THÚ VỊ “BẢY NỔI BA CHÌM” CỦA NGUYỄN BẮC SƠN

Thứ năm - 04/05/2023 19:38
Tập Hồi ký, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2022
THÚ VỊ “BẢY NỔI BA CHÌM” CỦA NGUYỄN BẮC SƠN

                                                          
  P. Gs, Ts, Nhà phê bình văn học Vũ Nho

        Biết anh Nguyễn Bắc Sơn từ lâu, lại cũng có đôi ba bận nâng lên hạ xuống với anh cùng Nguyễn Khắc Trường,  Hoàng Minh Tường, Trần Nhương,… Nhưng đọc anh nhẩn nha, kĩ càng thì đây là lần đầu tiên… Vừa hấp dẫn, thú vị, vừa kinh ngạc…

          Nguyễn Bắc Sơn là một hiện tượng văn chương độc đáo. Nói thế có quá không? Thưa không. Bởi vì mãi đến năm 1998, khi đã 57 tuổi, anh mới trình làng tập truyện ngắn đầu tiên. Khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam là khi anh đã về hưu được hơn một năm, vì đã 61 tuổi. Chỉ 4 năm sau khi in tập sách đầu đã được vào Hội. Chưa hết. Từ khi in tập đầu đến khi in hồi kí, nhà văn đã kịp sản xuất và công bố 24 cuốn truyện ngắn, tùy bút,  bút kí, tiểu thuyết và cuốn thứ 25 “ Bảy nổi ba chìm” 496 trang khổ to 15 x23 cm chữ cỡ vừa. Chưa hết, nhà giáo, nhà quản lí ( chức bé thôi - Trưởng phòng)  lĩnh 9 giải thưởng to đùng, đặc biệt là giải tiểu thuyết danh giá của Hội Nhà Văn Việt Nam. Nguyên những chuyện đó đã hứa hẹn hồi kí của Nguyễn Bắc Sơn chắc chắn sẽ thú vị.

          Tôi đã đọc một số hồi kí của nhà văn, nhà chính trị. Sức hấp dẫn của loại văn này trước hết là độ tin cậy, tính trung thực. Bạn đọc muốn biết hoàn cảnh lịch sử, sự kiện xảy ra với những ai, kết quả thế nào? Người viết hồi kí đã suy nghĩ thế nào, xử lí ra sao, kết cục? Một vài người viết khi tuổi đã cao, trí nhớ giảm sút; lại có người đưa sự kiện, nhưng người trong cuộc thì đã mất, bạn đọc không thể kiểm chứng được. Chính việc  thiếu chính xác do trí nhớ, việc  không kiểm chứng được đã làm giảm tính thuyết phục của tác phẩm.

          Với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, đây không chỉ là dạng hồi kí thuần túy. Tôi cho rằng đây là TỰ TRUYỆN của tác giả viết khi tuổi đã cao, nhưng trí nhớ vẫn hoàn toàn minh mẫn. Mặt khác tất cả các chuyện được kể đều là chuyện của nhà văn với các thành viên gia đình,  bạn bè, đồng nghiệp, học sinh cũ,… Không có “sự kiện” gì to tát, lớn lao. Tôi có biết một số nhân vật như con gái chị Vĩnh Nga, anh Kim Hệ nhà ở 5 Quang Trung ( cùng cơ quan Vụ Giáo dục trung học), anh Đinh Văn Định ở Thái Nguyên, em trai anh Đinh Quang Ấn,… Tôi thấy tác giả Bắc Sơn kể chuyện về họ rất trung thực và sinh động. Đấy là cái duyên trời phú cho anh.

          Vấn đề không phải la Hồi kí thuần túy, mà là tự truyện. Vì vậy truyện  có sự hấp dẫn riêng của nó. Và độc đáo của hồi kí này chính là nó gồm hàng loạt những truyện trong đời sống thường nhật, đời sống giáo dục, đời sống văn hóa và đời sống văn chương… Cũng là độc đáo khi người viết hồi kí thường xưng tôi, hoặc kể lại ở ngôi thứ ba “biết tuốt”. Còn nhà văn Bắc Sơn thì xưng “chú”. Vì anh vốn là thành viên út ít của Đoàn thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước từ thời kháng chiến chống Pháp mà khi tham gia mới 9 tuổi ( năm 1950, phải khai tăng 1 tuổi). Nay anh làm Trưởng ban liên lạc gồm 11 người và đã viết cuốn “Đoàn thiếu niên nghệ thuật do Bác Hồ đặt tên” ( NXB Quân Đội Nhân Dân, 2019).

          Nhà văn có vẻ  hơi phàn nàn về tiểu thuyết “Gã Tép riu” : “16 báo in, một báo hình ( chuyên mục mỗi ngày một cuốn sách VTV1), không kể báo điện tử không theo dõi được, tịnh không nhắc đến tính tự chuyện của Gã tép riu” ( tr. 424). Nhưng không thể trách các tác giả. Vì dù các truyện có thật 100% nhưng đã được tiểu thuyết hóa rồi. Gã  tép riu đó nếu có những  gì liên quan thì chỉ là “yếu tố” có tính tự truyện, chứ không phải là TỰ TRUYỆN. Chính vì lí do đó mà mới còn đất cho hồi kí TỰ TRUYỆN này. Tôi cũng không đồng tình khi ai đó cho rằng “hồi kí là tập văn để tác giả nói thêm cho rõ về mình…”. Với ai đó thì đúng. Còn với Nguyễn Bắc Sơn thì không. Đây là một tác phẩm độc lập, có giá trị như mọi tác phẩm khác của nhà văn, thậm chí  còn hơn nữa,…Tác phẩm này cho biết Nguyễn Bắc Sơn thế nàotại sao Nguyễn Bắc Sơn?

          Nguyễn Bắc Sơn tự nhận “ Không có chí làm quan, không có gan làm giàu". Bởi thế mà chức vụ cao nhất bên Giáo dục là Phó hiệu trưởng cấp 3 mà giờ là Trung học phổ thông ( Dân gian cười rằng phó có như không). Bên văn hóa là Trưởng phòng của Sở. Có thể gọi là quan đấy, nhưng tác giả tự nhận là “đầu binh cuối cán” thôi!

          Nhưng Nguyễn Bắc Sơn vừa có gan, vừa có chí làm nhà báo, nhà văn. Anh tự đánh giá “ Chỉ miệt mài chữ nghĩa, lại hay quan sát tỉ mỉ chi tiết, thích tò mò khám phá, không ngờ đó lại là phẩm tính cần thiết của một nghề - không, hai nghề: viết báo, sau đó là viết văn” ( tr 48).

          Một con người bình thường, tự nhận là tép riu, nhưng là người sống nghiêm túc, kỉ luật, không ai có thể chê trách. Tạt về nhà đêm 30 Tết, giữa thời buổi chiến tranh, nhưng vẫn dứt áo ra đi vì  tôn trọng kỉ luật quân đội. Vì thể thủ trưởng cũng tôn trọng người lính mang một ba lô tiền cho đơn vị só mặt sáng mùng Một Tết.

          Không hiếm những đoạn  vui khi tác giả  khá  hài hước. Ví dụ vừa khoe, lại vừa tự diễu mình về chuyện “nghiện”:

          “Hơn sáu mươi năm rồi như vẫn còn dư vị trên đầu lưỡi (ăn xu hào thái chỉ xào với trứng – VN chú) Bởi nó là chỉ dấu khi lần đầu tiên nhìn thấy em - mối tình đầu cũng là mối tình cuối để bây giờ 80 tuổi vẫn không nghiện rượu, bia, thuốc lá, chè, cà phê. Không xổ số, không lô đề, cờ bạc. Chỉ nghiện em - vợ chú bây giờ. Việc này hơn nửa thế kỉ nay, em là nhân chứng” (tr.184). Vâng, nghiện thì có cai lắm. Ấy vậy mà anh chàng nghiện Bắc Sơn vẫn đủ lí trí, nghị lực để cai, để vợ đi chuyên gia nước ngoài cứu nhà…Dù sau này anh tự đánh giá là một sai lầm không sửa chữa được…

          Cái anh giáo cấp 3 tưởng hiền lành nhưng cũng rất đáo để. Gặp lại người cũ ( một anh bánh mì bình phương) giờ làm Hiệu trưởng, chào hỏi, có Quyết định nhưng không chìa ra. Rồi không bắt tay, đi thẳng. Gặp Trưởng phòng Tổ chức anh phân bua: “Tôi không xin về gần với bất kì giá nào…Về đấy để làm việc dưới quyền một Hiệu trưởng như thế thì thà không về còn hơn.[…]Anh có biết tôi với ông ấy từng cùng một phòng ở Trường Sư phạm Trung cấp không? Và tôi từng dạy ông ấy học đấy ạ!” (tr.210)

          Cái chi tiết này không có gì lớn, nhưng tôi rất chú ý, vì nó liên quan đến tính cách, đến nhân cách của Nguyễn Bắc Sơn. Ấy là khi Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội về hưu.  “Tân quyền  Giám đốc bảo : “ Bác Bắc Sơn gặp tôi có việc!” Không đợi mọi người ra khỏi phòng, mặt đối mặt, nói ngay:

  • Tôi biết bác là người của bác Vĩnh Cát. Tôi cũng biết bác có ý định xin đi…

Cũng trả lời ngay, không chậm một giây:

  • Anh Vĩnh Cát xin tôi về đây. Nhưng tôi không phải là người của anh ấy mà là người của công việc. Tôi có ý định xin đi, nhưng chưa có chỗ phù hợp. Khi nào thích, tôi sẽ đi! “. ( trang 357)

Thật tự tin và đường hoàng. Nhà văn là người của công việc. Chính vì làm tốt công việc và chức trách của mình, đặc biệt là giải quyết vấn đề “xin họp báo” một cách có lí có tình, đúng luật.  Với một quan chức cỡ Phó thủ tướng và con trai cụ Trịnh Văn Bô thì khá đơn giản. Gay cấn và thú vị nhất là trả lời đơn xin họp báo của ông P.Q.D, người đại diện cho làng Tử Dương tục gọi làng Tía. ( trang 343 – 344). Nhân chuyện chuyên môn, phải đọc kĩ Hiến Pháp để xem công dân có quyền biểu tình không, thì lại phát hiện sách Hiến Pháp nhà in đóng lầm  tay  sách. Thế là lại thu hồi tất cả các bản in sai…

          Không phải ngẫu nhiên mà ông Lê Xuân Tùng, Bí thư thành ủy Hà Nội đưa Nguyễn Bắc Sơn vào  tổ “ Biên tập văn kiện Đại hội Đảng thành phố lần thứ XII” ( tr.347 – 350).

          Cuốn sách chỉ có một chương ngắn  vỏn vẹn 42 trang nói về những người bạn văn chương. Nhưng ở đây cho thấy tấm lòng của Nguyễn Bắc Sơn với bạn và bạn với Nguyễn Bắc Sơn. Mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng những cái tên Phạm Hoa, Vũ Duy Thông, Phạm Văn Hảo, Hữu Thỉnh, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thành Phong, Hòa Vang,  Nguyễn Viết Chức, Bế Kiến Quốc, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Trần Huy Quang ( Hai người giới thiệu Bắc Sơn vào Hội nhà văn), Trọng Tân, Nguyễn Khắc Trường,  Phạm Xuân Nguyên, Hữu Loan, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân, Văn Chinh, Nguyễn Bích Thu, Phong Lê,  Nguyên An, Nguyễn Văn Dân, Lê Thành Nghị, Như Bình, Thúy Toàn, Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Trọng Văn…đều được nhà văn nhắc đến với tất cả sự trân trọng, mến yêu của những người cùng làm công việc chữ nghĩa.

          Có thể nói cuốn tự truyện hồi kí của Nguyễn Bắc Sơn là một cuốn sách thú vị, hấp dẫn. Cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu quý để chúng ta hiểu một nhà văn đã sống,  đã tích lũy, đã mơ ước,  đã viết như thế nào, đã “lên bờ xuống ruộng” ra sao. Nó sẽ có ích cho các nhà nghiên cứu, cho bạn đọc. Đặc biệt là nếu có thời gian, ta hãy đọc cuốn sách này như lời khuyên của nhà văn đàn anh Ma Văn Kháng “ cần phải đọc nhẩn nha, đọc không vội vàng, vừa đọc vừa thưởng thức, vừa ngẫm ngợi suy xét” (tr. 417). Chắc chắn là sẽ tìm thấy thêm nhiều điều hấp dẫn và thú vị./.

Hà Nội, 31/12/2022. V.N

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây