Về ca khúc “Ngày trở về” của Nhạc sĩ Phạm Duy

Chủ nhật - 09/06/2024 08:21

       

         VŨ HOÀNG PHƯƠNG

        Cứ mỗi lần ngồi nghe nhạc Việt không chỉ những chùm ca khúc viết về không ít các đề tài quen thuộc của hàng vạn các nhạc sĩ nổi tiếng đi từ Bắc chí Nam chúng ta không thể nào không biết đến một người nhạc sĩ đã sản sinh ra nhiều đứa con tinh thần bằng những tâm huyết của mình gắn bó với nền âm nhạc nước nhà. Một trong số đó có nhạc sĩ Phạm Duy, người đã cống hiến hết mình và đến tuổi cửu thập vẫn còn sáng tác những tác phẩm để đời, những bài ca đi cùng năm tháng và khiến ta sẽ không bao giờ quên được. Nét đặc biệt của Phạm Duy là đã đem dân ca vào trang viết chính của nền âm nhạc mới, với những âm điệu hấp dẫn, những ca từ mộc mạc, giản dị, đơn sơ trên mảnh đất quê nhà đầy thi vị, mới mẻ mà vẫn đầy bản sắc Việt. Với dân ca Phạm Duy là chiếc cầu để giới trẻ ở thành thị đi về với dân ca truyền thống nguyên thủy. Nhưng còn hơn nữa, Phạm Duy đã làm dân ca truyền thống thăng hoa, làm nảy nở những tinh hoa của nó. Nghe một bài dân ca Phạm Duy như: Ðố ai, Quê nghèo, Người về, Ngày trở về, Bài ca sao, người thành thị không chút nào cảm thấy cố gắng phải tìm về với bản sắc dân tộc mà cảm thấy cái bản sắc ấy tự nhiên nảy nở trong lòng họ và lôi cuốn họ, chẳng kém, hoặc còn hơn, là khi nghe một bản nhạc nước ngoài. Ít có nhạc sĩ VN khác nào làm được điều đó.

Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 2013)

Nhạc sĩ Phạm Duy  (1921 - 2013)
 

        Ngày trở về anh bước lê, trên quãng đường đê,

              đến bên lũy tre, nắng vàng hoe,

        vườn dâu trước hè cười đón người về...

                                   

        Người hát rong thế kỷ nay đã trở về nhà. Ra đi từ phố Hàng Dầu ngay Bờ Hồ, Hà Nội, gót chân ông đã chu du khắp các nẻo đường đất nước: từ Hà Nội ông đi Hải Phòng, Móng Cái, Quảng Ninh, vào Nam trong gánh hát Charlot Miều, rồi lại ra Bắc, ông đi kháng chiến, về chợ Đại Cống Thần, lên Việt Bắc, rồi "dinh tê" cùng vợ qua một chặng đường đầy gian khổ để về Hà Nội, rồi năm 54, ông bỏ lại "mồ mả cha ông" theo dòng người di cư vào Nam cùng nhiều văn nghệ sĩ như Lê Thương, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng, Tạ Tỵ v.v. Hai mươi mốt năm sau, biến cố 30-4-75 một lần nữa đẩy ông cùng gia đình gạt nước mắt lên "thuyền viễn xứ" trôi dạt về miền đất tự do nhưng xa lạ. Rồi ba mươi năm sau nữa, những tiếng thì thầm của cố hương "Về thôi, Về thôi! Làm gì có trăm năm mà đợi? Làm gì có kiếp sau mà chờ?" đã gọi ông trở về, như cánh chim thiên di phiêu bạt nay tìm về mảnh đất cội nguồn. Xung quanh cuộc trở về này của ông, một thời, đã có những ý kiến trái chiều, khá phức tạp. Với tình cảm của một người con đất Việt, tôi chịu nhiều ảnh hưởng của những tình khúc Phạm Duy, vì vậy xin được tản mạn đôi chút về ngày trở về của Người hát rong thế kỷ, Người tình già trên đầu non, Cây đại thụ của nền tân nhạc Việt nam. Như vậy là người nhạc sĩ già ấy đã chọn cho mình được một chỗ để yên nghỉ. Không nhất thiết phải nói ra, ai cũng biết rằng đó là quê nhà.
Thời đại mà ông - người đã để lại những dấu ấn vĩ đại trong suốt nửa thế kỷ -đang sống nốt những ngày cuối cùng, là một thời có quá nhiều những cay nghiệt, quá nhiều những đảo lộn của lịch sử, quá nhiều những nhiễu nhương vượt khỏi tầm nhận thức thông thường, nhiễu nhương đến độ khi chọn cho mình một lối về như quê nhà, cũng là chọn con đường đi đầy hệ lụy.

       Được trở về Hà Nội, nơi chứng kiến sự ra đời và những bước đi đầu tiên đến với âm nhạc, vị nhạc sĩ tài hoa này không tránh khỏi cảm xúc hạnh phúc, mong ngóng. Với ông, trở về nơi chôn rau cắt rốn mới thực sự là Ngày trở về!

       Trong Ngày trở về, khán giả yêu nhạc Hà Nội sẽ được thưởng thức những ca khúc nổi tiếng đã làm nên tên tuổi một trong những nhạc sĩ hàng đầu của tân nhạc Việt Nam.

       Trở về quê nhà, nơi đã từng chôn nhau cắt rốn, nơi ta đã được sinh ra và lớn lên từ thưở bé quả là điều đáng trân trọng, đáng được ghi nhận. Không phải ai ra đi, ai đã từng rời xa cái nơi mà mình gắn bó từ lúc sinh thời để đến một miền đất mới mà không khỏi bồi hồi xót xa. Có lẽ ở xứ người thật lắm gian truân, luôn khắc khoải, ngày đêm trông ngóng đợi chờ cho đến một ngày kia quyết định trở về với bao nhiêu khó nhọc trong tâm tưởng để chọn cho mình một sự lựa chọn sáng suốt nhất.

        Rón rén từng bước chân thong thả ung dung trên quãng đường đê, con đê đầu làng bên dòng kênh trong trẻo nước xanh biên biếc, đi dọc theo hai rãnh bờ kênh đi đến bên lũy tre làng xanh ngắt một màu quê hương, với ánh nắng ban mai đang tỏa lan trên lối nhỏ rẽ vào con đường quen thuộc bắt gặp ngay hàng rau xanh ngắt nhà mình, thật là đẹp như một bức tranh phong cảnh thiên nhiên hữu tình làm sao!Thoạt nhìn luống rau mẹ trồng năm xưa mới nhú lên mà nay đã um tùm, mơn mởn non tơ ngon quá chừng sực nhớ lại kỷ niệm năm xưa tại ngôi nhà yêu dấu. Hàng rau như đang mỉm cười đón chào anh chàng thanh niên năm xửa năm xưa khoát áo lính trở về.

 

“Mẹ lần mò, ra trước ao

Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ

Tiếc rằng ta, đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ”.

 

      Mẹ, người mà tất cả những đứa con xa nhà đều nhớ mong, đều muốn quay về ôm chầm lấy đôi tay gầy, đôi vai gồng gánh bao nhiêu việc đồng áng quanh năm bốn mùa không kể nắng mưa. Người mẹ quê thật đẹp, hiện ra trong bức tranh quê thật nhiều cảm nhận. Chúng ta  không thể dùng hết những ngôn từ để diễn tả hết công lao khó nhọc sinh thành dưỡng dục nuôi ta khôn lớn, rồi bỗng nhiên một ngày không xa hầu hết những đứa con trai phải lên đường làm nghĩa vụ, để lại quê nhà hình bóng mẹ già nua, mỏi mòn chờ đợi và trông mong từng giờ, phút, giây để hy vọng con sẽ về. Đêm từng đêm trằn trọc băn khoăn không trọn giấc, cứ thao thức đếm từng canh khuya vắng. Nhưng tiếc rằng sau bao ngày nhớ, ngày mong đó mẹ đã khóc thầm từng đêm gối ướt trong căn nhà nhỏ trống trải, và không kiềm nén được cảm xúc nhớ con nên mắt mẹ đã mù lòa. Có ai hiểu hết lòng mẹ đâu? Có ai làm mẹ mới biết được cảm giác nhớ con là như thế nào? Mẹ quê đã hết một đời lặng thầm hy sinh tất cả vì con cái, luôn mong cho con ăn ngon, ngủ ấm, học giỏi và làm việc hết sức để cống hiến cho Tổ quốc. Có người mẹ nào vĩ đại hơn thế! Có người mẹ nào chịu đựng mỏi mòn, mệt nhọc, vất vả, gian nan, sớm khuya như thế? Vâng, mẹ của chúng con là người tuyệt vời nhất, luôn chở che, bảo bọc, chăm sóc và lo lắng cho con từng ngày. Mẹ là tất cả, về với mẹ quả là hạnh phúc như chưa từng có thể, được nghe mẹ kể chuyện cổ năm xưa, được mẹ ru ầu ơ… dí dầu…. câu hát ru khi còn nằm nôi.

 

“Ngày trở về, trong bếp vui

Anh nói chuyện nghe: chuyện đời chiến sĩ

Sống say mê, đường xa lắm khi nương hồn về quê”.

 

     Về quê mẹ với biết bao dồn nén, biết bao tâm sự chất chồng trong ngần ấy năm con ra chiến trường.Trong bữa cơm chiều chập choạng tối, anh kể mẹ nghe chuyện chiến đấu rôm rả làm sao! Ai đã từng sinh thời trong bối cảnh ấy, giai đoạn chiến tranh khốc liệt, mưa bom lửa đạn tại chiến trường mới hiểu thấu được những gì đang phải đối mặt hàng ngày. Tuy khó nhọc, gian nan, đạn bom liên tục không ngớt, thiếu thốn vật chất, nhưng tình đồng đội, đồng chí đã nung nấu, đã thắt chặt, kề vai sát cánh bên nhau, cùng hỗ trợ về tất cả mọi mặt nên chúng con đã chiến đấu hết mình và đa chiến thắng để trở về, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

“Chiều lặn tà, anh bước ra

Vườn khuya sáng mờ, ruộng đất hoang vu

Luống nghẹn ngào, hẹn sớm tinh mơ anh về đồng lúa”.

 

     Chiều tà ngã bóng, mặt trời sắp xuống núi, bóng nắng đã nhạt dần, hoàng hôn sắp buông trên quê nghèo, chàng chiến sĩ áo lính năm xưa đã ra đồng thăm ruộng lúa, và hẹn sáng mai sẽ ra sớm.

 

“Ngày trở về có anh nông phu chống nạng cày bừa

Vì thương yêu anh nên ngày trở về

Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ”

 

Bình minh thức dậy, anh thanh niên vội vã ra ruộng nương, và biết anh vốn dĩ rất thích đồng làng nên con trâu già đã hết lòng giúp đỡ anh cày xong thửa ruộng mà vui vui.

 

“Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ

Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về

Có anh thương binh sống đời hoà bình.”

 

     Hòa bình lặp lại, thi nhau sản xuất nông nghiệp, mùa vàng bội thu đã về trên quê hương anh bộ đội, cây trái đều tốt tươi khi có bàn tay anh chăm sóc và vun xới.

 

“Ngày trở về, những đoá hoa

Thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa

Có nhiều khi đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà”.

 

    Mười năm anh xa nhà, những đóa hoa xinh tươi thuở trước đã héo hon gầy mòn theo năm tháng vì thương nhớ, vì sắp già cỗi, sắp tàn phai vì đợi chờ một ngày kia anh quay lại thật xốn xang, thật nhói lòng đau.

“Đàn trẻ đùa, bên lũ trâu

Tiếng hát bình minh thoáng trên bãi dâu

Gió về đâu, còn thương tiếc người giọng hát rầu rầu.”

 

     Nhớ những buổi chiều quê ra đồng thả diều, bắt cá, tắm sông, nhớ lũ trẻ đang giữu trâu bò ung dung gặm cỏ trên cánh đồng lúa quê nhà, nhớ giọng ai hát ngân nga trầm bỗng du dương những buổi chiều hè thật ảm đạm làm sao!

“Người kể rằng:Ai hỡi ai

Ai nhớ chuyện ai, chuyện người con gái

Chiến binh ơi, vì sao nát tan gia đình yên vui.

Đừng giận hờn, thôi tiếc thương

Vì Xuân đã về trên khắp quê hương

Chớ thẹn thuồng vì nếu tôi quen em ngoài đồng vắng”

 

    Ngồi buồn một mình gợi nhớ lại câu chuyện năm xưa về người con gái tuổi đôi mươi vẫn ngày đêm hoài niệm về quá khứ, nàng đã đợi chờ trong vô vọng, đã không ít lần giận hờn vì yêu. Cuộc sống êm đềm đang diễn ra bỗng dưng chiến tranh loạn lạc ly tán, gia đinh tan nác, người đi, kẻ ở tạm chia tay vào ngày không hẹn trước. Có sự nhớ nhung, lưu luyến, giận hờn nhưng hãy chỉ là do thời cuộc chứ ai người đâu muốn thế. Thôi đừng giận hờn, đừng oán trách, đừng tiếc thương làm chi.

“Ngày trở về, có anh thương binh lấy vợ hiền lành

Người đẹp bên anh, ta cùng học hành

Những khi tan công, hết việc, xếp gánh

Ngày lại ngày có em vui tươi xách gạo bến nước

Có nắm cơm ngon, ôi trời lạnh lùng

Có đôi uyên ương sống đời mặn nồng.”

 

     Rồi bỗng dưng kết thúc chiến tranh, anh thương binh trở về, tuy không lành lặn như trước nhưng anh vẫn cố gắng vui tươi, lạc quan, yêu đời hơn. Mang trong mình những vết thương chiến tranh rất đau, anh vẫn thế, vẫn là anh lính trẻ khoát màu áo xanh bên mình. Nhưng có lẽ định mệnh đã cho anh gặp lại người con gái năm xưa, người mà anh thương nhất đã đợi chờ anh về bằng bất cứ giá nào. Ông trời đã không phụ tấm lòng thủy chung son sắc của anh và cô. Và hạnh phúc trong tầm tay chưa bao giờ tụt mất, anh đã về với người mình yêu, và nên duyên vợ chồng, cùng nhau gánh vác công việc hàng ngày trong gia đình, trong cuộc sống.

    Có thể nói hàng triệu khán thính giả, người hâm mộ ông sẽ hoài nhớ về người nhạc sĩ tài hoa, một đời cống hiến sự nghiệp cho nền âm nhạc Việt Nam, góp phần thổi hồn mình trong những sáng tác mới, những ca khúc đi vào lòng người. Đương thời cong có các nhạc sĩ tên tuổi lừng danh như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An…

    Viết về quê hương, xứ sở, về người mẹ quê là đề tài muôn thuở mà mỗi thi nhân, mỗi văn nghệ sĩ đều chú trọng. Có lẽ nó như ăn sâu vào gốc rạ, vào tâm hồn, vào sự cẩm nhận tinh tế và phong cách riêng thu hút không ít người mến mộ gần xa, trong và ngoài nước.

    Chúng ta sẽ không bao giờ quên được Phạm Duy, con người và tác phẩm của ông. Và sẽ nhớ mãi “Ngày trở về” một sự dừng chân, hạ cánh an toàn  tại quê nhà, nơi mình đã được sinh ra và trưởng thành./.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây