CHIỀU HUẾ
Huế xanh biêng biếc mấy đồi xa
Lanh lảnh chiều thu tiếng chim ca
Tha thướt áo dài ai dạo phố
Tím biếc hồn mơ khách phương xa.
ĐÊM SÔNG HƯƠNG
Đêm trăng vời vợi mặt sông Hương
Lấp lánh trăng soi dải lụa hường
Vẳng tiếng ca đưa hò mái đẩy
Bâng khuâng lòng khách mấy vấn vương.
TIẾNG CHUÔNG CHÙA
Thinh không bừng vọng tiếng chuông ngân
Du khách dừng chân dạ tần ngần
Đường đến thiền đài xa mấy chốc
Chập chờn bóng núi Huế mưa xuân.
TẶNG CA SĨ HƯƠNG MƠ
Hương rừng ngọt giữa rừng mơ
Lời ca em hát mượt mà đắm say
Em xinh như thể đất này
Một nhành hoa trắng nở đầy sắc xuân.
NÓN BÀI THƠ
Em đội nón bài thơ
Đi giữa lòng phố Huế
Anh khao khát đợi chờ
Phút giây quai nón trễ
Để ngắm nhìn cho dễ
Ửng hồng đôi má ai
Để nhớ mãi, nhớ hoài
Nón thương thương khôn kể.
BỘ ĐỒ RƯỢU TRONG CUNG ĐẠI NỘI
Bộ đồ rượu ấy gặp tôi
Ngay giữa Cung Đại Nội
Chưa kịp đợi mời chào
Tôi vội vàng bước tới
Như từ lâu đã đợi
Một người bạn tri âm
Người thân gặp người thân
Không còn xa nhau nữa
Mừng vui ngày tao ngộ
Rượu dâng thờ tổ tiên
Chén chuốc say bạn hiền
Ơi người thương xứ Huế
Bộ đồ rượu quý thế
Ai mang về với tôi
Để mãi mãi cho đời
Mang hương thơm tài nghệ.
BÁT CANH RAU XẮNG
Tạp văn
Ngày ấy trường Trung cấp của chúng tôi sơ tán về mấy xã vùng giáp Chùa Hương : Lưu Nguyễn, Thanh Bồ và Hương Sơn.
Lớp học gồm các học sinh hết cấp II trở lên độ tuổi 17-22. nhiều anh chị là cán bộ, công nhân được nhà nước cho đi học tuổi còn đến ba bốn chục. Vì vậy học sinh được phép cưới vợ là chuyện bình thường.
Một hôm cậu Tuấn 21 tuổi, học sinh khóa 18 lớp H, quê ngay làng Yến Vĩ tổ chức lễ cưới. Gia đình lên tận lán mời các Thầy cô giáo tới dự vào chiều ngày thứ bảy. Chúng tôi vui vẻ nhận lời. Tuy vậy đến hôm đi, cũng chỉ thu xếp được bốn người gồm tôi, giáo viên chủ nhiệm và ba thầy cô trong tổ môn. Cô Sáu ra cửa hàng mậu dịch mua được một chiếc xoong nhôm , đôi khăn mùi xoa. Thêm hai cuốn sổ tay trăm hai mươi trang làm quà tặng. Cô khéo tay, kiếm giấy đỏ bọc thành gói quà nom cũng lịch sự, tươm tất.
Hương Sơn xưa có câu : “ Cá Phú Yên, tiền Yến Vĩ…” là vì Phú Yên quanh năm nước suối chảy tràn cả đường làng, bờ ruộng nên rất nhiều cá. Còn Yến Vĩ, sở hữu chùa Hương và làm nghề lái đò đưa khách lên chùa nên mỗi mùa Hội thu được rất nhiều tiền. Nghe vậy chúng tôi chắc mẩm chuyến này được ăn cỗ đám cưới to lắm đây.
Bước đến cổng nhà, một cụ cao tuổi cùng một thanh niên chắc là em trai Tuấn đã ân cần ra đón các thầy cô, mời vào ngồi gian giữa. Sau khi có đôi lời chúc mừng hạnh phúc hai cháu và đưa tặng phẩm, cụ cao tuổi lúc nãy giới thiệu “ Tôi là bác ruột cháu Tuấn, xin nhận quà và cám ơn các thầy cô đã bớt chút thời gian vàng ngọc tới chung vui cùng gia đình… mời các thầy cô xơi nước, xơi trầu. Lễ đón dâu cũng sắp về tới rồi “. Rồi cụ đỡ gói quà, truyền tay cho cậu thanh niên đặt lên ban thờ.
Một lát nghe tiếng pháo nổ đì đùng ngoài ngõ. Đông đủ quan viên nhà gái, nhà trai lũ lựơt đi vào. Chú rể mặc quần kaki màu ghi đậm, sơ mi xanh hòa bình, đi đôi dép nhựa trắng Tiền phong. Cô dâu đội nón Chuông, chân đi guốc sơn vàng, vận quần sa tanh đen, sơ mi trắng có gắn một bông hoa hồng tươi đỏ trước ngực. Khi được bước qua ngưỡng cửa thì cô ngả chiếc nón ra, trao cho mẹ chồng. Đôi tân hôn, đứng lễ tổ tiên xong được xếp cho ngồi trên hai chiếc ghế mây, đặt ngay trước phản giữa, nơi các thầy cô giáo vẫn bốn người bốn góc yên vị. Ngay sau đó, mẹ Tuấn đặt ngửa cái nón trở lại vào lòng cô dâu. Mọi người quây quần rất đông xung quanh đôi trẻ.
Bất ngờ một bà chừng trẻ hơn mẹ Tuấn, mặc áo tứ thân lần mở chiếc bao lưng xanh lấy ra một tờ tiền hai đồng, bỏ vào nón rồi tươi cười nói: “ Thím chúc hai cháu trăm năm đầu bạc răng long, đông đàn dài lũ, đủ nếp, đủ tẻ , sung túc mọi bề, phu thê tam hợp. Thím có đôi gà nhiếp này tặng hai cháu làm vốn nhé! “ Thế rồi tất cả mọi người đều làm theo, người dăm ba đồng, kẻ vài hào xu nhôm lần lượt thả vào nón kèm theo những lời chúc phúc rất chân thành. Không biết ai nhiều, ai ít mà chỉ thấy ai cũng có quà cho họ. Có lẽ chỉ còn bốn chúng tôi là khách nữa thôi. Lúc này ngồi trên phản rất bối rối, chưa biết xử trí ra sao. Phải chăng đây là một nghi lễ chúc phúc mà người nhà, khách khứa đều phải thực hiện ? Liệu tặng quà rồi, có phải đưa thêm theo họ nữa không nhỉ?. Tôi bèn đưa mắt nhìn qua cậu thanh niên đón lễ vừa nãy. Rất may, cậu ấy hiểu ý, nhanh tay bê ngay gói quà trên ban thờ đặt xuống phản và nói luôn “ Đây là tấm lòng của các thầy cô giáo, anh Tuấn và chị Thơm hãy đón nhận nhé ! “. Thế là được một cú thở phào nhẹ nhõm. Quả thật đây là lần đầu chúng tôi chứng kiến một phong tục cưới lạ lẫm, mộc mạc, quê mùa nhưng rất chân thành và ý nghĩa như thế này.
Lát sau cỗ cưới được bưng lên. Vẫn bốn thầy cô ngồi trên phản giữa. Cỗ “ tám hai, bốn một “ theo công thức cổ truyền là “ bốn canh, hai thịt, lòng”. Đó là một đĩa thịt lợn luộc thái vỉa mỏng, một đĩa dối, một đĩa lòng . Bốn bát gọi là canh gồm giả cầy, măng, đậu phụ - chuối xanh và rau xắng nấu cá rô. Lại có một chai siro 0,35l nút lá chuối.
Muốn ăn rau xắng Chùa Hương
Tiền đò sợ tốn quãng đường ngại xa…
Thấy chưa, cỗ cưới ở vùng Chùa Hương có rượu, có rau xắng, như thế là thịnh soạn lắm rồi. Chẳng dấu gì quý vị, chúng tôi, tuy là giáo viên nhưng tốt nghiệp đại học mới ra trường tuổi cũng chỉ tương đương học trò. Sức ăn sức lớn. Tiêu chuẩn 15 kg gạo, xuất ăn nhà bếp hôm nào cũng thấy còn ngót dạ. Được bữa cỗ này thì ăn khỏe phải biết. Thế nhưng thức ăn toàn đĩa cỏn con, bát tàu loa nông choèn, mấy chốc chả hết veo. Cơm thì các cháu mang lên đến hai âu rồi, cũng không dám gọi nữa.
Lúc bấy giờ mọi người nhẩn nha nhìn nhau, thôi đành cứ nâng bát, cầm đũa để canh chừng nhau vậy. Phía góc trong, thầy Giá đang còn dở bát cơm. Thầy nhìn vào cái bát tàu loa canh rau xắng, nước trong lắm. Dưới đáy hình như còn một miếng tiết lợn. Thầy đưa đũa vào gắp. Gắp đến hai ba cái, vẫn không được. Ngượng quá, thầy đảo mắt nhìn ba chúng tôi, rồi nhỏ nhẹ : “ Thôi, các thầy kiêng cả, phần tôi!”. Nói rồi thầy cầm bát canh, chan tất vào bát cơm. Không có miếng tiết lợn … mà là cái gan màu nâu tím ở đáy bát, do lỗi men không kín tạo nên.
Chúng tôi ra về, còn ghé vào hiệu “ Miến gà Hà Nội “ do cụ ‘Toàn run” chuyên bán cho thầy trò chúng tôi ăn sáng và ăn thêm buổi tối, mỗi người đánh thêm một bát nữa. Gọi là ông “Toàn run”, bởi khi ông cầm con dao lên, tay cứ run bần bật, ấy nhưng cứ phập một cái, ông chặt miếng thịt gà rất gọn, vừa to bản lại vừa mỏng. Ông nấu miến của vùng Chùa Hương này, ngon lắm và cũng chỉ bán miến thịt gà chặt mà thôi.
Hôm nay ngồi ăn cỗ đám cưới với chín đĩa, sáu súp, ba canh cùng rượu Chi - vat, bia He - ni- ken, lòng tôi cứ chua xót nhớ mãi về bát canh rau xắng ngày xưa.
Hà Nội - Lễ hội Chùa Hương 27/ 2/ 2017 ĐTTL.
Nguồn tin: HNV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn