VÀ TÌNH YÊU Ở LẠI

Thứ năm - 18/07/2024 08:53
Trọng Nghĩa: Đọc tùy bút “ Những búp gió Tây Hồ” của Phạm Thị Phương Thảo, NXB Hồng Đức tháng 5/2024.
VÀ TÌNH YÊU Ở LẠI

   Lâu nay tôi ít đọc Tuỳ bút, bởi có một “ mặc định” khó lý giải, đổ lỗi cho Tuỳ bút độ này nhàn nhạt, uốn éo câu chữ cũng được, đổ lỗi cho việc bây giờ “ trên Trời dưới sách” các thể loại, phải dành thời gian cho những cuốn sách hay cũng xong, và, xem ra có vẻ “ Nhã”?!

Nhưng khi được nữ Nhà thơ, Hoạ sỹ Phương Thảo Phạm tặng cuốn Tuỳ bút NHỮNG BÚP GIÓ TÂY HỒ của Chị mới xuất bản (tháng 5/2024) thì tôi - vốn đã yêu thơ Phạm Thị Phương Thảo - nên đã đắm mình vào đó.

Với 36 bài viết trong tập sách 248 trang, tôi đã đọc thật chậm, thật chậm để tìm về với mình. Mỗi bài viết là một bài thơ - văn xuôi, ở đó lấp lánh những con chữ. Những con chữ giản dị được làm mới, những chữ mới tìm tòi, sáng tạo giúp người đọc bừng thức xúc cảm thẩm mỹ.“Tôi đi dọc triền sông. Một ngày thu đầy gió. Ngắm sông Hồng nằm thở. Bình minh nhuốm rực hồng. Sông mùa này thật trong. Như mắt người thiếu nữ. Những đêm sông không ngủ. Hà Nội chớm vào đông! Gió chải tóc ven sông. Hoa dại nở tím hồng. Tôi nhớ gió sông Hồng. Thổi cong con đê cũ. Chờ mùa hoa cải nở. Rực vàng bên bến sông...”(Gió sông Hồng thổi cong con đê cũ), một tiêu đề rất thơ của một bài thơ - Văn xuôi, thể thơ 5 chữ.

Chiều xuống, bước chân ai theo về trên con đường quanh co ven hồ mà dịu dàng gót nhỏ? Bóng dáng những thiếu nữ Hà Thành tự xa xưa nay vai mềm tóc xõa có còn đuổi theo từng búp gió đung đưa? Chợt từng cơn gió thu mang hơi thở heo may đang lô xô đuổi theo từng búp gió Tây Hồ. Bao mùa thu đã đi qua cuộc đời mà sự nuối tiếc như chợt vỡ òa trên vai áo người qua. Cái còn và cái mất, cái vui và cái buồn, ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau đôi khi cũng thật mong manh như sương khói. Hồ Tây vẫn mênh mông ngàn năm sóng lượn, những búp gió Tây Hồ mang theo vẻ đẹp vô thường lại thảng thốt nở bung… (Những búp gió Tây Hồ, trang 185).

“Đọc “ Đêm sương giăng mắc tơ vương” hay “ Đoá ban mai”, “Giấc hoa xuân”; “ Lạc mình trong cỏ”; “ Tóc hát”; “ Những búp gió Tây hồ” và “ Giấc Sen chạm nhẹ vai mùa”…Chỉ cần đọc những tiêu đề ấy đã thấy đậm chất thơ, có chỗ đậm chất thiền khi thả hồn vào từng trang viết là ngập tràn niềm cảm xúc. Nếu đọc hết và đọc kỹ, tôi đồ rằng: vài “ lều thơ” có thể góp nhặt những câu, những chữ hay trong tập sách để “ sáng tác” nên dăm mươi bài thơ?! (Tuy vậy tôi không khuyến khích việc ai đó việc “ đạo văn” này!).

Giấc hoa mùa Xuân đang hiện hữu. Hình như càng nở trong giá buốt và sương sa thì hoa mận càng thêm vẻ thần tiên, lộng lẫy, trắng trong. Hoa mận trắng nở vào tiết xuân càng thêm đẹp, vẻ đẹp lung linh trong giá buốt. Cái đẹp làm các thi sĩ phải nao lòng. Loài hoa của núi rừng Tây Bắc luôn ngậm bao nhiêu sương giá của đất trời mà chưng cất nên những vẻ đẹp trắng trong, mong manh và tinh khiết. Từng chùm hoa hé nở một cách lặng lẽ và khiêm nhường. Hoa hồn nhiên nở trắng bừng dưới những thung sâu hay trong những khu vườn đồi cao. Hoa đẹp như giấc thiên thai. (Giấc hoa xuân, trang 46)

Không chỉ đậm chất thơ, mà hồn cốt của tập Tuỳ bút, ẩn sau những bóng chữ, là nghĩa của chữ, là nhân văn, trí tuệ.“ Bến sông xưa còn đó. Ngọn gió chiều xanh tôi”; “ Mênh mang dòng sông vắng. Cuốn đi những vô thường”; “Những mùa thu biền biệt tóc trắng. Những mùa thu biền biệt lá vàng”; “ Nước sông mặn, cát sông mặn, phù sa hồng và mặn hơn, có phải chăng là thứ trầm tích của mồ hôi, nước mắt và máu của bao đời”; “ Chúng ta không thể cứ nói mãi về những nỗi buồn đau. Cũng không thể cứ mãi suy nghĩ, cứ viết và nói mãi rằng cuộc sống này chỉ toàn là những điều ngang trái, xấu xa và tệ hại”…

Những triết lý nhân sinh được chị gửi gắm vào hoa và người Hà Nội. Ngắm hoa để nghĩ về người. Hà Nội thiếu hoa dù chỉ một ngày cũng là tẻ nhạt. Hoa cũng có số phận riêng và mang hồn của chúng đến với muôn loài xung quanh. Nếu bạn lặng im ngắm nghía và trân trọng từng vẻ đẹp của chúng, bạn sẽ thấy mỗi loại có hình dáng, màu sắc, hương vị và tính cách của chúng rất khác nhau. Chúng đều có thân phận và sự hấp dẫn riêng trong vũ trụ này sau những dâng hiến hết mình, thậm chí ngay cả từng bông hoa dại mà bạn hờ hững bước qua. Thử nghĩ xem, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên khô cứng, nhạt nhẽo, buồn tẻ nếu thiếu vắng các loài hoa hay thậm chí chỉ là những bông hoa cỏ (Hoa và người hà Nội, trang 69))

Tác giả Phạm Thị Phương Thảo có một Tình yêu mãnh liệt với Hà Nội - nơi Chị đã lớn lên và trưởng thành. Chị yêu da diết dòng Sông Hồng - Sông Cái, Sông Mẹ - yêu những con sóng ào ạt mùa lũ, hiền hoà mùa đông, yêu những ngọn gió thổi dọc triền đê, thổi ngang cầu Long Biên, cây cầu vắt qua hai thế kỷ như một chứng nhân lịch sử. “Ngàn năm Thăng Long đã qua với bao chứng nhân lịch sử. Cây cầu Long Biên vẫn khắc khổ đứng đó, dường như ngạo nghễ thách thức với thời gian mặc cho sông nước phù sa sông Hồng vẫn đỏ ngầu và trôi chảy bên đời với bao bước chân qua…” ( Hà Nội có cầu Long Biên, trang 53).

Chị yêu những người dân cần cù, lam lũ cấy trồng nơi Bãi Giữa, yêu những nhành hoa lau trắng ngả sắc hồng trong ánh tà dương…Chị yêu thật nhiều Hồ Tây “ mênh mông ngàn năm sóng lượn”, ở đó có những búp gió - búp sen “mang theo vẻ đẹp vô thường thảng thốt nở bung”. Vẻ đẹp xưa cũ của Hà Nội lãng mạn theo nhịp sống chậm của những bước chân cần lao. Chị yêu hoa Hà Nội, yêu mùa thu lãng đãng hơi sương, mùa đông mặc trầm thương nhớ, mùa xuân nhành non lộc biếc, mùa hạ rạo rực trễ tràng. Chị yêu Hà Nội không chỉ với tình yêu đơn thuần, không chỉ để ngắm, để hít hà vẻ đẹp, hương thơm hoa cỏ mà còn trăn trở bởi vẻ đẹp xưa cũ của người, của cảnh làm nên bản sắc văn hoá kinh kỳ ngày một tàn phai, nhiều thứ giá trị xưa đang nguy cơ mất dần. Chị trăn trở, mong đề xuất những cách thức bảo tồn vốn quý ấy. Chị có vẻ là người đàn bà hoài cổ khi nhớ về Hà Nội xưa, chị yêu thích lối sống chậm, trong khi lối sống nhanh, thực dung, hời hợt , theo kiểu " hớt váng" đang có nguy cơ gia tăng trong giới trẻ.

Và hơn hết, Chị yêu và dành tình thương yêu, sẻ chia, đùm bọc tới những phận đời yếu thế, yêu và thương những người dân lành trong mùa Covid, yêu tiếng cười trong veo của trẻ thơ, yêu những người bạn văn nghệ sỹ - những người đồng hành với Chị trong Nghiệp Gieo Chữ nhọc nhằn…Phải là người có trái tim nhân hậu, mẫn cảm, phải là người sống sâu sắc, lịch duyệt, sống cùng hòa mình với thiên nhiên, với Người, với Đời, mới có thể viết nên những áng văn hay như thế.

NHỮNG BÚP GIÓ TÂY HỒ đang thổi ! Trong khuôn khổ một bài cảm nhận nhỏ, chúng tôi không thể viết dài. Trong cảm thức của chúng tôi khi đọc xong cuốn sách hay là TÌNH YÊU Ở LẠI. Xin cảm ơn và Chúc mừng Nữ sỹ Phạm Thị Phương Thảo.

.

Hà Nội, chiều cuối hạ 2024.
Nhà văn, Nhà báo Trọng Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây