Chênh vênh
Chênh vênh đầu gió một mình
Đá buồn khóc lặng mối tình đơn côi
Bồng bềnh thương kiếp thuyền trôi
Sóng hờ hững vỗ gầy vơi tháng ngày.
Trăng say
Hồi xuân trăng ngả ngớn say
Dao cau mắt liếc đứt tay đêm rằm
Vục tìm câu chữ sủi tăm
Vần thơ xin hỏi bao năm trăng già.
Màu nắng
Trăng mơ
Đêm qua trăng lại ngủ lười
Trắng đêm chẳng sáng cho người làm thơ
Hay là trăng lại ngủ mơ
Dậy thì... trăng mới ỡm ờ bước ra.
Cuối thu
Cuối thu giọt nắng chớm hao gầy
Thương lắm thu ơi nhớ những ngày
Trời xanh thu biếc trong chùm lá
Mắt đằm trong mắt thu đắm say.
Trăng gầy
Ngỡ mình mộng giấc mơ hoa
Ngờ đâu ai đã hắt qua trăng gầy
Dòng vơi con nước lại đầy
Xuân qua để lại chuỗi ngày hư vô...
Xuân về
Em đi trẩy hội vui xuân
Mưa lây phây bụi tần ngần mắt ai
Thả lòng ngắm cánh đào phai
Lâng lâng rạo rực nhớ hoài xuân xưa.
Muộn màng
Con đò vừa mới sang ngang
Chỉ còn tia nắng muộn màng bên sông
Thương cho cây cải trổ ngồng
Rau răm hờn dỗi lội sông ngược trời...
Ru tình
Mong manh cỏ dại ven đường
Còng lưng hạt cát... giọt sương đọng hoài
Vấn vương tia nắng chiều phai
Rì rào biển hát nhờ ai ru tình
Sen
Sen sắp tàn níu cơn gió bay qua
Nước trong hồ nắng vàng rơi lấp lóa
Mùi hương hoa tỏa lan chiều cuối hạ
Thu lấp ló về bổi hổi thỏa cơn say.
Ru mình trong giấc mơ đời
Với tay rách cả khoảng trời trong xanh
Mộng sàng tay vịn năm canh
Tỉnh ra ắp những ngọt lành mà đau.
Yếm đào
Đêm trăng liễu níu yếm đào
Rối bời em gỡ ngỡ nào tuột dây
Chú cuội nhìn trộm ngất ngây
Má em ửng đỏ loang đầy ánh trăng.
ĐÁ TỰ TÌNH
TRONG GIẤC MƠ THƠ
Nguyễn Vũ Tiềm
Ủy viên HĐLL Hội Nhà văn
Tôi chưa gặp, mà chỉ đọc thơ của chị trên mạng, tình cờ chị liên lạc và gửi bản thảo tập thơ “Đá tự tình”. Thơ Nguyễn Thị Thanh Xuân tươi trẻ hồn nhiên giàu hình tượng nghệ thuật. Tập thơ khá phong phú về đề tài, ngỡ như nhìn vào đâu cũng dào dạt chất thơ.
(Trăng vỡ)
Phảng phất hình ảnh từ ca dao truyền thống “trăng ngã dưới ao đình”, tác giả nâng cấp “vớt ánh trăng lên” nhưng không còn nguyên vẹn mà “vỡ loang từng mảnh” làm cho nỗi buồn càng buồn thêm “sầu thêm trĩu sầu”. Trăng ngã và vớt trăng là một ẩn dụ về cái đẹp bị sa ngã chăng? Mà một khi đã được vớt lên thì nỗi niềm chất chứa ngổn ngang? Thơ ẩn dụ là thông qua các gián cách thẩm mỹ khiến bài thơ đa chiều đa nghĩa, với nhiều cách hiểu và như thế tầm khái quát cũng cao hơn.
(Trăng say)
“Trăng ngã” rồi“trăng say”, bài này có hình ảnh thật sắc nét “dao cau mắt liếc đứt tay đêm rằm”. Mắt dao cau cũng bắt nguồn từ ca dao truyền thống, hình ảnh này thật đẹp nhưng Nguyễn Thị Thanh Xuân lại nâng cấp lên: “mắt liếc đứt tay đêm rằm” khiến đôi mắt sắc kia càng bén hơn và hữu hiệu hơn, thậm chí nguy hại hơn. Thơ đẩy lên cao trào để gây ấn tượng và ám ảnh người đọc. Đây là thủ pháp nghệ thuật khá cao cường mà người làm thơ nào cũng mong đạt tới. Nhưng mong là một chuyện, còn đạt tới đâu thì không phải dễ dàng gì.
(Đêm hờn)
Nguyễn Thị Thanh Xuân có nhiều bài thơ về trăng, chắc chị có nhiều kỷ niệm về đề tài này nên bài nào cũng có nội dung khá sâu sắc và mơ mộng, huyền ảo. Vầng trăng xuống ngủ dưới thuyền là hình ảnh đẹp. Nhưng sao lại “lời nguyền bay xa”? Vẫn cái chuyện éo le tình ái chăng? Đêm ngắn quá chăng để “tiếng gà ngái ngủ” và người với trăng thì “ngoắt ngoa giận hờn”? Ấy là phỏng đoán thế, chứ thơ đã đạt tới đa chiều đa nghĩa thì người đọc có thể mặc sức tưởng tượng, thơ càng phong phú, chiều kích câu thơ được mở rộng mênh mang.
(Trăng non)
Câu mở đầu của bài này khá mới lạ “Rượu say tuột cả tứ câu”, có cảm tưởng như tuột dải yếm trong ca dao xưa. Tác giả lại khéo vận vào công việc làm thơ, bài thơ quan trọng nhất là cái tứ, vậy mà “tuột cả tứ thơ” thì trớ trêu và cũng thật là gợi cảm. Cái khéo của Nguyễn Thị Thanh Xuân là vận dụng ca dao truyền thống một cách kín đáo không bị lộ bài. Không lộ mà vẫn hiển lộ, hiện diện một cách rất có duyên. Câu cuối bài thơ “đắm đò mắt nhau” cũng lại là một ẩn dụ đẹp, là một cách nói về đắm say một cách thanh nhã.
(Trăng nghén)
Từ hiện tượng nguyệt thực mà liên tưởng tới “trăng nghén” chứng tỏ sức tưởng tượng của nhà thơ phong phú và bay bổng lắm. Các nhà thơ Đông Tây kim cổ viết về trăng đã nhiều và viết rất hay, nhưng có lẽ “trăng nghén” từ hiện tượng nguyệt thực thì hình như chưa có. Nếu quả đúng như vậy thì Nguyễn Thị Thanh Xuân có sự đóng góp vào cái đẹp của thơ là đáng được ghi nhận. Chị lại luôn ý thức trong cái đắm say mơ mộng kia lúc nào cũng cần có “viên phèn đánh trong” để tình yêu không bị vẩn đục. Đây một ý tưởng đẹp.
Tôi dẫn 4 bài thơ về một đề tài “Trăng”, mỗi bài một vẻ đẹp riêng không trùng lặp, mỗi bài lại có cách sử dụng hình ảnh từ ngữ độc đáo, sắc nét chứng tỏ một nội lực thơ mạnh mẽ và tươi xanh, trẻ trung và từng trải.
Bài thơ ngắn chỉ có 2 dòng mà cô đọng nỗi niềm sâu nặng, “con chữ không lời” có chi mà đau vậy? Thấp thoáng nét thơ siêu thực. Siêu thực nhưng không siêu hình, “con chữ” có lẽ tượng trưng cho một số phận chìm nổi chăng? Và cái “người đa đoan” kia bị bỏ rơi vì lý do gì vậy? Những câu hỏi bỏ ngỏ để người đọc tự nghĩ suy và có nhiều cách lý giải. Thơ cô đọng, hàm súc, lời ít mà ý tưởng mênh mang.
(Xuân thì)
Sao không phải tiếng người gọi đò mà lại là “tiếng sóng gọi đò”? Sao hình ảnh con người lại phải giấu đi? Trong thơ Nguyễn Thị Thanh Xuân thường có những góc khuất kín đáo để người đọc mặc sức liên tưởng. Mỗi người ở hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau có sự liên tưởng khác nhau. Thơ vậy mới phong phú, đa đoan, chìm nổi không biết đâu mà lường. Ở bài thơ này có câu thật hay “Gánh Giêng Hai vẹt lối đi sang chiều”. “Giêng hai” thuộc lĩnh vực thời gian không thể “gánh” được, nó rất trừu tượng vậy mà trĩu nặng đến vẹt cả “lối đi sang chiều” thật là cụ thể. Câu thơ nặng trĩu nỗi niềm. Người xưa nói “thi tại ngôn ngoại” Ý thơ ở ngoài lời là vậy.
Nguyễn Thị Thanh Xuân không dùng cách nói trực tiếp mà thường là thông qua các hình ảnh, hình tượng làm ẩn dụ. Thơ chị phong phú về đề tài, bút pháp biến hóa linh hoạt.
Đá vốn vô tri mà được nhà thơ nhân cách hóa, chúng biết “tự tình” với nhau là môt sáng tạo mới mẻ và hay.
Chúc mừng thành công mới của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Xuân qua tập thơ “Đá tự tình”.
TP. Hồ Chí Minh 5/7/2020. N.V.T
Nguồn tin: BVM
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn