Dòng chảy kỳ vĩ của biển văn học Việt Nam

Thứ tư - 04/10/2023 19:20
Vanvn- “Sự dâng hiến không vụ lợi và những sáng tạo của các nhà văn lão thành cho dân tộc đã trở thành di sản vô giá trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và là một phần quan trọng trong hành trang của các thế hệ nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình”, đó là những khẳng định của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành lần thứ nhất diễn ra tại Hải Phòng sáng 30.9.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị.

Được tổ chức trong không gian trưng bày sống động và hấp dẫn những hình ảnh, sự nghiệp của các nhà văn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và các nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành lần thứ nhất đã tri ân và tôn vinh các nhà văn lão thành có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà.

1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt các nhà văn lão thành

Những ký thác nóng bỏng của một thế hệ nhà văn

Phát biểu tại Hội nghị đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, về dự Hội nghị lần này có 300 đại biểu nhà văn của nhiều thế hệ từ hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đến nay. Nhiều nhà văn tham dự Hội nghị này đã bước vào cuộc chiến tranh khi còn rất trẻ. Họ cầm súng và sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân cho sự tồn vong của dân tộc. Họ cầm bút để bảo vệ lương tri và phẩm giá con người Việt Nam trước mọi đe dọa, mọi thách thức.

“Cho đến nay, có biết bao nhà văn của từng thế hệ đã ra đi. Chúng ta không còn được gặp họ nhưng chúng ta gặp họ trong giấc mơ làm người cao cả và trong khát vọng sống bất diệt của một dân tộc. Những gì họ đã sống, đã sáng tạo, những gì họ viết đã hoá thành trầm tích trong dòng chảy vô tận của văn hóa dân tộc”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động cho hay.

Các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ, nhất là các nhà văn lão thành đã không phụ sự ủy thác của Nhân dân, của đất nước và của Đảng, đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của Nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian, góp phần tạo nên nền văn học chân chính, đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, đây là lần đầu tiên Hội nhà văn Việt Nam tổ chức một Hội nghị dành riêng cho các nhà văn lão thành. Đó là sự quan tâm của Ban chấp hành với các hội viên đã bước sang lứa tuổi “xưa nay hiếm”.

Chính vì vậy, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hội nghị này cũng có thể gọi là Hội nghị các nhà văn thuộc thế hệ chống Mỹ và cũng để tỏ lòng thương tiếc sâu sắc những nhà văn đã hy sinh trong chiến tranh và mới mất trong mấy năm gần đây.

Hầu hết các nhà văn lão thành là những người được sinh ra và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong số họ, nhiều người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt, thường xuyên đối mặt với đạn bom, cái chết.

Hội nghị là dịp để tôn vinh, tri ân các nhà văn lão thành, trong đó rất nhiều nhà văn đã là “nhà văn chiến sĩ”, đi qua các cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, sáng tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn thời đại, như những “đoàn quân” đặc biệt mang sức mạnh tinh thần Việt Nam bất diệt, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc.

Vị chủ tịch lâu bền của Hội Nhà văn Việt nam bày tỏ: “Vào độ tuổi này, thời gian đã cho phép chúng ta nhìn lại và suy ngẫm về một đời người qua những cái mốc của lịch sử ghi dấu những chặng đường và những thay đổi kỳ diệu của đất nước ta mà một bộ óc giầu tưởng đến đâu cũng không thể nghĩ ra được.

Trong các sự kiện đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ là một trong những sự kiện có ảnh hưởng và để lại dấu ấn sâu đậm nhất đối với mỗi nhà văn chúng ta. Bởi vì đó là sự kiện mang tính sống còn ập đến trong lúc chúng ta vừa bước vào đời và kéo dài đến hết tuổi thanh xuân. Tuy vậy, đối với một dân tộc luôn luôn phải đối mặt với các cuộc chiến tranh trong quá khứ thì việc chúng ta tình nguyện đứng vào hàng ngũ chiến đấu của nhân dân là một lẽ tự nhiên, không còn sự lựa chọn nào khác”.

Ông cũng cho rằng, trong những thăng trầm của chiến tranh, văn học đã giúp cho người ta vượt qua những phút xao lòng sau những mất mát đau thương. Với những tác phẩm đã đi vào lòng người, văn học đã phát huy truyền thống “Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, làm rạng danh chủ nghĩa nhân văn thời đại Hồ Chí Minh, góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ Việt Nam không chỉ là tên gọi một cuộc chiến tranh mà còn là tên gọi của một nền văn hiến lâu đời.

Khi bước vào sự nghiệp đổi mới, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, đây là thời kỳ các nhà văn chống Mỹ là đội quân chủ lực đem đến những bước phát triển đột phá của văn học ta. Dưới ánh sáng các Nghị quyết của Đảng về văn hoá và văn học nghệ thuật, quyền tự do sáng tác được tôn trọng; đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác và chức năng của văn học được mở rộng. Đời sống văn học trở nên sống động, mới mẻ, cởi mở đáp ứng nhu câu hưởng thụ đa dạng và ngày càng cao của bạn đọc. Đây là thời kì xuất hiện hàng loạt tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đưa nền văn học nước ta phát triển lên một tầm cao mới.

Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: “Năm tháng trôi qua, sự sàng lọc của thời gian thật là khắc nghiệt. Nhưng những gì thực sự là tâm huyết, là sự thăng hoa sẽ còn lại như những ký thác nóng bỏng của một thế hệ nhà văn về một thời đoạn lịch sử nhiều bão táp, dữ dằn với tinh thần dũng cảm phi thường, những hy sinh to lớn và chiến thắng vĩ đại không bao giờ quên”.

4

Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành lần thứ nhất có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu nhằm tri ân và tôn vinh các nhà văn lão thành có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà. Ảnh Cổng TTĐT Hải Phòng.

Theo nhà lý luận Nguyễn Đăng Điệp, đóng góp nổi bật nhất của các nhà văn lão thành là họ đã cùng những nhà văn của thế hệ mình tạo nên một thời đại văn học mới khác hẳn văn học trước 1945 cả về quan niệm và thi pháp nghệ thuật.

Niềm cảm hứng bao trùm trong sáng tác của họ là ngợi ca vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam trong những thời khắc hào hùng nhất của lịch sử. Nhân vật trung tâm trong văn học kháng chiến là quần chúng nhân dân lao động vươn lên làm chủ cuộc đời mới, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Vẻ đẹp ấy được thể hiện sinh động trong tác phẩm của nhiều nhà văn lão thành.

Bảo vệ phẩm giá con người bằng con đường kỳ diệu của văn học

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết: “Văn học là một trong những thành tố vô cùng quan trọng làm nên vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, lan toả vẻ đẹp ấy trong đời sống, đánh thức tình yêu và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam với Tổ quốc của mình”.

Theo Chủ tịch nước, kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược bằng những con người cụ thể, được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình lại không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hoá và đi ngược lại xu thế của thời đại…

Chính vì thế, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và yêu cầu cao hơn. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này.

“Các nhà văn Việt Nam luôn là những chiến sỹ tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác và bảo vệ phẩm giá con người bằng con đường kỳ diệu của văn học, gieo những hạt giống của cái đẹp vào tâm hồn con người. Chỉ khi con người mang trong tâm hồn mình những vẻ đẹp nhân tính thì mới đi qua được sự cám dỗ của những dục vọng thấp hèn, mới có thể dâng hiến cho con người và cho dân tộc”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bày tỏ tình cảm yêu quý, trân trọng các nhà văn lão thành, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ: “Tôi nhận thấy rằng, cuộc đời và tác phẩm của các nhà văn lão thành là biểu tượng thật đẹp của sự thống nhất trong lý tưởng và hành động, tràn đầy tình yêu Tổ quốc, gắn bó và gần gũi với Nhân dân, hòa mình vào dòng chảy của đời sống, khát vọng lớn lao, đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết”.

Các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ, nhất là các nhà văn lão thành đã không phụ sự ủy thác của Nhân dân, của đất nước và của Đảng, đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của Nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian, góp phần tạo nên nền văn học chân chính, đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành lần thứ nhất đã tôn vinh sự cống hiến của 3 nhà văn, nhà thơ đã có sự cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của nền văn học Việt Nam, đó là nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà thơ Hữu Thỉnh.


6

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa, bằng tôn vinh cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nhà thơ Hữu Thỉnh; Vì lý do sức khoẻ, nhà văn Ma Văn Kháng đã không thể đến tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tặng hoa chúc mừng các nhà văn, nhà thơ được tôn vinh và gửi quà tặng các nhà văn dự Hội nghị.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã trao Bằng tôn vinh tặng các nhà văn.

Tấm gương lao động nghệ thuật cho thế hệ nhà văn trẻ

Bằng trải nghiệm của mình qua những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của dân tộc, các nhà văn lão thành tiếp tục là chỗ dựa tinh thần bền vững và tin cậy, truyền cảm hứng, kinh nghiệm sống và sáng tác, khích lệ cá tính sáng tạo, ủng hộ cái mới cho các nhà văn trẻ sao cho phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.

Các nhà văn lão thành còn giúp cho các nhà văn trẻ hiểu sâu sắc hơn giá trị của hòa bình mà đất nước có được hôm nay, thấy rõ hơn những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đã giành được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm tháng qua.

Với những suy tư về thế hệ các nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Tôi nghĩ về nền văn học Việt Nam giống như nghĩ về dòng chảy của một con sông lớn, một dòng không bao giờ ngưng nghỉ và luôn hướng về biển lớn. Thế hệ nước hôm nay, nối tiếp thế hệ nước trước đó tạo ra vẻ đẹp huy hoàng và kỳ vĩ của dòng sông, cũng như thế hệ nhà văn này, nối tiếp thế hệ nhà văn khác tạo nên lịch sử của cái đẹp và tư tưởng cho một nền văn học”.

Mỗi thế hệ nhà văn luôn tiếp nhận những giá trị và sự truyền cảm của thế hệ nhà văn đi trước cho nên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng chúng ta không thể tách rời con nước hôm nay ra khỏi con nước của hôm qua, bởi mọi sự gắn kết sẽ đều làm nên sức mạnh, mọi sự chia tách đều dẫn tới suy tàn.

“Khi tôi chạm tay vào dòng sông, tôi nhận thấy vẻ đẹp và sức mạnh của nước trong vẻ đẹp của nước hôm nay có vẻ đẹp của nước hôm qua và của ngàn năm trước. Mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam trong từng thời đại của lịch sử cũng giống như thế hệ của nước, của dòng sông đang làm nên dòng chảy kỳ vĩ của biển văn học Việt Nam”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng mong rằng có một sự gắn kết đặc biệt hơn nữa giữa các nhà văn lão thành và các nhà văn trẻ. Đó là sự gắn kết của tình yêu thương, sự thấu hiểu, sự tôn trọng cá tính sáng tạo và vì một sứ mệnh lớn lao chung là sáng tạo ra tác phẩm hay, góp phần làm phong phú, đẹp hơn đời sống tinh thần của xã hội, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới.

Sự dâng hiến không vụ lợi và những sáng tạo của các nhà văn lão thành cho dân tộc đã trở thành di sản vô giá trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và là một phần quan trọng trong hành trang của các thế hệ nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình.

Chủ tịch nước tin rằng: “Với những nền tảng mà những nhà văn lão thành đã gây dựng được cho nền văn học và văn hóa Việt Nam, những người viết trẻ sẽ không lạc lối, đủ bản lĩnh, tỉnh táo và lòng dũng cảm để dấn thân, đam mê, khám phá và sáng tạo, tìm kiếm những giá trị mới, cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao chạm đến xúc cảm của công chúng, những tác phẩm xứng đáng với Tổ quốc, con người Việt Nam”.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh những tác phẩm văn học có giá trị, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

7

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự hội nghị.

“Thời gian sẽ là nhân chứng tin cậy nhất cho con đường mà dân tộc đã, đang và tiếp tục bước đi. Trên con đường đi tới của dân tộc có dấu chân bền bỉ và không mệt mỏi của các nhà văn – những người bằng trí tuệ, bản lĩnh, tình yêu thương con người và linh cảm nghề nghiệp, sẽ dựng nên chân dung con người Việt Nam, chân dung dân tộc Việt Nam với khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, với niềm kiêu hãnh và tinh thần bất khuất trước mọi khó khăn, thách thức”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kỳ vọng.

Các nhà văn lão thành Việt Nam, bằng thành tựu và kinh nghiệm nghệ thuật của mình đã trở thành tấm gương lao động nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Họ xứng đáng được tôn vinh và ngưỡng mộ. Bởi đó là những nhà văn chân chính, cao đẹp cả về nhân cách và văn cách.

HUYỀN THƯƠNG

Thời báo Văn học Nghệ thuật

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây