Nhà văn Phùng Văn Khai
(P. Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội)
Đầu tháng 10 năm 2024, Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội cụ Hồ” đã nhận được sự tham gia sâu rộng với 114 tham luận khoa học phân chia thành ba khu vực: Từ lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc đến chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay; Những biểu đạt văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội cụ Hồ; Diễn giải Điện ảnh - Hội họa - Nhiếp ảnh - Âm nhạc về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội cụ Hồ của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu phê bình, giảng viên, sinh viên các trường đại học, thầy cô giáo, các nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước đã cho thấy sự phong phú, sâu sắc, sức hấp dẫn mang tính quốc tế của đề tài trên. Đây cũng là một tín chỉ tích cực về nghiên cứu và giảng dạy văn học trong hệ thống giáo dục đào tạo ở nước ta hiện nay.
Có thể khẳng định rằng, sức hấp dẫn của văn học người lính và những định hướng cơ bản trong xây dựng đội ngũ nhà văn viết về người lính và chiến tranh đang là vấn đề lớn được đặt ra. Chúng ta, trong một Hội thảo Khoa học có tính chiều sâu và tầm bao quát rộng về văn học từ dấu mốc 1975 đến nay với nhiều thành tựu đã được khẳng định, nhiều tác phẩm văn học và nhà văn tên tuổi đã được vinh danh chắc chắn sẽ đạt được những giá trị mang tính nền tảng để tiếp tục phát huy và phát triển đúng hướng trong xây dựng đội ngũ nhà văn trẻ viết về người lính và chiến tranh. Đây vừa là trách nhiệm của mỗi nhà văn đồng thời cũng là sự khẳng định bước trưởng thành mới của mỗi nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ trong đội hình nhà văn quân đội, nhà văn toàn quốc viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng.
Trong Hội thảo trên, có thể thấy, sức hấp dẫn của đề tài Văn học người lính và chiến tranh cách mạng không chỉ ăn sâu bám rễ trong đời sống văn học, đời sống nhân dân mà còn đang có sự chuyển động mạnh mẽ. Những tham luận về đề tài này đặt ra rất rộng lớn các vấn đề nghiên cứu lý luận và thực tiễn đời sống văn học, các tác phẩm văn học cụ thể. Đó là các tham luận: Chiến tranh Việt Nam - nguồn dữ liệu hãy còn tiềm ẩn cho văn chương khám phá, sáng tạo của nhà văn Lê Hoài Nam; Hình tượng người lính trở về trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 của PGS.TS Lê Xuân Tú; Tiểu thuyết Việt Nam viết về chiến tranh sau 1975 nhìn từ lý thuyết hệ hình của Thomas Kuhn của TS Nguyễn Thị Hoài An; Những khuynh hướng sáng tác trong tiểu thuyết viết về người lính và chiến tranh ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 của PGS.TS Nguyễn Thanh Tú - Ths Trịnh Thị Hằng; Tư tưởng thẩm mỹ trong thơ Phạm Tiến Duật qua cái nhìn về hậu phương của TS Nguyễn Thị Thúy Hằng; Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh - cái nhìn mới về chiến tranh của PGS.TS Trần Đăng Suyền;… đã đặt ra và giải quyết trên tinh thần khoa học nhân văn về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội cụ Hồ. Đây là những vấn đề lớn luôn nhận được sự quan tâm rộng rãi không chỉ riêng trong giới nghiên cứu lý luận phê bình, giới sáng tác, các cấp quản lý, mà quan trọng hơn chính là sự quan tâm của bạn đọc, các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh sinh viên về vấn đề trên.
Trước hết, các tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều trên tinh thần ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi sự chính nghĩa của người Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến, đã có nhiều người con ưu tú hy sinh vì Tổ quốc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó chính là vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam trong chiến tranh. Với hiện thực phong phú và có chiều sâu, các tác phẩm văn học về chiến tranh đều tạo dựng hình tượng con người, nhất là người chiến sĩ cao đẹp và nhân văn. Đây chính là diện mạo chung của văn học Việt Nam về chiến tranh.
Với cảm hứng phản ánh hiện thực thời chiến trên tinh thần chủ nghĩa yêu nước, các tác phẩm văn học đã tái hiện hiện thực khốc liệt của chiến tranh với sự trung thực của ngòi bút để từ đó chứng minh sức sống mãnh liệt của con người, nhất là người chiến sĩ trong những tình huống cụ thể. Đó là một trong những thành tựu nổi trội trong các tác phẩm văn học về chiến tranh. Đội ngũ văn nghệ sĩ, thông qua tác phẩm làm cho chúng ta hiểu rằng, văn hóa, văn học nghệ thuật thực sự là sức mạnh to lớn của dân tộc ta, nhân dân ta và quân đội ta. Thực tiễn sinh động cũng như lời dạy của Bác: “Văn hóa là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó” là khái quát nhất về vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật. Các nhà lãnh đạo coi văn hóa, văn học nghệ thuật không phải là thứ để chiêm nghiệm cá nhân, nghiên cứu, để giải trí, mà là sức mạnh tâm hồn của mỗi người, từ đó kết tinh thành sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam. Trong đó, đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội luôn đóng một vai trò đặc biệt đối với đời sống tinh thần của người chiến sĩ, là cầu nối giữa người chiến sĩ với quê hương, đất nước và nhân dân.
Từ bầu trời với những khung hình như thế, liệu có thể mở ra những ô cửa sáng tạo để phục vụ nhân dân và Tổ quốc hay không? Đó là câu hỏi mà các thế hệ văn nghệ sĩ trong đó có đội hình văn nghệ sĩ quân đội phải trả lời bằng những tác phẩm hữu ích nhất. Thật đáng tự hào, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong thời bình hôm nay, câu trả lời luôn là những ô cửa tác phẩm mở rộng tới các chân trời mà người chiến sĩ và nhân dân đón đợi.
Bằng tác phẩm xuất sắc của mình, các nhà văn quân đội đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như: Nguyễn Thi với các tác phẩm: Người mẹ cầm súng; Ở xã Trung Nghĩa; Trăng sáng; Đôi bạn. Nguyễn Minh Châu với các tác phẩm: Dấu chân người lính; Cửa sông; Cỏ lau; Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành. Nguyễn Khải với các tác phẩm: Gặp gỡ cuối năm; Xung đột; Cha và con… Hồ Phương với các tác phẩm: Ngàn dâu; Những cánh rừng lá đỏ. Hữu Thỉnh với các tác phẩm: Thương lượng với thời gian; Trường ca biển. Xuân Thiều với tác phẩm Huế mùa mai đỏ. Thu Bồn với các tác phẩm: Chớp trắng; Vùng pháo sáng; Dưới tro. Hữu Mai với các tác phẩm: Đêm yên tĩnh; Người lữ hành lặng lẽ và hàng chục nhà văn khác được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng và các Giải văn học quốc tế (Bông Sen, Asean, Sông Mê Công). Chỉ tính riêng ở Văn nghệ quân đội đã có tới 33 nhà văn nhà thơ đạt Giải thưởng Nhà nước. Đó là: Thanh Tịnh, Vũ Tú Nam, Phạm Ngọc Cảnh; Vũ Cao, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Chí Trung, Dũng Hà, Mai Ngữ, Nhị Ca, Triệu Bôn, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nam Hà, Nguyễn Thị Như Trang, Vương Trọng, Anh Ngọc, Lê Thành Nghị, Duy Khán, Lưu Trùng Dương, Ngô Văn Phú, Thanh Quế, Nguyễn Xuân Khánh, Hồng Diệu, Nguyễn Bảo, Nguyễn Đức Mậu, Hồng Diệu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh… Đội ngũ các nhà văn, đặc biệt là lớp nhà văn trẻ xuất hiện và được khẳng định. Nhiều tác phẩm gây tiếng vang và là những thương phẩm văn học đặc thù, truyền thống. Những thanh âm trong trẻo, hữu ích đến với bộ đội, đến với nhân dân. Các nhà văn quân đội không chỉ có mặt trên mỗi trang viết mà còn có mặt nơi bão lốc, cháy rừng, lũ quét. Các nhà văn quân đội đều nhiều lần đến Trường Sa. Có người đi hằng tháng như Duy Khán. Có người ở nhiều năm như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xuân Thủy. Mùa sóng gió, mùa biển lặng, các nhà văn đều đến nơi biên giới, hải đảo với tấm lòng của nhà văn - chiến sĩ. Hằng năm, các nhà văn quân đội đến Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ ăn cùng, ở cùng và lắng nghe nhịp đập của trái tim người chiến sĩ. Những tập ghi chép, bút ký, truyện ngắn mang đậm hơi thở người lính là món ăn tinh thần bổ ích của bộ đội ta. Và cũng chính người chiến sĩ đang ngày đêm miệt mài với từng nhiệm vụ được giao nơi biên giới hải đảo đã tiếp thêm sức mạnh, là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn trong và ngoài quân đội.
Đảng ta đã chỉ rõ: Trong thời đại hiện nay, chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Mục tiêu cao nhất là đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hòa bình, và sẵn sàng đánh thắng khi đất nước bị xâm lược. Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc; Bảo vệ độc lập tự chủ; Bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; Bảo vệ ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân; Tích cực tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đó là những nhiệm vụ rất toàn diện, và cũng hết sức nặng nề.
Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại phát huy cao độ rất nhiều giá trị cốt lõi nhân văn. Một trong những biểu hiện đặc sắc là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Cả thế giới dường như chưa có được hình ảnh nào sâu sắc và gần gũi, nhân văn như thế. Vậy tư duy xây dựng con người mới về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới hiện nay phải như thế nào? Người chiến sĩ hôm nay, Bộ đội Cụ Hồ hôm nay phải luôn xác định sâu sắc rằng người trước, súng sau. Đó là nhân tố quyết định mọi vấn đề. Bản chất của con người mới Bộ đội Cụ Hồ chính là con người mang văn hóa Việt Nam, văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.
Chúng ta phải vừa khơi gợi vừa tin tưởng vào mỗi người chiến sĩ đã và đang làm tốt mọi nhiệm vụ để có được hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Người Việt Nam rất nhân văn. Người chiến sĩ càng giản dị sáng trong và rất kiên cường. Từ thực tiễn ấy, từ bầu trời và ô cửa ấy, các tác phẩm văn học nghệ thuật cần khai thác và biểu hiện thiết thực để góp phần tạo dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Dẫu còn phải phấn đấu nhiều, phấn đấu liên tục, nhưng tôi cũng tin tưởng nhất định, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ sẽ mãi là niềm cảm hứng để đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội có những tác phẩm xứng với kỳ vọng của nhân dân.
Có thể khẳng định rằng, Sức hấp dẫn của văn học người lính và những định hướng cơ bản trong xây dựng đội ngũ nhà văn trẻ viết về người lính và chiến tranh đã và đang tạo ra một nhánh lớn, một xu hướng mạnh mẽ và sâu rộng, đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đang hình thành một đội ngũ những cây bút sung sức và trẻ tuổi viết về người lính và chiến tranh. Có thể kể ra đây một số tên tuổi tiêu biểu như: Đỗ Tiến Thụy; Đỗ Bích Thúy; Nguyễn Đình Tú; Nguyễn Thế Hùng; Trần Thanh Hà; Như Bình; Nguyễn Văn Hùng; Đoàn Hoài Trung; Phạm Vân Anh; Nguyễn Mạnh Hùng; Uông Triều; Nguyễn Mạnh Thường; Nguyễn Minh Cường; Trần Đức Tĩnh; Nguyễn Hoàng Sáu; Phạm Văn Trường; Đinh Phương; Đoàn Văn Mật; Lý Hữu Lương; Nguyễn Kim Nhung; Nguyễn Phú; Phạm Văn Đảng; Nguyễn Minh Đức;… điều này đã và đang tạo dựng phần nền tảng dài rộng để hướng tới có những tác phẩm đỉnh cao viết về người lính và chiến tranh.
Đã là người dân nước Việt Nam, ai cũng mong muốn hòa bình để phát triển. Bây giờ là mơ ước để mình trở thành một nước giàu, nước mạnh, do vậy rất cần đến xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật phát triển trong sáng, lành mạnh để góp phần xây dựng tiềm lực văn hóa tinh thần của đất nước. Nhớ lại trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội đã rực sáng với những tên tuổi lớn trong văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, phim ảnh... Chính từ đó, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã tỏa sáng và mãi lấp lánh trong tâm thức nhân dân. Bộ đội ta đẹp lắm chứ, nhân văn lắm, nhiều hành động trong thời bình cũng rất anh hùng là mảnh đất màu mỡ để các văn nghệ sĩ khắc họa và sáng tạo. Hãy tìm những gì thật bình dị để đồng hành, sẻ chia. Người chiến sĩ và nhân dân đang chờ các tác phẩm của chúng ta. Làm tốt điều đó chính là để góp phần khẳng định: Văn hóa nghệ thuật đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Văn học nghệ thuật luôn mang trong mình sức mạnh tinh thần to lớn. Đó cũng là nội lực để phát triển. Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ trong quân đội, trọng trách và niềm tin để tiếp tục trau dồi và có được nền tảng tri thức sâu sắc trong sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chiến sĩ và nhân dân.
P.V.K
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn