Hôm nay ngày 9/1/2025 tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội diễn ra Đại hội cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ XI (2025 - 2030) - Khối Hà Nội.
Khối có 117 hội viên, hội viên cao tuổi nhất: nhà văn Xuân Thiêm 99 tuổi và hội viên trẻ nhất: 35 tuổi.
Ban chấp Hành Hội Nhà văn Việt Nam về dự, có: Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều; Phó Chủ tịch Trần Đăng Khoa; Phó chủ tịch Nguyễn Bình Phương các uỷ viên Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hữu Việt và Lương Ngọc An.
Chủ tịch đoàn gồm nhà thơ Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội; nhà thơ Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và nhà thơ Doãn Bạch Ngọc.
Thư ký đại hội gồm hai nhà văn: Nguyễn Vinh Huỳnh và Bế Kim Loan
Sau lễ chào cờ và khai mạc đại hội, nhà thơ Trần Gia Thái thay mặt Chủ tịch đoàn đọc báo cáo tổng kết các hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ X( 2020-2025) với các nội dung chính như sau:
Ban Chấp hành khóa X đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vì sự nghiệp phát triển của văn học, tập hợp đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, tích cực trong sáng tác, xét giải, trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam
Ban Chấp hành đã tổ chức nhiều trại sáng tác, hội thảo, tọa đàm được phân bổ ở các khu vực và nhiều lĩnh vực khác nhau, phát hiện bồi dưỡng tài năng trẻ và Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc tháng 6 năm 2022 tại Đà Nẵng.
Hội đã kêu gọi được gần 900 triệu đồng để ủng hộ người dân bị ảnh hưởng trong cơn bão Yagi, sử dụng số tiền quyên góp đúng mục đích và kịp thời.
Trong chương trình ý kiến các nhà văn, Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều khuyến khích các nhà văn bày tỏ ý kiến cũng như quan điểm của mình để phát triển Hội nhà văn ngày một tốt hơn. Trong không khí cởi mở đó một số nhà văn đại biểu đã có những ý kiến góp phần xây dựng hội rất tích cực và thẳng thắn:
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: đề nghị Ban Chấp hành cho biết về phương hướng hoạt động hội trong những năm tới, khi có tinh gọn biên chế và việc Nhà nước cắt giảm ngân sách cho các hoạt động của Hội. Ông cũng đề nghị Ban Chấp hành nên có những hỗ trợ cho các tác phẩm, nhà văn mang tính đột phá, những tác phẩm nói được tiếng nói của đời sống xã hội, của lương tri.
Nhà văn Lê Hoài Nam nói về các xu hướng phát triển của văn học cổ điển và hậu hiện tại trong thời kỳ mới. Ông cho rằng muốn Hội Nhà văn có một vị trí xứng đáng trong xã hội chúng ta cần có một cuộc chấn hưng văn chương, các nhà văn sáng tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn riêng, phong cách riêng, với nhiều trường phái và xu hướng tranh đua nhau thì đó sẽ là nền văn chương phát triển. Ngoài ra những năm gần đây có những dư luận không tốt về một số hội viên, ông mong muốn tất cả những ý kiến sẽ được Ban Chấp hành giải quyết dứt điểm, công bố trước công luận.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải nói về giá trị thiêng liêng của nhà văn, nhà văn đặt bút viết phải vì con người, có trách nhiệm về ngòi bút của mình với dân tộc với đất nước. Tác phẩm viết ra phục vụ được đồng bào, xã hội, phải có những trường phái văn học khác nhau, có những cây bút tiên phong, dám viết, dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm. Nhân dân và Dân tộc là mục tiêu quan trọng các thể chế khác chỉ là giải pháp nhất thời của từng thời điểm lịch sử.
Nhà thơ Thành Tâm cảm ơn Ban Chấp hành đã lắng nghe ý kiến của bà ở đại hội X về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà văn và đã công khai các thông tin và tiêu chí của các đợt đi thực tế sáng tác và trại viết trên trang website của Hội. Trong nhiệm kỳ qua Ban Chấp hành đã thu hút nguồn lực xã hội để làm nên bộ mặt khang trang của trụ sở, nhà xuất bản, bảo tàng văn học của Hội. Tuy nhiên theo bà nhiệm vụ chính của Hội là khuyến khích sáng tác, kết nạp hội viên có năng lực viết, trao các giải văn học cho các tác phẩm thực sự xứng đáng. Là nhà văn phải có chính kiến với thời cuộc, với sự kiện, đứng trước các thông tin mạng ngoài tư duy lô gic, nhà văn còn phải thẩm thấu bằng trái tim lương thiện, biết bảo vệ lẽ phải.
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh cho biết bà vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007 và là hội viên trẻ. Đang ở năm thứ 30 của lao động viết, bà coi ý thức sáng tạo là đạo đức nghề. Bà không chấp nhận Hội nghề nghiệp quốc gia là hợp tác xã văn nghệ quần chúng, kết nạp những người muốn vào để dán mác, háo danh. Đợt vừa qua Hội kết nạp 60 hội viên là quá nhiều trong khi Nhà nước đang có chủ trương cắt kinh phí hoạt động của Hội. Chỉ khoảng ¼ số người được kết nạp là xứng đáng, đa số là các tên lạ. Trong khi đó danh giá của Hội là do chất lượng hội viên và giải thưởng. Danh giá Nhà văn trong xã hội bị giảm lâu nay là do dễ dãi trong khâu kết nạp. Hãy siết lại chất lượng giải thưởng và tiêu chuẩn kết nạp hội viên để lấy lại lòng tin, sự tôn trọng, uy tín và vươn tới vị thế xã hội cần có. Trước hết trong đội ngũ của Hội phải là những người coi viết là sứ mệnh và nỗ lực tìm tòi, chuyên nghiệp.
Nhà thơ Nguyệt Vũ có ý kiến về việc xử lý đơn thư tố cáo của bên ngoài về Hội viên của Hội. Bà cho rằng là một công dân, nhà văn trước hết phải sống theo hiến pháp và pháp luật. Là một hội viên nhà văn được hoạt động theo Điều lệ của Hội. Theo Điều lệ của Hội, Hội nhà văn Việt Nam không có chức năng xử lý đơn thư tố cáo dân sự, vì vậy khi có đơn thư tố cáo loại này Hội nên chuyển tới các cơ quan có thẩm quyển và trả lời người tố cáo công khai về việc này, hướng dẫn họ đến nơi có đúng thẩm quyền để giải quyết. Hội viên Hội nhà văn cũng là một công dân và cũng cần được pháp luật bảo hộ, họ chỉ được coi là có tội sau khi có kết luận của toà án. Hội nhà văn có quyền điều chuyển cán bộ theo năng lực và nhu cầu công tác của Hội, không nên để bên ngoài can thiệp vào việc sắp xếp, điều chuyển cán bộ của Hội vì bất cứ lý do gì.
Và còn khá nhiều ý kiến góp ý xây dựng, trao đổi nghề nghiệp... như của Nhà văn Nghiêm Thị Hằng, Nhà thơ Chử Vân Long, Nhà thơ Vũ Hùng và Trịnh Quốc Thắng…
Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã trả lời các ý kiến của hội viên, báo cáo về việc trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, việc kết nạp hội viên mới đảm bảo theo đúng quy chế của Hội; việc vận động xã hội hoá các hoạt động của hội trong những năm qua và chủ trương phát triển xã hội hoá trong những năm tới để tổ chức các hoạt động của Hội.
Đại hội đã tổ chức việc bầu đại biểu đi dự Đại hội Nhà văn toàn quốc, dự định vào tháng 4 tới. Sau kiếm phiếu đại hội đã bầu được 59 đại biểu chính thức và 06 đại biểu dự bị của Khối các nhà văn Hà Nội tham dự Đại hội Hội nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ ( 2025-2030).
Các nhà văn cũng tham gia đề cử các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch và uỷ viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ tới.
Đại hội đã thành công tốt đẹp sau khi đã hoàn thành tất cả các chương trình đề ra. Các nhà văn được khuyến khích nói ra các suy nghĩ của mình, góp ý để phát triền Hội nhà văn Việt Nam trong tình hình mới. Bước đầu chuẩn bị vững vàng cho Đại hội Hội nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ ( 2025-2030) sắp tới.
Nguyệt Vũ