TÔI LÀM CA KHÚC

Thứ năm - 24/03/2022 19:00
Về với Quan Sơn
VevoiQuanSon
VevoiQuanSon

Cầm Sơn

TÔI LÀM CA KHÚC

   Tháng 8 năm 2016, một đoàn nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam do Ban Chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức đi thực tế sáng tác tại bốn huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa gồm các nhà văn Lã Thanh Tùng – Phó Ban Chuyên đề làm trưởng đoàn cùng nhà thơ Cao Ngọc Thắng, nhà văn dịch giả Nguyễn Đăng Bẩy, nhà thơ Nguyễn Hòa Bình, nhà báo Nguyễn Việt Thắng và tôi. Tại huyện Quan Sơn, nhà thơ Nguyễn Hòa Bình đã sáng tác bài thơ “Về với Quan Sơn”. Sau đó, bài thơ được Huyện ủy huyện Quan Sơn cho đăng vào cuốn “Sổ tay đảng viên” phát cho đảng viên trong toàn huyện.
  Trước tết nguyên đán Nhân Dần 2022, bà Hà Thị Mai – Nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thể thao Du lịch huyên Quan Sơn gửi ra Hà Nội một tải gạo nếp, sản vật của Quan Sơn tặng các nhà văn trong chuyến đi năm ấy ăn tết, chúng tôi nhóm họp để nhận quà. Trong buổi họp mặt ấy có ý kiến đề nghị nhà thơ Nguyễn Hòa Bình phải nhờ nhạc sĩ phổ nhạc cho bài thơ làm ca khúc. Cũng chỉ là một ý kiến trong lúc “trà dư tửu hậu” vui vẻ thôi nhưng khi về nhà, tôi thấy việc phổ nhạc cho bài thơ cũng là một ý kiến hay. Trong chuyến đi thực tế năm ấy, tình cảm của người Quan Sơn đối với chúng tôi rất đằm sâu, những thời gian sau chúng tôi còn gặp gỡ nhiều lần với anh chị em giới văn nghệ ở cả Quan Sơn lẫn Hà Nội. Đặc biệt hơn nữa là suốt mấy năm gần đây, bà Hà Thị Mai dù đã nghỉ hưu nhưng tết đến vẫn cứ gửi quà cho chúng tôi. Chính vì vậy, tôi thấy việc phổ nhạc cho bài thơ “Về với Quan Sơn” của nhà thơ Nguyễn Hòa Bình là cần thiết. Dù chất lượng âm nhạc ở mức độ nào thì cũng là một món quà biếu tặng người Quan Sơn.
  Suốt thời kỳ tuổi trẻ, tôi hoạt động công tác Đoàn trong một doanh nghiệp Quốc doanh nên khi ấy tôi đã mầy mò học nắm được nhạc lý ở trình độ phổ thông, cũng biết thế nào là gam trưởng, gam thứ, cao độ, trường độ, cũng hiểu thế nào là nhịp, phách, hợp âm khoảng ba khoảng bẩy, khóa son khóa phà… Vậy là tôi quyết định phổ nhạc cho bài thơ trong phạm vi hiểu biết về âm nhạc của mình. Tôi mò mẫm vào nhà ông Gu gồ hỏi và được ông bạn “Biết Tuốt” này cung cấp miễn phí cho một phần mềm soạn nhạc Encore5. Sau khi soạn xong, sử dụng ứng dụng tấu nhạc của phần mềm thấy nó ngọng nghịu không chính xác. Nghĩ bụng thôi thì “ăn chơi phải chịu tốn kém”, tôi bèn mua một cây đàn organ loại dùng cho học sinh học nhạc để tấu lại bản nhạc mình đã viết. Hóa ra nó sai be sai bét về cao độ theo ý tưởng của mình. Nhưng rồi nhờ có cây đàn này, sau nhiều ngày chỉnh sửa, tôi cũng đã hoàn thành bản nhạc.
  Và đến hôm nay, khi ngồi viết lại những kỷ niệm này thì ca khúc đã được hoàn chỉnh qua sự hòa âm, phối khí của nhạc sĩ Tùng Lâm và phần trình bày của ca sĩ Thanh Quý. Xin trân trọng gửi tặng đến cán bộ, nhân dân huyện Quan Sơn, những người bạn đã yêu quý chúng tôi và chúng tôi cũng rất trân trọng kính yêu các bạn!
                                                                              C.S                                                                                  
VỀ VỚI QUAN SƠN

                 Thơ Nguyễn Hòa Bình
 
Sông Lò chảy vắt ngang chiều Thanh Hóa,
Có lẽ nào không về với Quan Sơn.                                      
Ta tìm lại Na Mèo phiên chợ ấy,
Mắt ai cười nghiêng ngả cả hoàng hôn.
 
Tìm Pha Dua truyện tình cũ say hơn,
Mường Xia nhắc tháng ba mùa lễ hội.
Màu áo cóm sáng bừng trời biên giới,
Bay bồng bềnh trong muôn nhịp xòe hoa.
 
Bay bồng bềnh trong khung cửi em ta,
Sơn Thủy gọi nồng nàn men rượu lá.
Pa pỉnh tộp ai làm sao khéo quá,
Để nao lòng người và đất Quan Sơn.
 
Thì một lần qua Bo Cúng đi em,
Trong man mác hương rừng và hương núi.
Ngỡ ngàng quá cái cách em qua suối,
Gái Thái mà... anh chưa biết đâu anh!

               N.H.B
 

VE VOI QUAN SON

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây