Ngày 11/5/2022, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức chuyên đề văn học tháng 5 do nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Sáng tác của Hội chủ trì, với buổi tọa đàm, giao lưu tác phẩm mới của ba nhà văn nữ: Tập sách “Phù sa ký ức” của nhà văn Nguyễn Thị Kim; Tập thơ “Lời thu gọi” của nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng; Tập thơ “Bức tranh vẽ dở” của nhà thơ Vũ Thị Minh Thu. Cuộc giao lưu giới thiệu tác phẩm mới đã thu hút sự tham dự của nhiều hội viên và các độc giả yêu văn học.
Có thể nói, trong suốt gần 2 năm gặp khó khăn, trở ngại vì phải đối mặt với bệnh tật nguy hại và phải giãn cách vì dịch bệnh covid, các nhà văn của chúng ta vẫn luôn bền bỉ sáng tạo và cho ra mắt những tác phẩm tâm đắc của mình và đấy là chính là sự gửi gắm, sự chia sẻ của yêu thương, hy vọng của người cầm bút đối với cuộc đời và xã hội trong những tháng năm đầy biến động và khó khăn này. Và các tác phẩm mới của 3 nhà thơ đã được viết và in trong thời gian giãn cách xã hội vì bệnh dịch covid. Tại cuộc tọa đàm, nhiều bài tham luận, phê bình của các nhà văn: Ma Văn Kháng, Trịnh Quốc Thắng, Bùi Minh Trí, Nguyễn Thị Thiện, Bế Kim Loan… giới thiệu các tác phẩm của ba nữ nhà văn nói trên đã thu hút được sự chú ý của dư luận.
Với 2 tập ghi chép, bút ký, giầu chất tự sự, “Phù sa ký ức” được in song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), mỗi tập dày hơn 400 trang, nhà thơ Nguyễn Thị Kim đã biên soạn lại những mảnh hồi ức, những mảnh kỷ niệm đáng ghi nhớ trong suốt cuộc đời của một tiến sĩ y dược và một nhà văn.
Tác phẩm này được nhà văn Nguyễn Thị Kim viết trong thời gian giãn cách vì bệnh dịch. Nhà văn bộc bạch trên trang sách: “Thế là tôi ngồi viết, ôn lại những ký ức trong tám mươi năm cuộc đời, tôi viết trong một tháng, viết như lên đồng. Nhớ gì viết nấy, những ký ức vui có, buồn có, hạnh phúc và đau khổ…tất tật, tôi bộc bạch hết, tôi chả giấu gì cả. Cái nghèo, cái khổ, cái vất vả trong cuộc đời có phải là xấu đâu mà phải tìm cách che đậy. Chỉ mong các con cháu tôi sau này đọc tôi, rút ra cách khắc phục những bất hạnh đó như thế nào, vượt lên vượt qua số phận ra sao, nhất là lĩnh vực tri thức, tự thân phải học hỏi trau dồi. Theo tôi (chỉ cá nhân tôi) mình bất hạnh mặt nào cần phấn đấu bù vào sự mất mát đó và học cả đời, đến nay đầu hai thứ tóc tôi vẫn học”.
Đọc Phù sa ký ức của nhà thơ Nguyễn Thị Kim, nhà văn Ma Văn Kháng đã có bài viết về tập sách này. Ông nhận xét: “Phù sa ký ức không có cái bay bổng của thơ, tất nhiên. Cũng không mang dấu vết của những loại văn trữ tình hay nghị luận quen thuộc phổ biến. Trước hết, nó là những trang văn, bút ký, những bài viết có tính tự sự. Lối viết chủ yếu là kể lại, là trần thuật, không miêu tả, ít bàn luận. Cứ thế cuốn sách, với những trang viết giầu tính hiện thực, chân chất lần lượt điểm qua gần như cả đoạn đời mấy chục năm của tác giả. Của chính tác giả, từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành và các mối quan hệ. Với một lối viết tự nhiên, không câu nệ, không hư cấu, không tô vẽ, có sao nói vậy, không có dấu tích của một lối làm văn kiểu cách nào đó”.
Cũng với tâm thế của một nhà thơ đi qua mùa dịch bệnh covid, tác giả Nguyễn Thanh Tùng trong tập thơ “Lời thu gọi” đã dành không ít những tâm sự, những khắc họa bằng ngôn ngữ của cảm xúc và hình tượng trữ tình để ghi lại những biến động nhọc nhằn, gian khó của đời sống những tháng năm này:
Cuối xuân! Buồn đến thế
Chỉ cách nhau cánh cửa cuộc đời
Ngoài kia:
Lộc xanh nứt từ cành mốc trắng
Hoa nở từ tấm thân gầy guộc tháng ba
Tiếng chim hót giữa bầu trời u ám
Đường vắng người qua nhà nhà đóng cửa
Sân trường rộng thênh không tiếng trẻ
Cánh cổng nằm im, khóa nhốt chặt bảng đen
Nhìn nhau lặng lẽ nụ cười khẩu trang gói lại…
Để rồi nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng trong xa vắng, cô đơn vẫn muốn được thấy:
Tôi thèm ngắm những gương mặt người
Tôi thèm ngắm những nụ cười vội vã
Tôi thèm ngắm nụ cười lướt nhanh ngoài phố
Quen hay không vẫn ấm áp tình người
Tôi thèm vạt cúc vàng rực rỡ
Hoa sữa trên cành đánh rơi cả mùi hương…
Đến với tập thơ thứ 4 của nhà thơ Vũ Thị Minh Thu “Bức tranh vẽ dở” , hẳn bạn bè văn chương sẽ ngạc nhiên khi bên cạnh những bài thơ vần điệu truyền thống tài hoa vẫn có nơi thơ chị, có sự xuất hiện khá nhiều bài thơ viết theo thể tự do với những tứ thơ khá bất ngờ mang hơi thở của đời sống con người và xã hội đương đại.
Đáng chú ý, mở đầu tập thơ là bài “Trong công viên” với một tứ thơ viết trong mùa dịch bệnh covid:
Ngăn cách sự ồn ào và lặng yên
Bằng những chiếc ghế
Những bức tượng đá đã rêu phong
Những gương mặt người khắc khổ
Cõng trên lưng bụi thời gian
Những đứa trẻ nô đùa sau bức tượng
Khúc khích tiếng cười, ánh mắt rạng ngời sung sướng
Ôi!Nỗi buồn và niềm vui
Khổ đau và hạnh phúc
Cách nhau một chiếc ghế thôi
Không có bức tường
Chợt hôm nay công viên vắng lặng
Ghế đá không người
Vừa hôm qua những cụ già hóng mát
Trẻ con nô đùa sau lùm cây
Hôm nay thiếu những âm thanh quen thuộc
Thiếu tiếng cười của trẻ con
Thiếu tiếng chuyện trò của người già
Thiếu cả nụ hôn và lời thầm thì của những lứa đôi
Nước mắt rơi
Lặng thầm mùa covid
Bài thơ “Trong công viên” của Vũ Thị Minh Thu khép lại như một tiếng thở dài của những ghế đá lặng im và những tượng đá đăm chiêu trong mùa dịch bệnh xa vắng tiếng nô đùa của trẻ em và mùa xa cách của những lứa đôi tình tự.
Có lẽ đây là bước chuyển mình không dễ dàng gì đối với những cây bút đã có đôi chút thành tựu với trường thẩm mỹ của thơ truyền thống khi chuyển sang trường mỹ cảm của thơ tự do hiện đại. Điều này thể hiện khá rõ trong những bài thơ có dấu hiệu tìm tòi, đổi mới của Vũ Thị Minh Thu.
Các Nhà văn về dự buổi tọa đàm. Ảnh Trần Phương Trà
Kết thúc buổi tòa đàm giới thiệu tác phẩm mới, nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã lên chúc mừng 3 nhà văn nữ với những thành tựu bước đầu trên con đường sáng tác văn chương. PV.