Ra mắt tập thơ của nhiều tác giả: Đông Anh - Thơ chọn, Tập 1

Thứ hai - 24/06/2024 14:14
Ra mắt tập thơ của nhiều tác giả: Đông Anh - Thơ chọn, Tập 1

           
       
Vào hồi 8h30 ngày 21 tháng 06 năm 2024, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Đông Anh đã tổ chức buổi: Ra mắt và giới thiệu tác phẩm ĐÔNG ANH- THƠ CHỌN (Tập 1) do nhà thơ Khang Sao Sáng - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Hà Nội khu vực Bắc Sông Hồng, tuyển lựa và biên tập.

Tới dự buổi giới thiệu tác phẩm có Nhà thơ Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Hà Nội, cùng các nhà văn, nhà thơ đại diện Ban Công tác hội viên và các Chi hội trực thuộc Hội Nhà văn Hà Nội. Tới dự còn có các ông, bà đại diện Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao cùng 6 Câu lạc bộ văn thơ trong và ngoài huyện Đông Anh. Nhiều tổ chức và cá nhân tới dự tặng hoa và phát biểu chúc mừng.

Sáng

Nhà thơ Khang Sao sáng - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Bắc Sông Hồng  giới thiệu khái quát Tác phẩm

193d728af6923d45bf8ffe567e9413db
Một số đại biểu về dự buổi giới thiệu Tác phẩm chụp ảnh kỷ niệm

 

     Chương trình buổi ra mắt sách có sự chuẩn bị tốt. Các bài phát biểu tham luận cũng  được chuẩn bị công phu. Trong đó, nổi bật là bài Giới thiệu tác phẩmĐông Anh- Thơ chọn. Tập 1” của Phó Giáo sư tiến sĩ Vũ Nho, bài cảm nhận những vần thơ viết về Người mẹ của nhà giáo Trần Thị Tửu và bài viết về Tình quê hương của nhà giáo Hoàng Thị Nguyệt. Nhà thơ Khang Sao Sáng thay mặt Ban vận động sáng tác “Đông Anh- Thơ chọn” đã trao phần thưởng Tác phẩm hay nhất cho nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Văn Song với thi phẩm “Một đời áo nâu”. Trong ý kiến phát biểu của mình, nhà thơ Bùi Việt Mỹ đánh giá cao chất lượng của tập sách “Đông Anh- Thơ chọn tập 1” và bày tỏ niềm tin vào những thành công tiếp theo của các nhà văn, nhà thơ cùng đội ngũ tác giả huyện Đông Anh. Một số tiết mục văn nghệ do những người làm thơ, yêu thơ của Đông Anh biểu diễn góp phần làm buổi Giới thiệu sách trở nên sinh động, đem lại nhiều cảm xúc đối với người dự.

     Hội nghị Ra mắt và giới thiệu tác phẩm “Đông Anh-Thơ chọn (Tập 1) đã thành công tốt đẹp.

Phương Anh



 

hinh anh me va con dep nhat 104854194

Đôi điều cảm nhận về chủ đề người Mẹ
trong "Đông Anh - Thơ chọn" tập 1

Ảnh: ST

         
          Bài tham luận của Nhà giáo Trần Thị Tửu

 

          "Đi khắp thế gian không ai sánh bằng mẹ" câu ca dao từ ngàn đời đến nay vẫn đúng. Mẹ là mạch nguồn sự sống, là nơi khởi đầu và nguồn suối vô tận nuôi dưỡng tình yêu thương. Không gì có thể so sánh được với mẹ. Có lẽ vì thế mà mẹ đã hiện hữu trong các loại hình nghệ thuật đặc biệt là thơ ca. Với "Đông Anh- Thơ chọn" tâp1 ra mắt bạn đọc hôm nay, những bài thơ viết về mẹ của một số tác giả đã làm tôi rất xúc động. Tôi xin trân trọng được trình bày đôi điều cảm nhận về chủ đề MẸ trong tập thơ.

       Mấy ai trong số chúng ta ngồi đây hôm nay vẫn còn mẹ để được đền ơn báo hiếu, để được yêu thương phụng dưỡng. Vì thế nỗi nhớ mẹ da diết, lòng biết ơn mẹ, sự khao khát được trở về tuổi thơ để được nằm trọn trong vòng tay của mẹ nghe câu hát ầu ơ đưa ta vào giấc ngủ cứ cháy bỏng và da diết lòng ta. Tất cả yêu thương , khát khao  đó đã được các tác giả gửi gắm vào những vần thơ mộc mạc, giản dị nhưng đầy ắp cảm xúc của mình.

Các thi phẩm của tác giả Nguyễn Mạnh Dưỡng, Đặng Trung Lạc, Khang Sao Sáng, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Thị Tuyết, Lê Minh Tý... đã cho ta thấy những phẩm chất cao đẹp của bà mẹ Việt Nam nói chung và bà mẹ của riêng mỗi nhà thơ. Đồng thời cũng cho ta hiểu mỗi tác giả có cách cảm nhận, cách viết khác nhau về mẹ nhưng đều thể hiện những cung bậc tình cảm yêu thương, kính trọng ,biết ơn và thương nhớ của mình dành cho mẹ.

Trong bài LAU ẢNH MẸ của nhà thơ Nguyễn Mạnh Dưỡng, người con nâng niu tấm ảnh mẹ ở bàn thờ mà những giọt nước mắt cứ ngậm ngùi rơi trong nỗi buồn vô hạn, nỗi nhớ mẹ da diết. Những dòng thơ lục bát ngọt ngào, chất chồng bao cảm xúc:

" Đừng nhìn giọt mắt con rơi
Răng đen như mãi thơm mùi hạt cau
Lặng yên mẹ để con lau
Sáng trong khung kính thấy đâu bóng người
Trắng đen đúng mẹ ta rồi"

Đôi mắt hiền từ của mẹ như đang ngắm nhìn con trai của mình âu yếm, yêu thương. Mẹ như đang hiện hữu, hàm răng đen của mẹ vẫn thơm mùi hạt cau của miếng trầu bà ăn thuở nào. Mải ngắm tấm hình mẹ, bất chợt nhà thơ nhận ra mẹ đâu còn nữa. Đây chỉ là hình mẹ " Sáng trong khung kính thấy đâu bóng người". Hóa ra cứ mải ngắm, cứ mải lau, mải nghĩ về mẹ rồi tác giả chợt giật mình hiểu một sự thật " Trắng đen đúng mẹ ta rồi". Đây cũng là câu 6 tiếng kết thúc bài thơ như một sự thức tỉnh trở về với thực tại mẹ đã đi xa thật rồi. Mẹ chỉ còn trong ta một nỗi nhớ khôn nguôi… Bài thơ là sự lắng đọng cảm xúc, là tình thương nhớ vô cùng của nhà thơ dành cho mẹ của mình.

          Bài HƯƠNG TRẦM  của nhà thơ Đặng Trung Lạc đã đưa ta đến với cảm xúc về đức hi sinh lớn lao của người mẹ khi đất nước có chiến tranh. Là người đã từng tham gia chiến đấu nơi chiến trường Miền Nam ác liệt thời chống Mĩ, nhà thơ đã thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ những người thân và nhất là nhớ mẹ. Lấy đề tài người chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận hương hồn anh trở về tâm sự cùng mẹ ở chốn quê nhà, tác giả không chỉ bộc lộ tình cảm của người con với mẹ mà còn cho bạn đọc thấy sự hi sinh và những đóng góp lớn lao vô giá của mẹ cho nền độc lập của dân tộc.

 Mở đầu bài thơ là 4 câu ngập tràn cảm xúc:

"Con đã về sau cuộc chiến mẹ ơi
Hương lúa nâng nâng lời ru thuở ấy
Ôm đầu con mẹ bắt từng con chấy
Cha bố mày ...tóc cháy khét nắng quê".
Có lẽ với người mẹ nào thì con cái cũng là tài sản quí giá nhất của cuộc đời. Cho dù con mình có bao nhiêu tuổi thì với mẹ nó vẫn mãi là đứa trẻ  cần được chở che, ôm ấp, vỗ về. Về với mẹ người chiến sĩ nhớ đến bao kỉ niệm đẹp. Những từ và cụm từ mộc mạc, chân quê như : " hương lúa", " lời ru" " ôm đầu con", " bắt từng con chấy" đặc biệt cụm từ " cha bố mày"... tất cả đã tạc nên bức chân dung người mẹ nông dân hiền lành, chất phác, giàu tình cảm. Mẹ đã dành cho con tất cả những gì yêu thương nhất.

Đất nước có chiến tranh mẹ sẵn sàng động viên con lên đường ra trận. Đã nhiều lúc người lính tự nhủ và hối tiếc vì trước khi lên đường họ không kịp nói với mẹ nỗi lòng mình để rồi bây giờ trở về trong làn khói trầm hương, anh mong mẹ hiểu:

" Con về đây thương nhớ mẹ thật nhiều
Cả người ấy tình riêng còn dang dở
Con đã thấy hoa mướp vàng đầu ngõ
Mắt mẹ buồn giọt lệ ngược vào trong"
Câu thơ cuối của khổ thơ đã nói lên rất nhiều về sự hi sinh của mẹ. Có sức mạnh nào lớn hơn lòng mẹ. Có tình yêu thương nào trải khắp các vùng bom đạn như tình yêu thương của mẹ. Người chiến sĩ lúc gian nguy nhất, đau đớn nhất luôn tìm đến điểm tựa vững chắc về tinh thần nơi mẹ. Ngay cả khi đã ra đi rồi họ vẫn hướng về mẹ, tìm về bên mẹ để chia sẻ, thấu hiểu nỗi lòng mẹ dành cho mình. Mẹ đã nuốt đi những giọt nước mắt để tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến.

Câu thơ: “ Mắt mẹ buồn giọt lệ ngược vào trong" thật giản dị nhưng ý nghĩa lại vô cùng sâu sắc. Nó vừa diễn tả được sự thấu hiểu của người con đối với mẹ vừa làm nổi bật chân dung người mẹ biết chịu đựng, biết hi sinh tất cả đến quên mình.

 Nhà thơ Khang Sao Sáng đưa ta đến với bài NHỚ MẸ. Tác giả này lại tập trung khắc họa hình ảnh người mẹ một đời lam lũ vất vả vì chồng vì con. Khi ra đi bà đã để lại nỗi đau đớn tiếc thương vô hạn trong lòng nhà thơ. "Nhớ mẹ " được tác giả viết theo lối thơ tự do gồm 5 khổ. Tứ thơ không lạ nhưng tình thơ thật sâu lắng, ý thơ cô đọng, ngôn ngữ thơ chọn lọc giàu sức biểu cảm.         

 Nếu ở khổ 1 tác giả cho bạn đọc hiểu mẹ đã đi xa nằm lại nơi " đồng thiêng cỏ biếc" 10 năm rồi nhưng hình ảnh mẹ vẫn đau đáu trong lòng con thì đến khổ 2, 3, 4 chân dung của mẹ đã hiện lên qua từng câu chữ. Đó là một người mẹ nông dân có chồng ra mặt trận, một mình bà ở nhà với đôi vai gầy gánh vác việc gia đình nuôi các con khôn lớn.  Đọc những câu thơ:         " Nén nỗi đau chất chồng bể khổ/ Nặng vai gầy héo sức đường xa/ Đội bão nuôi con/ Mưa dột mái nhà/ Đợi cha ngày trở về chiến thắng" Ta như thấy có bóng dáng mẹ mình trong đó. Các cụm từ " Nén nỗi đau", " chất chồng bể khổ", " Nặng vai gầy", " Đội bão nuôi con", " Mưa dột mái nhà"...là những cụm từ có sức nặng miêu tả và biểu cảm cao. Tác giả đã miêu tả sự chịu đựng, hy sinh vô cùng của mẹ. Nghèo khổ, vất vả là thế nhưng tất cả vẫn không làm khó và cũng không thể làm mẹ gục ngã. Thời gian trôi đi theo năm tháng, cuộc sống luôn biến động đổi thay nhưng 10 năm qua và có lẽ cho đến hết cuộc đời hình ảnh mẹ lam lũ vất vả, chịu đựng hi sinh với chất chồng bể khổ mãi vẫn còn nguyên đó trong nỗi thương nhớ của nhà thơ… Chiến tranh qua đi, chưa được hạnh phúc sung sướng là bao thì cơn bão đời lại ập đến bất ngờ. Mẹ đã rời xa cõi tạm về nơi cửa Phật. Trong những câu cuối của bài thơ là nỗi xót xa đến tận cùng của nhà thơ: "Mẹ đi xa nát nhàu ngày tháng/ Nén nhang đỏ giữa đồng lấp loáng/Cháy lòng con... vọng tiếng mẹ về", ta thấy hai cụm từ " nát nhàu ngày tháng""cháy lòng con" là cách diễn đạt thể hiện nỗi đau, sự mất mát lớn lao, nỗi nhớ mẹ da diết của nhà thơ. Đặc biệt khi tác giả viết " Mẹ ra đi nát nhàu ngày tháng" thì cũng có nghĩa là mẹ ra đi con đau đớn đến nhàu nát cả cõi lòng. Cách nói sáng tạo khó có ngôn từ nào hơn thế  để diễn tả cái tình của nhà thơ với mẹ.

Vẫn là viết về mẹ nhưng " MỘT ĐỜI ÁO NÂU" của nhà thơ Nguyễn văn Song lại thể hiện người mẹ qua hình tượng áo nâu, một hình tượng điển hình về người nông dân thời gian khó.  "Áo nâu" từ ngàn xưa đã đi vào đời sống cơ cực của người nông dân Việt Nam và nó cũng là nguồn cảm xúc của bao nhà văn nhà thơ.

Ca dao từng có câu: “Em là con gái đồng chiêm/ Lấy dao cắt cỏ lấy liềm bổ cau/ Quần màu nâu, áo màu nâu/ Cái thắt lưng láng đứng đâu cũng giòn”. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài “Việt Nam quê hương tôi” lại viết:  " Gái trai vẫn một áo nâu nhuộm bùn". Hôm nay nhà thơ Nguyễn Văn Song cũng nói về áo nâu, nhưng tác giả lại có cách cảm nhận và thể hiện riêng của mình:                 "Một đời mẹ mặc áo nâu
Bao nhiêu áo cũng một màu đất đai
Rách lành kể những hôm mai
Áo hay đời mẹ sờn vai mỗi ngày"
Khi nói đến màu áo nâu ta liên tưởng ngay đến hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Người mẹ trong bài thơ đâu phải là ngoại lệ. Mẹ là người nông dân cả đời chỉ được khoác trên mình tấm áo nâu gắn với màu đất đai bùn vữa. Cái màu đất đai ấy đã làm nổi bật vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của mẹ. Theo năm tháng vất vả của cuộc đời mẹ, tấm áo cũng bạc màu sờn rách. Tác giả đã xót xa khi viết " Áo hay đời mẹ sờn vai mỗi ngày". Đây cũng là câu hỏi cứ xoáy vào lòng ta bao nỗi niềm chua xót. Mẹ của nhà thơ  cũng giống mẹ ta xưa theo sự bạc phai của manh áo mái tóc mẹ cũng đổi màu, làn da mẹ cũng xạm đen vì mưa nắng. Nuôi ta khôn lớn mẹ già đi theo năm tháng. Thế rồi khi ta trưởng thành mẹ lại rời ta đi vào nơi xa thẳm. Tác giả đã tạo nên các hình ảnh so sánh thật độc đáo: "Áo nâu bạc áo nâu gầy/Áo như thửa ruộng chở đầy nắng mưa. Và :  "mẹ như sông phía quê nhà/Dốc lòng đôi vạt phù sa lặng thầm.". Người đọc nhận ra từ cách so sánh ấy là sự hi sinh cao cả thầm lặng, sức chịu đựng bền bỉ, mẹ dãi dầu mưa nắng như thửa ruộng ngoài đồng. Mẹ cũng giống như dòng sông bồi đắp phù sa cho mảnh đất quê nhà để cây cối đơm hoa kết trái… Khi về cõi trăm năm những chiếc áo nâu của mẹ lại được xếp gọn theo mẹ về nơi chín suối. Hai câu kết của bài thơ lắng đọng bao cảm xúc xót xa của người con: " Thôi đành nhờ cả khói sương/ Áo nâu ơi hãy theo đường mẹ đi". Rất nghẹn ngào, rất xúc động, rất đớn đau. Đây chính là cái tình của nhà thơ hay cũng là của mỗi chúng ta với mẹ. Bài thơ như một nén tâm nhang dành cho mẹ. Đó cũng là lòng biết ơn trân trọng, sự thành kính của nhà thơ gửi mẹ.

 NGHĨA MẸ TÌNH CON  là nhan đề bài thơ của nhà thơ Lê Minh Tý  cũng là nội dung xuyên suốt những bài thơ viết về mẹ trong tập thơ. Ở nơi biên cương thăm thẳm gió sương nhà thơ Lê Minh Tý  nhận tin mẹ ốm liệt giường anh xót xa nhớ mẹ . Thuở hàn vi mẹ đã "Quanh năm tất tả chỉ vì các con". Tấm thân gầy, đôi chân chai sạn sấp ngửa ngược xuôi lo toan sớm khuya mọi việc:  "Sạn chai chân xước vẹt mòn/ Tấm thân sấp ngửa lo trò sớm khuya". Mẹ ốm, anh đã vội vàng xin được về thăm mẹ. Biết rằng ngày mẹ đi đã tới gần nhưng nhìn thấy đôi mắt mẹ cười nhà thơ cũng yên lòng: " May thay đôi mắt mẹ cười / Con mừng ngấn lệ nhớ thời lênh đênh"

MẸ ƠI! Là tiếng gọi yêu thương mà hôm nay mỗi khi nhớ về mẹ lòng ta vẫn thầm gọi. Đọc bài thơ MẸ ƠI của tác giả Nguyễn Hữu Thắng ta cũng thấy lòng rưng rưng nỗi nhớ mẹ. Tiếng ru của mẹ như vẫn thoảng đâu đây để lòng ta se lại:  " Ngủ đi! Nào ngủ cho ngon/ Cho đêm ngắn lại/ Cho tròn giấc say". Nhớ mẹ nhà thơ tưởng như có tiếng võng đầu hè, vẳng lời ru của mẹ , tưởng như mẹ vẫn ngồi đâu đây trên bậu cửa nhai trầu kể chuyện ngày xưa. Và thế là tiếng "mẹ ơi" lại da diết trong nỗi lòng nhà thơ " Rưng rưng tôi gọi thì thầm mẹ ơi".

          Có thể nói chủ đề về mẹ trong tập thơ được các tác giả thể hiện theo cách riêng của mình. Dù là cách nào thì hình ảnh mẹ hiện lên vẫn là một biểu tượng vô cùng đẹp. Mẹ dù vất vả, khó khăn nhưng vẫn luôn ngời lên phẩm chất giản dị, cần cù chất phác giầu tình cảm. Viết về mẹ các nhà thơ cũng bộc lộ lòng biết ơn vô hạn của mình với mẹ và nỗi nhớ mẹ đến cháy lòng.

Vẫn còn nữa những bài thơ hay về MẸ trong tập ĐÔNG ANH- THƠ CHỌN Tập 1 để các quý độc giả tiếp tục đọc và thưởng thức, chiêm nghiệm.  

Tr. T.T.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây