Về bài thơ viếng Đại tướng Lê Trọng Tấn của Tào Mạt

Thứ hai - 17/06/2024 19:43

Nhà văn Phùng Văn Khai


 

       1 Trong một ngày cuối tháng 4 năm 2024, tôi và nhà báo Nguyễn Kiên Thái tới thắp hương và trò chuyện với thân nhân gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn tại ngôi nhà 36C Lý Nam Đế, nơi Đại tướng có nhiều năm gắn bó và hiện đang đặt ban thờ ông. Trong những ngày cả nước nô nức hướng về Điện Biên tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), căn nhà 34 Lý Nam Đế vẫn trầm mặc dưới bóng cây xanh mát. 



Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
cùng một số cán bộ trao đổi công việc
.                           Ảnh Tư liệu từ Báo QĐND



     Dãy hàng lang mộc mạc hun hút nắng gió, cánh cửa gỗ xanh mở rộng gian thờ đơn sơ thoáng đãng ngay cả hương khói cũng thanh sạch vô cùng. Các chiến sĩ Điện Biên, các vị tướng lĩnh và thế hệ con cháu các đồng đội của Đại tướng thi thoảng vẫn đến đây thắp hương tâm sự, báo cáo với ông về công việc trong cuộc sống. Ông đi xa thấm thoắt đã gần bốn mươi năm trong bối cảnh đặc biệt của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Ông giờ như vẫn đang ở đây, thanh thản, khuôn mặt trầm sâu như cảm nhận rất rõ sự chuyển động và phát triển, trưởng thành của đất nước ta, quân đội ta, nhất là đời sống của nhân dân ta.

Chị Trần Thị Hà, người con dâu của Đại tướng hiện đang ở đây chăm sóc ngôi nhà, hương khói cũng là người thuộc rất kỹ từng kỷ vật. Chị xúc động giới thiệu từng tấm ảnh với sự trân trọng, thành kính và nhất mực tự hào. Trong gian thờ ông, lời viếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến chúng tôi ai nấy đều rất xúc động và khâm phục: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn, người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết”.

Cũng trong gian thờ, chúng tôi đã vô cùng ấn tượng với bài thơ viếng của nhà thơ Tào Mạt. Bài thơ là một thi phẩm đặc biệt, là tiếng khóc của anh hùng trước anh hùng, là tiếng lòng của hàng ngàn, hàng vạn tấm lòng nhân dân chiến sĩ trước vị Đại tướng kính yêu. Khổ đầu tiên giản dị mà ôm chứa tới vô cùng:

Mưa hòa cùng nước mắt
Viết năm chữ chào Anh
“Vì nhân dân quên mình”
Nghĩa đời trong đó cả.
Đại tướng Lê Trọng Tấn mất khi ông mới ngoài bảy mươi tuổi giữa lúc việc quân, việc nước bộn bề đang rất cần tới trí tuệ và kinh nghiệm của ông. Ông ra đi đột ngột trong sự tiếc thương vô hạn của nhân dân và chiến sĩ cả nước, nhất là đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh C của quân đội ta, người đồng đội chiến đấu chí thiết. Đối với một bậc túc nho như nhà thơ Tào Mạt, mỗi chữ ông viết ra trong bài phúng điếu Đại tướng Lê Trọng Tấn đều là những giọt máu không chỉ của riêng ông mà là của tất thảy đồng đội dành cho vị Đại tướng vừa đột ngột đi xa:
Anh lưu để bền lâu:
Một trí lực tinh tường
Một trái tim trung dũng
Và bộ thần kinh luyện thành thép cứng
Với dáng vóc quê hương
Đậm đà - bền bỉ - thân thương
Những nét đó mai sau
Con cháu tích góp vào Tổ quốc.

Nhà thơ Tào Mạt đã như thay mặt các giai tầng xã hội tạc nên một mẫu số chung bằng lời thơ giản dị nhưng vô cùng cứng cỏi cũng như con người và sự nghiệp của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Lời thơ rất riêng mà cũng rất chung. Tình thơ dành cho một người mà cũng là dành cho non sông đất nước. Thơ khóc anh hùng cũng là thơ tạc anh hùng bằng xương bằng thịt đã hóa thành đồng Tổ quốc trong tấm lòng thơm thảo của nhân dân, của quê hương.

Điện Biên Phủ
Hồ Chí Minh
Việt Nam Quang Vinh
Trong cái Vĩ Đại, bao la như biển lớn mông mênh
Thấp thoáng đó đây, có bóng dáng Anh cùng đứng
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

Những dòng thơ vừa là địa danh, tên người đồng thời cũng là những tượng đài bất tử. Từ lửa đỏ Điện Biên tới dấu mốc Đại thắng mùa xuân năm 1975 trong trùng trùng quân đi như sóng luôn có bóng dáng người chiến sĩ anh hùng, vị tướng trận trên tuyến đầu với tài trí và trái tim lớn cùng đồng chí đồng đội vâng theo lời Đảng, lời Hồ Chủ tịch thống nhất non sông. Non sông vừa thống nhất, Bắc - Nam một dải ruột liền, nơi đầu biên giới tiếng súng còn chưa dứt, vị tướng trận đã ra đi trong tiếng nghẹn nấc của biết bao người đúng như lời thơ cổ được nhà thơ Tào Mạt đã đau đớn nấc lên: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.

Những dòng thơ chất chứa tự đáy lòng cứ thế như từng khúc ruột phơi ra:

Tuổi ngoại bảy mươi
Anh có nghĩ thế đâu
Làm gì có quan, tướng, công, hầu trong lớp lớp học-trò-Bác-Hồ anh nhỉ?
Những tiếng: chiến đấu, chiến thuật, chiến dịch, chiến lược anh nói ra lời,  thật là giản dị
Như cánh cò đồng lúa quê ta
Và gần gũi như bát nước chè, củ khoai lang khi bụng đói, đường xa
Rút lại còn năm tiếng “Vì nhân dân phục vụ”.

Những câu thơ quá đỗi gần gũi, thiết thân mà sao vô cùng khảng khái, khí phách, dài rộng, nhân văn, nhân nghĩa, trí dũng, bác ái giống như cốt cách không chỉ của Hồ Chủ tịch mà cả học trò của Người để cuối cùng rút lại mẫu số chung như khổ đầu bài thơ đã đặt ra: “Vì nhân dân phục vụ”. Khổ thơ cũng chính là một trong những phần xương cốt hình hài của bài thơ khóc vị tướng quân.

Cứ như thế! Trùng trùng đội ngũ
NHÂN DÂN GỌI ANH LÀ ĐẠI TƯỚNG
ANH EM GỌI ANH TỐ LÀ ANH TẤN
Anh Tấn ơi! Ngơ ngác khắp quân doanh
Sáng họp... tối đi... sao vội thế Anh?
Đại hội chưa xong... anh lên đường
Như xưa kia Bác Hồ điện gấp
Vẫn như ngày nào suốt đời cập rập.

Bài thơ như những nhịp quân hành. Dốc cao, đèo sâu trùng trùng đội ngũ. Đội ngũ thân thuộc máu thịt với nhân dân. Nhân dân gọi anh là Đại tướng chính là nghĩa tình sâu nặng nhất, trọng trách nặng nề mà anh gánh vác suốt cuộc đời tới tận lúc đột ngột lên đường trong ngẩn ngơ của đồng đội và nhân dân. Có lẽ nào khi ra đi vị tướng kính yêu của chúng ta không có sự chuẩn bị gì? Dự cảm gì? Căn dặn gì sao? Những câu hỏi ngày đó vang lên chứ bây giờ chắc đã không còn ai hỏi như thế nữa.

“Chơ vơ dưới cửa ba nghìn khách
Lạnh lẽo trong lòng chục vạn binh”
Sáng như trời sang xuân
Tối như mùa đổi tiết
Giữa đường Thủ đô
Mưa lất phất bay
Bùn vương lấm dép
Sắp Tết “Hăm hai tháng Chạp” rồi đây
Cách một quãng đường... chẳng kịp chia tay
Cứ vội vàng như đi chiến dịch
Như mũi tên bay là trúng đích!
Nhưng dù bận gì anh cũng về cùng với Bác năm nay.

Từng dòng chữ xuống hàng như từng mũi tên lao trong bão lốc. Trí lực thơ Tào Mạt mười phần thì cả mười phần là tiếng nói chung của “ba nghìn khách”, “chục vạn binh” còn hơn thế nữa của cả vô cùng tận nhân dân thương tiếc một con người. Những vần thơ chữ nghĩa tối giản mà tình nghĩa mênh mang như biển cả sông sâu gói cả đất trời ấm lạnh tiếc thương người đã khuất. Lời thơ viếng vị tướng Lê Trọng Tấn của Tào Mạt cũng là tấm lòng chung của nhân dân và chiến sĩ tiếc thương ông.

Trong buổi trò chuyện với người con dâu và cháu Đại tướng Lê Trọng Tấn, tôi và nhà báo Nguyễn Kiên Thái đã có những phút lặng đi khi nhìn lên vách gian thờ câu thơ trong bài thơ viếng Đại tướng của nhà thơ Tào Mạt cứ như động đậy, như có người đang đọc ngân rung.

P.V.K

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây