH CỔ MÁU VÀ HOA
Tám mốt ngày đêm giữ Cổ Thành
Bùn non nhuộm kín mái đầu xanh
Bom cày mấy bận gan không nản
Đạn xới bao phen dạ vẫn lành .
Chói lọi công anh ghi sử sách
Huy hoàng sức chị sổ lưu danh
Thân tàn, lực kiệt tâm không phế
Sáng mãi gương này hỡi các anh !
NHỚ 10 CÔ GÁI Ở NGÃ BA ĐỒNG LỘC
Đồng Lộc từng ngày hương khói bay !
Mười cô ngã xuống ở nơi này
Linh hồn bất tử cao hơn núi
Dáng đứng hiên ngang vượt vạn cây.
Một nén tâm nhang thơm khắp ngả
Mười bông hoa trắng rạng trời mây
Thiên thu yên nghỉ trong lòng Mẹ
Mãi mãi nơi đây đẹp những ngày.

BẠ VÀ THO
Truyện ngắn của Nguyễn Thạc Lưu
Cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, người lính ấy không về.
Suốt mười tám năm mong đợi, nhờ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và một người đồng hương, vốn cùng chung đơn vị với anh tìm kiếm , cuối cùng gia đình cũng tìm được phần mộ anh, và đưa hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Lễ truy điệu và an táng liệt sĩ Phan Hai Bạ đã được Bộ chỉ huy quân sự huyện cùng cán bộ và nhân dân địa phương cử hành trang nghiêm và trọng thể. Rất đông bà con nhân dân trong thôn, trong xã đã đến dự. Không ít những giọt nước mắt nghẹn ngào.
Thế nhưng, chiều hôm ấy, khi đám người rỡ rạp và thu dọn bàn ghế vừa rời khỏi nghĩa trang, lại có một người đàn ông trạc gần 60 tuổi, tầm vóc thấp nhỏ, mình gầy, da hơi sạm cầm trên tay một túi xách nhỏ lặng lẽ đi vào. Ông ta bước khẽ khàng từng bước một, im lặng và cứ vậy đến trước kỳ đài, chiếc lư hương vẫn tỏa khói hương nghi ngút. Ngước lên nhìn dòng chữ " Tổ quốc ghi công các liệt sĩ " ông đứng chững lại, cúi đầu cũng không lên tiếng. Một lúc sau ông đi về phía các phần mộ, đến trước mấy vòng hoa trắng và bát hương nơi vừa đặt tấm bia :
" LIỆT SĨ PHAN VĂN BẠ,
Sinh năm... Hy sinh ngày... Quê quán ... Sơn Tây ".
Lúc ấy mới thấy ông moi từ trong túi xách ra một thẻ hương và một cái đĩa con. Rồi tiếp, mấy bông hoa nhài trắng muốt. Ông đặt đĩa hoa trước phần mộ và chỉ với một đĩa hoa ấy, ông thắp hương, lầm rầm khấn rồi cắm hương lên phần mộ. Cả không gian mênh mông mà tĩnh lặng như chỉ còn ông và người nằm dưới mộ trò chuyện cùng nhau.
- Bạ ơi! Thế là hai chúng ta xa nhau vừa tròn hai mươi hai năm. Đúng bằng cái tuổi lúc mày nhập ngũ ?
- Ừ ! Tho đấy à ! Hóa ra vẫn có ngày, tao gặp lại người đồng hương quý mến đấy nhỉ ? Lúc ấy, tao kém mày tới 6 tuổi và mày cũng vừa tái ngũ chưa được một năm.
- Phải ! Nhà tao đã có anh trai là liệt sĩ chống Pháp, nhưng vẫn còn bốn anh em trai, nên dù đã hoàn thành ba năm nghĩa vụ, về công tác ở xã, tao vẫn được gọi tái ngũ.
- Tao biết, mày tái ngũ vào đến tận Gio Linh Quảng Trị nhưng chỉ tham gia chiến đấu mấy tháng thôi, mày đã trở vể Huyện đội và làm chức vụ hình như là cấp phó hay trưởng ban quân lực thì phải ? Cái giấy gọi nhập ngũ của tao, có một chữ ký nháy, rất giống chữ của mày?
- Đúng vậy! Và chính tao mang cái giấy ấy, qua xã, rồi đưa thẳng cho mày đấy thôi ?. Tao được ký nháy rất nhiều giấy gọi nhập ngũ, rồi chuyển về các xã, lúc đó là chuyện rất bình thường . Tất cả đã qua và tao chẳng còn nhớ gì hết. Tuy nhiên với cái giấy của mày, nó cứ như hằn in mãi trong đầu óc tao, không bao giờ quên được cho đến tận bây giờ.
- Chuyện đó...
Người dưới mộ hình như không muốn nói đến một điều gì khó nói.
Trời chiều phía tây cuối hạ đã ánh lên những ráng vàng và thổi về vài cơn gió lành lạnh. Mấy nén nhang đỏ rực lên như muốn cháy nhanh cho đến hết.
Ông cố kìm hãm, gượng chịu cái cảm giác ơn ớn trong người. Hai tay vịn vào tấm bia mộ để bình tâm. Quá khứ của hai mươi hai năm trước tưởng như chỉ mờ ảo, quanh quất thì rồi cũng đã hội tụ, hiện về. Vài giọt nước mắt từ từ lăn trên má ông.
Tho và Bạ cùng sinh ra và lớn lên ở một làng quê.
Nhà Bạ ở xóm dưới liền kề. Nhưng từ nhà Tho xuống nhà Bạ, có một cái xối đi tắt, chỉ qua hai nhà là tới.
Bạ là con một của một gia đình công chức thời Pháp. Cha Bạ là cai lục lộ, nhưng từ sau hòa bình đã chuyển xuống Hải Phòng, ở với một bà bé rồi mất ở dưới đó. Bạ có một chị gái đã lấy chồng . Chỉ còn mình Bạ ở với mẹ đẻ trong căn nhà xây có hiên Tây khá bề thế. Với gia sản còn khá phong lưu, Bạ được bà cho đi học đã đến lớp 6.
Sau cải cách ruộng đất gia đình tuy không bị đấu tố nhưng cũng thuộc diện lý lịch có vấn đề, nên Bạ không theo học được hết cấp II . Nhà cũng chẳng được chia ruộng. Bạ cũng chẳng biết làm nghề gì, ăn chơi không đến ngoài 20 tuổi. Lúc đi Phú Thọ, khi lên Thái Nguyên, Lào Cai . Trông Bạ rõ là một thanh niên nho nhã, da trắng, mắt sáng, ngón tay búp măng, rất công tử bột. Cô gái nào đã từng gặp đều bị hút hồn, háo hức muốn được làm quen, kết thân, yêu chiều .
Có lần đến một bản Mường ở Hòa Bình, Bạ gặp một ông thầy bói bàn tay. Thấy nhiều người ngồi chầu chực chờ đến lượt, Bạ cũng tò mò ngồi xếp hàng. Vừa chờ, Bạ vừa quan sát, lắng nghe và thầm " học lỏm " luôn mấy cái mẹo này.. Khi chính thức đến lượt, Bạ xòe bàn tay trái " búp măng " của mình ra. Ông thầy nắm cổ tay Bạ, nâng bàn tay lên nhìn đi nhìn lại mấy lượt. Ngón tay trỏ cứ di theo đường này, đường nọ trên lòng bàn tay. Im lặng, một lúc rất lâu sau thầy mới cất tiếng nhỏ nhẹ, nhát gừng như có điều gì khó nói quá.
- Nhà thầy có biệt tài, phúc hậu, nhưng lại có số đào hoa. Vướng phải duyên tình trắc ẩn thì có thể gánh tai họa. Thân liệt, danh vinh, quả phúc!...
Nghe vậy Bạ cũng khá mơ hồ, chẳng hiểu gì sâu xa và cũng không đắn đo suy nghĩ gì về số mệnh của mình. Bạ chỉ ghi nhớ đến mấy cái bài " học lỏm " cách thầy bói mà thôi.
Nhưng rồi về quê nhà, cái bài bói ấy cứ bám riết trong đầu Bạ. Gặp mấy thằng bạn cùng trạc tuổi, hắn cũng dở cái mớ học lỏm ấy ra, thử trổ tài. Bọn họ nghe phán đều phục sát đất : " Sao hắn nói trúng thế ?! ". Có gì đâu, từ thuở đánh khăng đánh đáo đến giờ, cùng chơi với nhau làm gì hắn chẳng biết thóp các cậu .
Không bao lâu tiếng đồn lan ra, có cả các chị, các cô cũng lần mò đến nhờ " thầy " xem cho một quẻ.
Chiều hôm ấy có một chị ở xóm trên, cũng đến nhờ thầy. Chị ta còn trẻ, chắc chỉ hơn Bạ một hai tuổi. Khuôn mặt thanh tú, dáng vẻ eo thon, đôi mắt lóng lánh. Chị ngồi xuống bên cạnh thầy, chìa bàn tay ra mà người cứ run rẩy. Bạ vừa cầm vào cổ tay thì như có dòng điện giật, chị ta co tay lại, rướn ngực lên rồi như ngất đi đổ xoài vào người Bạ khiến Bạ cũng gần như bị té ngửa.Bạ định hất người chị ta ra, nhưng cái cảm giác lần đầu tiên có hơi ấm da thịt của người đàn bà lan tỏa vào mình, khiến Bạ bối rối. Và trong lúc chị ta như chưa tỉnh hẳn, Bạ đưa hai tay nắm eo lưng chị, gắng sức định ngổi dậy.
Bỗng có tiếng gọi lớn ngay ngoài cửa :
- Bạ có nhà không đấy?
Không kịp trả lời, người đàn ông vừa gọi đã bước vào . Hai người buông nhau ra. Anh ta bỗng " Á à !..." lên một tiếng, mặt như tái lạnh rồi quay lại, đi luôn ra cổng. Lúc đấy Bạ đã kịp nhận ra người đó là Tho .Và người phụ nữ này chính là vợ sắp cưới của Tho, đã hỏi trầu hôm mồng 6 tháng trước.
Hai tuần sau, Tho đi cùng ông Phó chủ tịch xã cùng hai người dân quân mang súng, xuất hiện trong nhà Bạ. Hai mẹ con Bạ đón khách, mời nước. Ông Phó chủ tịch lấy trong xà cột ra một tờ giấy đánh máy có dấu triện màu đỏ. Rồi ông đọc . Đó là giấy gọi nhập ngũ của Bạ.
Bạ nhận tờ quyết định, đôi mắt nhấp nháy ngó xem thêm một chút, rồi gấp làm tư đút vào túi ngực. Bạ biết rằng mình là con một đang nuôi dưỡng mẹ già lẽ ra còn được hoãn nhập ngũ. Nhưng quyết định là quyết định. Bạ im lặng chấp hành.
Ở thêm với mẹ được ba ngày, thì Bạ chính thức tập kết vào đơn vị bộ đội , tập trung tại xã Hòa Xá huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Đông.
Rồi chiến tranh mang đi người lính trẻ ấy, qua Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Trường Sơn tây rồi vào Miền Nam, xa quê hương thêm bốn năm trời. Để rồi trở về với bà mẹ già cô đơn, heo hắt ở quê nhà với một tờ giấy báo tử, chỉ trước ngày giải phóng Miền Nam chưa đầy hai tháng. Một mình bà lại vẫn âm thầm, còm cỏi trong căn nhà mênh mang mờ tối. Mỗi ngày bà lại thắp cho con một nén hương, và chờ đợi. Bà chờ đợi cái ngày tìm được hài cốt anh trở về.
Tho lúc ấy đã là huyện đội phó. Cũng nhiều lần Tho đến gặp bà và an ủi bà rằng Tỉnh đội cũng đã liên hệ vào các Quân Khu trong Nam để tìm mộ của Bạ, nhưng chưa có kết quả. Và rồi mẹ cũng lặng lẽ về với con, trong lòng đất mang theo nỗi khắc khoải và u uất khôn nguôi.
Thế rồi Tho cũng đã nghỉ hưu .
Một hôm tới dự họp ở Huyện đội về thành lập hội cựu chiến binh Tho gặp một người ở xã trên tên là Vận . Qua trò chuyện ông khẳng định rằng, Bạ là xạ thủ súng máy cùng trung đội ông, đánh trận tấn công địch ở Bình Phước, đã hy sinh và chính ông cùng mấy chiến sĩ của tiểu đội đã chôn cất Bạ ở đấy. Vận tình nguyện đưa gia đình vào tìm mộ Bạ.
Vậy là cái ngày Bạ về với quê hương đã thành hiện thực. Và cũng chỉ có giây phút này Bạ và Tho mới có dịp đôi lời trao đổi cùng nhau.
Mặt trời đang lặn đỏ au phía dãy núi Ba Vì. Tho châm thêm một nén nhang nữa, rồi lầm lũi quay ra.
Gió vẫn lành lạnh thổi.
Bạ buông một tiếng thở dài, rồi lặng nằm im dưới mộ./.
Phan Long ngày 10/8/2014 ĐTTL