Đỗ Nguyên Thương
Nếu đọc thơ 1-2-3 của nhà thơ Phan Hoàng - “Giáo chủ”- người sáng lập thơ 1-2-3 ta phải đọc đi đọc lại không dưới vài lần để ngõ hầu tìm hiểu ý tứ ẩn mình sau câu chữ, cô đọng súc tích, dung chứa nội dung lớn hơn ngôn từ thì đọc thơ Bùi Thanh Hà, hoàn toàn không còn cảm giác ấy! Phải chăng do chị cũng là giáo viên như tôi nên dễ có sự đồng điệu trong cách tiếp cận?
Thơ Bùi Thanh Hà đề tài khá phong phú, phần lớn viết về tình yêu; có bài viết về Cha Mẹ, có bài viết về quê hương (quê mẹ) và có nhiều bài viết về người lính, về cảnh quan thiên nhiên những nơi chị từng đặt chân đến (Miền Trung, Hà Giang…).
Tập thơ Những đóa hoa khẽ hương có 122 bài thơ, chia làm 5 phần, phần 1 Ôm hương gió trời thầm lặng ngỏ lời thương, phần 2 Có một bầu trời ướp hương kỷ niệm, phần 3 Những vì sao lung linh không bao giờ tắt, phần 4 Có nỗi nhớ chở đầy dòng sông và phần 5 Anh tin không trong trái tim em có một đóa hồng. Sự sắp xếp theo chủ đề cũng mang tính tương đối bởi trong mỗi phần đều có điểm chung, phần lớn viết về tình yêu. Phần thứ nhất có “Biển dạt dào dâng nỗi nhớ đầy vơi”, phần 2 “Trăng lơ lửng chờ anh trong vườn khuya khao khát”, phần 3 “Địa cầu cần tình yêu như ta cần nhau giữa miền thăm thẳm…”, phần 4 “Nụ hôn mùa đông đang lướt vội/ Hơi thở mùa đông còn nhoi nhói” và phần 5 Những đóa hoa tình yêu không ngủ… hát bài ca vô thường.
Cho hay, tình yêu muôn thuở là đề tài hấp dẫn của thơ, cho dù đó là thơ cổ điển hay hiện đại. Nói chính xác từ thời dân tộc ta chưa có chữ viết, ca dao đã thể hiện sâu sắc tình yêu lứa đôi. Sau này đã có một thời gian khá dài nhiều nhà nghiên cứu đi tìm lời giải đáp cho việc thể thơ nào phù hợp để diễn tả tình yêu lứa đôi. Với Truyện Kiều của Nguyễn Du thì lục bát quả thực là một thể thơ chuyển tải những cung bậc cảm xúc tình yêu vô cùng hấp dẫn. Đến văn học hiện đại thơ ngũ ngôn như Sóng của Xuân Quỳnh, thơ tự do như Biển của Xuân Diệu cũng dạt dào cảm xúc để diễn tả một sự thật hiển nhiên “nếu không có tình yêu thì vầng mặt trời sẽ tắt” như cách nói của một thi sỹ phương Tây hoặc sự so sánh bằng những hình ảnh đẹp như nhà thơ Xuân Diệu “Cây nến chỉ thực sự sống khi đang cháy sáng, cây đàn chỉ thực sự sống khi rung lên những giai điệu, thanh âm và con người chỉ thực sự sống khi đang yêu”.
Thơ về tình yêu luôn hấp dẫn dù viết theo thể nào, xuất hiện trong thời đại nào. Vài năm gần đây (từ 2018) trên diễn đàn xuất hiện thể thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng và thành công! Tính đến nay đã có hàng ngàn người sáng tác thể thơ này và một số trường Đại học phối hợp với Hội Nhà văn của tỉnh hội thảo về thơ 1-2-3.
“Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là một chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có một câu, tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ.
Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ.
Chữ càng tinh lọc, càng đa nghĩa càng có giá trị.
Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành thơ 1-2-3”.
Như vậy thơ 1-2-3 có nét giống với thơ tự do, không bị gò bó bởi niêm, luật, vần; không bị chi phối bởi cách đặt thanh bằng, thanh trắc sao cho đúng vị trí. Thơ 1-2-3 cũng như các thể thơ truyền thống thể hiện được tất cả các cung bậc cảm xúc của con người và nhà thơ Bùi Thanh Hà đã thành công với tập thơ Những đóa hoa khẽ hương.
Những đóa hoa khẽ hương của Bùi Thanh Hà sử dụng rất nhiều hình ảnh của thiên nhiên như mây, mưa, ánh trăng, cỏ biếc, gió lao xao…. Có cảm giác rằng tất cả những hình ảnh vốn đẹp đẽ xuất hiện trong thiên nhiên đều được đưa vào thơ Bùi Thanh Hà. Cách sử dụng ngôn từ của chị cũng linh hoạt và vô cùng nữ tính khi chủ thể trữ tình trong mỗi bài thơ thường là nhân vật nữ xưng em.
Khi là “Gió muốn nói gì cùng em”
Gió muốn nói gì cùng em/ Trong bóng đêm những vì sao lặn vào biển khát/ Lặn vào mắt em.../ Gió vuốt ve làn tóc/ Nơi đảo xa những chàng trai mở căng lồng ngực/ Gửi gió về...
Khi là “Cây lá nghiêng mình soi bóng nước”
Cây lá nghiêng mình soi bóng nước/ Em nghiêng mình soi đáy mắt anh/ Hồ Gươm lấp lánh nghiêng trời biếc.../ Những tiếng lòng ngân lên tha thiết/ Nghiêng cánh heo may ngàn năm cũ theo về/ Hiện tại soi mình vào quá khứ say mê.
Cho hay, “em” là một hồn thơ phong phú, cách sử dụng thi liệu quen thuộc mà không sáo mòn!
Thơ viết trên đảo, viết về người lính có cả thời điểm bình minh và hoàng hôn, có những cảm xúc vỡ òa của người trung du lần đầu đi biển Tôi- người đàn bà trung du hay mơ về với biển/ Muốn ôm cả đất trời; có những nỗi niềm đồng cảm với lính đảo xa xôi…
Hoàng hôn trên đảo nhỏ/ Sóng mặc áo biếc - hồng/ Mây gọi chim về núi.../ Mắt em có sóng nhìn bối rối/ Bờ cát giấu chân người/ Biển dạt dào dâng nỗi nhớ đầy vơi...
Và khát vọng “Tôi muốn ôm đảo vào lòng” đã gói trọn tình cảm trìu mến thân thương của nhà thơ Bùi Thanh Hà với biển, đảo, với đất trời, đằm sâu một tình yêu Tổ quốc và trân trọng những hy sinh, những cống hiến lặng thầm của lính đảo.
Những bài thơ viết về tình cảm của cha mẹ trĩu nặng ấm áp yêu thương; Có những cung bậc cảm xúc thường gặp như tình cảm của con đối với cha mẹ cũng có những cung bậc cảm xúc thể hiện sự từng trải, như kinh nghiệm các cụ xưa để lại, rằng “ có sinh con mới hiểu lòng cha mẹ”, có trưởng thành mới hiểu được những cử chỉ của mẹ dành cho cha và ngược lại. Đó là những câu thơ chuyển chở chất nhân văn của người con hiếu thảo, không nói nhiều hai tiếng biết ơn nhưng vẫn ánh lên lòng biết ơn chân thành và đậm nét sau câu chữ!
Đọc thơ chị, thấy có nỗi lòng người cha đau đáu:
Bây giờ cha không còn nhớ nữa/ Những đớn đau trong cảnh lao tù/ Sóng Phú Quốc gầm gào mặn chát.../ Chỉ những vết thương trên người cha chợt nhắc/ Những ngày mưa gió bão bùng/ Lá phổi nghẹn ngào...đồng đội cõng trên lưng.../
Có tiếng khóc thầm của mẹ mỗi đêm:
Mẹ khóc bao nhiêu đêm/ Chúng con không đếm nổi/ Bóng mẹ in vách tường cao vời vợi.../ Mẹ nhìn ngọn lửa bập bùng/ Có tiếng con reo/ Có bữa cơm nghèo tiễn con ra trận…
Bùi Thanh Hà là người con gái hiếu thuận, quan tâm cha, mẹ. Sự quan tâm ấy cũng rất nữ tính và đằm thắm, chân thành. Chị sống cùng cha những kỷ niệm một thời chiến tranh, thời cha bị giam cầm tại nhà lao Phú Quốc, chị thức cùng mẹ những đêm trường dài dặc niềm thương, trong nước mắt đêm đêm khi mẹ lo lắng cho đứa con ra trận. Ngọn lửa bập bùng in bóng mẹ trên vách tường cao vời vợi mỗi đêm sẽ ấm áp thêm khi mẹ hoài niệm về hành trình nuôi nấng các con từ tấm bé, và chắc hẳn mẹ còn vui hơn nhiều lần như thế khi biết có người con gái hiếu thảo là nhà thơ- nhà giáo Bùi Thanh Hà đang thấp thỏm lo âu cùng mẹ, hòa điệu cùng tâm trạng mẹ đêm đêm.
Bùi Thanh Hà là vậy, thơ chị chân thành, đằm thắm. Khi viết về cha mẹ, chị luôn gửi trọn vào đó bao tình yêu, tình thương ấm áp ngọt ngào, chị thừa hưởng nơi mẹ, cha tình yêu da diết
Con nhìn thấy những dòng nước mắt/ Lăn trên gò má nhăn nheo/ Nhìn thấy cả nét cười trong veo trên đôi môi khô héo./ Giờ con mới hiểu thẳm sâu ngôn ngữ không lời/ Khi ánh mắt cha nhìn mẹ xa xót...âu yếm...chơi vơi/ Bàn tay mẹ run rẩy nắm tay cha...nắm mãi...
Và, chiếm dung lượng nhiều nhất vẫn là thơ viết về tình yêu lứa đôi!
Tình yêu trong thơ của Bùi Thanh Hà phong phú các cung bậc cảm xúc…
Em vớt từng ánh trăng vàng/ Thả vào đêm thao thức/ Cho biển khuya sóng xô rạo rực.../ Trăng tan vào đáy mắt/ Trăng ngọt lịm bờ môi/ Làm sao vớt được ánh trăng nơi mắt ấy người ơi!
Không thể nào không yêu những đêm trăng như thế, những nỗi niềm như thế? Ta bắt gặp ở đây dáng dấp câu thơ nổi tiếng một thời của nhà thơ Hoàng Hữu Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau khi Em đã khóc/ Trăng từng giọt tan vào em mặn chát… trong bài thơ nổi tiếng Hai nửa vầng trăng. Ánh trăng, hoài niệm, ước vọng và tình yêu luôn là những hình ảnh gắn kết một cách đầy chất thơ khi diễn tả những rung động rất thực, rất đời nhưng cũng huyễn hoặc và lung linh như ảo ảnh.
Bài Anh bảo em “dẫu lìa ngó ý…được viết một cách khéo léo khi đan cài, trích dẫn lời thơ, lời hát từ các ca khúc nổi tiếng… khiến người đọc như được sống lại không khí của thơ, nhạc tình yêu và mùa thu.
Anh bảo em “dẫu lìa ngó ý…/ Vấn vương tơ lòng” nào chuyện của sen/ Những cọng hoa buồn tơ trắng lệ sương/ Dòng sông chở bài ca ra biển, cánh đồng ủ ấp hương sen/ Còn anh và em ướp hương mùa cũ/ Những đóa hoa tình yêu không ngủ… hát bài ca vô thường.
Còn anh và em ướp hương mùa cũ/ Những đóa hoa tình yêu không ngủ… hát bài ca vô thường. Đấy đích thực là câu thơ của tình yêu không có mùa, không có tuổi, “mùa cũ” chỉ là dấu mốc thời gian, chứ tình cảm nồng nàn và thủy chung thì luôn luôn tươi mới.
Bài Đêm qua em nằm mơ anh về giá trị đọng lại ở câu kết, hay nói cách khác câu kết làm nên linh hồn bài thơ, khiến cho bài thơ có sức sống lâu bền, đi cùng năm tháng, đi cùng tình yêu và niềm tin bất diệt
Đêm qua em nằm mơ anh về/ Bóng đêm chợt xanh biếc/ Anh bế em quàng lên vai chiếc khăn màu ly biệt/ Tiếng súng chói tai/ giấc mơ biến mất/ Những cánh chim xa khuất gọi bình minh.
Thơ hay là thơ có sức ám ảnh và bài thơ Đêm qua em nằm mơ anh về là một trong số những bài thơ như vậy trong tập Những đóa hoa khẽ hương của nhà thơ Bùi Thanh Hà. Mới đọc thấy có sự phi lý, đêm mơ thấy anh, đêm chợt xanh biếc, đêm đổi màu theo với niềm tin, ước vọng sum họp và hạnh phúc ngập tràn. Nhiều người trong đêm gặp được giấc mơ đẹp, tỉnh dậy còn nuối tiếc và ước giấc mơ lặp lại hoặc mơ tiếp… Nhưng với Bùi Thanh Hà, chị không nói như vậy, dù tôi biết, không người con gái nào không ước được nối tiếp giấc mơ gặp gỡ, giấc mơ yêu thương, giấc mơ hạnh phúc. Điều phi lý trở nên có lý khi câu cuối bài thơ xuất hiện Những cánh chim xa khuất gọi bình minh. Câu thơ không đơn thuần phản ánh hiện thực sau đêm thì bình minh đến mà hàm chứa thông điệp về ngày mai. Bình minh là biểu tượng của ngày mai tươi sáng, ngày chiến tranh kết thúc, ngày anh về là hiện thực chứ không còn là ảo ảnh, không còn là khao khát cháy bỏng hiển hiện thành giấc mơ đêm qua…
Những đóa hoa khẽ hương là một tập thơ đầy đặn, giàu cảm xúc, nội dung phong phú, nhiều câu đẹp, nhiều bài hay, để lại dư âm trong tâm trí người đọc. Ngay nhan đề đã thể hiện nữ tính, mang nét dáng thục nữ Bùi Thanh Hà; 122 bài thơ nho nhỏ tựa như 122 đoá hoa xinh xắn, bình dị, khiêm nhường, dịu dàng, thầm lặng, khe khẽ dâng hương, toả lan Cái Đẹp cho đời. Đọc thơ chị, lại nhớ câu nói của Hàn Mặc Tử “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Cảm ơn vì chị đã làm thơ, đã khắc khoải, đã bâng khuâng, đã nghẹn ngào theo từng con chữ để độc giả được thưởng thức, được trải nghiệm, được đồng hiện và đắm say.
Đất Tổ, 14/2/2025
Đ.N.T
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn