Truyện ngắn của Nguyễn Đạo Vinh

Thứ hai - 14/04/2025 14:28

TIÊN CẦU

     Đợt gió Đông bắc cuối mùa, làm cho nhiệt độ không khí hạ xuống đột ngột. Nam đã chùm thêm chiếc áo mưa ra ngoài, mà người vẫn run lên cầm cập.

Hôm nay là lần thứ mười, Nam lên phường để xin cho được cái giấy phép xây dựng. Nam ra cổng phường từ lúc bảy giờ, núp vào nơi khuất gió, quyết đợi cho bằng được cô Sinh, người phụ trách công tác quản lý trật tự xây dựng của phường.

Đốt hết gần bao thuốc, ngó đồng hồ đã gần mười một giờ, Nam vẫn chưa thấy bóng dáng cô Sinh đâu. Buồn chán, Nam đứng dậy đi tới quán nước đầu làng, nhưng mắt vẫn đăm đăm hướng  về phía cổng phường.

Vừa đưa chén nước lên mồm định uống thì Nam nhìn thấy tôi. Như người chết đuối vớ được cọc, Nam vội vàng chạy đến. Anh lôi tôi vào quán nước đầu làng.

Quán nước đầu làng là nơi tụ họp đủ các thành phần, nào anh xe ôm, nào khách đợi xe buyt, nào bác nông dân, nào người đi thể dục v v. Nếu ai mỏi chân, khát nước, thèm chuyện, thì xin mời vào. Vì thế, những câu chuyện ở quán nước đầu làng, lúc nào cũng rôm rả. Chuyện đông tây, kim cổ, trên trời, dưới biển, xa, gần đủ cả. Nhưng có lẽ chuyện mà người dân ở đây, hay đề cập đến và kể ra nhiều nhất, vẫn là: ‘’Chuyện thường ngày ở phường’’

Đón chén nước từ tay cô chủ quán rồi cung kính dâng lên mời tôi, anh Nam hồ hởi nói:

- Chẳng biết trời xui, đất khiến thế nào mà hôm nay tao lại gặp được chú mày? Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh.

Ngỡ ngàng về câu nói đó của anh, lại thấy anh vồ vập thái quá. Tôi sinh nghi, liền hỏi:

- Có việc chi mà anh lại khách sáo với em như thế?

Như được gãi đúng chỗ ngứa, Nam xổ luôn một tràng:

 - Chú mày là Nhà văn, Nhà báo, đi đây, đi đó nhiều, quan hệ rộng. Có quen ai ở phường, ở quận, xin cho tao cái giấy phép xây dựng? Tao đi lại mấy tháng nay mà vẫn chưa xin được. Tôi chưa kịp trả lời, thì, Toàn cò đất, bĩu môi, trề giọng:

- Thôi đi bố ạ! Không tiền có mà… Có quen bằng giời cũng cứ phải tiền hết. Thằng nào nó cho không ông bây giờ. Không tiền, thì chờ đấy! Bập bập điếu thuốc trên môi rồi phả ra một cụm khói xanh, Toàn nói tiếp:

- Nó còn nể nang ông nội ông là liệt sĩ chống Pháp, nó mới dền dền, dứ dứ như thế, chứ không nó hành cho bằng chết. Ông có biết nó dền dứ như thế để làm gì không? Để câu tiền của ông đấy. Ông nghe tôi, cứ đấm mõm cho nó vài chục củ cho xong mẹ đi. Đi đi, lại lại làm d..gì cho mệt.

Để cho Toàn dứt câu, tôi mới mở miệng nói với anh Nam:

- Anh cứ làm đầy đủ thủ tục nộp cho họ, chỉ mười lăm ngày sau họ trả lời. Được thì họ cấp phép cho ngay. Luật đã quy định rõ ràng như thế rồi mà?  Nam cau mày cãi lại:

- Cách đây hơn ba tháng, tao đã làm đầy đủ thủ tục như hướng dẫn của họ rồi đem lên nộp. Nhận xong, họ đưa cho tao một tờ giấy hẹn. Đến hẹn tao lên, thì được họ trả lời: “Cô Sinh đi chữa bệnh đột xuất, cô chưa bàn giao lại cho ai, bác thông cảm. Khi nào cô ấy về, chúng cháu sẽ thông báo cho bác.” Nhưng càng chờ càng mất hút.

Rút điếu Thăng long châm lửa xong, rít một hơi rõ dài, Nam nói tiếp:

 - Tao kể cho mày nghe, tao đi xem, mồng tám tháng Hai phải khởi công, tao đưa đơn, nộp hồ sơ cho họ là ngày mồng mười tháng Chạp năm ngoái,  bây giờ là ba mươi tháng Ba, tính đến nay là một trăm mười ngày chẵn mà vẫn chưa nhận được giấy. Sốt ruột quá, cứ mươi ngày tao lại lên hỏi, nhưng lần nào  cũng nhận được câu trả lời là, cô ấy đi vắng.

Chuyện giữa tôi và anh Nam được nhiều người trong quán nước để ý. Thắng xe ôm thấy anh Nam cứ khư khư cái quan điểm cũ rích không chịu nhả, hắn nhếch mép cười khẩy rồi nhảy xổ vào góp chuyện:

- Thời buổi này mà cứ ki bo như ông, thì còn lâu mới đến lượt nhé! Đến lúc sang tiểu chưa chắc nó đã duyệt cho. Rít xong điếu thuốc lào, Thắng đưa tay lên, vỗ vỗ vào ngực rồi nói:

- Tôi đây này! Mấy năm lăn lộn làm phu hồ, tích cóp mãi mới mua được cái xe ghẻ để chạy, kiếm đồng ra, đồng vào, cho con ăn học. Hôm nọ chở khách đến ngã tư Vọng, đang lớ ngớ tìm địa chỉ, thì bị chiếc dùi cui của ông công an dí vào ngực. Nhìn sang, thấy ông ta hất hàm ra hiệu cho xem giấy tờ. Tôi đưa cho ông ta cả tệp, xem qua một lượt, không thấy có chút sạn* nào bên trong, ông ta quay ra hạch đến, gương, đèn chiếu hậu. Van xin sùi bọt mồm, bọt mép lão cũng không tha. Phải nôn đủ ba lít, đúng ba lít** lão ta mới cho đi. Ông xem, lão ấy có khác đ.. gì lũ cướp ngày? Phải học để khôn dần đi, cứ ngu mãi thì chỉ có thiệt thân. Chờ cho Thắng xe ôm nói dứt câu, tôi mới trả lời anh Nam:

- Em nghe nói, tay Điều mới được chuyển về làm chủ tịch phường mình, tay này nghiêm khắc, chính trực lắm, không như thằng cha Động trước đây. Vả lại, mấy tháng nay, trên cũng đã kịp thời cho ra nhiều chỉ thị, nghị quyết, cùng các biện pháp, sát sao, quyết liệt, để ngăn chặn và đẩy lùi, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Ta cứ vận dụng vào đó mà làm. Sợ gì?

Ông Khiêm đi cày về, ngồi cạnh tôi từ khi nào không rõ. Nghe tôi nói xong, ông mặt đỏ, tía tai, đứng vụt dậy vỗ đít phành phạch rồi vặc lại:

- Chính với chả trực, thằng nào chả muốn liếm! Ti vi lúc nào cũng ra rả nói về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, càng chống thì nó lại càng tham. Có dây, có dợ hết rồi. Nói thì như rắn trong lỗ bò ra. Bụng thằng nào chẳng có cứt. Chỉ khi nào chó từ c.. thì may ra chúng nó mới thôi. Rít xong điếu thuốc lào ông Khiêm nói tiếp:

- Con thằng cháu Hải nhà tôi ông biết chứ? Nó vừa xin vào làm công chức ở phường, tưởng béo bở gì, hóa ra cũng chỉ là cái chân loong toong mà cũng phải đấm mõm chúng nó hai trăm củ*** đấy. Không tin tối ông đến mà hỏi nó. Rồi thằng Hoàn cạnh nhà tôi, lúc nào cũng tinh tướng, khoe với mọi người là tôi quen thằng nọ, thằng kia, ở đội quy tắc và thanh tra xây dựng của phường, của quận, tôi muốn làm sáu, bảy tầng cũng được. Năm ngoái xin giấy phép, xây bốn tầng, một tum, đã mất mẹ nó hơn bốn chục củ. Lúc gần xong, nghĩ thế nào lại nẩy thêm bốn chục mét vuông nữa để làm phòng thờ. Phải nôn tiếp bốn chục củ nữa, không nôn thì nó đập. Kêu giời, kêu đất, hết cả nói phét! Còn nhà Phó lò sát nách nhà tôi, xin phép xây bốn tầng cũng phải nộp bốn chục củ có ngay giấy phép. Nhưng cứ cách ngày lại có vài thằng tự xưng thanh tra xây dựng đến dòm ngó, đo đạc, hạnh họe, lại phải dúi cho dăm lít, hay một củ nó mới chịu đi. Lúc cầm tiền thì, anh anh, em em, cứ ngọt xớt. Xây xong, úp tí tôn lên cho đỡ nóng, nào ngờ bọn chúng lại mò đến, lập biên bản, đình chỉ. Van xin mãi, rồi phải bỏ ra năm chục củ, tọng vào họng chúng nó mới xong.

Sau khi đã trút được những bức bối trong lòng, ông Khiêm ngồi xuống, vê, vê, điếu thuốc cho vào nõ, rít một hơi thật sâu. Như sợ người khác cướp lời và như để cho mọi người biết rằng, mình là người đã am tường mọi việc, ông Khiêm nói tiếp:

-  Nói tóm lại, bây giờ cứ động đến cái gì cũng phải tiền, phải có Bác dẫn đường thì mọi việc mới xong. Nghe chửa?

Xem chừng chưa đủ đô, ông Khiêm đưa điếu cày lên rít thêm hơi nữa, rồi tiếp tục lải nhải:

- Trước đây chúng nó còn phải ngó trước, dòm sau, kín kín, hở hở. Bây giờ chúng nó công khai ra giá luôn, chẳng có oong đơ gì hết. Ông quay mặt về phía anh Nam, vừa vỗ vỗ vào vai anh, vừa nói:

- Thôi, đừng có lên lên, xuống xuống làm gì cho mệt. Về bảo vợ con nó, bớt ăn, bớt mặc, mửa ra cho chúng nó ít. Nghe chửa!

Tôi ù tai, hoa mắt về những câu nói của ông Khiêm, người cứ nóng ran, có lúc lại hầm hập như lên cơn sốt, mặt thì  đỏ rực, tâm trạng lại cứ bần thần như người bị mất sổ gạo.

Ngồi thêm một lúc lâu để trấn tĩnh, tôi mới dám đứng lên ra về. Trên đường về, nhiều người gật đầu, vẫy tay chào hỏi mà tôi cũng chẳng hay.

Tối đó, cơm nước xong, tôi đến nhà ông Khiêm để tìm hiểu rõ sự tình câu chuyện ban sáng ông đã kể. Vào đến nơi, ông niềm nở mời nước rồi thủ thỉ:

- Cháu nó bảo tôi đừng nói nữa. Nói ra để họ đuổi việc à? Vừa mất tiền lại vừa mất việc. Quá nữa, họ bảo mình là vu khống, họ tống giam thì bỏ mẹ? Uống xong chén nước, ông nói tiếp:

- Bức xúc quá thì nói ra, cho nó hả được chút nào hay chút ấy, chứ dân đen nào dám đối đầu với quan. Quyền hành, luật pháp ở trong tay họ cả. Cho thuốc vào nõ rít một hơi dài, ông lại nói với chất giọng buồn buồn:

- Mười tám tuổi tôi vào bộ đội, đánh Đông, dẹp Bắc, mười ba năm trời, thương tích đầy mình, về phục viên, phải lăn lộn kiếm sống. Ngoài sáu chục tuổi đầu, mới dựng nổi túp nhà này. Mấy đứa trẻ ranh vắt mũi chưa sạch, nhờ vào hai chữ ‘’cốt cán’’ của thằng bố với con mẹ mà ngoi lên, rồi luồn lọt, chạy chọt, để được lên làm ông nọ, bà kia. Chỉ mấy năm thôi, chúng nó đã làm được nhà ba, bốn tầng, mua sắm xe hơi, tivi, tủ lạnh đủ kiểu. Ông cứ nhìn vào dinh cơ của thằng Lươn trưởng thôn trước đây với con Lẹo phó chủ tịch phường thì rõ. Tôi hỏi ông, tiền đó ở đâu? Nói xong, ông Khiêm ôm ngực ho sù sụ. Thấy ái ngại vì càng ngồi lâu, lại càng làm phiền cho gia đình ông, tôi đứng dậy xin phép ra về. Ra đến cửa ông rỉ tai tôi:

 - Chuyện đâu bỏ đấy, đừng nói ra, nhỡ chúng nghe được thì khốn.

Đi khỏi nhà ông Khiêm một đoạn xa, tôi giật mình khi thấy ai đó gọi:

- Ông trẻ! Ông trẻ! Tôi quay ngang, quay dọc xem có phải ai đó gọi mình không. Từ xa, một bóng đen chạy tới, gần đến nơi người đó hỏi:

- Ông không nhận ra cháu à? Cháu là Hoan đây. Lúc này tôi mới nhận ra Hoan. Thằng cháu mà tôi đã có dịp phỏng vấn để đưa tin bài lên báo. Khi đó Hoan đang làm Bí thư đoàn xã, một điểm sáng trong phong trào làm bèo dâu của huyện, của tỉnh. Tôi hỏi Hoan:

- Cháu đi đâu đấy? Giờ có còn làm việc ở xã không?

- Ông vào nhà cháu chơi đã.

Vào đến nơi, Hoan pha nước xong mới nói:

- Buồn lắm ông ạ! Cháu làm đến khóa thứ tư thì xin thôi, về đi cày. Tôi nửa đùa, nửa thật hỏi:

- Chắc lại nhí nhố, cô nọ, cô kia, bị kỷ luật chứ gì? Vợ Hoan ngồi bên giường đang hướng dẫn con học bài liền chen vào:

- Không phải đâu ông ạ! Họ kết bè, kéo cánh để ăn chặn của dân, ăn trên ngồi chốc, nhà cháu không chịu nổi cảnh đó, xin nghỉ chứ không có gái gú gì đâu ông trẻ ạ.

Tôi “à” lên một tiếng rồi vội vàng đưa ra câu:

- Xin lỗi hai cháu nhé!

 Hoan rót xong chén nước đưa lên mời tôi, sau đó cậu ta nhẹ nhàng cất lời:

- Ông trẻ có biết không? Giá ngày ấy, cháu nghe lời ông trẻ, thì cháu đã đổi đời, có khi thành quan huyện, quan tỉnh rồi cũng nên. Ngừng một lát Hoan nói tiếp:

- Cháu nặng tình, nặng nghĩa với vợ con, với dân làng quá, nên cháu không muốn đi thoát li. Hoan chặc lưỡi một cái rồi nói tiếp:

- Thôi, số giời cho đến đâu thì hưởng đến đó. Đi thoát ly dạo ấy có khi là sướng, có khi phải ngồi tù. Vì chỗ cháu định xin vào, thì vài năm sau, mấy ông lãnh đạo ở đó bị truy tố, về tội biển thủ công quỹ. Nghe tới đây tôi vội chen ngang:

- Mỗi người có một bản lĩnh khác nhau chứ?

- Ông trẻ ơi, không được đâu. Mình không vào hùa, họ gạt ra ngay. Không cẩn thận họ xiếc cho một mẻ, ngồi mà bóc lịch. Cháu cứ làm thằng dân cày cho nó lành.

Tôi thực sự tiếc cho một tài năng trẻ, liền chép miệng:

- Nói về số xiềng thì cũng chẳng phải, nhưng bảo là không có số cũng chưa hẳn đã đúng. Bởi sáng nay, chú nghe được những câu chuyện của người nọ, người kia ở ngoài quán nước. Chú thấy, đâu có phải tại số, để phải bỏ ra vài trăm triệu mới xin được việc làm. Đâu có phải tại số, để bỏ ra mấy chục triệu đồng, mới xin nổi cái giấy phép xây dựng. Tất cả là do cái cơ chế của mình chưa phù hợp, nên nó mới sinh ra cái tham lam, ích kỷ, quan lêu, tắc trách v v. Sau đó tôi kể hết mọi chuyện ở quán nước sáng nay cho Hoan nghe. Hoan xác nhận, những chuyện đó là có thực. Hoan còn cung cấp thêm nhiều chi tiết về những mánh khóe và thủ đoạn tham nhũng của mấy tay lãnh đạo phường.

Tôi an ủi cháu:

- Mình cứ ‘’Ở hiền gặp lành”, những kẻ ăn trên ngồi chốc, ắt sẽ phải trả giá. Trời không để cho bọn họ được hoành hành mãi đâu.

Ngồi với cháu đã lâu, tôi đứng lên ra về, Hoan tiễn tôi ra cổng rồi nói:

- Hôm nào rảnh rỗi, ông trẻ lại đến chơi với cháu nhé!

Trên đường về, tôi cảm thấy hết sức xấu hổ và buồn chán, vì trong suốt mấy chục năm qua, Đảng và Nhà nước (trong đó có tôi) đã bỏ ra biết bao công sức, tiền của, để giáo dục đào tạo những hạt giống đỏ, thành những con người vừa hồng vừa chuyên. Những con người đó sẽ là những hạt nhân tiêu biểu cho bộ máy lãnh đạo trong tương lai. Vậy mà…  Tôi cũng vô cùng ân hận, vì suốt bao năm qua, tôi cứ chạy theo những danh vọng ảo, chẳng để tâm tới số phận của những người dân lam lũ. Họ đã và đang phải gồng mình để chống chọi lại với căn bệnh, quan liêu, cửa quyền, tham lam, tắc trách. Những căn bệnh cố hữu đó, đã làm cho người dân kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần trong mấy thập kỷ qua. Tôi đã bị những lời khen có cánh, che mắt, dắt mũi, làm cho tai điếc, mắt mờ, đầu óc không còn nhận ra được điều hay, lẽ phải. Tôi đã sống một cuộc sống ảo. Có về làng tiếp xúc với bà con, tôi mới hiểu rõ sự đời. Trong lòng tôi dâng lên một nỗi buồn khôn tả. Tôi đặt ra câu hỏi: “Không biết đến bao giờ, quê hương mình mới dọn xong những đống rác, đã tồn đọng trong mấy chục năm qua?”

-----------------------------------------------

Ghi chú: Sạn* (tiền), Lít** (trăm), Củ***(triệu)

                                                            

 

Minh họa của Báo Thanh niên

Minh họa của Báo Thanh niên

 

 

                                                  GÀ QUÈ…                                                          
     Như thường lệ, tối nào ông Cường cũng đi sang nhà vợ chồng Tý để uống nước. Hai bố con ông Cường thường ngồi với nhau để tâm sự về chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện nhân tình thế thái.

 Hôm nay, cơm nước xong, ông Cường lại lọc cọc chiếc gậy đi sang nhà con. Vừa vào đến cửa, ông đã nghe thấy tiếng vợ Tý chu chéo:

- Ông không nghe tôi đi làm ngay, nay mai hết hạn họ thu hồi thì đừng có mà trách. Đến lúc ấy thì chỉ còn nước lôi nhau ra gặm đất, mà đất cũng chả còn để cho ông gặm đâu?

- Tao đố thằng nào vào đây mà thu hồi của tao đấy! Thằng nào vào thu tao chém!

- Ờ! Ông giỏi quá! Ông xem có ai chống lại được với chính quyền không? Cứ lớ xớ họ bắt bỏ tù, tôi chả có thời gian để đem cơm cho ông đâu?

- Tao làm cái đ.. gì mà bỏ tù tao?

Tiếng đối đi, đáp lại của hai vợ chồng nhà Tý va vào nhau chan chát, có lúc nó xuýt văng cả vào mặt ông Cường.

Đứng lâu đã mỏi, lại phải nghe những lời nói chối tai của hai vợ chồng nhà Tý. Vả lại ông chưa biết vợ chồng nhà Tý cãi nhau vì chuyện gì? Ông Cường đưa chân qua bậu cửa rồi lên tiếng:

- Cãi nhau như thế, thì cũng đủ no rồi, chẳng phải cơm nước gì đâu con nhỉ?

Vợ chồng Tý, thấy bố vào nhưng vẫn cứ cãi nhau xa xả. Ông Cường thấy vậy, bực quá, gắt toáng:

-Tao đã vào đến đây mà chúng bay không nể mặt, lại cố tranh cãi. Bây giờ từng đứa một, nói lại cho tao nghe. Cứ lao xao như cầu ao rửa đ..thì biết đứa nào đúng, đứa nào sai mà phân giải. Hai vợ chồng Tý bấy giờ mới chịu im. Ông Cường lên tiếng:

- Có chuyện gì, vợ Tý trình bày trước tao nghe. Vợ Tý bấy giờ mới đi ra bê cốc nước ở bàn đưa cho bố chồng rồi nói:

- Thưa thầy! Mấy hôm nay con thấy dân tình cứ lao xao rủ nhau lên phường làm lại sổ đỏ đất canh tác. Họ bảo, ai không làm, đến lúc hết hạn quyền sử dụng, sẽ bị nhà nước thu hồi. Và nếu có bị mất ruộng, họ không trả tiền đền bù. Con bảo nhà con đi làm, anh ấy cứ chống lại mới sinh cãi nhau. Chỉ đơn giản thế thôi. Thầy đừng lo.

Ông Cường gõ mạnh chiếc gậy xuống nền nhà, làm cho nó phát ra những tiếng ‘’lộc cộc’’. Ông đưa ngón tay lên, quệt quệt ngang mũi rồi nói:

- Ứ ừ! Ứ ừ! Rõ là cái loại ma đống, ma đụn! Có mỗi chuyện cỏn con như thế mà cũng để vợ phải nói. Đúng là ‘’Gạo đổ bồ đài, muối để bàn chân’’. Hứ! ‘’Ngày thì còn mải đi chơi, tối lặn mặt giời đổ thóc vào rang’’. Đáng mặt thằng đàn ông chửa? Vợ nó bảo đi làm, thì bớt thời gian đi mà làm cho xong. Có to tát gì đâu mà phải cãi nhau? Ông Cường cứ thũng thẵng nhát một, làm cho Tý càng thêm bực. Cố kìm nén cơn tức, Tý đi đến  bên bố rồi phân trần:

- Chỉ có thế thôi thì nói làm gì hở Thầy? Họ bắt mình phải đập hết các công trình như lều lán, chuồng trại có trên mặt đất, họ mới làm cho. Làng mình đã có vài chục nhà nghe theo, họ đi đổi sổ, được ra hạn cho lăm mươi năm. Nhưng cũng có nhà không làm được, vì họ nhất quyết không dỡ các công trình của họ. Con cũng nhất quyết không tháo dỡ, vì gia sản nhà mình nằm hết ngoài đồng. Giờ mà đập, mà tháo dỡ hết, thì lấy chỗ nào mà trông coi? Lấy chỗ nào mà chăn nuôi, sản xuất? Lấy gì mà đổ vào mồm? Của nả một nơi, người một nẻo, giữ làm sao được. Dừng một lúc, Tý nói tiếp:

- Các hộ nghe theo phá đi, nay mai muốn dựng tý lều, lán, để chăn nuôi và có chỗ chui ra, chui vào trông nom hoa lợi, lại phải đem tiền lên đấm mõm chúng nó. Cọn nghĩ, bọn họ hành xử theo kiểu ‘’Gà què ăn quẩn cối xay’’. Thi thoảng lại khoắng lên để ‘’Đục nước béo cò’’ thôi bố ạ. Chứ chẳng phải là chủ trương, chính sách của trên đâu?  Ai non gan thì cứ đập. Con nhất quyết không đập, không phá.

Ông Cường nghe con trai trình bày xong, thì những bực tức khi nãy tự dưng tan biến, thay vào đó là những nỗi buồn man mác, ông sõng sượt thở dài. Ngẫm nghĩ một hồi lâu, ông đứng phắt dậy hét toáng:

- Chính sách quái gì mà cứ nay thay, mai đổi thế này, thì sống làm sao? Thành lấy tay vuốt vuốt tấm lưng gầy còm của bố, anh nhẹ nhàng an ủi: 

- Thầy già rồi, nghe để biết vậy thôi. Đừng suy nghĩ nhiều hại đến sức khỏe.

Tý không ngờ câu nói đó của mình lại như lửa đổ thêm dầu. Ông Cường quắc mắt lên nhìn Tý rồi dằn từng tiếng:

- Mày bảo đừng là đừng thế nào? Ông đưa tay lên vỗ vỗ vào ngực rồi lại nói to hơn:

- Tao! Chính tao là người tiếp nhận chủ trương, chính sách, của trên về phổ biến cho dân. Bây giờ lại xoay ra thế này, thì tao chỉ còn cách đưa đầu vào thòng lọng, hay đâm đầu vào ô tô mà chết cho hết nợ.

Im lặng một lúc, ông lại than thở:

- Cơ sự thế này thì còn mặt mũi nào để nhìn người dân nữa, hở giời?

 Ông uể oải lê từng bước ra về. Vừa đi, ông vừa nghĩ về những việc làm của mình, trong những năm trước đây. Bởi cách đây gần hai chục năm, lúc đó ông đang làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp xã Hoa mai. Một hợp tác xã tiên tiến, điển hình về mọi mặt của Thủ đô. Ông đã được đi thăm quan các mô hình sản xuất ở nhiều nơi, học được những cách làm hay ở nhiều hợp tác xã, đem về để áp dụng cho địa phương mình.

Về đến nhà ông nằm vật ra giường suy nghĩ: ‘’Khi Đảng và Nhà nước đưa ra chủ trương về việc dồn điền đổi thửa, cùng với việc công nhận lăm thành phần kinh tế, cho phép người dân được chuyển đổi mục đích và phương thức sản xuất, được tự mình chọn lọc trồng cây gì, nuôi con gì để tạo ra nhiều của cải nhất cho xã hội và tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Phong trào VAC ( vườn - ao - chuồng) được lan rộng ở khắp nơi. Người lao động có công ăn việc làm, không còn cái cảnh chạy chợ, đong ăn từng bữa như trước đây. Không còn cái cảnh chờ kẻng đi làm, hay dắt trâu bò, vác cày, bừa, chạy khắp cánh đồng để làm đất như trước nữa.

 Cũng từ việc vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương và những chính sách đó, đã làm cho nền kinh tế của hợp tác xã Hoa mai khởi sắc.

Từ một xã thiếu đói triền miên, trải qua vài, ba năm làm ăn theo mô hình mới, các xã viên trong hợp tác xã, đã có của ăn, của để. Nhiều gia đình đã xây được nhà cao tầng, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt, đều nhờ vào con lợn, con gà, con trâu, con bò, mớ rau, con cá v v. Cơ sở vật chất như trường học, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, đường làng, ngõ xóm, được khang trang hơn trước, đều nhờ vào sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Chính ông đã là người đi đầu trong phong trào này. Ông thuê người đào ao thả cá, ông xây dựng bốn gian chuồng trại, chăn nuôi hơn tám chục đầu lợn / năm, ngỗng, gà, ngan, vịt hàng trăm con xuất bán ra thị trường. Ông thuê thêm đất trồng bưởi, thu nhập từ con số, không đồng/ một ngày công khi còn trồng lúa, nhảy vọt lên 50 đồng rồi 200 đồng trên một ngày công sau vài năm chuyển đổi. Ông đã được tặng nhiều bằng giấy khen của các cấp, các ngành. Ông còn được mời đi báo cáo điển hình cho nhiều xã, trong huyện, trong tỉnh.

Ở thời điểm đó, muốn mua được viên gạch, hòn ngói đâu có dễ. Đường xá thì lầy lội, điện đóm chưa có. Vật tư, vật liệu đều phải gánh bằng đôi vai. Vợ chồng con cái phải đội nắng, đội mưa, cả cánh đồng làm gì có bóng cây để trú. Ăn đói mặc rét, dồn hết sức lực, tâm huyết, cho một mô hình làm ăn mới. Ông phải đi vay ba, bốn nơi mới được dăm chỉ vàng về để đầu tư. Nay  gia đình, con cái, mới được mát mặt một tí đã lại thay đổi. Thật, chẳng biết đường nào mà lần. Không thể hiểu nổi, vì lí do gì, mà họ lại đưa ra một chủ trương quái gở đến như vậy? Ông cứ trăn trở với câu hỏi ấy, hết ngày này, qua ngày khác, mà vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Hôm qua, ông đi ăn cưới con bà Sinh ở xóm Đông, lại được nghe những người dân, xôn xao, bàn tán về chuyện chạy sổ. Có người bảo chỉ mất có năm triệu. Có người thì bảo, phải mất hai mươi triệu. Có người lại nói rằng chẳng mất xu nào. Người nói đông, người nói tây chẳng biết thế nào mà lần.

Nhưng đa số người dân trong làng họ bảo nhau rằng ‘’Thằng nào thích thu thì thu, chứ họ nhất quyết không chịu đập’’. Hàng mẫu bưởi đã đến độ thu hoạch chẳng nhẽ đêm hôm quấn bạt, quấn chăn để nằm trông. Ngày nắng đã vậy, ngày mưa thì nằm vào đâu? Rồi còn đàn gà hàng trăm con, lợn mấy chục con biết nhốt vào chỗ nào? Không khí trong làng cứ nhốn nháo, nhộn nhạo. Chuyện vợ chồng, con cái, anh em, cãi nhau về việc chạy sổ, cứ xảy ra như cơm bữa, mà chẳng ai can thiệp.

Gần nửa tháng nay, chỉ vì suy nghĩ nên người ông Cường cứ tọp dần, tọp dần, ông ăn không biết ngon, ngủ không đẫy giấc. Đứng lên, ngồi xuống thì cứ lẩy bà, lẩy bẩy, như con gật gân. Nhiều khi ông cứ đưa tay lên đấm ngực thùm thụp rồi ho sù sụ, bởi lúc nào ông cũng dằn vặt bản thân. Ông cho rằng, vì ông mà những người dân làng Hoa mai mới phải chịu những cảnh ngộ này. Nhiều lúc, ông lại tự mình đặt ra câu hỏi: ‘’Không hiểu có phải là chủ trương, chính sách của trên đưa ra không? Hay chỉ là những tin đồn nhảm để nhân cơ hội ‘’Đục nước béo cò’’, moi tiền của dân làm giàu bất chính. Nếu đúng là chủ trương, hay nghị định, thì phải có văn bản cụ thể. Là một đảng viên, mình không thể đứng ngoài, phải đem những thắc mắc đó, đến hỏi những người có  trách nhiệm xem sao? Cứ ngồi mà lo nghĩ, thì có khác gì mặc áo tơi đợi mưa. Nghĩ vậy, ông quyết định, bằng mọi giá phải tìm được hai nhân vật quan trọng này.

Cơm nước xong thì trời đã tối, ông Cường bảo thằng Tẹo, con nhà Tý đưa đi. Ông đã được, bí thư chi bộ Đoàn văn Hai cùng trưởng thôn Cao Tấn, đón tiếp niềm nở. Nhưng khi hỏi đến vấn đề cụ thể là việc đổi sổ đất canh tác, có nghị định, thông tư nào hướng dẫn hay không, thì ông chỉ nhận được một câu trả lời hết sức mù mờ của hai vị lãnh đạo rằng: ‘’Có lẽ có chủ trương ấy thật’’.

Qua mấy đêm suy nghĩ, ông Cường quyết định, phải lên phường hỏi thẳng chủ tịch Ủy ban Nhân dân, hoặc Bí thư Đảng ủy phường cho rõ thực hư. Để mãi tình trạng bất an như thế này, sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Đảng.

Sáng hôm sau ông dậy từ sớm để chuẩn bị máy quay, máy ghi âm để ghi lại hình ảnh, lời nói của các vị lãnh đạo, làm bằng chứng khi nói chuyện với dân.

 Trong bộ quân phục chỉnh tề, ông Cường thủng thẳng đi vào phòng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hoa mai. Ông được cô nhân viên trực ban cho hay:

- Chủ tịch và Bí thư đảng ủy đang tiếp các lãnh đạo quận. Nếu có việc cần chiều bác lên. Ông lưỡng lự một lúc, định hỏi cô nhân viên một câu gì đó, song lại thôi. Chào cô nhân viên xong ông Cường quay ra. Đúng lúc đó, ông lại nhìn thấy Vũ Nhôm, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân phường đi tới, ông Cường chặn Vũ Nhôm lại rồi hỏi:

- Tôi muốn được xem cái thông tư, hay nghị định về việc, gia hạn sổ đỏ đất canh tác. Và muốn hỏi, tại sao trước đây, nhà nước vận động nhân dân làm kinh tế theo mô hình VAC mà nay lại bắt dân đập bỏ?

Nghe xong lời đề nghị và câu hỏi của ông Cường. Với sắc mặt lạnh như tiền, Vũ Nhôm ráo hoảnh trả lời:

- Ờ, thì biết thế là sai, nhưng trên bảo thì chúng cháu phải thi hành thôi!

Như bị nhát dao đâm trúng tim, ông Cường ôm lấy ngực rồi từ từ gục xuống. Dùng chút sức lực còn lại, ông gồng người lên và cố rặn ra mấy câu:

- Lỗi…lỗi ở tôi! Lỗi ở..ơ..ở tôi! Tất… tất.. cả..ả.. là.. lỗi… ở.. tôi!

Ông Cường chết đi nhưng vẫn mang theo những ân hận xuống huyền đài. Chẳng biết ở dưới đó ông cười hay ông khóc?

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây